Lần đầu tiên viết lời tựa cho người khác, trong lòng thật hơi lo lắng. Người cứ nằng nặc đòi tôi viết lời tựa cho là một thanh niên 8X, nickname của hắn là “Sở Sở Bất Lưu Hương”, chỉ vừa nghe tên đã biết trong lòng gã này tràn ngập tư tưởng nổi loạn rồi.
Những người thuộc thế hệ 8X này đều chung nhau một điểm là chẳng dám tin vào gì hết, cái gì cũng dám đả phá. Nói cho rõ ràng một chút, là họ chẳng tin một điều gì, chỉ tin vào bản thân. Xem tác phẩm này quả nhiên đúng là như vậy. Ngay câu đầu tiên đã là: “Tôi yêu thành phố này, tôi yêu mặt hồ này, tôi yêu những phụ nữ đẹp, nhưng tôi càng yêu bản thân tôi hơn”. Một câu nói đã hoàn toàn bộc lộ nội tâm của người viết, nhưng thật thà như vậy quả cũng đáng yêu. Hiện giờ, tôi coi câu nói này như lời tuyên ngôn của cuốn sách, cũng coi như là tuyên ngôn của những con người thuộc thế hệ ấy.
Nhân vật chính Trần Khang trong truyện quả thực là một kẻ tự yêu bản thân mình đến mức cực đoan. Trước đây hắn từng là một gã lưu manh, khi vào đại học thì làm “thủ lĩnh” của một đám lưu manh, hắn đối mặt với tình yêu, đối mặt với tình bạn, rồi cho đến cả khi đối mặt với bố mẹ hắn, đối mặt với thành phố mà hắn đang sống, tất cả đều dùng một ánh mắt, đó là ánh mắt hoài nghi. Hắn hoài nghi rằng trên thế gian này trước giờ chưa từng có tình yêu, chỉ có cảm giác chinh phục và dục vọng. Tình bạn mà hắn vốn rất coi trọng thì cuối cùng cũng bị sự thực đánh đổ hoàn toàn. Trước mặt hắn, bố mẹ hắn chỉ là hình ảnh tượng trưng cho một thời đại lạc hậu, trong lòng hắn, cái thành phố mỹ lệ này chỉ như một cô ả õng ẹo và kệch cỡm…
Xã hội phát triển đến ngày hôm nay, vấn đề niềm tin đã trở thành một vấn đề lớn. Có một lần, trong một buổi tọa đàm ở một trường đại học nào đó, tôi giảng về niềm tin. Một sinh viên đột nhiên hỏi tôi: Niềm tin là gì? Tôi lập tức mở cuốn từ điển Hán ngữ hiện đại ra tra. Trong từ điển có giải thích thế này: Niềm tin là quan điểm mà bản thân cho rằng là chính xác. Thế là sinh viên đó bèn nói: Vậy thì chúng em đều không có niềm tin.
Vậy là đúng rồi: Không có niềm tin, thế nên mới có Trần Khang, mới có những con người thuộc thế hệ ấy. Chính vì như thế nên hành vi của bọn họ mới đi theo cảm tính, tư duy của bọn họ mới đi theo bản năng. Hắn không ngừng hủy diệt, bị hắn hủy diệt đều là những thứ mà mỗi con người cần đến nhất: Việc làm, tình bạn, tình yêu, tình thân, và cuối cùng là thứ nguyên thủy nhất bên trong hắn ‐ niềm tin. Thế nhưng hủy diệt không hề đem đến cho hắn khoái cảm mà ngược lại, hắn cảm thấy đau khổ, một nỗi đau khổ từ tận đáy sâu linh hồn.
Cuối cùng hắn phát hiện, thứ đã tạo ra nỗi khổ cho hắn chính là niềm tin của hắn, bởi vì hắn không còn niềm tin. Hắn cũng phát hiện, chúng ta sống trên thế giới này vẫn cần phải tin vào một số thứ gì đó; linh hồn cô độc của chúng ta vẫn cần có một số thứ an ủi.
Trước đây tôi đã từng đọc qua một số tác phẩm của các tác giả 8X, tôi cảm thấy những con người của thế hệ này đều là thiên tài về mặt ngôn ngữ và là những kẻ thiểu năng về tư tưởng. Bọn họ đã trở thành chuyên gia quá sớm khi nói tới chuyện nam nữ, những từ ngữ tuyệt vời xuất hiện không ngừng, có điều tác phẩm của bọn họ xoay đi xoay lại vẫn chỉ có mỗi một chút chuyện đó mà thôi. Nhưng tác phẩm này đã khiến tôi phải thay đổi quan điểm của bản thân mình.
Thực ra điều này cũng không thể trách bọn họ được. Con người ta sống trên đời, chuyện ăn uống và chuyện tình dục đại khái cũng chiếm mất một nửa thời gian rồi. Thời gian còn lại thì cũng là vạch kế hoạch và nỗ lực để có thể thỏa mãn được nhu cầu ăn uống và tình dục mà thôi. Với những con người hãy còn trẻ của thế hệ này, bọn họ không cần phải vạch kế hoạch gì cả mà đã có những bữa cơm ngon lành được nấu sẵn đang chờ đợi bọn họ, những tri thức tốt đẹp đã dạy cho bọn họ cách giải quyết vấn đề cơm áo thật dễ dàng, thời đại đã cho bọn họ những tư tưởng cởi mở, và như thế sẽ đảm bảo được vấn đề tình dục. Huống chi chuyện giữa nam và nữ thực sự đúng là một trong những chuyện huyền diệu nhất trên thế gian này, đồng thời cũng là một trong những chuyện khiến người ta phải chú tâm đến nhất. Tác phẩm về chuyện giữa nam và nữ có kể cũng không sao kể hết được. Thời trẻ Goethe từng viết ra cuốn Nỗi đau của chàng Werther, chẳng lẽ đó không phải là một tác phẩm nói về chuyện nam nữ hay sao? Nhưng vấn đề là chúng ta cần nhìn nhận chuyện nam nữ như thế nào.
So với tác phẩm của những tác giả thuộc thế hệ 8X khác mà tôi từng đọc, tác giả cuốn sách này có được một điều khá hiếm có, điều mà những con người cùng thời đại với anh ta thường hay bỏ quên, đó là sự nghiền ngẫm. Anh ta đã cố gắng suy nghĩ về bản thân mình, cố gắng phê phán bản thân mình. Những suy nghĩ và phê phán ấy cuối cùng đã đưa tới một số thứ vượt qua tuổi tác của anh ta. Thông thường chúng ta gọi những con người như thế là trưởng thành sớm. Và yếu tố đó vừa hay lại là tố chất nhất định phải có đối với một tác giả thành công.
Đương nhiên, cuốn sách này cũng có một khuyết điểm không thể không nói ra: ấy, là thiếu sức bền. Một cái kết vội vã đã thể hiện rõ khuyết điểm này của tác giả, nguyên nhân là do kinh nghiệm non nớt gây ra. May mà cuốn sách này còn có một đặc điểm đã khiến tôi cảm thấy rất ấn tượng, đặc điểm này có thể giảm bớt được một chút ảnh hưởng do khiếm khuyết kia đem lại. Nói đến đây, tôi cũng nên nêu ra đặc điểm này rồi, đó là cảm xúc mãnh liệt ‐ một thứ mà hiện nay đã trở nên hơi xa xỉ.
Vừa bước vào tác phẩm, chúng ta lập tức có thể cảm nhận được những xúc cảm mãnh liệt tràn ngập ở khắp mọi nơi. Những câu chữ tuyệt diệu xuất hiện không ngừng chính là sản phẩm của cảm xúc mãnh liệt ấy. Đối với những con người đã bước qua tuổi ba mươi như chúng tôi đây, cảm xúc mãnh liệt đã bị cuộc sống thường ngày hủy diệt, bị những tư tưởng phức tạp xóa nhòa, bị những áp lực đến quá sớm đè bẹp, và vì thế, cảm xúc mãnh liệt đã trở thành một thứ gì đó đáng quý biết bao.
Có cảm xúc mãnh liệt là tốt. Chỉ cần có cảm xúc mãnh liệt, sẽ còn có văn học.
Đinh Bá Tuệ
Ngày 29 tháng 6 năm 2004