Tôi mệt nhọc lê bước, thi thoảng lại nhảy qua những vũng nước mưa đục ngầu trên đường, rồi thắc mắc không biết lúc này Jackie đang làm gì. Chắc bả lại đứng phì phèo thuốc lá với mấy ông bạn trong bãi đỗ xe của siêu thị Piggy Wiggly đối diện trường. Mọi người đều nghĩ bà chị tôi là thiên thần ngây thơ trong sáng, nhưng tôi thì đi guốc trong bụng bả rồi.
Tôi dừng chân khi ngôi nhà của bác Gus và bác Bertha hiện ra trước mắt. Tôi đã ở đó bốn ngày trời, vậy mà vẫn chưa quen được cảm giác ngôi nhà như đang lơ lửng chênh vênh bên vách núi. Mặt tiền ngôi nhà được dựng trên mặt đất với những bụi cây đương trổ hoa mọc sát tường. Nhưng mặt hậu của ngôi nhà lại được xây theo kiểu nhà sàn, với mấy chiếc cột chống xuống vách núi dốc. Trên những chiếc cột đó là một cái hiên nhỏ xíu, hai chiếc ghế bập bênh và những bồn hoa đang đua nhau khoe sắc trên thành lan can.
Tối đầu tiên tôi tới Colby, bác Gus đã kéo một chiếc ghế trong bếp ra ngoài hiên để tôi ngồi ngắm cảnh sau bữa tối. Bác Bertha đã liên tục hỏi tôi đến cả triệu câu, tỉ dụ như môn học yêu thích của cháu ở trường là gì, hay cháu có con số may mắn không? Thi thoảng cháu có muốn đi bơi ở YMCA1 không, hay cháu có thích ăn lạc luộc không? Nhưng tôi chỉ lầm bầm và nhún vai cho đến khi bác ấy ngừng hỏi. Tôi chẳng có tâm trạng nói chuyện với bác ấy. Tôi đang làm cái khỉ gì trên cái hiên nhà đó với những người tôi thậm chí chẳng hề quen biết vậy nhỉ? Tôi cảm giác mình vừa bị quẳng ra vệ đường, hệt như cách người ta quẳng tụi mèo con không ai thèm nhận nuôi. Nên sau đó tôi và hai bác ấy đã ngồi im lặng ngắm mặt trời từ từ lặn xuống núi, và những ánh đèn đom đóm nhỏ nhấp nha nhấp nháy giữa những tán lá thông.
1 Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc
Suốt ba ngày tiếp theo, tôi đã cố gắng thuyết phục bác Gus và bác Bertha rằng đến trường vào thời điểm này chẳng có tích sự gì cả, vì đằng nào cũng sắp đến kì nghỉ hè rồi. Nhưng cuối cùng tôi vẫn phải trèo lên chiếc xe buýt chật ních toàn lũ nhóc nhà quê đó để đến trường.
"Chào cháu," bác Bertha đang đứng trước cửa nhà khi tôi bước vào sân. Một chú mèo béo sụ lông cam phóng vụt ra từ đằng sau nhà kho trong vườn, rồi bắt nhịp lon ton chạy bên tôi. Bác Gus và bác Bertha có nhiều mèo lắm, chúng thường ngủ dưới hiên, phơi nắng trên bậu cửa sổ, hoặc vờn lũ ong ngoài vườn.
Tôi vào nhà và quăng ba lô lên chiếc ghế bành đã sờn rách của bác Gus. Từ trong căn bếp, hương quế ấm áp lan tỏa khắp nhà.
“Bác làm bánh cà phê2 đấy,” bác Bertha nói. “Bác vẫn thắc mắc sao người ta lại gọi món này là bánh cà phê, vì bác chẳng thấy chỗ nào trong công thức nhắc đến cà phê cả.” Bác ấy giữ cửa cho tụi mèo vào nhà. “À, bác biết rồi. Bác đoán cháu đang định nói là ‘vì ta phải uống cà phê khi ăn loại bánh này thì mới đúng kiểu.’
2 Bánh cà phê (coffee cake) kiểu Mỹ là cốt bánh ngọt với thành phần chủ yếu là từ bơ, bột, đường, bột nở, có vụn giòn và bột quế trên bề mặt bánh, và ăn kèm với cà phê.
Phải không? Ừa, đúng là như vậy, nhưng mình muốn ăn kiểu gì chẳng được, nhỉ?”.
Từ ngày đầu tiên đến đây tôi đã biết bác Bertha là người thích nói chuyện. Bác ấy không giống mẹ tôi, vì mẹ có thể im lặng liên tục trong suốt nhiều ngày liền. Nhưng tôi đã thực sự ngạc nhiên khi thấy ngoại hình của hai người họ giống nhau đến thế. Cả mẹ và bác Bertha đều có mái tóc nâu điểm bạc. Họ giống nhau ở cả những ngón tay thon dài. Thậm chí đến cả những nếp nhăn trên khóe miệng họ cũng giống nữa.
Tôi ngồi vào bàn bếp và quan sát bác Bertha cắt một miếng bánh bông lan cà phê to bự chảng. Sau đó, bác ấy đặt miếng bánh lên tấm khăn giấy trước mặt tôi, rồi kéo chiếc ghế lại gần tôi và nói, “Kể cho bác nghe mọi điều về ngày đầu đi học xem nào. Về cô giáo của cháu này. Về các bạn trong lớp cháu. Lớp học của cháu trông như thế nào. Trưa nay cháu đã ăn gì. Giờ ra chơi cháu làm gì. Tất cả mọi chi tiết, dù là cái nhỏ nhất nhé.”
"Trong lớp cháu có một con bé ăn bánh kẹp thịt sóc ạ," tôi đáp.
Bác Bertha nhướn mày nghi hoặc. "Bánh kẹp thịt sóc á? Cháu có chắc không?".
Tôi liếm ngón tay rồi quệt nốt vụn bánh vào khăn giấy. Tôi không ngước lên nhìn bác ấy, chỉ gật đầu và đáp, “Cháu chắc chắn mà.”
Trên kệ bếp, một chú mèo nhỏ lông xám đang tập trung liếm lông. Tôi đã thắc mắc liệu đó có phải con mèo thằng nhóc Howard đã tặng hai bác ấy không. Bác Bertha bế nó lên, rồi hôn nhẹ lên đầu nó. “Chị Charlie không muốn ăn bánh cà phê dính lông mèo đâu, Walter à.” Rồi bác ấy nhẹ nhàng đặt nó lên sàn nhà. Nó liền rúm đuôi lại khi phát hiện một hàng kiến đang hành quân từ phía dưới bồn rửa bát đến chỗ một vật thể nhỏ xíu, đen xì bên cạnh lò nướng.
"Ở lớp cháu còn có một thằng nhóc bị tật cà nhắc nữa,” tôi nói.
Bác Bertha ngẩng đầu nhìn tôi. “Trời đất, cháu nói thằng nhóc bị tật cà nhắc là sao?". Bác ấy ngắt một chiếc lá úa trên cành cây ở bậu cửa sổ và nhét vào túi áo.
“Thằng nhóc đó tên là Howard. Nó có tướng đi cà nhắc kiểu như này ạ.” Tôi bắt chước kiểu đi của Howard quanh chiếc bàn bếp.
“À, Howard Odom,” bác Bertha đáp. “Cầu Chúa phù hộ cậu bé đó. Cậu bé ngoan ngoãn và biết vâng lời lắm. Cháu đừng hùa theo những đứa khác khi chúng trêu chọc Howard, hay miệt thị cậu bé bằng những biệt danh tồi tệ như Pogo nhé.” Bác Bertha lắc đầu. “Bác thề, công nhận trẻ con bây giờ nhiều đứa xấu tính thật đấy.”
"Pogo ạ?"
"Ừ, cái gậy nhảy Pogo ấy cháu."
“Lẽ ra thằng nhóc đó phải táng cho tụi kia nổ đom đóm mắt chứ,” tôi đáp. “Nếu cháu là nó thì cháu sẽ làm thế.”
Bác Bertha tròn xoe mắt nhìn tôi rồi lắc đầu. “Cậu bé đó sẽ không làm vậy đâu. Đến con ruồi mà cậu ta còn chẳng giết nổi, huống chi… Cả gia đình Odom đều giống như Howard. Họ đều là những người tốt bụng. Hai đứa anh trai của Howard thi thoảng hơi ‘hoang dã’ một xíu thôi, nhưng nói chung cả nhà họ đều tốt bụng cả.” Bác Bertha gạt đống vụn bánh trên bàn rồi phủi tay vào trong bồn rửa. “Mới tuần trước thôi, ba đứa con trai nhà Odom vừa qua nhà bác để phụ giúp bác Gus thay mấy tấm ván bị mối gặm ngoài hiên. Thế mà chúng chẳng chịu nhận lấy xu nào, nên tụi bác đành phải trả công mấy đứa bằng một bao củ cải to. Vậy mà nom mặt đứa nào đứa nấy vui như trảy hội ấy.”
Củ cải á? Tôi thì nghĩ tất cả những đứa nhóc cảm thấy vui sướng khi được người khác cho bao củ cải đều là lũ không bình thường.
Bác Bertha đến ngồi cạnh tôi. “Cháu còn chuyện gì để kể nữa không?” Bác ấy hỏi. “Cháu kể thêm chuyện trường lớp đi nào.”
Tôi nhún vai. Tôi không định kể cho bác Bertha chuyện tờ “Phiếu làm quen” của tôi bị cô Willibey thả lên mặt bàn như củ khoai nóng rẫy, hay chuyện cô ấy chỉ định Howard trở thành Bạn Kèm Cặp của tôi, nên tôi chỉ đáp, “Hết rồi ạ.”
“Hết rồi á?” “Vâng ạ.”
Bác Bertha đập tay lên mặt bàn. “Ôi bác suýt quên mất, bác có thứ này dành cho cháu đây.” Bác ấy ra hiệu gọi tôi theo chân đến cái phòng ngủ bé tẹo cuối hành lang.
“Ta-đaaa!” Bác Bertha dang rộng hai cánh tay và toét miệng cười.
Theo ánh mắt bác ấy, tôi nhìn về phía chiếc giường hẹp ở góc phòng. Ở đó là hai chiếc gối hồng có hình công chúa Lọ Lem đang tựa lưng vào tường.
“Sáng nay bác chợt nhận ra là căn phòng này chẳng giống phòng con gái tẹo nào, nên bác đã tới siêu thị Big Lots để sắm mấy cái vỏ gối đó. Bác cũng định mua luôn cả ga trải giường cho đủ bộ, nhưng họ chỉ có mỗi loại ga to cho giường đôi thôi. Có thể hôm sau bác sẽ quay lại đó để sắm nốt chiếc thảm lông mịn màu hồng cho cháu, nếu như bác Gus đồng ý giúp bác khênh cái bàn làm việc kia sang chỗ khác. Bác cũng biết là mình phải chuyển mấy chiếc hũ thủy tinh kia đi, và cái tivi cũ kia cũng hỏng rồi, nhưng…”
Bác ấy cứ tiếp tục thao thao bất tuyệt một lúc lâu nữa, nhưng tôi chẳng để ý. Vỏ gối Lọ Lem á? Chắc bác ấy nghĩ tôi mới là trẻ lên năm, trong khi tôi thực ra đã gần mười một tuổi đến nơi rồi. Bác ấy đúng là chẳng biết gì về trẻ con cả.
Chiều hôm đó Jackie gọi điện cho tôi từ Raleigh. Bả kể rằng chị họ của Carol Lee đã tới chơi, và chị ấy cho bả một chiếc áo len cashmere3 cũ. Và gần đây bố của Carol Lee đang dạy bả lái xe, vì ông bố Thích Gây Gổ của chúng tôi sẽ chẳng bao giờ làm thế. Jackie nói rằng bả dự định sẽ nhuộm vài lọn tóc màu xanh dương, và sắp tới một anh chàng tên là Arlo sẽ đưa bả đến Charlotte để xem giải đua xe NASCAR4.
3 Loại len được làm thủ công từ lông tơ của dê Kashmir, nhẹ nhất và có giá thành đắt nhất trong các loại len.
4 NASCAR là viết tắt của Hiệp hội Đua xe thương mại Mỹ. Đây là giải đua xe hơi danh giá nhất nước Mỹ, đồng thời đường đua NASCAR cũng thuộc dạng nguy hiểm bậc nhất.
Jackie quá say sưa nói về cuộc sống mới hạnh phúc của mình, đến mức bả chẳng thèm hỏi han xem tôi sống ở Colby với tụi nhóc nhà quê ăn thịt sóc ra sao. Sau khi chúng tôi gác máy, tôi về phòng, gối đầu lên chiếc gối Lọ Lem và tự thấy mình thật thảm hại. Sao Jackie vui vẻ thế nhỉ? Hình như bả chẳng thèm quan tâm đến tôi nữa rồi.
Chắc bố già Thích Gây Gổ cũng chẳng buồn nghĩ về tôi nữa. Chắc ổng quá mải mê chơi bóng rổ với mấy người bạn tù, nên chẳng còn thời gian nghĩ đến đứa con gái đang mắc kẹt trên quả núi này, trong căn nhà đầy mèo và phải sống chung với những người nó không hề quen biết. Và tôi thừa biết rằng mẹ cũng chẳng nghĩ đến tôi đâu, bởi mẹ còn đang bận vật vờ trong nhà, với chiếc áo choàng tắm, đôi mắt đỏ ngầu và đôi vai gầy lom khom.
Chắc chắn tối nay tôi sẽ lại ra ngồi ngoài hiên nhà, và chờ ngôi sao đầu tiên ló dạng để ước thêm lần nữa. Có khi nếu tôi ước hai lần một ngày, thì điều ước của tôi sẽ sớm trở thành hiện thực.