Tối đó, khi ngồi ngoài hiên nhà cùng bác Gus và bác Bertha, tôi đã thấy ngôi sao đầu tiên lấp lánh trên những ngọn cây. Tôi liền nhắm mắt và nhanh chóng thầm ước.
“Cháu vừa ước đấy à?” bác Gus hỏi. Tôi ngượng chín mặt. “Không ạ.”
Bác Bertha khẽ huých bác Gus. “Này, anh kể cho con bé cái lần anh ước ông chú Dean biến mất, sau đó ổng biến mất thật đi.”
Bác Gus phát nhẹ vào tay bác Bertha một cái. “Trời, Bertie. Con bé không muốn nghe câu chuyện nhạt nhẽo cũ rích đó đâu.” Bác ấy khẽ đung đưa chiếc ghế làm sàn hiên kêu kẽo cà kẽo kẹt.
Nếu bác Bertha là người hay chuyện và hầu như chẳng bao giờ chịu ngồi yên, thì bác Gus lại là người trầm lặng, dễ tính và có vẻ luôn từ tốn, bình thản trước mọi chuyện. Bác ấy đội một chiếc mũ bóng chày cả ngày, và chỉ bỏ nó ra lúc đi ngủ. Dưới vành mũ của bác ấy là mái tóc nâu lòa xòa, lộn xộn khắp tứ phía. Cái lưỡi trai mũ màu nâu đậm ấy lấm lem bùn và những dấu vân tay dầu mỡ của bác Gus.
“Kia là chòm Phi Mã,” bác Gus nói khi chỉ vào chòm sao lơ lửng phía trên dãy núi đằng xa.
“Đáng lẽ bác Gus phải làm nhà khoa học mới phải,” bác Bertha nói. “Bác ấy có thể trả lời mọi câu hỏi của cháu về các chòm sao, không khí, cây cỏ, nước, thời tiết, hay những thứ khác trong thiên nhiên đấy.”
Bác Gus chỉ xììì một tiếng.
“Bác Gus cứ tưởng bác chịu gả cho bác ấy vì cái mã bề ngoài.” Bác Bertha nháy mắt với tôi. “Nhưng thực ra bác yêu bác ấy vì bộ não cơ.”
Bác Gus bật cười.
Sau đó tôi đã được chứng kiến điều kì diệu nhất. Cả hai bác đã đưa tay ra cùng lúc, rồi nắm lấy tay nhau. Giống như người ta hay hẹn trước với nhau:
“Đếm đến ba rồi nắm tay nhé.” Cả đời này tôi chưa từng thấy bố mẹ tôi nắm tay nhau bao giờ. Chà, hình như bố mẹ tôi hầu như còn chẳng thèm nhìn nhau bao giờ luôn ấy.
Tôi quan sát bác Gus và bác Bertha cùng lặng ngắm bầu trời đêm và nở nụ cười mãn nguyện. Thi thoảng bác Bertha lại quay sang nhìn bác Gus mơ màng, như thể bác Gus là một ngôi sao điện ảnh, chứ không phải người đàn ông đầu tóc bù xù đang làm việc trong nhà máy sản xuất đệm ở Cooperville. Chúng tôi nán lại ngoài hiên cho tới khi mưa bắt đầu lác đác rơi. Màn mưa bụi mỏng tang nhưng buốt lạnh, khiến lũ mèo đang nằm dưới chân chúng tôi phải giật mình, phóng như bay vào nhà. Đêm đó, tôi trèo lên giường với cái đầu quay cuồng. Tôi nghĩ về ông bố Thích Gây Gổ của mình đang ngáy khò khò trong nhà tù quận, và mẹ tôi giờ này chắc đang nằm nhìn chằm chằm lên trần nhà trong căn phòng ngủ tối om. Tôi nghĩ về Jackie đang thì thầm tám chuyện to nhỏ và sơn móng chân cùng Carol Lee. Tôi nghĩ về thằng nhóc Howard Odom bị tật cà nhắc, và cả gia đình tốt bụng của nó. Tôi nghĩ về cái nắm tay của bác Gus và bác Bertha dưới ánh sáng của chòm sao Phi Mã. Rồi tôi nghĩ về số phận hẩm hiu của chính mình khi đang nằm trong căn phòng này, tự hỏi liệu điều ước của tôi có khi nào thành hiện thực được không.
Ngày hôm sau, tôi xỏ đôi bốt trong bộ đồng phục diễu hành cũ của Jackie tới trường. Tôi biết mình đã mắc sai lầm nghiêm trọng ngay khi vừa đặt chân lên xe buýt. Khi tôi đi giữa hai hàng ghế, vài đứa con gái chỉ trỏ vào đôi bốt của tôi, cười khúc khích rồi thì thầm to nhỏ với nhau. Tôi thấy nóng mặt nên đã lườm tụi nó. Howard ra hiệu cho tôi đến ngồi cạnh nó, nhưng tôi đã ngồi phịch xuống hàng ghế phía sau.
Cả sáng hôm đó, tôi chỉ ngồi vẽ linh tinh lên cánh tay bằng bút dạ màu xanh lam và giả vờ đọc sách. Đến giờ ra chơi, Howard đã cố gắng thuyết phục tôi đồng ý để nó dẫn đi tham quan trường.
“Tớ là Bạn Kèm Cặp của cậu mà. Cậu quên à?” nó nói.
Tôi lắc đầu. “Quên chuyện đó đi,” tôi đáp. “Tớ không hứng thú với chuyện đó lắm. Vả lại, tớ cũng sẽ không ở lại thị trấn này lâu đâu.”
“Tại sao?”
Tôi đảo mắt. “Tớ đã bảo cậu rồi mà. Tớ sẽ về Raleigh.”
“Nhưng nhỡ mẹ cậu không thể bình ổn trở lại thì sao?” nó hỏi.
Ơ hay, câu hỏi kiểu quái gì vậy? Tôi đùng đùng bỏ đi, rồi đến ngồi dưới cửa sổ căng tin và nhìn chằm chằm vào mấy đứa nhóc đang đá bóng trên sân. Tuy nhiên sau đó tôi cũng liếc sang phía Howard đôi ba lần. Nó đang dùng chân vẽ vòng tròn trên đất, trông mặt nó có vẻ ủ rũ lắm.
Khi chuông reo, tất cả lũ nhóc trong trường tranh nhau xếp hàng. Vài đứa con trai vô kỉ luật chen lấn, xô đẩy nhau trước mặt Howard, nhưng nó chẳng phản ứng gì. Khi tôi bước đến chỗ xếp hàng, một con bé trong lớp tên Audrey Mitchell bước đến bên tôi và nói, “Đôi bốt đẹp đấy.” Dứt lời, nó liền nhếch mép cười khinh bỉ, còn những đứa khác thì khúc khích cười sau lưng nó.
Tôi cảm thấy dòng máu nóng của bố lan ra khắp người, và cơn giận bủa vây tôi từ gót chân lên tận đỉnh đầu. Đúng là nóng như lửa thật. Sau đó tôi đáp trả nó, “Cảm ơn. Đi đôi giày này đá người khác thích lắm.” Rồi tôi đá vào cái ống chân khẳng khiu của nó một phát cực mạnh.
Ngay sau đó, tôi chỉ nhớ mang máng là có đứa đã khóc ré lên, và những đứa khác thì la hét và huyên náo. Rồi tôi bị đưa vào phòng thầy Hiệu trưởng Mason. Trong khi thầy “lên lớp” tôi về hành vi sai trái ban nãy, thì tôi ngồi ngắm những ngôi sao và trái tim nhỏ xíu mà tôi đã vẽ lên cánh tay bằng bút dạ trong tiết học đầu giờ sáng nay.
Thầy Mason hỏi tôi có biết việc mình làm là sai trái không, và nếu người khác đá tôi đau như thế thì tôi có thích không, và thầy cũng hỏi tôi hàng tá những câu hỏi khác nữa, nhưng tôi chẳng thèm để tâm. Tôi chỉ đáp “Vâng, thưa thầy” và “Không ạ, thưa thầy,” nhưng mắt tôi thì dính chặt vào cánh tay đầy hình vẽ, còn chân tôi thì gõ lách cách hai chiếc gót của đôi bốt diễu hành vào chân ghế.
Tôi đã nhún vai khi thầy Mason nói sẽ gọi điện cho bác Bertha để nói với bác về chuyện tôi đá vào chân con bé Audrey Mitchell. Sau đó tôi trở về lớp và phải nói xin lỗi con bé đó, dù tôi chẳng hề thấy mình có lỗi gì cả. Và đó là tất cả những chuyện đã xảy ra trong ngày thứ hai tôi đi học ở Colby.
Chiều hôm đó, trên xe buýt, Howard đã một lần nữa phớt lờ màn tâm linh tương thông và tiến thẳng đến chỗ tôi. Nó lại ngồi phịch xuống cạnh tôi.
"Cậu phải giữ chỗ cho tớ chứ, theo lý thì những người Bạn Kèm Cặp nên ngồi cùng nhau mới phải," nó nói.
“Như thế là phạm luật mà,” tôi đáp.
“Tớ chắn chắn là việc giữ chỗ cho một người Bạn Kèm Cặp không phải phạm luật.”
Tôi đảo mắt rồi nhìn ra phía ngoài cửa sổ.
“Sao cậu lại đá vào chân Audrey Mitchell?” Howard hỏi.
Tôi kể cho nó chuyện con bé kia đã nói “đôi bốt đẹp đấy” kèm theo điệu cười nhếch mép đầy khinh bỉ. Nó lắc đầu, “Khỉ thật, Charlie, sao cậu phải nổi nóng vì chuyện đó? Có gì to tát đâu.”
Tôi lườm nó cháy mặt. Có lẽ chuyện đó đối với nó chẳng là gì, nhưng đối với tôi lại là cả vấn đề đấy. Tôi suýt nói với nó rằng tôi được ông bố Thích Gây Gổ di truyền cho cái tính dễ nổi nóng này, nhưng cuối cùng tôi quyết định không nói nữa. Thay vào đó, tôi kể cho nó chuyện hồi mẫu giáo mình bị đuổi về nhà ngay ngày đầu tiên đi học vì tội dùng bút chì chọc một thằng bé trong lớp.
“Thế cậu dùng đầu tẩy hay đầu nhọn?” Howard tò mò.
“Đầu nhọn.”
“Khỉ thật, Charlie.”
Tôi nhún vai. “Tớ biết. Nhưng lúc đó tớ bực mình thật mà.”
“Cậu bực mình vì chuyện gì cơ chứ?”
“Thằng đấy thọc ngón cái xuyên qua bánh kẹp của tớ,” tôi đáp.
Howard lại lắc đầu, những lọn tóc đỏ của nó rũ xuống lòa xòa trước cặp kính. “Từ giờ cậu hãy làm thế này nhé,” nó nói. “Mỗi lần cậu cảm thấy tức giận, hãy nói ‘Dứa.’”
“Dứa á?” “Ừa.”
“Sao lại thế?”
“Nó giống như một ám hiệu để tự nhắc nhở bản thân kìm nén cơn giận lại. Mẹ tớ đã dặn em trai Cotton của tớ nói từ ‘củ cải cực cứng’ mỗi khi thằng bé muốn vẽ lên tường.”
“Thế cách đó hiệu quả không?”.
“Thi thoảng.”
Tôi nghĩ đó là cái mẹo ngu ngốc nhất mình từng được nghe từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ, nhưng tôi không nói vậy với Howard. Chúng tôi chỉ ngồi lặng im khi chiếc xe buýt từ từ leo lên con đường núi nhỏ hẹp. Thi thoảng, quang cảnh phía ngoài cửa sổ chuyển từ cảnh khu rừng rậm toàn lá thông, dương xỉ và những phiến đá phủ rêu, sang một khung cảnh quang đãng hơn, với những dãy núi ngút ngàn tầm mắt. Phía trên những dãy núi đó lơ lửng một đám sương mờ màu xám nhạt, tương phản với màu xanh dương đậm của dãy núi phía dưới.
"Đó là lý do người ta đặt tên nó là Dãy Blue Ridge5," bác Gus đã giải thích ngay từ hôm đầu tiên tôi đặt chân tới Colby. “Vì chúng có màu xanh dương mà.” Sau đó bác ấy nói rằng dãy núi có màu xanh dương do lá thông ở đó phát tán một chất đặc biệt vào không khí. Thực ra tôi chẳng hiểu bác ấy nói gì cả, nhưng vẫn gật đầu như thường lệ.
5 Blue Ridge nghĩa là đỉnh núi màu xanh dương
Khi bác tài dừng xe trước nhà Howard, nó túm ba lô lên và nhắc nhở tôi, “Nhớ nhé. Dứa."
Tôi nhìn theo Howard và em trai nó bước chân lên từng bập thang ọp ẹp ngoài hiên nhà rồi biến mất vào phía trong, để lại cánh cửa đóng sập “rầm” một cái sau lưng tụi nó. Cạnh cửa ra vào là một chiếc tràng kỷ trông có vẻ cũ kĩ được phủ một tấm ga giường. Dọc rìa hiên nhà nó là những lon cà phê trồng những cái cây vàng úa và những khóm hoa khô rũ. Có lẽ những người nhà Odom mải tốt bụng đến mức họ chẳng cần bận tâm đến việc cả gia đình mình đang phải sống trong một ngôi nhà trông hết sức thảm hại.
Chiếc xe buýt kêu bình bịch và kẽo kẹt trên con đường núi quanh co. Tôi đang nghĩ xem mình nên nói gì với bác Bertha về vụ đá con bé Audrey Mitchell ở trường, thì chợt nhìn thấy cảnh tượng rối loạn ngoài đường.
Hai con chó đang đánh nhau trên đoạn đường đất cạnh mấy căn nhà di động. Một con nhỏ hơn và có bộ lông đen tuyền. Con còn lại thì gầy đúng kiểu da bọc xương và có bộ lông đen đốm nâu. Một con bé liên tục la hét, trong khi một ông già gần đó đã bật sẵn vòi tưới và nhắm đến con chó gầy gò.
“Cút ra khỏi đây ngay!” ông già la lớn.
Một người phụ nữ chạy ra từ trong căn nhà lưu động cố tóm lấy con chó đen, còn con chó gầy gò vẫn tiếp tục cắn và liên tục gầm gừ. Sau đó nó bất ngờ quay đuôi bỏ chạy. Nó chạy trên vệ đường, đuổi theo xe buýt của chúng tôi trong khoảng một hay hai phút, đôi tai dài của nó vỗ phần phật trong gió. Tôi dí mặt vào cửa sổ để ngắm nó phi nước đại trên vệ đường, sau đó nó đột ngột quay người chạy biến vào trong rừng.
Vài phút sau, khi chiếc xe buýt dừng lại trước nhà bác Gus và bác Bertha, tôi xuống xe và nhìn xuống đôi bốt diễu hành trên chân mình. Trông Jackie lúc nào cũng xinh đẹp khi diện đôi bốt này, nhưng trông tôi đúng là ngu ngốc thật. Hèn chi tụi con gái kia cười nhạo tôi là phải.
Cơn tức giận quen thuộc lúc nào cũng bủa vây tôi, hệt như một chiếc chăn vậy. Nhưng lần này tôi lại thấy giận chính bản thân mình, bởi tôi là một đứa tồi tệ chẳng ai cần đến. Tôi giậm chân rồi đá mấy viên sỏi, khiến chúng lăn vào mấy bụi đỗ quyên được trồng dọc vệ đường.
Sau đó tôi nhủ thầm, "Dứa", trước khi đi bộ nốt quãng đường lên nhà bác Gus và bác Bertha.