(Tác phẩm đạt giải Ba cuộc thi "Viết từ trái tim" lần 1 do ShareSach tổ chức)
Hà Mạnh Luân
Ai căn vừa men say để tỉnh
Ai đong tròn nỗi nhớ để quên
Ai khoanh đủ cứng rắn để mềm
Ai nối được chiêm bao đứt quãng
Kể từ khi hoàng-hôn-em chạng vạng
rằm không sang tôi khuyết mất tôi rồi…
(Khuyết- Hà Mạn Luân)
1.
Mảnh trăng gầy rộc trôi chơ vơ giữa trời thu sương buông lạnh, bởi chưa đến ngày rằm. Trăng chếch thế này là vào độ ba giờ sáng, khi cái đốm vàng xanh của tự nhiên ấy đồng tâm với chấm đỏ nhấp nháy của chiếc cột thu phát sóng điện thoại đặt trên nóc tòa nhà đối diện.
Những đêm này tôi không ngủ được, mặc dù vậy, cứ thức dậy lại quen chân bước tới bàn trang điểm. Giờ này gặp ai mà tô son chát phấn? Không, tôi trang điểm chỉ để mình nhìn. Chừng nào tấm gương lớn vẫn yên vị tại góc phòng, hoặc chừng nào tôi bỏ đi…
Hóa ra mi mắt mình nhoen ướt. Phát hiện này tuy mới mẻ, nhưng tôi biết đây không phải lần đầu. Cơn mơ vừa rồi tôi đã thấy những gì mà lòng rưng rưng vậy ?
Trang điểm xong kịp lúc tiếng gà từ đâu eo óc gáy. Nghe tiếng gà trong lòng Hà Nội, thấy nhớ miền tuổi thơ nơi vùng đồng bằng ven biển. Ban ngày ắt hẳn tôi chẳng thể nghe được thanh âm này, cũng không dễ để gọi lại trong tâm trí những năm tháng đầu đời xa lơ xa lắc, cách đã ngót hai chục năm trời. Hồi bé, tôi nhớ rất rõ mình sợ tiếng cú mèo. Những đêm gió thốc đám lá mía sau ô cửa sổ khua xao xác, tiếng cú đâu đó đột ngột vang lên, nghe như ai thét khản giọng. Mẹ bảo cú kêu báo hiệu người sắp mất, tôi cứ hoài lo một đêm cú sẽ đậu trên nóc nhà mình.
Ở đây thì khác, tôi sợ tiếng thạch sùng. Chao, cái con thạch sùng, nhìn nó èo uột, nhợt nhạt, mà có được trong mình thứ thanh âm vang vọng quá, nghe như tiếng của cõi xa xăm vẳng về, hoang hoải. Thi thoảng, tiếng thạch sùng chép miệng làm tôi thức giấc, cứ ngỡ mình lạc vào một cuộc đời khác. Hóa ra tôi vẫn ở đây- căn phòng chưa đầy hai mươi bốn mét vuông mà có tới ba chiếc giường đơn kê sát. Hai người còn lại một nam, một nữ, cả ngày chỉ nằm li bì, hơi thở mỏng như lá rụng, thở mà ngỡ đã khuất đi rồi…
Những đêm này chẳng nhờ đến thạch sùng báo thức tôi vẫn đột ngột tỉnh dậy. Chắc trong mơ, lại trông thấy anh- đôi bàn tay run run trao về phía tôi bông hồng thủy tinh do chính anh kỳ công chế tác. Hôm ấy nắng biết mình sắp lâm chung, nên gắng chút tàn lực vàng hết mức có thể, bầu trời vì thế cũng trở nên cao xanh hơn hết thảy chuỗi ngày trước đó.
Thực nơi ấy cũng là một ngôi làng bình yên và nên thơ như bao ngôi làng còn giữ được dáng dấp khôi nguyên trên đất nước này. Duyên trời dun dủi một chiều mưa bước chân liêu xiêu đưa tôi lạc về xứ ấy. Mưa là mưa đầu mùa hạ, nên quyết liệt và dứt khoát, nghe tiếng nước ùa xuống nhân gian như hoan ca, như reo vui vì được tự do sau tháng ngày dài bị nhốt.
Nếu được hỏi cuộc đời thứ gì bao dung nhất, không ngại ngần tôi đáp: đó là mưa! Mưa, hay chính là giọt nước mắt của trời. Giữa đời chộn rộn, vạn vật tự thấy mình bị rút dần sức sống, trở nên khô queo và bức bối dưới cái nắng oi nồng, bầu không trở nên cũ kĩ, nhìn ra nét nhăn nhó trên những khuôn mặt người chen nhau nơi ngã ba ngã tư hầm hập bụi. Người ta dễ có khả năng nối cáu với chính mình. Và rồi bầu trời đột ngột gom đến những tảng mây đen, gió lùa mát rượi, nghe lòng tươi mới. Mưa! Kẻ sang người hèn không buồn trốn chạy, cứ thế để mặc màn nước gột rửa những nhọc nhằn, ai nấy trở nên đồng dạng- những bộ cánh mới, cánh cũ lướt thướt như nhau, chẳng rõ hình hài. Trong mưa ta thấy lòng chùng lại, nhịp sống hối hả tạm ngưng, người người trông sang nhau bằng thứ ánh nhìn dễ mến…
Ánh mắt ông trông sang tôi chiều mưa đó cũng vậy.
- Mau vào đây kẻo cảm lạnh, cháu !
Thoạt đầu, không nghĩ lời nói đó dành về phía mình, cho tới khi bàn tay ông với ra từ căn lán dựng ven đường, tôi mới bẽn lẽn rẽ bước vào mà chẳng hề hay biết đây chính là điểm cuối cho lộ trình trốn chạy không ngưng nghỉ của mình. Nơi đây, cũng chính lần đầu tôi gặp anh.
Những ngày sau đó, ông từng bước xâm nhập vào đời tôi, vẫn bằng ánh nhìn đầm ấm bao dung, ánh nhìn khiến tôi tiêu tan khả năng tự vệ. Tôi tin rằng nếu may mắn được thêm một lần gặp lại mẹ mình, chắc hẳn người cũng trao về tôi ánh mắt ấy. Ông bảo: ngay phút đầu chạm mặt, trực giác đã mách với ông rằng: cần phải cưu mang đứa bé này. Mưa không giấu đi được vẻ hốc hác trên khuôn mặt tôi sau nhiều đêm không ngủ, trái lại: thần thái của một người chất chứa lo sợ, hoang mang, càng được biểu đạt rõ nét hơn bao giờ…
2. Bạn biết đấy, cuộc đời này không phải ai sinh ra cũng được chào đón. Ngay khi đủ lớn khôn để hiểu: mình là đứa con hoang như lời trêu chọc của bọn trẻ làng, là lúc tôi bị bỏ lại một mình. Đôi vai mỏng manh của mẹ không thể gánh thêm những lời cay nghiệt của người đời, nhưng thay vì ôm tôi bỏ chạy đến một nơi nào khác, sống cuộc đời thật khác, mẹ lại chọn cách phủ định sự sống của mình. Mẹ khuất cũng vào một ngày mưa, khi mà nước con sông Kiến Giang dềnh lên tận mép cỏ, đục ngàu. Người làng kéo chật cả bến đò, những giọt nước mắt xót thương hay tội nghiệp?- Đã quá muộn! Nước mưa rửa trôi đi tất cả, chỉ để lại trên khuôn mặt họ những nếp nhăn xô nhau, ép chòm mắt hút sâu hơn dưới nhánh lông mày. Tôi chạy vấp ngã dúi xuống cạnh mẹ, tiếng khóc bị lạc giọng, chẳng còn nghe rõ thanh âm. Chỉ nhớ có một cánh tay rắn đanh xốc ngang bụng mình, cắp đi nhanh chóng; lúc tỉnh dậy tôi thấy mình nằm trong căn nhà đất lợp mái rạ, xung quanh nồng nặc mùi cồn, tung tóe trên manh chiếu sờn là đĩa sung, khế, ớt, chuối xanh sắt mỏng, chỉ còn sót vài miếng, cùng vỏ chiếc chai sáu lăm hết nhẵn rượu lăn lông lốc…
Bố đã nuôi tôi như thế, suốt mấy năm trời, chỉ bằng men say, cơm trắng, và chua cay chát mặn. Người đàn ông có mảng lưng to bè xám nghoen như lưng gấu, mái tóc bù xù rũ lả ngang vai, chiếc cổ đỏ gay lằn những cọng gân to như dây điện… Ông không nói, đôi tay và ánh mắt là ngôn ngữ giao tiếp. Tới bữa, đôi tay ấy chỉ tôi ngồi xuống mâm cơm, xong tôi tự dọn, ông nằm ật luôn ra chiếu đánh một giấc vừa tròn cả buổi. Có những bữa ăn xong bố không ngủ ngay mà quay sang bạt tai tôi mấy cái, rồi lúc men say bay hết, ông lại thất thần tra hỏi tôi bị sao mà má hằn vệt tím bầm. Rồi bố khóc. Bố khóc tu tu như trẻ nít, cổ họng phập phồng thứ thanh âm như phát ra từ chiếc máy sát gạo quay những vòng đầu vẫn chưa chịu nổ, cứ rậm rịt từng hồi. Hóa ra chúng tôi có chung mối phẫn uất với cuộc đời. Bố đau đáu ôm trong mình nỗi đau mất vợ con vì một trận lũ cuốn trôi…
Hôm bố mất, người làng cũng đến đông. Bố mất mà như bố đang ngủ, chỉ khác ở chỗ không còn nghe tiếng ngáy đều đều như kéo gỗ. Ông bị trúng gió, sau khi đã uống quá nhiều rượu.
Lần này thì tôi không khóc. Chừng ấy sóng gió cuộc đời đã khiến tôi nghĩ rằng: cái chết thực không có gì đáng sợ. Cái chết đôi khi là một đặc ân của Thượng Đế- một sự giải thoát.
Bỏ lại căn nhà đất lợp rạ, tôi đi. Đến một vùng xa lơ xa lắc, xuất hiện những tòa nhà chọc trời đan xen khu xập xệ lè tè người chen chân mua bán. Kết thúc chuỗi ngày dài xin ăn, là lúc tôi được nhận vào làm giúp việc cho một quán phở hàng chợ. Được một thời gian, tôi biết dùng điện thoại. Điện thoại- đó chính là tiền đề cho chuỗi đắng cay của tôi sau này…
Hai mươi tuổi, tôi chợt thành thiếu nữ. Hàng phở đã thay đến người chủ thứ ba. Tôi gặp Lan ngay hôm đầu tiên quán sang tên chủ mới. Cô là con gái dì Tư béo- người tiếp quản. Xinh đẹp, nhí nhảnh, nước da trắng ngần, Lan lấy được sự ngưỡng mộ của tôi- thứ cảm xúc tự ti của một đứa nhà quê khi trông vào nét đỏm dáng của cô nàng phố thị. Lan dạy tôi chơi chat yahoo qua điện thoại. Và rồi, tôi quen hắn- chỉ từ cái “buzz” khô khốc, trống trơ.
Sơn không phải chàng trai có khuôn mặt hiền từ với nụ cười duyên như trên màn hình điện thoại. Chỉ sau hai lần chat, tôi đã đồng ý gặp mặt. Hắn lộ nguyên hình là một con yêu râu xanh khi đèo tôi như bay ra nghĩa trang giữa đêm khuya, mặc cho tôi gào thét vì linh cảm chuyện chẳng lành. Đám bạn hắn đêm ấy kéo ra thêm bẩy người. Tất cả đã đứng trước vành móng ngựa. Nhưng người chịu hậu quả dai dẳng, nặng nề nhất, là tôi.
Người ta đưa tôi vào bệnh viện, sau đó cho vào trung tâm dạy nghề. Nhưng tôi đã bỏ trốn không lâu sau đó, bởi không chịu được tấm rào gai mặc cảm- tôi tự giăng ra trong tâm trí mình. Không trở lại quán phở, tôi thành kẻ lang lang. Thêm một lần nữa, cuộc đời lại đẩy tôi vào chốn lầu xanh khi mắc lừa người đàn ông lạ mặt mà tôi tưởng nhầm rằng hắn là người tốt. Chúng cho tôi ăn ngủ suốt một tuần, dỗ tôi bằng lời ngon tiếng ngọt. Chúng khoác lên người tôi những bộ cánh đắt tiền nhưng thiếu vải. Rồi điều gì đến cũng đến…
Năm lần bảy lượt tôi tìm cách thoát thân, tận cho đến lúc gặp được vị khách tốt bụng, anh giả dạng cũng là để cứu chị gái mình, vì nhẹ dạ đã lâm cảnh giống tôi. Vượt qua bức tường cao gấp mấy thân người, chia tay hai chị em vị khách trong vội vã, tôi chỉ trực lao đi như điên dại.
Duyên phận đưa tôi dạt đến đây, trong căn lán dài bày bán gốm sứ của gia đình ông, khi mà đồng tiền vị khách cuối cùng bo cho đã hết nhẵn…
Chuyện này chỉ mình ông được biết. Ông dặn tôi không được kể lại với ai.
3. Làng Quỳnh tọa lạc bên bờ sông quanh năm lộng gió. Sẵn nguồn nước, lại gần mỏ đất sét, xưa kia nơi đây nhộn nhịp lái buôn ghé thuyền mang đồ gốm sứ rao bán khắp mọi miền. Lúc phồn thịnh nhất, làng có tới mười hai lò gốm, phân thành ba trường phái rõ rệt. Gốm sứ làng Quỳnh thành thương hiệu nổi tiếng, những đường nét hoa văn, những vân men nuôi sung túc đời người. Nhưng theo thời gian, mỏ đất sét dần trở nên cạn kiệt, con cái trong làng bỏ nghề tìm đường đến với chữ, nghệ nhân mai một dần. Cho đến giờ, cả làng còn duy nhất một lò gốm, là xưởng của ông. Thợ chủ yếu là đám thanh niên làng thất nghiệp, ông tập hợp lại và truyền nghề, âu cũng là cố gắng lưu lại tổ nghiệp từ xa xưa.
Hai mươi nhân lực ở lò gốm, duy có anh là trường hợp đặc biệt. Ông đón anh về từ trung tâm chăm sóc người khuyết tật, sau khi được chiêm ngưỡng những bức vẽ chì mà anh xếp đầy dưới chiếu chiếc giường ngủ. Cũng với sự ngạc nhiên ấy, ông chẳng thể ngờ rằng một ngày đôi tay anh chạm vào đất sét. Thoạt đầu là những chú tò he gắn với tuổi thơ biết bao thế hệ, sau dần anh nặn những tượng Phật, Chí Phèo Thị Nở, con nghê, con ngựa, mục đồng thổi sáo trên lưng trâu… Đường nét mềm mại, uyển chuyển, sinh động và rất có hồn, ông dùng những sản phẩm ấy để bày mẫu chứ không bán.
Vào một trưa hè thong thả, cặp chim sâu lích chích trong mớ lá si rậm rạp trước sân, tôi khi ấy đang rón rén đứng sau khe cửa để quan sát anh tỉ mẩn với đống đất sét thì giọng nói ông đột ngột thì thào bên cạnh:
- Ông Trời vẫn thật công bằng với chúng ta. Thiên bị cướp đi đôi mắt sau vụ tai nạn, nhưng tất cả giác quan còn lại nơi chàng trai này có được sự nhậy bén hơn mức bình thường. Nó vẫn ngày ngày tái hiện lại bầu trời tuổi thơ, những khát vọng qua từng đường nét, thổi hồn vào mớ đất. Đó là đôi tay và trái tim của một nghệ sĩ!
Im lặng một hồi, ông tiếp:
- Cháu có muốn tự tay làm một sản phẩn cho mình không?
Rồi chưa kịp để tôi đồng ý, ông đã nói với ra:
- Thiên, con giúp em vuốt tay, be chạch chiếc bình đơn giản.
Thiên có vẻ giật mình sau câu nói đột ngột, anh ngơi tay, cặp kính râm giương lên chờ đợi.
Không phải bình, đó là chiếc chum sành. Tôi chỉ việc đưa tay nắn cho sản phẩm quay tròn trên bàn xoay để chiếc chum có được phần miệng hoàn chỉnh.
- Tay Hương mềm mại, hẳn là người khéo léo, đảm đang, em sẽ quen dần, thực không khó khăn như tưởng tượng của người chưa một lần làm thử công việc này.
Tôi khẽ rụt lại trong vòng tay Thiên- khi anh chỉnh chang tư thế ngồi cho tôi, để có thể làm ra những sản phẩm đẹp.
- Em…vụng lắm, chắc anh phải vất vả nhiều.
- Giọng nói ấm áp dịu dàng này chỉ có ở những cô gái thùy mị và thánh thiện.
Tôi bất chợt đứng dậy, bởi trong lòng như có gì đó vừa xẹt qua. Đẹp và thánh thiện- chưa ai nói với tôi điều đó. Tuổi thơ và chuỗi ngày phiêu bạt trong tôi còn lưu cữu biết bao lời mỉa mai, khinh miệt, dè bỉu của người đời.
- Hương?
Thiên đứng chếch tôi, mặt anh hướng ra chậu cây si vì không thể định vị được tôi, đôi chim sâu vẫn rả rích nói với nhau điều gì.
- Hương, em sao thế? Lỡ tay vuốt hỏng cũng không sao mà, đây là sản phẩm tập.
Câu hỏi của anh bỏ lửng, tôi rảo bước ra vòi nước rửa tay và quay trở lại phòng, úp mặt xuống gối. Điều gì đang xảy ra vậy? Tại sao tôi bỗng cảm thấy mình như người mắc tôi trước lời khen đầy nhiệt thành nơi anh? Lẽ ra tôi phải vui mới đúng chứ nhỉ ?
Nức nở một hồi, lúc tôi đưa tay gạt hàng nước mắt còn đọng trên mi, thì chợt bắt gặp đôi mắt nhoen đỏ của ông nơi bậc cửa. Chạm ánh nhìn của tôi, ông đột ngột cụp mắt, làm ra điệu bộ của người vừa mới đến, vụng về bê chiếc bình sứ đặt trả lại ban thờ.
- Thiên nó vẫn đang chờ con ra vuốt nốt chiếc chum sành.
Tiếng ông thầm thì phả ra như gió…
4. Con tò vò làm tổ trên tai chiếc bình sứ. Một sự tỉ mẩn thầm lặng. Không biết trong vòng đời, nó sẽ làm được bao nhiêu cái tổ như thế. Chỉ một mình.
Tò vò mà nuôi con nhện
Đến khi nó lớn nó quện nhau đi
Tò vò ngồi khóc tỉ ti
Nhện ơi nhện hỡi nhện đi đường nào.
Ca dao làm thi vị hóa cuộc sống của ông cha ta xưa. Sự thật đơn giản chỉ là một bi kịch thảm hại. Chẳng có sự hi sinh nào ở đây cả. Nhiều hành động cao thượng bắt đầu từ sự thiếu hiểu biết. Tò vò bắt trứng nhện cho vào tổ, để khi nhộng mình nở ra, sẽ ăn hết số trứng nhện mà trưởng thành. Tò vò ngờ đâu, trong cuộc đua thầm lặng, những con nhện là kẻ giành phần thắng, chúng nở ra sớm hơn, khi nhộng tò vò hãy còn im lìm trong kén. Rốt cuộc thì ván cờ đảo ngược. Tò vò dâng con mình, nuôi lớn những chú nhện kia…
Ai đó nói rằng, xuất hiện trên cuộc đời, mỗi con người đều đã là kẻ chiến thắng. Có vô vàn tinh trùng cùng lao về phía trứng. Trong cuộc đua ấy, chỉ một hoặc một số rất ít tinh trùng về đích sớm cùng lúc.
Phải rồi! Chúng ta là những kẻ chiến thắng. Chúng ta là những đại diện ưu tú…
- Quê đâu thế ?
Câu hỏi bất chợt vang lên khiến tôi hoàn hồn trở lại. Là giọng bà chủ quán nước bên cạnh căn lán chúng tôi bán hàng, độ trên năm mươi, có thể trẻ hơn nhưng lam lũ cuộc đời làm lệch đi mối tương đương giữa ngoại hình và tuổi tác.
- Nghệ An. – Người đàn ông có nước da ngăm ngồi cạnh đó trả lời, trong khi khuôn mặt vẫn cúi nhìn cái điếu cày đặt trong chiếc xô nhỏ, nhưng vẻ như ông không có ý định hút thuốc.
- Chăm chỉ lắm, mỗi tội thuyền bị đắm trong trận gió lốc, vợ con nhà cửa theo đó chìm luôn. – Thêm một giọng đàn ông chèn vào, lần này là của ông xe ôm, ông vừa đếm xong mớ tiền lẻ mà người đàn ông kia đưa trả, chắc cũng là chỗ thân quen.
Bầu không lại trở về yên lặng- sự yên lặng của cuộc sống loài người, để từ dưới cánh đồng một cơn gió bất thần thốc lên, cuốn bụi bẩn và lá khô hất thẳng vào quán nước. Thật chẳng lấy gì để khó chịu, bởi mọi người biết, trời đang có dấu hiệu của một cơn mưa giông.
- Ưng rồi nhé! – Ông xe ôm bật cười hềnh hệch, tay với chiếc điếu cày.
Im lặng. Bà chủ quán lần trong chiếc túi đeo bên hông chùm chìa khóa, chìa về phía người đàn ông da ngăm.
- Chìa to nhất là cổng, khóa nhà màu vàng, những chìa còn lại không dùng đến.
Người đàn ông ngập ngừng. Ông xe ôm chìa tay đỡ hộ.
- Chần chừ gì nữa, cầm mà về tắm rửa sạch sẽ đi! Lại ngon trai ngay ! Già có cái đẹp của già, bà Huyên nhể !
Kèm theo đó lại là tràng cười hềnh hệch.
- Chừng này tuổi rồi, thôi thì người ta sung túc đủ đầy, mình hai tấm thân già tựa bọc lấy nhau đi nốt phần đời còn lại, chẳng cần đám cưới đám củng gì cho mệt. Cùng dân tứ xứ dạt về vùng này, cứ về mà ở với nhau thế thôi, làm ấm nước, điếu thuốc mời bà con hàng xóm.
Đó là lời cuối cùng ông xe ôm để lại, trước khi nổ máy đèo người đàn ông da ngăm đi mất hút vào trong màn mưa bắt đầu trút dày mặt đất…
Chao, một mối tình-già! Chẳng hiểu hữu ý hay vô tình, ông trời lại co cụm chúng tôi vào chung đôi mái lán này, tách bạch với thế giới bên ngoài bởi màn mưa mịt mùng chưa có dấu hiệu khẳng định bao giờ mới dứt.
- Hóa ra ở một chặng nào đó đủ dài, con người ta trông về tình yêu như một sự cứu rỗi bấu víu thế ư ? Phải chăng những mơ mộng, lí tưởng, tiêu chuẩn, hoài bão… mà người trẻ có, rồi từng ngày sẽ bị thời gian cùng vô vàn sự hậu thuẫn khác của nó làm cho rơi rụng đi đâu hết, cho đến kì sạch bách ?!
Thiên nói như để chính anh nghe.
Mang ánh mắt rượi buồn của kẻ hay suy tư, tôi định quay sang hỏi anh một điều gì đó về tình yêu, nhưng thấy anh đang dùng tấm rẻ lau chùi lại đám bình gốm sứ do để lâu chưa có ai mua nên bám bụi, tôi lại xiên sang chuyện con tò vò làm tổ.
- Để em đập cái tổ con tò vò, chẳng hiểu nghĩ thế nào nó lại làm tổ trên cái bình sứ hoa xanh to nhất.
- Không, cứ kệ nó, mỗi hành động cho dù của con vật cũng đều tiềm tàng lí do của nó. Tổ to chưa?
- Vào giai đoạn cuối rồi, nó đang dùng đất bùn còn ướt để bịt phần miệng lỗ.
- Vậy là đã có trứng ở trong. Sẽ là một cuộc bỏ đi lạnh lùng như quên lãng.
Anh thực đã có được sự hình dung về một chiếc tổ tò vò ? Tôi định hỏi anh câu đó, nhưng lại thôi. Anh đang đưa tay chỉnh lại cặp kính râm trên sống mũi.
- Mưa có màu gì ?
Anh chợt buông câu hỏi, trong khi tay đã chuyển sang lau chùi bộ chén bát. Hẳn là câu trả lời của tôi sẽ là cầu nối để anh dẫn tôi đến với sự suy tư khác.
Nếu mắt anh có thể nhìn, thì sau lớp kính râm, khi trời nắng, anh cũng chỉ thấy chúng như trong mưa lúc này, độc hai màu xám, trắng. Lại dừng ở ý nghĩ, tôi quả thực đã muốn nói nhiều điều, nhưng xác chữ là thứ khiến người ta đau khổ.
- Anh Thiên…đã từng yêu chưa?
- Sao Hương lại hỏi tôi câu đó?
Anh hỏi giật khiến tôi đâm luông cuống.
- Tại…Tại vừa rồi…
- À, chỉ là buột miệng thôi mà, những đêm khuya tôi hay nghe radio, cũng biết nhiều trớ trêu của tình yêu người trẻ. Chứ người như tôi thì …
- Cô gái nào đó chắc hẳn sẽ rất hạnh phúc khi được anh yêu thương.
Tôi vội vàng chen ngang, như sợ những câu nói tiếp theo của anh bóp nghẹt trái tim mình.
Anh chỉ khẽ nhoẻn miệng cười, tay mân mê sang bức tượng Di Lặc.
- Tôi lấy chiếc bình trên cao kia!
Là người đàn ông da ngăm đen quê ở Nghệ An ban nãy. Ông đã trở lại cùng ông xe ôm, hóa ra ngoài trời mưa bắt đầu có dấu hiệu tạnh, một vài khoảng nước đọng trước lán chỉ còn lích tích vài hạt nhỏ rơi rớt.
Sau ngỏ lời của vị khách, Thiên hướng mặt về phía tôi.
- Là chiếc bình trắng hoa xanh đúng không ạ ?
Tôi quay lại hỏi ông khách, đồng thời linh cảm điều gì đó tới gần.
- Phải, chiếc to nhất, rất thích hợp để cắm hoa huệ trên bệ thờ.
Đúng là chiếc bình ấy. Tôi quay sang Thiên, thấy khuôn mặt anh vẫn hướng về phía tôi chờ đợi.
- Anh, là chiếc bình con tò vò làm tổ.
Thiên đứng dậy, tiến lại gần vị khách.
- Ồ, thật mong bác thứ lỗi, bác có thể lựa chiếc bình khác không?
- Sao thế? Đây không phải là quầy bán hàng sao?
- Dạ phải. Nhưng…chiếc bình ấy…đã có người đặt trước ạ, thật mong bác cảm phiền.
- Ra vậy, thế cho tôi lấy chiếc bên cạnh.
Khuôn mặt Thiên lộ rõ vẻ bừng rạng. Tôi chỉ chờ có vậy, bắc ghế đỡ chiếc bình trên khay.
Choang !!!
Thanh âm chát chúa vang lên. Vị khách hốt hoảng đỡ lấy chiếc bình ông ta chọn mua từ tay tôi, nhưng dưới nền xi măng, một chiếc bình khác chỉ còn là những mảnh vụn.
- Trời ơi…
Giọng vị khách bị chặn lại giữa chừng, bởi một bàn tay vòng từ phía sau chắn ngang miệng. Là ông. Ông đã từ xưởng ra lán lúc nào tôi không biết. Giọng ông hồ hởi:
- Ồ không sao, chỉ là chiếc bát nhỏ thôi mà. Bác chọn mua bình này là rất có khiếu thẩm mĩ. Bác có cần gói bọc một lớp giấy hay là…?
- À thôi, tôi tiện tay vác luôn, ngồi sau xe máy ấy mà, về đỡ phải dỡ.
Vị khách trả tiền rồi mau chóng, tiếng nổ máy của chiếc xe ôm khuất dần sau lũy tre đầu làng.
Tôi hoàn hồn khi thấy Thiên bắt đầu lại việc lau chùi đống gốm sứ còn lại.
Ông đã có mặt kịp thời trong buổi trưa hôm ấy, khi chiếc bình trắng hoa xanh cưu mang tổ trứng của chú tò vò rớt xuống, để cứu vãn một sự đổ vỡ lớn hơn, sâu hơn trong tâm hồn khôi nguyên của chàng trai khiếm thị.
“Chỉ cần mắt không thấy, tim sẽ không đau”
Ông thì thầm vào tai tôi vậy, khi tôi thu dọn đống mảnh vụn đưa ra sau chái lán…
5. Chẳng biết từ bao giờ, tôi có thói quen để ý Thiên nhào nặn. Những lúc ấy, chuỗi ngày tháng cũ xa xăm lại hiện về. Tôi nhớ mẹ, nhớ bố nuôi, nhớ quán phở hàng chợ nơi thị thành tấp nập kẻ bán người mua. Tôi ước mình nặn ra được những dáng hình ấy, cũng như Thiên, anh đang vẽ lại tuổi thơ mình.
Vụ tai nạn xảy đến khi anh mới tròn mười tuổi. Cha mẹ vĩnh viễn rời xa anh từ độ ấy. Mười năm, thế giới khép lại là những trong veo, khôi nguyên như sương long lanh trong nắng sớm. Lắm lúc, tôi nảy nòi cái ý muốn dại dột, rằng mình cũng được…khiếm thị như anh, để thứ màu ảm đạm từng giăng ra trước mắt tôi chẳng thể nào trông thấy.
Tôi đã đem cuộc đời mình soi trong nỗi bất hạnh của Thiên. Vừa tự ti vừa thèm khát, vừa ngưỡng mộ vừa xót thương… Những cảm xúc đó cứ len nhẹ, dần dần, từng chút một.
Cho đến một ngày, tôi nhận ra, hình như mình đã yêu anh mất rồi…
Còn anh thì vẫn thế. Cặp kính râm đôi lần có dương về phía tôi, xong lại cụp xuống, tay anh lại tỉ mẩn với đống đất sét. Có thể, anh đã cảm nhận được tôi vẫn lặng thầm quan sát anh hằng ngày, nhưng dường như nơi anh, thứ tình yêu nam nữ đã khuyết mòn như đôi mắt. Tình yêu nơi anh đã san ra cùng đất sét, với chiếc tổ tò vò, hay cây xương rồng bé nhỏ anh đặt nơi cửa sổ…
Có lẽ, tôi vẫn mãi đứng từ xa vọng nhìn lại anh như thế, nếu như không có một ngày tôi soi mình trong gương và phát hiện trên da mặt mình một vài vết lở… Sau trận sốt kịch liệt, tôi sụt cân trông thấy, những giấc đêm thường tỉnh dậy mau hơn, ngay cả khi trời thu se lạnh, mồ hôi cũng túa ra đầm đìa…
Hóa tôi đã mang trong mình căn bệnh AIDS. Khi hay tin trên tờ giấy khám nghiệm bác sĩ đưa, quả thực tôi đã một lòng chỉ muốn chết.
Tôi khóc. Ông khóc. Ông đưa tôi vào trại chăm sóc, mà nói với anh Thiên rằng tôi được cha mẹ tìm thấy và đón về, ra nước ngoài định cư.
Hôm tôi đi, anh Thiên run run trao vào tay tôi bông hoa hồng thủy tinh anh kì công chế tác mấy đêm thức trắng. Bông hồng khắc tên tôi, trong suốt. Chỉ thấy anh cúi lặng đầu khi chiếc xe bốn bánh dần đưa tôi đi xa khuất…
6. Nơi này mùa thu đến muộn. Tôi bắt đầu quen với việc độc thoại một mình. Tôi là đứa trẻ mồ côi, nhưng còn hạnh phúc hơn rất nhiều những người kia, họ đầy đủ gia đình mà không ai thăm nom, chăm sóc. Ngoài nghĩa địa, gần mười lọ cốt chưa được thân nhân đến nhận, hôm qua trại trưởng cố gắng nói nhỏ với anh nhà báo, nhưng tôi vẫn nghe được.
Vẫn thăm tôi đều đặn, lần nào ông cũng nhắc tới Thiên. Ông đi rồi, tôi lại đối diện với bông hồng bỏ lại. Thứ hoa tượng trưng cho tình yêu thanh khiết, trong suốt như pha lê, nhưng tôi chỉ có thể ngắm nhìn mà chẳng thể nào hít hà được hương thơm tỏa ra từ nó.
Lại một tiếng gà báo sáng. Ngày mới tới rồi. Ngoài kia, bắt đầu là tiếng leng keng của chị lao công quét rác. Một vài tiếng nổ động cơ xe máy, ô tô kéo mặt trời bừng dậy.
Người ta lại hối hả với những dự định, kế hoạch, hoài bão của riêng mình. Còn, một ngày của tôi vẫn vậy- như mọi ngày, thời gian bị vón cục trong bốn bức tường trắng nhợt.
Trên khóe mắt tôi, giấc mơ đêm qua, tôi lại khóc. Từ khi yêu anh, cuộc sống này, tôi đã biết vấn vương. Vì sự xuất hiện của tình yêu, nên cái chết trở nên cực kì đáng sợ. Anh nhà báo hỏi tôi sao cứ hoài tô son chát phấn? Tôi bảo để che đi những vết thâm đen mụn lở. Tôi không muốn nhìn thấy mình trở nên tội nghiệp. Tôi còn yêu quá cái cuộc đời này…
Mùa thu sau tôi biết mình có thể đã vĩnh viễn không còn được ngồi bên ô cửa sổ này nữa. Chỉ ước một điều: ở nơi làng quê ven sông lộng gió, có người vẫn nhớ tới tôi, có người hàng ngày khi thức dậy lại tưởng tượng ra nụ cười tôi, và an yên với ý nghĩ tôi đang hạnh phúc với cuộc sống riêng của mình ở một phương trời nào đó rất xa trên Trái Đất.
Vì rằng- ông nói đúng: “Chỉ cần mắt không thấy, thì lòng sẽ không đau”…