T
ương truyền vào ngày Thống đốc1 đến cùng bầy quạ đen thì tất cả những loài chim nhỏ cùng bay ngược về biển. Đó là lý do không một chú chim sơn ca nào còn ở Joya và chỉ còn lại lũ quạ khổng lồ xác xơ. Tôi nhìn bầy quạ đậu trên mái nhà như một điềm gở, cố nheo mắt mường tượng những hình chim mai hoa và tước mào vàng mà ba đã vẽ lại theo ký ức của ông. Nếu trí tưởng tượng của tôi phong phú, tôi đã có thể nghe chúng hót véo von.
1 Người trông coi, quản lý, giữ vai trò cai trị, thống lĩnh một địa phương.
“Tại sao những chú chim sơn ca lại bay đi mất vậy ba?” Tôi thường hỏi ông.
“Bởi vì chúng chỉ có thể lựa chọn như thế thôi, Isabella à.”
“Thế còn đàn sói và bầy hươu thì sao ạ?”
“Dường như biển còn tốt hơn thứ mà chúng đang chạy trốn”. Gương mặt của ba tối sầm lại.
Rồi ba kể cho tôi nghe một câu chuyện khác về nữ chiến binh Arinta hoặc về truyền thuyết Joya - một hòn đảo nổi mà không hề nhắc thêm lời nào về những con sói và đàn chim bay ngược dòng. Nhưng tôi vẫn sẽ thắc mắc cho đến một ngày tôi tự mình tìm được đáp án.
Buổi sáng hôm ấy bắt đầu như bao ngày khác.
Tôi thức giấc trên chiếc giường chật chội, khi nắng bắt đầu thắp sáng những bức tường bằng bùn trong phòng ngủ của tôi. Mùi khê của cháo yến mạch lan tỏa trong không khí. Chắc ba đã nấu nó khoảng vài giờ đồng hồ bởi phải mất khá nhiều thời gian để mồi lửa nung nóng nồi đất. Tôi nghe thấy tiếng cô gà mái La của chúng tôi đang bới tìm vụn bánh mì ngoài cửa. Ả đã mười ba tuổi đời, bằng số tuổi của tôi hiện giờ, dù rằng mười ba tuổi là rất trẻ với con người nhưng lại quá già đối với loài gà. Màu lông xám cùng tính tình cáu kỉnh của ả làm mèo Pep cũng phải kinh sợ.
Dạ dày của tôi sôi lên ùng ục. Chân của tôi khều qua người Pep và cu cậu ngao lớn tiếng khi thấy tôi ngồi dậy.
“Con dậy chưa Isabella?” Ba tôi gọi với từ dưới bếp.
“Rồi ba ạ.”
“Yến mạch đã sẵn sàng rồi đây. Thực ra thì có hơi chút…”
“Con ra ngay đây.” tôi nhấc chân của mình lên và lướt nhẹ qua bộ lông rối xù của mèo Pep. “Ối, xin lỗi Pep nhé”.
Cậu chàng gầm gừ trong họng rồi nhắm đôi mắt xanh lục lại.
Tôi rửa mặt trong bồn rửa cạnh cửa sổ và thè lưỡi với ảnh phản chiếu của mình trên tấm kim loại ở đầu giường của Gabo rồi chỉnh trang lại ga giường ngày càng dày bụi như vẫn thường làm. Đường dây truyền âm mảnh mà ba đã gắn cho chúng tôi vòng ngay bên gối của Gabo, kéo dài qua những bức tường và cả trần nhà. Chúng tôi thường chạm môi vào nó và thì thầm. Nó giúp chúng tôi có thể thoải mái trò chuyện dù mỗi đứa nằm ở một góc khác nhau.
Đã ba năm trôi qua, hình ảnh về đứa em song sinh luôn rạo rực trong tim, thoáng chốc lại lóe sáng rồi vụt tắt như cách thằng bé tan biến vào cõi đêm.
Nhưng tôi vẫn thường hình dung em còn ở đây, một cách dễ dàng như hơi thở.
Không muốn bắt đầu một ngày mới bằng chuyện buồn bã, tôi cố lắc những suy nghĩ về Gabo ra khỏi đầu, thay bộ váy đồng phục trường. Nó vẫn rộng thùng thình như lúc tôi mặc sáu tuần trước. Cô bạn thân Lupe của tôi sẽ phá lên cười. “Cậu vẫn lùn nhất lớp!”, nhỏ sẽ nói vậy.
Tôi nhanh chóng tết lại mớ tóc rối và hy vọng ba sẽ không chú ý đến việc tôi chưa chải chuốt cho thẳng thớm trong suốt mùa hè. Pep cuộn mình trên giường nhưng tôi không được phép đùa giỡn với cu cậu trong bộ đồng phục này. Cô Señora Feliz - giáo viên của tôi, luôn nhặt từng sợi lông màu hung ra khỏi váy đồng phục của tôi một cách khó chịu.
Tôi kéo màn cửa sang bên và khẽ bước qua ả gà mái La. Ả cáu kỉnh kêu ầm lên vì tôi làm bay mất đống vụn bánh mới của ả. La nheo đôi mắt ti hí rồi mổ vào gót chân tôi, vừa mổ vừa đuổi theo tôi đi vào gian phòng ăn chính, nơi chúng tôi thường ăn uống, trò chuyện cùng nhau, và lập ra các kế hoạch cho những chuyến phiêu lưu.
Trên bàn gỗ thông lớn màu hạt dẻ là bát yến mạch to tướng bị khét nằm giữa một đống bản đồ. Ba còn nhiều bản đồ hơn nữa được đính trên tường, chúng phát ra tiếng xào xạc mỗi khi tôi chạy vù qua.
Tôi lần ngón tay qua những tấm giấy như thường lệ mỗi sáng, ngắm dòng sông màu ánh bạc ở Afrik2 gặp gỡ những con sông ở Æygpt3; cách Æygpt bám vào đường cong của vịnh Europa4 như hai bàn tay đan vào nhau vượt qua cả đại dương. Bức tường đối diện treo bản phác thảo eo biển của Amrica5 và các dòng hải lưu được dán nhãn bằng những cái tên kỳ lạ phi thường: Vòng Tròn Băng Giá, Tam Giác Ẩn, và Biển Thiên Thanh. Tờ giấy được nhuộm màu xanh thẫm tuyệt đẹp và hải lưu được làm nổi tương phản bằng những sợi chỉ. Ba đã sử dụng những mũi kim mỏng như sợi tóc để làm chúng – sợi chỉ vàng cho Biển Thiên Thanh, màu đen cho Tam Giác và màu trắng cho Vòng Tròn Băng Giá. Nhưng khi vượt qua bờ biển phía Đông, mọi thứ đều dừng lại. Chỉ một từ lấp đầy các khoảng trắng.
2 Đây là thế giới không có thực, tác giả chỉ dung những tên gần giống với các địa danh thật.
3 Như trên.
4 Như trên.
5 Như trên.
Incognito. Chưa được khám phá.
Tôi có thể cảm nhận được sự thất vọng của ba từ câu chữ khô ráo mực. Thủy triều không thuận trong chuyến đi cuối cùng khiến ông phải trở lại Joya sớm và ba không bao giờ kịp khám phá vùng đất ấy trước khi Thống đốc đến đảo của chúng tôi. Thống đốc Adori đã cho đóng cảng và biến khu rừng kéo dài từ bờ biển giữa làng của Gromera và các phần còn lại của đảo thành biên giới, trục xuất bất cứ kẻ nào dám chống lại luật của lão mà sang phía bên kia rừng. Gromera bị tách biệt với phần còn lại của Joya và rừng được buộc đầy những chiếc gai dày cùng chuông khổng lồ nhằm cảnh báo cho những gã bảo vệ của Thống đốc nếu có kẻ nào đi qua. Tôi chưa từng được nghe tiếng chuông đó rung lên bao giờ.
Tôi biết giấc mơ của ba là vẽ tiếp những tấm bản đồ Amrica còn trống của ông, trong khi điều tôi ham muốn hơn tất thảy là vượt qua biên giới và vẽ bản đồ Những Vùng Đất Bị Lãng Quên phía bên kia rừng, mặc dù tôi chưa một lần tâm sự cho ông nghe về điều đó.
Chỉ có một tấm bản đồ duy nhất vẽ lại toàn bộ hòn đảo của chúng tôi, được treo trong phòng làm việc của ba. Tôi gọi nó là bức họa đồ của mẹ bởi vì nó được truyền lại qua bao thế hệ trong gia đình của bà, có lẽ là một ngàn năm trước từ thời Arinta. Nó như một dấu hiệu của ba và mẹ, chứng minh họ thuộc về nhau. Ba là chuyên viên vẽ bản đồ và món thừa kế duy nhất của mẹ là một tấm bản đồ.
Da thịt của mỗi người đều ẩn chứa một tấm bản đồ dẫn lối theo từng bước chúng ta đi và thậm chí là cách chúng ta trưởng thành. Ba thường nói với tôi như thế. Nhìn xem, tại sao mạch máu chảy ở cổ tay ta là màu đen chứ không phải màu xanh? Mẹ của con luôn bảo rằng đó là màu mực. Ba là một người vẽ bản đồ bằng cả trái tim.
“Lấy giúp ba chiếc bình được không nào?” Tiếng ba gọi làm tôi giật mình, kéo tôi trở về căn phòng.
Tôi xách ghế lại gần kệ, nhấc chiếc bình từ trên cao xuống thật cẩn thận và đặt nó lên bàn cạnh bát yến mạch. Chiếc bình màu xanh lục thẫm này rất đặc biệt bởi đây là di vật cuối cùng mẹ đã làm. Chúng tôi chỉ dùng nó vào ngày tựu trường, hôm sinh nhật và cho những ngày long trọng. Ba luôn giữ nó thật kỹ và rửa sạch sẽ đầy tỉ mỉ.
Thi thoảng, tôi nhớ về mẹ, đôi mắt đen tuyền biết cười, mùi đất sét vấn vương khi bà làm ra bình lọ cho dân làng và những món đồ tinh xảo cho Thống đốc. Hoặc có thể tất cả chỉ là do tôi tưởng tượng như lúc nghĩ về bầy chim sơn ca.
“Chào buổi sáng, con yêu.” Ba khập khiễng ra khỏi nhà bếp. Tôi liền đỡ lấy bình sữa và cốc mà ông mang ra.
“Ba không nên tự đi mà không có gậy chống.”
Tôi rầy ông.
Ba bị thương ở chân khi ông còn là một chàng thanh niên trai tráng, nhảy từ cầu cảng của người Æygpt xuống một con tàu đang di chuyển để giờ đây phải dùng gậy chống được khắc từ thuyền đánh cá của ông. Tôi thích cây gậy này nhất giữa rất nhiều vật hay ho khác trong phòng. Gậy nhẹ như tờ nên nổi được trên mặt nước nhưng huyền diệu nhất là nó phát sáng trong bóng tối. Ba nói do nhựa cây nhưng tôi biết đó là ma thuật.
Tôi mau mắn dọn bàn rồi chuyển mô hình ngọn núi Himalay lên kệ.
Ba đổ sữa vào bình của mẹ rồi ngồi yên vị trên ghế bên cạnh tôi, cười rạng rỡ. “Con chọn một túi đi.”
Tôi đảo mắt, “Bên trái ạ.”
Ông ngọ nguậy đôi lông mày đen như hai con sâu róm, “Như con muốn!”. Ông nhấc một túi nhỏ lên.
“Là mật ong từ gỗ thông!” Tôi mở nắp cho mùi thơm tràn vào mũi làm tôi thèm thuồng. “Con cảm ơn ba!”.
“Ngày tựu trường thì phải dùng thứ tốt nhất mà!”
Tôi nhún vai, “Chỉ là trường học thôi mà…”
“Ồ, thế thì chắc ba phải tự mình uống hết chỗ mật này vậy…”. Ông bật nắp và định rót mật vô miệng. “Không!”, tôi giành lại lọ mật. “Ba nói đúng,
hôm này là một ngày quan trọng. Con chỉ ngạc nhiên là ba đã không lấy hai lọ”.
Mật ong ngon lành đến mức tôi chẳng bận tâm đến bát cháo cháy khét, nhưng khi tôi nhìn lên, ba vẫn chưa hề đụng đến thức ăn. Ông ngồi đăm chiêu, tay đặt lên bình sữa và tôi có thể thấy rõ mạch máu trên cổ tay ông. Đôi mắt của ông nhìn xa xăm.
Ngày đầu đến trường là nỗi bận tâm của hai ba con.
Tôi lặng lẽ dọn dẹp sạch bát và dùng lực nắm chặt tay ông. “Gặp lại ba sau nhé.”
Khi tôi đeo cặp lên vai và rời khỏi nhà, khép nhẹ cánh cửa màu xanh lá sau lưng lại, ba vẫn không nói một lời.