“Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt!” Từ xưa đến nay, có bao nhiêu người thật sự “hiểu rõ thời thế”? Khổng Tử từ bỏ chức quan ở nước Lỗ vì biết rằng ông không thể đảm nhiệm được công việc này, ông chính là người hiểu rõ thời thế nên mới quyết định như vậy. Sau khi thành phố Hiroshima bị ném quả bom nguyên tử vào năm 1945, Thiên hoàng Hirohito của Nhật Bản lập tức tuyên bố đầu hàng vô điều kiện với phe Đồng minh trên toàn thế giới. Bởi vì bản thân ông biết được rằng Nhật Bản không còn sức để tiếp tục chiến đấu nữa, như vậy Thiên hoàng cũng là người hiểu rõ được thời thế.
Trương Lương thời nhà Hán, Lưu Bá Ôn thời nhà Minh, Ổ Tư Đạo thời nhà Thanh, sau khi hoàn thành đại nghiệp lập quốc, họ đã không tham luyến danh danh vọng, quyền thế, địa vị, kiên quyết từ chức trở về với núi rừng. Các vị này đều không mong cầu danh vị công thần khai quốc, bởi vì họ đều là những người nắm được triết lý phòng thân, biết tự bảo vệ mình, họ đều là những người rất hiểu thời thế. Có lẽ vì vậy họ mới có thể bình yên mà rút lui, giữ mình trọn vẹn đến cùng.
Thời Tam Quốc, khi Lưu Bị chưa xây dựng được nền tảng để lập nghiệp, đã phải chịu nép mình phục tùng dưới trướng Tào Tháo. Lúc nào ông cũng phải dè dặt, không dám cùng với Tào Tháo sánh vai tranh hùng, đó chính là sự biết thời thế của Lưu Bị. Khi hai nước Hán Sở tranh hùng, Lưu Bang đang trong thế yếu, không thể không đến dự tiệc Hồng Môn của Hạng Vũ. Hơn nữa trước mặt Sở Bá Vương, ông luôn biểu hiện điệu bộ kém cỏi, đây cũng chính là sự hiểu rõ thời cuộc của ông ta.
Sau khi bị người ta làm nhục bắt phải luồn qua háng, chuyện này là cú sốc rất lớn khiến Hàn Tín suy nghĩ lại và sau đó trở thành người rất hiểu thời thế. Đáng tiếc sau này ông lại bị công danh lợi lộc làm cho tâm trí mê mờ. Ông quá vội vàng mong muốn được phong vương nên đã không ngừng yêu cầu Lưu Bang phong mình làm Tề vương. Đây là việc làm không hiểu thời thế khiến Hàn Tín tự gây họa sát thân.
Trên chính trường quốc tế hiện nay, các nhà lãnh đạo đều là những người rất giỏi trong việc nhận thức vấn đề thời thế. Chẳng hạn như: Lincoln ban hành chính sách giải phóng nô lệ da đen, thúc đẩy Hoa Kỳ thực sự đi lên con đường bình đẳng chủng tộc. Đặng Tiểu Bình với chính sách cải cách và mở cửa đã tạo điều kiện cho kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng và đời sống của người dân được cải thiện. Họ đều là những người hiểu biết về thời cuộc và biết cách nhận định tình hình sáng suốt.
De Clark - Tổng thống da trắng của Nam Phi, khi nhìn thấy xu thế của thời đại và biết được không còn có thể gây áp lực mạnh đối với người da đen, ông đã trả tự do cho Mandela1. Việc làm của ông đã góp phần dập tắt các tranh chấp chủng tộc. Sau này, Mandela đắc cử tổng thống, cuộc chuyển giao quyền lực được diễn ra thành công trong hòa bình. Có thể nói De Clark thực sự là một người thức thời, nắm rõ đại cục và hiểu rõ tình hình thời thế hiện tại.
1 Nelson Rolihlahla Mandela: Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi từ năm 1994 đến năm 1999 và là tổng thống Nam Phi đầu tiên được bầu cử dân chủ theo phương thức bỏ phiếu.
Tuy nhiên, từ xưa đến nay những người không biết thời thế cũng không ít. Có rất nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới hiện nay, vẫn theo đuổi chế độ chính trị độc tài, không chịu mở cửa để giao lưu với thế giới bên ngoài. Chính sách điều hành đất nước như vậy liệu có ổn không?
Một số nhân sĩ, trí thức hiểu biết thời thế trên thế giới hiện nay đang đề xướng cải cách giáo dục, khiến cho chất lượng giáo dục được nâng cao. Đặc biệt là việc khởi xướng hợp nhất các trường đại học. Hiện nay, một số trường đại học quốc gia đều đang nghiên cứu vấn đề sáp nhập. Những người làm công tác quản lý trường học thực sự quan tâm đến chất lượng giáo dục, chú trọng phát triển nền tri thức nhân loại như vậy, thì cũng có thể nói họ là những người rất biết thời thế. Do ảnh hưởng từ sự suy thoái của kinh tế, một số tài phiệt giàu có đang tìm cách sáp nhập các công ty, xí nghiệp để tìm kiếm những cơ hội mới. Chúng ta có thể thấy, bất cứ lĩnh vực nào trong xã hội cũng có những con người biết nắm bắt thời thế.
Sau khi Phật giáo truyền đến Trung Hoa, Thiền sư Bách Trượng đã dựa vào giới luật để thiết lập một bộ Thanh quy mới trong tùng lâm, để quản lý tăng đoàn. Điều này đã tạo nên một bước đột phá mang tính cách mạng trong Phật giáo Trung Hoa. Ngài là người thúc đẩy giáo dục Phật giáo Thiền tông, cũng là một người có trí tuệ phi thường, là bậc vĩ nhân nhận định được thời thế.
Người hiểu rõ thời thế mới là người tài giỏi, người biết rõ được thời thế mới là người hào hiệp, không câu nệ thiệt thòi trước mắt. Tục ngữ nói: “Người ở dưới mái hiên, làm sao có thể không cúi đầu?” Người biết dũng cảm rút lui khi đang ở đỉnh cao quyền lực, biết quay thuyền khi gặp sóng gió, biết đủ liền dừng lại, nhất là người hiểu được nhân quả nghiệp báo, thì đó là người sáng suốt, biết nắm bắt thời thế.