H
ôm sau là một ngày mưa gió sụt sùi, quá ướt át để chơi ngoài trời, càng không thể nghĩ đến việc làm phiền một Tiên cát vô cùng nhạy cảm với nước đến mức sau cả ngàn năm rồi, nó vẫn nhảy dựng lên khi cọng ria trái của nó gặp hơi gió ẩm. Hôm đó là một ngày buồn tẻ dài lê thê, phải đến tận chiều bọn trẻ mới bỗng dưng quyết định sẽ viết thư gửi cho mẹ chúng. Robert lỡ tay làm đổ lọ mực - một cái lọ to và đầy - lênh láng cả cái phần bàn mà Anthea vẫn luôn giả vờ là chiếc ngăn kéo bí mật - thực ra nó chỉ cất giữ kẹo cao su với những tấm bìa được sơn vẽ bằng mực Ấn. Đây cũng không hẳn là lỗi của Robert; chỉ không may là cậu bé vô tình nhấc lọ mực mà Anthea đã mở nắp sẵn đúng lúc em Cừu chui xuống dưới bàn và làm vỡ con chim đồ chơi. Em Cừu đã bật sợi dây điều khiển sắc lẻm nằm bên trong con chim vào chân Robert; thế nên cái ngăn kéo bí mật giờ lênh láng mực mặc dù chẳng ai cố ý. Thế là một dòng mực cũng tràn luôn vào lá thư đang viết dở của Anthea. Bây giờ lá thư đó trông như thế này:
Mẹ kính yêu, con hi vọng mẹ vẫn khỏe và bà đang bình phục. Ngày hôm trước chúng con...
Rồi đến một đống mực nhòe nhoẹt, cho đến cuối bức thư là dòng chữ được ghi bằng bút chì:
Không phải con làm đổ lọ mực đâu, nhưng dọn dẹp nó mất công lắm, nên con sẽ ngừng viết tại đây bởi đến giờ gửi thư rồi.
Con gái thân thương của mẹ, Anthea.
Robert thậm chí còn chưa kịp viết thư. Cậu bé đang vẽ một con thuyền trên tờ giấy thấm mực trong khi vắt óc suy nghĩ xem nên viết gì. Vì lọ mực bị đổ nên cậu lại còn phải giúp Anthea lau sạch cái bàn, cậu còn hứa làm cho chị mình một cái ngăn kéo bí mật khác tốt hơn. Chị cậu bảo: “Chà, thế thì em làm luôn đi.” Vậy nên đến giờ gửi thư rồi mà cậu vẫn chưa viết xong. Cái ngăn kéo bí mật cũng chưa làm xong.
Cyril đã nhanh chóng viết xong một bức rất dài, rồi đi làm một cái bẫy sên mà cậu đã đọc được trong cuốn Người làm vườn tại gia, nhưng đến lúc cần phải gửi thì lá thư không cánh mà bay, tìm đằng trời cũng chẳng ra. Có lẽ lũ sên đã chén mất nó rồi.
Jane là người duy nhất gửi được thư. Cô bé vốn định kể cho mẹ nghe mọi chuyện về Psammead - thực ra, lũ trẻ đều định làm thế - nhưng cô bé nghĩ mãi vẫn chưa ra cách đánh vần tên nó nên chẳng kịp để kể câu chuyện cho ra hồn, mà thế thì kể lể làm gì nữa, nên cô bé đành viết tạm lá thư như sau:
Mẹ thân yêu của con ơi,
Chúng con vẫn khỏe lắm, đúng như mẹ đã dặn dò chúng con. Em Cừu có bị cảm nhẹ, nhưng Martha bảo không sao cả đâu, chỉ tại sáng hôm qua em ấy làm đổ con cá vàng lên người mình thôi. Hôm trước chúng con đi ra mỏ cát chơi, vòng theo con đường an toàn dành cho xe cút kít, và chúng con đã tìm ra một...
Suốt nửa tiếng, Jane đinh ninh là chẳng đứa nào biết đánh vần từ Psammead hết. Chúng tìm mãi cũng chẳng thấy cuốn từ điển đâu. Thế nên Jane đành bỏ dở bức thư.
Chúng con đã tìm được một thứ kì lạ, nhưng gần đến giờ gửi thư rồi, nên cô gái nhỏ của mẹ sẽ dừng bút tại đây, Jane.
Tái bút: Nếu mẹ có thể biến một điều ước thành sự thật, mẹ sẽ ước gì?
Có tiếng tù và của người đưa thư vang lên, Robert vội đội mưa chạy ra và đưa cho ông lá thư. Đó là lí do vì sao, mặc dù đứa nào cũng muốn kể cho mẹ nghe về Tiên cát, bà mẹ lũ trẻ vẫn chẳng hay biết gì.
Ngày hôm sau, chú Richard đến đưa lũ trẻ tới Maidstone bằng xe ngựa có hai hàng ghế ngồi đối diện, ngoại trừ em Cừu ở nhà. Chú Richard là một người chú cực kì tốt bụng, người chú tốt nhất của lũ trẻ. Chú ghé mua cho lũ trẻ đồ chơi ở Maidstone. Chú cho lũ trẻ vào một cửa hàng, cho chúng chọn thoả thích không lo giá cả, cũng chẳng bắt phải chọn cái này cái kia cho có tính giáo dục. Thật là khéo vì bọn trẻ vẫn còn ngốc nghếch và ngây thơ lắm, chúng sẽ vô tình chọn đúng thứ đồ chơi mang tính giáo dục mà vẫn cứ thích thú. Giả dụ như Robert, chọn mãi, chọn mãi rồi cuối cùng vội vàng vớ lấy một cái hộp in hình minh hoạ những con trâu đầu người với người đầu đại bàng có cánh trên hộp. Cậu bé tưởng sẽ có mấy con vật bên trong hộp như hình minh hoạ, khi về nhà cậu mới phát hiện ra đó là hộp câu đố Chủ nhật về người Nineveh cổ đại! Mấy đứa còn lại cũng chọn vội chọn vàng, mà cuối cùng cũng được ưng ý. Cyril có được một mẫu động cơ, mỗi cô bé có được một con búp bê, cùng một bộ ấm trà bằng sứ với hoạ tiết hoa lưu ly để “chơi chung”. Thứ “chơi chung” của hai cậu bé là một bộ cung tên.
Rồi chú Richard đưa chúng đi thuyền trên dòng Medway xinh đẹp. Sau đó tất cả uống trà tại một quán bánh ngọt xinh xắn. Đến lúc lũ trẻ quay về nhà thì đã quá muộn để kịp thực hiện bất kì điều ước nào cho ngày hôm đó.
Chúng không kể cho chú Richard nghe bất cứ điều gì về Psammead cả.
Ngày hôm sau, chú Richard hào hiệp dẫn bọn trẻ đi chơi là một ngày cực kì nóng bức. Mục dự báo thời tiết trên tờ nhật báo viết rằng hôm ấy chính là ngày nóng đỉnh điểm trong nhiều năm trời. Họ đã dự đoán rằng “trời nóng bức, vài nơi có mưa” và đúng là trời đã nóng thật. Thực ra, ông trời bận hâm nóng quá đến mức chẳng thèm mưa nữa, nên thành ra chẳng có giọt mưa nào.
Em đã bao giờ thức dậy vào lúc năm giờ trong một sáng hè đẹp trời chưa? Cảnh vật sẽ rất đẹp đấy. Ánh mặt trời nhuốm màu hồng và vàng. Một lớp sương ánh lên trên đồng cỏ và cây cối như những viên kim cương lấp lánh. Những chiếc bóng đổ hướng ngược lại so với buổi chiều tà, một cảnh tượng rất thú vị và sẽ khiến em cảm giác như mình đang ở một thế giới hoàn toàn khác vậy.
Anthea tỉnh dậy lúc năm giờ. Cô bé tự dậy.
Ngay lúc Anthea mở mắt, cô bé nghe thấy tiếng chiếc đồng hồ vàng dưới phòng ăn điểm mười một tiếng. Thế là cô bé biết còn ba phút nữa sẽ đến năm giờ. Chiếc đồng hồ vàng đó luôn luôn điểm sai, nhưng cũng chẳng sao nếu như hiểu được nó. Cũng như khi một người nói ngoại ngữ vậy, nếu bạn biết ngoại ngữ ấy thì cũng chẳng khác gì nghe hiểu tiếng mẹ đẻ cả. Mà Anthea thì hiểu ngôn ngữ của cái đồng hồ. Cô bé còn đang ngái ngủ, nhưng vẫn nhảy ra khỏi giường rồi nhúng cả mặt và tay mình vào bồn nước lạnh. Đây là một phương pháp thần kì giúp ngăn cản bạn quay trở lại giường. Rồi cô bé thay đồ và gấp chiếc váy ngủ lại. Cô bé không cuộn nó lại từ cánh tay mà gấp theo đường nối từ diềm váy một cách thành thạo.
Rồi cô bé cầm đôi giày và nhẹ nhàng bước xuống lầu, mở cửa sổ phòng ăn và trèo ra ngoài. Thế này cũng không dễ dàng gì hơn là đi ra qua cửa chính, nhưng lại có vẻ thơ mộng hơn và ít bị Martha để ý hơn.
“Mình sẽ luôn dậy vào lúc năm giờ.” Cô bé tự nhủ. “Cảnh vật thật đẹp hết sảy.”
Trái tim Anthea đập dồn dập bởi cô bé đang thực hiện kế hoạch của riêng mình. Cô bé không chắc đó có phải là một kế hoạch tốt hay không, nhưng cô bé chắc chắn rằng sẽ không được hay ho cho lắm nếu kể cho các anh chị em của mình biết. Anthea đinh ninh là, dù đúng hay sai, cô bé nên thực hiện kế hoạch này một mình. Cô bé đi giày dưới mái hiên sắt, trên những viên gạch đỏ và vàng sáng bóng, rồi chạy thẳng tới mỏ cát và tìm ra chỗ của Psammead và đào nó lên; nó tỏ vẻ rất bực bội.
“Xấu tính quá đấy.” Nó nói, xù lông lên như loài chim bồ câu làm vào mùa Giáng sinh. “Thời tiết thì lạnh cóng, lại còn đang nửa đêm nữa chứ.”
“Cháu xin lỗi ông.” Anthea nhẹ nhàng đáp, cô bé cởi chiếc yếm trắng của mình ra để quấn quanh Tiên cát, ngoại trừ cái đầu, đôi tai giống tai dơi cùng đôi mắt như mắt ốc sên của nó.
“Cảm ơn.” Nó nói. “Thế này tốt hơn đấy. Sáng nay cô định ước gì?”
“Cháu không biết nữa.” Cô bé đáp. “Chỉ là ông thấy đấy, cho đến giờ thì chúng cháu chẳng may mắn chút nào. Cháu muốn nói chuyện với ông về việc đó. Nhưng... phiền ông có thể cho cháu ước sau bữa sáng được không? Thật là làm khó ai đó khi mà ông ép mọi người nói ra ước nguyện mà họ không thật sự muốn!”
“Cô không nên nói từ ước nếu không phải đang nói ra điều ước. Trước kia, người ta lúc nào cũng biết là mình muốn Megatherium hay là Ichthyosaurus vào bữa tối.”
“Cháu sẽ cố gắng không nói thế nữa.” Anthea đáp. “Nhưng cháu ước...”
“Cẩn thận!” Psammead nói với giọng cảnh báo, và nó bắt đầu tự phình to lên.
“Ồ, đó không phải là điều ước gì kì diệu đâu, chỉ là, cháu sẽ rất mừng nếu ông không phồng to đến nỗi muốn nổ bục ra để cho cháu thứ gì đó bây giờ. Nên đợi đến khi mọi người tới đây đầy đủ đã.”
“Chà, được thôi.” Nó đáp với vẻ khoan dung, rồi chợt rùng mình.
“Ông có...” Anthea tốt bụng hỏi. “Có muốn đến đây ngồi trong lòng cháu không? Ông sẽ ấm hơn đấy, cháu có thể trùm vạt váy yếm quanh người ông. Cháu sẽ hết sức cẩn trọng.”
Anthea không ngờ rằng nó làm thế thật.
“Cảm ơn.” Nó nói. “Cô chu đáo quá.” Rồi nó leo lên lòng cô bé và nép người vào, cô bé vòng tay quanh nó với sự nhẹ nhàng xen lẫn chút sợ hãi. “Ái chà!” Nó cảm thán.
Anthea lên tiếng: “Mọi thứ mà chúng cháu đã ước đều trở nên khá khủng khiếp. Cháu ước sao ông sẽ tư vấn cho chúng cháu. Ông đã lớn tuổi như vậy thì hẳn phải rất thông thái.”
“Ta đã luôn hào phóng ngay từ khi còn là một đứa trẻ.” Tiên cát đáp. “Ta dành toàn bộ thời gian khi thức của mình để cho đi. Nhưng có một thứ mà ta sẽ không cho - ấy là lời khuyên.”
“Ông biết đấy.” Anthea nói tiếp. “Đây quả là một điều tuyệt vời - một cơ hội ngàn năm có một. Ông thật là tốt bụng, tử tế và đáng mến khi ban cho chúng cháu những điều ước, thật là tiếc nếu chúng cháu cứ phí phạm chúng như thế chỉ vì ngu ngốc không biết phải ước gì.”
Anthea thực sự nghĩ vậy - chỉ là cô bé không muốn nói ra trước mặt những đứa kia thôi. Nói mình ngu ngốc là một chuyện, còn nói người khác ngu ngốc lại là một chuyện khác.
“Cô bé ạ.” Tiên cát ngái ngủ đáp. “Ta chỉ có thể khuyên các cô cậu nên nghĩ trước khi nói thôi...”
“Nhưng cháu tưởng ngài không đưa ra lời khuyên kia mà.”
“Cái này thì không tính.” Nó đáp. “Bởi các cô cậu có bao giờ chịu làm theo đâu! Hơn nữa, nó cũng chẳng phải là lời của ta. Chỉ là câu hay có trong mấy cuốn sách thôi.”
“Nhưng ông có nghĩ đôi cánh là một điều ước ngu ngốc không?”
“Cánh ấy hả?” Nó hỏi lại. “Ta cho là các cô cậu có thể nghĩ ra thứ gì đó tệ hơn. Chỉ là, cẩn thận đừng bay cao quá vào lúc mặt trời sắp lặn. Ta từng nghe về một cậu bé người Ninevite. Cậu bé là con trai của vua Sennacherib. Một người du hành đã tặng cho cậu một Psammead. Cậu ta nhốt nó trong một cái hộp cát rồi đặt ở thềm cung điện. Đó đúng là một sự sỉ nhục lớn đối với Tiên cát chúng ta; nhưng dù sao đi nữa thì cậu ta cũng là con vua vùng Assyria mà. Một ngày nọ, cậu ta ước có đôi cánh và điều ước ấy thành hiện thực. Nhưng rồi cậu ta quên khuấy mất là chúng sẽ biến thành đá khi mặt trời lặn, thế nên khi điều đó xảy ra, cậu ta ngã rầm xuống một trong những con sư tử có cánh đặt trên đỉnh cầu thang đồ sộ của cha mình, đôi cánh bằng đá của cậu ta lao vào đôi cánh bằng đá của lũ sư tử - chà, quả là một câu chuyện chẳng hay ho gì. Nhưng ta tin là trước đó cậu ta đã vô cùng thích thú.”
“Ông hãy cho cháu biết.” Anthea nói. “Tại sao những điều ước của chúng cháu lại không biến thành đá? Tại sao chúng chỉ biến mất mà thôi?”
“Autres temps, autres moeurs.” Tiên cát đáp trả.
“Đó là ngôn ngữ vùng Ninevite đó sao?” Anthea hỏi, cô bé chưa từng học bất kì ngoại ngữ nào khác ở trường trừ tiếng Pháp.
“Ý ta là...” Psammead tiếp tục. “Ngày xưa người ta thường ước những món quà vật chất thường ngày - như voi ma mút và Pterodactylus và những thứ tương tự - mấy thứ đó có thể dễ dàng bị biến thành đá. Nhưng bây giờ người ta lại ước những thứ mơ tưởng hết sức tham vọng. Làm sao mà các cô cậu có thể biến xinh đẹp như ban ngày, hay được mọi người săn đón... thành đá cơ chứ? Cô thấy đấy, không thể được. Hai nguyên tắc không thể cùng tồn tại, thành ra chúng chỉ có thể biến mất. Nếu trở nên xinh đẹp như ban ngày mà biến thành đá được thì nó sẽ có tác dụng lâu lắm đấy, lâu hơn cả tuổi thọ của cô nữa. Cứ nhìn mấy bức tượng Hy Lạp thì biết. Là thế đó. Tạm biệt. Ta buồn ngủ quá rồi.”
Nó nhảy khỏi lòng cô bé - điên cuồng đào bới và biến mất hút.
Anthea bị muộn bữa sáng. Robert lén đổ một thìa mật đường lên yếm của Cừu, để em được đưa đi thay đồ và tắm rửa ngay sau bữa sáng. Đó chắc chắn là một hành động đáng trách, nhưng là “một mũi tên trúng hai con chim” - nó khiến Cừu vui vẻ, vì em thích trở nên dính dớp hơn tất cả mọi thứ, và đánh lạc hướng Martha để bọn trẻ có thể lẻn ra mỏ cát mà không phải mang theo em Cừu.
Lũ trẻ đi trên đường thì gặp Anthea, vẫn đang thở không ra hơi vì sự biến mất nhanh chóng ban nãy của Tiên cát, hổn hển nói:
“Chị đề nghị chúng ta lần lượt ước. Chỉ có điều, điều ước đó sẽ không được thực hiện nếu những người khác không nghĩ đó là một điều ước tốt. Mọi người thấy thế nào?”
“Thế ai sẽ ước đầu tiên?” Robert cẩn trọng hỏi.
“Chị, nếu em không phiền.” Anthea hối lỗi đáp. “Chị đã suy nghĩ về điều đó - chị muốn ước có đôi cánh.”
Tất cả im lặng. Mấy đứa trẻ muốn tìm nhược điểm của việc có cánh nhưng thật là khó, bởi chính từ “cánh” đã làm lồng ngực bọn trẻ nhộn nhạo phấn khích rồi.
“Không tệ lắm.” Cyril hào phóng đáp. Robert nói thêm: “Thật đó, chị Báo ạ, chị không ngốc giống như vẻ bề ngoài nhỉ.”
Jane lên tiếng: “Em nghĩ đó là một điều ước hết sức đáng yêu, như kiểu một giấc mơ đẹp vậy.”
Chúng dễ dàng tìm được Tiên cát. Anthea nói: “Cháu ước chúng cháu đều có được những đôi cánh xinh đẹp để bay.”
Tiên cát lại tự làm mình phồng to, và ngay lập tức mỗi đứa trẻ đều có cảm giác gì khá lạ lẫm, nửa nặng nửa nhẹ trên đôi vai. Psammead nghiêng đầu và dùng đôi mắt ốc sên của nó nhìn từ đứa trẻ này sang đứa trẻ kia.
“Không tệ lắm.” Nó mơ màng nói. “Nhưng Robert ạ, thực lòng mà nói trông cậu chẳng giống một thiên thần chút nào.” Robert gần như đỏ bừng mặt.
Mấy cái cánh to và đẹp ngoài sức tưởng tượng - mềm mại và mượt mà, từng cọng lông vũ đều nằm thẳng nếp. Lớp lông kết hợp những màu sắc đáng yêu nhất, trông như cầu vồng hay lăng kính, hoặc lớp váng xinh đẹp thỉnh thoảng nổi bên trên mặt nước.
“Ồ - nhưng chúng cháu có thể bay được không?” Jane hỏi, cô bé bồn chồn chuyển trọng tâm chân liên tục.
“Cẩn thận!” Cyril kêu lên. “Em đang giẫm lên cánh của anh đấy.”
“Có đau không?” Anthea vồn vã hỏi, nhưng chẳng ai trả lời hết bởi Robert đã sải cánh và nhảy lên, giờ cậu bé đang từ từ bay lên cao. Cậu bé trông cực kì vụng về trong chiếc quần ống túm đang mặc - đặc biệt là đôi ủng treo lơ lửng trông thật vô dụng và thô kệch. Nhưng đám trẻ còn lại chẳng mấy quan tâm đến chuyện đó - chúng cũng chẳng quan tâm chúng trông như thế nào nữa. Bởi giờ tất cả đang sải cánh và bay lên không trung. Cả bốn đứa trẻ đang đập cánh, cảm giác gió phần phật trên mặt tuyệt vời như thế nào. Đôi cánh của chúng sải rộng đến nỗi chúng phải bay cách nhau một quãng thật xa để không vướng vào nhau.
Không có ngôn từ nào có thể miêu tả lại chính xác cảm giác khi bay, nhìn xuống những cánh đồng và khu rừng từ trên cao, cảm giác như đang xem một tấm bản đồ tươi đẹp, thay vì những màu sắc khô khan trên giấy, lũ trẻ được thấy khu rừng đầy nắng thực sự có thể chuyển động và những cánh đồng xanh nối tiếp bất tận. Cyril đã nói “Tiên cát lần này đã làm tốt đấy!” Ấy là điều ước kì diệu và thực sự giống một phép màu nhất mà lũ trẻ từng có. Chúng vỗ cánh và bay và lượn trên đôi cánh cầu vồng rộng lớn của mình, giữa mặt đất xanh rờn và bầu trời xanh biếc; chúng bay thẳng qua Rochester và rồi lượn vòng về Maidstone cho tới khi thấy đói meo. Đúng lúc đó chúng bay ngang qua một khu vườn đầy những trái mận đầu mùa chín mọng.
Chúng dừng cánh lại.
“Anh đảm bảo...” Cyril nói dù chưa ai lên tiếng cả. “Ăn trộm vẫn là ăn trộm cho dù các em có cánh đi chăng nữa.”
“Anh nghĩ vậy thật hả?” Jane nhanh nhảu đáp. “Khi anh có cánh thì anh là chim rồi, mà chẳng ai quan tâm nếu chim phá luật đâu. Hoặc dù họ có quan tâm đi chăng nữa thì chim chóc lúc nào chẳng làm thế, đâu có ai mắng mỏ chúng hay cho chúng đi tù đâu.”
Đỗ lên cây mận chẳng dễ dàng chút nào, bởi những đôi cánh cầu vồng rất vướng víu; nhưng bằng cách nào đó mà lũ trẻ đã làm được, còn những quả mận thì vừa ngọt ngào vừa mọng nước.
May mắn là cho đến khi lũ trẻ đã ăn đẫy mận thì chúng mới thấy một người đàn ông to béo, có vẻ là chủ vườn, lăm lăm một cây gậy lớn trong tay chạy đến. Thế là chúng lập tức tung cánh khỏi những cành cây trĩu quả và bay vút lên.
Người đàn ông kia đứng khựng lại, há hốc miệng vì kinh ngạc. Ông ta đã trông thấy những cành cây của mình rung rinh và trĩu xuống, nên nghĩ bụng: “Lũ trẻ nghịch ngợm này - lại đi trộm quả rồi!” Vậy là ông ta đã tức tốc chạy đến, bởi qua mấy mùa ở đây, có vài thằng nhóc cứ chờ mận chín là đến ăn trộm. Nhưng khi thấy những đôi cánh cầu vồng rung lên khỏi cây mận, ông tưởng như mình đã hoá rồ mất rồi, mà ông không thích cảm giác ấy chút nào. Khi Anthea ngó xuống và thấy người đàn ông đứng ngây như phỗng, há hốc miệng, mặt mũi tái nhợt, bèn nói:
“Chú đừng sợ ạ.” Rồi vội vã lục tìm trong túi một đồng ba xu có xâu lỗ, vẫn thường buộc một sợi ruy băng đeo quanh cổ để lấy may. Cô bé bay là là quanh người chủ vườn mận xui xẻo và nói: “Chúng cháu có ăn một ít mận của chú, vì chúng cháu tưởng làm thế không bị tính là ăn trộm, nhưng giờ thì cháu không chắc lắm. Nên đây là một chút tiền để trả cho số mận chúng cháu đã ăn ạ.”
Cô bé sà xuống chỗ người chủ vườn mận đang bối rối tới mức trơ ra như tượng gỗ và đút đồng xu vào túi áo khoác của ông, rồi đập cánh vài cái để quay lại với anh em của mình.
Người nông dân nặng nề ngồi phịch xuống thảm cỏ.
“Ôi... Lạy Chúa tôi!” Ông nói. “Chắc đây chỉ là ảo giác thôi. Nhưng đây là đồng ba xu mà”. Ông lấy đồng xu ra và cắn thử. “Là xu thật. Chà, từ ngày hôm nay mình sẽ cư xử tốt hơn. Đây đúng là một sự kiện làm thức tỉnh cả đời người. Dù sao thì mình mừng là chúng chỉ mới mọc cánh thôi. Thà là mình coi như không trông thấy những con chim đó, kể cả nếu chúng có giả vờ biết nói đi nữa, còn hơn là phải thấy những thứ mà mình không thể gọi tên.”
Ông ta chậm chạp, nặng nề đứng dậy và bước vào nhà; ngày hôm đó, ông đối xử với vợ mình dịu dàng đến nỗi người vợ vô cùng hạnh phúc và tự nhủ: “Trời, thứ gì đã xảy đến với con người này vậy?” Thế là bà bắt đầu chăm chút cho bản thân mình hơn, đeo một chiếc nơ xanh lên cổ áo và trông thật rạng rỡ. Có lẽ bọn trẻ có cánh thực sự đã làm được một điều tốt đẹp ngày hôm ấy, điều tốt đẹp duy nhất. Dù chẳng có gì mang lại phiền phức như đôi cánh, nhưng cũng chẳng điều gì có thể giải thoát được cho bạn như đôi cánh.
Đó chính là trường hợp khi có một con chó dữ xồ ra cắn khi lũ trẻ cố gắng thu đôi cánh lại nhỏ nhất có thể và bước vào một trang trại để xin chút vụn bánh mì cùng pho mát, bởi mấy trái mận không đủ lấp đầy dạ dày chúng suốt được.
Quá rõ ràng rằng nếu lũ trẻ chỉ là những đứa bé bình thường không có cánh, thì con chó đen dữ dằn ấy hẳn đã ngoạm được bắp chân đeo tất nâu của Robert bởi cậu bé là người đứng gần nó nhất. Nhưng ngay từ tiếng sủa đầu tiên, những đôi cánh đã kịp tung ra, còn con chó chỉ biết kéo căng sợi dây xích trên cổ và chồm lên đứng trên hai chân sau như thể cũng muốn bay cùng.
Bọn trẻ thử ghé qua vài trang trại nữa, nhưng chỗ không có chó thì người dân lại quá hoảng sợ, chỉ biết la hét; cuối cùng, khi đã gần bốn giờ chiều còn đôi cánh của lũ trẻ đã tê rần và mệt mỏi, chúng liền đậu trên một tòa tháp nhà thờ và bàn bạc.
“Chúng ta không đủ sức bay về nhà mà chưa ăn tối hay uống trà gì.” Robert phàn nàn.
“Nhưng sẽ không có ai cho chúng ta ăn tối đâu, hay thậm chí là ăn trưa, chứ chưa nói đến uống trà.” Cyril đáp.
“Có lẽ vị mục sư ở đây sẽ cho chúng ta thứ gì đó.” Anthea đề xuất. “Ngài ấy hẳn là biết về các thiên thần...”
“Ai mà chẳng biết chúng ta không phải thiên thần.” Jane đáp. “Cứ nhìn đôi ủng của Robert và nơ cổ ca rô của anh Sóc thì biết.”
“Chà!” Cyril quả quyết đáp. “Nếu nơi em sống không bán lương thực, em sẽ phải lấy chúng thôi. Ý anh là trong chiến tranh ấy. Chắc chắn là em phải làm thế. Mà cả trong trường hợp khác thì làm gì có người anh tốt nào để em gái mình chết đói giữa một đống đồ ăn cơ chứ.”
“Một đống á?” Robert sốt ruột hỏi lại; mấy đứa trẻ nhìn quanh tấm mái lợp trống trơn của tháp nhà thờ và lẩm bẩm. “Ở giữa cái chốn này ư?”
“Phải.” Cyril khẳng định. “Anh đã ngó qua cửa kính chạn thức ăn bên hiên nhà của ngài mục sư, và thấy đồ ăn bên trong đó, có bánh pudding trứng, gà đông và lưỡi đông lạnh, rồi cả bánh nướng ngọt và mứt nữa. Cái cửa kính hơi cao, nhưng chúng ta có cánh kia mà...”
“Anh thông minh thật đấy!” Jane cảm thán.
“Không đâu.” Cyril khiêm tốn đáp. “Bất cứ người nào - dù là Napoleon hay Công tước xứ Marlborough - cũng sẽ nhìn ra điều đó như anh thôi.”
“Làm vậy là cực kì sai trái đấy.” Anthea nói.
“Vớ vẩn.” Cyril đáp. “Ngài Philip Sidney đã nói gì khi người lính không mời ông ấy một hớp nước? Ông ấy nói: “Tôi cần nó hơn anh ta.””
“Chúng ta sẽ góp tiền rồi gửi lại để trả cho những thứ chúng ta đã lấy chứ?” Anthea cố gắng thuyết phục, cô bé gần như sắp phát khóc bởi vừa phải chịu cơn đói cồn cào vừa phải chịu cảm giác tội lỗi không nên lời.
“Để lại một phần thôi.” Anh trai cô trả lời thận trọng.
Tất cả liền dốc túi tiền của mình ra trên tấm mái lợp xám của tòa tháp, nơi mà những vị du khách trong suốt một trăm năm mươi năm qua đã khắc tên viết tắt của mình cùng người thương lên tấm lợp bằng dao bỏ túi. Có tổng cộng năm shilling và bảy xu rưỡi, kể cả Anthea chính trực cũng phải thừa nhận từng đó là quá thừa để trả cho một bữa tối bốn người. Robert nói cậu bé nghĩ mười tám xu là đủ rồi.
Cuối cùng, bọn trẻ quyết định để lại nửa crown1 là hợp lí nhất.
1. 1 crown = 2 shilling và 6 xu.
Thế là Anthea lấy ra tờ báo cáo kì trước trong túi áo, xé tên mình và tên trường đi, rồi viết một bức thư lên mặt sau:
Kính gửi ngài Mục sư,
Chúng cháu thực sự rất đói vì đã bay cả ngày dài, chúng cháu cho rằng đây sẽ không được tính là hành động ăn trộm nếu chúng cháu sắp chết vì đói như thế này. Chúng cháu sợ nếu hỏi ngài, ngài sẽ từ chối, bởi dù cho ngài luôn biết về các thiên thần, nhưng ngài sẽ không tin chúng cháu là thiên thần đâu. Chúng cháu sẽ chỉ lấy đủ đồ ăn cần thiết để sống, và sẽ không đụng tới bánh pudding hay bánh nướng ngọt đâu ạ, để ngài có thể thấy rằng chúng cháu không vét cạn chạn thức ăn của ngài vì lòng tham mà là vì cơn đói thực sự. Chúng cháu không phải phường trộm cướp đâu.
“Viết ngắn thôi.” Lũ trẻ đồng thanh nói. Thế nên Anthea viết vội:
Hy vọng ngài hiểu chúng cháu không hề có ý xấu. Chúng cháu xin gửi lại nửa crown để tỏ lòng chân thành và biết ơn ạ. Cám ơn ngài vì lòng hiếu khách.
Từ Bốn người chúng cháu.
Nửa crown được gói gọn trong lá thư, lũ trẻ cảm giác rằng khi vị mục sư đọc lá thư này, ông sẽ thông cảm cho chúng cũng như bất kì ai chưa từng nhìn thấy đôi cánh của chúng.
“Giờ thì...” Cyril nói. “Rủi ro là không thể tránh khỏi; chúng ta nên bay thẳng xuống phía bên kia của tòa tháp, rồi hạ xuống qua khoảnh sân sau của nhà thờ và nép vào khóm cây bụi. Quanh đó hình như không có ai. Nhưng không nên mạo hiểm. Cái cửa kính kia hướng ra chỗ bụi cây. Nó được khóm lá che đi như khung cửa sổ trong câu chuyện cổ tích vậy. Anh sẽ vào đó để lấy đồ ăn. Robert và Anthea đỡ đồ ăn khi anh chuyền ra ngoài cửa sổ; còn Jane thì canh chừng - mắt em ấy tinh lắm - và huýt sáo nếu thấy ai lại gần. Im nào, Robert! Con bé có thể huýt sáo khá tốt đấy. Không cần phải huýt quá xuất sắc gì đâu - chỉ cần nghe sao cho tự nhiên giống tiếng chim thôi. Giờ thì - xuất phát nào!”
Tôi không thể giả đò rằng ăn trộm là đúng. Tôi chỉ có thể nói rằng trong trường hợp này, cả bốn đứa trẻ đều không cho rằng chúng đang ăn trộm, mà đây đúng hơn là một cuộc mua bán sòng phẳng và có lí. Chúng không hề biết rằng chẳng có cửa hàng nào chịu nhận có nửa crown cho một cái lưỡi còn nguyên vẹn, một con gà rưỡi, một ổ bánh mì, và một ống xi phông sô đa. Những đồ ăn cần thiết cho sự sống ấy được Cyril truyền ra khỏi cánh cửa chạn đồ ăn rồi dẫn mấy đứa em mình ra một chỗ vui vẻ mà không gặp phải bất kì trở ngại nào. Cậu cảm thấy việc từ bỏ món mứt, bánh kẹp táo, bánh ngọt và mứt vỏ cam chanh đúng là một hành động anh hùng - cái này thì tôi đồng ý. Cậu cũng tự hào vì đã không lấy phần bánh pudding trứng - cái này thì tôi cho là cậu bé sai rồi - bởi nếu cậu lấy cái bánh ấy đi thì việc trả lại đĩa sẽ khá là vất vả; không một ai, dù đói thế nào đi nữa, có quyền ăn trộm những chiếc đĩa đựng bánh bằng sứ với họa tiết hoa hồng tinh xảo thế. Ống xi phông đựng sô đa thì khác. Chúng không thể uống mà không có đồ đựng được, và bởi ở trên ống có ghi tên người chế tác nên lũ trẻ chắc chắn rằng nó sẽ được trả lại cho đúng người. Nếu có thời gian, chúng sẽ tự mình mang trả lại. Người đàn ông này có vẻ như sống ở Rochester, không xa nhà của bọn trẻ là mấy.
Thức ăn được đưa hết lên nóc tòa tháp và đặt trên một tấm khăn bếp mà Cyril đã tìm được trên giá trên cùng của chạn thức ăn. Khi cậu mở khăn ra, Anthea kêu lên: “Em không nghĩ đây là những món thiết yếu để duy trì sự sống đâu.”
“Ồ, có đấy.” Cậu đáp. “Chúng ta phải để đồ ăn lên cái gì đó để còn cắt chứ; anh nghe cha từng nói rằng người ta có thể mắc bệnh do vi trùng trong nước mưa đấy. Mà ở đây toàn nước mưa - khi nó mà khô thì vẫn còn vi trùng ở lại, rồi chúng nó sẽ bò vào trong đồ ăn, rồi chúng ta sẽ chết vì sốt xuất huyết.”
“Vi trùng là cái gì cơ?”
“Mấy thứ uốn éo mà em phải dùng kính hiển vi mới soi được.” Cyril đáp với vẻ tinh tường. “Chúng sẽ truyền đủ loại bệnh cho em! Anh chắc chắn tấm trải này cần thiết chẳng kém gì bánh mì, thịt và nước. Thế đó! Ôi, anh đói hoa cả mắt rồi!”
Bọn trẻ dùng con dao để cắt gà và lưỡi - con dao còn bị gãy khi đang cắt dở nữa chứ. Nhưng rốt cục thì cũng xong. Ăn bằng tay thật là dính mỡ và khó khăn - tấm khăn trải càng lúc càng lấm bẩn và lem luốc.
Mà dù ăn kiểu gì thì món lưỡi cùng thịt gà và bánh mì mới vẫn rất ngon, chẳng ai quan tâm nếu có bị xịt nước sô đa lên người trong một ngày nóng nực thế này. Thế nên ai cũng tận hưởng bữa ăn thật ngon miệng, đứa nào cũng cố gắng ních đầy bụng: phần vì đang đói meo; phần nữa là bởi các món đều vô cùng tuyệt hảo.
Nếu như phải đợi ăn quá bữa, rồi sau đó ăn nhiều hơn thường lệ và ngồi dưới ánh mặt trời nóng đỏ trên nóc tòa tháp nhà thờ - hay kể cả có ngồi ở đâu đi chăng nữa - thì chẳng mấy chốc hai mắt sẽ díu lại vì buồn ngủ. Giờ thì Anthea, Jane, Cyril và Robert cũng thế, khi bọn trẻ đã ăn no căng bụng và uống cạn đồ uống, hai mắt chúng cứ díp cả vào - nhất là Anthea, vì sáng hôm ấy cô bé đã dậy sớm quá.
Từng đứa một, lũ trẻ dừng nói chuyện và ngả lưng xuống. Chưa đến mười lăm phút sau bữa ăn, chúng đã cuộn tròn người lại trong đôi cánh rộng, mềm mại và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Mặt trời đang dần lặn xuống phía tây. Mặt trời, tôi nhắc lại, đang lặn dần xuống phía tây mà bọn trẻ vẫn còn đang say ngủ một cách ấm áp và hạnh phúc - bởi những đôi cánh còn ấm áp hơn cả những chiếc chăn lông vũ. Bóng của tòa tháp nhà thờ đổ xuống trên khoảnh sân, ngả trên nhà của vị mục sư, rồi ngả trên cánh đồng và biến mất. Mặt trời đã lặn, những đôi cánh cũng tan biến theo. Bọn trẻ vẫn cứ ngủ say sưa. Nhưng chẳng được mấy chốc, dù hoàng hôn có đẹp đến cỡ nào cũng đến lúc cái lạnh ùa đến. Không còn đôi cánh ấm áp nữa, bốn đứa trẻ rùng mình tỉnh giấc. Chúng ở đó - trên nóc tòa tháp nhà thờ giữa buổi chạng vạng lờ mờ, với những ngôi sao xanh bắt đầu le lói trên bầu trời - một, hai, mười, rồi hai mươi ngôi sao trên đầu chúng - cách xa nhà biết bao dặm, với chỉ ba shilling và ba xu rưỡi trong túi, cùng sự lo ngại rằng liệu lí do là vì nhu cầu thiết yếu cho sự sống có được khoan hồng không nếu có ai đó bắt gặp chúng với ống xi phông đựng sô đa.
Chúng quay sang nhìn nhau. Cyril nhấc ống xi phông lên và mở lời:
“Chúng ta nên trèo xuống và trả lại thứ nguy hiểm này thôi. Anh nghĩ là trời tối rồi nên chúng ta có thể đặt nó trên thềm cửa nhà mục sư. Đi nào.”
Ở góc của tòa tháp là một nhà canh gác nhỏ có cửa. Lũ trẻ đã để ý tới nó từ lúc đang ăn, nhưng không ngó nghiêng thử nó (dù có lẽ bạn sẽ làm thế nếu ở vị trí của lũ trẻ). Bởi vì, tất nhiên rồi, khi bạn có cánh và có thể khám phá cả bầu trời trên kia, thì những cánh cửa đâu có nghĩa lí gì nữa.
Giờ bọn trẻ mới quay sang cánh cửa.
“Tất nhiên rồi.” Cyril nói. “Đây chính là lối xuống.”
Đúng vậy. Nhưng cánh cửa đã bị khóa trái!
Bên ngoài trời đang tối dần. Bọn trẻ vẫn cách nhà đến hàng dặm. Mà trong tay chúng vẫn còn ống xi phông đựng sô đa.
Tôi sẽ không cho bạn biết liệu có đứa trẻ nào đã bật khóc không, có mấy đứa khóc và những đứa đó là ai. Bạn hãy thử đặt mình vào trường hợp của lũ trẻ xem bạn sẽ làm gì.