Sáng sớm ngày hôm sau, bầu trời âm u, Tần Mạc kéo rèm cửa đứng quan sát hồi lâu, bỏ thêm hai chiếc ô che mưa vào va li của tôi. Do nửa đêm tôi đạp tung chăn ra nên sáng sớm ngủ dậy hơi sụt sịt mũi, anh phát hiện ra, lại cau mày nhét thêm một túi thuốc lớn vào trong va li. Số thuốc này toàn ghi hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Anh, khiến người ta khó có thể đọc hiểu cách dùng và tác dụng. Khi tôi ăn sáng, anh nhận ra liền cầm bút và giấy lên dịch toàn bộ sang tiếng Trung, trước khi ra khỏi cửa lại giảng giải cho tôi một lượt về cách dùng của từng loại, đồng thời bắt tôi phải nhắc lại một lần nữa mới gật đầu đi ra lấy xe đưa tôi tới nhà ga.
Ngồi lên xe, thắt dây an toàn xong, Tần Mạc khởi động xe, đột nhiên anh dừng lại và quay sang hỏi tôi: “Mang theo dung dịch rửa kính áp tròng chưa?”.
Tôi vội vàng nhảy xuống xe quay về lấy dung dịch rửa kính.
Vội vội vàng vàng quay lại, Tần Mạc đang khoanh tay đứng tựa vào cửa xe: “Sữa rửa mặt mang theo chưa?”. Tôi suy nghĩ một lát, gật đầu, anh quay người mở cửa xe, vô thức nói: “Vùng núi chắc chắn rất lạnh, mang theo găng tay rồi chứ?”.
Tôi cất lọ dung dịch rửa kính rồi lại quay về lấy găng tay.
Cầm theo găng tay quay lại, ngồi vào xe, Tần Mạc yên lặng hồi lâu: “Em chắc chắn đã mang đủ đồ đạc rồi chứ?”.
Tôi gật đầu: “Đủ rồi”.
Anh quay người bước xuống xe: “Thôi được rồi, anh sẽ kiểm tra lại hành lý của em một lượt, để xem liệu còn thứ gì quên mang theo không”.
Tôi lo lắng nói: “Tối hôm qua em đã sắp xếp đầy đủ rồi, thật đấy, chỉ quên găng tay nhưng đã mang theo đây rồi, anh đừng lần chần nữa, nếu không tàu sẽ chạy mất...”.
Anh đã mở va li ra, tiện thể nói: “Bọn em đi chuyến chín giờ rưỡi đúng không, bây giờ mấy giờ rồi?”.
Tôi đưa tay vào túi tìm điện thoại để xem giờ, chột dạ: “Á, em quên mang theo điện thoại rồi, hì hì, anh đợi chút nhé, em quay về lấy điện thoại...”.
Anh ngẩng đầu lên cười mà như không: “Túi đựng đồ dùng cá nhân khi đi du lịch mới mua ngày hôm qua em cũng không mang theo, đúng rồi,” cúi đầu xuống dùng tay lật giở đồ đạc: “băng vệ sinh đâu?”. “...”
Từng cơn gió lạnh thổi tới. Chúng tôi đi xuyên qua nửa thành phố, cuối cùng đã kịp tới nhà ga trước chín giờ.
Chu Việt Việt rụt cổ dắt theo Nhan Lãng đứng đợi tôi ở phòng chờ. Nhan Lãng vẫn đang nghỉ ốm, không phải đi học, từ khi biết tôi đến dạy tình nguyện ở vùng núi, nó cứ nằng nặc đòi đi theo để trải nghiệm cuộc sống. Tần Mạc đã mời bác sĩ tới kiểm tra cho nó, bác sĩ nói rằng nó hoạt bát như vậy, đã có thể thích nghi với các chuyến đi dù ngắn hay dài, hơn nữa, trẻ con nếu được mở rộng tầm hiểu biết cũng rất có lợi cho sự phát triển của trí óc, đi tình nguyện cùng với tôi cũng có ích. Tần Mạc không phản đối cũng không tán thành, Hội sinh viên lại càng thể hiện tinh thần nhân văn đối với một đứa trẻ, không những không phản đối mà còn miễn tiền vé đi và về cho Nhan Lãng. Chu Việt Việt cho rằng nếu không nhận quyền lợi này, cũng sẽ bị các phần tử tiến bộ của Hội sinh viên mang số tiền đó đi ăn nhậu, không được để xảy ra những việc như vậy, tôi và cô ấy đều có chung quan điểm. Mong muốn của Nhan Lãng đã trở thành hiện thực mà không tốn nửa xu nào, nó rất phấn khởi, tôi và Chu Việt Việt cũng rất vui, mọi người về cơ bản đều lên tàu với tâm trạng hào hứng. Chỉ mình Tần Mạc khẽ nhíu mày, khi tàu chạy, anh giơ điện thoại vẫy vẫy về phía tôi, tôi nghĩ một hồi mới hiểu ý của anh, lôi điện thoại trong túi ra xem, có một tin nhắn mới: “Nhớ sạc pin điện thoại, đừng để anh không tìm thấy em”.
Tàu hỏa chầm chậm lăn bánh, quay đầu lại nhìn, dù với tốc độ chậm chạp như vậy, nhưng cũng đã đi rất xa, bầu trời của thành phố C vẫn âm u xám xịt, Tần Mạc đứng trên vỉa hè, chỉ có thể nhìn thấy bóng dáng mờ mờ. Trong ký ức tôi dường như cũng có cảnh tượng chia ly như vậy, nhưng tôi suy nghĩ hồi lâu, chỉ cảm thấy cảnh tượng mang đầy tính nghệ thuật như vậy, gặp được một lần trong đời đã là hiếm có, gặp được hai lần lại càng khó hơn. Chắc là do khi xem phim Đài Loan hoặc phim Hàn Quốc, có ấn tượng sâu sắc với những cảnh như vậy, lại thêm thời gian trôi qua đã quá lâu, ấn tượng vẫn còn nhưng hình ảnh đã hoàn toàn biến mất rồi.
Tàu hỏa nhanh chóng rời khỏi thành phố C, ngoài cửa sổ, từng dãy nhà xưởng nhả cột khói đen sì đang lướt qua tầm mắt của chúng tôi.
Nhan Lãng ngồi bên cạnh tôi, đã gà gật. Hôm qua, khi đưa nó tới nhà Chu Việt Việt, tôi quên mang theo khăn quàng cổ cho nó, lúc ở sân ga, Tần Mạc đã cởi khăn của mình quàng cho Nhan Lãng, nhưng vì khăn của người lớn quá dài, phải quấn vài vòng, thoạt nhìn cổ của nó hệt như con quay lật ngược. Nhan Lãng co người lại trong những vòng khăn, dần dần chìm vào giấc ngủ say.
Chu Việt Việt ngồi đối diện, không hề nhìn tôi và Nhan Lãng, đôi mắt cứ đăm đăm nhìn về một nơi nào đó.
Tôi khua khua tay trước mặt cô ấy: “Cậu có mang theo bộ bài không, chúng ta chơi vài ván”.
Cô ấy gạt tay tôi ra, tiếp tục chăm chú nhìn về một nơi nào đó. Tôi quay đầu lại theo hướng nhìn của cô ấy, thấy vị trí ngồi ở góc chéo cách đó hai hàng ghế, có một người tóc dài đang ngồi đeo tai nghe, nghe nhạc... Tôi quay đầu lại hỏi Chu Việt Việt: “Người đó là con trai hay con gái vậy?”.
Chu Việt Việt ngạc nhiên nhìn tôi, giơ một ngón tay lên miệng ra hiệu im lặng: “Cậu không nhận ra anh ta là ai ư? Trình Gia Mộc - tiểu thuyết gia theo trường phái Tiên phong1, cậu còn mang tiếng là một người học Văn cơ đấy”.
Tôi kìm được ý định muốn hỏi Chu Việt Việt xem rốt cuộc có biết trường phái Tiên phong là gì không, nhưng vẫn quay đầu lại, len lén nhìn người thanh niên đang nghiêng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ. Tàu hỏa sắp chạy qua một đường hầm, lát cắt nhìn nghiêng đó cho dù ở bất kỳ góc độ nào cũng không thể rõ ràng được. Trong chốc lát, đoàn tàu chạy vào đường hầm, tôi thì thầm với Chu Việt Việt trong bóng tối: “Sao cậu biết đó chính là Trình Gia Mộc, chẳng phải Trình Gia Mộc rất kín tiếng sao, luôn sống ẩn giật, không ký tặng, không tọa đàm cũng không cho đăng ảnh của mình trên các trang cá nhân...”.
1(BT) đó. trong sâu ẩn gì những chính ở thể bản cái ra hiện phát thể có chỉ và ngữ, ngôn của hoảng khủng sự nghiệm trải được sẽ đọc người nghiệm thực thuyết tiểu Trong hiện. thể cách làm thuật tự pháp phương của hóa biến sự và nghĩa ý lấy cấu, hư tính trọng coi loại thể một là nghiệm, thực thuyết tiểu là gọi còn hay phong Tiên phái trường theo thuyết Tiểu
Chu Việt Việt ngắt lời tôi: “Cậu có thể không tin vào trí tuệ và sức mạnh của truyền thông, nhưng không thể không tin vào trí tuệ và sức mạnh của trang tianya.cn chứ. Lần trước, trên trang tianya có một chủ đề về các tác giả nam điển trai, không biết ai đã đăng ảnh của Trình Gia Mộc lên, vì quá đẹp trai nên tớ đã nhớ rất kỹ, đẹp trai thật đấy, có phần giống với Naohito Fujiki1 hồi trẻ”.
Chu Việt Việt tiếp tục ngợi ca về các mỹ nam. Thực ra ban nãy mới nhìn qua, ngoại hình của Trình Gia Mộc cũng không đến nỗi quá xuất sắc lắm, chỉ là sau khi trải qua từng đợt vùi dập của các nữ tác giả xinh đẹp, đông đảo người dân đã có cái nhìn tương đối khoan dung với nhan sắc của các tác gia rồi.
Tôi nhớ lại một cuốn sách của Trình Gia Mộc đã đọc từ năm ngoái, viết về một cô gái trẻ tài năng, đam mê vẽ tranh. Cô gái trẻ có một cậu bạn trai thanh mai trúc mã, cả hai cùng trải qua một cuộc sống với những áp lực học hành, ban ngày thì đi học, buổi tối về làm bài, cuối tuần tới lớp học thêm ở một thành phố nhỏ ven biển. Mọi người đều khát khao mong ngóng ngọn gió lành giảm tải áp lực cải cách giáo dục sẽ thổi tới thành phố nhỏ này, nhưng dưới sự trông đợi mỏi mòn đó, thì tin tức đưa tới lại là kỳ thi tuyển sinh đại học vẫn theo phương thức “3 + môn tổng hợp + 1”. Bố mẹ của cô gái trẻ đã nghiên cứu kỹ cách thức thi đại học của hai năm gần đây, lại đánh giá thành tích học tập của con gái, cảm thấy chỉ có thể để cô thi vào Học viện Mỹ thuật S, vậy nên mới mời giáo viên tới nhà phụ đạo thêm cho cô về môn Vẽ. Gia sư chính là con trai của bạn của mẹ cô, một họa sĩ trẻ tuổi. Cô gái theo thầy giáo học vẽ, xa rời người bạn trai thanh mai trúc mã, người bạn trai kia cũng thân thiết với một cô gái khác, thậm trí họ còn hẹn với nhau sẽ cùng thi vào một trường đại học. Cô gái trẻ không thể tha thứ, chịu một cú sốc lớn, để chuyển hướng sự chú ý của mình, cô nỗ lực học vẽ. Cũng chính trong quá trình nỗ lực học vẽ, cô đã nảy sinh tình cảm với thầy giáo của mình. Nhưng thứ tình cảm này đã định trước là không có kết quả tốt đẹp, cô gái không thể chấp nhận được việc bản thân mình lại có ý nghĩ vô đạo đức như vậy với thầy giáo, luôn luôn kìm nén bản thân. Không lâu sau đó, cậu bạn trai kia nhận ra rằng, người mà cậu muốn học chung một trường đại học không phải là cô gái nọ, bèn quay trở về bên bạn gái cũ, hy vọng cô ấy sẽ tha thứ. Để bản thân mình không lún sâu vào con đường trái với luân thường đạo lý, cô gái trẻ thử đón nhận lại bạn trai cũ, nhưng không thể vượt qua, hai người hợp hợp tan tan. Thầy giáo vẫn luôn là thầy giáo, nhưng cũng lại là cái gai giữa hai người bọn họ. Rồi cũng có một ngày, vị thầy giáo kia rời xa thành phố nhỏ, cô gái trẻ nhìn anh ra đi, lòng vô cùng không nỡ, nhưng lại không nói bất kỳ câu níu kéo nào. Cô gái trẻ đam mê vẽ tranh trở lại cuộc sống bình thường như trước đây bên cạnh người bạn trai cũ, thậm chí còn vụng trộm thử nếm trái cấm, có một đứa con, hai người vừa lo lắng vừa hưng phấn, dường như hình bóng của chàng họa sĩ trẻ đã hoàn toàn biến mất trong tâm trí họ. Cũng chính vào lúc đó, tin báo người kia đã mất trong một sự cố ngoài ý muốn được đưa đến từ bờ bên kia đại dương, ngày hôm sau, cô gái trẻ cũng mất tích. Người bạn trai cho rằng đây là một vụ mất tích có kế hoạch, cô ấy vẫn không thể quên được người thầy giáo mà cô chưa từng thổ lộ tình cảm của mình, nhưng ba ngày sau, cảnh sát tìm tới nhà của họ, thông báo rằng cô gái trẻ đã ra đi trong một vụ án mạng. Câu chuyện đột ngột dừng lại ở đó, không ai biết rằng trong giây phút cuối cùng của cuộc đời, người cô gái trẻ kia yêu là người bạn trai thanh mai trúc mã hay người đã từng là thầy giáo dạy vẽ của cô.
1(BT) Nhật. người viên diễn sĩ, Ca Fujiki: Naohito
Nhan đề của cuốn sách là Cô gái mặc váy đỏ, là cuốn sách mới ra vào năm ngoái của anh ta, được xuất bản tương đối lặng lẽ, về cơ bản không tổ chức quảng cáo tuyên truyền, bút pháp đã thay đổi không còn sự lạnh lùng bén nhọn như trước nữa, thay vào đó là sự sâu sắc, chân thành, bìa sách còn in câu đề tặng do chính tay tác giả viết “Dành tặng cô gái đã ra đi tới nơi thiên đường của tôi”. Một khoảng thời gian rất dài, tôi không thể quên được câu chuyện này, không thể hiểu nổi sao thời trung học người ta lại có thể lẫy lừng vang dội như vậy, nhưng nhớ lại thời trung học của mình, cũng lẫy lừng không kém, nên không tiện nói thêm gì nữa. Chu Việt Việt và tôi cùng đọc quyển sách đó, cô ấy chỉ băn khoăn rằng tại sao nữ nhân vật chính lại cảm thấy việc có tình cảm với thầy giáo là trái với luân thường đạo lý, cách nhìn nhận của cô ấy là: “Chỉ là gia sư thôi, có gì mà luân thường với không luân thường chứ, nếu hai người đều có tình cảm với nhau, vô đạo đức thì cũng thành có đạo đức, tình yêu đích thực là vô địch mà. Nếu một cuộc hôn nhân mà hai người không có tình cảm với nhau, anh nuôi vợ bé còn tôi ngoại tình, có đạo đức lại trở thành vô đạo đức rồi, tình yêu đích thực... vẫn là vô địch”.