Diệp Sơ chào đời đúng vào ngày lập xuân.
Có câu: “Một năm bắt đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ”. Bởi mùa xuân là thuở ban sơ, là lúc muôn loài sinh sôi nảy nở, thế nên mẹ Diệp Sơ mới đặt cho cô cái tên này.1
1 “Sơ” trong tiếng Hán nghĩa là thuở ban đầu, sự khởi đầu.
Diệp Sơ ra đời yên ắng, êm ả vô cùng. Đến mức nào nhỉ? Nói như mẹ Lưu Mĩ Lệ của cô thì: “Chỉ cần hơi lơ đãng một chút thôi là đã thấy con chui ra rồi, mẹ còn chưa kịp kêu tiếng nào”.
Ở quê họ, mọi người quan niệm rằng lúc chào đời, trẻ càng khóc to thì càng dễ nuôi. Không biết quan niệm ấy có thật hay không mà trùng hợp thay, ngày Diệp Tử Sơ khó nuôi vô cùng. Vừa mới sinh ra, cô đã ốm lên ốm xuống, ngày nào bà nội cũng phải cuống cuồng bế cô vào bệnh viện.
Cô vào viện nhiều đến nỗi các y tá đều nhẵn mặt. Nếu vài ngày không thấy cô xuất hiện, kiểu gì họ cũng ca cẩm: “Ô, sao mấy hôm nay không thấy Diệp Tử đến nhỉ? Nhớ con bé ghê cơ!”.
Đấy các bạn xem, đây là lời một y tá bệnh viện nên nói sao?
Nhưng người nhà Diệp Sơ chẳng ai để bụng. Họ đều là những người hiền lành, không nhỏ nhen toan tính. Dù buồn hay vui thì cuộc sống vẫn cứ thế trôi đi, chi bằng hãy sống vô tư cho dễ chịu.
Diệp Sơ từng coi bệnh viện là nhà như thế. Cho đến năm lên ba, một lần nọ, cô bị dị ứng do truyền Penicillin2 quá liều.
2 Penicillin là một trong một nhóm kháng sinh thu được từ nấm Penicillium. Penicillin sát trùng bằng cách tiêu diệt vi khuẩn và hạn chế sự sinh trưởng của chúng.
Lúc đó, gia đình cô không mấy khá giả. Nếu không dùng được Penicillin thì có thể đổi sang dùng thuốc khác, nhưng chi phí sẽ đắt đỏ hơn nhiều. Bố mẹ và ông bà Diệp Sơ của vô cùng lo lắng, sợ rằng nếu bệnh tình của cô không thuyên giảm, cả nhà sẽ lâm vào khủng hoảng kinh tế mất.
Kể cũng lạ, ngay ngày thứ hai, sau khi suy nghĩ “khủng hoảng kinh tế” kia xuất hiện, Diệp Sơ không cần tới viện nữa.
Qua ngày thứ ba, thứ tư… rồi tận một tháng sau, Diệp Sơ vẫn không hề ốm thêm lần nào nữa, đến mức bà nội cô lại bắt đầu sốt ruột: Chẳng lẽ cháu mình ốm đến nỗi không kêu nổi thành lời?
Cả nhà buồn rười rượi, kẻ khóc lóc sụt sùi, người mặt ủ mày chau, suốt đêm bế Diệp Sơ đi bệnh viện. Đến nơi, cũng không ai trình bày cô đau ốm ra làm sao, để mặc cho bệnh viện kiểm tra tổng quát từng li từng tí. Cuối cùng bác sĩ đưa ra kết luận: “Già trẻ lớn bé nhà này định đùa giỡn với bệnh viện phải không? Đứa bé này hoàn toàn khoẻ mạnh, chẳng qua vì được gia đình các vị tẩm bổ quá mức nên cháu nó hơi thừa cân thôi”.
Thế là từ đó trở đi, Diệp Sơ đeo thêm cái biệt danh “Diệp Thừa Cân”.
Diệp Thừa Cân có tật không nhớ nổi mặt người, lên ba rồi mà vẫn gọi bà hàng xóm là mẹ, gọi chú bưu tá đưa báo hằng ngày là bố, khiến mẹ cô bé vô cùng buồn bực: Sao mình lại sinh ra một đứa con gái ngay cả bố mẹ cũng nhận nhầm thế này?
Có điều cái tật này của Diệp Thừa Cân cũng không hoàn toàn xấu. Ít nhất thì cô bé vẫn được cô Vương hàng xóm - người “được” gọi nhầm là mẹ kia - cực kỳ yêu quý.
Cô Vương luôn ước ao có được một đứa con gái. Ba mươi tuổi cô ấy mới có thai, thế mà lại sinh ra một thằng cu. Cô ấy tức đến nỗi suýt nữa lấy kéo cắt phăng “thằng cu” cho biến thành con gái.
Nào ngờ bé gái mũm mĩm trắng trẻo nhà hàng xóm vừa gặp mặt liền gọi mình là mẹ khiến cô Vương phấn khởi lắm, còn âm thầm suy tính đến việc sau này phải cưới bằng được cô về làm con dâu.
Thế là trước năm bảy tuổi, Diệp Sơ đã có một cậu bạn trai thanh mai trúc mã bé bỏng. Đó chính là con trai cô Vương nhà hàng xóm – Thẩm Nam Thành.
Tuy từ nhỏ Thẩm Nam Thành đã là tên đầu gấu nhóc con nổi danh khắp thị trấn, nhưng cậu chàng lại rất vâng lời mẹ. Bị mẹ mình ngấm ngầm tiêm nhiễm giáo hoá, cậu thực sự đã coi Diệp Sơ là vợ tương lai của mình.
Trước năm bảy tuổi, những đứa trẻ láng giềng nếu dám cười nhạo Diệp Sơ là béo, đều bị Thẩm Nam Thành đánh cho một trận nên thân.
Hậu quả trực tiếp của chuyện này chính là khiến Diệp Sơ từ nhỏ đã không có bạn. Bởi vì tất cả những đứa trẻ xung quanh đều sợ cô, chỉ lo lỡ miệng nói sai câu gì đó sẽ bị Thẩm Nam Thành đuổi theo, đánh dập mông.
Không có bạn bè, Diệp Sơ đành phải chơi với Thẩm Nam Thành. Nhưng chơi cái gì đây? Dĩ nhiên là tất cả trẻ con đều thích chơi trò gia đình.
Diệp Sơ đóng vai mẹ, Thẩm Nam Thành đóng vai bố, chú chó Tiểu Hoàng nhà Thẩm Nam Thành vào vai con.
Sau này, một ngày nào đó, nếu Diệp Sơ thực sự sinh con trai, để nó biết được trên mình còn có một người “anh trai” là chó, chắc sẽ đập đầu vào đậu phụ tự tử mất.
Đừng trông thấy Thẩm Nam Thành ra đường hung hăng đánh đấm, về đến nhà cậu ngoan ngoãn như một chú thỏ con, bị bố đánh cũng không dám kêu nửa chữ.
Vừa nghe Diệp Sơ bảo mình đóng vai bố, mặt mũi cậu đã đỏ dừ, thâm tâm càng thêm xác định cô sẽ là bà xã tương lai của mình.
Mấy cậu nhóc ấy mà, cái gì cũng coi là thật.
Diệp Sơ không nhớ được cái tên Thẩm Nam Thành, nên mỗi khi gặp nhau cô thường gọi cậu là A Bảo.
Cái tên A Bảo này bắt nguồn từ một chương trình truyền hình địa phương - nơi Diệp Sơ và Thẩm Nam Thành sinh sống. Lúc ấy trên ti vi có một chuyên mục nấu ăn rất được yêu thích với người dẫn chương trình tròn trịa, tài nấu ăn cực kì xuất sắc. Đây cũng là cái tên mà Diệp Sơ nhớ rõ nhất, bởi thế, mỗi khi không nhớ được tên ai đó, cô bèn gọi người ta là A Bảo.
Nhưng Thẩm Nam Thành chẳng hề hay biết, cậu cứ tưởng đó là biệt danh Diệp Sơ đặt riêng cho mình, nên mỗi lần nghe Diệp Sơ gọi “A Bảo”, cậu luôn hớn hở đáp lời.
Thật ra cậu không hề hay biết, đến cả con chó nhà cậu, Diệp Sơ cũng gọi là A Bảo.
Đây cũng là thắc mắc mà hồi ấy Diệp Sơ không tài nào giải thích nổi. Tại sao cứ mỗi lần cô gọi chú chó kia, lại thấy người tung tăng chạy tới? Dĩ nhiên, những chuyện này đều chỉ là râu ria ngoài lề mà thôi.
Thấy con trai mình có một cô bạn gái bé bỏng, mẹ Thẩm Nam Thành vui lắm, chỉ tiếc là ngày vui ngắn chẳng tày gang.
Năm Thẩm Nam Thành bảy tuổi, nhà cậu bỗng nhận được một bức thư từ Mĩ gửi về. Đó là một tập giấy dày cộp, bên trên đề cả tiếng Trung lẫn tiếng Anh.
Bức thư ấy của ông trẻ của Thẩm Nam Thành – người đi nhập ngũ từ thời thanh niên, vốn tưởng đã bỏ mạng sa trường.
Năm xưa ông rời khỏi Trung Quốc khi còn rất trẻ, rồi lưu lạc sang Mĩ gây dựng sự nghiệp. Nay tuổi tác đã cao, lại không có con cháu nối dõi, ông tìm hiểu bằng nhiều cách mới biết mình vẫn còn người thân đang sinh sống trong nước, ông hi vọng cả nhà sẽ dọn sang Mĩ sống cùng với mình. Ông hứa sẽ đảm bảo cho con cháu được hưởng điều kiện giáo dục tốt nhất.
Xin được giới thiệu thêm rằng, khi đó ở Trung Quốc đang thịnh hành xu hướng “Ở bên đó vầng trăng cũng tròn hơn”. Với quan niệm ấy, người người mong xuất ngoại, nhà nhà mong xuất ngoại để mở rộng tầm mắt và tri thức, huống hồ đây còn là cơ hội nhập cư cho cả gia đình.
Sau một thời gian suy tính kĩ càng, giữa cô “con dâu” và việc di cư, mẹ Thẩm Nam Thành đã quyết định dứt áo ra đi.
Nhờ “quan hệ” mà chưa đầy ba tháng, ông trẻ ở đất nước Mĩ xa xôi đã giúp họ hoàn tất mọi thủ tục giấy tờ cần thiết cho việc nhập cư. Ba tháng sau, Thẩm Nam Thành theo mẹ bước lên máy bay, thẳng tiến tới đất nước theo chủ nghĩa đế quốc kia.
Trước khi đi, Thẩm Nam Thành mếu máo khóc, nằng nặc đòi mẹ dắt Diệp Sơ theo.
Mẹ cậu thấy khó xử quá, nước Mĩ đâu phải chợ bán thức ăn, có phải muốn đi là đi được đâu. Đừng nói là dẫn theo một người nữa, đến cả chú chó Tiểu Hoàng mà nhà họ đã nuôi bao năm cũng không được đưa lên máy bay nữa là.
Mẹ cậu nghĩ mãi rồi bảo: “Thế này đi, con để Tiểu Hoàng ở lại đây bầu bạn với Diệp Tử, khi nào chúng ta ổn định ở bên đó, sẽ đón Diệp Tử và Tiểu Hoàng sang sống cùng”.
Tất nhiên mẹ cậu chỉ nói mấy câu chiếu lệ vậy thôi, thế mà Thẩm Nam Thành lại tin là thật. Cậu về nhà tắm rửa sạch sẽ cho Tiểu Hoàng, thắt cho nó một cái nơ bươm bướm lên cổ rồi đến đúng ngày đi, cậu dắt nó sang nhà họ Diệp.
“Diệp Tử ơi, tớ để Tiểu Hoàng ở lại đây với cậu nhé. Mẹ tớ bảo, giờ này sang năm sẽ cho máy bay đến đón cậu và Tiểu Hoàng.”
Diệp Sơ nhìn con chó một hồi rồi lại quay sang nhìn Thẩm Nam Thành, thắc mắc: “Có thật là máy bay lớn thế vẫn bay được lên trời không?”.
“Tất nhiên rồi! Đến lúc ấy, cậu và tiểu Hoàng sẽ ngồi trên máy bay, vèo một cái là đến được nước Mĩ thôi.”
“Đến nước Mĩ để làm gì?”
Thẩm Nam Thành đỏ mặt, “Đến nước Mĩ… để… để chúng mình được sống bên nhau…”.
“Tớ cũng có nhà để ở mà.”
“Đó… Đó là chuyện khác…” “Khác chỗ nào cơ?”
“Khác ở chỗ…” Thẩm Nam Thành lúng túng như gà mắc tóc, nói không nên lời, nghĩ mãi cậu mới thỏ thẻ: “Mẹ tớ bảo ở Mĩ người ta phủ dâu tây lên kem đấy”.
Dâu tây ư? Vừa nhắc đến ăn là mắt Diệp Sơ đã ngời sáng. Cô gật đầu, đáp rất nghiêm túc: “Vậy cậu nhớ phải quay lại đón tớ đấy nhé!”.
“Được, tớ hứa!” Thẩm Thành Nam cười tít mắt, lòng ngọt ngào như vừa được ăn kẹo vậy.
Thế rồi chiếc xe đón gia đình cậu cũng đến, mẹ kéo cậu lên xe.
“Tạm biệt, đừng quên lời hứa của chúng mình đấy!” Ngồi trên ghế sau, Thẩm Nam Thành ra sức vẫy tay.
Diệp Sơ dẫn theo Tiểu Hoàng đứng ngoài cổng, cũng vẫy theo, “Tạm biệt nhé… A Bảo!”.
Khoảnh khắc ấy, cậu suýt bật khóc, nhìn Tiểu Hoàng phủ phục bên cạnh Diệp Sơ, cậu nhủ thầm: Con à, mẹ sẽ chăm sóc cho con thật tốt.
Năm ấy, Diệp Sơ sáu tuổi lẻ tám tháng, vẫn không nhớ được tên của bất cứ ai, gặp người nào cũng gọi là A Bảo.