Sà xuống cái thùng các tông méo mó, tôi dang tay ôm lấy nó như thể ôm lấy cái rương báu quý giá nhất trên đời. Chốc chốc, tôi lại kề mũi lên lớp vỏ các tông, hít hà, đôi mắt nhắm tịt với vành môi hơi cong lên, trông mãn nguyện và vui sướng vô cùng.
- Anh Cò cho em ôm bánh kẹo mí! – Cái Tẹt lon ton chạy từ ngoài thềm vào, đang định sà xuống thì bị chị Hồng túm cổ áo dựng lên.
- Tẹt ra đây, ra chị rửa tay cho ngay. Vừa sểnh mắt ra không nhìn là lại vục tay nghịch nồi cám lợn rồi.
Tôi ngẩng mặt lên, hai bàn tay Tẹt bê bết cám lẫn rau, dính cả lên cổ tay áo len, trông đến là khiếp, tôi la toáng lên:
- Gớm quá, Tẹt đi rửa tay đi!
- Em rửa tay xong em vào ôm bánh kẹo, anh Cò nhớ! – Tẹt ngoái đầu lại nói với một câu trước khi bị chị Hồng lôi xềnh xệch ra ngoài bể nước.
Có tiếng dép loẹt quẹt, mẹ đang bước lên thềm, tay nắm con dao cau nhỏ mà sắc lẻm.
- Buông ra mẹ xem nào! – Mẹ ngồi xuống chồm hỗm cạnh cái thùng, khẽ gạt tay tôi ra, đưa dao rạch dọc đường băng dính dán trên mép nắp thùng.
Nắp thùng bật ra. Tôi hoa cả mắt. Những bánh, những kẹo, những mứt xếp lớp lớp chồng chồng lên nhau, đầy ngồn ngộn, lấp lánh như ngọc ngà châu báu xếp trong cái rương bí mật. Gói đỏ này là bánh quy đồng tiền, vàng rụm, giòn thơm. Gói hồng hồng kia là kẹo gôm dâu bọc đường, cái món tôi mê điên đảo, những viên kẹo vuông đều chằn chặn, kết đường trắng tinh, nhai dai sần sật như miếng tai lợn. Khuất trong góc thùng là một gói mứt dừa trắng phau, dây mứt mỏng tang, ngày Tết, nhai một miếng mứt rồi nhấp một ngụm chè xanh, cái vị dẻo bùi của dừa quyện với vị chát thanh của nước chè đủ làm người ta quên hết đi những dưa hành, bánh chưng ngây ngấy mỡ. Rồi thì kẹo lạc, rồi thì mứt hồng, rồi thì bánh xốp… Tôi nuốt nước bọt ừng ực, bụng réo rắt không ngừng.
Có tiếng chân chạy lạch bạch, cái Tẹt đã rửa tay sạch sẽ, ton ton chạy vào nhà.
- Sao mẹ lại làm rách hết rồi, con chưa kịp ôm bánh kẹo mà! – Cái Tẹt thét lên khi nhìn thấy cái thùng đã được mở toang. Nó nằm lăn đùng ra sàn nhà, tay chân đập bình bịch ăn vạ - Ứ ừ, con vừa đi có một tí đã làm rách hết bánh kẹo, không cho con ôm. Ứ ừ!
Mẹ vớ lấy cuộn băng dính nhỏ dưới gầm bàn, vội vàng đậy nắp thùng, dán tạm lại rồi đẩy về phía Tẹt:
- Đây, hết rách rồi đây. Mẹ cho em tất!
Cái Tẹt ngừng kêu khóc, bật người dậy như cái lò xo. Nó quẹt tay chùi nước mắt sụt sịt rồi ôm chầm lấy cái thùng, mặt trông phởn phơ, mãn nguyện lắm.
- Mẹ mở bánh kẹo ra lấy bánh kẹo đi! – Tẹt thỏ thẻ như con mèo con.
Mẹ luồn ngón tay xuống dải băng dính gắn hờ, khẩy nhẹ, nắp thùng bung ra. Mắt Tẹt sáng rực lên.
- Bánh xốp dứa Tẹt thích ăn, mẹ mua cho em rồi này! – Mẹ vui vẻ nâng gói bánh lên. Mắt Tẹt sáng rỡ, nó chồm người tới định chụp lấy gói bánh thì mẹ lại nhấc lên cao hơn – Chớ, hư, bánh để mẹ cúng cụ đã. Tẹt ăn hỗn các cụ phạt.
Con bé tiu nghỉu cái mặt. Mẹ cầm gói kẹo gôm dâu bọc đường lên, ve vẩy trước mặt tôi:
- Kẹo gôm dâu của anh Cò đây!
- Con biết rồi, chưa được ăn, phải để cúng cụ đã. – tôi liếc cái Tẹt, ra vẻ đàn anh hiểu biết.
- Kẹo lạc này cho bố uống nước chè. Đây thì mứt hồng chị Hồng con thích. – Mẹ nhẩm thầm trong miệng, từng món mua về đều theo sở thích của chồng, của con.
Để lại mẹ với cái thùng bánh kẹo sau lưng, tôi thong dong bước ra đầu ngõ với gói kẹo bi nhỏ xíu vừa được mẹ dúi cho. Những ngày áp Tết, cái xóm nhỏ lam lũ bỗng trở nên xôn xao. Tiếng nói, tiếng cười văng vẳng nơi đầu xóm cuối thôn. Lá lao xao trên những rặng cây. Chim ở đâu bay về, tíu tít, rủ rỉ hót trong bóng lá. Gió thôi những cơn thúc dữ dội, nhẹ hát vi vu với mây trắng, trời trong. Qua đi rồi cái tiết buốt giá của đông lạnh, mùa xuân vỗ cánh bay về, mang theo hơi thở tươi mát của vạn vật lúc chuyển mình, hứa hẹn một cái Tết ấm lành và yên an. Đi giữa khung cảnh đẹp tươi ấy, tôi thả một viên kẹo bi vào miệng, khoan khoái nhấm nháp cái vị ngòn ngọt của lớp bột trắng bao quanh hạt lạc đang tan ra trên đầu lưỡi.
Bước gần cổng nhà thằng Tí, chân tôi chầm chậm lại. Bên bụi tre ngà trước ngõ, Tí đang đứng cạnh cái xe đạp thồ hoen rỉ của cô mua đồng nát, tay giơ lên một cái túi nho nhỏ. Cô hàng nhận lấy cái túi, giở ra lục lọi một chặp rồi xỏ vào cái móc cân. Xong xuôi, cô thả cái túi vào cái sọt đựng trăm món nhôm đồng, sắt vụn đặt sau xe rồi móc bao ra mấy đồng lẻ đưa cho Tí. Đoạn cô nhảy phốc lên yên, gò lưng đạp. Cái kèn trên tay lái kêu “Tuýt! Tuýt” đệm nhịp cho tiếng rao quen thuộc:
- Ai nhôm đồng sắt vụn bán đê!
Tí vẫn đứng tần ngần chỗ cũ. Nó giở nắm tiền lẻ ra đếm, mặt nom vui sướng lắm. Tôi chạy ù té lại gần, vỗ bộp cái vào vai thằng bạn:
- Ê Tí, mày vừa bán cái gì đấy!
Tí giật mình, quay lại. Nhận ra tôi, nó cuống quýt đặt ngón trỏ dọc trên môi, “Suỵt!” một cái ra chiều bảo tôi be bé cái mồm rồi lấm lét nhìn vào trong nhà.
- Mày ăn trộm đồ đem bán hay sao mà lén lút thế! – tôi làm mặt nghiêm trọng, dò xét Tí.
- Đâu có! – Tí hốt hoảng, cái thằng nhát đến lạ - Toàn là sắt vụn tao đi nhặt được đấy chứ!
- Thế cô đồng nát trả cho mày nhiều tiền không?
- Chẵn hai nghìn! – Tí hồ hởi xòe tay ra, mấy đồng hào nhàu nhĩ trong lòng bàn tay nó.
- Sướng, đi mua kẹo ăn đi! – tôi kêu lên.
- Không được! – Tí nắm vội tay lại – Tiền này tao mua cái khác rồi.
- Mày mua cái gì? – tôi lại săm soi.
Tí ngập ngừng, nó nhìn vào trong nhà, nhìn đồng hào trong tay rồi ngước mặt nhìn tôi, lí nhí:
- Tao nói cho mày, mày phải giữ bí mật cho tao, nhất là không được nói với bố mẹ tao nhé!
- Tất nhiên rồi! – tôi kêu lên.
- Tao để tiền này mua kẹo bạc hà cho bà ngoại. – Tí ghé sát tai tôi, thì thào.
Tôi ngẩn người. Thế thì có gì đâu mà phải giữ bí mật. Vả chăng, nếu bà ngoại thằng Tí muốn ăn kẹo thì sao bà nó lại không tự đi mà mua nhỉ?
- Có thế mà phải giữ bí mật á? – tôi trề môi.
- Ừ, mẹ tao mà biết, mẹ tao sẽ tịch thu chỗ tiền này luôn. – Tí lo lắng.
- Thì thôi. Để bà ngoại mày tự mua kẹo bạc hà cũng được!
- Bà tao không có tiền! – Nghẹo cái đầu sang một bên, mặt Tí buồn xo.
- Thì bảo mẹ mày đi mua chứ! Mẹ tao vừa mua một thùng bánh kẹo về ăn Tết, có cả kẹo gôm dâu ngon kinh khủng!
Tí làm thinh, nó không nói gì nữa. Day day mấy đồng hào trong tay, nó chợt lên tiếng:
- Mày đi mua kẹo bạc hà với tao đi!
- Xong ngay! Ra quán bác Liên nhé – tôi hí hửng.
- Quán bác Liên chả có. Hôm qua tao hỏi rồi. Mình ra quán to nhà cô Lam ngoài chợ nhé!
Còn gì tuyệt hơn cái không khí nhộn nhịp, vui tươi của phiên chợ những ngày áp Tết? Tôi gật đầu lia lịa. Hai đứa tôi dắt díu nhau chạy phăm phăm lên dốc đê.
Cổng chợ mới thấp thoáng nhô lên trên tầm mấy bụi dứa dại ven đường mà tiếng xôn xao đã rộn lên từ xa. Càng bước đến gần, mớ tạp âm ấy lại càng rộn rã. Tiếng người nói, cười, gọi nhau í ới. Tiếng gà, vịt quang quác kêu. Tiếng pháo đó đây tí tách, bem bép nổ. Dọc hai bên lối đi trước cổng, đào quất bày ra, lá xanh, hoa thắm, quả vàng chen nhau rực rỡ. Năm nay rét dài, đào co nụ, ủ hoa chưa vội nở; gặp tiết ấm áp mới ngập ngừng hé dăm ba nụ hồng rải rác khắp cành, đợi ba ngày Tết về mới tung xòe cánh mỏng. Sắc đào phai đẹp mơ màng như màu má cô gái chưa chồng. Dâng một cành lên bàn thờ tổ tiên, đặt một chậu con ngoài thềm, lặng ngắm những cánh hồng nhàn nhạt lấp ló giữa màu lá xanh mơn mởn, người ta chợt thấy xuân sum vầy dưới mái ngói nâu, rộn ràng âm thầm trong dạ. Và còn quất nữa, cái thứ cây được người ta gửi gắm bên trong niềm ước mong một năm mới sang sung túc, đủ đầy. Chợ quê, quất không tạo chóp, quả mọc thành vòng xoắn ốc cầu kì như người thành phố; chỉ là dăm ba chục cây trồng được ở vườn nhà, nhỏ bé, đơn sơ như cái ước mong áo cơm no đủ, con cái ngoan hiền, vợ chồng yên ấm của những mảnh đời lam lũ, một đời chưa bước chân quá lũy tre làng. Từng đôi quang gánh kĩu kịt ngang qua, người tay thúng, tay lồng, đội chuối, đội trầu, xách gà, xách ngan... nườm nượp đi vào chợ. Giữa cái bầu không rộn rã, huyên náo, hai đứa tôi đứng ngẩn ngơ, đôi mắt lấp lánh những tia nao nức, vui mừng.
- Thôi, đi mua kẹo đã chứ! – Tí như sực tỉnh. Nó kéo tay rôi, rẽ vào lối đi bên phải cổng chợ rồi biến vào đám đông.
Hàng tạp hóa của cô Lam là cái hàng to nhất và nhiều món nhất ở cái xã này. Những ngày áp Tết, người mua nườm nượp. Để tôi đứng ngoài, Tí lách người vào giữa đám đông rồi mất hút sau dòng người. Lát sau, nó chui ra, vẻ mặt rạng rỡ, tay nắm một gói kẹo xanh xanh.
- Mua được rồi! Còn thừa những một nghìn mày ạ! – Tí hồ hởi, một tay giơ cao gói kẹo, một tay ve vẩy đồng một nghìn nhàu cũ.
Rồi trên suốt đường về, nó cứ huyên thuyên không ngớt:
- Bà tao chắc là thích lắm đây!
- Bà tao thích ăn kẹo bạc hà cực. Từ cái lần tao mang về hai cái mua ở quán ông Lô trước cổng trường mình ấy!
- Rồi bà tao sẽ mừng đến phát khóc cho mà xem!
Vừa về đến nhà, Tí đã ù té chạy vào gian buồng bà nó ở. Tôi lò dò theo sau. Bên ô cửa sổ, bà nó đang kê ghế ngồi trầm ngâm. Ánh nắng lấp ló xuyên qua mấy tàu lá chuối đu đưa ngoài song cửa, hắt ngang mặt làm những vết nhăn trên trán, quanh đôi mắt, hai bên má, dưới khóe môi của bà nổi rõ lên trên nền da lấm chấm vết đồi mồi.
- Bà ơi, cháu mua kẹo bạc hà về cho bà này! – Tí reo lên.
Bà nó chầm chậm quay lại, nhìn cháu, nhìn gói kẹo, đôi môi đỏ nước trầu nở một nụ cười móm mém.
- Cháu ngoan, còn nhớ bà thích ăn kẹo bạc hà cơ à?
- Vâng, cháu nhớ chứ! Lần này cháu mua gói to luôn, không phải gói nhỏ nhỏ có năm viên nữa đâu, ăn hết Tết cũng không hết bà ạ!
- Tiền đâu mà mày mua kẹo hả?
Tiếng một người đàn bà bỗng vang lên. Hai đứa tôi giật mình ngoái lại, cô Dung, mẹ Tí đang đứng ở của buồng từ lúc nào.
- Mẹ... – Tí lắp bắp – Mẹ không sang bác Thoan gói bánh chưng ạ?
- Tao hỏi mày lấy tiền đâu mua gói kẹo to thế? Mày ăn trộm của bố của mẹ có đúng không?
- Không, không ạ! Con đi nhặt sắt vụn bán lấy tiền đấy chứ! – Tí tái mặt.
- Đúng đấy cô ạ! Chính mắt cháu nhìn thấy bạn Tí bán sắt vụn cho cô đồng nát ạ! – tôi nhanh nhảu đỡ lời.
Mẹ Tí lừ mắt, bà tiến lại gần, giật lấy gói kẹo trên tay Tí, săm soi.
- Bánh kẹo tao mua thiếu gì mà mày còn đi mua về nữa. Ăn thế chưa đủ à?
- Dạ, không, kẹo này con mua cho bà! – Tí cúi đầu, giọng lí nhí.
Mẹ Tí đờ người, rồi tự dưng, giọng bà ấp úng hẳn:
- Bà muốn ăn sao bà không bảo con. Cháu nó biết gì.
- Bà nói với mẹ mấy lần rồi đấy chứ! – giọng Tí đột nhiên méo mó – Mà mẹ có nhớ mua đâu! Con lục thùng bánh kẹo mẹ mua về ăn Tết rồi, chả có kẹo bạc hà. Chỉ có bánh quy dâu con thích ăn, kẹo ngô của anh Hào với rượu của bố thôi. Làm gì có gói kẹo bạc hà của bà. Mẹ có nhớ đâu!
Mặt mẹ Tí bỗng cứng ngắc. Nhìn người mẹ già, nhìn thằng con, nhìn gói kẹo đang nắm chặt trên bàn tay run run, mẹ Tí bỗng khụy xuống:
- Giời ơi!
Rồi òa lên khóc.
- Giời ơi là giời! Nhỏ ranh muốn thức gì tôi chỉ biết đòi mẹ tôi! Lớn lên theo chồng, tôi cũng chỉ biết hỏi chồng tôi, con tôi muốn thức gì! Nào đã bao giờ, tôi hỏi mẹ tôi một câu xem bà thèm thức gì! Giời đất ơi!
Mẹ Tí ôm chân người mẹ già mà khóc. Bà ngoại Tí ngồi trên ghế, không nói câu gì, thoáng đưa tay lên chấm mắt rồi quay mặt ra cửa sổ. Tí đứng bên, nước mắt cũng sụt sùi. Mặt trời khuất mây, căn buồng bỗng nhiên tối sầm lại.
Trong bữa cơm chiều, tôi kể lại câu chuyện nhà Tí cho cả nhà nghe. Bố lắc đầu, bố bảo ông ngoại thằng Tí mất sớm, bà nó ở vậy gồng gánh nuôi bốn anh em nhà mẹ nó, rồi bố chê mẹ Tí mất hiếu quá. Mẹ tôi thì không nói gì, bà lẳng lặng chan canh, lùa nhanh bát cơm rồi đứng dậy đi vào buồng.
Xem hết bộ phim cuối tuần, bố nhắc chị Hồng ra cài then cổng. Chị ngơ ngác:
- Không chờ mẹ về hả bố?
- Mẹ mày sang ngoại, ngủ lại đêm nay rồi.
Bố nhấc chén nước chè, nhấp một ngụm, khóe môi bỗng mỉm một nụ cười khe khẽ.