Áp tay lên bụng áo, tôi xoa nhè nhẹ, cái cảm giác êm mềm từ lớp lông ngắn mịn phủ khắp bề mặt vải truyền sang lòng bàn tay, mơn trớn dọc mấy ngón tay khiến lòng tôi dậy lên một nỗi háo hức, thích thú lạ kì. Ánh trong đôi con ngươi tròn, đen lay láy của tôi, cái áo nỉ trắng kèm mũ, in hình Doraemon đang bay với chong chóng tre gắn trên đầu cứ lắc qua lắc lại trên dây phơi như nỗi vui mừng ngây ngô đang nhảy múa trong đầu tôi.
Có tiếng dép loẹt quẹt vang lên sau lưng, tôi ngoảnh lại, mẹ đang lễ mễ bưng nồi cám lợn từ bếp đi ra. Thấy ông con lại quấn lấy cái áo, mẹ thở dài:
- Thôi chớ, thế này thì đến Tết cho nhịn, cấm có đòi áo mới áo me gì nữa!
- Nhưng sắp đến Tết rồi mà mẹ. Con Hạnh bảo mấy nữa bác Tư, bố con Hạnh ấy mẹ, là bứng quất ra chợ bán tết rồi!
- Ối chao, lại ba cái của quất còi quất ghẻ nhà lão, năm nay tính cắt cổ người ta lần nữa chắc! – Đặt phịch cái nồi cám xuống đất, mẹ chép miệng, mẹ hãy còn nhớ cây quất còi mua rẻ đêm Ba Mươi năm ngoái hàng bác Tư, mới nhập nhoạng tối mùng Một, quả đã rụng trơ lá, trơ cành.
- Mẹ…ẹ…ẹ…ẹ…ẹ! - Tôi đai mồm, dài giọng năn nỉ, tay bấu lấy gấu cái áo, đu đưa không ngừng.
- Giời ơi, thôi tháo xuống mà mặc. Tao đến nhức xương với mày. Giữ cho sạch, dăm bữa nữa Tết còn có cái mà mặc! – Rồi nâng nồi cám ngang bụng, mẹ lách cửa vườn đi thẳng ra chuồng lợn.
- Tuyệt vời! – tôi hét lên sung sướng.
Nhón chân, tôi lột tuột áo khỏi cái móc nhôm méo mó rồi chạy biến vào buồng. Lát sau trở ra, tôi khệnh khạnh đứng giữa hè, bụng phưỡn ra, như muốn khoe cái mặt Doraemon tròn ủm, xanh lè in trên mặt áo trước.
- Khoác cái áo bông vào, - mẹ đứng ở cửa chuồng lợn trông sang – rét mướt thế này, cứ phơi mặt phơi cổ ra đấy rồi tối về lại ho khù khụ.
Tôi bỗng rụt cổ lại. Luồng gió lạnh lẽo vừa tạt ngang làm hai cái má nứt nẻ, đỏ ửng như hai quả cà chua của tôi ran ran vì buốt. Từ cái hôm loa phát thanh oang oang báo gió mùa về, cái xóm nhỏ này chìm trong giá lạnh cũng đã non tuần và nghe đâu còn kéo tận qua cúng ông Công ông Táo. Tôi áp hai tay lên cổ, rụt người trở vào buồng. Trở ra với cái áo bông chần may ô quả trám như áo trấn thủ, tôi vung tay giũ áo đánh xoẹt một cái cho bay bụi rồi thòng vào người, vừa mặc vừa hét to:
- Mẹ ơi, con mặc áo bông rồi nhé!
Cái áo vừa dày vừa nặng, tôi không thích mặc tí nào. Nhưng tôi biết tỏng, không mặc áo ấm mà định tót đi chơi, kiểu gì mẹ cũng cầm roi đứng chặn trước ngõ. Cài xong kín cổ đến cái cúc áo cuối cùng, tôi tưng tưng nhảy qua từng bậc thềm xuống sân rồi tung tăng chân sáo thẳng đường ra gốc đa bên cầu, nơi mấy thằng bạn chí thân hẳn là giờ này đợi sẵn.
Gió lớn quá! Lồng lộng trên con đê dài hun hút, gió xô trảng cỏ xác xơ đổ rạp đất, cuốn lá trút xào xạc để trơ cành khô gầy, thổi phần phật bay mấy lá cờ ngũ sắc ngoài đình lớn. Thọc tay vào túi áo, tôi rụt mặt núp trong cổ áo, cố ủ ấm cái chóp mũi với hai vành tai đang đỏ lừ lên vì gió. Giữa con đê trống hoang hoải, lội ngược chiều gió, đôi chân tôi không còn tung tẩy được nữa mà chỉ chầm chậm những bước ngắn, mấy ngón chân trần không tất không giày bấu chặt vào mũi dép mòn vẹt.
Có tiếng người cười nói xôn xao đâu đó, tôi ngẩng mặt lên, xa xa, tận phía đầu kia con đê, nhấp nhô bóng nón của mấy cô hàng xén tan buổi chợ sớm đang khoan thai đạp xe xuôi chiều gió; tiếng cười giòn tan, tiếng bông đùa rôm rả xen lẫn vài điệu ho húng hắng hòa với tiếng bánh xe va lọc cọc. Gió vẫn tạt từng cơn vào mặt, nhưng tôi bỗng thấy âm ấm trong dạ. Cả một quãng đường dài lũn cũn bước một mình, những âm thanh xôn xao mà sống động kia như khuấy gió làm nóng cả một khoảng không mênh mông quanh tôi, tưởng chừng cái sinh khí sực ấm của người lao động đang tỏa hơi rộn ràng trên khúc đê nãy giờ chỉ ầm ì tiếng gió thổi. Đợi những bánh xe lăn đến gần trước mặt, tôi nhướn cổ, chào một tiếng thật to:
- Cháu chào mấy cô!
Thoáng ngơ ngác nhận tiếng chào từ thằng bé lạ, mấy cô hàng xén vui vẻ đáp lại bằng những nụ cười tươi như hoa xòe:
- Con nhà ai ngoan đáo để!
Bóng xe từng đôi sượt qua người tôi, những chóp nón dập dờn như đàn bướm trắng bay xa, xa dần.
Bóng cây đa già dần hiện rõ theo từng bước chân tôi lại gần, lá vàng, lá xanh líu ríu reo trong gió. Càng đến gần, bước chân tôi càng vồn vã khi tiếng la, tiếng hét, tiếng cười sằng sặc của mấy thằng bạn dội vào tai mỗi lúc một lớn dần. Bỗng dưng, tôi sững lại, hai chân đang thoăn thoắt bước bỗng như bị ghim vào đất.
Vừa rờ tay vào bụng, tôi vừa đánh mắt xuống. Tấm áo mới mà nãy giờ tôi cố ưỡn bụng để khoe, hóa ra đã bị lớp áo bông chần dày cộp che kín mà tôi không mảy may để ý. Ôi, bao công năn nỉ, khóc lóc với mẹ để được diện áo trước Tết, để có cái mà vênh mặt trước đôi giày hàng hiệu hàng họ gì đó mà thằng Đẹt xí xớn khoe ầm lên cả tuần nay; chả có nhẽ đổ hết xuống bể xuống sông vì cái áo bông này. Tôi quyết không cam lòng! Tôi xoay người lại, giật bung từng cái cúc, phanh toang hai vạt áo bông, bản mặt phởn phơ của Mon ú lại lồ lộ ra trước bụng áo. Hùng hổ quay gót lại, cái cằm đang vênh lên của tôi chợp cụp rúm lại. Gió từng cơn lại quật vào người, tấm áo nỉ phong phanh không đỡ nổi gió rít luồn qua từng sợi vải, lạnh thấu cả ruột gan. tôi run bần bật, bặm môi bước tiếp.
Vừa thấy tôi đến, thằng Đẹt đã hét ầm lên:
- Mày đây rồi! – Nó ton ton chạy đến kéo tay tôi lại. Đang rúm lại vì lạnh, mặt tôi bỗng giãn ra, ngơ ngác trước cái vẻ vồn vã bất thường của thằng Đẹt. Cứ như thể lúc này trong mắt Đẹt, tôi là củ khoai nướng, bắp ngô luộc hay đại loại một thứ gì đó ăn được vậy.
- Mày ngồi xuống đây!
Nó ấn tôi ngồi xuống một cái rễ đa. Kế bên là thằng Tí và Còi. Bủm đang bắt chéo chân dựa lưng vào gốc đa, há miệng ra ngáp:
- Lại sắp bắt đầu đấy!
Xếp chỗ xong xuôi cho thằng bạn đến muộn, Đẹt túm sống quần, kéo ống lên, để lộ hai cái cổ chân ninh nính mỡ, quan trọng hơn là nó muốn khoe cái thứ láng bóng dưới cổ chân. Chà, dù không muốn nhưng tôi cũng phải công nhận rằng, cái đôi giày mới của thằng Đẹt thật là đẹp. Da giày vàng ươm màu rơm, dây giày trắng, thắt đều ngay ngắn. Bên thân giày, ba vạch đen sổ ba đường song song nhau, kéo đến tận đế, hơi xiên hướng về mũi giày. Bên cạnh đường sổ đen cuối cùng, áng chừng ngay dưới mắt cá, một hình nom như cái móc câu uốn, ngay bên dưới là dòng chữ đều tăm tắp như in, tôi giương mắt, lẩm nhẩm đánh vần: A-D-I-D-O-S.
- Kinh! – tôi há hốc mồm – Dán cả tên nữa này!
Đẹt nhòm xuống, nó vỗ tay đánh đét một phát:
- Chả chuyện, giày xịn một trăm trăm phần trăm, mẹ tao mua ở chợ Ông Hành cơ mà!
Chợ Ông Hành là một cái chợ lớn ở dưới thành phố, nơi mà lũ trẻ lem luốc quê mùa chốn đây chỉ được nghe kể qua dăm ba câu chuyện bán buôn của người làng để rồi hiện lên trong đầu chúng những gian hàng lóng lánh ánh đèn với đủ món hàng kì trân dị thảo. Thế nên, vừa nghe đến ba chữ “chợ Ông Hành”, tôi và cả bọn Tí, bọn Bủm, bọn Còi đều không còn nghi ngờ gì nữa, giày A di đót của thằng Đẹt là đồ xịn một trăm phần trăm!
- Chắc đôi giày này phải một triệu nhỉ? – Tí nhún vai. Một triệu với nó là cái giá trên trời rồi, vì ngoài tờ 500đ đo đỏ mẹ hay dúi cho đi mua tương, mắm lặt vặt thì nó chưa bao giờ sờ đến đồng nào to hơn thế.
- Một triệu là ít! Có khi phải mười triệu ấy! – Còi kêu lên.
- Sai hết, một trăm triệu! – Đẹt chém xoẹt tay vào không khí.
- Mày không phải nói phét! – Bố mẹ tao nói chuyện, bảo nhà chú Chinh Hảo mua cái nhà có cái vườn với ao to thế có một triệu. Giày của mày lại to hơn nhà chú ấy!
- Ô hay! – Đẹt làm cái vẻ mặt như sửng sốt lắm – Giày của tao là hàng xịn, hàng hiệu của Tây làm. Anh Thái mèo xem kĩ lắm rồi, bảo A di đót là hãng giày cực nổi tiếng trên khắp vũ trụ luôn!
Rồi Đẹt nhún nhún hai gối, cái mông nó lắc qua lắc lại như hề:
- Chính bởi nó đắt thế nên mẹ tao giấu kĩ lắm, tao phải lục hết tủ, gầm chạn, gầm giường đến bồ thóc mới mò ra nó đấy! Mẹ tao sợ tao đi trước rồi làm hư! Đời nào! Tao yêu nó còn hơn món khoai luộc ngào đường ấy chứ!
Nó tiếp tục ba hoa:
- Tính ra có mình tao được diện giày mới trước thôi đấy! Chúng mày chắc phải đợi Tết đúng không? Mà có thật là chúng mày cũng có đồ mới để diện không?
- Tưởng mình mày có, - Bủm trề môi – Mẹ tao sắm cho tao hẳn một bộ rồi. Cái áo in hình siêu nhân hẳn hoi, đã thế còn có mũ với dây buộc nữa. Nhưng tao để dành Tết cơ, chả thèm đòi! – Nó làm mặt vẻ không quan tâm.
Tiếp đó, Còi khoe về một cái áo len sọc đen đỏ chui đầu có gắn hình gấu trúc trước ngực. Tí thì kể rằng năm nay nó được sắm nguyên một cây áo phông chui cổ với quần bò túi hộp. Tôi ngẩn người, lũ bạn mải thao thao bất tuyệt về những món mới của mình, có ai thèm quan tâm đến cái mặt phởn của Mon ú đang phưỡn ra trước bụng áo tôi đâu!
Đang nhao nhao khoe áo khoe quần, Còi bỗng lia mắt sang phía tôi:
- Thế mày không có gì à?
- Ai bảo thế? – Giọng tôi vống lên, cuối cùng chúng nó cũng chú ý đến tôi, nhưng dám nói là tôi không có áo mới á.
- Thế mày mua cái gì? – Đẹt dò xét.
Tôi không đáp. Đang khom người cố ủ lấy chút hơi ấm, tôi thẳng lưng, ưỡn bụng ra. Nắm hai vạt áo bông, tôi phanh ra rồi vẩy phành phạnh. Gió trời đã dữ, gió tạo ra từ hai vạt áo đập vào bụng vào ngực lại càng thêm buốt. Dẫu vậy, tôi nén run, mặt làm ra vẻ bức bối:
- Khiếp, nóng kinh người! – Rồi lại quạt hai tà áo phành phạch.
Cả đám ngẩn người. Rồi chúng nó bắt đầu cười sằng sặc. Thằng Bủm ngoác miệng ra tận mang tai:
- Mày có bị điên không, gió to thế này. Rét cứng cả người mà mày kêu nóng!
- May mày bị ấm đầu! – Đẹt vừa cười ngằn ngặt vừa tiến lại gần, tay rờ lên trán tôi – Eo chúng mày ơi, trán nó hơi ấm ấm thật!
Bỗng một cái lá đa vàng úa chao nghiêng, lướt qua mặt Tí rồi đáp xuống đất. Bất ngờ, cuồng phong nổi lên, tuốt cành trút ào ào một cơn mưa lá xuống. Bủm hét lên sung sướng:
- Gom lá đa làm trâu kéo chúng mày ơi!
Chúng bạn nháo nhào nhảy ra, giữa cơn mưa lá trút, chúng nó ngửa mặt, dang tay mà hứng, mà chụp. Tôi ngồi lại trên đoạn rễ già, mặt đang ngơ ngẩn bỗng rúm lại. Tấm áo nỉ mỏng manh bị gió quật liên hồi, cứ phồng xẹp phần phật trước bụng. Gió rít qua từng hồi, cả người tôi tê cứng, lảo đảo chỉ muốn ngã bật ngửa ra sau. Run rẩy vòng tay tự ôm lấy thân, tôi ngước mắt nhìn, lũ bạn, áo khăn ấm áp đang tung tăng nhảy múa, la hét. Bỗng dưng tôi nhớ đến cái chăn ấm nơi góc giường kín gió tôi hay cuộn tròn bên trong, lắng nghe tiếng gió rít qua bụi chuối sau nhà mỗi đêm rồi chìm vào giấc ngủ. Có cái gì tủi hờn dâng lên trong lòng, cao dần cao dần, lên đến tận mặt, hình như thế, vì hai mắt tôi bắt đầu nong nóng, chừng sắp trào nước mắt đến nơi. Tôi tủi thân quá! Tại sao, tại sao vậy? Vì cái áo ấy, tôi đã mất bao công năn nỉ mẹ để được mặc. Vì cái áo ấy, tôi đã phải bặm môi chịu rét đến run người vì không cài cúc áo bông! Thế mà chúng nó không đứa nào nhìn ra, cười vào mặt tôi, rồi hớn hở bỏ đi nhặt lá đa trong khi tôi phải ngồi một mình, run lập cập vì rét. Tôi ấm ức lắm, tôi tủi thân lắm! Càng tủi thân, tôi lại càng tức! Chúng nó lại còn la hét to thế cơ à? Tức quá, thế có tức quá đi không!
- Chúng mày có bị mù không! – tôi đứng phắt dậy, mặt bừng bừng, gào một tiếng kinh thiên động địa.
Đang hí hửng nhặt lá, mất thằng bạn giật mình. Ngơ ngác, Bủm hỏi:
- Mày hét cái gì? Bảo ai mù hả?
- Là lũ chúng mày! – Tôi giậm chân bành bạch, rồi nước mắt ở đâu tuôn ra xối xả, nước mũi nãy giờ thập thò trong lỗ mũi cũng trào ra, tôi nức nở quệt ngang mặt:
- Chúng mày có bị mù không? Chúng mày không nhìn thấy cái áo mèo Doraemon mới mua của tao à? – tôi lấy tay chỉ vào bụng – Chúng mày chỉ biết khoe của chúng mày thôi! Chúng mày là đồ bạn xấu! Tao không thèm chơi nữa! Tao đi về!
Rồi mặc lũ bạn đứng ngẩn tò te, tôi hẩy gót, quay lưng đi lên đê. Tiếng khóc tức tưởi nỉ non suốt quãng đường từ cây đa về đến ngôi nhà có mái ngói nâu nhoi lên giữa hai cây cau cao vút.
Đêm hôm ấy, tôi lên cơn sốt. Trong lúc mê man, tôi vẫn tức tưởi khóc, thi thoảng kêu ú ớ:
- Chúng mày là đồ mù! Chúng mày không thấy áo mới của tao!