- Ai mua giăng tôi b…án..án…án...n…n í ờ gi…ăng cho!
Tiếng ai hát nghêu ngao văng vẳng. Đang thảnh thơi nằm bắt chéo chân trên chạc ba cây nhãn, tôi lồm cồm nhổm dậy, rướn cổ vạch lá nhìn ra đường. Bên bờ rào lỉa chỉa gai nhà cụ giáo Thạnh, một người đàn ông đang lảo đảo bước. Bận độc trên người một cái quần đùi caro đổ màu loang lổ, ông ta cởi trần, phơi ra khuôn ngực sạm đen và hàng xương sườn lồ lộ dưới nắng chiều. Hai cánh tay ông dài lòng thòng, một bên xách chai rượu đã cạn trơ, một bên ve vẩy cành lá sấu hẳn mới bứt được đọc đường, khật khưỡng đu đưa theo từng nhịp chân bước xiêu vẹo. Ngửa cái đầu trùm mớ tóc rối bù như tổ quạ ra sau, ông ta kề chai lên miệng, định bụng tu một hơi đầy bụng cái thứ chất cồn cay xé kia thì bất thình lình cái đầu giật ngược lại về phía trước, ông ta trợn mắt, bặm môi rồi vung tay liệng cái chai thẳng vào gốc xà cừ kêu “Choang!” một cái:
- Lại hết, tiên sư bố nó, lại hết!
Đứng trên hè trông ra, mẹ tôi hạ mẹt lá lên cái ghế gỗ rồi ngồi xuống chiếu cạnh bố:
- Lại cái thằng Thành! Lại say! Thật là, người không ra người mà ma cũng chả ra ma!
Nhấp một ngụm nước chè xanh đặc sóng sánh, bố chép miệng:
- Trời đày. Hồi nhỏ nó lành như cục đất.
Đặt chén nước xuống khay, bố trầm ngâm như nhớ về một quãng ngày xa xôi nào đó:
- Ngày nhỏ, nó gầy mà nhỏ bằng cái nắm tay. Toàn bị mấy thằng choai choai trong xóm tẩn cho suốt ngày. Nhớ có lần bà nội thằng Cò sai tôi đi cắt cỏ gianh về cho lợn, gặp nó cầm củ sắn nướng, đang vừa đi vừa ăn thì bị mấy thằng bặm trợn trong làng chặn đường khè cổ, lột mất. Rồi cũng chỉ đứng khóc rồi chạy về mách bà Du. Thế mà giờ ngất ngưởng như thằng Chí thế này!
- Đi ra làm ăn mười mấy năm, giờ tay trắng vác được cái xác khô đét về làng. – Mẹ thở dài – Năm nay nó cũng non băm nhăm, băm sáu rồi bố nó nhỉ?
- Xem nào. Ừ, tuổi Thìn đấy, kém tôi 7 năm.
- Thìn, ôi chao, lại được cái giống rồng đất! – Mẹ kêu lên.
- Nghe đâu con vợ trong kia nó lăng loàn, đẻ được thằng con thì nào phải con nó, bao nhiêu của nả nó cuỗm hết rồi bế con chạy theo giai. Quẫn trí nên sinh rượu chè, cả ngày lất ngất.
Giọng mẹ bỗng chùng xuống:
- Thương là thương cái bà Du. Con gái lấy chồng là mất hút. Được thằng con trai thì không ra người. Khổ, phúc đức, hiền lành là thế!
Mẹ bưng mẹt lá xuống bếp. Tôi đu người trên cành nhãn, thoảng lại trông vào sân. Bố vẫn ngồi lại ngoài thềm. Cốc nước chè xanh trong tay nhấp môi mãi mà chưa vơi được non nửa. Nét mặt trầm ngâm, dường như ẩn hiện trong tâm trí ông lúc này, từng dòng kỉ niệm xưa cũ đang lặng lẽ ùa về. Một chút man mác, một chút buồn thương, một chút gì tiếc nuối về một phận đời chìm nổi, lênh đênh bỗng dâng đầy trong đôi mắt.
Khói từ bếp luồn qua những kẽ hở trên mái tranh tỏa ra mịt mù. Đã đến giờ thổi lửa nấu cơm. Tôi ngửa cổ, phập phồng hai cánh mũi, hít một hơi dài cái thứ mùi khen khét, ngai ngái mà ấm mơn man của làn khói vương vất trong tán nhãn, tỏa ra từ những lưỡi lửa đỏ hồng đang liếm tí tách trên mớ rơm đượm nắng trong bếp. Nhảy phốc từ cành nhãn thấp tè xuống đất, tôi chạy lại gốc cau già bên hông nhà, ôm lấy thân cây rồi thoăn thoắt leo lên như con sóc. Lên đến lưng chừng cây, khi mà tầm nhìn đã không còn bị che khuất bởi màu ngói nâu, tôi háo hức, đảo mắt nhìn khắp phía. Từ những mái ngói, mái tranh thấp lè tè trải khắp mặt đất, khói đang tỏa ra mịt mù. Màu khói trắng xốp như bông, càng bay lên cao càng nhạt màu, mềm mại uốn mình như dải lụa trong, lả lơi giữa lưng trời rồi tan dần đi dưới ráng chiều lam thẫm. Thoảng có cơn gió ùa qua, thổi dải khói tạt tung khắp phía, tưởng như thác sương, thác mây vỡ dòng mà tràn lên khắp mái nhà, vương vất trong tán cây, la đà nơi góc sân hay là là bay như mây chiều sa xuống khoảng vườn. Khung cảnh ấy, bình dị, đơn sơ mà ấm áp, sum vầy. Đu người, quặp chân, ôm chặt lấy thân cau, tôi hét lên háo hức:
- Mẹ ơi, nhà bác Cải cũng đang nhóm bếp nấu cơm kìa!
- Ối, nhà cụ giáo Thạnh cũng có khói rồi kìa!
- Mẹ ơi, cả nhà con Mắm nữa!
Từ trong bếp, mẹ cầm đôi đũa cả bước ra, sa sả mắng:
- Mày có xuống ngay không, lộn cổ bây giờ!
- Con đang làm đài phát thanh đấy chứ! – tôi gân cổ cãi.
- Giờ mày xuống ngay hay để tao cầm roi ra?
Tiếng bố sang sảng từ trong nhà vọng ra. Tôi vội vàng tụt xuống.
- Sang nhà bác Liên mua cho mẹ gói mì chính! Mau về cho mẹ còn có cái nấu – Mẹ mở ghim băng túi áo, móc mấy đồng lẻ dúi vào tay tôi rồi trở vào bếp.
Nắm chặt mấy đồng hào trong tay, tôi hí hửng tọt ra ngoài ngõ. Gió lành lạnh, tôi kéo cái mũ áo trùm lên đầu rồi tung tăng đi, mới được dăm bước chân đã gặp chị Hồng đạp xe về. Sau lưng chị, cái Tẹt ngồi trên yên sau, ló đầu ra, vừa thấy tôi, con bé đã hét lên:
- Anh Cò đi đâu đấy?
Chị Hồng ban chiều sang nhà bà ngoại đón cái Tẹt, giờ hai chị em mới lóc cóc đèo nhau về. Thấy tôi, chị vui vẻ:
- Cò đi đâu nhanh về ăn dâu da xoăn nhé! – Rồi chị trỏ vào giỏ xe, nguyên một chùm dâu da xoăn quả vàng, quả đỏ.
- Cho em, cho em với! – tôi hấp tấp chìa tay ra.
- Ấy chớ, bẩn lắm, để về chị rửa rồi phần Cò nhé!
- Ăn bẩn bụng anh Cò đầy giun! – Cái Tẹt cười te tởn.
Chị đạp xe thẳng vào ngõ. Tôi ngóng theo chùm quả ngon, tiếc rẻ rồi quay lưng bước tiếp.
Nhà bác Liên nằm tuốt phía cuối con ngõ cách nhà tôi mấy căn nhà. Đầu cổng, bác dựng một gian hàng nho nhỏ từ phên nứa, lá tranh, bày bán dăm món tạp hóa mắm, muối, đường, dầu linh tinh. Bận trước, mỗi lần mẹ sai tôi đến nhà bác mua hàng, tôi cũng lấy làm thú lắm. Đường đến nhà bác đi qua một khoảng đất trống có mấy cây táo mọc hoang, đến mùa quả xanh bóng, trĩu cành. Tôi tha hồ ních đầy túi quần, túi áo mà chả phải lo tự dưng có ông hói đầu nào vác gậy ra đuổi. Táo mọc hoang mà, nào phải là của riêng ai. Nhưng mấy lần gần đây, tôi không còn hào hứng lắm khi được mẹ sai đi mua hàng nữa, có chăng chỉ là chút vui vẻ khi được sổ lồng đi chơi lúc sát giờ cơm. Sang đông, cây vãn mùa quả, chỉ còn trơ lá. Bước ngang qua bãi đất hoang, tôi liếc nhìn mấy cây táo, thở dài đánh thượt một cái rồi đi tiếp.
Giữa những âm thanh lao xao của ngày tàn, tiếng kẽo kẹt chợt vang lên đâu đó phía trước. Tôi mở to mắt nhìn: trong ráng chiều hôm chạng vạng, một dáng người đang còng lưng đỡ lấy đôi quang gánh, từ phía cuối ngõ tiến tới, ngược chiều với tôi. Người đó bước những bước ngắn và chậm, thỉnh thoảng dừng lại, hạ đôi thúng xuống nghỉ một chặp rồi lại nâng lên vai bước tiếp. Tiếng kẽo kẹt từ đôi quang gánh đã cũ hòa với tiếp dép lê loẹt quẹt vang lên mỗi lúc một lớn dần theo từng nhịp bước chân. Khi còn cách tôi độ dăm bước chân, người đó lại dừng, hạ gánh xuống, đưa ống tay áo lên quệt ngang mắt. Tôi nhìn lom lom vào khuôn mặt u tối khuất dưới bóng cái khăn mỏ quạ chít trên đầu, vừa bước lại gần vừa reo lên:
- Bà Du, cháu chào bà Du.
Người đó là bà Du, bà lão có mẹt rau hay ngồi bán ngoài chợ. Lần nào đi chợ cùng mẹ hay bà mà dừng ở mẹt rau của bà, tôi thường len lén ngắt trộm mấy dây bí xoắn như lò xo. Những lúc ấy, bà có bắt được, cũng chỉ cười rồi chìa cho tôi quả cà pháo hay bông hoa muống tím lịm cầm về chơi. Đang ghé vai dưới đòn gánh, nghe tiếng gọi, bà ngẩng mặt lên, nheo đôi mắt răn reo vết chân chim có con ngươi mờ đục:
- Cu Cò con mẹ Vinh đấy à? – Cuối cùng bà cụ cũng nhìn ra.
- Vâng ạ! Cháu chào bà! Hôm nay bà đi chợ chiều ạ?
- Ừ, sáng bà mệt nên chiều mới sang chợ. Ế quá nên bà về sớm đây! – Rồi bà trật cái mẹt đậy trên miệng thúng ra, những bó rau su su, mướp hương, bí đỏ vẫn còn lưng lửng trong thúng.
Trong một thoáng le lói ánh đèn hắt qua, tôi thấy bà đưa tay lên chấm mấy hạt nước long lanh nơi khóe mắt.
- Thôi cháu đi đâu thì về cho sớm giờ cơm không bố mẹ trông, bà về đây nhé!
Bà đi qua rồi, tôi vẫn tần ngần đứng nguyên chỗ cũ. Ngoái đầu nhìn lại, tôi chẳng thấy mặt bà nữa, chỉ còn tấm lưng còng đang dò dẫm bước đi trong nhập nhoạng chiều muộn. Khói từ căn bếp nhà ai la đà mặt đất, mịt mờ trong ánh chiều nhập nhoạng, làm đôi chân bà ngập ngừng, không thấy lối mà bước tiếp. Hình như bà vừa đưa tay lên ngang mặt. Là vì mùi khói rơm ngái nồng hay vì một nỗi đơn côi bước già không một bàn tay chìa cho bà bấu víu? Tôi nghĩ đến đôi mắt bà ươn ướt ban nãy, bỗng thấy một nỗi gì man mác dâng lên trong lòng, chút mui mủi bâng quơ giăng mắc như tơ quanh trái tim non dại. Tôi cúi xuống, trong tay vẫn nắm chặt mấy đồng hào. Tôi xoay lưng, đôi chân đột nhiên chạy về phía bà:
- Bà ơi! – tôi hớt hải gọi – Bán cho mẹ cháu rau su su bà ơi!
Nghe tiếng tôi gọi giật từ sau, bà ngoảnh lại, đặt đôi thúng xuống đất.
- Bán cho mẹ cháu rau su su ạ! – tôi chìa tay, xòe mấy đồng hào ra trước mặt bà.
- Sao ban nãy cháu không nói luôn? – Bà cười, trật cái mẹt đậy trên miệng thúng ra – Mẹ Vinh lấy mấy bó?
- Ơ… - tôi ngơ ngác – Cho cháu một bó ạ!
- Thế của cháu đây! – Bà nhặt bó su su bỏ vào túi. Nhận đồng hào từ tay tôi, bà giở ra, nheo mắt nhìn rồi kêu lên.
- Chết, nhiều thế này! Rau bà bán có đồng rưỡi một bó thôi. – Rồi bà quờ tay vào thúng, nhặt thêm ba bó su su với một quả bí đỏ cho vào túi bóng rồi đưa cho tôi – Cầm lấy, su su non, bảo mẹ cháu xào với tỏi, ngon lắm! Bà cho thêm quả bí mà nấu chè.
Rồi quẩy đôi quang gánh, bà rẽ vào một con ngõ tối hun hút. Tiếng kẽo kẹt vang lên quanh những bước chân mỏi mệt dần bị bóng đêm đặc dầy nuốt chửng.
Nhận túi rau to tướng từ tay tôi, mẹ trợn mắt:
- Mẹ sai mày mua mì chính cơ mà? Mày đem rau ở đâu về thế hả?
Tôi cúi mặt, nín thinh không đáp.
- Bố mày xuống mà coi thằng con này, sai nó mua mì chính, đi chán chê nó ôm một ôm rau về!
Thấy mẹ gọi bố, tôi sợ hãi, vặn vẹo hai tay, lí nhí:
- Rau của bà Du ạ. Con thấy bà khóc. Con thương bà!
Mẹ tôi tròn mắt. Bố vừa bước xuống, cũng kịp nghe thủng câu chuyện. Bất giác, không ai bảo ai, hai người cùng thở một tiếng dài não nề. Mẹ ngoảnh vào bếp, nói với chị Hồng:
- Nhặt lấy hai bó, đập mấy ánh tỏi để xào rau su su đi con!
Bố xoa đầu tôi:
- Lên nhà đi con, lên xem tivi rồi chờ cơm!