Thả tọt nắm xôi lạc đùm lá chuối xanh xanh vào túi áo, tôi xốc lại cái cặp đeo sau lưng rồi co giò lao xuống sân, chạy một mạch gần đến cổng mới ngoái cổ lại hét tướng lên:
- Con đi học đây mẹ ơi! – Rồi cắm đầu chạy thẳng, mặc cho tiếng mẹ kêu í ới sau lưng: “Mới non 6 giờ, mày lại la cà đâu đâu mà đi học giờ này hả?”
Chạy được một lát, tôi dừng lại, hai tay chống gối, thở hồng hộc. Ngoảnh lại, mái ngói nâu nhoi lên giữa hai cây cau cao vút, nhà tôi ấy mà, đã khuất dạng sau những lùm cúc tần um tùm quấn sương sớm ảo ảo, mờ mờ hai bên đường. Tôi thở phào một cái, thẳng người xốc lại cặp lần nữa rồi bắt đầu bước những bước khoan thai và thảnh thơi lắm.
Một sáng chớm đông. Giữa mịt mù sương, con đê làng như dài thêm hun hút. Đêm qua đi, để lại trăm hạt sương trĩu đầu ngọn cỏ, ngây ngô như mắt lá trong veo đang ngắm nhìn vạn vật bỗng bừng lên lóng lánh. Nắng lên rồi, xa xa phía chân trời, cái lòng đỏ thiên nhiên đầy đặn đang chầm chậm nhô lên giữa những rặng núi ẩn hiện trong mây mù. Sợi nắng mảnh như tơ, len lỏi giữa màn sương, trải những vệt sáng non nớt đầu tiên lên cành cây, mái nhà, đỉnh rơm, ngọn cỏ… Sương chầm chậm tan, và rồi những đường nét muôn hình vạn trạng của vạn vật, từng chút một, hiện ra rõ ràng và sắc nét. Đây là chùm hoa bưởi trắng ngần trên nền lá xanh, đây đụn rơm vàng trên nền gạch đỏ, đây là ngói nâu giữa bao la nền trời trong vời vợi, này đây là mặt đất, này đây là trời cao!
Sương tan, cái hơi se lạnh cũng chầm chậm tan ra dưới nắng. Bẻ gập cổ áo gió đồng phục xuống, tôi rướn cái cổ gầy nhẳng lên như thể muốn đón chút khí trời. Chợt thấy nằng nặng bên túi phải, tôi mới sực nhớ đến món quà sáng ban nãy. Đùm xôi còn thêm mùi nếp mùi lạc. Tôi vừa nhấm nháp vừa ngắm trời, ngắm đất. Lần đầu tiên đến trường vào cái giờ tinh mơ sáng sớm này, tôi thấy cảnh vật vừa quen vừa lạ. Hôm nay, cỏ hai bên triền đê sao non hơn, chim núp trong lùm cây bỗng lười hót, cây đa bên cầu thì dường như im lặng. Tôi giơ tay lên, huơ huơ giữa không trung, trời dường như cũng cao hơn mọi ngày!
- Con rể nhà tôi hôm nay đi học sớm thế!
Một giọng nói khàn khàn vang lên, lẫn trong những tiếc lọc cọc của bánh xe non hơi lăn tròn trên nền đất đỏ.
- A chú Hà, cháu chào chú! – tôi reo lên. Ấy là tiếng chú Hà, bố con Mắm, con bé bạn chí thân của cái Tẹt. Gò lưng trên yên cái xe đạp thồ, lỉnh kỉnh sau lưng chú là bó cuốc xẻng vắt ngang yên sau. Bỗng sực nhớ ra, tôi dài giọng kêu toáng lên – Cháu không phải con rể chú…ú…ú…ú…ú!
- Sau đến tán con Mắm chú thả chó ra cắn rách quần giờ! – Chú cười khì khì, rồi đạp xe đi thẳng.
Tôi quay lưng bực bội. Cái con Mắm gầy nhẳng gầy nheo, tay chân như ống sậy, cổ to đúng bằng cái ống tăm bố tôi đẽo mà cứ cất giọng là choe chóe như khoan đinh vào óc. Đời nào, đời nào tôi ưng nó về làm vợ! Tôi hừ một tiếng trong miệng. Rồi bỗng dưng, tôi nhớ đến cái Hến. Thở dài đánh thượt một cái, chuyện tình của tôi sao mà éo le! Tức khí, tôi quay lại, chổng mông mà gào:
- Cháu không bao giờ “kết hun” với con Mắm đâu!
Chú Hà đã đi xa tít mù rồi.
- “Kết hun” là gì hả mày?
Tôi giật nảy người, thằng Tí từ đâu lù lù xuất hiện trước mặt.
- Mày ở đâu ra thế!
- Từ nhà bà ngoại tao. – Tí chỉ xuống lối mòn dưới chân đê, ra là nó vừa từ đó đi lên – Mày vừa bảo mày “kết hun” là cái gì?
- “Kết hun” tức là lấy vợ ấy! – tôi phẩy tay – Chú Hà gần nhà tao bảo sau này sẽ gả con Mắm vợ chú ấy đẻ ra làm vợ tao. Một con bé gầy đét xi mo và rất đanh đá. Nói chung là không đời nào tao “kết hun” với nó. Nhưng mà sao hôm nay mày đi học sớm thế? - tôi bỗng thộn mặt.
- Đi sớm để lấy kho báu. – Tí cười khì khì.
- Thật á? – tôi tròn mắt.
- Ừ, một kho báu cực kì kinh khủng.
- Eo kinh! – tôi kêu lên khe khẽ - Thế mày không mang cái gì đi để đào à?
- Kho báu này không cần đào, chỉ cần hái thôi. – Tí hấp háy mắt.
Tôi bỗng thấy ngờ ngợ. Chẳng lẽ là…
- Tao phát hiện nhà bác béo gần trường có bụi cơm xôi kinh khủng, nhiều quả chín đỏ lừ rồi. – Tí bỗng ghé tai, thì thào.
Tôi nuốt nước bọt:
- Thế nên mày đi học sớm để hái một mình hả? Đúng đấy, bây giờ chả có ai đi học sớm thế này đâu, nên chả ai cướp của cơm xôi của bọn mình đâu.
- Không phải thế! – Tí bảo – Nhà bác ấy có con chó dữ kinh lắm. Đi sớm lúc con chó chưa ngủ dậy mới hái được. – Tí bỗng cho tay vào túi quần, kéo lộn vải trong ra – Bữa nay tao mặc quần có túi to lắm, phải hái thật nhiều để chia cho bọn thằng Bủm, Đẹt với Còi nữa!
Tôi bỗng ngứa ran ran trên mặt. Tôi thấy xấu hổ ghê gớm. Bụi cơm xôi ấy, tôi đã phát hiện ra từ tuần trước. Hôm qua, tôi nhòm vào, thấy thấp thoáng mấy đốm đỏ chót của quả chín nên sáng nay mới quyết tâm dậy sớm để hái. Đi sớm một mình, hái một mình, ăn một mình, tha hồ nhiều, thích mê! Giờ nghe Tí nói vậy, tôi thấy mình sao mà tham ăn, sao mà xấu tính quá!
- Thôi đi nhanh đi! – Dường như không nhận ra cái vẻ ngượng ngùng ấy, Tí nắm cánh tay tôi, kéo đi.
Rời con đê, hai đứa chúng tôi rẽ xuống một lối đi nhỏ. Cuối lối này là ngôi trường be bé nằm lọt giữa những rặng cây um tùm của bọn tôi. Chợt tôi giật giật ống tay áo Tí:
- Cá kìa, cá đớp sung kìa mày!
Bên đường, một cây sung già ngả thân, vươn cành ra mặt ao nước xanh rêu. Quả sung kết từng chùm, chi chít khắp cành, quả chín lìa cành, rơi tõm xuống mặt ao lan thành những vòng sóng tròn đồng tâm, đều đặn xếp từ nhỏ đến to trên mặt nước. Thoắt cái, dưới làn nước xanh, những bóng cá vun vút lao đến, tranh nhau miếng mồi đỏ lịm, ngọt ngào.
- Cá chuối đấy! – Tí chỉ tay – Con cá có cái đầu tròn tròn và cái môi dày dày thế kia là cá chuối!
- Ném đá xuống nó có đớp không nhỉ?
Tôi nhặt hòn sỏi, lia tõm cái xuống ao. Lũ cá thấy động, từ khắp phía lao vun vút đến. Rồi như thể phát hiện bị lừa, chúng tiu nghỉu lượn vòng lại, quẫy đuôi lặn mất dạng dưới làn nước xanh thăm thẳm.
- Hay quá! – Tí cũng vốc lên một vốc sỏi, bắt đầu lia tùm tùm. Giữa đường lại gặp trò hay, hai thằng tôi quên cả bụi cơm xôi, vừa ném vừa cười khanh khách.
- Hai đứa kia, phá cái gì đấy hử?
Một cụ già lưng còng tóc bạc, đang nện cồm cộp đầu cây gậy xuống nền, đứng giữa cái sân to cạnh ao mà quát:
- Bà mà ra thì chúng mày chết, liệu hồn!
Thả toẹt nắm sỏi trên tay, Tí kéo tôi chạy biến.
Chạy được một quãng, tôi ghì tay Tí lại:
- Thôi mày, bà cụ ấy chẳng đuổi được bọn mình đâu!
Tí ngoái đầu lại. Sau lưng chỉ là con đường làng xanh rì hai lối cỏ. Giữa dăm ba dáng người lác đác đi lại, tuyệt không một bóng người chống gậy đuổi tới tấp theo sau.
- Oái, đến nhà bác béo rồi! – tôi reo lên khe khẽ.
Tí ngoảnh lại. Mải cắm đầu chạy, tôi và Tí không nhận ra đã đến nhà bác béo tự lúc nào. Áp sát người bên hàng rào, hai đứa tôi kiễng chân, hé mắt qua kẽ lá, sân nhà bác béo im lìm không một bóng người, con chó vàng to lớn thường ngày nằm dài sưởi nắng trên bậc thềm cao cũng không thấy đâu. Một cơ hội hiếm hoi tuyệt vời, chúng tôi túm tay nhau, rón ren bước dọc theo hàng rào dựng lên từ những gốc dâm bụt xanh um.
Đây rồi! Kho báu bí mật của Tí và tôi. Bên gốc ổi ở góc vườn sát mặt đường, thấp thoáng sau giậu mùng tơi xiêu vẹo, bụi cơm xôi um tùm lá ken nhau san sát, giấu bên trong những chùm quả mọng căng, đỏ chót. Những gốc râm bụt mọc chưa hết vườn đã đứt quãng, bác béo dựng tạm một đoạn rào sơ sài từ mấy cành tre khô. Hai tay nắm lấy hai nhánh tre đan lỏng lẻo cạnh nhau, tôi bặm môi, kéo về hai phía, một lỗ hổng tách ra, vừa đủ một người chui vào. Bỏ cặp xuống đất, tôi thì thầm:
- Mày canh nhé! Để tao chui vào!
Tôi khom lưng rồi nằm ẹp hẳn xuống đất, trườn người qua lỗ rào. Khi cả người đã nằm gọn phía rào bên kia, tôi thận trọng đánh mắt lên bậc thềm trước nhà, vẫn chưa thấy bóng cái đuôi ve vẩy của con chó vàng đâu. Rón rén bước sau giậu mùng tơi, bụi cơm xôi đã lùm lùm trước mặt. Tôi ngồi thụp xuống, những phiến lá lòa xòa ngang mặt, quệt vào má, vào mũi tôi cái cảm giác nham nhám, êm êm của lớp lông tơ mềm mại phủ trên đều trên mặt lá. Thấp thoáng giữa màu xanh của lá, những đốm đỏ mọng lúc lỉu từng chùm. Tôi nhón tay, ngắt lấy một quả. Quả cơm xôi to bằng đầu ngón cái, từa tựa như quả dâu tằm, nhưng không thon dài mà tròn tròn đỏ mọng, úp trên cuống quả trông như đĩa xôi gấc. Thả “đĩa xôi” tí hon ấy vào miệng, chẳng cần nhai, cái thứ nước hồng hồng trong văn vắt vỡ ra từ trăm múi quả li ti đã thấm trên đầu lưỡi, cái vị ngọt thanh đến đê mê! Khoan khoái quá, tôi nhanh tay bứt từng chùm chín mọng, nhét đến đầy hai túi áo.
- Ái! Ối! – Tôi bỗng buột miệng hét lên.
Đang nín thở đứng thủ sẵn bên ngoài, Tí giật nảy mình vì tiếng la bất ngờ của tôi. Chưa kịp định thần lại, Tí lại hốt hoảng thêm một phen nữa: tiếng “Gâu! Gâu!” sủa lên nhặng xị, từ trong nhà, cái bóng vàng vàng của con chó vọt ra, lao từ trên hè xuống, đang vượt sân phóng ra vườn với một tốc độ kinh hoàng.
- Chạy, chạy mau lên! Chui ra, chui ra ngay! – Tí đứng ngoài, cuống cuồng thọc tay qua lỗ rào vẫy tôi.
Tôi hoảng quá, chạy vọt được qua giậu mồng tơi thì lập cập, trượt chân đánh “Ầm!” một phát. Tình cảnh lúc ấy mới thật là khó coi, tôi nằm bổ ngửa trên mặt đất, từ đầu gối trở lên mắc gọn trong vườn, còn hai ống chân thì trượt qua lỗ rào, đang run lên bần bật. Tí hét lên:
- Nằm im! – Rồi túm hai ống chân tôi, Tí bặm môi kéo tuột thằng bạn khỏi lỗ rào rồi vội vàng kéo hai nhánh tre sít lại. Tôi nhổm người, quáng quàng vơ lấy cái cặp, túm tay Tí lôi đi. Hai đứa chạy bán sống bán chết. Tiếng sủa inh ỏi của con chó đang lồng lộn húc mõm vào rào và tiếng la oai oái vừa cất lên của bác béo đánh động cả một lối nhỏ yên ả!
Cổng trường đây rồi! Hai đứa cắm đầu mà lao qua rồi phanh kít lại ở gốc bàng già thân thuộc. Tí ôm bụng thở hồng hộc:
- Thôi, thoát rồi! – Rồi quay sang tôi, nó nhăn nhó – Nãy sao tự dưng mày la lên thế! Con chó nghe thấy mới chạy ra đấy!
- Kiến, kiến lửa đốt tao! – Tôi nhăn mặt, mải chạy quên cả đau, giờ chỗ kiến đốt lại bắt đầu nhức nhối. Tôi ngồi bệt xuống một nhánh rễ bàng, gãi sồn sột mấy vết sưng đang nổi lên, tấy đỏ trên mu bàn chân.
Thế rồi, sực nhớ ra! Tôi kêu lên một tiếng ai oán:
- Thôi chết rồi! – Rồi dừng gãi chân, tôi thọc tay vào hai túi áo.
Khóe miệng tôi bỗng nhễu xuống, cong cong như vành trăng non khi mấy đầu ngón tay chạm vào một mớ mềm mềm, ươn ướt và nhũn bét. Tôi xòe tay ra, nằm gọn giữa lòng bàn tay, những quả cơm xôi dập nát, bện dính lấy nhau thành một khối đỏ sẫm. Một dòng nước hồng trong vắt từ cái khối đỏ ấy tràn qua kẽ ngón tay, rơi tõm xuống và để lại một đốm tròn thẫm màu trên nền cát.
- Thế có phí không cơ chứ! – tôi nói như mếu – Cơm xôi ngon thế này mà!
- Thôi, - Tí chép miệng – Con chó không cắn mày là may rồi.
Tôi bỗng thấy ngượng. Kể như hôm nay tôi chẳng gặp Tí trên đường mà cứ âm thầm đến nhà bác béo với cái ý nghĩ một mình độc chiếm lùm cơm xôi kia, có khi con chó vàng ấy chả tạp nát bắp chân tôi rồi!
Dẫu vậy, trên mặt Tí vẫn vương chút gì đó tiếc rẻ. Nó nhón tay, quệt lấy một ít cơm xôi đưa lên miệng:
- Ngon kinh hồn! Chỉ dập tí thôi, vẫn tuyệt cú mèo! – Tí mút đầu ngón tay – Mang vào lớp đi, tí chia cho bọn nó với nữa!
“Bọn nó” ở đây tất nhiên bao gồm thằng Đẹt. Cái thằng béo ham ăn ấy, dập thế này chứ dập nữa nó cũng ăn tuốt.
- Ừ! – Tôi gật đầu, thả lại mớ cơm xôi vào túi áo.
Rồi hai đứa tôi vui vẻ quàng vai nhau, ngông nghênh tiến vào lớp. Lát nữa, khi mang cơm xôi ra đãi mấy thằng bạn, tôi và Tí sẽ thi nhau kể cho chúng nó nghe cuộc chiến gian khổ, hiểm nguy và đầy oai hùng mà hai đứa đã phải trải qua để mang được mớ cơm xôi dập nát này về. Chà, có vẻ sẽ oách lắm đây! Chắc hẳn là oách rồi. Nhìn mà xem, tôi và Tí đang ngửa cổ lên trời cười ngặt nghẽo, vẻ thích thú và sảng khoái ánh bừng từng nét mặt trong nắng sớm mai!