Chị Hồng tất tả từ ngoài ngõ chạy vào, vừa nói vừa thở hổn hển:
- Bố mẹ biết chưa, cụ Đạc tối qua trúng gió, mất rồi.
Đang châm dở mồi thuốc lào, bố buông vội cái điếu xuống chiếu. Mẹ ngừng tay khâu, hỏi dồn:
- Có thật không? Mày nghe ai bảo thế con?
- Nghe ai, con vừa đi qua nhà cụ thấy đông kín người. Tưởng làm sao, hóa ra sáng không thấy cụ ra chợ bán hàng, cô Thơm hàng cau ngồi cạnh hàng cụ mới sang nhà tìm thì cụ đã lạnh ngắt rồi. Thấy bảo cụ chắc mất từ tối qua, ở nhà một mình, làm gì có ai biết – nói đến đấy, chị Hồng sùi sụt, lấy tay chấm mắt. Mắt mẹ cũng đỏ hoe. Rít một hơi thuốc, bố chầm chậm phả làn khói trắng mỏng vào không trung, nét mặt trầm ngâm, tư lự.
Ngồi kế bên bố, tôi đang di di cái xe tải gỗ. Cụ Đạc thì tôi biết rõ lắm. Đấy là bà cụ vẫn hay ngồi bán xôi ở cuối chợ. Tóc cụ bạc trắng, trắng hơn cả đám mây trong câu hát ngày mẫu giáo tôi vẫn ê a. Cụ hay bận cái áo nâu, lưng áo sờn chỉ dính chặt trên tấm lưng còng. Xôi cụ bán mẩy hạt, ngọt, dẻo mà ko bị nhão, thơm vị lạc, đỗ hay dừa, gói vuông vắn, xinh xắn trong tàu lá dong xanh mướt. Tôi mê xôi hàng cụ lắm, phần bởi lần nào mua, cũng bằng tiền người khác mà cụ đùm cho tôi đùm to hơn hẳn. Đưa xôi cho tôi, cụ hay tiện tay vuốt tóc, nắm tay tôi mà lắc lắc rồi cười móm mém. Cụ bảo cụ có thằng cháu ngoại cũng tầm tuổi tôi, dáng người, nét mặt cũng từa tựa. Mẹ bảo thằng bé đó là con trai cô con út của cụ, lấy chồng trên thành phố gần chục năm nay, năm thì mười họa mới đem con về thăm bà được một dăm bữa rồi lại đi. Cụ còn hai con trai lớn đã vào Nam lập nghiệp rồi sống hẳn trong đó từ lâu. Hai năm trước, cụ ông ốm bệnh rồi qua đời, anh con cả đòi đón cụ vào Nam, nghĩ đến cảnh xa xóm làng chôn rau cắt rốn, cụ lắc đầu. Từ đó đến nay, mình cụ thui thủi trong căn nhà nhỏ, bầu bạn với xóm làng, với cây cỏ gà vịt trong vườn. Thỉnh thoảng, những đêm trăng sáng, cụ lại sang nhà bà nội tôi, cùng hàn huyên những câu chuyện xưa cũ thời thiếu nữ trên cái chõng tre cọt kẹt và bát nước chè xanh. Cụ với bà nội tôi là bạn từ thuở còn thơ. Năm bố tôi ra đời, bà nội mất sữa, chính bầu sữa của cụ Đạc đã nuôi lớn bố. Năm tháng qua, đi gần hết đời người, hai cô bé tóc xanh năm nào nay là hai cụ bà tóc bạc đã rẽ hai ngả số phận: một người cháu con sum vầy, một người vò võ đơn côi.
- Thế đã ai điện cho cô Nam chưa? - Bố chợt hỏi, cô Nam là con gái út của cụ, có thằng con trai từa tựa tôi mà cụ hay bảo.
- Mấy bác quanh đó gọi rồi ạ, thấy bảo cô ấy khóc nấc trong điện thoại. Thu xếp mà đi luôn chắc là giờ cũng về đến làng lâu rồi.
Bố nâng cái điếu cày lên, toan châm một mồi nữa, nghĩ ngợi rồi lại đặt điếu xuống. Bố đứng lên, với lấy cái mê nón, nói với chị Hồng:
- Con Hồng ở nhà liệu cơm nước cho các em – quay sang mẹ, bố bảo - Tôi với mẹ nó sang xem tang ma lo liệu đến đâu, xem có đỡ được gì không.
***
Ba chị em tôi ăn cơm xong mà bố mẹ vẫn chưa về. Cái Tẹt lên giường ngồi xem hoạt hình được một lát đã lăn ra ngủ khì. Chị Hồng đang rửa bát ngoài giếng. Ngồi một mình, buồn buồn, tôi leo lên võng nằm đọc Doraemon. Một chân duỗi dài trên võng, một chân vắt thõng chạm nền nhà, tựa đất lấy đà, đu đưa, đu đưa nên mới giở được vài trang truyện, nhịp võng đều đều đã ru tôi vào giấc ngủ. Trong giấc mơ, tôi thấy một khung cảnh quen lắm. Sau cánh cổng ghép xiêu vẹo từ những tấm ván, thanh củi nham nhở, một lối đi nhỏ, hai bên xanh rì hai hàng râm bụt điểm những đài hoa đỏ rực; dẫn vào một căn nhà ngói, tường sẫm màu rêu, hàng cột trụ bằng gỗ lỗ rỗ những vết mọt đục đang oằn mình đỡ lấy mái nhà đã xỉn màu qua mưa nắng. Trên thềm nhà, một cụ bà lưng còng, tóc bạc đang dúi vào tay thằng bé con một con quay bằng gỗ. Bên cạnh thằng bé, một người phụ nữ trạc ngoài 30, dáng điệu sốt ruột, luôn miệng giục giã cuộc chia li bịn rịn của hai bà cháu kia. Ồ, thằng bé kia sao trông nhang nhác tôi đến thế! Khung cảnh chợt bị kéo lại thật gần, từ một điểm vô hình nào đó trong cơn mộng mị, đôi mắt tôi nhìn thật rõ khuôn mặt cậu bé kia. Khuôn mặt đó! Khuôn mặt đó chính là khuôn mặt của tôi! Tôi đang bị người phụ nữ kéo tay đi. Bóng hai người khuất dần sau cánh cổng xiêu vẹo, vẫn thấy thấp thoáng bàn tay bé nhỏ nắm chặt con quay gỗ đang giơ lên vẫy vẫy không ngừng, như muốn chào tạm biệt cụ bà đang đứng thơ thẩn ở góc sân nhìn theo bóng đứa cháu khuất xa, xa dần. Rồi, từ hõm mắt mờ đục, một dòng nước lấp lánh trào ra, lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo, sạm đi vì sương gió, rớt xuống, thấm vào tà áo nâu sờn những vết sẫm màu, mặn chát!
“Ò e e e ò e!” – Một hồi kèn dài não nề từ đâu vọng lại làm tôi bừng tỉnh. Dụi mắt, tôi nhìn đồng hồ, kim giờ đã chỉ quá số 3. Trên giường, Tẹt vẫn say ngủ. Có tiếng băm đều đều vang lên từ sau nhà. Tôi ra giếng, chị Hồng đang băm rau nấu cám cho lợn từ thân cây chuối tiêu mới ngã ngoài bờ ao vì cơn giông chiều qua. Múc một gáo nước mát, vừa dội lên mặt, tôi vừa hỏi:
- Bố mẹ chưa về ăn cơm à chị?
- Chưa cơ, chắc bố mẹ qua nhà bà nội ăn luôn rồi – chị Hồng vẫn dán mắt theo từng nhát băm, trông điệu rầu rĩ lắm, bỗng chị buông dao, ngẩng mặt lên, như lắng tiếng kèn vọng từ xa, một chốc, chị lại cúi xuống, băm đều, nói với giọng lí nhí trong cổ – phát tang cho cụ Đạc rồi.
Ra là tiếng kèn đám ma. Cái âm thanh dài, não nề và thê lương, cách đây không lâu đã làm tôi đinh tai nhức óc suốt mấy ngày. Ấy là cái hồi tang ông cụ bố chú Châu hàng xóm nhà tôi. Hồi ấy, một chiều về nhà, tôi thấy tiếng kèn nổi lên ai oán, rồi ỉ ôi suốt mấy ngày sau. Hôm đưa tang ông cụ, tôi thấy vợ chồng chú Châu và mấy đứa con, với bao nhiêu người nữa mà tôi không biết tên, cứ khóc vật vã, chị Hải con gái lớn chú Châu khóc đến độ lăn đùng ra ngất, người làng phải tức tốc khiêng vào trạm xá. Hồi đấy, tôi nghĩ thầm trong bụng, chắc phải nghe kèn kêu e é suốt mấy ngày nên không ai chịu nổi mới khóc um cả lên như thế! Chợt tôi buột miệng:
- Sau này chả được ăn xôi cụ Đạc nữa chị nhỉ?
Tôi vừa dứt lời, chị Hồng bỗng bưng mặt khóc hu hu. Chị thương cụ Đạc. Trong ba chị em, chị Hồng là người gần gũi với cụ Đạc nhất. Ngày còn bé, bố vẫn hay dắt chị qua nhà cụ chơi. Lâu nay, bố vẫn thầm coi cụ là người mẹ thứ hai. Nhà neo người, xa con, xa cháu, cụ coi nhà tôi như con cháu trong nhà, có chùm nhãn chín cây, quả trứng gà mới nhảy ổ, cụ không quên để dành cho chị. Chị khóc khi tiếng kèn ngoài kia vẫn cứ ai oán không thôi. Nhưng tôi biết không phải vì ghét tiếng kèn mà chị khóc giống đám nhà chú Châu hồi đó. Bởi chính trong lòng tôi bây giờ cũng có một cái gì man mác lạ lẫm, như là buồn, như là tiếc, lại như là muốn bật tiếng nấc thành lời…
Sáng hôm sau, một sáng mưa ngâu rả rích, tôi bừng tỉnh sau một cú đạp đau điếng bên sườn. Dụi mắt, tôi nhìn ra cửa sổ, trời vẫn còn nhá nhem. Bên cạnh, Tẹt vừa ôm con búp bê, vừa mút tay chùn chụt, say sưa ngủ không biết trời đất gì. Một bên chân con bé đang kề sát hông tôi, ra là Tẹt ngủ hỗn, trong lúc mộng mị đã đạp vào mạn sườn tôi một cú đau điếng. Không thèm chấp nó, tôi ra bàn, rót một cốc nước, vừa uống vừa nhớ lại chuyện tối qua. Sau bữa cơm chiều, bố dắt cả ba chị em sang nhà cụ Đạc thắp nén hương. Ngôi nhà nhỏ của cụ thường ngày u tịch, võ võ một bóng già. Hôm nay, dẫu đông người, tấp nập ngược xuôi mà vẫn lạnh lẽo, cô liêu đến lạ. Giữa dòng người, tôi chú ý đặc biệt đến thằng bé cháu ngoại cụ Đạc, thằng bé từa tựa tôi mà cụ hay bảo. Đầu chít khăn tang, nó ngồi vắt vẻo trên cái ghế cao lênh khênh ở góc nhà, ngơ ngác nhìn cảnh thê lương trước mặt bằng đôi mắt đen láy, trong veo. Nó không khóc. Cũng như tôi, nó còn quá bé để có thể hiểu được chuyện gì đang xảy ra, nhưng không phải vì vậy mà mà nỗi mất mát kia có thể lướt qua hời hợt trong nó. Thoảng có những khi vắng người, nó co chân, bó gối trên ghế, nhìn chằm chằm vào di ảnh của cụ Đạc, chớp chớp hàng mi rồi cúi gằm mặt xuống, hai chân buông thõng. Khoảnh khắc ấy, phải chăng, những âm hưởng xa xôi về người bà đang man mác trong từng nghĩ suy non trẻ của đứa bé lên tám?
Trời đã hửng hơn, nhưng mưa vẫn còn rả rích. Tôi xỏ dép, lê loẹt quẹt xuống bếp. Chị Hồng đang khuấy nồi cám lợn. Gian bếp đen kịt màu bồ hóng, hầm hập hơi lửa rơm làm trán chị lấm tấm mồ hôi. Thấy tôi đi xuống, chị bắc chảo cơm rang đang, đảo lại cho nóng. Nhìn những hạt cơm vàng mỡ màng nhảy tanh tách trong chảo, tôi hỏi:
- Bố mẹ đâu rồi chị?
- Bố mẹ sang bên cụ Đạc rồi, sáng nay đưa cụ ra đồng.
- Đưa ra đồng làm gì chị? – Tôi ngơ ngác hỏi, mắt vẫn dán chặt vào chảo cơm.
- Ra đồng… - chị Hồng bỗng ngừng một lúc – để cụ an nghỉ với tổ tiên.
- Tổ tiên cụ ở ngoài đồng hả chị? – tôi vẫn tiếp những câu hỏi ngây ngô mà không để ý khuôn mặt đang rầu rầu của chị.
Đúng lúc đó, những âm thanh hỗn tạp chợt vang lên từ xa. Tiếng kèn, tiếng trống, tiếng kêu khóc lẫn vào nhau, rộn cả một góc làng quê yên ả buổi tinh mơ. Tôi chạy ra đầu ngõ. Từ xa, một đoàn người rồng rắn tiến lại. Những áo xô, khăn trắng khóc vật vã bên chiếc xe tang chở linh cữu. Một người đàn ông ôm đi ảnh của cụ Đạc đi trước. Ông ta bước những bước chậm rãi với vẻ đăm chiêu lấp ló trên khuôn mặt bị che khuất một phần bởi tấm khăn tang và lớp mũ áo xô trắng toát. Ấy là người con cả của cụ. Bên phải linh xa, cô con gái cụ tóc tai rũ rượi xổ ra ngoài lớp mũ áo xô, đổ xiêu đổ vẹo. Người đàn ông đi bên cạnh phải giữ chặt lắm, cô mới không đổ gục xuống đất. Tay cào vào thành xe, miệng cô không ngừng gào khóc:
- Ối mẹ ơi, lúc mẹ còn, xa xôi con không được cơm bưng nước rót. Giờ mẹ nằm xuống, con cũng không kịp đến nhìn mặt lần cuối, mẹ ơi!
Cứ thế, đoàn người lầm lũi đi trong làn mưa rả rích không thôi, như nước mắt trời tuôn, khóc thương một kiếp người…
Sâm sẩm tối, nhà nhà đã lên đèn. Trên triền đê, tôi đang tung tăng với cái chai nước con đã rỗng trên tay. Được mẹ sai đi mua tương, tôi cho đó là một dịp đi chơi hiếm có để trốn cái việc dọn cơm nhàm chán. Đến cuối chân đê, tôi ngoặt xuống con đường mòn nhỏ dẫn vào xóm. Ngang qua nhà cụ Đạc, chợt chân tôi bước chậm lại. Dưới ánh đèn le lói trong nhà, tôi thoáng thấy bóng thằng bé con, cháu ngoại cụ đang tha thẩn trong sân. Nổi hứng, tôi rẽ quặt vào, định bụng bắt chuyện với thằng nhóc “giống mình đến kì lạ” như lời các cô, các bác nói tối cái hôm bố dẫn tôi sang thắp hương cho cụ Đạc. Đi được nửa con ngõ, tôi chợt dừng lại. Có tiếng đếm lầm rầm, tiếng sột soạt luôn tai. Nhìn qua kẽ lá ở hàng rào, tôi thấy cô con gái cụ, đang ngồi bệt trên manh chiếu hoa trải trên thềm nhà, miệng đếm, tay lật không ngừng. Xung quanh cô, những vỏ phong bì nằm la liệt. Mấy cái đang được thằng bé con lấy ra gấp máy bay phi ngập cả khoảng sân. Bên cạnh cô, một người đàn ông cặm cụi ghi chép trong một cuốn sổ nhỏ. Chợt cô dừng tay, miệng cười xởi lởi, khác hẳn với cái vẻ vật vã chiều nay:
- Chuyến này hời to rồi anh ạ. Trừ ngược trừ xuôi đi, vợ chồng mình cũng bỏ túi được khá lắm!
- Thế còn nhà bác Minh với bác Việt thì sao? – Người đàn ông dừng bút, ngẩng lên.
- Ôi dào, hai ông ấy đòi làm sao được. Cỗ lạt, ma chay, của nhà mình lo cả, khách to khách nhỏ cũng toàn khách của vợ chồng nhà này. Hai ông ấy vác được cái xác không về mà còn đòi hỏi thì chết với em. Lúc nãy lên xe em dúi cho một ít tiền đi đường rồi. Phúc lắm đấy!
Người chồng không nói gì thêm nữa. Họ đứng lên, thu dọn rồi gấp chiếu đi vào trong nhà. Tôi cũng quay lưng, bước thẳng ra ngõ, đi tiếp đến nhà cô Vinh bán tương đằng xa. Trời càng lúc càng tối nhanh. Phía sau lưng tôi, chút ánh sáng le lói từ căn nhà nhỏ dần bị nuốt chửng bởi bóng đêm đen đặc.