Làn khói trắng mỏng tỏa hơi là là miệng bát cháo, sục nhẹ vào cánh mũi đang phập phồng của tôi. Tôi mở mắt. Trần nhà với những thanh xà gỗ nâu bóng vắt ngang dọc chiếm trọn tầm nhìn. Một con thạch sùng cụt đuôi đang mon men bò dọc thanh xà ngang bỗng “Bộp” một tiếng. Hắn rụng xuống, dính bẹp ngay đầu giường tôi nằm, mở cặp mắt thao láo liếc tôi một cái rồi nguây nguẩy cái đuôi cụt lủi mất dạng sau bức tường. Một làn gió mát lạnh lướt ngang làm tôi rùng mình. Nặng nhọc trở người, tôi hướng mắt ra ô cửa sổ sát hông giường đang mở toang cánh. Cơn mưa đêm qua còn chưa dứt hẳn, những giọt tí tách trong veo nhảy múa nơi cành bưởi đu đưa góc vườn, trượt trên phiến lá na tắm mưa xanh mơn mởn, hoặc tụ thành dòng lướt dọc lớp vỏ tím thẫm, trơn bóng của khóm mía. Mưa xuống, tưới mát đất trời héo hon, và hình như tưới mát cả vầng trán hầm hập vì sốt cao suốt mấy ngày qua của tôi.
- Anh Cò dậy rồi à? – Cái mặt bánh bao của Tẹt ở đâu lù lù ghé sát mặt tôi, nghiêng nghiêng ngắm cái vẻ ngô ngố, uể oải của ông anh trai mới ốm dậy bằng cặp mắt trợn tròn rồi bỗng cái miệng chúm chím của nó hét rầm lên làm tôi giật nảy người lên một cái – Chị Hồng ơi, anh Cò dậy rồi này!
Trên cái ghế gỗ cũ kê sát cạnh giường, Tẹt đang ngồi vắt vẻo. Cái quần vải lanh hoa nhàu nếp, xoắn như lò xo, co lên để lộ hai ống chân bụ bụ mà ngắn ngủn, bắt chéo nhau, đu đưa là là mặt đất. Con bé lắc lắc hai cái “sừng trâu” trên đầu rồi lại trợn tròn cặp mắt to có hai con ngươi đen láy như hột nhãn lên - ấy là cái vẻ ngộ nghĩnh thường thấy mỗi khi con bé chuẩn bị huyên thuyên một chuyện gì đấy:
- Anh Cò có đói không? Anh Cò có ăn cháo không? – Rồi nó trỏ vào bát cháo đang đặt ở cái bàn con phía cuối chân giường – Anh Cò có biết cháo gì không? Cháo lươn đấy. Anh Cò có biết lươn của ai không? Lươn hôm qua bố bắt được dưới lạch đấy. Cái lạch chỗ ao sen đấy! Cháo ngon kinh khủng lắm. Nhưng kể ra ăn mình lươn thì ngon hơn ấy! – Nó ghé tai tôi thì thầm – Lúc chị Hồng xào lươn, em xúc trộm được ba thìa. Tí em chia cho anh Cò một thìa, nhưng anh Cò không được mách chị Hồng đâu nhé!
Tẹt liến thoắng một tràng như pháo liên thanh, đến nỗi “mưa xuân” từ cái miệng chúm chím hồng của nó bắn cả vào mặt tôi. Bình thường như mọi hôm, tôi đã mắng cho nó một trận rồi. Ấy vậy mà hôm nay lại không. Thay vì nhàu nhạu, cau có, nét mặt tôi lại giãn ra, trông tươi tỉnh hẳn. Một phần vì mới ốm dậy, hãy còn lề mề, mệt mỏi nên cũng chẳng sức đâu mà mắng. Phần khác, thật lạ, là vì bỗng dưng tôi thấy bâng khuâng lắm, dưới mái nhà thân quen, một bát cháo thơm chị Hồng mới nấu, em Tẹt kê ghế ngồi bên, ca cẩm, hỏi han đủ chuyện. Mọi ngày, khỏe chân, dai sức, tôi cười hỉ hả, chạy nhảy khắp đầu thôn cuối xóm với đám bạn cả ngày, chỉ tha thiết về nhà lúc chiều tà bụng rỗng réo ùng ục đòi cơm hay thấp thoáng bóng bố xách roi ra lùa về đi tắm. Hai hôm nay, sau một buổi dang nắng rồi dầm mưa bên xóm bên với thằng Đẹt và Bủm, tôi lăn ra sốt li bì. Trong lúc mê man, tôi thấy bóng mẹ tất tả vắt khăn đắp trán; thấy cái Tẹt quanh quẩn bên giường; thấy chị Hồng, tay cầm đũa cả, chốc chốc lại chạy dưới bếp lên nhà ngó thằng em ốm; thấy bố đội nón, buộc giỏ bên hông, lạch cạch dắt cái xe đạp cũ ra giữa sân rồi nói vọng vào nhà: “Mẹ nó bắc cháo dần đi, tôi đi bắt ít lươn về nấu cho thằng Cò”. Tôi bỗng thấy lòng chộn rộn, những cảm xúc kì lạ, không tên, giăng mắc như màng tơ mảnh lấp lánh dưới nắng. Chợt thấy thương mẹ, thương bố, thương chị Hồng, thương cái Tẹt nhiều thật nhiều; chợt thấy ngôi nhà này quen thuộc quá, cái cảm giác quen thuộc mà mọi ngày vì mải chơi với chúng bạn mà tôi chẳng nhận ra. Hay vì những trận sốt nối tiếp nhau làm cho yếu ớt thân thể, yếu mềm cả cái tâm hồn non tơ của thằng nhóc tám tuổi nghịch ngợm và vô tư, làm tôi bỗng thấy thân thương hai tiếng “Gia đình”?
- Cu dậy rồi hử? – tiếng chị Hồng lanh lảnh làm tôi như bừng tỉnh khỏi những suy nghĩ miên man. Một tay cầm cái khăn mặt vắt ráo nước, một tay sờ lên trán tôi, chị lẩm bẩm – Lạy giời, hạ sốt rồi!
- Cô làm cái gì mà hót như chim đấy hả? Không định cho anh cô nghỉ ngơi à? – Chị quay sang cái Tẹt, lườm nó một cái. Biết chị lườm đùa, Tẹt nhăn nhở cười khanh khách. Nó mau mắn nhảy tót từ trên ghế xuống, chạy ra bàn, bưng lấy bát cháo rồi chạy lại chỗ chị, hai tay nâng bát cháo, mắt hấp háy, tinh nghịch như một con mèo con.
- Chỉ được thế là mau! – chị mắng Tẹt, mà miệng cười tủm tỉm, quay lại nhìn tôi, chị bảo – Cháo đỡ nóng rồi, cu dậy rửa mặt, uống hớp nước rồi ăn kẻo nguội – nói rồi chị đặt bát cháo xuống, vắt nhẹ cái khăn. Tôi gượng người ngồi dậy, tựa lưng vào đầu giường. Vừa lau mặt cho tôi, chị vừa gọi cái Tẹt – Tẹt lấy cho anh Cò cốc nước. Con bé chạy biến, một loáng sau đã thấy tất tả chạy lại, hai tay cầm hai cốc nước to tướng.
- Tẹt lấy cho voi uống đấy hả - chị Hồng bật cười, đón lấy một cốc nước, chị đưa cho tôi.
Uống xong, tôi đón bát cháo từ tay chị Hồng. Cầm cái khăn mặt, chị Hồng đi xuống bếp, bước ra đến thềm, chị nói vọng vào:
- Cu ăn nhanh rồi chuẩn bị đi tắm nhé, mấy ngày sốt không đụng vào nước rồi. Chị xuống đun nốt nồi nước lá tắm đây. Tẹt ngồi chơi với anh, không được nghịch nhớ chửa?
Tôi chậm rãi xúc từng thìa cháo, nhai nhóp nhép trong miệng. Thịt lươn ngọt lắm, vậy mà vào đến miệng tôi chỉ còn là một vị nhạt, hơi đăng đắng. Mấy ngày ốm, tôi ăn gì cũng không thấy ngon miệng nữa. Củ khoai nướng sực nức, con tôm luộc đỏ au hay hôm nay là bát cháo ngọt thơm trên tay cũng không làm tôi thấy thèm thuồng như mọi bữa. Chợt tôi nghĩ đến thằng Đẹt lúc bị ốm. Ôi cái thằng béo ham ăn ấy mà có lúc cũng chê đồ ăn thì chắc là chuyện lạ mất. Nghĩ đến đó, tôi bỗng bật cười khanh khách. Tẹt đang lê la chơi với con búp bê trụi tóc và mấy quả bưởi non trên cái chiếu trải giữa nhà, nghe tiếng cười khanh khách của tôi thì ngước mắt lên nhìn, ý hẳn tò mò lắm. Ngó thấy cái mặt ngơ ngác, ngô ngố của cô em gái đang nhìn mình chòng chọc, tôi lại bật cười một tràng nữa. Thấy anh cười, Tẹt chẳng hiểu gì, cũng cười theo, tay cầm con búp bê vung vẩy loạn xạ. Cả gian nhà ngập tiếng cười giòn tan của hai anh em tôi.
***
Cầm bát cháo đã hết trên tay, tôi xuống giường, xỏ chân vào đôi dép nhựa cũ rồi đi ra giếng. Sân giếng ướt át sau cơn mưa dài, một con cá lia thia nhỏ búng đuôi, nhảy tanh tách trên nền xi măng ẩm lạnh, ắt hẳn cậu chàng mới lạc từ dưới ao lên. Đặt cái bát cạnh chân giếng, tôi quay sang bể nước, rướn người, với cái gáo dừa đặt trên nắp bể, toan vục một gáo rửa mặt. Bỗng tôi dừng tay, không thèm để ý đến khuôn mặt dài hóp vì ốm với cái đầu bờm xờm không chải, in bóng trên mặt nước là một khoảng trời thu nhỏ xanh biêng biếc, dải mây trắng lững lờ trôi. Tôi khẽ chạm cái gáo dừa xuống khoảng trời đó; trời xanh, mây trắng bỗng tan hòa vào nhau, rồi như chảy thành dòng vào gáo. Vốc một vốc nước, tôi ngửa mặt, để cái dòng mát lạnh chảy trên mặt, tràn cả vào miệng cái vị ngọt lành của nước giếng khơi, như nghe vi vu tận trong lồng ngực luồng gió êm ả của đêm hè thổi qua rười rượi.
- Tắm thôi Cò – chị Hồng lễ mễ kéo chậu nước lá màu nâu sóng sánh vào từ chân giếng vào trong nhà tắm.
Tôi vâng một tiếng rồi lò dò vào nhà tắm. Quần áo sạch đã treo sẵn trên móc gỗ: cái quần đùi vàng ố nâu một túi vì mủ chuối xanh với cái áo ba lỗ. Chị Hồng thò tay khuấy nước cho nguội bớt rồi ngẩng mặt lên nhìn tôi:
- Ô hay còn đứng đấy, cởi quần áo ra!
- Dạ? – tôi trố mắt
- Dạ vâng cái gì, nhanh lên chị còn vào bắc cơm!
Thế là thế nào? Mọi hôm tôi vẫn tự tắm cơ mà. Chị Hồng tắm cho tôi là cái hồi lâu lẩu lầu lâu rồi. Từ cái lần mấy thằng trong xóm ngồi tán phét với nhau, tôi hồn nhiên kể rằng vẫn để chị Hồng tắm cho thì đã bị cả lũ cười cho vào mặt là đồ con nít mặc tã. Sau hôm đấy, về nhà, tôi tuyên bố với cả nhà từ nay sẽ tự tắm rửa. Bố mẹ cười ồ lên, còn chị Hồng thì mừng ra mặt vì đỡ được một việc. Cái việc tự tắm rửa, với ai là bé cỏn con chứ với tôi là to tát lắm, nó chứng tỏ cái sự người lớn không thể chối cãi được của tôi. Ấy thế mà hôm nay, tôi lại phải để chị Hồng tắm cho?
- Em tự tắm cơ – tôi lắc đầu nguầy nguậy – chị đi nấu cơm đi!
- Gớm, cu tự tắm rồi lại ngồi vầy nước cả buổi, mới ốm dậy rồi lại lăn ra ốm tiếp thì ai chịu cho chị. Muốn chị mách bố rồi lại ăn roi không? Nhanh, cởi quần áo ra!
Cái mặt tôi ôi chao là mếu xệch xẹo. Cái thói ngâm người trong nhà tắm, vừa nghịch nước vừa hát cả buổi để bố mẹ bao nhiêu lần phải đập cửa quát tắm nhanh, hóa ra giờ hại tôi rồi! Phụng phịu, tôi cởi áo ra một cách chậm chạp nhất có thể. Vứt bẹt cái áo xuống nền nhà tắm, chuẩn bị tụt nốt cái quần đùi giãn hết cả chun, tôi bỗng điếng người, một ý nghĩ kinh khủng vụt qua tâm trí: con chim của tôi sẽ bị chị Hồng nhìn thấy!
- Ô hay, cởi quần ra nhanh để chị còn lau người cho. Có thấy trưa trật rồi không? – chị Hồng cằn nhằn. Tôi vẫn đứng im, một tay nắm chặt cái quần cố thủ. Sốt ruột, chị túm lấy cái ống quần của tôi, kéo tuột luôn xuống.
- Á! – Tôi hét lên, nhanh như cắt, tôi úp tay phải, che vội con chim lại.
Chị Hồng cười ngất.
- Cu làm cái gì đấy – chị vẫn cười rũ – che cái gì mà che?
- Không – tôi hét – chị không được nhìn con chim của em!
- Thế lúc nhỏ ai tắm cho cu hả? - chị Hồng chà khăn từ cổ tôi xuống, vẫn cười rúc rích.
- Nhưng bây giờ em lớn rồi – tôi nhàu nhạu, tay phải vẫn cố thủ, bít chặt lấy con chim.
- Rồi, biết anh lớn rồi – chị giả vờ nghiêm mặt, môi mím mím, rõ là đang nín cười mà không được. Ba ngày hè không tắm rửa lại sốt vã mồ hôi, người tôi ghét đóng từng mảng, cứ chà cọ một lượt, chị Hồng lại giũ khăn vào chậu nước. Được mấy lượt, cái màu nước nâu non, trong trong nhìn thấy đáy của chậu nước lá đã chuyển cái màu đùng đục của như nước kênh lúc mưa rào. Chị chép miệng – Bẩn kinh khủng thế hả giời?
Kì cọ hết xong cánh tay bên trái, chị Hồng nghiêm mặt:
- Cu giơ tay phải lên cho chị lau nào!
Thế có chết không cơ chứ! Tay phải rõ là đang che con chim mà. Nhưng không sao, tôi đã có cách. Úp bàn tay trái lên trên bàn tay phải đang khư khư che con chim, tôi nhẹ nhàng rút tay phải ra, thật cẩn thận, chậm rãi để không lộ miếng chim nào. Xong xuôi, tôi phe phẩy cái tay phải với vẻ mặt vô cùng đắc ý, như thể muốn bảo: “Đây, chị lau đi, còn lâu mới thấy được con chim của em nhé!” Chị Hồng, trước cái cảnh ấy, không nhịn được, cười phá lên. Cho đến tận lúc mặc quần áo xong xuôi cho ông em quý hóa, chị vẫn cứ hinh hích cười không ngừng. Tôi cho việc đó là không hay lắm, như thể đang xúc phạm ghê gớm cái sự người lớn của tôi.
Rửa qua cái nồi nấu nước lá, chị Hồng xuống bếp cời lại tro, nhóm lửa bắc cơm. Tôi lên nhà, tắm rửa xong mát mẻ, khoan khoái, tôi nằm dài trên cái võng bật tivi xem hoạt hình. Tẹt vẫn mê mải với con búp bê và mấy quả bưởi non. Đang hí hoáy vẽ hoa, vẽ lá lên mặt con búp bê, Tẹt bỗng ngẩng mặt lên:
- À, nãy anh Bủm sang tìm anh Cò đấy!
- Ờ, thế nó có bảo gì anh không? – tôi lơ đễnh hỏi, mắt vẫn dán chặt vào cái tivi.
- Anh ấy hỏi anh có nhà không, em bảo chị Hồng đang tắm cho anh ngoài giếng – Tẹt vừa nói vừa cắm cúi tô một đường đỏ choét lên môi con búp bê.
Đang giơ cái điều khiển lên định bấm chuyển kênh, tôi bỗng cứng đờ người, ngoảnh xuống, nhìn Tẹt trâng trối. Mải mê với “nghệ thuật trang điểm”, Tẹt không thấy được khuôn mặt ông anh trai đang méo xệch, cái miệng nhễu ra, tôi dập bộp cái điều khiển tivi xuống võng, đứng phắt dậy, hét lên:
- Ai bảo mày nói thế hả Tẹt!
Rồi tôi ngồi bệt xuống đất, chân giãy đành đạch, hai tay vung vẩy, dập bồm bộp xuống nền nhà, khóc tướng lên. Nghĩ đến cảnh bây giờ, Bủm đang đi khắp xóm loan tin cho mấy thằng bạn chuyện tôi để chị Hồng tắm cho, tôi càng khóc tợn. Cái Tẹt, bỗng dưng bị anh quát, giật nảy mình một cái, ngơ ngác không hiểu vì sao, bất ngờ, con bé quăng vèo con búp bê xuống chiếu, rồi lăn đùng ra ăn vạ. Buổi xế trưa của một góc xóm, bởi tiếng khóc rầm rĩ của hai anh em tôi, mà náo động cả lên.