Tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi đã dứt được hơn dăm phút, tôi vẫn còn ngồi lì trên băng ghế cái bàn học thứ năm của dãy giữa, trong khi ngoài sân, mấy thằng bạn chí cốt đang đánh khăng tưng bừng. Có cái sự lạ lùng ấy, là bởi hôm nay tôi ốm bất chợt. Nhưng ốm ở đây không phải cảm sốt, nhức đầu như thường. Ốm đây, ấy là ốm tương tư!
Bỗng đâu xảy đến cái chuyện bất ngờ, sự việc đầu đuôi là như thế này. Phía bên trái của bàn thứ tư bên dãy bàn sát cửa ra vào, cái dãy nằm bên tay phải dãy bàn tôi ngồi, là chỗ ngồi của con bé Hến. Hến có cái tên thật nghe rất kêu là Hường, nhưng vì nó ngồi trong lớp cứ im ru như con hến nên đám trẻ con trong lớp mới quyết gán cho nó cái biệt danh tương xứng ấy. Gọi mãi thành quen, nhiều khi cô giáo gọi tên Hường, lắm đứa trong lớp còn ngơ ngác không biết cô gọi ai cho đến khi Hến lầm lũi giơ tay. Hến là con thứ năm trong một gia đình có bảy chị em gái, bố mẹ cả ngày lăn lê làm thuê cuốc mướn kiếm gạo đủ no cơm cho chín miệng ăn trong nhà; bởi thế mà từ tấm bé, Hến đã thiếu tay người săn sóc nên nhem nhuốc, bẩn thỉu lắm. Manh áo sơ mi cộc tay loang lổ màu cháo lòng, ngắn tun tủn, lỗ chỗ vết gián nhấm ở cầu vai, nó mặc ngày này qua ngày khác, tưởng chừng có giặt mòn tay cũng không sạch nổi cái vệt ghét đen kịt đóng thành vành ở cổ áo. Cái quần vải kaki được hoạn lại từ cái quần cũ của chị gái, cũ đến nỗi những đường chỉ ở gấu và hai bên sống quần sút cả ra còn đít quần thì đã sờn bạc, lởm chởm những sợi vải vo tròn. Đôi dép nhựa qua bao lần nắng mưa đến trường đã mòn vẹt cả đế, hai bên mũi dép rách toạc được khâu tạm lại bằng sợi cước, ôm chật cứng lấy đôi bàn chân mỗi ngày một lớn. Mớ tóc mỏng, loe hoe ánh vàng hầu như chẳng được chải bao giờ; cứ tua tủa ngang vai, rối nùi như tổ cú. Lại được thêm cái tật lười tắm gội, người Hến luôn phảng phất một thứ mùi khăm khẳm, nồng hoi của lớp da đóng ghét lâu ngày không được dội rửa; làm lũ trẻ trong lớp chẳng đứa nào muốn lại gần. Biết bạn xa lánh, chả ai thèm chơi cùng, Hến cứ lủi thủi một mình, sáng ôm cặp đến, trưa lại xách cặp về, không chuyện trò, cũng chẳng đùa nghịch với ai. Đến như tôi, ngồi cách con bé chỉ một cái đầu bàn, mà có lần trong giờ Mĩ thuật, hòn tẩy tôi nhỡ tay đánh rơi lăn đến ngay dưới chân Hến, tôi cũng tự nhoài người ra lấy chứ chẳng buồn nhờ đến cái con người bẩn bẩn, hôi hôi mà lầm lầm lì lì ấy.
Ấy thế mà, cái con bé mọi ngày bẩn bẩn, hôi hôi lại lầm lầm lì lì, chẳng ai buồn để ý đến, hôm nay đã khiến 23 cặp mắt lớp 3C phải mở tròn xoe như quả trứng vịt vì kinh ngạc. Không còn cái áo màu cháo lòng, không còn cái quần sút chỉ cũng chẳng còn đôi dép mòn đế; Hến hôm nay xúng xính như công chúa: áo mới trắng tinh, chạy viền đen quanh mép ống tay và cổ áo lượn tròn hình cánh sen, đính thêm một cái nơ nho nhỏ, xinh xinh ở cổ mặc cùng với cái váy đỏ tươi, xập xòe như bông dâm bụt bung cánh, phấp phới bay theo từng bước chân nhún nhảy trong đôi dép quai hậu bằng nhựa trong màu hồng có gắn hình một con mèo cũng hồng chóe nốt. Mái tóc xõa rũ rượi như gà mắc rù hôm nay được cột cao gọn ghẽ làm hai bím, để lộ ra khuôn mặt tròn xoe có đôi má bánh bao hồng hồng. Thi thoảng, như muốn điệu đà làm duyên, Hến khe khẽ lúc lắc hai bím tóc, làm đôi nơ ruy băng màu da trời cột trên tóc bay phất phơ nhè nhẹ như cơn gió mỏng mảnh màu xanh. Thật là, con hến dưới đáy ao đã lách mình qua sông, theo dòng ra biển mà hóa thành con sò điệp rồi!
Sự thay đổi đáng kinh ngạc của Hến làm cái lớp nhỏ xôn xao ít phút rồi lặng dần đi. Quên bẵng cô “hoa hậu” mới nổi, lũ con trai nhanh chóng quay lại với những thú vui nghịch ngợm của mình. Chỉ có mấy đứa con gái là cứ nháo nhác mãi không thôi. Chạm vào vạt váy của Hến, con Trinh quản ca điệu chảy nước của lớp trầm trồ:
- Váy của Hến đẹp quá, thích quá! Eo ơi, kể mà Trinh được mặc váy này một lần nhỉ?
- Nơ tóc của Hến cũng đẹp nữa, màu xanh da trời đẹp quá! – Vuốt ve hai dải đuôi nơ đang bay phất phơ trên tóc Hến, con Thu xuýt xoa.
Hến cười bẽn lẽn. Nó chưa quen với việc bầu không khí tĩnh lặng bọc quanh mình bị phá vỡ bởi vòng vây xúm xít của các bạn, càng thấy xa lạ hơn với những lời khen có cánh mà các bạn đang dành cho mình. Nó thẹn thùng đáp lời bằng cái giọng khe khẽ, phảng phất sự tự hào:
- Chị Minh mua cho Hến đấy, chị Minh đi làm ở thành phố, được nhiều tiền nên mua quần áo mới cho Hến, cho cả chị Hiền, cả em Đào, em Thảo nữa!
Lũ con gái trố mắt. Thành phố với những đứa trẻ miền quê lam lũ này là một nơi xa xôi và lạ lẫm lắm, đến nỗi mỗi khi có ai nhắc đến hai tiếng « thành phố », trong đầu chúng chỉ có thể mường tượng ra một vùng sáng ảo ảo mờ mờ, nhòe nhoẹt những vệt sáng lung linh như cầu vồng muôn sắc.
Rồi mấy đứa con gái cũng choàng tỉnh khỏi giấc mơ bởi một tiếng động rất khẽ. Hến cho tay vào cặp, lấy ra một bọc giấy màu nâu và giở một cách cẩn thận.
- Bánh Ham Bơ Gơ đấy! – nó nói – Loại bánh này chị Minh bảo phải nhiều tiền mới mua được vì là nó đắt cực luôn!
Trong khi mấy đứa con gái đang trầm trồ trước cái bánh tròn tròn với những lát giò mềm kẹp cùng mấy khoanh dưa chuột hơi nhũn, nằm gọn trong tàu xà lách thâm thâm ở mép lá thì ở một bàn gần đó, có một thằng không xuýt xoa nổi câu nào vì cổ họng ngập ứ nước dãi. Đẹt chép miệng nói với tôi bằng giọng rất rầu:
- Tao buồn quá!
- Sao mà buồn? – tôi hỏi với vẻ lơ đễnh.
- Tại sao anh tao không đi làm ở thành phố mà lại lên thị trấn học lớp 10 làm gì chứ?
- Ờ, ờ... – tôi trả lời, cái miệng hơi há như gắn hờ trên khuôn mặt ngơ ngẩn.
- Mày có nghe không đấy? – Đẹt săm soi – Thôi chả thèm nói với mày nữa – Nguây nguẩy cái mông béo bự, Đẹt bỏ đi. Thật ra nó phải tránh xa cái chỗ thơm phức này nếu không thì nước dãi sẽ đầm đìa khắp lớp mất!
Tôi vẫn ngồi im ru trên ghế. Lũ con gái dần tản về chỗ ngồi. Chỉ còn mình Hến ở bàn, chăm chú với cái bánh trên tay, nhấm nháp một cách ngon lành thức quà xa lạ ấy; đôi má phúng phính cứ phồng lên rồi xẹp xuống theo từng tiếng nhai nhóp nhép. Ngoài kia, mặt trời đã nhô cao quá đầu ngọn rơm, nắng thu nhẹ tênh lách kẽ lá, xuyên qua khung gỗ nâu mục của ô cửa sổ, phủ lên bím tóc loe hoe của Hến một vạt mỏng mảnh như khói như sương. Gió bỗng đâu vi vu ùa đến, mấy sợi tóc phủ nắng sau gáy nàng bay nhè nhẹ. Chà, một khung cảnh mới đẹp và nên thơ làm sao! Đến nỗi ở phía sau, có một thằng ngố ngồi thu lu trên ghế, hai chân chụm lại, kẹp hờ lấy đôi tay đang thõng ra giữa hai đùi; mặt thộn ra còn đôi mắt thì ngơ ngác như bò nhà bỗng dưng được chụp cho cái nón. Từ lúc ấy đến khi trống báo vào học, qua hai tiết Tập đọc rồi đến tận bây giờ, khi ba hồi trống ra chơi đã vang lên được dăm phút, dải nơ xanh thắt trên hai bím tóc hoe vàng quét nhẹ qua đôi má bầu bĩnh vẫn nhảy múa tưng bừng trong cái tâm trí mơ màng như phủ sương sớm của tôi.
Để trốn những tiếng réo gọi ra sân đá bóng, bắn bi của mấy thằng bạn, tôi vờ ôm bụng nhăn nhó, gục đầu xuống bàn. Thật là tiện lợi, cái chiêu này không chỉ giúp tôi thoát được lũ bạn ồn ào mà còn làm cho việc... ngắm trộm nàng trở nên dễ dàng và an toàn hơn bởi ai mà phát hiện được qua kẽ hở của đôi cánh tay quàng vào nhau trên bàn lại có một cặp mắt đang say sưa ngắm nhìn đôi bím tóc xinh xinh lúc la lúc lắc của nàng từ phía sau. Trong đôi mắt tôi lúc này, Hến là một cái gì đó thật xinh đẹp, đáng yêu mà trước nay tôi chưa từng thấy qua ở cái làng bé tí ti, chỉ có ruộng đồng và vài mái ngói nâu mục nhấp nhô giữa những mái tranh đơn sơ, cũ kĩ. Cho đến tận sáng nay, cái lúc mà nàng vẫn chưa xuất hiện lộng lẫy ở cửa lớp, thứ xinh đẹp nhất mà tôi được tận mắt chiêm ngưỡng vẫn là con búp bê có mái tóc vàng óng và đôi má hồng ửng như hai quả đào của em Tẹt lúc mẹ mới đem từ chợ huyện về, chỉ duy nhất lúc đó thôi, vì mấy ngày sau, con búp bê đã nhem nhuốc những nét vẽ bậy và tơi tả như ăn mày vì trò xé váy, lột giày, giật tóc quái gở của Tẹt. Cứ như thế, bằng ánh mắt lặng lẽ giấu sau đôi cánh tay, tôi mải mê ngắm cái vật báu xinh đẹp, đến nỗi từng cái nhíu mày, phùng má, từng cái điệu cúi đầu sát mặt vở để viết bài hay cái tay bỗng xoa xoa bụng với tiếng xuýt xoa khe khẽ của nàng cũng trở nên đẹp lạ trong mắt tôi. Ô kìa! Cái đầu xinh xẻo của nàng lại ngúc ngắc, làm đôi bím tóc đu đưa như quả lắc đồng hồ, dải nơ mềm phất phơ, bay bay trong gió. Tôi nghe tim thụp một tiếng trong lồng ngực, tròng mắt đen láy đảo sang trái rồi đưa sang phải theo từng nhịp quả lắc, hòn tẩy dưới mấy đầu ngón tay cũng di di qua lại đều đều trên mặt bàn.
Bất ngờ, hòn tẩy tuột khỏi tay, rơi xuống đất, văng xiên hướng, va vào ống chân Hến rồi trượt xuống, nằm im cạnh chiếc dép quai hậu hồng hồng gắn con mèo hồng. Tôi ngóc đầu dậy, bật người thẳng tưng như gắn lò xo dưới mông. Nàng đang cúi người, nhặt hòn tẩy dưới chân lên và săm soi một lát bằng đôi mắt tròn, đen láy như hạt nhãn. Chợt như nhận ra điều gì, nàng quay lại, chìa tay về phía tôi, hai vành môi chúm chím hơi cong lên rồi nở một nụ cười tươi rói như hoa mười giờ.
Khoảnh khắc ấy, chính cái khoảnh khắc hòn tẩy vuông vắn nằm gọn trong lòng bàn tay nhỏ xinh chìa về phía tôi, một tiếng “Thịch” phát ra từ lồng ngực! Ôi, hình như tim tôi rơi bụp xuống dưới tận gót chân rồi! Lóng ngóng, tôi nhúc nhích hai cánh tay đã cứng đờ như bị đổ xi măng, rồi sau cùng, tôi vươn tay phải ra một cách e dè, lòng bàn tay ngửa lên, mấy ngón tay khum khum như thể ngại ngùng không dám xòe rộng. Hòn tẩy rời mấy ngón tay chúm chụm của nàng, rơi tõm vào lòng bàn tay tôi. Nàng nhoẻn miệng cười:
- Của cậu này!
Vù! Tim tôi từ dưới chân vừa mới bay ngược lên tận đỉnh đầu!
- Sao mồm mày cứ há ra như chú Liêu dở hay đi lung tung ngoài đường thế? – Còi nhìn tôi chằm chằm, sau lưng nó, bọn Tí, Bủm cùng Đẹt vừa đi vừa nâng vạt áo lau mồ hôi đang túa ra ròng ròng trên đầu, trên mặt. Giờ ra chơi đã trôi qua cùng ba hồi trống. Lũ chúng nó lục tục kéo nhau về lớp sau một trận cầu nảy lửa cùng quả bưởi xanh làm bóng.
- Ờ, tao... tao đang há ra đón gió cho mát họng! – tôi giật mình lúng túng. Từ lúc nhận lại hòn tẩy từ tay Hến, miệng tôi cứ há ra một cách ngớ ngẩn, cứ khép lại được một lát lại tự động bung ra.
- Thằng dở người! – Bủm chép miệng, mặt nó đỏ phừng phừng như vừa được hun từ lò ra.
- Kệ nó đi, hôm nay nó bị hâm đấy! – Đẹt góp lời.
Tiết học đầu tiên sau giờ ra chơi sắp sửa bắt đầu bởi cô giáo đã vào lớp. Đặt phịch cái cặp da màu đen xuống ghế, cô gõ thước cồm cộp lên mặt bàn:
- Trật tự, các em lấy giấy ra làm bài kiểm tra một tiết!
Rồi lẳng lặng, cô cầm phấn chép đề bài lên bảng. Sau lưng cô, lớp học bỗng xôn xao, đứa mở cặp, đứa bóc phong bì kiểm tra, đứa bật nắp hộp bút. Nhanh nhảu, Bủm và Còi đã bắt đầu ghi được chữ “Câu 1”, Tí vẫn chưa được chữ nào vì còn bận mở cặp lấy một tờ giấy kiểm tra cho thằng Đẹt đang rên rỉ vì hết giấy mà quên chưa kẻ. Đưa giấy cho Đẹt xong, Tí quay sang, thấy tôi vẫn đang ngồi thừ ra bèn vỗ vai tôi một cái:
- Mày cũng hết giấy kiểm tra à?
Tôi giật mình, lúc ấy mới bắt đầu mở cặp lấy giấy bút. Lớp học im phăng phắc, chỉ còn sột soạt tiếng ngòi bút đưa trên giấy và lách cách tiếng thước bút va nhẹ vào nhau. Cô giáo ngồi trên bục giảng, lơ đãng nhìn ra ngoài cửa sổ, thấp thoáng cánh đồng vàng rực phía xa xa.
- Ê, câu c bài 3 là dấu lớn hay dấu bé hả mày? – Đẹt thì thầm, đầu thước khều nhẹ vào lưng Bủm.
Đang mải làm bài thì bị khều vào lưng, Bủm nhăn nhó rồi cũng len lén quay đầu lại, thì thào:
- Bé!
Rồi nó quay lên, cắm cúi tính tiếp mấy phép nhân. Trong năm đứa, Bủm là đứa nhanh trí nhất, cái kiểu nhanh trí thông minh chứ không phải nhanh nhẩu đoảng như Còi. Trừ môn Mĩ thuật chỉ biết vẽ rồng ra giun, vẽ gà ra chó thì môn nào Bủm cũng đều học tốt. Thế nên mỗi tiết kiểm tra, Bủm đều bị mấy thằng bạn làm phiền, hết “12x5 bằng mấy?” lại đến “Đặt câu với từ “chăm ngoan” được chưa mày?”. Nhất là Đẹt, cái thằng ăn nhiều đến nỗi não đặc mỡ chứ không có tí chất xám nào!
Bủm bỗng hạ bút xuống, mũi khịt khịt. Lớp không khí trước mũi nó thoang thoảng ám một thứ mùi là lạ. Ở những bàn xung quanh, mấy đứa khác cũng dần nhận ra có mùi gì không ổn, cánh mũi chúng nó phập phồng. Mỗi giây trôi qua, cái mùi ấy tỏa càng nồng nàn rồi tràn khắp lớp.
- Thưa cô, thối quá cô giáo ơi! – thằng Nam ngồi ngay trên tôi đứng bật dậy như cái lò xo, hét toáng lên.
Lúc này, cô giáo cũng đang lấy hai ngón tay kẹp chặt lấy cánh mũi bởi mùi thối đã lan đến tận bục giảng rồi. Căn phòng nhỏ đang im ắng bỗng nháo nhác cả lên bởi tiếng xuýt xoa, rền rĩ của lũ lớp tôi, có thằng nghịch ngợm còn tự bóp cổ mình rồi giả bộ lăn đùng ra ngất. Tình thế xem chừng căng thẳng, cô giáo dù thật lòng muốn chạy ù té ra khỏi lớp ngay lập tức nhưng vẫn phải miễn cưỡng lò dò bước xuống khỏi bục giảng để truy lùng thủ phạm gây ra cái mùi không thể mê nổi này!
- Cô ơi bạn Hến ị đùn!!!!!!!!!!!
Một tiếng hét the thé chợt xé rạch cái bầu không ồn ào, nhớn nhác. Tất cả bỗng im bặt. Ngay chỗ cái bàn thứ tư sát bên ô cửa sổ nhìn ra sân trường, con Hạnh đứng giậm chân bành bạch, tay bịt mũi, tay chỉ chỉ vào người bạn đang rúm ró ngồi bên.
Đứng chống tay ở đầu bàn thứ hai, cô giáo vỗ trán cái độp rồi vuốt tay dọc xuống mặt, thở dài ngao ngán. Tiến lại gần bàn Hến ngồi, cô hỏi với giọng chán nản:
- Cô đã dặn muốn ị thì phải xin cô đi ra ngoài cơ mà!
Mặt cúi gằm không dám ngẩng lên, giọng Hến lí nhí qua kẽ hổng của mấy cái răng sún:
- Nhưng mà đang kiểm tra cô không cho ra ngoài ạ!
- Ôi trời! – Cô lại vỗ độp vào trán cái nữa, cái trán bướng bỉnh vẫn cứ cao ngồng lên chứ chưa xẹp được tí nào!
- Thế sáng nay con ăn gì mà lại bị đau bụng?
- Con ăn Hăm – bơ – gơ!
- Hả, cái gì cơ? – Cô tròn mắt.
- Hăm – bơ – gơ ấy ạ, cái bánh tròn tròn có giò, có cả rau với cà chua chị Minh mua ngoài Hà Nội về cho con.
- Chị Minh con về bao giờ?
- Dạ sáng hôm qua ạ. – Giọng Hến cứ nhỏ dần về cuối câu, xem chừng con bé xấu hổ ghê lắm.
- Trời ạ! – Tội nghiệp cái trán của cô lại hứng thêm một phát vỗ đánh bẹt nữa – Từ qua đến giờ thì bánh thiu hết rồi còn đâu! Trời ơi là trời!
Rồi cô giáo chạy đi kêu cô Mận lao công đến cùng dọn dẹp bãi mìn của Hến, trước khi đi không quên trợn mắt dọa lũ học trò phải trật tự kẻo cô Bốn đến xách cổ cả cô cả trò lên phòng giám thị. Mặc dù vậy, những âm thanh râm ran vẫn không thể tắt hẳn bởi mùi thối nặc nồng cứ quánh đặc không tan. Con Hạnh đã ôm giấy bút chạy té sang ngồi cùng con Na dãy bên, lũ bạn ngồi gần tôi cũng đã sơ tán hết sang các bàn gần đó, chứ không dám quẩn quanh gần Hến nữa. Còn lại một mình, Hến vẫn cúi gằm mặt, ngồi chỏng chơ ở mép bàn.
Còn tôi? Cái lúc Bủm phát hiện ra cái mùi kinh khủng ấy bởi nó ngồi ngay sau Hến, tôi cũng đã phụ họa theo đám bạn mà rầm rĩ kêu la, khoa chân múa tay loạn xạ. Nhưng chính cái giây phút tên Hến được xướng lên từ miệng con bé Hạnh, tôi im bặt. Cái giây phút ấy, từ khóe môi giần giật, tôi bắt đầu cảm thấy sự tê rần đang theo các mạch máu ngoằn nghèo đi khắp mặt, men xuống cổ rồi lan khắp tứ chi. Nỗi xấu hổ kì lạ đang dậy lên trong tôi. Xấu hổ ư? Tại sao lại xấu hổ? Tôi có ị đùn đâu? Ồ, tôi không ị đùn, nhưng tình “iêu” của tôi lại ị đùn! Cái Hến, chính cái mối tình đầu vừa nhen nhóm ban sáng đã dội bom thối inh cả phòng học lớp 3C này. Một đấng nam nhi như tôi lại “iêu” một đứa ị đùn ra lớp? Thế thì có đáng xấu hổ cho tôi không!
Tan học, cùng đường về, Tí và tôi bước song song. Chợt như sực nhớ điều gì, Tí quay sang hỏi:
- Mày hết đau bụng chưa?
- Đau bụng ị ấy mà, ị xong hết đau rồi! – tôi nói bâng quơ.
Rồi xốc lại cái cặp trên vai, tôi nhanh chân rảo bước trên con đê nắng thu ngập tràn.