Sáng tinh mơ, một sáng tháng Mười êm đềm. Rặng núi xa xa ảo mờ trong sương sớm. Nắng non đầu ngày lóng lánh trên những rặng cây. Không khí ngất ngây mùi của đất trời lúc ban mai mới rạng: mùi ngai ngái của khóm cỏ còn đẫm sương đêm, vấn vít hương của đóa sen vừa bung cánh hay cái vị nồng âm thầm của quả mít ủ mật đang lúc lỉu cành cao. Khoan khoái hít đầy một bụng cái bầu không trong lành ấy, tôi nắm tay mẹ, rộn ràng bước trên con đường ven đê xanh xanh màu cỏ. Hôm nay tôi đi chợ.
Chợ họp trên nền cái đình làng cũ, cách làng một đồng cỏ xanh ngút ngàn, thong dong bò trâu nhẩn nha gặm cỏ mỗi chiều xuống. Tiếng gà vịt quang quác, tiếng nói cười xôn xao, lời gọi nhau í ới hay dăm câu mua bán kì kèo, tất cả đan mắc vào nhau, tạo thành một màn hợp âm ồn ã mà sống động, vui tươi.
Mẹ tôi dừng chân trước một gánh hoa. Cô bán hoa, tay cầm bình xịt, miệng cười xởi lởi:
- Dơn đi chị, dơn rẻ 10 nghìn 4 cành chị ơi!
Dúi cái làn nhựa đỏ vào tay tôi, mẹ ngồi xuống cạnh gánh hoa mà lựa. Nắng sớm thu ấm áp, mấy hạt nước đọng trên cánh dơn long lanh như hạt ngọc.
- 10 nghìn cô để tôi 7 cành! – Mẹ bảo.
- Không đủ vốn nhà em chị ơi! Thôi để chị 5 cành, vừa đủ một bình đẹp chưng Rằm.
- Thôi thế 6 cành, cô có để thì tôi mua! – Rồi mẹ nhổm đít dậy toan quay đi.
- Ấy chị, - cô hàng hoa níu tay mẹ - thôi sáng sớm mở hàng cho em!
Mẹ cầm bó dơn trong tay, dắt tôi đi sâu vào chợ. Qua dãy hàng quà sáng, bụng tôi nhộn nhạo bởi mùi thơm của bao nhiêu món ngon đang tỏa ra ngào ngạt. Trong gian hàng đằng kia, hơi nước ảo ảo mờ mờ đang bốc lên nghi ngút từ lớp vải căng trên miệng cái nồi to bè bắc trên bếp lò bập bùng ánh than hồng. Từng lớp bánh mỏng tang, trắng ngần được trải trên cái mẹt nan, bác hàng bánh nhanh tay rắc ít thịt băm lên trên rồi cuốn lại, quết qua lượt hành phi vàng ruộm rồi trao cho khách cái đĩa bánh cuốn thơm mùi gạo đượm nắng lẫn cái vị giòn giòn, beo béo của lát hành phi và dúm thịt băm nhiều nạc. Phía quán bên này, một bác gái đang liền tay vo tròn những viên bột trắng tinh rồi thả ngay vào cái chảo gang to. Xèo xèo tiếng mỡ sôi một lát, bác với cái muôi thủng, vớt ra những viên bánh rán vàng ruộm, tròn ủng, ong óng lớp mỡ còn đẫm quanh vỏ bánh. Cạnh đó, một gian hàng khác khách đông tấp nập. Cô hàng xôi hối hả bên cái nồi muội than bám đen kịt, luôn tay lật từng lớp khăn phủ. Lớp đầu tiên là xôi đỗ xanh, đỗ xanh đã cà vỏ lấm tấm vàng trên màu trắng ngà của hạt nếp mẩy tròn. Xôi dừa nạo sợi nằm ở lớp thứ hai, còn lớp thứ ba, cũng là lớp cuối, là món xôi lạc bùi bùi. Cô hàng xôi luôn thoăn thoắt, tay đùm lá, tay nhận tiền mà cũng không kịp những tiếng í ới của khách hàng. Mẹ lắc tay tôi hỏi nhỏ:
- Cò muốn ăn quà sáng gì mẹ mua?
- Ăn luôn ở đây hở mẹ?
- Ừ, con ăn trước rồi chốc mua về cho em Tẹt sau.
Tôi thích lắm. Không hiểu sao, cùng một món bánh, cùng một tay người làm, nhưng được ngồi ăn ngay tại hàng, tôi thấy nó vẫn cứ ngon hơn là mua về nhà ăn. Bỗng nhớ đến mẹt bánh đúc rắc lạc quán cô Đào mà lâu lắm chưa được thưởng thức, tôi lôi tay mẹ xềnh xệch đi.
Quán cô Đào hôm nay vắng khách hơn mọi khi. Bên cái bàn con đựng mấy món lặt vặt: nước mắm, chén bát, đũa thìa; chỉ có một bà khách xì xụp cắm mặt vào bát bánh với một bác nữa đang đứng đợi gói bánh mang về.
- Bác Châu! – Mẹ tôi kêu lên.
Một bác gái cầm gói bánh đúc, đi từ trong quán ra. Là bác Châu, cái bác là mẹ thằng cu Tèo suốt ngày cởi truồng chạy long nhong ngoài đường. Mẹ dặn tôi phải gọi nó là anh, vì mẹ thằng Tèo, tức bác Châu là con của anh họ của ông nội tôi. Tôi không thể hiểu được mối quan hệ dây mơ rễ má lằng nhằng ấy, vả lại có hiểu, tôi cũng chẳng đời nào chịu gọi thằng cu Tèo bé tí hin kia là anh.
Bác Châu, khuôn mặt rám đen sau vành nón, “Ố!” lên một tiếng như thể ngạc nhiên lắm rồi cười với mẹ:
- Mợ cũng đi chợ đấy à? Bên nội hôm nay có giỗ nên tôi đi sắm ít đồ. – Bác chỉ vào cái làn đầy ắp những rau dưa, củ quả đặt dưới chân, chung quanh là bao nhiêu túi to, túi nhỏ nữa – Bố chúng nó còn làm mấy con gà ở nhà nữa kia mợ ạ!
- Giỗ nào thế bác? Có cần em sang đỡ không?
- Giố ông cố bên đằng nhà bố nó. Thôi không dám phiền mợ, có các cháu ở nhà nó đỡ cho rồi. – Giọng bác bỗng chùng xuống – Khổ lắm mợ ạ, nhà đã khó, lễ lạt, giỗ chạp gì bố nó cũng cứ đòi làm to. Gà vịt nuôi được dăm con để áp Tết bán kiếm vài đồng mà sắm sửa cho con cho cái. Thế mà cứ đụng một cái là lôi ra cắt cổ tiệt.
Bác đưa tay lên chấm mắt. Mẹ ái ngại, cố lựa lời mà khuyên cho bác đỡ tủi:
- Thôi bác, mỗi nhà mỗi cảnh. Cái phận đàn bà... Bác nhịn đi, cho yên cửa yên nhà.
Vắt vẻo trên băng ghế dài đúc bằng xi măng, tôi đang mải xì xụp những khoanh bánh trắng mềm đùng đục bằng tất cả sự háo hức, thèm thuồng của tuổi nhỏ, chẳng màng gì đến nỗi lòng của hai người phụ nữ ngoài kia.
***
Cái Tẹt vừa xúc miếng bánh đúc cuối cùng cho vào miệng thì tiếng lạch cạch của cái xe đạp cũ đã vang lên ngoài ngõ. Xe vào đến sân, bố tôi mới lên tiếng:
- Mẹ nó trưa nay không phải nấu cơm cho tôi với thằng Cò đâu nhé! Chốc nữa bố con tôi sang nhà bác Châu ăn giỗ.
Cái Tẹt nghe thấy vậy, vội đặt cái bát xuống chiếu, chạy ra níu lấy cánh tay bố mà đu:
- Con đi với, bố cho con đi với nhé!
Bố xoa đầu Tẹt, cười đưa đà:
- Ở nhà với mẹ, với chị thôi con! Đi nắng lại ốm lại bây giờ!
Hai ngày qua, Tẹt sốt liên miên. Bố mẹ phải đưa đi trạm xá truyền, đến chiều qua mới dứt cơn. Mấy ngày ốm nằm bẹp trên giường, sáng nay mới tỉnh tỉnh người đã thấy nó nhảy nhót khắp nhà. Tẹt bấu chặt cánh tay bố, co quắp hai chân lên, phụng phịu:
- Không, con muốn đi, bố cho con đi đi mà bố!
- Sang nhà bác Châu có chị Bé đấy, có nhớ hôm nọ bị chị Bé cào cho rách mặt không? - Bố đu đưa cánh tay đang bị Tẹt bíu chặt như người ta đưa võng.
Bé là con gái thứ ba của bác Châu, chị thằng cu Tèo hay cởi truồng. Bằng tuổi Tẹt nhưng nó đanh đá, ghê gớm không ai bằng. Đang ỉ ôi, mè nheo, vừa nghe nhắc đến tên “chị Bé”, Tẹt bỗng im bặt, con bé nhớ đến khuôn mặt choắt nhỏ và dữ tợn của người chị họ khi Bé đưa tay cào một đường dài trên đôi má phúng phính của Tẹt vì tranh giành một quả bưởi non. Tẹt buông luôn tay bố nó ra, thỏ thẻ bằng cái giọng thật ngoan:
- Con chả đi nữa! Bố với anh Cò đi đi nhé!
***
Đường sang nhà bác Châu chạy tắt qua cánh đồng mênh mông của làng. Đang vào vụ, con trâu, cái cày lại quàng vai nhau ra đồng sau ít ngày nghỉ ngơi ngắn ngủi. Từ hai con kênh chạy dài ngút ngát giữa cánh đồng, người ta dẫn nước đi khắp ruộng, ngập mấp mé bờ. Sắp chính ngọ, nắng đặc như mật vàng, rót tràn xuống cánh đồng, biến những thửa ruộng vuông vuông ngập nước thành trăm tấm gương phản chiếu khổng lồ, để mây trắng, trời xanh long lanh trên mặt nước. Lũ lượt từng tốp người khoác cày, dắt trâu về nhưng cũng còn lác đác mấy bóng mấy bác, mấy cô tham công tiếc việc, vẫn hì hục kéo bùn, rẽ nước. Trời đất bao la, con người bé nhỏ. Giữa mênh mông, chiếc xe đạp của hai bố con tôi chỉ còn là một chấm nhỏ tí ti đang chuyển động không ngừng về phía chân trời xa xa.
Đường dẫu dài, cũng chả mấy chốc mà cái cổng xanh xanh màu hoa lý của nhà bác Châu dần hiện ra sau khúc rẽ của con đường mấp mô. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng kêu la inh ỏi vọng ra từ khoảng sân trước nhà bác làm xao động một góc xóm nhỏ. Trong khi bố tôi còn mải chào hỏi, bắt tay hết người nọ người kia, tôi đã chạy lăng xăng khắp nơi để xem xét, ngắm nghía. Khoảng sân nhỏ tấp nập người ra kẻ vào. Mấy cô con gái, cô trải chiếu, cô bưng mâm, cô sắp đũa, ai trông cũng bận bịu luôn tay. Trên hiên nhà, mấy ông cụ trong làng đang ngồi xếp bằng, vừa rung đùi vừa cầm chén nước, nói những chuyện đao to búa lớn ở tận đâu đâu mà tôi nghe không hiểu nổi. Thằng cu Tèo, vẫn cái kiểu trên mặc áo, dưới thả rông, chạy từ trong nhà ra, trên tay là một cái đùi gà luộc đang ăn dở. Ở mé cửa, con Bé đứng một mình, nhìn người qua lại bằng cặp mắt ngẩn ngơ, phảng phất chút buồn buồn kì lạ. Nhác thấy bóng Bé, tôi lườm nó một cái cháy mặt, tôi vẫn còn hậm hực cái lần nó cào sưng má Tẹt. Đang ngơ ngác thì bị cái lườm của tôi xoẹt ngang mặt, Bé cụp mắt, lủi ngay xuống bếp.
- Các chú, các bác đã yên vị chưa để nhà em thưa đôi lời! – Tiếng vỗ tay đen đét của một bác trai vang lên, bác Cả, chồng bác Châu đang đứng lên phát biểu – Dạ vâng, nhân cái giỗ cụ thân sinh của ông cụ nhà em, các bác đến đông đủ thế này là quý cho nhà em lắm! Cơm rau, rượu nhạt, thôi thì không gì bằng cái tấm lòng, mời các chú, các bác ta dùng luôn cho nóng!
- Rượu thịt ê hề thế này mà nhà chú còn chê cơm rau! – Một bác chỉ vào mâm – Nhà tôi họa hoằn lắm đến Tết mới được một bữa còn kém xa thế này!
- Đúng đấy, cả cái xã này chỉ có nhà chú là nhất thôi đấy! – Một bác khác lại thêm vào.
Bác Cả nghe được câu khen mà tít cả mắt, hai tay xoa vào nhau, cười hì hì:
- Vâng, thôi mời các bác dùng cho nóng bữa!
Bác vừa dứt lời, tiếng bát đũa bắt đầu va vào nhau lạch cạch. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng nhai rào rào như tằm ăn rỗi. Ngồi cùng mâm với bác, bố tôi hỏi:
- Chị với các cháu đâu, sao anh không gọi lên ăn cùng với mọi người?
- Ôi dào, mẹ con chúng nó ăn luôn dưới bếp cho tiện chú ạ! – Bác vừa nói vừa nhai xương rau ráu rồi cầm cái chén hạt mít lên – Anh em ta cụng li cái chứ nhỉ?
Những tiếng cụng li chan chát vang lên đều đều, hết lượt này đến lượt khác. Giữa cảnh náo nhiệt ấy, tôi vẫn điềm nhiên gặm cái đùi gà rang bóng nhẫy bố gắp cho ban nãy. Cái đùi gà ngót non nửa, tôi bỗng buồn đi tiểu. Bố đang bận chén chú chén anh, tôi không dám gọi mà tự đứng lên đi vòng ra sau vườn. Chọn một gốc nhãn khuất ở góc vườn, tôi khoan khoái trút bầu tâm sự, vừa gặm tiếp cái đùi gà, vừa nhẩn nha ngắm nghía xung quanh. Thấp thoáng bên cửa bếp, mẹ con bác Châu đang quây quần bên ánh lửa bập bùng, le lói. Họ cắm cúi ăn trong lặng lẽ, như thể không có chút gì liên quan đến không khí tấp nập, vui vẻ ngoài sân kia.
- Tao bắt quả tang mày đái bậy nhé!
Tôi giật mình, con Bé không biết từ lúc nào đã đứng lù lù ngay bên cạnh. Nhìn chằm chằm vào “quả ớt” của tôi, con Bé chống hai tay vào hông rồi vênh mặt lên:
- Tao mách với bố tao là mày đái bậy trong vườn nhà tao. Bố tao cắt chim mày đi!
Miệng tôi mếu xệch. Cắt chim đi rồi thì tôi lấy gì để tè. Tôi nhìn Bé bằng ánh mắt khẩn khoản:
- Mày đừng mách!
- Tao cứ mách. – Mặt Bé càng vênh váo – Tao mách mày đái bậy. Tao mách cả là mày không gọi tao là chị mà gọi là mày. Tao mách hết!
- Đừng mách! – Mặt tôi nhăn nhó đến tội nghiệp.
- Thế mày cho tao cắn một miếng đùi gà, tao không mách nữa. – Con bé bỗng đổi giọng – Một miếng nhỏ tí ti thôi!
Tôi đồng ý ngay tắp lự, chìa cái đùi gà ra. Mắt Bé sáng rỡ, nó vồ lấy cái đùi gà trên tay tôi.
- Á á á á á á!
Tôi hét lên thất thanh. Con Bé, vì tham ăn, đã ngoặm một miếng thịt to đến nỗi phập cả hàm răng sữa bé tí và nhọn hoắt như răng chuột vào mu bàn tay tôi. Đau quá, tôi khóc lên rưng rức. Con bé giật mình, buông tay tôi ra ngay.
Từ sân trước, mấy bác lật đật chạy xuống. Mẹ con bác Châu cũng chạy từ trong bếp ra. Thấy con khóc, bố luống cuống hỏi:
- Cái gì đấy? Hai chị em lại làm sao?
- Nó cắn tay con! – Tôi mếu máo.
- Cái con này, sao mày cắn em? – Bác Cả quắc mắt nhìn con Bé.
Sợ bố, Bé co rúm người lại, nó lí nhí bằng cái giọng sợ sệt:
- Con không cắn nó, con chỉ xin miếng thịt thôi!
Bác Cả tái mặt, quát ầm lên:
- Thịt thà thiếu gì mà mày phải tranh của em hả? Mày ra đây, hôm nay mày chết với tao! – Rồi bác hùng hổ tóm lấy con Bé, toan phát cho vài cái. Bác Châu thấy chồng hung quá mới xông lại, giằng con bé ra.
- Dưới bếp làm gì có thịt! – Con Bé bỗng hét lên – Bố mang hết thịt lên trên nhà rồi, còn mỗi canh rau cải với cá bống kho thôi! Con không ăn cá bống, mẹ kho mặn lắm! Con muốn ăn thịt gà! – Con bé gào lên, rồi nó òa khóc.
Bác Cả, tay buông thõng, mắt nhìn trân trân vào đứa con gái đang gào khóc trước mặt, cổ nghẹn lại, như bị trăm nghìn viên đá tảng chặn ngang. Bác Châu bỗng đổ gục xuống, ôm chầm lấy con mà khóc. Trên đôi má đen sạm, những dòng nước mắt tuôn ra đầm đìa, xối xả, tưởng như bao uất ức, tủi nhục cùa một đời người đang vỡ tràn trên mặt!