“Tùng! Tùng! Tùng!”
Cái bầu không tĩnh mịch của ngôi trường làng bỗng vỡ tung bởi ba hồi trống báo hiệu giờ ra chơi đã đến. Tiếng reo của lũ học trò bắt đầu vang lên râm ran trong mỗi lớp học, rồi tràn ra, rộn rã cả một khoảng sân nhỏ. Tạm rời xa giờ học vần, tiết tập đọc hay mấy phép toán; từ những cánh cửa lớp học đang mở toang trên dãy hành lang ngập nắng, những bóng dáng bé nhỏ tíu tít ùa ra, trên tay là cặp ná thun, đoạn dây nịt tết dài, nắm bi ve hay bộ que chuyền với trái bưởi non; háo hức tận hưởng ít phút ra chơi dưới một tán bàng, bên gốc xà cừ hay trên hành lang trước lớp cùng chúng bạn.
Dưới gốc bàng già kế bên một dãy nhà quét sơn mới tinh – nơi các thầy các cô hay kề cà chè nước mỗi giờ giải lao, tôi cùng các chiến hữu đang túm tụm chơi bi. Nghiêng mặt, áp gần song song với đất, thằng Bủm, một mắt nhắm tịt, một mắt mở hấp háy, đang ngắm một đường búng thật chuẩn xác cho hòn bi ve trong suốt, long lanh những vệt màu sặc sỡ đang nằm im lìm trên mặt đất. Căn ke giây lát, nó đưa tay, búng một phát quyết định. Hòn bi bị thúc một lực thật mạnh, bắn vọt về bên trái, va vào một viên bi khác, tức thì rẽ hướng, lăn vun vút rồi lọt xuống lỗ. Bủm nhảy dựng lên, vỗ tay đen đét, cười hỉ hả.
- Thắng kèo! Nào, nộp đây, mỗi thằng một viên!
Tôi, Đẹt và Còi tiu nghỉu cái mặt. Khoảng cách 18 gang tay từ viên bi đến lỗ, với chướng ngại là buộc phải bắn trúng một viên bi khác nằm mé bên trái không làm khó được đôi tay và cặp mắt tài tình của Bủm. Móc túi quần lấy ra một viên bi, đứa nào đứa nấy trao cho Bủm với cái vẻ tiếc rẻ ra mặt.
- Ái ui! – Còi bỗng la lên.
Một đốm vàng từ đâu văng đến, lăn lông lốc dưới chân mấy đứa tôi. Là một quả bàng chín vừa rụng xuống từ tán lá ngay trên chỗ Còi đang đứng, đáp trúng cái chỏm tóc loe hoe của nó. Nhặt quả bàng lên, Đẹt chép miệng:
- Bàng chín rồi chúng mày ơi! – Rồi nó nuốt nước bọt – Gặm hết cùi rồi đập hạt ra ăn cái nhân bên trong thì ngon hết ý!
Bủm, tôi với Còi nghe Đẹt nói vậy thì thèm rỏ dãi. Tần ngần, bọn tôi ngước mắt lên. Trên cao, vòm lá mênh mông kết từ những tán lá xanh rười rượi kề nhau san sát, lọc nắng phủ bóng rợp một khoảng sân. Giữa màn lá xanh xanh, thấp thoáng ánh vàng của những chùm quả chín. Nắng mùa thu dìu dịu, âm thầm hun lớp áo quả bàng, từ cái màu xanh nhàn nhạt của trái non mới nhú, thành những trái vàng ươm như kén tằm, lúc lỉu trên cao. Trái bàng to như quả trứng gà, thuôn nhọn hai đầu, dần phình ra ở giữa. Thuở còn non, dọc hai bên thân quả chạy rõ hai đường viền dẹt đều đặn, ôm trọn lấy thân quả mơn mởn một màu xanh rồi mờ dần, mờ dần và mất hẳn khi quả chín. Quả bàng chín vàng ươm như màu rơm đượm nắng, nhai hết lớp thịt quả giòn ngọt xen lẫn vị chan chát sẽ thu được hạt bàng có lớp vỏ cưng cứng, đập vỡ áo vỏ ấy ra sẽ thu được nhân hạt màu nâu, ăn beo béo, bùi bùi hơn cả lạc rang – thứ quà vặt giản dị là nỗi ước ao mỗi đợt thu sang của bao đứa trẻ chốn quê và ngay lúc này đây, đang khiến cho mấy đứa tôi, đứng dưới gốc cây, vừa ngước ánh mắt khao khát nhìn lên, vừa nuốt nước dãi ừng ực.
- Ơ, thằng Đẹt đi đâu rồi? – Tôi ngơ ngác nhìn quanh.
Rồi nhanh chóng, tôi đã phát hiện cái mông to bè của Đẹt lấp ló sau gốc bàng. Ôi cái thằng ham ăn! Mặc ba đứa bạn hếch mặt lên trời mà ao ước, Đẹt len lén vòng ra sau gốc bàng với quả bàng chín trên tay. Rón rén lại gần, tôi, Còi với Bủm bắt quả tang tại trận Đẹt đang lúi húi cầm đá đập hạt để tách nhân.
- Xấu tính! – Còi gào lên – Quả bàng của tao chứ!
Đẹt giật mình, hòn đá trên tay rơi phịch xuống đất.
- Của tao, tao nhặt được cơ mà! – Đẹt cãi.
- Nhưng nó rơi trúng đầu tao chứ! – Còi gân cổ - Mày xấu tính, trốn đi ăn một mình!
- Đồ tham ăn! – Tôi nhảy vào – Sao mày có thể ăn một mình như thế được!
- Có mỗi một quả, tao ăn không đủ mà bọn mày còn đòi! – Đẹt hét lên.
- Thôi đi! – Bủm quát, chán chê với vụ tranh giành nhạt nhẽo, nó mới bắt đầu lên tiếng – Muốn ăn thì trên cây đầy ra, mỗi quả bàng rụng mà cũng tranh!
- Mày nói hay gớm nhỉ? Mày giỏi thì mày đi mà trèo! – Còi bĩu môi.
- Cần gì trèo! – Bủm cười khẩy, rồi rút dép, nhằm vào một chùm bàng trĩu trịt quả vàng, nó lia đánh vèo một phát. Chiếc dép tổ ong màu cháo lòng rơi bụp xuống đất, kéo theo là tiếng lộp độp của cả tá quả bàng rơi cùng vài chiếc lá rụng lả tả. Mấy con chim nhỏ bị động, giật mình vỗ cánh, xao xác bay ra từ những tán cây.
- Ối giời ơi! – Đẹt và Còi cùng hét lên sung sướng.
- Mày đúng là thiện xạ! Tài thật! – Tôi nhìn Bủm thán phục.
Được khen nổ trời, hai cánh mũi Bủm phập phồng như mang cá còn mặt thì vênh lên như vành cái bánh đa nướng. Thu nhặt xong chiến lợi phẩm, Còi và Đẹt hớn hở chạy lại, trên tay mỗi thằng cũng được dăm ba quả bàng chín, không quên cầm dép về cho Bủm.
- Ném nữa đi! Ném thật nhiều rồi về chia nhau đập ăn dần! – Đẹt háo hức. Cứ nhắc đến ăn là nó xoắn xuýt hết cả lên.
- Ném tiếp đi, tao cũng ném nữa! – Tôi lau chau xen vào.
- Xem nào, - Đẹt bỗng xòe ngón tay ra, miệng lẩm nhẩm - ở đây có bốn thằng, mỗi thằng có hai chiếc dép, suy ra sẽ có tám chiếc dép tất cả! – Nó bỗng ngẩng mặt lên, cười hí hửng – Thế tổng cộng chúng ta sẽ ném được tám lần, ối giời, tha hồ mà ăn hạt bàng!
- Mày ngu! – Còi xì một cái – Dép ném xong lại rơi xuống, nhặt mà ném tiếp thì được hàng trăm lần ấy chứ!
- Nhưng với cái đồ béo như nó thì chắc gì dép đã rơi xuống! – Bủm cười khì khì – Rút dép ra đi bọn mày, lần này phải kiếm thật nhiều, xong chiều nay tất cả ra đình để đập hạt nhé! Đứa nào ăn một mình thì nghỉ chơi luôn!
- Nhất trí! – Cả lũ đồng thanh – Nhất là thằng Đẹt! – Còi trề môi.
Bị Còi châm chọc nhưng Đẹt im thin thít, không đáp lại câu nào. Nó không quên nỗi xấu hổ bị bắt quả tang ăn mảnh ban nãy.
Trên mặt đồng hồ, cây kim phút đang chầm chập nhích qua từng vạch cuối cùng của khung giờ ra chơi. Ngửa mặt lên để tăm tia những chùm quả gần nhất, Bủm nói như ra lệnh:
- Từng đứa một ném thôi nhé! Không thầy cô phát hiện thì chết cả lũ bây giờ. Tao ném đầu rồi, giờ đứa nào ném tiếp đi!
- Tao, để tao! – Còi xí xớn tranh phần. Trên tay nó cầm sẵn chiếc dép tự bao giờ.
- Đấy, - Bủm chỉ chỉ lên tán lá – Mày thấy chùm ấy không, phần mày chùm gần nhất!
Theo hướng tay Bủm đã chỉ, Còi hít một hơi dài, thở phù ra một cái rồi bặm môi, lia một phát quyết định. Cái dép rơi bụp xuống, kéo theo một cái lá khô còi cọc rơi cùng. Chùm quả vẫn hiên ngang trên cây, không mảy may suy suyển dù chỉ một quả non. Mấy con chim vắt vẻo đậu trên cành gần đấy đang tán phét với nhau, giật khẽ người một cái khi thấy bóng dép èo uột lướt ngang, rồi ríu rít, chúng tiếp tục câu chuyện của mình với cái vẻ khinh khỉnh, không thèm chấp.
- Thế mà cũng tranh! – Tôi chép miệng.
- Ném như con gái, mạnh tay lên chứ! – Bủm lầu bầu – Thế này này! – Một chiếc dép vun vút lao lên từ tay Bủm, lộp độp, quả vàng quả xanh nằm vung vãi trên mặt đất.
- Để tao! – Đẹt hấp tấp rút dép, nhằm tán lá rậm rạp mà lia.
Vài giây trôi qua lặng ngắt như tờ. Không một tiếng bộp của dép chạm đất, không một tiếng lộp độp của quả bàng rơi hay thậm chí là một chút âm thanh mỏng mảnh, nghiêng nghiêng của chiếc lá lìa cành. Rồi bỗng, rộn ràng cả tán cây, mấy con chim xao xác bay lên tán loạn. Lực ném mạnh mà hướng lao lại chệch mục tiêu, chiếc dép to đoành của Đẹt, thay vì đâm sầm vào chùm quả đã ngắm sẵn, thì lại nhằm thẳng khe hẹp giữa hai cành cây mà đáp rồi kẹt luôn ở đó. Đẹt ngớ người, miệng nó méo xệch:
- Chết tao, mắc dép trên đấy rồi, chết tao! Dép mẹ tao mới mua! Làm mất mẹ tao đánh tét đít!
Mặt Đẹt nhăn nhó, khổ sở trông đến là tội làm mấy thằng bạn bối rối vô cùng.
- Tùng! Tùng! Tùng!
Hồi trống bất ngờ vang lên, giờ ra chơi đã hết. Từ những gốc cây, bóng lá, mái hiên hay dãy hành lang, những đứa trẻ lục tục cuộn đoạn dây thun, bó lại que chuyền, gom bi bỏ vào túi... Tạm dừng mọi cuộc vui trong nỗi tiếc rẻ, chúng nó thong thả về lớp, dường như muốn níu lại chút thời giờ thảnh thơi trước khi ba tiết học sắp tới bắt đầu. Nhìn từng dòng người nhấp nhô tản về những cánh cửa lớp mở toang, Đẹt bắt đầu thấy lo sợ, mắt nó ngân ngấn nước:
- Dép tao, huhu, dép của tao!
Bủm gãi gãi cằm. Sau một chốc bối rối, nó đã bình tĩnh lại, trở về với cái vẻ nhanh nhẹn, ranh mãnh và khôn khéo thường này của một thủ lĩnh tí hon. Ôn tồn, nó gõ vai thằng Đẹt:
- Nín đi, tao lấy xuống cho mày!
Rồi Bủm rút dép ra. Không nhanh nhẩu như khi ném bàng, nó xoay vai một cách chậm rãi, vừa nghiêng mặt vừa nâng chiếc dép đang được kẹp chặt ở phần mũi bởi hai ngón cái và ngón trỏ lên ngang tầm mắt. Khẽ động đậy cặp mi ngắn ngủn, Bủm hít một hơi dài rồi chầm chậm thở ra qua kẽ răng khép hờ, chiếc dép rời tay, bắn lên vun vút.
- “Bộp!”
- “Chéc chéc chéc!”
- “Á á á á á!”
- “Độp!”
- “Độp!”
Một loạt âm thanh nối nhau vang lên giữa cái bầu không ồn ã tiếng bước chân, ríu rít tiếng nói, tiếng cười của bầy trò nhỏ. “Bộp!”, đấy là âm thanh phát ra khi chiếc dép của Bủm đâm sầm vào chiếc dép đang mắc kẹt trên cây của Đẹt. “Chéc chéc chéc!”, lại một lần nữa, cuộc chuyện trò của lũ chim tội nghiệp bị phá bĩnh bởi mấy chiếc dép để rồi phải nhớn nhác rời cành, bay tán loạn. Hai tiếng “Độp!” “Độp!” nối tiếng nhau là âm thanh vang lên khi hai chiếc dép lần lượt chạm đất.
Vậy còn, cái tiếng “Á á á á á!” thất thanh kia là gì?
- Ai? Của trò nào đây? Của ai?
Giữa bóng cây, một người đàn ông, sơ mi gọn ghẽ, tay ôm đầu, đang quát um sùm. Cú ném thiện xạ của Bủm đã xóa sổ một tai họa khi giải cứu thành công chiếc dép kẹt trên cây của Đẹt, nhưng lại gây ra một tai họa khủng khiếp khác khi rơi xuống và đáp trúng đầu một người vô tình đi qua. Và còn khủng khiếp hơn, khi trong tích tắc, bọn tôi nhận ra, người đàn ông xui xẻo ấy, không ai xa lạ, mà chính là thầy Hùng, người sắp sửa vào lớp chúng tôi để dạy tiết Mĩ thuật tiếp sau giờ ra chơi!
- A, mấy cậu lớp 3C đây mà! – Thầy trợn mắt khi nhận ra mấy thằng quỷ sứ hay quậy phá trong giờ của mình.
Chuyện quá bất ngờ! Mấy đứa tôi đứng túm tụm vào nhau, mặt xanh mày lét. Bủm nén sợ toan mở miệng xin lỗi thầy thì một tai họa khác lại ập đến. Và đây mới là tai họa kinh khủng nhất đối với tất cả lũ học trò dưới ngôi trường này.
Sau lưng thầy Hùng, cô Bốn đang lừ lừ tiến đến, cây thước gỗ bèn bẹt gõ nhè nhẹ vào lòng bàn tay. Phen này thì chết chắc!
- Lại là mấy anh lớp cô Hồng! Chà, đến bao giờ tôi mới không phải phiền lòng vì các anh đây! – Cô cất tiếng, vẫn cái giọng ồm ồm như sấm rền báo mưa.
Đánh mắt qua chỗ thầy Hùng, nãy giờ vẫn đứng xoa xoa đầu, cô hạ giọng:
- Mắc vạ với mấy đứa này là khổ lắm! Thầy có làm sao không? – Rồi liếc mấy thằng nhóc, cô trừng mắt – Lần này các anh không xong với tôi đâu.
- Tôi không sao. – Thầy Hùng ngừng xoa đầu – Thôi, giờ tới tôi dạy lớp cô Hồng, cứ để mấy trò này vào lớp rồi tôi phạt chúng sau.
Phần thì lo muộn giờ dạy, phần thì ái ngại cho mấy cậu học trò nghịch dại trước những đòn phạt khét tiếng của cô Bốn, thầy Hùng mới đỡ lời. Nghe được câu ấy từ miệng thầy, bốn thằng chúng tôi mừng như chết đuối vớ được cọc.
Nhưng đã vào tầm ngắm của cô Bốn thì đâu có dễ thoát thế!
- Thầy cứ vào lớp kẻo muộn tiết! Mấy đứa này cứ phải để tôi. Chưa nói cái tội quăng dép lên đầu thầy, chúng nó còn cả đống tội không tha được. Đấy, thầy nhìn chung quanh xem!
Bọn tôi giật mình nhìn quanh. Khoảng sân mới được quét dọn sạch sẽ ban sáng giờ vương vãi từng mớ lá vàng, lá xanh và những quả bàng lăn lóc; không một chút gì ăn nhập với sân trường tinh tươm, sáng rạng ánh nắng.
- Thôi, theo tôi lên văn phòng, mau! – Cô Bốn quát ầm lên, rồi quay sang thầy, cô xuống giọng nhỏ nhẹ - Thầy vào lớp kẻo muộn giờ.
Nhìn lũ học trò bằng ánh mắt ái ngại, thầy quay sang nói với cô Bốn bằng giọng có chút khẩn khoản:
- Các em nghịch dại, cô có phạt thì cũng nhẹ tay. Để chúng nó vào lớp cho sớm, hôm nay tôi dạy bài mới!
Thầy quay đi rồi. Sau lưng thầy, tần ngần, bốn thằng chúng tôi nhìn theo không rời, ánh mắt le lói những tia hi vọng nhỏ nhoi rồi vụt tắt ngay tắp lự. Cô Bốn lạnh lùng lên tiếng:
- Theo tôi về văn phòng!
Trên cành bàng, mấy con chim đang quay về rủ rỉ rù rì tiếp câu chuyện bị đứt quãng ban nãy. Chợt một chú chèo bẻo lông nâu ánh vàng đậu ở ngoài cùng thò đầu nghiêng ngó xuống bên dưới. Chà, cảnh tượng bốn thằng nhóc phá bĩnh lủi thủi theo sau cô giáo có cái thước dài ngoẵng đang gõ lộp cộp trên nền xi măng mới thú làm sao! Chú ta ngóc đầu lên, ríu rít một hồi, rồi bỗng cả tán cây xôn xao màn hợp thanh của bao nhiêu tiếng hót lanh lảnh, rộn ràng như khúc hát ăn mừng!