Nhà văn người Anh, Alex Bellos, tác giả của cuốn Futebol: The Brazilian Way of Life, từng nhận định rằng nếu điểm tham chiếu cho lịch sử châu Âu thế kỷ XX là hai cuộc chiến tranh thế giới, thì với người Brazil, đó là hai kỳ World Cup.
Nhưng vào tháng 6/2013, không hiểu làm thế nào mà cuộc tổng duyệt cuối cùng cho World Cup lại bị biến thành một “cuộc chiến”. Lần đầu tiên trong lịch sử đất nước của futebol, lần đầu tiên trong lịch sử của jogo bonito (trò chơi đẹp), bóng đá bị đẩy ra tuyến lửa. Không phải môn thể thao, không phải các đội bóng, không phải Brazil, mà là FIFA, chính phủ Brazil, và cuộc chuẩn bị đồ sộ cho World Cup 2014.
Sự kiện làm bùng lên ngọn lửa giận dữ là việc chính quyền São Paulo tăng giá vé các phương tiện giao thông công cộng - một vấn đề mang tính địa phương mà ít người nghĩ rằng có thể đánh thức được cả “gã khổng lồ đang ngủ say”. Thế nhưng chỉ sau vài ngày, biểu tình nổ ra trên toàn đất nước, lan nhanh như một đám cháy nhờ sự trợ giúp của mạng xã hội. 80 thành phố ghi nhận có xảy ra biểu tình; hàng triệu người, từ Manaus tới Rio de Janeiro, từ São Paulo tới Porto Alegre, đã xuống đường, điều chưa từng xảy ra trong vòng hai mươi năm qua. Những cuộc biểu tình chủ yếu diễn ra ôn hòa, nhưng cũng nổ ra một số hành động bạo lực lẻ tẻ, dẫn tới việc một số người bị thương. Cảnh sát phản ứng một cách dữ dội với những người biểu tình. Nhưng cũng có những người cảnh sát, ngay trước ống kính truyền hình, đã bỏ vũ khí xuống để đứng về hàng ngũ của những người biểu tình như một hành động thể hiện tinh thần đoàn kết. Đám đông hô vang, “Chúng tôi không ở đây vì vài đồng bạc lẻ.”
Thực tế, ngay cả khi hai thành phố lớn nhất nước đã ngừng kế hoạch tăng giá xe bus, tàu điện ngầm và xe điện, các cuộc biểu tình vẫn không dừng lại. Người ta lên tiếng về các vấn đề khác. Họ phản đối tình trạng tham nhũng tràn lan đang tàn phá đất nước; thể hiện sự không hài lòng với chất lượng của các trường học, bệnh viện, về việc mất kiểm soát chi tiêu công; và nói lên ý kiến của mình về chính phủ và về World Cup. Đó là cuộc biểu tình của giai cấp trung lưu mới mà chính phủ của Lula da Silva và Dilma Rousseff đã góp phần tạo ra: Họ là một phần của xã hội muốn gia nhập thế giới thứ nhất, nhưng khi nhìn thấy những công trình chậm tiến độ, những dự án thất bại, hàng trăm vấn đề không được giải quyết ở Brazil, họ muốn nói ra tiếng nói của mình. Một cuộc nổi loạn hiện đại, với lực lượng chính là những người trẻ.
Trước một cuộc biểu tình, Carla Daudes, một nhà làm phim 23 tuổi người Brazil, đã cho đăng tải một đoạn video giải thích lý do cô nói “không” với World Cup 2014: “Nó sẽ tiêu tốn tới 30 triệu USD, bằng cả ba kỳ World Cup trước gộp lại. Hãy nói cho tôi biết: liệu chúng ta có cần thêm những sân bóng mới ở một đất nước mà tỉ lệ mù chữ là 21%... ở một đất nước đứng thứ 85 theo chỉ số phát triển con người, nơi có 13 triệu người đang chết đói và nơi rất nhiều người khác đã chết trong khi chờ được chữa trị?”
Từ văn phòng ở São Paulo, Juca Kfouri bình luận: “Số khán giả trung bình tới các sân vận động ở Brazil là 15.000, ít hơn ở giải MLS của Mỹ, ít hơn Championship43 ở Anh và ít hơn cả giải hạng Hai ở Đức. Hầu hết các sân vận động của chúng tôi được xây dựng trong thời kỳ độc tài, là thời kỳ mà sự hòa hợp có được là nhờ thông qua futebol. Và giờ, với nền dân chủ, chúng tôi lại đang làm điều tương tự. Thay vì tổ chức một kỳ World Cup theo nhu cầu của Brazil, những người có quyền lại muốn làm như Nam Phi và Đức. Họ xây và cải tạo những sân bóng mà người Brazil chúng tôi vẫn gọi là “những con voi trắng”, như các sân bóng ở Manaus, Brasilia và Cuiabá. Đấy là những thành phố không có đội bóng đang chơi ở giải hạng Nhất hay hạng Hai. Thật lố bịch. Tại sao lại đổ ngần ấy tiền vào các sân bóng trong khi không có một xu nào cho các bệnh viện hay trường học?
43 Giải hạng Nhất - N.D.
“Khi Brazil được trao quyền đăng cai World Cup 2014, những ý kiến phản đối không nhiều lắm. Nhưng bây giờ người ta bắt đầu nhìn ra sự thật, và Confederations Cup chính là giọt nước làm tràn ly. Lúc này người ta xuống đường để thể hiện những ý kiến của mình.”
Người Brazil cuối cùng cũng nhận ra rằng họ đã bị dắt mũi bởi các chính trị gia, những người muốn lợi dụng World Cup để chen chân vào hàng ngũ những nước lớn trên thế giới. Với họ, đó là cơ hội ngàn năm có một để cho thế giới thấy Brazil là như thế nào: một nền dân chủ vững bền, một đầu tàu ở khu vực Nam Mỹ, và một quốc gia sẵn sàng gia nhập hàng ngũ nước lớn. World Cup sẽ là động lực để phát triển mạnh mẽ hơn, giàu có hơn, sung túc hơn - nó sẽ giúp thay đổi cuộc sống của người Brazil, theo hướng tốt lơn. Nhưng không khó để nhận ra rằng lợi nhuận của World Cup sẽ chui vào túi của FIFA và của một nhóm nhỏ khác, trong khi những người dân thường thì bị đá ra khỏi nhà, ra khỏi các favela, để lấy chỗ xây sân vận động, sân tập, hoặc những khu liên hiệp thể thao phục vụ Olympics 2016.
Trò lừa bịp đã bị vạch trần. Đã xuất hiện nhiều tin đồn về tình trạng đội vốn như trong trường hợp của sân Maracana hay sân Mané Garrincha ở Brasilia; về tình trạng đưa và nhận hối lộ ở chỗ này chỗ kia; về những công trình không bao giờ được xây lên như hứa hẹn; về việc kiểm soát tội phạm một cách hình thức - hóa ra họ chỉ cố hạ nhiệt ở một vài favela bằng cách chuyển các băng nhóm từ khu này về khu kia của thành phố. Càng ngày người ta càng thấy rõ World Cup thực chất là gì. Hàng trăm băng rôn, biển hiệu được mang theo trong các cuộc biểu tình ở các thành phố của Brazil hay được treo bên ngoài các sân vận động ghi những thông điệp mạnh mẽ: “World Cup có phải là một ưu tiên của Brazil không?”, “Chúng tôi muốn trường học và bệnh viện chứ không phải FIFA”, “FIFA biến đi”; “World Cup không dạy được bọn trẻ”, “Chúng tôi không muốn World Cup, chúng tôi muốn metro”, “Không World Cup! Sức khỏe và Giáo dục!”, “Con các ngài bị ốm, các ngài có mang nó tới sân vận động không?”, “Có bao nhiêu trường học ở bên trong Mané Garrincha?”, “Nhật Bản: chúng tôi muốn đổi bóng đá của mình lấy giáo dục của họ”, “Brazil, thức tỉnh đi: liệu một giáo viên có đáng giá hơn Neymar không?”
Nhưng chỉ trong vòng vài ngày, sau khi đã chứng kiến đủ những cuộc biểu tình trên các đường phố Brazil, chính phủ đã làm điều mà không ai ngờ tới. Các hành động trấn áp đầy bạo lực từ cảnh sát ban đầu được thay bằng thái độ thấu hiểu và ủng hộ những người chống đối.
Kế hoạch tăng vé được hủy; Dilma thông báo sẽ đầu tư vào giao thông công cộng; Tòa án tối cao Brazil tống giam một thượng nghị sĩ với tội danh tham nhũng (thực tế là quản thúc tại gia), một động thái chưa từng thấy; thuế dầu mỏ được đầu tư vào cải tạo trường học và nâng cấp hệ thống giáo dục; Quốc hội thông báo vẫn tiếp tục làm việc ngay trong thời điểm đội tuyển Brazil thi đấu.
FIFA thì phản ứng một cách âm thầm. Họ cho hạ hết cờ ở Đại bản doanh đặt tại khách sạn Copacabana Palace ở Rio và gỡ hết phù hiệu FIFA khỏi những chiếc xe công vụ. Song chủ tịch Sepp Blatter vẫn không giấu giếm sự khó chịu với những tiếng huýt sáo mà ông phải nhận trong lễ khai mạc Confederations Cup ở Brasilia. Ông nói: “Ở đây, bóng đá quan trọng hơn sự bất mãn của một vài người. Những kẻ chống đối đang lợi dụng bóng đá và sự có mặt của giới truyền thông để thu hút thêm sự chú ý vào những cuộc biểu tình của họ.” Ông ta kết luận: “Brazil xin đăng cai World Cup. Chúng tôi không hề ép họ phải tổ chức nó. Brazil biết rằng để có thể tổ chức được một kỳ World Cup thành công, họ cần phải xây dựng các sân vận động. Thế nên nếu chính phủ có vấn đề với người dân, thì đó là vấn đề của họ, không phải của chúng tôi.”
Marco Polo del Nero, phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Brazil, đồng thời là đại diện của Brazil ở FIFA, khẳng định “199 triệu người đang tập trung làm việc của mình, số đi biểu tình chỉ có một nhóm nhỏ thôi.”
Rộ lên thông tin nói rằng nếu tình trạng hỗn loạn này cứ kéo dài, FIFA có thể quyết định tổ chức một số trận cuối cùng của giải đấu ở một quốc gia khác. Những ngọn lửa chống đối bắt đầu hạ nhiệt sau khi tin đồn này xuất hiện.
Chính phủ đang có trong tay nhiều vũ khí, một trong đó là chuyến thăm của Giáo hoàng Francis hồi cuối tháng 7/2013. Bầu không khí vẫn rất căng thẳng, nhưng Brazil đã sẵn sàng đương đầu với những cơn gió dữ.
Kfouri bình luận: “Thật là trớ trêu, khi cả nước đang rất ổn thì đội tuyển Brazil lại không; giữa họ với các cổ động viên chẳng hề có mối liên hệ nào. Những cuộc biểu tình chứng tỏ đất nước đang không ổn, nhưng Brazil [đội bóng] thì lại có phong độ tốt, và mối liên hệ với người dân Brazil lại được làm mới, được củng cố. Quốc ca được cả các cầu thủ, cổ động viên lẫn những người phản đối ở bên ngoài các sân vận động hát với cùng cảm xúc, cùng nhịp điệu.”
Giữa La Canarinha44 và phong trào phản đối có sự kết nối - không như Pelé, người buột miệng nói một câu đáng tiếc (“Hãy quên mớ hỗn độn này và nghĩ về Brazil”) nhưng nhanh chóng rút lại. Cũng không như Ronaldo, “O Fenómeno”, người nói rằng “World Cup được chơi trong các sân vận động, chứ không phải trong bệnh viện.” Anh cũng nhanh chóng rút lại bình luận của mình, khẳng định lời của anh đã bị diễn giải sai. Trừ những phát ngôn đáng tiếc ấy, đội tuyển Brazil toàn tâm toàn ý ủng hộ những người biểu tình. Dani Alves, Fred, Hulk và David Luiz không ngại ngần nói ra ý kiến của mình khi được các cựu danh thủ như Romario và Rivaldo yêu cầu. Cả Neymar cũng lên tiếng.
44 Biệt danh của đội tuyển Brazil - N.D.
Trong trận đấu đầu tiên ở Confederations Cup, gặp Nhật Bản vào ngày 15/6, Neymar ghi bàn mở tỉ số chỉ sau 3 phút. Marcelo tạt bóng từ cánh trái. Fred khống chế bóng bằng ngực, và khi trái bóng cũng còn đang nẩy trên không sau cú chạm đất đầu tiên, Neymar tung ra một cú volley nửa nẩy đưa bóng găm thẳng vào nóc lưới ở tốc độ 98km/h. Không thể có khởi đầu nào tốt hơn cho trận đấu diễn ra trên sân Mané Garrincha.
Trước trận đấu thứ hai, diễn ra vào ngày 19/6/2013, tân binh của Barcelona đăng lên trang Facebook cá nhân: “Buồn vì tất cả những gì đang diễn ra ở Brazil. Tôi vẫn luôn hy vọng rằng chuyện sẽ không bao giờ tới mức khiến mọi người phải xuống đường để có thể có được điều kiện tốt hơn liên quan tới giao thông, y tế, giáo dục và kiểm soát tội phạm. Tất cả những điều đó là NHIỆM VỤ của chính phủ. Bố mẹ tôi đã làm việc chăm chỉ để mang tới cho tôi và em gái một cuộc sống tốt hơn... Hôm nay, bởi những thành công mà tôi vinh dự có được, những bình luận của tôi có thể nghe có vẻ dân túy, nhưng thực sự thì không phải vậy. Hãy giương cao ngọn cờ cho những người biểu tình ở khắp nơi trên đất nước Brazil. Tôi là NGƯỜI BRAZIL và tôi yêu đất nước của mình!!! Tôi có gia đình và bạn bè đang sống ở Brazil. Vì lý do đó, tôi muốn Brazil trở thành một nơi tốt hơn, công bình hơn, an toàn hơn, khỏe mạnh hơn và TRUNG THỰC hơn!!! Cách duy nhất tôi có thể đại diện và bảo vệ cho Brazil là chơi bóng. Nhưng riêng trong trận đấu với Mexico hôm nay, tôi sẽ bước ra sân với niềm cảm hứng từ phong trào của người dân.”
Trong trận đấu với Mexico ở Fortaleza, những cuộc biểu tình và đụng độ đã lan tới sân vận động. Bên trong, các cổ động viên ủng hộ đội nhà từ đầu tới cuối. Những biển hiệu và băng rôn phản đối vẫn xuất hiện, nhưng các cổ động viên và đội bóng ở cùng một phía. Người ta vẫn tiếp tục hát quốc ca ngay cả khi nhạc đã hết. Một lần nữa, Neymar lại là người tạo nên sự khác biệt; đúng hơn thì trận đấu gần như là màn trình diễn của một người. Sau 9 phút, từ một quả tạt của Dani Alves, bóng bật người Rodriguez đổi hướng và tìm tới vị trí của Neymar, người tung ra một cú volley bóng sống không thể cản phá. Tới phút 90, Neymar tận dụng sự lỏng lẻo của hàng thủ Mexico, đi bóng qua ba người trước khi chuyền dọn cỗ cho Jo nâng tỉ số lên 2-0.
Mexico, đối thủ kỵ dơ của Brazil, những người đã gây đau đớn cho La Canarinha trong trận chung kết Olympic 2012, bị loại. Neymar lần thứ hai được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu.
Trận đấu cuối cùng ở bảng A là với Italia, diễn ra vào thứ Bảy, ngày 22/6, ở Salvador de Bahia. 5.000 người biểu tình phản đối chi phí tổ chức World Cup ngày càng tăng cao. Những tấm băng rôn họ mang theo ghi: “Chúng tôi xuống đường vì một thế giới tốt đẹp hơn”, “Chúng tôi không chống lại đất nước, chúng tôi chống lại nạn tham nhũng.”
Những người biểu tình bị chặn lại bởi 1.500 cảnh sát. Trong khi trận đấu diễn ra, đoàn biểu tình tiến tới sát sân vận động hơn một chút, buộc cảnh sát phải sử dụng hơi cay và đạn cao su. Trong khi đó ở trên sân, Brazil bước vào trận đấu cùng thành tích đối đầu khá “lẫn lộn” với Italia. Hồi tháng 3, trong một trận giao hữu ở Geneva, Brazil đã phải vật vã lắm mới có được trận hòa 2-2 sau khi đã bị đối phương dẫn trước 2 bàn.
Nhưng lần này, Italia không tung ra được một cú sút trúng đích nào trong 45 phút đầu tiên. Các cầu thủ Brazil tuy vượt trội về thời gian kiểm soát bóng nhưng cũng không làm được gì đáng kể. Phải tới phút bù giờ của hiệp một thì Brazil mới mở được tỉ số, do công của cầu thủ dự bị Dante, người mang áo số 13. Cú đá phạt của Neymar tìm tới đầu của Fred; Buffon cản được, nhưng Dante có mặt kịp thời để đưa bóng vào lưới.
Tuy nhiên, thế trận đã đảo chiều trong hiệp hai. Azzurri đẩy cao đội hình và gỡ hòa từ một bàn thắng đẹp của Giaccherini, người nhận bóng sau một cú đánh gót của Mario Balotelli. Nhưng Neymar vẫn chưa chịu đầu hàng. Khi Neymar được hưởng một quả phạt ở sát vòng cấm, các cầu thủ Italia đã phản đối trọng tài khá gay gắt: Họ cho rằng Neymar đã ăn vạ, rằng không hề có pha phạm lỗi, rằng Neymar chỉ chờ Maggio chạm vào để ngã xuống.
Neymar lạnh lùng làm việc của mình. Một cú sút hoàn hảo, đánh lừa được Buffon. Một bàn thắng theo phong cách của Zico hay Didi. Đó là bàn thắng thứ 3 của Neymar trong 3 trận. Balotelli cố gắng tái hiện pha đá phạt của Neymar. Anh tung ra một cú nã đại bác, nhưng Julio Cesar đỡ được.
Brazil chưa dừng lại. Fred ghi bàn nâng tỉ số lên 3-1. Italia không chịu đầu hàng và gỡ lại một bàn. Maggio có cơ hội ghi bàn gỡ hòa. Nhưng sau đó, Fred ghi thêm một bàn nữa để an bài trận đấu; tỉ số chung cuộc là 4-2.
Cuộc đối đầu được chờ đợi giữa Balotelli và Neymar đã khép lại với phần thắng tạm nghiêng về “Juninho”. Brazil giành thắng lợi, nhưng đó không phải là một cuộc dạo chơi. Các bình luận viên châu Âu tỏ ra không ấn tượng. John Carlin, nhà văn và phóng viên người Anh, tổng kết trên El País như sau: “Những người biết tới bóng đá Brazil qua hình ảnh của Pelé, Rivelino, Tostão, hay Zico và Sócrates, hay thậm chí là Romario sẽ không thể tin nổi những gì mà họ nhìn thấy ở Confederations Cup, giải đấu thử nghiệm cho World Cup năm sau (nhưng hãy hy vọng là không phải như thế). Brazil tỏ ra dè dặt, chơi phòng ngự, và không thể hiện được niềm vui. Không hề có samba bóng đá. Hoàn toàn là thuyết vị lợi.”
Quan điểm của ông nhận được sự đồng tình của nhiều người. Một số người nói về antifutebol (phản bóng đá), số khác cố gắng giấu sự thất vọng của mình bằng cách tập trung vào điểm sáng Neymar.
Ở Brazil, người ta phê phán nhưng đồng thời cũng hài lòng, bởi vì họ biết rằng Confederations Cup chỉ là một giải đấu thử nghiệm với Scolari, bước đầu tiên trong việc lắp ghép một đội tuyển có thể chơi ở World Cup. Ngoài ra, họ đã giành quyền vào chơi trận bán kết với Uruguay. Những ký ức về sự kiện Maracanazo, diễn ra vào ngày 16/7/1950, lại ùa về.
Luis Suárez nói rằng anh biết bàn thắng của Ghiggi được ghi vào góc gần; Edinson Cavani chỉ nghe về nó khi đã 20 tuổi; Diego Forlán thì tỏ ra triết lý: “Nó là một lời nhắc nhở rõ ràng về những gì mà chúng tôi có thể làm được, nhưng nó chẳng giúp được gì cho chúng tôi hôm nay.”
Thực sự thì những ký ức về quá khứ không giúp chúng ta đối diện với hiện tại tốt hơn. Đúng là Brazil đã không vào trận với khí thế hừng hực như trong ba trận đấu trước đó, nhưng dù sao thì họ cũng kiểm soát được trận đấu. Julio Cesar và Neymar đã lên tiếng khi Brazil cần. Cesar cản được một quả penalty được thực hiện bởi Diego Forlán, đồng đội cũ của anh ở Internazionale. Pha hỏng ăn penalty đó có vẻ đã đánh sụp Forlán; anh không thể gượng dậy để chơi tốt như trước nữa.
Neymar không ghi bàn, nhưng anh là trung tâm trong cả 2 bàn thắng của Brazil. Paulinho bấm bóng qua đầu hàng thủ Uruguay cho Neymar thoát xuống; anh kịp khống chế bóng bằng ngực, nhưng góc sút đã trở nên rất hẹp. Dù vậy Neymar vẫn kịp chích bóng, buộc Muslera phải đẩy bóng ra. Fred có mặt kịp thời để đá bồi thành công.
5 phút trước khi hết giờ, lại là Neymar. Từ quả đá phạt góc của anh bên góc trái, Paulinho bật cao, đánh bại Cáceres và Muslera, người tỏ ra lưỡng lự giữa việc băng ra bắt bóng và giữ vị trí trong khung thành. Trận đấu kết thúc với tỉ số 2-1, Brazil đã có thể nghĩ tới đối thủ mà họ sẽ gặp trong trận chung kết.
Đó không phải là một trận đấu dễ xem: nó diễn ra rời rạc, và trong hiệp hai hoàn toàn bị kiểm soát bởi Charrua (Uruguay), những người suýt nữa đã có được chiến thắng sau bàn gỡ của Cavani. Đó là trận đấu mà bóng đá thì ít nhưng căng thẳng và bất ổn thì nhiều, và chỉ được quyết định trong những phút cuối của thời gian đá bù giờ. Brazil đã không thể hiện được vẻ phong nhã, chất thơ, jogo bonito như mọi người kỳ vọng. Họ chỉ tập trung vào việc làm thế nào để chiến thắng.
Một khoảnh khắc đáng nhớ là khi Neymar gửi tới Álvaro González những nụ hôn gió. Khi tiền vệ người Uruguay trên đường rời sân để nhường chỗ cho người khác, anh ta đi lại gần Neymar, lúc đó đang chuẩn bị đá phạt góc, và buông ra những lời thóa mạ. Đáp lại, Neymar chỉ im lặng và “bắn” cho anh ta một cái hôn. Rồi một cái nữa. Các cổ động viên cười thích thú.
Ở Fortaleza, trong khi giới cảnh sát bận rộn chống đỡ những người biểu tình, Tây Ban Nha đánh bại Italia của Cesare Prandelli trên chấm 11 m giống như hồi EURO 2008. Sau 120 phút mà không có bàn thắng nào được ghi, trận đấu bước vào loạt luân lưu và kết thúc với phần thắng 7-6 nghiêng về các nhà vô địch thế giới.
La Roja (Tây Ban Nha) bay tới Rio chuẩn bị cho trận chung kết tất cả đều chờ đợi. Neymar nói trong buổi họp báo trước trận: “Giờ tôi có thể nói điều này. Đây là trận chung kết mà tất cả mọi người đều chờ đợi. Tây Ban Nha là đội bóng xuất sắc nhất trên thế giới ở thời điểm này; họ là đội được đánh giá cao hơn, nhưng Brazil cũng không thiếu những cầu thủ giỏi.”
Neymar nói rằng được đối đầu với những người đồng đội tương lai là một vinh dự: “Sẽ rất nhiều cảm xúc. Tôi chúc họ điều tốt đẹp nhất - nhưng không phải cho trận này.”
Báo chí hỏi Neymar bí quyết để đánh bại Tây Ban Nha là gì. “Điều quan trọng là không được phép sợ hãi. Chúng ta phải đủ dũng cảm để thực hiện những pha rê dắt và phô diễn các kỹ năng. Maracanã sẽ là cầu thủ thứ 12 của chúng tôi.”
Ai là người Neymar ngại gặp nhất trong đội hình Tây Ban Nha? “Iker Casillas. Anh ấy ở trong đội tôi trong game FIFA. Anh ấy là một trong những thủ môn xuất sắc nhất trên thế giới, và là một trong những người xuất sắc nhất mọi thời đại. Hy vọng tôi có thể một lần đánh bại anh ấy.” Cuộc họp báo kết thúc.
Phút 44 của trận chung kết, Oscar, cùng với Neymar, thực hiện một pha phản công chớp nhoáng. Tới sát vòng cấm, Oscar giữ bóng lại một thoáng. Neymar lùi lại để không rơi vào thế việt vị và nhận bóng; sau một nhịp đẩy bóng bằng chân trái, anh tung ra một cú sút như đại bác Exocet cũng bằng chân trái làm tung nóc lưới trong sự bất lực của Casillas. Một bàn thắng tuyệt vời, và số 10 của Brazil đã ăn mừng nó bằng cách nhảy vào vòng tay của các cổ động viên.
Đó là bàn thắng thứ 4 của Neymar ở Confederations Cup và đó là một bàn thắng then chốt, bởi nó giúp Brazil vươn lên dẫn trước 2-0. Fred đã mở tỉ số chỉ sau 1 phút 33 giây sau một pha hỗn loạn trong vòng cấm. Neymar cũng có công trong bàn thắng ấy khi là người chạm bóng ngay trước khi Fred ghi bàn. Trận đấu kết thúc với tỉ số chung cuộc 3-0; Fred ghi một bàn thắng khác ở thời gian đá bù của hiệp hai.
Maracanã nhanh chóng bật sang chế độ hội hè. Tây Ban Nha, những người không thua một trận chính thức nào kể từ World Cup 2010 ở Nam Phi (Thụy Sĩ 1, Tây Ban Nha 0), hoàn toàn bất lực. Brazil đã dồn hết tất cả những gì họ có vào trận đấu này. Mỗi cầu thủ đều là một chiến binh. Từ David Luiz, người có pha cứu bóng ngay trên vạch vôi sau pha dứt điểm của Pedro, tới Neymar, người không chỉ ghi bàn mà còn kiếm được quả phạt khiến Piqué bị đuổi, buộc huấn luyện viên Vicente del Bosque phải rút hậu vệ Arbeloa ra. Cậu bé vàng không chỉ tấn công mà còn phòng ngự nữa.
Với những nỗ lực của mình, anh được FIFA trao giải cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu. Anh tham dự Confederations Cup ngay sau khi ký hợp đồng với Barcelona; một nửa thế giới muốn xem anh đá đấm như thế nào. Bị đẩy vào một bài test kiểu ấy thật chẳng dễ dàng gì. Nhưng Neymar đã vượt qua hết một cách ấn tượng. Trái tim của Maracanã, trong buổi tối đáng nhớ 30/6/2013, là bối cảnh cho bức hình trong mơ: Neymar cắn tấm huy chương dành cho nhà vô địch phía sau 3 danh hiệu mà anh khao khát: Confederations Cup, Quả bóng Vàng cho cầu thủ xuất sắc nhất, và Chiếc Giày Đồng cho chân sút ghi nhiều bàn thắng thứ 3.