Râu lưỡi liềm, tóc lòa xòa vô lối, áo trắng, quần short đen, hai tay ôm lấy trái bóng. Những bức ảnh theo phong cách của thời xưa cũ, khi mà bột nổ còn được dùng như đèn flash, đã đưa chúng ta đến với một người: Charles William Miller.
Charlie là con trai của John - một kỹ sư người Scotland trong số 3.000 người thuộc Vương quốc Anh được điều tới Nam Mỹ để hỗ trợ xây dựng các đường ray, và Carlota Fox - một phụ nữ người Brazil gốc Anh. Ông được sinh ra ở quận Bras, São Paulo, vào ngày 24/11/1874. Khi lên 9 tuổi, Charlie được gửi về châu Âu để học, một thông lệ trong giới thượng lưu thời bấy giờ. Ông tới Southampton và bắt đầu học ở trường Banister Court trước khi chuyển lên một trường cấp hai ở Hampshire.
Banister là một trường tư nhỏ do cha George Ellaby lập ra để dạy dỗ con cái của các đội trưởng đang làm việc cho công ty Peninsular Steam Navigation. Hiệu trưởng của trường trong thời gian Miller theo học là Christopher Ellaby - con trai của cha George. Christopher Ellaby là một tín đồ nhiệt thành của bóng đá.
Ở Anh thời điểm đó, bóng đá đã có sách luật chính thức, sau khi Liên đoàn bóng đá Anh được thành lập ở London vào ngày 26/10/1863. Đây là liên đoàn đầu tiên trên thế giới xây dựng được bộ luật lệ thống nhất cho môn thể thao vua. Ellaby là đội trưởng của đội bóng trường trong những năm theo học ở Oxford. Khi trở thành hiệu trưởng, ông đã truyền được tình yêu với trái bóng của mình sang các học sinh.
Charles Miller là một vận động viên giỏi, nên không lạ khi ông nhanh chóng được bầu làm đội trưởng của đội tuyển trường. Đồng đội đặt cho ông biệt danh “lỏi con” bởi gương mặt baby láng mịn và cơ thể như của một con bọ ngựa. Bất chấp bất lợi về hình thể, ông vẫn chơi xuất sắc ở vị trí trung phong (cũng có một số thời điểm ông chơi như một tiền đạo trái). “Anh ấy là tiền đạo giỏi nhất của chúng tôi. Anh ấy rất nhanh, có khả năng rê dắt tuyệt vời, và sở hữu những cú sút sấm sét. Anh ấy ghi bàn một cách dễ dàng tới khó tin.” Đó là những gì mà tờ báo trường viết về ông. Có thể kiểm chứng điều đó qua thành tích ghi 41 bàn trong 34 trận cho Banister Court và 3 bàn trong 13 trận cho St Mary’s Church of England Young Men’s Association, tiền thân của Southampton, đội bóng hiện đang chơi ở Premier League. Phong cách chơi bóng của Miller dựa trên sự linh hoạt và một chút tinh quái. Ông có trí tưởng tượng phong phú, khả năng kiểm soát bóng tuyệt vời, và có niềm đam mê đặc biệt với những động tác giả thường làm tẽn tò các đối thủ. Khả năng của ông ấn tượng tới mức, năm 17 tuổi, ông được mời về đá cho Corinthian Football Club, một đội bóng do sinh viên ở các trường trung học và đại học Anh lập ra để làm đối trọng với các câu lạc bộ Scotland được đánh giá là mạnh hơn nhiều vào thời điểm ấy. Nhiều năm sau, chính Miller là người đã gợi ý cái tên này cho đội bóng về sau trở thành một trong những đội bóng nổi tiếng nhất ở São Paulo (dù nó được gọi chệch đi thành “Corinthians”).
Năm 1894, sau khi Charlie học xong, ông trở lại Brazil. Trong hành lý của ông có hai quả bóng Shoot, loại bóng được sản xuất ở Liverpool, là quà tặng từ một đồng đội; một cái bơm bóng; một đôi giày; hai chiếc áo đấu (một từ Banister và một từ St Mary’s) và một tập sách dày ghi các luật lệ và quy định của FA. Chuyện kể rằng trên hành trình về nhà, Charlie vẫn không ngừng luyện tập, bằng cách rê bóng qua các hành khách và chướng ngại vật từ đầu này tới đầu kia của con tàu. Vào ngày 18/2, Charlie cập bến Santos. John, bố ông, hỏi ông mang theo cái gì về từ nước Anh. Charlie trả lời, “Bằng, thưa cha. Con trai của bố đã tốt nghiệp xuất sắc môn bóng đá.”
Chàng trai 20 tuổi mang trong mình hai dòng máu Anh và Brazil bắt đầu làm việc, như bố mình, ở Công ty Đường sắt São Paulo. Ông đăng ký làm thành viên của São Paulo Athletic Club, một câu lạc bộ thể thao được cộng đồng người Anh lập ra vào tháng 5/1888. Ở đó, các thành viên chơi cricket, chứ không phải bóng đá. Họ cũng biết đá bóng nhưng không có ai thực sự cảm thấy hứng thú - cho tới khi Charles Miller bắt đầu thiết lập nên những nền tảng đầu tiên.
Ông bắt đầu giải thích các điều luật, và các thuật ngữ như “nghỉ giữa hai hiệp”, “phạt góc”, “sân thi đấu” và “phạt đền” cho bạn bè, đồng nghiệp, cũng như các quan chức hàng đầu ở công ty Gas, Ngân hàng London và các công ty đường sắt. Cuối cùng, ông đã lôi kéo được một nhóm người tham gia chơi bóng. Ông thuyết phục họ tập luyện trên một sân bóng ở Várzea do Carmo, khu đất nằm giữa Luz và Bom Retiro, ngày nay là Rua do Gasmetro. Những gì họ làm trên sân khiến nhiều người thấy tò mò. Không lâu sau, Celso de Araújo, trong bức thư gửi bạn mình là phóng viên Alcino Guanabara ở Rio de Janeiro, đã viết: “Gần Bom Retiro, có một nhóm người Anh, những kẻ điên rồ đúng kiểu Anh, đang đá vòng quanh một vật gì đó chỉ có thể mô tả là giống một cái bàng quang bò. Có thể thấy là khi cái vật trông như cái bàng quang màu vàng kia lọt vào một hình chữ nhật được tạo nên bởi các cột gỗ, một nhóm người thì rất sung sướng, nhưng một nhóm khác trông lại rất đau khổ.”
Trừ những kẻ hoài nghi, bóng đá giữa những quý ông trong cộng đồng người Anh đã bắt đầu tìm được chỗ đứng, và Miller cuối cùng cũng có thể tổ chức được một trận đấu. Vào ngày 14/4/1895, Várzea do Carmo chứng kiến cuộc đối đầu giữa hai đội bóng, một đội gồm toàn những người Brazil và một đội gồm toàn những người Anh: São Paulo Railway và Companhia de Gás. Kết quả, đội “đường sắt” (Railway) thắng với tỉ số 4-2. Đội trưởng Miller ghi 2 bàn. Trận đấu không thu hút được nhiều khán giả lắm. Ngoài bạn bè, các quản lý, nhân viên, chỉ có thêm một vài chú lừa đang nhẩn nha gặm cỏ ở bên cạnh. Nhưng điều đó không quan trọng. Dù thế nào thì đấy cũng chính là trận đấu bóng đá chính thức đầu tiên ở Brazil. Đó chính là ngày môn thể thao được ưa chuộng nhất ở Brazil ra đời.
Đúng là trước khi Charlie trở lại Brazil từ nước Anh, trong thời gian từ 1876 tới 1890, nhân viên trong các công ty Anh và những thủy thủ người Anh đã tổ chức thi đấu nhiều trận trên các đường phố hay trên các bãi biển ở Rio. Một trong số các trận đấu đó diễn ra trước tư dinh của Công chúa Isabel, người cai quản Đế chế Brazil dưới cái tên Dom Pedro II. Đúng là ở đại học São Luis, Itu, cha cố dòng Tên José Montero đã giới thiệu một trò chơi có tên là bate bolão, với thành phần tham gia là các giáo sư và học sinh, giống như ở đại học Eton trước đây. Cũng đúng là những trò chơi như ballon anglais1 đã trở nên khá phổ biến ở nhiều trường thuộc giáo hội cũng như không thuộc giáo hội ở São Paulo, Rio de Janeiro và Rio Grande do Sul. Nhưng với người Brazil, Charles Miller chính là O pai do futebol, cha đẻ của bóng đá, bởi vì, bên cạnh trận đấu đầu tiên trong lịch sử, Miller còn khai sinh ra một trong những câu lạc bộ bóng đá đầu tiên, ngay trong lòng của câu lạc bộ thể thao São Paulo Athletic Club. Ông cũng có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thành lập nên liên đoàn bóng đá đầu tiên ở Brazil, la Liga Paulista de Futebol, vào ngày 19/12/1901. Sự xuất hiện của liên đoàn này đã mở đường cho sự ra đời của giải đấu bóng đá đầu tiên một năm sau đó.
1 Tạm dịch là bóng Anh - N.D.
Giải đấu được khởi tranh vào ngày 3/5/1902 với sự tham gia của năm đội bóng (São Paulo Athletic Club, Associação Atlética Mackenzie College, Sport Club Internacional, Sport Club Germânia và Clube Atlético Paulistano). SPAC (São Paulo Athletic Club) thống trị trong ba mùa giải đầu tiên. Với 10 bàn trong 9 trận, Charles Miller là chân sút tốt nhất trong mùa giải 1902. Ông ghi 2 bàn thắng quyết định trong trận đấu cuối cùng với Paulistano. SPAC, với đồng phục là áo sọc xanh nhạt và trắng hoặc áo trắng với quần đen và tất đen, bảo vệ được chức vô địch trong năm 1903, sau khi lại đánh bại Paulistano. Thêm một chức vô địch khác trong năm tiếp theo, và Charlie là đồng vua phá lưới với 9 bàn, ngang với thành tích của người đồng đội Boyes.
Miller chơi cho SPAC đến tận năm 1910. Tới thời điểm đó, bóng đá ở Brazil không chỉ được chơi bởi tầng lớp ưu tú da trắng ở thành phố, những người xem bóng đá như là một biểu tượng của châu Âu hiện đại, mà còn bởi các tầng lớp thấp hơn, những người sử dụng bóng đá như một phương tiện để thể hiện bản thân - điều mà họ không thể làm được trong các bối cảnh xã hội khác.
Một minh chứng cho sự phổ biến của bóng đá là tour du đấu của câu lạc bộ tới từ London, Corinthian. Các cầu thủ người Anh tới theo tàu SS Amazon vào ngày 21/8/1910. Họ đá 3 trận, gặp Fluminense và hai câu lạc bộ khác, và thắng vùi dập cả 3. Sau đó họ tới São Paulo để gặp Palmeiras, Paulistano và SPAC vào ngày 4/9. Đó là một trong những trận đấu cuối cùng trong màu áo SPAC của Charles Miller, lúc đó đã 36 tuổi.
Đội bóng Anh hủy diệt SPAC với tỉ số đậm 8-2 (họ cũng ghi được kha khá bàn trong các trận đấu khác). “Chúng ta có thể mong chờ điều gì khác được, ai cũng biết rằng Corinthian là đội bóng có lối chơi đầy kỹ thuật”, phóng viên Adriano Neiva da Motta e Silva, còn gọi là De Vaney, viết: “trong khi về bóng đá mà nói, chúng ta vẫn chỉ như những em bé đang bú bình.”
Gạt các vấn đề chuyên môn sang bên, điều ấn tượng nhất chính là sự quan tâm của người bản địa dành cho đội bóng Anh. Báo chí ngập tràn những câu chuyện về chuyến đi; bên ngoài khách sạn Majestic, đám đông chờ đợi trong nhiều giờ liền với hy vọng được thấy mặt các cầu thủ; và trên hết là việc sân Velodrome, nơi các trận đấu diễn ra, luôn không còn một chỗ trống. “Khán giả vỗ tay tán thưởng từng pha bóng, và không khí thì đậm đặc mùi nước hoa Pháp. Có cái gì đó rất đặc biệt trong các trận đấu của Corinthian”, các tờ báo ở São Paulo viết.
Vào năm 1910, Charles Miller treo giày lần cuối, tập trung thời gian cho sự nghiệp tại hãng thư tín Royal Mail Line. Nhiều năm sau, ông tự lập ra một công ty du lịch của riêng mình, trong khi vẫn đảm trách cương vị phó lãnh sự Anh ở Brazil. Ông kết hôn với Antonieta Rudge, một trong những nghệ sĩ piano hàng đầu Brazil. Nhưng bà Rudge vào những năm 1920 đã bỏ ông để đi theo nhà thơ Paulo Menotti Del Picchia. Charles có hai con. Ông chưa bao giờ hoàn toàn cắt đứt mối dây ràng buộc với bóng đá: ông làm trọng tài, làm quản lý thể thao, và luôn luôn là một cổ động viên nhiệt thành của bóng đá.
Charles William Miller qua đời vào ngày 30/6/1953 ở tuổi 79. Trong đời mình, ông đã chứng kiến São Paulo chuyển mình thành một đô thị lớn; ông đã thấy futebol, môn thể thao mà ông giới thiệu nửa thế kỷ trước, trở thành niềm đam mê dân tộc. Ông đã thấy Braizl đăng cai Coppa Rimet - World Cup - và đã cùng với hàng triệu người Brazil khác chịu đựng nỗi đau của một trong những thất bại vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá, thảm họa Maracanazo.
Charles Miller vẫn được nhớ tới cho đến tận hôm nay. Trong bộ tiếng lóng bóng đá của Brazil, chaleira (bắt nguồn từ “Charles”, có nghĩa là “ấm trà”) là từ dùng để chỉ động tác mà Miller đã sáng tạo ra vào đầu thế kỷ XX: hất quả bóng lên không trung bằng gót chân, với chân này ở sau chân kia2. Tròn một năm sau ngày mất của Miller, để ông có thể mãi mãi hiện diện trong cuộc sống thường nhật ở São Paulo, chính quyền thành phố đã dùng tên ông để đặt cho quảng trường nơi có sân vận động Estadio Municipal Paulo Machado de Carvalho (thường được biết tới nhiều hơn dưới cái tên Pacaembu). Ngày nay, khu vực rộng lớn này là trái tim của đô thị São Paulo, mang hình dáng tương tự như một đấu trường Hy Lạp, với một đầu là những tòa nhà chọc trời nhấp nhô sau các rặng cây, và một đầu là sân Pacaembu.
2 Chúng ta vẫn thường gọi là động tác gắp bóng - N.D.
Pacaembu, công trình màu kem được xây theo phong cách tự do, có vị trí khá đặc biệt khi nằm tựa mình vào một ngọn đồi. Sân bóng này được khánh thành vào ngày 27/4/1940 trong một buổi lễ có sự tham dự của tổng thống Brazil - Getulio Vargas, thị trưởng thành phố Prestes Maia và kiến trúc sư Ademar de Barros. Vào thời điểm đó, sân có sức chứa lên tới 71.000 người. Ngày nay, sau khi được trùng tu lại vào năm 2007, nó có thể chứa được 40.000 người. Sân nhà của Corinthians là một viên ngọc về kiến trúc, một trong những góc nhìn bưu thiếp ấn tượng nhất của São Paulo. Bên trong, phía dưới bốn chiếc cột ở cổng chính và một chiếc đồng hồ khổng lồ, là Museu do Futebol - Bảo tàng Bóng đá.
Bảo tàng với 17 phòng trưng bày này được khánh thành vào ngày 29/9/2008. Trong bảo tàng lưu giữ nhiều hình ảnh, video, các đoạn ghi âm về những nhân vật nổi tiếng trong bóng đá. Ngoài ra còn có các cột mốc, đồ lưu niệm, những di tích khác thường và cả các con số thống kê. Bảo tàng được thiết kế và sắp xếp với ý đồ đưa khách tham quan vào một hành trình xuyên suốt lịch sử của bóng đá Brazil trong thế kỷ XX.
Hilário Franco Junior, một giáo sư về lịch sử trung cổ, có viết một quyển sách về bóng đá, A Dança dos dues: Futebol, Sociedade, Cultura (“Vũ điệu của những vị thần: Bóng đá, Xã hội và Văn hóa”). Cuốn sách này nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các nhà phê bình bóng đá. Cuốn sách tổng kết lịch sử của bóng đá Brazil dưới bốn góc nhìn: “Thuở ban đầu, bóng đá bị chỉ trích bởi người ta cho rằng nó phù phiếm và chẳng mang lại ích lợi gì cả. Nhưng bóng đá cũng không mất nhiều thời gian để từ một môn thể thao cho giới tinh hoa chuyển biến thành một trò chơi của tầng lớp lao động. Rồi xuất hiện xáo trộn đầu tiên vào những năm 1930. Brazil bắt đầu có nhận thức về tình trạng tạp giao xã hội, được chỉ ra trong các công trình của những nhà trí thức như Gilberto Freyre, Paulo Prado và Sérgio Buarque de Holanda. Con lai, người da màu và người da trắng bắt đầu sống chung với nhau. Không còn phải cảm thấy xấu hổ nữa, con lai cũng có thể chơi bóng, thậm chí chơi hay. Chân sút xuất sắc nhất ở World Cup 1938 là Leônidas da Silva, một cầu thủ nửa Bồ Đào Nha nửa Brazil. Đó là một tiếng kêu thức tỉnh cho cả dân tộc. Một cầu thủ da màu và một cầu thủ con lai đã tham dự và ra sân ở giải đấu đó, bất chấp lời kêu gọi từ những kẻ muốn họ bị loại bỏ.
“Thời khắc quan trọng thứ hai là Maracanazo. Nó xảy ra vào năm 1950, khi Brazil bị đánh bại bởi Uruguay. Nhà biên kịch Nelson Rodríguez đã gọi khoảnh khắc này là một ‘Hiroshima về tâm lý’. Thực sự là như thế. Đó là một cú đánh mạnh vào tinh thần của xã hội Brazil cũng như của những giai cấp chính trị đã hy vọng có thể ăn theo thành công của giải đấu để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp diễn ra. Đó là một thảm họa quốc gia, nhưng tới năm 1958 thì mọi chuyện đã đảo ngược: Brazil bật dậy mạnh mẽ và giành chức vô địch trên đất châu Âu. Ở Paris, người Brazil đồng thanh: ‘Chúng ta là những người xuất sắc nhất thế giới!’ Đó là thời khắc bùng nổ niềm tự hào dân tộc.”
“Từ thời điểm đó, Brazil đã muốn vượt qua sự mặc cảm về một quốc gia nhược tiểu bằng cách đăng quang một lần nữa, điều mà họ đã làm được vào các năm 1962 và 1970. Nhưng không phải lúc nào chuyện cũng khả thi. Đã có một cơn khô hạn chiến thắng, rồi chế độ độc tài quân sự, đàn áp, tra tấn, những đối thủ chính trị đột ngột biến mất... Xã hội nhìn vào bóng đá trong im lặng. Cảm giác nghi ngờ bắt đầu xâm lấn, bất chấp một vài chiến thắng lẻ tẻ.”
“Hoài nghi vẫn là thứ cảm xúc chủ đạo ở bóng đá Brazil ngày nay. Brazil vẫn yêu bóng đá, vẫn có những cầu thủ giỏi, nhưng không còn là một cường quốc bóng đá như trước nữa. Thế giới bóng đá đã có những quyền lực mới, và có những cầu thủ tuyệt vời bên ngoài Brazil. Brazil muốn trở thành Brazil của tương lai; có cảm giác như thể là Brazil của tương lai đã xuất hiện - nhưng rồi các vấn đề nảy sinh. Brazil hướng về phía trước theo đường zíc zắc thay vì theo đường thẳng. Cứ tiến một bước nó lại lùi hai bước. Trong bóng đá cũng không có gì khác biệt.”
Sau bài giảng của vị giáo sư, người đặt những chính thể không tưởng thời trung cổ bên cạnh vị thế của bóng đá trong xã hội, chúng ta có thể thấy câu chuyện này được thể hiện thế nào trong Museu do Futebol. Hai cậu học trò đang chờ tới lượt mình. Lũ học sinh nghịch ngợm có thể dễ dàng mất hút trong các căn phòng hay hành lang ngoằn ngoèo, song đều nhanh chóng dừng lại ở phòng tương tác, nơi chúng có thể thực hiện một quả đá penalty và khám phá xem tốc độ cú sút của mình là bao nhiêu, hoặc đá bóng trên một sân bóng thu nhỏ, hay chơi bi lắc với những hình nhân bằng gỗ nhỏ được giật liên hồi từ bên này sang bên kia.
Ở lối vào của bảo tàng, một căn phòng lớn cho phép người tham quan hình dung bóng đá ở Brazil là như thế nào, thông qua một bộ sưu tập đầy màu sắc những cờ, banner, poster, biểu trưng, móc chìa khóa có hình nộm, máy móc, biếm họa, giấy, mũ và thảm. Chúng được dùng để bày tỏ sự trân trọng với tình cảm của các cổ động viên.
Một cầu thang cuốn dẫn khách tham quan lên tầng một. Ngay trước lối vào Pelé, đúng hơn là hình ảnh của Pelé, người chào đón khách tham quan bằng ba thứ tiếng. Khách tham quan được hướng dẫn đi từ phòng này qua phòng khác bằng một serie hình ảnh trái bóng được một cậu bé đá đi; trái bóng hết nảy từ sân này lại sang sân khác. Những thiên thần Baroque bay lơ lửng trong bóng tối phía trên. Những hình mẫu có kích cỡ như thật của các huyền thoại bóng đá không ngừng rê dắt, sút và nhảy nhót trong không trung. Một tấm bảng lớn ghi: “Họ có 25 người. Nhưng cũng có thể dễ dàng có 50 hay 100, bởi vì họ chính là những người đã tạo ra bóng đá, một môn nghệ thuật ở Brazil. Thần thánh hay người hùng, họ là những thần tượng của nhiều thế hệ khác nhau, những người có thể được xem như những thiên thần mà đôi cánh hay đôi chân của họ đưa chúng ta tới những mảnh đất nơi sự sáng tạo, chất thơ và ma thuật được nuôi dưỡng. Họ là những thiên thần đích thực của nghệ thuật Baroque.” Các thiên thần mang những cái tên như Pelé, Sócrates, Gilmar, Carlos Alberto, Bebeto, Tostão, Garrincha, Ronaldo, Gerson, Rivelino, Didi, Vavá, Romario, Ronaldinho Gaúcho, Roberto Carlos, Rivaldo, Taffarel, Zico, Zagallo, Falcão, Nilton Santos, Djalma Santos, Jairzinho, Julinho Botelho, Zizinho.
Paulo, cậu bé tới đây với các bạn học cùng lớp, tỏ ra mê mẩn với video về pha bỏ bóng qua người của Pelé trước Ladislao Mazurkiewicz, thủ môn của Uruguay, trong trận bán kết World Cup 1970. Cậu xem đi xem lại video này. Rồi cậu tỏ ra ngạc nhiên trước danh sách dài Những thiên thần Baroque, hết cái tên này lại đến cái tên kia. Cậu nhìn chằm chằm lên các bức ảnh, trước khi quay sang hỏi bạn, “Thế quái nào mà Neymar lại không có ở đây?”
Neymar Jr vẫn chưa vươn tới sự vĩ đại đó. Nhưng bên ngoài sân vận động, dưới ánh nắng mùa đông, chiếc áo bóng đá mà những người bán rong trên phố bán được nhiều nhất chính là chiếc áo vàng - xanh với số 10 trên lưng. Chiếc áo thuộc về nhà thơ mới nhất của bóng đá Brazil.