Bây giờ không còn là thời cao nguyên Phùng Khen nhung nhúc thổ phỉ và đặc vụ; cả một giải biên giới phía Bắc súng nổ đì đẹt liên miên, bọn đặc vụ Tưởng Giới Thạch qua lại biên giới như đi chợ. Đến như mụ Giàng Thái Thái, vợ tên trùm phỉ Vàng San, nổi tiếng bắn pạc hoọc giỏi cả hai tay, có thể ngang nhiên sang Phùng Khen giết chết tình địch của mình.
Không còn là thời những vụ xưng vua Mông mọc ra như nấm; khắp bản xa, bản gần, ngày đêm không ngớt tiếng rì rầm cầu khấn: "Bố mẹ vua người Mèo họ Vàng - Bố mẹ vua người Dao họ Lý - Bố mẹ vua ra, con đẹp như tiên - Bố mẹ vua ra, ai động đến sẽ chết".
Thời đánh Mỹ cũng đã qua rồi. Con trai người Mông, người Hà Nhì đi đánh giặc trong miền Nam hay sang tận bên Lào lần lượt trở về. Cửa khẩu biên giới Xín Chải trong những năm chiến tranh không hề biết bom đạn là gì, thậm chí năm thì mười hoạ mới nghe tiếng máy bay, giờ đây cũng tấp nập người qua lại.
Đất nước yên bằng là thế, mấy chục bản làng trên cao nguyên Phùng Khen yên bằng là thế, cớ sao người dân Phùng Khen chưa thật vui? Phải chăng trong lòng đồng bào các dân tộc Phùng Khen lại chớm lên một nỗi lo âu thấp thỏm khác, dẫu còn mơ hồ?
Đại uý Giàng Páo, đồn trưởng đồn biên phòng Xín Chải lỏng tay cương cho con ngựa sải vó trên những sườn đồi khô cằn. Từ bản Nậm Khắt, anh phải vòng qua bản Pa Ưm mới trở về đơn vị. Bụi bốc dưới vó ngựa, lơ lửng như một vệt khói giữa trời lặng gió. Bờm ngựa lớp lớp tung bay gợi cho Páo một niềm vui thích, nhưng không thể nào xua tan được những ý nghĩ nặng nề cứ ám ảnh đầu óc anh, kể từ khi anh rời khỏi con suối biên giới Nậm Khắt. Con suối hiền lành ấy, bấy lâu nay trở thành nơi tranh chấp giữa công xã Thù Chang bên Trung Quốc và dân bản Nậm Khắt bên Việt Nam. Cả hai bên cùng là dân tộc Hà Nhì bao nhiêu đời nay sống thuận hòa. Mối quan hệ thân tộc không biết gì đến sự ngăn cách về pháp lý của đường biên giới quốc gia. Đùng một cái, đầu mùa xuân năm nay, phía bên kia chở đá đến đổ dồn hàng đống bên bờ suối, chuẩn bị xây kè và đập chắn lấy nước tưới cho cánh đồng Thù Chang. Bà con Nậm Khắt không chịu. Cái lý thật rõ ràng. Nếu xây đập chắn ngang suối thì hai bên phải bàn bạc với nhau. Còn nếu chỉ xây kè đập chắn nửa vời thì chỉ qua vài mùa lũ toàn bộ doi ruộng nhỏ nhoi phía Nậm Khắt sẽ bị dòng nước xói mạnh ngoạm mất tiêu. Con suối biên giới có nguy cơ bị nắn dòng chảy vào sát tận chân đồi, đường biên giới theo lẽ thường bám theo con suối cùng chuyển dịch mấy trăm mét về phía nam. Người Hà Nhì mất ruộng, mất nguồn sinh sống, rồi sẽ phải ly tán, lang thang đến tận phương trời nào? Nhìn hẹp, đó là quyền lợi thiết thân của mấy chục hộ đồng bào bị uy hiếp. Nhìn rộng ra, đường biên giới quốc gia truyền thống có nguy cơ bị chuyển dịch, mà mỗi tấc đất của Tổ quốc đối với người chiến sĩ biên phòng đều mang ý nghĩa thiêng liêng không thể để mất. Cả hai luồng suy nghĩ, cả hai tình cảm ấy đều pha trộn trong đầu óc và trong lòng Páo. Hai ngày hôm nay, đi xuống bản, nghe bà con sôi nổi bàn tán, nghe cán bộ trao đổi tình hình, anh đã nắm bắt được tính chất phức tạp, căng thẳng của vụ tranh chấp. Một số người muốn tập hợp thanh niên cùng dân quân sẵn sàng xông ra ngăn cản khi phía bên kia bắt đầu xây đập. Tình hình sẽ diễn biến ra sao và mức độ tranh chấp sẽ đến đâu là những điều Páo không thể nào lường trước. Vì con suối Nậm Khắt liên quan đến đường biên giới quốc gia nên tình hình vụ tranh chấp, từ khi phía bên kia mới có dấu hiệu khởi sự, đã được báo cáo lên cấp trên. Páo xuống bản Nậm Khắt hai ngày nay mục đích là cùng bí thư chi bộ Chu Ma quán triệt cho đảng viên và nhân dân chỉ thị của Trung ương phải hết sức bình tĩnh, kiên trì, kiên quyết giữ vững tinh thần hữu nghị giữa hai dân tộc, đấu tranh có lý có tình, không được manh động gây xô xát giữa hai bên. Páo hiểu rằng sự kiện đang dẫn ra trên bản nhỏ heo hút này được Trung ương quan tâm theo dõi và đã trở thành đề tài chuẩn bị làm việc bằng con đường ngoại giao. Còn việc ổn định dân tình là trách nhiệm của địa phương trong đó có phần của anh, một đồn trưởng biên phòng. Mà nói đến dân tình trên cao nguyên Phùng Khen, Páo cảm thấy sự ổn định giữ được qua những năm tháng chiến tranh dường như đang trải qua một thời kỳ xao động. Tin đồn về vua Mông xuất hiện bên Trung Quốc, tin đồn về việc người Mỹ thua ở miền Nam sẽ bắt tay với nước khác tìm cách đánh trả thù, chưa rõ nguồn gốc từ đâu, đã chớm lan truyền. Còn những điều này là có thực: nhiều tay thợ săn lạ mặt đi lại trong rừng rậm Phùng Khen; nhiều người bên Viên Bình sang đất ta thăm dò mộ người Hán nghe nói là những quan quân Tưởng từng theo quân đoàn 52 sang tước khí giới quân Nhật đóng ở Phùng Khen. Lại có dấu hiệu bọn đặc vụ và trùm phỉ cũ lén lút trở về, ẩn náu trong rừng. Tất cả những sự kiện ấy xảy ra cùng thời điểm công xã Thù Chang gây ra vụ tranh chấp trên con suối Nậm Khắt. Phải chăng có sự trùng hợp ngẫu nhiên về thời gian, hay là giữa các sự kiện có mối liên hệ bên trong? Páo bỗng chột dạ khi sực nhớ lại những tin báo của cánh trinh sát về dấu hiệu xuất hiện trở lại của tên trùm đặc vụ Vàng San trên cao nguyên Phùng Khen. Chà, cái thằng một thời từng chọc trời khuấy nước trên dải biên cương này mà trở về đây thì chưa biết dân tình sẽ xao xuyến đến đâu. Cái bóng đen Vàng San, chỉ với cái tên của hắn cũng đủ gây nỗi kinh hoàng cho khối người, cả những người lương thiện lẫn đám phỉ cũ và bọn tay chân thân tín của hắn. Đến lúc này, tự nhiên đầu óc của Páo sáng ra. Anh chợt hiểu lý do vì sao không khí làng bản bấy lâu nay chìm hẳn xuống trong một nỗi lo âu thấp thỏm, mơ hồ. Đã có một thời, bàn tay bọn đặc vụ Tưởng và bọn thổ phỉ tha hồ tác oai, tác quái trên dải đất biên cương xa xôi này. Chúng tha hồ giết chóc, cướp của, coi mạng người như rác.
Vàng San là tổ viên tổ tình báo biên giới của đặc vụ Tưởng; sang Việt Nam năm 1945, thời kỳ bọn Việt Nam Quốc dân đảng của Vũ Hồng Khanh và Triệu Việt Hưng chiếm cao nguyên Phùng Khen. Hai năm sau, quân Pháp lên cao nguyên, bọn Quốc dân đảng rút về, Vàng San vẫn ở lại bí mật xây dựng mạng lưới đặc vụ. Năm 1949, tàn quân Tưởng trốn chạy trước sức tấn công của quân giải phóng Trung Quốc, ùn ùn kéo sang Phùng Khen. Tên Trịnh Thuần Trang đem 500 quân theo Pháp, đánh ta. Chúng đóng thành một hệ thống đồn trại dọc biên giới, từ Xín Chải đến Nậm Khắt, kéo dài về phía Tây. Đầu năm 1953, ta tiến hành tiễu phỉ, kết hợp tấn công giải phóng hệ thống đồn bốt của tàn quân Tưởng. Vàng San bí mật cài được một số tay chân vào mặt trận đoàn kết diệt phỉ. Sau khi các ổ thổ phỉ bị dẹp tan, bọn đặc vụ tạo được vỏ bọc chui vào các cơ quan chính quyền cơ sở. Tên quan hai đặc vụ Cha Pao trúng chủ tịch xã, tên Lao Giàng trong đội "phản cộng cứu quốc" được cử làm xã đội trưởng, tên Chín Phảng làm xã đội phó. Vàng San lúc này đã là tên chỉ huy đặc vụ trong "Đội công tác lục địa Điền Nam" của Tưởng. Trước phong trào cải cách dân chủ rầm rộ của quần chúng cách mạng các dân tộc miền núi, Vàng San chủ trương gây nên một loạt cuộc bạo loạn ở vùng cao, âm mưu cướp chính quyền từ xã đến huyện. Bọn đặc vụ động viên nhau: "Việt Nam bé nhỏ dễ đánh thôi! Ngô Đình Diệm sắp kéo quân ra Bắc". Chúng kích động người Mông: "Người Mông các ông đông như thế mà bao nhiêu lần làm phản không thành công, người Mông các ông không có người nào làm vua được, các ông không theo chúng tôi thì sau này không có quyền lợi gì cả". Ba cuộc bạo loạn liên tiếp bị đập tan. Bọn đặc vụ giấu mặt bao nhiêu năm lần này lộ tẩy, bị bắt hàng loạt. Bọn phản động địa phương chống phá cách mạng bị toà án nhân dân xử tội đích đáng. Bốn tên đặc vụ Tưởng, ta bàn giao cho Bạn đem về Trung Quốc xử lý. Riêng tên đầu sỏ Vàng San trốn thoát. Hắn chạy sang Bắc Lào nhập vào đám phỉ và tàn quân Tưởng ở Xi Ca Hồ, sau đó mấy lần hắn bí mật quay lại địa bàn cũ, tự tay bắn chết hàng chục tên tay chân do hắn cài lại mà hắn nghi là đã phản bội. Các chiến sĩ công an vũ trang biên phòng tổ chức truy lùng ráo riết, lính trinh sát bủa lưới dày đặc nhưng Vàng San vẫn tuột qua tay họ; hắn có tài lẩn như con chạch. Năm 1968, bọn Tưởng ở Đài Loan thả dù tên trung tá đặc vụ Vàng Chung xuống Xi Ca Hồ ở Bắc Lào. Vàng Chung là anh ruột Vàng San. Hai anh em hắn liên kết được ba cụm phỉ, nổi lên chống phá chính quyền trung lập. Theo yêu cầu của tướng Khăm Uộn, bộ đội cùng các đơn vị công an vũ trang sang truy quét phỉ, bắn chết Vàng Chung, bắt sống Vàng San. Tên đặc vụ sừng sỏ này được trao sang Trung Quốc để phía Bạn xử lý. Chuyện ấy xảy ra chín mười năm về trước. Nay bỗng có tin Vàng San xuất hiện trong khu vực biên phòng Phùng Khen. Páo nửa tin nửa ngờ. Sao lại có thể có chuyện lạ như vậy. Nhưng tin trinh sát do thượng úy Chân thông báo cho đồn biên phòng khiến Páo phải suy nghĩ. Chân phụ trách đội trinh sát cơ động của tỉnh hoạt động trên địa bàn của Páo, là một cán bộ năng nổ, có kinh nghiệm, lại là người chín chắn được Páo trọng nể. Theo cảm tính, anh tin vào sự phán đoán của Chân. Có thể nguồn tin là đúng. Nỗi lo thổ phỉ nhen nhóm trở lại, cộng với nỗi lo ruộng đất bị cào dần vì con suối đổi dòng đè nặng lên tâm trí người dân Phùng Khen là có cơ sở.
Con ngựa có đốm sao trước trán cứ tung bờm theo gió, lao đi. Những viên sỏi nhỏ bắn tung dưới vó của nó. Páo dướn thẳng người trên yên, toàn thân nhún nhảy. Tìm ra được mối liên kết giữa các sự kiện, dù mới qua sự phỏng đoán mơ hồ, nắm bắt được tâm trạng chung của dân bản, Páo nhẹ người như cất được hòn đá tảng trên lưng. Một ý định đột ngột nẩy ra trong đầu anh: phải ghé qua nhà Xá Hừ một lát. May ra Xá Hừ có nắm được chút manh mối nào về Vàng San chăng.
Con ngựa đang gõ vó rành rọt trên đường bỗng bị ghìm cương trước cửa lò rèn đầu bản Pa Ưm. Nó chồm lên, dừng phắt lại. Tiếng thở phì phì của nó chìm trong tiếng lửa than réo ngay bên cạnh. Páo xuống ngựa, nới lỏng đai bụng cho con vật, thong thả buộc dây cương vào thân cây tông-qua-sủ gần nhất. Nơi này, anh đã quen dừng lại nghỉ chân, đã quen chuyện trò với người chủ, cho nên khi hai người gặp nhau, chỉ một cái nhìn và một nụ cười cũng đủ thay cho lời chào. Páo lặng lẽ đến ngồi bên bếp lửa, vớ chiếc điếu cày, vỗ tay thúc nõ bồm bộp. Xá Hừ vội buông tay kìm, châm một mồi lửa trao cho anh, xong lại cắm cúi vào công việc. Con gái Xá Hừ là Thào Mỉ thấy khách đến vội rời tay thụt bễ, chạy đi lấy cỏ ngựa - người Mông vốn rất hiếu khách. Páo ngồi yên, mắt lim dim nhìn Xá Hừ qua làn khói thuốc lào. Một con người rất quen, mà dường như đồng thời rất lạ. Họ biết rất rõ về nhau mà vẫn luôn luôn tìm hiểu về nhau. Bởi vì một người là đồn trưởng biên phòng, một người là phỉ cũ. Xá Hừ trạc tuổi bốn mươi, trán cao, mặt rắn rỏi, đôi mắt luôn luôn che khuất dưới hàng mi rậm, giấu kín những tình cảm trong lòng; nhưng khi anh ta ngước lên, cái nhìn tựa hồ trống rỗng. Hai người ở hai bản kề nhau, Xá Hừ hơn Páo độ năm, sáu tuổi, rõ ràng là cây mọc trước nhưng bao giờ cũng nể trọng Páo. Chẳng phải vì anh là đồn trưởng biên phòng mà vì quá khứ cuộc đời hai người đan chéo nhau đã giúp Xá Hừ nhìn nhận ở Páo, một con người như thế nào đó. Đối với người Mông, cái uy không khuất phục nổi con người, cái lý cũng chỉ đạt đến sự nhường bước trước lẽ phải; chỉ có tình nghĩa mới thực sự cảm hoá. Páo chưa biết nên bắt đầu câu chuyện như thế nào thì Xá Hừ đã chìa ra trước mặt anh một bầu rượu:
- Thử xem!
Páo bất giác ngửa lòng bàn tay cho Xá Hừ đổ rượu vào. Sẵn que đóm, Páo châm lửa. Một làn ánh sáng lóe lên, loang dần trên mặt chất lỏng còn đọng trên bàn tay Páo. Anh vẫy mạnh cho tắt lửa, kịp cầm lấy cốc rượu sừng trâu Xá Hừ trao cho, tợp liền một hơi.
- Mao Đài hử ? - Páo nhướn mắt, hỏi - Kiếm đâu ra được của hiếm này ?
- Của khách hàng bên Thù Chang mang cho. Có rượu tốt mới có dao tốt. Tay nghề của Xá Hừ này có giá lắm chứ !
- Lại do ông em Sùng Vạn Quả đem biếu ông anh thôi.
Xá Hừ cười:
- Một anh cắt cỏ ngựa thì lấy đâu ra quà biếu? Tám năm nay, từ khi bị cách chức trạm trưởng biên phòng Viên Bình, nó chỉ biết nuốt nhục thay cho rượu Mao Đài. Mấy lần tôi nhắn nó đem vợ con sang bên này để tránh cái "Cách mạng văn hóa". Làm theo thằng Tạ Phúc có phải hay không? Nó bảo tôi: "Người Mông ta như lá khô rụng xuống đất, ai muốn đạp thì đạp. Sống ở bên nào cũng thế thôi". Cái đầu nó tối như quả bầu kín mít, nó còn khổ.
Xá Hừ bắt chuyện dễ dàng, lời nói như sợi lanh, cứ tuôn ra. Anh ta thường có cách cởi mở với Páo như vậy. Nhân đà vui, Páo lách vào một câu:
- Đám người đi tìm bia mộ cũ thường có ghé qua lò rèn này quấy quả anh không ?
- Không có ai cả. Ban đêm, tôi khép cửa lò rèn, trở về nhà ngủ kỹ. Với lại, người Hán có việc của người Hán, người Mông có việc của người Mông. Hai đỉnh núi đứng trông nhau thật gần nhưng có bao giờ chạm trán nhau ?
- Anh lại lý sự với tôi rồi. Việc của người Mông ta là việc gì nào ?
Xá Hừ vừa vỗ bàn tay vào miệng điếu cày vừa trả lời Páo, giọng xa vời, có vẻ buồn buồn:
- Còn việc gì nữa. Anh biết tôi rõ quá đi rồi. Đời tôi như quả bí đã bị thối một nửa, được anh cắt bỏ đi là may. Còn một nửa tôi phải giữ lấy để cho con Thào Mỉ được nhờ.
Anh ta châm lửa hút thuốc, xong lại chúi đầu vào công việc, coi như không có Páo ở đó. Páo nghĩ bụng: "Có hỏi thăm anh ta về tung tích Vàng San cũng chẳng được tích sự gì!". Chợt Xá Hừ ngẩng đầu lên, nói với Páo như giải bày ruột gan:
- Sau mùa đốt rẫy, có cây cháy thành tro, có cây trơ lại cả cây lẫn cành, dẫu không sống lại xanh tươi cũng còn làm hàng rào, làm củi tốt. Tôi là loại cây ấy, có đúng không?
Páo cười, nụ cười xua hết mọi nghi ngại còn vướng trong đầu, trước khi anh ghé vào đây. Páo đã biết cái thời mà Xá Hừ vừa nhắc đến, theo cách nói xa nói gần của anh ta.
Đó là thời xẩy ra vụ xưng vua ngoài rừng Pa Ưm. Lầu vua ở, dựng ba tầng bốn mái, cờ phướn xanh, đỏ, vàng lòe loẹt treo từ dưới lên trên. Xá Hừ theo vua, được cắt làm lính hầu ở tầng dưới. Hai phó vua ở tầng hai, còn chánh vua ở tầng trên cùng. Lúc đơn vị công an vũ trang đi cùng già bản lọt vào vòng vua ở, bọn vệ sĩ cầm dao giơ bùa hộ mệnh xông ra. Các chiến sĩ biên phòng kịp thời vô hiệu hóa toán phỉ vũ trang. Những tên phỉ có súng ở sát nách vua bắn trả dữ dội từ trên lầu cao. Trung sĩ Giàng Páo tiếp cận chúng từ hướng bất ngờ, bắn chết tên đầu sỏ. Thế là bọn còn lại kéo cả chánh vua, phó vua chạy thục mạng vào rừng... Páo là người đầu tiên xông vào nhà vua ở. Anh phát hiện tên lính hầu Xá Hừ đang tựa lưng vào cột cho nữ phó vua Xay Xua đu từ lầu hai xuống vai hắn, rồi chạy trốn chí chết. Páo lao theo Xay Xua. Lập tức, Xá Hừ vớ lấy dao chém bừa. Bằng một động tác nhanh, gọn, Páo đánh bật dao khỏi tay hắn. Xá Hừ ngã vật ngay xuống đất, vẫn ngước đầu lên, trừng mắt nhìn Páo, cái nhìn hừng hực căm thù. "Mày giết tao đi, người Mông không biết chịu nhục !". Páo ôn tồn : "Mày đi hầu hạ thằng phản động từ bên Lào sang giả xưng vua, chưa đủ hay sao mà còn đem vợ mày đến hầu vua tận lầu trên, còn đem con gái nhỏ của mày ra rừng cho muỗi đốt. Mày bị lừa phỉnh đi làm cái việc chống Chính phủ, tội của mày tao treo đó, Xá Hừ à !".
Cái nhục phải gánh chịu lần đi đón vua ra, mười sáu năm về trước, Xá Hừ thấm thía ngay sau khi được cởi trói, khi hắn biết rõ là đã mất vợ. Hắn được thả về sớm do Giàng Páo đứng ra bảo lãnh vì anh biết rõ hắn là một người lao động lương thiện, một tay thợ rèn lành nghề, vì nặng đầu óc mê tín nên mới a dua theo bọn phản động. Cũng vì vậy, thời chống Mỹ, dân bản không xếp Xá Hừ vào diện phải cải tạo tại chỗ. Chuyện theo vua mất vợ của Xá Hừ mãi về sau người ta còn nhắc đến. Cũng như người ta mãi còn nhắc đến chuyện đi phá vụ xưng vua mà được vợ của Páo. Nhưng thôi, đó là chuyện cũ, Páo chỉ muốn quên đi.
Ngoài sân, Thào Mỉ vẫn lặng lẽ đứng trông con ngựa ăn cỏ. Cô gái vuốt ve cổ con vật, sục bàn tay vào bờm của nó. Thào Mỉ có khuôn mặt trắng hồng, đôi mắt lúng liếng chưa hề biết đến nỗi buồn.
Páo hỏi Xá Hừ:
- Anh bằng lòng cho Thào Mỉ xuống tỉnh đi học chứ ?
- Anh Páo ạ, cây có một cành, tôi chưa biết tính sao đây ? Ai sẽ nấu cơm cho tôi ăn, ai sẽ thổi bễ cho tôi rèn dao, rựa ? Với lại, chắc gì nó được cử đi ?
- Dân bản Pa Ưm cử nó đi chứ ai nữa ?
- Trên bản còn có xã. Chủ tịch Lỳ Choóng bảo nó là con một tên phỉ cũ. Đồn phó Giang cũng bảo thế. Còn tôi, tôi cũng mong họ gạt nó ở lại.
Páo gừm một tiếng trong cổ họng. Anh không muốn bàn về ý kiến của cán bộ xã trước mặt Xá Hừ. Anh gọi Thào Mỉ vào, hỏi nhẹ nhàng:
- Cháu có thích về xuôi đi học làm kế toán không ?
- Úi, cháu thích chứ ! Cháu muốn được như cô Xay Xua, đi thật nhiều nơi.
- Ấy, con trai Mông còn có nhiều anh không dám xa nơi bản làng, vậy mà cháu...
- Cháu đi, cháu đi !
Thào Mỉ cắt ngang lời Páo, hai chân nhún nhảy ra vẻ làm nũng.
- Được rồi. Lúc nào cháu về tỉnh để vào trường, chú sẽ cho hai bố con mượn ngựa. Nhưng cháu phải biết rằng về dưới ấy, đường bằng phẳng, không có dốc cho cháu leo, cháu sẽ đi mỏi chân đấy.
- Chú ơi, con ngựa Mông Cổ của chú cao vỗng, cháu sợ lắm.
- Sợ gì ?
- Sợ vòm lá hai bên đường gạt ngã. Đi ngựa nhà, chui luồn qua rừng nào cũng lọt. Còn con ngựa của chú, cháu đã cưỡi thử mấy lần, nó phóng như bay, cháu mà không kịp nằm xoài trên lưng nó, cúi đầu xuống thấp hơn đầu nó thì đã bị gạt phăng xuống vực rồi.
Páo không giấu nổi vẻ ngạc nhiên:
- Cháu cưỡi thử ngựa của chú hồi nào ? Bao giờ đến nhà này, chú cũng buộc ngựa trước sân mà!
Lúc này, Xá Hừ xen vào câu chuyện:
- Thằng Lầu Chư nhiều lần dẫn ngựa đi tắm đều ghé qua đây. Chúng nó đổi ngựa cho nhau cưỡi là chuyện thường.
Thấy Thào Mỉ tự nhiên đỏ mặt, Páo nháy mắt bảo Xá Hừ:
- Này, tôi nói trước cho mà biết, anh không khéo giữ để lính biên phòng dắt ngựa đến rồi dắt con gái anh đi, đừng có lên đồn kêu kiện với tôi.
- Có giỏi cứ bảo thằng Chư đến mà cướp vợ. Tục lệ dân Mông ta cho phép mà. Chỉ sợ lúc tôi đuổi kịp, tôi nện cho mềm hơn thịt băm.
Thào Mỉ lập tức giúi đầu vào ngực bố: "Bố ơi, bố làm cho con xấu hổ quá". Xá Hừ khẽ ẩy con gái ra, nói:
- Mày tưởng tao không phân biệt được cách bấm đèn pin của thằng Chư lúc nó mới ló ra đầu dốc chăng? Tao lại không nhận ra tiếng kèn môi thầm thì của nó giữa đêm khuya ấy à ?
Một nụ cười độ lượng lướt trên khuôn mặt rám nắng của người thợ rèn:
- Con gái ơi, mày có nâng vách gỗ cho đứa nào lọt vào buồng riêng của mày, bố cũng mặc. Tục lệ ông bà cho phép con mà, chẳng việc gì con phải xấu hổ.
Đến lúc này, Mỉ ù té chạy. Xá Hừ nói nhỏ với Páo:
- Tôi xem chừng hai đứa quyến luyến nhau như gió với rừng già. Đẹp đôi đấy, anh Páo ạ. Anh có biết chuyện ấy không ?
Páo không giấu nổi vẻ bối rối. Quả thật, chuyện ấy, anh không biết. Anh chuyển giọng xuề xoà, cố khoả lấp vẻ lúng túng của mình:
- Mà chuyện ấy chẳng có gì là lạ. Từ đời ông bà đến giờ, con trai Mông chúng ta, ai chẳng một vài lần được con gái dỡ tấm gỗ vách cho vào nằm chung ? Ngày trước, anh cũng vậy chứ gì ?
Nói xong, Páo biết ngay mình lỡ lời. Quả nhiên, vừa nghe nhắc lại chuyện cũ, Xá Hừ sa sầm nét mặt. Anh thợ rèn với tay cầm ống điếu, mấy ngón tay cứ run run. Páo tự trách mình không nhớ được cái điều đơn giản là lúc nói chuyện với Xá Hừ đừng động đến việc riêng của anh ta, đừng chạm vào nỗi đau của anh ta, nỗi đau không bao giờ thành sẹo.
Thực ra, về chuyện trai gái, Xá Hừ đã có một thời trai trẻ ngang tàng đấy chứ ! Chẳng thế mà trai bản Pa Ưm bao nhiêu năm cứ truyền tụng mãi về chuyện đi cướp vợ giữa ngày hội của anh ta, với một niềm tự hào như là chiến công của chính họ.
Páo còn nhớ năm ấy anh còn là một chú bé mười hai, mười ba tuổi, nghe trai bản Xín Chải rục rịch đi dự ngày hội "gầu tào" ở bản Ma Can, cũng lẳng nhẳng bám theo các bạn lớn. Páo vốn giỏi đánh quay, nhưng vì nhà nghèo, anh chẳng có quần áo tốt, chỉ mang theo một con quay to bằng nắm tay và sợi dây "pò mạ" dài hàng sải. Páo chỉ mong được thi tài ở một nơi xa, nơi anh hi vọng gặp đối thủ ngang tầm. Đám trai bản Xín Chải kéo qua bản Pa Ưm thì gặp anh thợ rèn Xà Hừ đang thắng yên cương cho con ngựa của mình, quanh đó đã có vài ba người nữa đang cho ngựa ăn cỏ. Đi quá lò rèn, đám trai bản Xín Chải bàn tán sôi nổi về một cô gái nào đó ở Ma Can tên là Mí Hờ, người đẹp, múa khéo có tiếng, nói chung đó là con người mơ ước của bao nhiêu anh con trai Mông làng xa, bản gần khắp vùng Phùng Khen. Và điều người ta bàn nhiều là anh thợ rèn trẻ tuổi Xá Hừ cũng mê say cô gái. Người ta biết rõ chàng trai mười tám tuổi này đã nhiều lần cất công hàng ngày đường đến tận Ma Can, mang kèn môi ra thổi bên vách buồng cô gái bao nhiêu đêm mà chưa lần nào được cô ta nâng vách gỗ cho vào buồng. Anh chàng không vì vậy mà nản chí. Hội "gầu tào" năm nay ở Ma Can âu cũng là một dịp để chàng trai si tình ngắm người đẹp.
Hội "gầu tào" đúng như tên gọi của nó là ngày hội "đi chơi ngoài trời". Khen ai khéo chọn đám bãi bằng, cỏ xanh ngăn ngắt làm nơi tụ họp con trai, con gái Mông xa gần đến vui chơi, dù có xa hai, ba ngày đường cũng chẳng quản. Con trai thảy đều mặc quần áo mới, xếp nếp phẳng phiu, tay cầm khèn, vai đeo bầu rượu. Con gái bận váy, áo hoa, sặc sỡ những viền mới nẹp. Những chiếc ô màu đen chen lẫn ô màu hồng kết thành từng cụm lượn lờ đó đây. Chỗ này người ta đấu võ, chỗ kia thi bắn cung, bắn nỏ; ở rìa bãi có hàng chục con ngựa sẵn sàng lao vào cuộc đua. Páo bỏ qua tất, anh tìm đến sân đánh quay. Thì ra người giỏi đánh quay ở các nơi cũng không nhiều. Páo thắng các đối thủ quá dễ dàng, đâm chóng chán. Đã gần về trưa, nhưng trời cao nguyên vào dịp tết Mông vẫn lững lờ sương khói, bước chân người tưởng chừng không bén cỏ xanh. Bấy giờ Páo mới để ý đến tiếng khèn trầm bổng đâu đây, vội tìm đến bãi múa khèn. Những nấm ô nhiều màu thấp thoáng bên một vườn hoa lê nở trắng trời cuốn hút chân Páo. Đến nơi mới thấy dưới tầng hoa lê trắng, còn một tầng hoa đào. Tiếng khèn nghe gần cứ uốn lượn, bay bổng, say đắm lòng người với sức cuốn hút lạ lùng.
Páo chen được vào phía trong vòng người, đứng mép bên một gốc đào cao không quá một đầu một với. Ngay trước mặt Páo, phía bên kia sân, một cô gái Mông đứng cạnh một gốc đào, chỉ thấy lưng mà chẳng thấy mặt. Chiếc ô màu hoa cà trong tay cô gái xoay nhè nhẹ như vẫy gọi ai đó, như đợi chờ. Chỉ một lát sau, một anh con trai bước ra, tay cầm khèn. Phải nói là anh ta đẹp trai, vóc người cân đối, khuôn mặt vừa thanh thoát vừa đằm. Chàng trai đến sau lưng cô gái, dùng ngón tay gõ khẽ vào chiếc ô. Ngay lập tức cô gái quay mặt lại, liếc nhìn chàng trai rồi thong thả từng bước một, bước ra giữa sân. Cô đi tới đâu, chàng trai di chuyển theo tới đó, tay đưa khèn lên miệng thổi, hai chân nhún nhảy lượn vòng quanh cô gái. Chiếc khăn màu hồng trong tay cô gái cứ múa lượn trong khoảng không như vẫy gọi tiếng khèn. Páo nhớ lại cảm giác sững sờ của anh trước vẻ đẹp đằm thắm của cô gái. Cái nhìn của cô hướng về anh con trai có cái vẻ mờ ảo mà quyến rũ, tưởng chừng từ trong đôi mắt dịu hiền kia toả ra nguồn sáng làm cho gương mặt của bạn nhảy rạng sáng bừng lên. Và tiếng khèn khi vút lên khi trầm hẳn xuống kia không phải phát ra từ bộ ống trúc óng ả trong tay anh con trai mà là tia lửa lóe lên từ ánh mắt hai người chập lại, chạm vào nhau. Có tiếng ai thì thào ngay sau lưng Páo: "Mí Hờ đẹp hẳn lên khi hát múa với người yêu". Thì ra người mà Xá Hừ say mê nhưng không tán đổ nổi là cô Mí Hờ này đây, Páo nhủ thầm như vậy. Páo chợt nhìn quanh, đưa mắt nhìn Xá Hừ trong đám đông nhưng chẳng thấy. Điệu múa khèn đã chuyển dần vào nhịp say nghiêng ngả. Anh con trai quay tròn hàng chục vòng liền, vừa quay vừa đá chân, đánh gót. Lúc này Mí Hờ vừa múa khăn vừa hát, nhịp điệu nhanh hẳn lên. Đang lúc tiếng khèn réo rắt nhất, anh con trai bỗng dừng phắt lại, quỳ xuống đất rồi ngồi hẳn lên hai gót chân. Chiếc khèn ấp trước ngực, anh ta mềm mại uốn ngửa người ra phía sau, uốn mãi cho đến lúc mái tóc chạm đất và đôi môi của anh ta ghé sát bát nước để sẵn. Anh ta khẽ nhấp một ngụm nước rồi từ từ ưỡn người ngồi thẳng dậy, hai tay vẫn ấp chiếc khèn trước ngực. Tiếng hát của Mí Hờ lúc này lại ngân vang như ngợi khen, khuyến khích bạn tình. Anh này lập tức bung người lên lộn một vòng rồi nhẹ nhàng đứng thẳng dậy trong tiếng trầm trồ cuả hàng trăm người dự hội.
Tan hội "gầu tào", Páo theo chân các anh lớn lên đường trở về bản, tâm trí còn vấn vương mãi hình ảnh đôi trai gái múa khèn. Nghĩ đến người con gái đẹp có tên là Mí Hờ, tự nhiên Páo nhớ đến Xá Hừ, anh thợ rèn thắng ngựa đi hội nhưng chẳng thấy tăm dạng ở đâu cả. Trời vừa xẩm tối thì bỗng Páo nghe phía sau vẳng tiếng vó ngựa rầm rập. Một toán bốn con ngựa nối đuôi nhau phóng xuống chân dốc. Đàn ngựa lao tới, con nào cũng chúi đầu xuống, tai chụm lại. Chúng lồng về phía trước như có bầy sói đuổi sau lưng, tưởng chừng đất cứ trượt đi dưới vó. Đám trai bản Xín Chải dạt vội sang mép đường, xô đẩy nhau túi bụi. Có ai đó thốt lên: "Giàng ơi, thằng Xá Hừ bắt được vợ rồi!" Páo mới kịp nhận ra con ngựa đi đầu là của Xá Hừ, con vật ngực rộng, mông hẹp, có bộ lông mới thay mượt mà, bóng nhẫy thế mà đã vút qua trước mặt. Páo chỉ kịp nhìn thấy Xá Hừ rạp mình trên yên, chồm hẳn lên một thân hình vắt ngang. Thoáng nhìn chiếc váy hoa bay giạt về phía sau, Páo biết người con gái bị cướp đúng là Mí Hờ thật. Toán người ngựa lao vút lên con dốc tiếp theo, bóng hút mờ trong ánh chiều sẫm, chỉ thấy lóe lên những tia lửa từ làn sóng móng sắt xẹt trên sỏi đá. Mãi đến khi bóng đêm đã trùm xuống cao nguyên mới thấy một toán ngựa thứ hai từ hướng Ma Can đuổi theo. Lại một phen người đi đường nhảy bổ ra hai bên tránh. Đám trai bản Xín Chải được một trận cười. "Bây giờ thì Xá Hừ đã làm xong lễ cúng ma nhà, bố mẹ Mí Hờ chỉ còn đến để nhận lời chào của con rể mà thôi !".
Mí Hờ trở thành vợ Xá Hừ từ đó. Sau này nghe nói người nhà cô gái có kêu kiện với chính quyền nhưng cũng chẳng đi đến đâu. Bởi lẽ, phong tục Mông cho phép Xá Hừ làm như vậy; có con gái không biết giữ, chẳng thể kêu vào đâu. Hơn nữa, hồi ấy thổ phỉ và đặc vụ Tưởng còn đầy rẫy trong rừng Phùng Khen, bản thân chính quyền thôn, bản cũng bị uy hiếp. Người ta bảo nhau: "Làm việc từ từ thôi, biết ngày mai con trâu nào húc ngã con trâu nào".
Chiến công nổi tiếng của Xá Hừ là thế. Rồi họ cũng có con có cái với nhau. Thào Mỉ ngày nay còn thừa hưởng vẻ đẹp của mẹ. Mà vẻ đẹp ấy cũng ngắn ngủi thôi. Chú bé Páo ngày ấy nhiều lần đi ngang qua lò rèn đã phải ngạc nhiên vì gương mặt rầu rĩ của Mí Hờ lúc chị đứng thụt bễ cho chồng nung sắt. Cho đến lúc Páo nhập ngũ, hình ảnh người phụ nữ cứ héo dần héo mòn đi ấy còn gợi mãi lòng thương cảm ở trong anh. Năm 1961, có tin ngoài rừng Pa Ưm đang nhen nhóm một vụ xưng vua nổi phỉ. Đơn vị công an vũ trang của Páo đóng ở xa được điều lên cao nguyên Phùng Khen. Đợt vận động quần chúng khá là vất vả, nhưng cuối cùng lẽ phải của cách mạng vẫn có sức thuyết phục lòng người. Bọn phản động do tên đặc vụ Vàng San kích động định gây ra vụ bạo loạn, cuối cùng bị cô lập. Đám xưng vua bị dẹp tan. Binh nhất Giàng Páo được biểu dương là một chiến sĩ tích cực trong công tác vận động quần chúng, dũng cảm trong chiến đấu. Về sau, người ta mới biết, chính trong đợt tiễu phỉ ấy, đời sống tình cảm riêng của Páo đã trải qua một sự xáo động ghê gớm. Nhưng ở đây, ta đang nói chuyện về Xá Hừ. Anh thợ rèn này thoát chết nhưng bị mất vợ. Vì nghe theo lời mê hoặc của bọn phản động, anh ta đã đem cả vợ con đi đón vua Mông. Trong lúc anh được cắt cử hầu bếp nước ở tầng dưới thì Mí Hờ được hưởng phần cao sang hơn là hầu cơm nước cho vua tận trên lầu ba. Tan đám nhen nhóm gây bạo loạn, tên đóng vai vua, vốn được Vàng San kéo từ bên Lào về, chạy thoát, mang theo cả Mí Hờ, được Vàng San dẫn dắt trở lại Bắc Lào. Niềm an ủi duy nhất đối với Xá Hừ là tìm lại được con gái. Bé Thào Mỉ mới lên ba, bị rớt lại trong rừng, giữa cuộc tháo chạy. Trung sĩ Chân đã lượm được em bé, đem về đơn vị nuôi. Khi Xá Hừ được tha, đơn vị giao Thào Mỉ cho anh ta luôn. Vết thương lòng của Xá Hừ tuy có dịu đi phần nào do có đứa con ngày đêm quấn quýt bên bố, nhưng chẳng bao giờ kín miệng. Hễ ai vô tình đụng đến chuyện cũ, lập tức Xá Hừ sầm mặt lại.
Hai người ngồi cạnh nhau, im lặng hồi lâu, tưởng chừng mỗi người đang theo đuổi một ý nghĩ riêng. Thực ra, họ đang cùng quay về câu chuyện quá khứ. Páo nhận ra điều đó khi Xá Hừ chấm dứt dòng suy nghĩ, bật lên lời đầu tiên, thoạt nghe như lời anh ta nói ra không dính dáng đến chuyện riêng của anh ta:
- Tôi nghĩ mà thương cán bộ Chân. Tuổi tác nhỉnh hơn anh mà chẳng thấy vợ con gì cả.
- Anh ấy có vợ rồi, ở tận dưới xuôi kia - Páo trả lời mau mắn.
Thì ra Xá Hừ cũng biết đánh giá con người. Ăn quả lê thơm, ba năm còn nhớ, người ta nói quả không sai. Chẳng ngờ, câu tiếp theo của Xá Hừ làm cho Páo ngỡ ngàng:
- Cán bộ Kinh cũng có người giỏi chịu nhục đấy chứ ?
- Hử ? Nhục cái gì ? Ai chịu nhục ?
- Có phải cách đây bảy, tám năm khi anh còn là đồn phó ở đây thì cán bộ Chân đã là đồn trưởng đồn biên phòng Ma Ly Pho không? Trước đó, hồi bên kia sang làm đường Hữu Nghị tôi sang bên ấy kiếm sắt rèn dao tôi đã gặp. Cán bộ Chân đúng là lên xe, xuống ngựa. Có xe ba bánh hẳn hoi nhé. Tôi mon men tới gần trạm cửa khẩu, thấy tận mắt người Trung Quốc rất trọng nể cán bộ Chân. Xe cộ nào qua lại, dù ông to, ông nhỏ gì cũng phải trình giấy. Vậy mà cũng có xe phải ở lại để khám xe đấy. Không dễ dàng như ở đồn Xín Chải đâu.
- Ô hay! Bên ấy có đường trục ô tô, bộ đội Trung Quốc sang làm đường dù là bạn bè cũng là người nước khác. Còn ở ta, chỉ có dân ta qua lại cửa khẩu... Mà anh nói tới chuyện đó làm gì ?
Xá Hừ như không để ý đến câu hỏi của Páo, tiếp tục nói:
- Bây giờ cán bộ Chân là người như thế nào ? Chẳng còn là đồn trưởng, đồn phó. Cũng chẳng còn xe, còn ngựa. Thỉnh thoảng qua đây, trông vẻ xơ xác, rõ ràng là cán bộ hạng bình toong túi dết. Chỉ hơn thằng em tôi bên kia là không phải ngày ngày đi cắt cỏ ngựa cho công xã.
- Dào ơi, cán bộ không làm việc này thì làm việc khác, sao lại gọi là chịu nhục được ?
Chợt nhớ tới mục đích mình tới đây để thăm dò mối manh bọn tàn phỉ và đặc vụ cũ, Páo bung ra một câu nói lơ lửng:
- Chừng nào biên giới chưa yên ổn, dân bản còn thấp thỏm lo ngại trước những hoạt động của bọn xấu, loại như Vàng San ngày trước thì anh em cán bộ biên phòng chúng tôi còn phải chịu khó, chịu khổ...
Xá Hừ cắt lời Páo, giọng đanh hẳn lại:
- Vàng San ư ? Nhẽ ra, hồi ấy các anh đừng trao cho bên kia. Đành rằng "Cách mạng văn hóa" họ trị đến nơi đến chốn, có thể chặt đầu nữa là khác, nhưng...
Nói nửa chừng, Xá Hừ chậc lưỡi, có vẻ tiếc rẻ:
- Nói thật, hồi ấy khi thấy các anh dẫn nó qua đây, tôi đã định vớ lấy súng kíp, nổ cho nó một phát. Không có nó, gia đình tôi đâu đến nỗi tan tác.
Lại trở về chuyện cũ, Páo tìm cách nhanh chóng lảng tránh. Anh vội vã đứng dậy chia tay Xá Hừ ra về, bụng nghĩ: "Thì ra Xá Hừ chưa có liên hệ gì với tay thợ săn lạ mặt nghi là Vàng San !". Anh thợ rèn đi theo Páo ra ngoài sân, chợt nói:
- Quên mất, vợ anh ở dưới huyện vừa về nhà chiều hôm qua. Anh ghé qua nhà, thế nào cũng gặp.
Páo không giấu vẻ vui mừng, nhảy phóc lên lưng ngựa.