Q
uả bóng của một đám thanh niên mới đến bay vèo qua trước mặt đưa mình trở lại thực tại. Mình vẫn buồn vì chị Linh không vui, chị thất vọng vì cách cư xử bị cho là thô thiển của mình. Chị đã từng dạy mình phải biết ẻo lả đôi chút với đàn ông cho dù họ là ai đi nữa. Sau buổi chiều hôm đó thầy Tô và chị Linh cũng ít gặp nhau, chị thì ngại vì cô em họ của mình cư xử không nhã nhặn với người thầy đáng kính, còn thầy Tô nghĩ gì thì có trời mà biết, chỉ nghe chị Linh kể rằng qua điện thoại ông ấy nói là ông ấy bận nên không có thời gian gặp chị cho những đề tài mà chị đang bị bế tắc.
Mình thương Linh vì chị ấy rất tốt với mình, chị chăm lo chu đáo cho hai đứa em đang còn đi học. Chị là người hướng dẫn cho mình từng li từng tí cách sống của người Sài Gòn và người Miền Nam nói chung. Ngày mình vừa bước chân vào chốn này, cái cảm giác lạ lẫm làm mình sợ, mọi người đều hối hả với công việc riêng của họ, đường phố thì tấp nập lúc nào cũng chật kín với những dòng xe máy nườm nượp qua lại và những chuyến xe buýt đi đi về về. Linh đã chở mình đến trường trong những ngày đầu mình không thể ngồi trên xe buýt. Xe buýt cho sinh viên ở đây lúc nào cũng chật kín người gây cho mình cảm giác ngột ngạt. Ngày còn ở tỉnh với ba mẹ, cuộc sống có vẻ dễ chịu hơn nhiều; mình có những không gian rộng hơn để mà thưởng ngoạn. Những con đường vắng không có nhiều xe và những làn gió từ biển vào làm bay làn tóc rối. Mình thích cảm giác ngồi trên chiếc xe đạp lượn qua những con đường vắng dọc bờ biển, gió cứ thổi xốc làm tóc mình không thể nằm yên một chỗ, chúng tạo thành hai làn sóng dập dờn bay về phía trước mặt che khuất tầm mắt làm tay lái lảo đảo nhưng mình không bao giờ ngã hoặc có ngã thì cũng chẳng hề hấn gì vì đoan chắc rằng ở phía sau chẳng có chiếc xe nào đang lao về phía trước. Còn ở Sài Gòn bạn phải tập cách sống biết quan sát và cẩn thận khi bước chân ra khỏi nhà. Xung quanh bạn là một cộng đồng khổng lồ mà nơi đâu cũng thấy người và người. Linh còn dạy mình cách sắp xếp để có một cuộc sống sinh viên hiệu quả... từ việc nhớ những địa chỉ nhà sách, thư viện cho đến tên của những quán ăn sinh viên vừa ngon vừa rẻ. Chị dạy mình cách làm những món ăn nhanh để tiết kiệm thời gian. Nấu ăn quả là một cực hình với mình, ba ngày đầu tiên mình nấu ăn đều làm anh chị lắc đầu nguầy nguậy. Ngày đầu tiên món canh chua quá chua không thể nuốt được, ngay cả mình cũng phải buông đũa mặc dù cũng đã cố gắng giữ cho nét mặt không nhăn nhó trước hai “tiền bối” đang ngồi trước mặt, anh Long luôn dễ chịu với mình “thôi, lần sau cố gắng hơn em nhé”; ngày thứ hai cũng chẳng khá hơn tí nào, con cá chiên cháy đen còn khói thì bốc ngùn ngùn, lần này anh Long chỉ lắc đầu mà không hề bình luận gì cả còn chị Linh thì bắt đầu lên chương trình dạy nấu ăn cho mình sau ngày hôm đó. Linh nói mẹ mình đã chiều mình quá sinh hư. Quả đúng như vậy, từ nhỏ mẹ đã không dạy mình nấu ăn mặc dù mẹ là đầu bếp hạng nhất trong suy nghĩ của mình, mẹ con mình không nói chuyện nhiều với nhau, có lẽ mình đã là đứa trẻ quá lầm lũi. Căn phòng trên gác là chốn riêng tư của mình sau giờ học, không ai được phá vỡ cái thế giới riêng tĩnh mịch ấy. Mẹ hay tâm sự với cô em gái còn với mình thì không, mẹ chăm sóc cho mình từng li từng tí, mẹ vui vì dù sao mình vẫn là niềm tự hào vì kết quả học tập khá tốt. Mình luôn đứng đầu lớp, mình đoạt nhiều giải thưởng trong những kì thi tổ chức ở địa phương, mình thi đỗ vào những trường điểm và luôn nằm trong top đầu. Những bậc cha mẹ khác trong khu phố vẫn lấy mình làm gương cho con cái họ. Khi mình vào lớp mười cũng là lúc một cô bé đang ở tuổi trăng tròn. Ngọa Lan trong mắt mọi người trở nên xinh đẹp lạ thường. Làn da căng mịn và hồng hào hẳn lên, mình cao lớn thấy rõ và chiếc gương cao một mét trở nên quá nhỏ bé với mình. Ba mẹ đã thay cho mình một chiếc tủ gỗ cao hai mét và dĩ nhiên là chiếc gương cũng cao từng ấy. Mình vui vì có thể nhìn toàn bộ các đường nét trên cơ thể một cô gái đang từng bước trưởng thành. Các bức thư nặc danh cũng đến thường xuyên hơn nhưng mình chẳng quan tâm chúng đến từ đâu. Mình có mở ra xem và cười khanh khách trên những lời tán tỉnh nghe ngọt ngào nhưng sáo rỗng. Mình thu nhặt các lá thư từ song sắt cửa chính và đoán là của những anh chàng ở trong cùng khu phố. Gần khu nhà có một trường Cao Đẳng và chính vì lẽ đó nên sinh viên nam cũng rất đông. Những Romeo này chắc cũng từ họ mà ra. Trong những bức thư có hẹn giờ gặp nhau ở đâu đó nhưng mình đã không đến vì mình không biết họ là ai và có lẽ mình không hề thích thú với những chuyện yêu đương này. Mình chỉ xếp những lá thư và cất theo thứ tự trong một cái va-li gỗ của ông mình để lại. Có căn bệnh gì đó ở mình chăng, mình ngại thế giới bên ngoài, mình hạn chế ra đó với một người lạ. Mình có thể đi dạo trên những con phố một mình nhưng lại không thích tiếp xúc với một ai đó muốn bắt chuyện. Mình không tìm được câu trả lời cho vấn đề của bản thân và mình đã đưa ra một kết luận để vin vào và để không cảm thấy xấu hổ với chính cái sự khép kín ấy. Đó là: Hạnh phúc sẽ không bao giờ đến với mình và nếu có đến thì cũng ra đi vội vàng, vậy nên đừng bao giờ đón nhận để rồi phải nén chịu nỗi đau.
Mình cũng cảm thấy thật nực cười với chính cái kết luận mà mình đưa ra. Nếu các bạn nhìn vào tôi, tôi đoan chắc rằng ai cũng nghĩ Ngọa Lan không có điều gì phải phiền muộn; cô ấy xinh xắn, thông minh và có một gia đình hạnh phúc với một người cha và người mẹ tuyệt vời. Đúng rồi, không phải như vậy, nhất định không phải như vậy. Ngọa Lan đã từng vui tươi, bay nhảy như một con chim non trên bầu trời tự do nhưng cái gì đã kìm hãm cảm xúc và lấy đi những năm tháng vô tư của cô ấy?
Dòng suy nghĩ miên man đưa mình trở về với dòng sông ấy nơi ngày ngày ông bà nội đã gánh từng chậu nước tưới cho luống hoa màu mà cả hai ông bà đã dày công chăm bón. Nhà ông bà ở gần một con sông nhỏ, nhỏ đến nỗi người ta gọi nó là Sông Bé. Hai bên bờ sông là khoảng đất công khá rộng và mỗi hộ sống dọc bờ sông được chia một khoảnh nhỏ theo quy mô hộ. Ông bà nội đã nghỉ hưu, thời gian nhàn rỗi ông bà nhận miếng đất công để trồng trọt cho vui. Ngày ấy, sự ra đời của đứa cháu đầu tiên là niềm hạnh phúc khôn siết của đại gia đình. Ngọa Lan là cái tên mà ông đã đặt cho đứa cháu gái kháu khỉnh, sau này mình mới biết tại sao ông lại đặt cho mình cái tên nghe lạ như vậy. Trước năm 1954, ông cùng hàng vạn thanh niên khác từ Miền Trung tập kết ra Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp trong Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Và trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ sắp diễn ra, ông cùng một số đồng đội phải thường xuyên được gửi đi huấn luyện ở Tân Trào, Tuyên Quang. Khu vực này đường đi hiểm trở, đầy dốc núi và trong một tai nạn ở hốc núi, ông cùng hai đồng đội khác đã được một cô gái người dân tộc Thái cứu sống. Cô gái Thái xinh đẹp, làn da trắng muốt như loài hoa lan rừng đã đưa ba anh bộ đội về lán trong một bản nhỏ để chữa trị vết thương. Vài ngày sau khi vết thương đã lành, những người lính cụ Hồ chia tay cô gái và hẹn ngày tái ngộ. Trước khi rời bản, ông mình không quên hỏi tên ân nhân và gửi lời cảm ơn chân tình. Ông hứa sau ngày giải phóng sẽ trở lại thăm cô và bản làng. Thế nhưng theo lời bà mình kể lại, sau năm 1975 trước khi chuyển hẳn về Phú Yên định cư, hai ông bà đã từ Hà Nội trở lại Tân Trào để tái ngộ vị ân nhân năm xưa. Bản làng xơ xác và người con gái mang tên Ngọa Lan đã hy sinh trong một lần đi tiếp lương cho bộ đội ở bản bên cạnh. Ông mình đã cất giữ kĩ bức ảnh của cô gái trong chiếc va li gỗ bây giờ là vật sở hữu của mình. Mình không thể xinh đẹp và anh dũng như cô gái miền sơn cước năm xưa, người đã cứu sống ông mình nhưng mình tự hào vì ông đã cho mình cái tên ấy.
Ba mẹ mình sống chung với ông bà nội trong căn nhà nhỏ gần Sông Bé. Cả hai đều phải đi làm xa cho nên rời nhà rất sớm và về cũng rất muộn. Ngọa Lan suốt ngày chơi với ông bà, mình gần gũi ông mình hơn vì mình vô cùng thích đám rau củ mà ông trồng. Mình và ông hay ra cái vườn nhỏ bên bờ sông, sau khi tưới xong đám rau xanh mơn mởn, ông chọn một vị trí để ngồi câu cá, mình cũng ngồi bên cạnh ngắm nghía và nhìn ông sâu từng con mồi vào lưỡi câu. Ngày đó, mồi cho cá thường chỉ là những con giun đất hai ông cháu có được nhờ một cậu bé hàng xóm tinh nghịch. Anh ấy lớn hơn mình ba tuổi và đã đi học lớp Hai. Sau giờ học anh đi đào giun để câu cá và nếu đào được nhiều thì sẽ chia bớt cho hai ông cháu nhà hàng xóm; anh Minh sáng dạ và nhanh nhẹn như chính cái tên của anh. Anh ấy cũng hay chơi cùng mình mỗi khi ông bà đi vắng.Một trò chơi vô cùng cổ điển có tên “búng dây thun” là thứ bọn mình rất thích. Hai đứa luôn bắt đầu với mỗi bên có hai đoạn dây đan dài và dày được tạo nên từ mấy trăm sợi nhỏ nhưng sau mỗi trận đấu dài cả nửa ngày, tài sản của mình đều thuộc về anh ấy. Mình luôn thán phục Minh vì anh ấy giỏi trong mọi trò chơi. Anh ấy còn chỉ mình cách cầm ná nhưng ông mình cấm mình tiếp xúc với thứ đồ chơi ấy vì nó không nữ tính tí nào. Anh Minh luôn trở về sau khi cầm ná lượn một vòng qua khu vườn bao quanh một nhà thờ nhỏ cách đấy vài trăm mét và luôn trở về với một bọc trái keo. Loại này không giống bất cứ thứ hoa quả nào mình đã được ăn. Nó khô khốc và hơi ngòn ngọt nhưng mình rất thích vì Minh không dùng ná bắn chim hay bất cứ sinh vật bé nhỏ nào. Cả hai bọn mình đều không muốn thấy những con chim nhỏ yếu ớt rơi xuống đất và chết lịm đi như cái cách mà những thằng bé khác vẫn làm. Ba mẹ mình luôn thắc mắc tại sao đứa con gái của họ không bao giờ đòi hỏi một con búp bê hay một cái váy điệu đà nào. Nó chỉ thích ba mẹ mua cho nó càng nhiều dây thun càng tốt vì nó muốn có ngày sẽ thắng được người anh tài giỏi kia và đòi lại tất cả tài sản là số thun đã bị mất.
Một ngày kết thúc khi ông đưa mình vào giấc ngủ bằng một câu chuyện cổ tích... những câu chuyện dân gian Việt Nam và cả nước ngoài. Những Cô Bé Quàng Khăn Đỏ, Nàng Bạch Tuyết, Mụ Phù Thủy, cả Sọ Dừa, Tiên Ông, Cây Khế... đều đi vào trong những giấc mơ ngọt ngào của Ngọa Lan. Năm năm đã trôi qua như thế. Mình có một tuổi thơ sống bên ông bà và người ông đã chăm sóc mình hơn cả ba và mẹ có thể làm được. Ba mẹ luôn về nhà khi mình đang say giấc và khi tỉnh dậy họ đã đi làm rồi. Họ có thể xa mình một tháng cũng chẳng hề hấn gì nhưng nếu ông mình bỏ mình vài ngày để về Hà Nội thăm họ hàng thì mình sẽ khóc toáng lên và đòi ông trở về cho bằng được. Anh Minh rất thích được ông dắt cả hai đứa đi dọc trên bờ Sông Bé, ông hay chỉ lên bầu trời đầy sao và giải thích hình ảnh của chúng. Ông nói rằng những sao đổi ngôi không phải là những con tàu vũ trụ mà hai đứa vẫn tưởng tượng. Sao và trăng là những hiện tượng tự nhiên và bọn mình sẽ hiểu được sự hình thành của chúng khi được học ở trường. Ông có một đôi mắt hiền và nhân hậu nhưng cũng có cái nhìn nghiêm khắc và sắc lạnh. Mình vẫn không thể quên ánh mắt tàn nhẫn ấy khi ông trả cháu gái cho ba mẹ nó.
Năm đó mình đã được sáu tuổi và vẫn sống với ông bà trong khi ba mẹ mình đã chuyển về nhà mới.
Nhà mới của ba mẹ nằm ở khu vực gần biển. Nếu lấy Quốc lộ 1A chạy hướng Bắc Nam đoạn đi ngang qua thành phố Tuy Hòa dưới chân núi Nhạn làm mốc, đi về hướng Tây theo một con đường mòn nhỏ vài trăm mét sẽ thấy một xóm nhỏ ven sông cạnh một nhà thờ cổ, đó là nơi ông bà mình ở và ngược lại đi về hướng Đông chừng hai cây số sẽ là điểm cuối của thành phố này vì trước mắt chỉ thấy một bờ biển dài hun hút với những hàng dương chắn sóng đồ sộ. Ngày ấy khu vực này toàn là cát và sỏi đá, nhà cửa ở đây cũng thưa thớt, vì nhìn thấy sự phát triển trong tương lai nên ba mẹ mình mới quyết định mua một mảnh đất ở đây. Nếu ai trở lại nơi này mười năm sau sẽ không thể tìm được lối đi vì tất cả đã hoàn toàn thay đổi, tuy vẫn bình lặng và yên ả như xưa nhưng nhộn nhịn, có sinh khí và không đáng sợ như ngày trước. Sau khi nhà được xây xong, ba mẹ cùng em gái mình đã dọn về ở trước. Ba mẹ vẫn gởi mình cho ông bà chăm sóc một thời gian và dĩ nhiên là mình sung sướng vì không phải dọn đi đâu hết. Thế rồi cái gì đến rồi cũng phải đến, một ngày trước Tết năm Giáp Tuất(1994), đồ đạc của mình được gói ghém cẩn thận và ba mẹ đang ngồi nói chuyện với ông bà ở phòng khách. Ở trong buồng ngủ mình nghe rõ mồn một cái kế hoạch “chia rẽ” mà mình cho là tàn nhẫn nhất từ trước tới nay.
“Ngọa Lan sẽ rất buồn nếu bọn con tách nó khỏi ba mẹ”, giọng mẹ mình trầm đều.
“Nhưng nó sẽ quên các con nếu tiếp tục ở với ta và bà nó”, giọng ông cương quyết.
“Hay là bọn con sẽ đón cháu về khi cháu bắt đầu vào lớp Một và con sẽ tìm một trường gần nhà để cháu quen với ngôi nhà mới và không bị sốc khi xa ông bà”, ba mình nói thêm. Từ trước tới giờ ba vẫn là người ít nói nhưng lần này mình đã phải gật đầu liên tục theo từng lời nói của ông. Nếu mọi chuyện diễn biến đúng như những gì ba nói, mình sẽ nhảy cẫng lên vì sung sướng.
Tiếng nạt của ông nội làm mình thót tim.
“Người cha như mày thì chỉ tổ làm hỏng con bé thôi. Mày chỉ lo làm ăn mà quên hết cảm xúc của con gái mình. Mày nuôi nó hơn sáu năm rồi nhưng có biết nó thích gì và suy nghĩ gì không. Ngọa Lan là đứa dễ tổn thương nhưng rồi nó sẽ quen với cuộc sống cần có cha, có mẹ hơn là ông bà của nó. Ông bà sẽ thăm cháu vào cuối tuần. Ta không muốn nói thêm nữa, các con đưa cháu về dưới đi”, giọng ông trở nên sắc lạnh.
Mình vội vàng rời khỏi chiếc giường nhỏ bên cạnh bàn ghi chép trong phòng riêng của ông, chạy ra phòng khách sà vào lòng ông và van xin:
“Ông ơi cháu không muốn đi, cháu ở đây với ông. Cháu không về nhà ba mẹ đâu, nơi đó buồn lắm. Cháu thích chơi với ông và anh Minh cơ”.
“Sao cháu lại nói đó là nhà của ba mẹ. Đó cũng là nhà của cháu, cháu lớn rồi, cháu phải về nhà chơi với em Nhí và chuẩn bị đi học. Ta không có thời gian chơi với cháu nữa đâu. Ta và bà cháu sẽ ra Bắc thăm họ hàng một thời gian dài nên sẽ không có ai ở đây cả”.
“Ông nói dối, ông không muốn chơi với cháu nữa nên mới đuổi cháu đi. Cháu sẽ vâng lời ông, cháu không bắn dây thun cả ngày nữa, cháu sẽ không học cầm ná và không theo anh Minh ra sông bắt nòng nọc về nuôi nữa. Cháu đã biết nòng nọc không phải là cá con, nó chỉ giả vờ làm cá để lừa cháu thôi. Cháu sẽ ngoan hơn nòng nọc, cháu sẽ đọc sách và học viết chữ để không nhầm sao đổi ngôi và tàu vũ trụ nữa. Cháu sẽ may đồ cho búp bê, cháu sẽ thắt bím tóc và gắn những cái nơ trên đầu cho giống với Ly Ly và Thủy Tiên con nhà chú Kỳ. Cháu sẽ nghe lời ông mà...”.
Nước mắt mình bắt đầu rơi lã chã trên đôi gò má đang nóng dần lên. Mình tìm hết lời lẽ để van xin. Mắt ông đỏ rực nhưng ông không nói lời nào cả. Ông đứng dậy đi vô phòng trong lúc ba choàng tay ngang hông mình để bế mình ngồi lên xe. Mặc cho tiếng nấc ấm ức và nức nở của mình, chẳng ai nói gì, họ im lặng tiếp tục thực hiện những hành động tàn nhẫn chỉ có những người lớn mới nghĩ ra. Mình vẫn khóc liên tục như vậy suốt ba ngày tiếp theo dù mẹ đã dỗ dành ngọt ngào hết sức. Tối ngày thứ ba, ba mình đã không còn đủ kiên nhẫn nhìn đứa con gái cứ nằm khóc rưng rức trong phòng, ông đã đùng đùng ra khỏi nhà không nói lời nào. Ba mình là người như thế, ông lặng lẽ và không thể hiện nhiều tình cảm. Đối với ông, tình thương cho con chôn chặt trong tận đáy lòng. Ông chỉ biết cố gắng làm việc thật tốt để cho vợ con một cuộc sống đầy đủ nhất. Mình chưa bao giờ bắt gặp một ánh mắt âu yếm từ ông, một vòng tay ấm áp và cũng chưa một lần được ông ôm vào lòng từ khi mình ý thức được cuộc sống xung quanh. Mình vẫn luôn thắc mắc tại sao ba lại khác ba của ba đến thế. Phải chăng hình tượng người ông trong mình quá lớn, nó lấn át mọi tình yêu thương mà ba mẹ đang cố gắng tạo nên. Đến lúc này mình chỉ muốn quay lại ngôi nhà ven sông của ông bà và trong đầu không còn chỗ cho bất kì một suy nghĩ nào khác.
Đang thiếp đi trong giấc ngủ thì mình chợt tỉnh giấc vì có một bàn tay chạm vào mái tóc dài rối tung của mình. Mình mở mắt thì thấy ông nội đang ngồi trước mặt, mình bật dậy và sà ngay vào lòng ông, nước mắt lại chảy.
“Sao cháu tôi lại khóc sưng hết cả mắt thế này, Ngọa Lan thật là bướng bỉnh. Ba mẹ cháu cũng phải đầu hàng rồi đấy”, giọng ông nội thật nhỏ nhẹ.
“Vậy là ông sẽ cho cháu về với ông à?”, đôi mắt mình rạng rỡ hẳn lên.
“Chà chà... cháu thật là... vẫn không nghe lời ta. Thôi đừng khóc nữa, ông thương cháu nhất nhà. Từ nay hai ông cháu ta sẽ gặp nhau vào mỗi buổi sáng, ta sẽ cùng cháu ra biển để bơi. Như vậy cháu có thể gặp ta mỗi ngày và ba mẹ sẽ cho cháu về với ta vào cuối tuần. Như vậy đã được chưa hả cháu yêu của tôi?”
“Ông sẽ đưa anh Minh xuống đây chứ?”
“Ta sẽ... nhưng còn tùy thuộc vào việc nó có muốn hay không”
“Anh ấy sẽ đi mà, anh ấy đã hứa dạy cháu bơi sông. Bây giờ ảnh có thể dạy cháu bơi ngoài biển, anh Minh nói bơi biển dễ hơi bơi sông rất nhiều”, mình quả quyết và đến lúc này thì khuôn mặt đã tươi tắn hẳn lên.
Ông thật là vĩ đại, chỉ mất vài phút ông đã lấy lại nụ cười cho đứa cháu của mình. Đêm hôm đó, mình ngủ thật say và không quên dặn mẹ đánh thức mình dậy sớm để ra biển cùng ông.
Ông vẫn cầm tay mình và anh Minh đi dạo nhưng lần này là dọc theo bờ biển chứ không phải bờ sông như mọi lần. Từng đợt sóng lăn tăn vỗ vào chân của ba ông cháu. Anh Minh và mình thích thú vô cùng. Bọn mình cùng nhảy lên và reo hò theo tiếng sóng vỗ. Nước biển thật trong và xanh. Vào những ngày xuân và hè, biển càng đẹp rạng ngời vì phản chiếu màu trời xanh thẳm. Có quá nhiều câu hỏi về biển ông nội đặt ra cho bọn mình? Đại loại như: Tại sao biển có lúc trong xanh, có lúc lại đục ngầu? Tại sao mặt trời lại nhô lên từ biển và lặn xuống phía con sông nhà ông? Tại sao bơi biển lại dễ hơn bơi sông?. Hai đứa trẻ ngày ấy cứ tranh cãi nhưng không sao tìm được câu trả lời. Còn ông thì không bao giờ đưa ra đáp án. Ông nói đó là bài tập về nhà mà mình và anh Minh phải tìm cho ra câu trả lời. Khoảng khắc tuyệt vời nhất là lúc ba ông cháu cùng ngồi trên bờ cát ngắm mặt trời nhô ra từ vũng nước xanh khổng lồ kia. Mặt trời như quả cầu lửa khổng lồ sưởi ấm vạn vật. Nó xua tan cái se lạnh buổi sớm mai và làm cho làn nước trở nên long lanh như được dát thêm một lớp vàng. Khi ông mặt trời đã đi qua khỏi làn nước là lúc ba ông cháu rời khỏi bờ cát và ùa xuống biển để bơi. Lúc này nước biển đã ấm hẳn lên, anh Minh đã không gặp bất kì khó khăn gì để giúp mình có thể bơi được. Anh còn nghĩ ra hàng tá trò chơi mà chúng mình có thể chơi ở dưới nước. Mình vẫn thích nhất trò “cưỡi người cá”. Anh Minh đóng vai người cá vì anh ấy có thể di chuyển dưới mặt nước trong tư thế khom lưng. Mình chỉ việc đứng thăng bằng trên lưng anh ấy là có thể chuyển động như đang lướt đi trên mặt nước. Ông mình không tham gia vào những trò chơi ấy và thường ngồi trên bờ thả diều và quan sát bọn mình đang chơi đùa dưới nước.
Sáu tháng trôi qua thật nhanh kể từ lúc mình về nhà ở cùng ba mẹ. Mình đến trường vào đầu tháng Chín. Từ ngày đi học mình không gặp ông và anh Minh vào buổi sáng nữa, vì vậy mình luôn mong ngày cuối tuần đến thật nhanh để về nhà ông bà.
Trên đời này chẳng có hạnh phúc nào bất tận, nó đến rồi cũng sẽ đi. Hạnh phúc càng lớn lao thì nỗi đau càng day dứt. Những cái của ngày hôm qua sẽ không còn của ngày hôm nay và ngày mai. Trái đất vẫn cứ quay, mặt trời vẫn thức dậy vào buổi sáng nhưng ngày hôm qua không bao giờ có thể lấy lại được, mãi mãi không thể lấy lại được...
Ngày 14 tháng Tám Âm lịch ông mình đã ngồi trước hiên nhà, cặm cụi vót từng đốt tre để làm lồng đèn mặt trời cho mình. Tất cả những đứa trẻ hàng xóm đều được ba mẹ chúng mua cho lồng đèn ông sao nhưng mình lại thích một cái đèn lồng mặt trời đỏ rực. Mình yêu hình ảnh của mặt trời, ông ấy tỏa ra thứ ánh sáng diệu kì và là duy nhất trên thế gian này. Có hàng triệu ngôi sao trên bầu trời nhưng chỉ có một ông mặt trời mà thôi. Mặt trời gắn liền với kí ức về những tháng ngày ba ông cháu ngồi trên bờ biển trải dài cát trắng, chờ đợi từng tia nắng xuất hiện sau làn nước trong xanh kia. Nhưng tất cả đều thuộc về Ngày Hôm Qua...
Ngày 15 tháng Tám Âm lịch là ngày ác mộng của cuộc đời mình, của cả tuổi thơ mình đã đi qua. Cơn ác mộng quá lớn, nó làm mình đông cứng và thật không dễ dàng để gượng dậy. Ông đã ra đi vào chiều ngày hôm ấy khi đang tưới luống rau cuối cùng và chuẩn bị về nhà. Ông đã hứa dẫn mình đi dạo phố, xem biểu diễn múa lân tại nhà hát Nhân Dân và để mình có cơ hội khoe lồng đèn mặt trời mà ông vừa mới làm xong ngày hôm trước. Người ta gọi con ác quỷ đã mang linh hồn của ông đi xa mãi mãi với cái tên mình không thể hiểu nổi khi mới bảy tuổi, “đột quỵ ư?” là câu hỏi mình lặp đi lặp lại cho ba mẹ mình. Tại sao ông không đi bệnh viện, tại sao ông vẫn cười thật tươi vào ngày hôm qua nhưng hôm nay đã không còn, tại sao ông nằm đấy mà không nói gì với mình, tại sao lồng ngực mình chỉ muốn vỡ ra nhưng không có giọt nước mắt nào chảy xuống. Tại sao mình không thể quay lại ngày hôm qua để nói với ông rằng mình yêu ông nhất trên đời, ông là mặt trời của mình... duy nhất và mãi mãi. Mình đã bỏ lỡ Ngày Hôm Qua...
***
Mùa đông bắt đầu với những cơn mưa dầm dề không dứt. Mình không ra biển những ngày này vì biển đang động dữ dội. Những con sóng không hiền hòa như mọi ngày, chúng dâng lên thành từng đợt cao vút rồi cuộn lại đánh mạnh vào bờ, âm thanh vang rền như tiếng sấm sét. Mặt trời không buồn ló dạng, bầu trời tối đen u ám ngay cả ban ngày. Người ta đang báo động về một cơn bão lớn sắp đến trên cả ti-vi và đài phát thanh. Ở một tỉnh Miền Trung Việt Nam, mưa bão là chuyện không có gì làm lạ. Tất cả mọi người đều trong tư thế chuẩn bị đối phó. Thế nhưng bão năm đó quá lớn; sau bão, lũ lại ùn ùn kéo về làm cho mực nước dâng lên quá cao. Thị xã Tuy Hòa ngập trong nước lũ. Vì nhà nội ven sông nên mực nước trong nhà đã qua quá đầu người. Bà nội nhất quyết không chịu về nhà mình dù ba mẹ thuyết phục bằng mọi cách. Bà không muốn xa ngôi nhà khi tất cả những kỉ vật của ông và gia đình chưa được đưa đến nới an toàn. Ba mình không còn giải pháp nào khác là ở lại với bà còn mình thì bị kẹt lại vì mẹ mình không tới kịp để đón mình, con đường nhỏ vào nhà nội đã ngập trong nước lũ trước khi mẹ đến.
Khi nước bắt đầu dâng, ba mình và bà nội đã dốc sức cứu những kỉ vật của gia đình: chiếc va li gỗ của ông, bức ảnh ông trên tủ thờ và những đồ vật linh tinh khác lên tầng áp mái. Mình ngồi trên đó, nhìn xuống cầu thang gỗ lúc này đang dần mất dạng, phía dưới chỉ thấy một mảng nước đục ngầu. Sấm sét nổ liên hồi báo hiệu sắp có một cơn mưa nữa. Mình cất tiếng gọi: “Ba ơi, nội ơi... Mọi người đâu hết rồi”. Khoảng không im lặng một cách đáng sợ. Mình òa lên khóc sau những lần gọi thảng thốt mà không có một âm thanh nào đáp lại ngoài tiếng nước đang xoáy dưới chân cầu thang và tiếng lập bập của những đồ vật trôi trên mặt nước đánh vào những bức tường phía dưới. Mình ôm chặt bức ảnh của ông và nhắm mắt cầu nguyện trong sự tuyệt vọng. Đột nhiên phía dưới có tiếng nói vọng lên:
“Ngọa Lan, vô bên trong đi con. Ngồi đó lỡ mà ngã xuống thì làm sao. Ba và bà nội lên ngay bây giờ, tìm cho ba hai bộ đồ còn khô ”, giọng ba gấp gáp và đứt quãng.
Mình thở phào nhẹ nhõm và lau nước mắt. Mình lục tìm tất cả những thứ linh tinh được chuyển lên. Có vài bộ đồ nhưng chúng đã ướt sũng cả rồi. Mình trải chúng ra và dùng một chiếc quạt tay để hong khô. Trời bắt đầu tối, đường dây điện đã bị dứt khi cơn bão vừa đến. Nó đến trong sự ngỡ ngàng của tất cả người dân nơi đây.
Mười phút sau ba và bà mình quay về tầng áp mái. Hai người đã bị ướt sũng. Mình đưa họ những mảnh đồ vẫn còn ẩm ướt nhưng dù sao vẫn tốt hơn những bộ đồ cả hai đang mặc trên người. Bà mình lo lắng vì mực nước vẫn tiếp tục dâng và nếu không dừng lại thì ba con người ngồi đây cũng không thể sống sót được.
Lương thực duy nhất mà cả nhà có bây giờ là những gói lương khô đã ướt hết phân nửa.
Đêm hôm đó, không ai ngủ cả. Ba mình ngồi cạnh chiếc đèn dầu với vẻ mặt lo âu. Ông đang lo cho mẹ và em gái mình đang ở nhà. Mặc dù khu vực gần biển được cho là an toàn nhất trong thị xã nhưng điều đó không làm ba mình yên lòng. Ông là người đàn ông duy nhất trong gia đình nhưng lại vắng nhà trong thời điểm này. Dưới ánh đèn dầu khuôn mặt ông hốc hác thấy rõ. Ông nội mình ra đi vào mùa Thu và mùa Đông lại đến với những điều không may thế này. Thật không dễ dàng với ba mình - người con trai cả trong gia đình.
Bà mình vẫn ngồi cạnh cửa sổ nhìn ra bên ngoài, thỉnh thoảng từ khoảng không tối mịt mùng lại vang lên những âm thanh đáng sợ, một ai đó đang kêu cứu. Bà mình ôm chặt tấm ảnh của ông và cầu nguyện “Ông ơi, hãy giúp những người dân xóm này. Tôi và con không làm gì được rồi. Hãy phù hộ để nước rút đi, con trai và cháu Ngọa Lan của ông đang ở đây. Hãy cứu chúng!”. Chưa bao giờ không khí lại nặng nề thế này. Sự chết chóc bao trùm, cả khoảng không chung quanh chỉ toàn là nước lũ đang cuồn cuộn chảy.
Mình ngồi lặng đi một hồi lâu, miên man trong những suy nghĩ, thi thoảng những đợt gió lạnh lùa vào làm mình run lên. Khuôn mặt từng người hiện rõ trong tâm trí mình, lúc này mình muốn giữ chặt từng khoảnh khắc tươi đẹp nhất vì không biết ngày mai mình còn tồn tại trên thế gian này không, liệu mình còn gặp lại mẹ, em gái, anh Minh, Ly Ly, Thủy Tiên và những người bạn mới gặp ở trường. Họ đang làm gì và vẫn bình an? Nỗi sợ hãi vây chặt lấy mình, mình hình dung cái chết sẽ như thế nào, có đau đớn lắm không. Mình chỉ mới bảy tuổi, mình muốn đi học để trả lời cho ông mình những câu hỏi về mặt trời, sao, trăng và biển cả mà mình chưa tìm được lời đáp. Mình đi về phía ba và ôm ông từ phía sau. Mình chợt nghĩ ra đó là điều phải làm cho ngày hôm qua. Bà mình nói con người chết đi thì linh hồn vẫn còn đó, mình không muốn linh hồn mình phải hối hận cho những gì đã bỏ lỡ. Rồi mình tiến lại gần bà nội, sà vào lòng bà và thiếp đi trong giấc ngủ còn chập chờn nỗi lo âu...
***
Sáng hôm sau tình hình trở nên khả quan. Mực nước không tăng cao nữa và đã bắt đầu rút dần. Cầu thang gỗ đã dần ló dạng sau từng giờ trôi qua và tất cả đã thở phào nhẹ nhõm khi những hoa văn của nền nhà xuất hiện trở lại sau năm ngày chìm trong biển nước. Nước lũ đã rút hẳn, để lại bùn đất bám đầy trên nền nhà và các bức tường. Ngôi nhà trống trải không còn đồ vật gì còn sót lại. Cảnh vật bên ngoài hoang tàn, xơ xác. Cây cối ngả rạp khắp các lối đi. Mẹ và em gái mình vẫn bình an, mẹ đang giúp bà nội dọn dẹp nhà cửa trong lúc ba đi đến những nhà chung quanh xem có giúp được gì không. Mình sực nhớ đến anh Minh và vội vã chạy sang nhà anh ấy. Lần cuối mình gặp anh ấy đã cách đây một tuần khi bão vừa ập đến. Vừa ra khỏi cổng thì ba vừa về đến. Khuôn mặt ông báo hiệu một điềm không lành, ông bế xốc mình lên và đưa mình trở vô nhà.
“Anh sẽ đưa Ngọa Lan về nhà bây giờ”, ông nói với mẹ mình với một giọng điệu gấp gáp khi vẫn ghì chặt mình trên tay.
“Ba cho con xuống đi, con phải qua nhà anh Minh.” “Con sẽ gặp Minh sau. Bây giờ thì đi về với ba ngay”, ông gằn giọng.
Mình không hiểu tại sao ông lại có thái độ kì quặc như vậy. Bình thường ông vẫn dễ dãi với mình mặc dù không thể hiện nhiều tình cảm.
“Ba cho con gặp anh Minh đi mà, con muốn ra sông với anh ấy. Anh Minh kể với con là sau bão sẽ có những đàn cò dạt vào bờ sông, năm trước anh ấy đã cứu một con cò mẹ và một con cò con bị thương ở cánh và chân. Con đã học hai từ “Con cò” trong sách tập đọc, con muốn thấy những con cò tận mắt và cứu chúng. Ba ơi...”, mình cố sức nài nỉ mong rằng ông sẽ đổi ý.
Ba đặt mình xuống đất, mình toan chạy đi thì ông hét lớn:
“Con không được đi đâu hết. Minh chết rồi... chết thật rồi...”
Từng lời nói của ông như từng nhát dao đâm vào tim mình. Ngọa Lan đã đứng đó, lặng người...
“Minh bị lũ cuốn, người ta mới đưa nó về nhà. Con đừng qua đó... Về nhà với ba đi Ngọa Lan”
Cơ thể bé nhỏ như không thể đứng vững trên đôi chân đang run rẩy, mình khụy xuống, ngất đi trong khoảng không lờ mờ trước mắt.
***
“Ngọa Lan tỉnh dậy đi em”, có tiếng người gọi và một bàn tay đặt lên trán mình. Mình từ từ mở mắt. Anh Long đang đứng trước mặt, mình không biết đã thiếp đi trên phiến đá này từ lúc nào. Trời đã nhá nhem tối, chung quanh không còn một bóng người ngoài mình và anh Long. Công viên tĩnh lặng quá, mình rùng mình vì có một cơn gió vừa thoảng qua.
“Sao em lại khóc vậy bé? Chị Linh làm em buồn hả. Thôi về nhà đi, chị ấy hết giận rồi”, anh Long nói với giọng từ tốn.
“Em có khóc đâu, em chỉ muốn ngồi đây chơi tí thôi” “Còn chối nữa hả, về nhà soi gương đi, mắt em sưng húp rồi kìa”
Mình đứng dậy, nhảy ra khỏi phiến đá rồi nhặt chiếc cặp đang nằm dưới đất. Hai anh em cùng tản bộ về nhà.