12“Cô đổi chỗ vậy hoài nó không chịu học”

T

heo các anh chị phụ huynh, giữa học trong thực tế, được trải nghiệm ở nhiều nơi hay học chỉ tại một địa điểm sẽ tốt hơn?

Tôi đã có 20 năm trong nghành đào tạo, tôi làm đủ các thể loại chương trình cũng như đào tạo cho các em, bên cạnh đó là cả một quá trình trải nghiệm, nghiên cứu. Tôi thấy các bé dù trong lớp đào tạo có giỏi đến cỡ nào đi chăng nữa thì ra ngoài thực tế, thời gian đầu cũng phải có tôi hướng dẫn thì mới có thể thích nghi và làm tốt được.

Và cuối cùng là, lúc nào các bé muốn thể hiện được hết khả năng của mình cũng phải phụ thuộc vào tôi.

Điều này làm tôi trăn trở…

Vậy lỡ thời điểm đó tôi bận công tác nước ngoài thì sao? Cơ hội thì không phải lúc nào cũng có được, cơ hội cũng không kiên nhẫn chờ đợi một ai, nó đi qua rất nhanh. Vì vậy, mới có câu “chớp lấy cơ hội”.

Các học trò của mình, tôi đều trang bị đầy đủ các kỹ năng để cơ hội đến là các bé tận dụng và không để vụt mất (Đã nói là cơ hội thì không có nhiều!) Vì vậy, phải rèn luyện và chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận mọi cơ hội.

Đó cũng chính là lý do mà bé nào học tôi, phần lớn cũng đều nổi bật trong trường hay nổi tiếng trên truyền hình.

Tôi thấy rằng không có bài học nào hay và đắt giá bằng bài học từ thực tế cả; tuy nhiên, thực tế có kiểm soát và dẫn dắt chứ không phải thực tế là cái gì cũng nhảy vô, mà không biết thiết lập thời gian, phân bổ mọi việc cho hợp lý.

Chính vì lẽ đó, sau bao nhiêu năm đúc kết kinh nghiệm, tôi quyết định dạy để ứng dụng trong thực tế một cách hiệu quả chứ không phải dạy chỉ để có danh hiệu.

Nói thật, tôi cũng có nhiều danh hiệu nên tôi cũng chẳng cần thêm danh hiệu. Tôi thích cái chất bên trong hơn là cái vỏ bóng bẩy bên ngoài.

Thế nên, cách dạy của tôi là: cứ một hoặc hai tuần, tôi sẽ cho các bé đổi địa điểm học, các địa điểm cũng gần nhau và được xoay vòng; môn MC nhí - tự tin thuyết trình - làm chủ đám đông mà nên tôi muốn các bé học cách thích ứng với nhiều môi trường, không gian khác nhau.

Và có một gia đình phụ huynh phàn nàn với tôi: “Cô đổi địa điểm bé không chịu học vì bé đã quen với địa điểm cũ rồi. Mà sao cô đổi chi vậy cô?”

Tôi trả lời: “Cũng chính vì em muốn huấn luyện cho các bé đạt kết quả thật sự nên em phải đổi đó chị. Chị hãy nghĩ xem, nếu các bé chỉ quen một không gian và cũng chỉ có thể làm tốt tại không gian quen thuộc, còn bước ra một không gian mới, các bé bắt đầu thấy lạ lẫm, khó chịu, như vậy có tốt cho tương lai của các bé hay không? Bởi thế, mình phải dạy cho các bé học cách thích nghi chứ chị, chẳng lẽ cứ để bé chỉ giỏi tại đúng một không gian, một địa điểm thôi sao?”

Các anh chị hãy cứ nghĩ về giáo dục của chúng ta xem, bao nhiêu bạn học giỏi ở trường nhưng sau này lại gặp khó khăn trong công việc; bao nhiêu ngàn cử nhân ra trường không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp dù làm đúng chuyên nghành mình được học, tại sao vậy?

Học trong lớp và ra thực tế luôn khác xa nhau. Nhưng khổ nỗi khi các em học ở trường, ai đã dạy cho các em ứng dụng kiến thức trong thực tế?

Nói thật, nếu chỉ để các học viên học tại một địa điểm thì quá dễ cho tôi rồi. Cứ đến giờ học, cho vô ngồi trong bốn bức tường, cứ dạy rồi về biểu diễn cho ba mẹ xem là ba mẹ vui và hài lòng lắm. Nhưng tôi biết khi ra ngoài, các bé phải mất thêm một thời gian nữa mới làm được, nên tôi cho các bé ra ngoài học luôn. Làm thế, người cực là tôi chứ! Vậy mà tôi lại phải nhận về một vài lời phàn nàn từ phụ huynh. Nhiều lúc ngẫm thấy lỗi do mình thôi, ai biểu mình nhiệt tình quá thì ráng mà chịu!

Quay lại câu chuyện về vị phụ huynh kia, sau khi nghe tôi giải thích, chị cũng hiểu ra và kiên nhẫn với bé hơn.

Tôi đã quen với sự kiên nhẫn khi đào tạo trẻ em rồi, bây giờ chỉ cần bố mẹ kiên nhẫn nữa thôi.

Và cuối cùng, sau buổi đó thì bé nhà chị cũng thích nghi và quen dần với những địa điểm học khác nhau.

Kết quả là chưa học xong một khóa, tôi đã cho bé dẫn chương trình tại khu du lịch Đầm Sen, trước mấy trăm khán giả. Lúc này, bé đã tự tin và thích nghi với các không gian, môi trường khác nhau nên “thả” đâu bé cũng làm tốt.

Lúc đó, gia đình bé mới cảm ơn cô Thy nhiều, vì những ngày đầu dạy bé là cả một sự gian nan không hề nhẹ do bé nhút nhát thuộc dạng cấp cao chứ không phải dạng vừa. Nhưng đối với tôi, chẳng có trường hợp nào mà không dạy được cả, được hay không phụ thuộc vào việc cha mẹ có đủ kiên nhẫn hay không thôi.

Để đào tạo một đứa trẻ, uốn nắn theo nền nếp, chuẩn mực là cả một quá trình và phải có đủ kiến thức cộng thêm sự kiên nhẫn. Gian nan lắm không phải chuyện đùa đâu!

Mở rộng câu chuyện, tôi cùng các anh chị thử nhìn lại việc nuôi gà nhé!

Hãy trả lời cho tôi thật lòng, giữa gà công nghiệp và gà thả vườn bạn thích ăn gà nào hơn?

Chắc chắn phần đông sẽ chọn gà thả vườn.

Vậy tại sao nhiều người thích ăn gà thả vườn nhưng phần lớn lại nuôi gà công nghiệp?

Vì nuôi nó nhanh, gọn, đơn giản, tiện nghi, điều kiện nuôi cũng dễ hơn nhiều. Điều đáng nói hơn là mỗi lứa có thể nuôi rất nhiều, “ra” cân nặng gần như đều nhau, thuận tiện việc mua bán...

Còn nếu nuôi gà thả vườn thì vất vả nhiều hơn, điều kiện nuôi khó khăn hơn, số lượng mỗi lứa ít hơn, đặc biệt là không đảm bảo khả năng doanh thu cũng như lợi nhuận chắc chắn cao.

Vậy, so sánh lại giữa hai loại gà được nuôi ở hai môi trường khác nhau, nếu nói về bài toán kinh doanh, ta thấy nuôi gà công nghiệp thì tốt hơn mặc dù gà thả vườn ăn ngon hơn.

Đến đây, ta quay lại câu chuyện giáo dục. Vậy cho bé được học trong trường thì tốt hơn hay cho học thực tế bên ngoài tốt hơn? Chắc chắn 100% ai cũng sẽ trả lời rằng học bên ngoài dĩ nhiên là tốt hơn so với chỉ ngồi học trong trường rồi. Vậy tại sao từ nhỏ chúng ta toàn được ngồi trong lớp để học?

Xin thưa với các anh chị là nếu học ở ngoài nhà trường thầy cô sẽ vất vả gấp mười lần so với cho học sinh ngồi học trong lớp, chưa nói đến việc phải có thêm nhân viên quản lý để đảm bảo sự an toàn và nhiều điều khác phải lo cùng một lúc, rất nhiều khó khăn phải vượt qua để mang lại giá trị thiết thực cho học sinh.

Cũng vì quá nhiều thách thức, khó khăn như vậy nên người ta hạn chế cho học sinh học thực tế bên ngoài.

Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó, học thực tế bên ngoài, bạn nhận được 75% kiến thức. Còn chỉ ngồi trong lớp, bạn sẽ chỉ có 25% kiến thức nhận được từ lý thuyết thôi.

Đó là lý do tôi không muốn dạy theo kiểu truyền thống là các bé chỉ vào lớp học nữa, mà cách dạy của tôi là các bé được học để thích nghi với nhiều nơi, trải nghiệm nhiều môi trường thực tế. Khi vào thực tế, ứng dụng những gì mình đã học, các bé mới thực sự làm chủ kiến thức. Ngoài ra, với các môi trường khác nhau, các bé sẽ học cách xử lý khác nhau, sao cho phù hợp và đạt kết quả tốt nhất. Ba mẹ nhớ cho, trong thực tế, không phải môi trường nào cũng có sẵn điều kiện tốt để bé cảm thấy thoải mái.

Tôi không tạo cơ hội học hành trong điều kiện vật chất đầy đủ mà tôi đưa các bé vào đủ những môi trường thực tế từ thuận lợi đến khó khăn để học viên biết cách thích nghi và xử lý. Đến một lúc nào đó, các bé sẽ thấy mọi việc đều có thể giải quyết nhẹ tênh như tôi đang cảm thấy dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Vậy nhưng không phải bố mẹ nào cũng hiểu được cách giáo dục lạ đời này của tôi. Bởi thế, có vài phụ huynh than phiền rằng sao tôi không giống như những trường quốc tế, cho các bé học tập trong môi trường thuận lợi nhất?

Tôi hiểu rất rõ nhu cầu của phụ huynh, ai cũng muốn con mình được học trong môi trường tốt nhất, tiện nghi nhất. Tuy nhiên, ba mẹ nhớ nhe, hầu hết người thành công không phải là những người được học và sống trong điều kiện có sẵn mọi thứ tốt đẹp mà lại là những người từng vượt qua không ít thách thức, khó khăn.

Tôi biết các bé đa số nhà có điều kiện, đã quen được sống trong tiện nghi rồi nên tôi muốn rèn các bé điều ngược lại để trở nên vững vàng, tự tin và mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh bằng cách học đối diện với chút khó khăn.

Tôi biết có nhiều phụ huynh thích phương pháp này và cũng có nhiều phụ huynh không đồng tình. Đó là quan điểm riêng nên tôi không phán xét. Tất cả mọi việc chúng ta có quyền chọn lựa mà!

Nhưng bố mẹ thử nghĩ xem, vì sao người ta vẫn thích ăn gà thả vườn? Vì về chất lượng thì nó ngon hơn chứ!

Trong cái được luôn có cái mất và ngược lại. Vấn đề là chúng ta chọn cái nào trước, cái nào sau thôi!