N
ếu là học văn hóa, dù phụ huynh không hài lòng thì cũng khó mà cho con nhanh chóng chuyển trường, chuyển lớp. Nhưng nếu là học các kỹ năng, nếu phụ huynh không hài lòng về cách dạy của thầy cô thì có thể cho con nghỉ hoặc đổi nơi học khác bất cứ lúc nào.
Tôi thừa biết, phụ huynh mới là người bỏ tiền, là khách hàng, là người chi trả cho bé đi học. Nhưng nếu phụ huynh bỏ tiền để tôi phải dạy theo sự hài lòng của phụ huynh thì tôi không làm, vì làm như vậy là hại đứa trẻ. Tôi rất thắc mắc: Các anh chị phụ huynh, bao nhiêu người thật sự hiểu và biết cách dạy con, bao nhiêu người đã bỏ thời gian ra để học làm cha mẹ?
Không ít phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền ra để thầy cô dạy con theo mong muốn của mình, mà không phải ai trong số đó cũng hiểu biết thật sự về giáo dục. Thế nhưng họ vẫn dạy theo mong muốn của phụ huynh. Vì cái gì?
Tôi thấy thật phi lý, tại sao lại bắt một đứa trẻ làm theo mọi mong muốn, sở thích, ước nguyện của mình, rồi lại biện hộ là vì thương con, vì muốn tương lai của con được tốt đẹp. Thật ra, phụ huynh đang vì mình thì đúng hơn.
Chứng kiến những ba mẹ như vậy, tôi thương những đứa con của họ. Rồi chúng lớn lên có thật sự hạnh phúc không khi phải luôn cố gắng làm cho cha mẹ hạnh phúc bằng cách đánh đổi hạnh phúc thật sự của mình?
Trải qua bao nhiêu lớp đào tạo cho thiếu nhi rồi, tôi nhìn thấy rõ một điều, bé này được chọn mà bé kia không được chọn là phụ huynh sẽ không thấy vui và có suy nghĩ thà là cho con nghỉ học, chứ học mà không thấy hài lòng thì chỉ gánh lấy bực dọc.
Dĩ nhiên, con của các ba mẹ mà. Ba mẹ được quyền quyết định!
Mới đây, có một trường hợp mấy bé đang học, vừa tham gia một chương trình tuyển diễn viên (casting) và cũng vừa xin nghỉ học vì không được chọn. Mẹ thấy không vui nên cho nghỉ, đơn giản vậy thôi!
Đó là những trường hợp thực tế mà tôi đã tiếp xúc không ít. Nhiều vị phụ huynh không chấp nhận con mình thua ai cả. Con người ta sao thì con mình phải được như vậy. Nếu tôi chọn bé này mà không chọn bé kia thì trước sau gì phụ huynh cũng sẽ tìm cách để bằng mọi giá con mình được chọn hoặc cho con nghỉ học.
Tôi lấy làm lạ khi phụ huynh không chọn giải pháp giúp con phát triển hơn. Thay vì khuyến khích con phải kiên nhẫn hơn, nỗ lực hơn để lần sau được chọn thì bố mẹ lại quyết định cho con dừng cuộc chơi để không phải trở thành người thua cuộc.
Nên bạn đừng trách nhà trường hoặc thầy cô là sao cả lớp, bé nào cũng là học sinh giỏi, cũng được thưởng. Thật khác ngày xưa quá đúng không? Ngày xưa, mỗi lớp chỉ 5 bạn đứng đầu là được phần thưởng cuối năm. Còn ngày nay, lớp có 45 bé thì đã có 43 bé học sinh giỏi, có phần thưởng rồi.
Thời đại công nghệ mà, phải có thưởng để ba mẹ úp lên facebook chứ! Phần thưởng của các con bây giờ là trang sức của ba mẹ! Nhu cầu về danh tiếng của con người là vậy đó!
Còn tôi vẫn cứ cứng nhắc giữ vững quan điểm của mình. Tôi muốn cho các bé được thoải mái phát triển tự nhiên, cảm nhận sự thành công và học luôn từ sự thất bại. Vì trong cuộc đời, trước sau gì bạn cũng sẽ đôi ba lần, thậm chí nhiều lần thất bại. Vậy tại sao không học cách thất bại để sau này sẽ thành công nhanh hơn!
Điều tôi muốn nhắn nhủ ở đây là phụ huynh phải thấy rõ mong muốn này là của ai? Của con hay của mình? Mình vui hay con mình vui, mình hạnh phúc hay con mình hạnh phúc khi làm điều đó?
Dĩ nhiên, có những trường hợp trẻ con chưa đủ nhận thức để biết cái gì thật sự cần thiết, hành trang nào cần phải có để có thể vững vàng bước trên đường đời. Đó là lúc cần ba mẹ phải đủ sáng suốt để dẫn dắt con mình. Các anh chị có nghĩ đến việc mình dẫn sai đường sẽ ảnh hưởng đến tương lai của đứa trẻ khi lớn lên không?
Đó là lý do tôi hay chia sẻ với phụ huynh: “Người cần phải học đầu tiên là ba mẹ đó!”
Đừng đợi khi hậu quả xảy ra rồi mới học được bài học này thì hơi trễ.
Có rất nhiều phụ huynh đã thay đổi quan điểm theo hướng tích cực khi có đứa con thứ hai (cách con đầu trong khoảng 10 năm). Lúc đó phụ huynh mới thấm thía cái sai của mình mà thay đổi cách giáo dục.