T
ôi là người hài lòng về mình nhưng không có nghĩa là ngừng cố gắng. Cái gì tôi đã giỏi thì tôi còn muốn mình phải là Master - bậc thầy về chuyên môn đó!
Càng giỏi một lĩnh vực, tôi lại càng rèn luyện nhiều hơn.
Có lẽ, khí chất của người dẫn đầu đã ăn sâu trong máu, nên tôi làm gì cũng mang tinh thần, tâm thế của người dẫn đầu. Và tôi muốn đào tạo những học trò như vậy!
Tất cả mọi thành công trên đời đều có bí quyết của nó, chỉ khác ở chỗ ai học được bí quyết nào sớm nhất thì sẽ thành công trên con đường mình chọn thôi. Đôi khi, tìm ra được phương pháp cũng là lúc quá tuổi để áp dụng hoặc đã không còn hào hứng để ứng dụng cho chính mình mà muốn truyền lại cho thế hệ sau những công thức, bí quyết bao nhiêu năm gian nan, khổ cực, vất vả nghiên cứu mới đúc kết được.
Dĩ nhiên, khi mình phải mất bao công sức mới có được thì mình sẽ trân quý thành quả đó nhưng người khác thì không chắc sẽ trân trọng vì họ có phải trả giá gì đâu.
Vì vậy, tôi đã dạy cho các bé hiểu được giá trị của những gì mình nỗ lực đạt tới, những cái mình đang có phải được trả giá như thế nào; có như thế, bé mới biết trân quý thành quả. Tôi đã học được bài học này ở nhiều môi trường giáo dục quốc tế.
Nhưng khi áp dụng ở Việt Nam thì không hề dễ dàng, bởi phụ huynh chưa quen với việc cho con tự lập. Vì yêu thương con nên cái gì phụ huynh cũng làm sẵn cho con, và thấy xót khi con không được hưởng điều kiện lý tưởng. Tôi hiểu chứ! Cha mẹ nào chẳng yêu thương con, nhưng yêu là giúp các con trưởng thành, bản lĩnh chứ không có nghĩa là làm hết cho con.
Ngay cả trong việc học cũng vậy: muốn có cái người ta không có, phải làm cái người ta không làm; muốn đạt được kết quả vượt bậc thì phải rèn những cái người ta không đủ kiên nhẫn để rèn luyện.
Tôi chỉ tiếc là không ít phụ huynh ngừng lại quá sớm khi thấy bé đã đạt được kết quả như mình mong muốn rồi, nhưng kết quả đó có là gì đâu. Phải bước ra ngoài để thấy nhiều người giỏi lắm, nên mình phải đứng trong Top người giỏi chứ. Trong khi các bé bắt đầu bước qua giai đoạn đột phá của leader (thủ lĩnh) thì phần lớn bố mẹ đều dừng lại vì đã hài lòng, thấy vậy là… quá đủ. Ở trường, trong xóm… thì con mình dẫn đầu rồi mà!
Bố mẹ có biết, luyện đủ 10.000 giờ thì mới trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó!
Tôi muốn nhắn nhủ với phụ huynh: đừng hài lòng quá sớm. Ngay trong lúc các bé đang dẫn đầu thì càng cần phải học hỏi nhiều hơn nữa. Kiến thức là vô tận, mình chỉ giỏi ngay thời điểm này thôi, trong một bán kính hẹp, nhưng khi bước ra bán kính rộng hơn thì mới thấy mình còn thiếu sót nhiều. Thế nên, thật đáng tiếc khi phụ huynh cho bé dừng giữa chừng chỉ vì bây giờ đi đâu bé cũng dẫn đầu rồi, và phụ huynh thấy như vậy là đủ.
Dĩ nhiên đó là sự lựa chọn của phụ huynh, nhu cầu chỉ cần có vậy!
Nhưng với một cô giáo như tôi thì lại thấy tiếc cho học viên. Tôi muốn đào tạo bé nhiều kỹ năng để phát triển hơn nữa, mang tầm quốc gia, ra ngoài thế giới. Và tôi thấy các bé có được những tố chất đó nếu rèn luyện đủ thời gian. Có lẽ tôi đi quốc tế nhiều, nên mong muốn của tôi là đưa học trò ra quốc tế để thể hiện khả năng của mình chứ không chỉ giỏi quanh quẩn trong môi trường nội bộ, giới hạn về không gian.
Ở đây, không có ai đúng hay ai sai cả.
Chỉ là sự lựa chọn và sự khát khao! Tôi ước chi ba mẹ thấy được thế giới bên ngoài kia, tiếp tục chắp thêm đôi cánh cho con để con được bay cao trên bầu trời rộng lớn. Bởi vùng trời bố mẹ đã từng bay có khi là chưa đủ với khả năng của con…