T
T là tên của bé ấy. Năm bé học lớp 2, mẹ có đưa đến Ngôi Nhà Tuổi Thơ để học các lớp năng khiếu. Mẹ bé là một người mẹ rất thương con nhưng hơi nóng tính. Tuy nhiên, tất cả những gì tốt đẹp nhất trên đời mẹ đều dành hết cho TT; có lẽ phần nào do hoàn cảnh gia đình, TT không có cha từ nhỏ nên mẹ muốn bù đắp cho bé.
Cũng chính điều đó làm mất đi rất nhiều bản năng tự nhiên của một đứa trẻ.
Xin được nhắc lại cụm từ “luôn có cách để yêu thương”. Tuy nhiên, nếu không biết cách thì hóa ra làm hại đến con mình mà mình không biết, đó là tình trạng rất phổ biến của nhiều phụ huynh Việt Nam.
Vì mẹ yêu thương và muốn chăm chút để bù đắp cho bé, TT được học tất cả mọi thứ trên đời khi mới vừa 8 tuổi. Ngoài học ở trường, bé còn học thêm Anh văn, đàn, ảo thuật, rồi các môn năng khiếu như nhảy múa, diễn xuất, MC tại Ngôi Nhà Tuổi Thơ mà bên tôi đang đào tạo cho bé, thêm môn võ và còn những môn gì đó nữa mà tôi chưa kịp cập nhật. Bé vừa học xong môn này, chị đưa bé đi học môn kia. Chưa kịp hấp thụ môn kia, chị đưa bé đi học môn nọ. Bé học đến nỗi mà môn học tiếp theo là học cái gì bé cũng không biết.
Vì yêu con, muốn con được phát triển toàn diện nên chị hy sinh như vậy đó. Nhưng TT có giỏi được môn nào đâu. Học xong thì phải có thời gian ôn luyện, nghỉ ngơi, hấp thụ, thẩm thấu chứ. Đằng này môn nào cũng được đi học, vừa xong chỗ này chưa kịp thở là chạy sang chỗ kia học rồi, ngày nào cũng lặp đi lặp lại như vậy thì làm sao bé tiếp thu được gì.
Còn một điều quan trọng hơn, chính chị đã đánh cắp đi bản năng tự nhiên và kỹ năng đưa ra quyết định của một đứa trẻ. Tất cả mọi thứ trên đời liên quan đến TT chị đều quyết hết, đến nỗi nếu bạn có hỏi gì bé thì câu cửa miệng của bé luôn là “để con hỏi mẹ”.
Trong một chuyến lưu diễn, đến bữa giữa giờ, các bé khác vui vẻ chọn món ăn, riêng TT chưa chọn. Thấy vậy, tôi hỏi bé chọn món gì trong tất cả thực đơn trước mắt thì bé vẫn nói đúng câu quen thuộc: “để con hỏi mẹ”. Bất cứ việc gì trên đời bạn có hỏi thì TT cũng đều trả lời bạn như vậy!
Không biết mọi người có thấy được sai lầm quá lớn của mẹ đã ảnh hưởng đến một cô bé 8 tuổi như thế nào không?
Rồi sau đó, tôi cho hai bé học lớp MC của mình tham gia một chương trình truyền hình bên HTV. Phóng viên muốn có một cuộc phỏng vấn các bé về việc sinh hoạt hằng ngày như thế nào, cũng như sắp xếp để tham gia các hoạt động ra sao?
Thế là TT ngồi cùng với một bạn, bạn này nhỏ hơn TT một tuổi, cha mẹ không cho học thêm gì ngoài việc học ở trường và học năng khiếu tại Ngôi Nhà Tuổi Thơ.
Khi phóng viên hỏi thì bé 7 tuổi trả lời rất nhanh, hỏi câu nào đều trả lời rành mạch câu đó. Rất sinh động, dễ thương đúng với độ tuổi và sự hồn nhiên của một đứa trẻ. Đến khi phóng viên hỏi TT, một cô bé mà mẹ cho học tất cả các môn trên đời thì TT không thể trả lời được bất cứ câu nào cả ngoài một câu quen thuộc “để con hỏi mẹ”. Hỏi TT bất cứ câu gì bé cũng đều trả lời là “ĐỂ CON HỎI MẸ” rồi nhìn qua mẹ như một sự cầu cứu. Bé đã quá quen việc mẹ quyết định hết tất cả mọi chuyện cho mình!
Tôi không biết bây giờ TT như thế nào, và mẹ bé có thay đổi cách giáo dục con chưa. Tôi thật sự thương TT. Bé may mắn có được một người mẹ yêu thương con vô đối nhưng lại dạy con sai phương pháp từ khi còn nhỏ. Chị ấy không biết rằng đến một lúc nó sẽ trở thành bản năng. Sau này, TT sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Để sửa lỗi này, TT phải mất rất nhiều thời gian để tập luyện và thay đổi. Nhưng qua nhiều năm để mẹ quyết định thay và răm rắp làm theo lời mẹ, liệu cô bé còn có thể trở lại là mình – như ban đầu, để làm một đứa trẻ được phát triển bình thường không?
Có vài lần, tôi thấy chị ấy sẵn sàng tát vào mặt con nếu con làm sai ý của chị. Tôi cũng có góp ý chứ, nhưng cũng không ăn thua gì với tính cách của chị ấy.
Tôi hiểu nguyên nhân sâu xa, có thể chị muốn thể hiện cho ba bé, người đàn ông đã bỏ mặc mẹ con chị, biết rằng: Không có anh thì chị vẫn dư khả năng để chăm sóc, dạy dỗ bé thành tài, để sau này nhìn lại, anh sẽ thấy hối hận vì đã từng bỏ rơi một đứa con đầy tài năng như thế. Nhưng đây chỉ là giả thiết tôi đưa ra thôi chứ thật sự tôi không hiểu được tại sao chị lại dạy con mình theo phương pháp phản giáo dục, phản khoa học như vậy.
Biết nói sao giờ, vì dưới góc độ của chị ấy thì thế mới là hợp lý và đầy tình yêu thương. Dĩ nhiên, sẽ không ai nói sự thật cho chị ấy biết, vì nói ra chắc chắn sẽ làm chị ấy không hài lòng.
Tôi cũng chỉ góp ý nhẹ nhàng dưới góc độ của một giáo viên dạy năng khiếu cho con chị. Tôi biết mình không có quyền gì can thiệp sâu vào chuyện dạy con của chị.
Tuy nhiên, tôi thương vì thấy được tương lai đầy khó khăn của TT sau này. Đến việc muốn ăn gì bé còn không dám nói ra thì bé làm sao có thể đối diện với cuộc sống vốn dĩ đầy thử thách sau này.
Chúng ta học được gì từ chuyện về người mẹ hết lòng yêu thương con?
Nếu thật sự thương con, hãy để cho trẻ quyết định, trẻ sẽ chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Còn người lớn chúng ta chỉ quan sát và hướng dẫn. Trong những quyết định đó có đúng và chắc chắn sẽ có sai, thậm chí sai nhiều hơn nữa kìa các anh chị ạ. Vậy sai thì sao? Sai thì bé học được nhiều bài học từ những cái sai đó, bé sẽ tự chịu trách nhiệm với cái sai của mình để lớn khôn.
Nếu cái sai đó vẫn trong sự kiểm soát của phụ huynh và chấp nhận được, tổn hại, ảnh hưởng không có gì lớn thì hãy cho bé làm để tự bé nhận được bài học. Bài học nào trên đời cũng phải trả giá, không có bài nào miễn phí cả. Không trả bằng cái này thì cũng phải trả bằng cái khác. Bởi thế, phụ huynh không nên quá căng thẳng khi bé làm sai.
Sao không nghĩ theo hướng tích cực hơn, sai cái này là quá nhẹ và may mắn để con có thêm kiến thức rút ra từ kinh nghiệm, làm hành trang cuộc đời cho con. Có vậy, sau này bé lớn lên sẽ hạn chế được những sai lầm không đáng có.
Cha mẹ là người dẫn dắt, nên để đi đúng đường thì cha mẹ phải là người học đầu tiên.
Học phương pháp dạy con đúng cách, để dẫn dắt con của mình đi trên con đường mang tên “hạnh phúc và thành công”.