C
ó lẽ do thói quen hình thành từ lúc còn nhỏ nên tôi thích tự lập trước khi nhờ vả người khác. Nếu có nhờ thì đó phải là những việc xứng đáng, chứ tuyệt đối không nhờ những chuyện chẳng đáng nhờ, trong khi khả năng mình có thể làm được. Còn nếu chưa làm được thì hãy thử trải nghiệm để có thêm kỹ năng. Tuy nhiên, cũng có không ít người hở chút là nhờ người khác, thậm chí làm ảnh hưởng đến người ta chỉ vì kỹ năng quá kém của mình.
Câu chuyện này không phải là lỗi của phụ huynh, chỉ là thiếu kỹ năng này sẽ làm hạn chế cơ hội của con mình trong khi đáng lý ra bé sẽ có được nhiều hơn thế nữa. Thực ra cơ hội có ở khắp mọi nơi. Còn nếu bạn không thấy cơ hội thì nó rơi vô hai trường hợp:
Thứ nhất là bạn không có kỹ năng để nắm bắt cơ hội.
Thứ hai là bạn không có kỹ năng để nhìn thấy cơ hội.
Đó là lý do bạn không có cơ hội!
Quay lại câu chuyện này, đây là một trường hợp tôi giới thiệu cho một phụ huynh đưa bé đi casting để tham gia một chương trình truyền hình. Trước khi hai mẹ con đến buổi casting đó, tôi đã hướng dẫn rõ ràng, đưa số điện thoại của người phụ trách chương trình. Tôi còn dặn kèm thêm: Chị hãy cho bé trải nghiệm. Đây là một sự trải nghiệm em muốn dành cho bé để bé bắt đầu những bước chân đầu tiên. Dù có được hay không được thì bé cũng sẽ thu về những bài học kinh nghiệm. Hành trình vạn dặm luôn bắt đầu từ một bước chân.
Vậy mà, suốt buổi đó chị gọi tôi liên tục, cái gì cũng hỏi.
Chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng hỏi, vô gặp ai, gửi xe như thế nào, tóm lại là nhất cử nhất động đều hỏi.
Tôi nói: Chị ơi, chị vào chị thấy như thế nào thì hãy thích nghi đi. Điện thoại của người phụ trách em cũng đã cho chị rồi đó. Mấy chuyện này đâu có gì quá khó khăn đâu mà chị cứ gọi em hoài vậy.
Thế là chị giận!
Còn tôi nghĩ như vầy nè, điều này tôi cũng hay chia sẻ trong Happy Lady Networking - một mạng lưới dành cho phụ nữ do tôi sáng lập: Hãy tự giúp mình trước khi chờ người khác giúp. Hãy biết cách tạo điều kiện cho người khác giúp mình.
Thật sự, trong sâu thẳm của mỗi con người luôn muốn giúp đỡ người khác. Tôi cũng không ngoại lệ, thậm chí còn muốn giúp nhiều hơn nữa kìa!
Nhưng nếu là một người có kỹ năng sống và nhìn nhận vấn đề thì phải biết rằng đừng dựa dẫm vào người khác ngay cả những việc quá nhỏ. Như vậy phí lắm!
Bên cạnh đó, hãy học cách “tạo điều kiện để người khác giúp mình”. Có nghĩa là người ta cảm thấy vui vẻ, hào hứng khi giúp mình, chứ không phải khó chịu khi phải giúp mình.
Nếu giúp mình mà làm cho người ta cảm thấy khó chịu như vậy, liệu người ta có còn muốn giúp đỡ mình nữa không?
Quay lại câu chuyện của chị phụ huynh ấy. Đặt trường hợp là bạn, nếu bạn giúp đỡ chị ấy mới một lần mà thấy quá phiền phức như vậy thì liệu bạn có còn muốn giúp lần sau?
Vậy là cơ hội của chị phụ huynh đó không còn nữa, nhưng cái mất thật sự là cơ hội của đứa trẻ kìa. Chính kỹ năng hạn chế của chị ấy làm mất đi cơ hội của con chị ấy.
Tôi thấy có một thực tế như vầy, khi đứa trẻ còn nhỏ, bé được như thế nào là nhờ cách ứng xử của chính cha mẹ bé. Nếu đứa trẻ sinh ra may mắn có được cha mẹ hiểu biết, có kiến thức, có kỹ năng thì cuộc sống của đứa trẻ ấy đã đầy cơ hội từ khi còn nhỏ.
Ngược lại, có những đứa trẻ chẳng có một cơ hội nào mặc dù khả năng của bé rất tốt, đó là do chính cha mẹ của đứa trẻ ấy thôi.
Ở đây tôi không nói đến vấn đề tiêu cực. Mà tôi nhìn rõ một vấn đề: Khi phụ huynh có kiến thức và kỹ năng, họ sẽ cùng đồng hành hỗ trợ giáo viên trong cách dạy dỗ, không đòi hỏi mà chỉ hỗ trợ, tương tác trong những điều kiện cho phép. Họ giúp cho người giáo viên vui vẻ, sẵn lòng cho đi, sẵn lòng dạy dỗ, sẵn lòng tạo điều kiện và cơ hội cho con của họ.
Còn ngược lại, người ta rất ngại khi giúp đỡ những đứa trẻ mà phụ huynh chỉ mang lại phiền phức.
Người ta đối xử với con bạn thế nào là do thái độ của bạn trong lúc này.
Đây chính là kỹ năng sống mọi người ạ. Vì vậy, tại sao có những người luôn may mắn, luôn được người khác giúp đỡ trong khi có một số người không được ai giúp đỡ, là do kỹ năng của mỗi người thôi.
Kỹ năng tạo nên thói quen. Thói quen tạo nên số phận.
Ở bài viết này, tôi không chỉ trích hay phàn nàn phụ huynh nào cả. Tôi chỉ thấy tiếc cho một vài phụ huynh, nếu họ biết cách thì con trẻ đã có nhiều cơ hội phát triển rồi.
Tôi xin khẳng định lần nữa là: trong trái tim của mỗi người luôn có sự nhân từ, thiện lương dù ít dù nhiều. Nếu bạn không có được sự giúp đỡ của người khác là do kỹ năng sống của bạn còn hạn chế. Vì giúp đỡ người khác còn là một niềm vui, nhưng nếu giúp đỡ bạn chẳng những không vui mà còn nhận về phiền phức, khó chịu thì bạn nghĩ có còn ai muốn giúp bạn thêm một lần nữa không?
Chưa kể đến việc bạn thể hiện sự biết ơn hay không khi người khác giúp bạn nữa kìa!
Vì vậy, để được người khác giúp đỡ, bạn cũng cần phải có kỹ năng. Nhưng trước khi chờ người khác giúp bạn, thì việc đầu tiên là phải học cách tự giúp mình trước. Đừng quá ỷ lại, chỉ chờ được giúp đỡ trong khi bạn thừa khả năng xử lý vấn đề.
Ngay bây giờ, hãy hướng dẫn con bạn học cách chủ động hơn. Học cách tự giúp mình trước khi chờ người khác. Nếu có thể, hãy dạy con cách để người khác vui vẻ giúp đỡ mình. Hãy dạy con cách luôn biết ơn người đã đưa tay giúp đỡ, dù kết quả có ra sao đi nữa.