Đ
ó là trường hợp của một phụ huynh đến văn phòng tôi ngồi tâm sự, chia sẻ nỗi niềm và rưng rức khóc. Khóc vì vừa tức vừa giận. Chị nói rằng đã tốn rất nhiều thời gian, công sức để con chị tham gia các chương trình truyền hình. Cuộc thi nào cũng tham gia casting, tham gia thi vòng tuyển chọn nhưng vẫn không có một kết quả nào cả.
Chị thấy rằng con chị có tài năng nhưng sao không được may mắn. Chị cũng đã hy sinh thời gian công sức, tạo điều kiện cho bé mà bé vẫn thua cuộc ở những vòng đầu tiên.
Tôi im lặng nghe chị trút bầu tâm sự. Thương cho một người mẹ thương con, làm mọi việc để giúp con phát triển nhưng không thành. Con gái chị năm nay 7 tuổi và đang học năng kiếu tại Ngôi Nhà Tuổi Thơ.
Sau đó, tôi bắt đầu hỏi chuyện sâu hơn về những gì chị đã làm cho bé. Chị cũng thật tình chia sẻ hết mọi việc. Nghe xong, tôi không có gì bất ngờ với kết quả casting của con chị.
Bởi chị làm vậy, con chị nhận được kết quả như vậy thì đâu có gì sai.
Có câu “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”.
Cái thiếu sót của chị là chưa xác định được “người” và “ta” như thế nào! Chị chưa biết năng lực của mình cũng như của người khác như thế nào mà đã hào hứng ra trận. Để rồi mỗi lần ra trận đều nhận được kết quả đáng tiếc như vậy.
Những cuộc thi chị cho con mình tham gia là những chương trình truyền hình. Cả nước chỉ chọn vài chục bé hoặc cả khu vực cũng chỉ chọn một số lượng vừa phải.
Vậy mà chị cho bé tham gia, mà với khả năng tự viết kịch bản, tự dàn dựng cho con, tự làm theo cách của chị thì hỡi ơi… Chị có phải là một chuyên gia hay chị có chuyên môn gì đâu. Chị tự làm theo giới hạn hiểu biết của mình trong lĩnh vực đó và nghĩ như vậy là hay lắm rồi. Chị tâm đắc cái mình cho là đúng và hay khi chị chưa có một chuyên môn gì về lĩnh vực đó.
Nhưng chị quên một điều rằng đây không phải là một cuộc thi phong trào ở trường lớp, hay phường xã, quận huyện mà là một cuộc thi truyền hình để khán giả cả nước theo dõi.
Đây là vấn đề nhiều người hay mắc phải, ngay cả chính tôi cũng đã từng.
Tôi nhớ hồi còn là sinh viên của trường Sân Khấu Điện Ảnh, chúng tôi diễn một trích đoạn mà tất cả cùng cười ngất ngây, có vẻ rất thỏa chí và tâm đắc với phần nội dung đó.
Nhưng diễn viên Tiết Cương - một đàn anh trong trường xem chúng tôi diễn thì đánh giá là chúng tôi toàn sử dụng miếng hài nội bộ.
Vậy “miếng nội bộ” là như thế nào? Có nghĩa là nó chỉ phù hợp và hiệu quả trong nội bộ, còn đem ra ngoài thì nó sẽ không thành công. Gọi “miếng nội bộ” là vì nội dung gây cười đó là những tình huống mà chúng tôi trong lớp chứng kiến với nhau, biết với nhau nên khi nói ra thì cả lớp sẽ phá lên cười rần rần vì hiểu ý.
Nhưng còn người ngoài, nếu họ không biết đằng sau mảng miếng đó là một câu chuyện nội bộ của lớp tôi như thế nào, thì người ta thấy chẳng có gì tức cười hết.
Cũng giống như một nhóm bạn thân chơi với nhau, nói chuyện hiểu ý, dùng “miếng nội bộ” là tất cả sẽ phá lên cười. Tuy nhiên, nếu có một người bạn mới, họ sẽ không thể cười được, đơn giản vì họ chưa rõ những câu chuyện liên quan đến “miếng nội bộ”.
Quay lại chuyện chị phụ huynh ấy, có thể chị thấy kịch bản chị viết cho con mình là hay rồi, theo đánh giá của gia đình hay nhóm bạn bè của chị, thì đánh giá đó cũng chỉ là góc nhìn của nội bộ (người ta còn gọi là cục bộ) mà thôi.
Chưa kể đến việc chị không biết năng lực của mình ra sao vì chị chưa được trải nghiệm thực tế. Có chăng, cái thực tế chị được trải nghiệm cũng chỉ ở khu vực trường lớp con chị đang học.
Vậy chị khóc là vì cái gì? Chị khóc là vì kết quả không đạt được như chị mong muốn.
Chị đã làm gì để có được kết quả như chị mong muốn?
Chị không làm gì cả ngoài chuyện hành động sai, mà là sai ngay từ tư duy.
Có câu: Kết quả hôm nay là minh chứng cho những gì bạn hành động hôm qua.
Kết quả của ngày mai là những gì bạn hành động ngay trong hiện tại.
Để nhận ra được điều này, thật sự chính tôi cũng đã mắc phải những sai lầm. Nhưng may mắn là tôi đã nhìn thấy sớm hơn để điều chỉnh nhanh hơn. Mỗi kết quả tôi nhận được hôm nay, nếu có gì không như mong muốn, tôi đều dành thời gian ngẫm lại, chắc chắn mình đã sai hay mắc lỗi ở một chỗ nào đó. Khi tìm ra được thì bắt đầu rút kinh nghiệm cho bản thân, để lần sau làm tốt hơn.
Còn riêng chị, tôi cũng ngại làm chị tổn thương nên tôi không dám nói thẳng vấn đề mà chỉ gợi ý để chị hiểu. Tôi an ủi: “Chị cứ cho bé học và chờ cơ hội khác vậy!”
Tôi hy vọng thời gian sẽ giúp chị nhìn nhận lại vấn đề tốt hơn. Và vẫn là câu nói tôi dành cho trường hợp này “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”.
Đừng đỗ lỗi cho ai cả. Hãy dành thời gian nhìn lại chính mình. Còn nếu không, hãy hỏi những chuyên gia hay những người có chuyên môn, họ sẽ chỉ cho bạn cách nhìn ra vấn đề thôi.
Để đào tạo các bé tham gia các chương trình truyền hình thành công, các ba mẹ phải gặp riêng tôi nhờ tư vấn và đi theo một chiến lược đào tạo, ý tưởng bài bản chứ đâu phải như cách chị làm mà muốn kết quả khả thi.
Như cách ông Park Hang Seo huấn luyện cho đội tuyển Việt Nam đi thi đấu các giải đó. Nó là cả một kho tàng kinh nghiệm từ đào tạo, huấn luyện, chiến lược, dựa vào thiên thời địa lợi, phân tích đủ các góc nhìn mới có thể thành công như vậy, chứ đâu có đơn giản tự nghĩ rồi tự biên, tự diễn.
Suy cho cùng, vì mong đợi quá lớn vào khả năng của con và của chính bản thân nên chị cảm thấy ấm ức, khó chấp nhận được kết quả. Nhưng nếu bình tĩnh suy ngẫm, chị sẽ nhận ra mình sai ở đâu để bắt đầu lại hoặc cũng có thể là từ bỏ luôn ý định cho con tham gia các chương trình quy mô lớn như vậy.
Nhưng bé con của chị thật sự là một cô bé có khả năng. Điều này tôi phải công nhận.
Chẳng qua là cách dẫn dắt của chị sai đường thôi! Hy vọng đến lúc chị sẽ nhận ra… Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.