T
rong một dịp đến Pháp để khảo sát địa bàn với dự định đưa các học trò của mình sang nước bạn giao lưu văn hóa, nghệ thuật theo lời mời và hợp tác của một công ty chuyên về du học hè ở nước ngoài, ngay trung tâm thủ đô Paris, tôi thấy học sinh được ngồi học trong công viên dưới cái nắng nhè nhẹ. Tôi ngạc nhiên, tìm hiểu thêm thì thật sự rất thích về cách giáo dục nơi này, nó giống như cách giáo dục mà tôi đã xây dựng cho các học viên của mình trong Ngôi Nhà Tuổi Thơ.
Càng ngày, tôi càng vững niềm tin khi có rất nhiều cách giáo dục của những đất nước phát triển lại giống như cách tôi đơn thương, độc mã áp dụng tại Việt Nam. Tôi đưa ra những phương pháp giáo dục như vậy là cả một quá trình trải nghiệm từ thực tế, nghiên cứu, học hỏi, sáng tạo và cân nhắc để làm sao vừa phù hợp với học viên Việt Nam vừa đạt được kết quả tốt nhất.
Cũng chính vì đơn thương độc mã đi một con đường giáo dục riêng tại Việt Nam nên khi tôi nhìn thấy điểm chung với cách giáo dục nơi đây tôi mừng lắm.
Giáo dục ở Pháp chú trọng khám phá những gì thuộc về thiên nhiên, tự nhiên xung quanh cuộc sống. Nghệ thuật cũng được chú trọng giới thiệu với đứa trẻ ngay từ tấm bé để khi lớn lên, trẻ em có thể trở thành những công dân am hiểu và biết thưởng thức nghệ thuật, một nhu cầu cần thiết để làm cuộc sống phong phú, tươi mới sắc màu hơn.
Điều đặc biệt ở Pháp là không dạy học chữ sớm cho trẻ. Các bé được vui chơi, khám phá cây cỏ hoa lá, những gì đang diễn ra xung quanh mình một cách tự nhiên chứ không tập trung vào học chữ. Vì vậy, các bé bên Pháp 5, 6 tuổi chưa biết đọc chữ là điều bình thường. Đến 6 tuổi mới bắt đầu học chữ.
Thay vào đó, các bé được học về phép lịch sự cơ bản nhất mà công dân Pháp cần phải có, rồi học về việc phải có trách nhiệm với bản thân mình như thế nào một cách rất thiết thực và tự nhiên. Họ để cho các bé được tự do khám phá thế giới, thể hiện ước mơ và thực hiện theo những gì chúng nghĩ dưới sự hỗ trợ của cha mẹ và giáo viên.
Tôi cũng đã chứng kiến, các giờ học của các bé là ở công viên, tha hồ chơi đùa với thiên nhiên.
Tự do thoải mái tìm hiểu từ nụ hoa, cây bông, chiếc lá. Và cứ thế, trẻ em được phát triển một cách tự nhiên đến lớn, đến khi nào chúng nhận ra niềm đam mê của mình là gì thì sẽ đi theo ngành học đó. Chúng được quyết định những gì mình thích, bởi từ nhỏ những đứa trẻ đó đã có một quá trình trải nghiệm thực tế rồi, nên khi xác định được đúng sở trường của mình thì các bé cũng đã có những kiến thức cơ bản về lĩnh vực đó qua suốt một quá trình lớn lên.
Vô tình, khi tôi chia sẻ những nỗi niềm về giáo dục của mình với một người anh trong doanh nghiệp, anh ấy nói, cách dạy của em giống một số nước ở châu Âu. Dạy học sinh không cần cùng độ tuổi mà chỉ cần cùng trình độ. Có nghĩa là trong một lớp, học sinh sẽ có độ tuổi khác nhau, nhưng trình độ thì gần như tương đồng. Điều này đòi hỏi giáo viên phải thật giỏi mới dạy được. Tôi khá bất ngờ và mừng rơn như tìm được đúng người cùng quan điểm, cùng tư duy và cùng chí hướng. Thật sự là vậy, khi bạn là một giảng viên huấn luyện, đào tạo lâu năm, bạn sẽ thấy rõ điều này. Đúng như những gì anh bạn tôi nói, giáo viên phải thật giỏi cả về chuyên môn lẫn tâm lý thì mới dạy được các lớp như vậy. Hiếm có giáo viên đủ trình độ dạy được như thế nên cách này mới chưa phổ biến rộng rãi đó thôi, chứ thật ra nếu có điều kiện làm được thì đây là một bước ngoặt lớn về giáo dục toàn cầu.
Tìm kiếm trên google, bạn sẽ thấy có rất nhiều bạn trẻ đã trở thành Tiến sĩ khi chỉ mới 19 tuổi thôi. Chính cách học không giới hạn độ tuổi mới giúp thế giới có được những Tiến sĩ trẻ tuổi như vậy, chứ ở Việt Nam ta có ai được bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ lúc 19 tuổi đâu. Nhưng đã có những người Việt ra nước ngoài học đạt được thành tựu như thế. Là người Việt Nam chúng ta đó!
Người Việt Nam rất thông minh và rất giỏi, không thua ai đâu nhe các bạn. Tôi may mắn được trải nghiệm nhiều nước trên thế giới nên tự tin nhận định về điều này. Chỉ cần được đặt trong môi trường lý tưởng cho phát triển tài năng, chắc chắn nhiều bạn trẻ Việt Nam sẽ “tài không đợi tuổi”.
Quay lại câu chuyện giáo dục của các nước phát triển. Thật sự họ có nhiều cái hay bên cạnh những cái chưa phải là hoàn hảo. Nhưng trên đời này, chẳng có gì là hoàn hảo cả, vì vậy một phụ huynh thông thái phải biết cân nhắc và chọn lựa cho con mình từng bước đi. Sự chọn lọc vô cùng quan trọng, nên bỏ cái gì và nên giữ lại cái gì, điều gì chúng ta cần học hỏi và điều gì không nhất thiết phải theo để nó phù hợp với văn hóa của nơi ta ở, để con trẻ dễ dàng hòa nhập với thế giới bên ngoài.
Điều này thật sự không phải dễ dàng đâu, để biết được điều này tôi cũng trải qua một quá trình trải nghiệm, nghiên cứu từ thực tế. Vì vậy, tôi muốn chia sẻ một cách thẳng thắn để cha mẹ nhìn thẳng vào vấn đề chứ không phải cân não để suy nghĩ thêm.
Tôi hiểu được những khó khăn của bậc làm cha mẹ, phải lo cơm áo gạo tiền và cả trăm chuyện trên đời khác cần phải lo, quả thật không đủ thời gian để tìm hiểu hết các phương cách để dạy con cho thật tốt. Tuy nhiên, muốn con mình có một tương lai và cuộc sống tốt đẹp thì phải cố gắng thôi cha mẹ ạ. Muốn có được cái người khác không có thì phải nỗ lực làm được cái người khác chưa kịp làm.
Như vậy, con mình mới có một cuộc sống tốt đẹp cả về tinh thần lẫn vật chất!