Đ
ang viết đến câu chuyện thứ 33 của quyển sách này, thì có một trường hợp của một phụ huynh đang rất hoang mang và đầy lo lắng trong việc dạy con nhờ tôi tư vấn. Vì vậy, tôi xin phép lấy luôn câu chuyện này để viết ra, chia sẻ với các anh chị phụ huynh.
Chị phụ huynh này đang sống ở Long An, là một người rất dễ thương, thật thà tốt bụng. Chị đang mất ăn mất ngủ vì con của mình. Chị cảm thấy bất lực ngay trong lúc này.
Chị ấy không biết con mình có đang bị sao không? Chị chia sẻ: “Con của em không tập trung học, trí ngắn, cộc tính, ít ngủ, toàn những triệu chứng của tăng động. Em lo cho tụi nhỏ mà tâm trạng bất an. Em mong chúng khỏe, chăm học, để sau này lớn hơn, tự lập lo cho bản thân là em mừng lắm rồi.”
“Cô giáo nhiều lần nhắc nhở bé không tập trung, không nhớ, quên trước quên sau. Bé rất hoạt bát và thông minh, không hiểu sao lại không chịu học.”
“Đã khuyên, đã đánh, đã dùng quà, đã dạy rất nhiều, vẫn không học!”
Nghe xong tất cả, tôi nói với chị: “Cái gì cũng phải biết cách. Nếu làm mà không đúng cách thì làm sao hiệu quả được.” Nói thật, riêng tôi, chưa có một đứa trẻ nào tôi thấy khó khăn trong việc giáo dục, định hướng và đào tạo cả. Nhưng tôi thấy chỉ có một điểm “khó duy nhất” là chia sẻ với cha mẹ cách giáo dục để dạy con của họ đúng cách thôi. Rất khó để thay đổi một sớm một chiều khi những phương pháp giáo dục đó đã hình thành trong cha mẹ từ bao giờ. Bên cạnh đó, tất nhiên, cũng có những cha mẹ dạy con tuyệt vời, không có gì để nói!
Dạy những đứa trẻ như vậy, giáo viên như tôi khỏe re luôn, vì cách giáo dục của chúng tôi đồng quan điểm và cùng chung chí chướng với cách các bé được cha mẹ giáo dục tại nhà, nên chỉ cần nhắc nhẹ là đâu vào đấy, không vất vả nhiều như trường hợp gia đình và nhà trường không cùng theo một phương pháp giáo dục.
Rồi chị tiếp tục tâm sự: “Tội nghiệp các con, đôi khi mình chưa kịp hiểu bé có điểm mạnh gì, chưa kịp phát triển, có khi chính mình đã đánh mất điểm mạnh của bé. Bởi vậy, suy nghĩ thấy buồn. Ở quê thiếu thốn đủ thứ, chưa chắc những đứa trẻ ở quê không thông minh bằng đứa trẻ ở thành phố, nhưng chắc chắn đứa trẻ ở quê không phát triển điểm mạnh được. Từ cách dạy của thầy cô và cả cách dạy của cha mẹ có thể hướng bé đến những đích đến và đỉnh khác nhau. Nặng lòng quá!”.
Chị nhìn ra được vấn đề như vậy thôi cũng thấy chị rất quan tâm về giáo dục dành cho con, cũng như quan sát tình hình thực tiễn, có trăn trở nhiều về điều này.
Tôi nghe xong và nhắn lại đôi dòng để an ủi chị ấy. Tôi hiểu mà, thật ra biết cách thì ở đâu bé cũng có thể phát triển được, để tôi chia sẻ vài cách cho chị nhé. Ở đâu cũng vậy thôi, gia đình là nơi giáo dục tốt nhất cho một đứa trẻ, nếu không được giáo dục từ gia đình thì bé cũng không phát triển tốt được đâu, trừ vài trường hợp đặc biệt. Cha mẹ rất quan trọng trong việc giáo dục con cái.
Tuy nhiên, vì nhắn tin nên tôi cũng không đủ thời gian để chia sẻ nhiều hơn về trường hợp của bé dành cho các bậc cha mẹ có con cũng giống như vậy, nhưng tôi sẽ nói một cách dễ hiểu nhất để cha mẹ có thể cải thiện được cho bé.
Tất cả mọi kết quả đều có nguyên nhân của nó. Vậy trường hợp này nguyên nhân do đâu thì cha mẹ hãy xem lại? Ở đây nếu nói thêm về luật nhân quả nữa thì nó sẽ đầy đủ hơn.
Nguyên nhân, ngay từ đầu bố mẹ đã hướng dẫn sai cách. Nhưng bố mẹ không biết rằng nếu giáo dục theo cách này thì mai sau sẽ có một kết quả tồi tệ. Bố mẹ hoàn toàn không biết điều đó cho đến khi kết quả bắt đầu hiện ra thì lúc ấy, mới lo lắng, hoang mang không biết tại sao lại như vậy!
Nên ngay từ đầu, tôi hay chia sẻ với rất nhiều cha mẹ, muốn giáo dục con thì người đầu tiên phải học chính là cha mẹ, học để biết cách giáo dục con đúng đắn.
Những điều tưởng chừng như rất nhỏ nhặt nhưng nếu bố mẹ cứ để cho bé lặp đi lặp lại hành động đó một cách thường xuyên thì sau này, nó sẽ gây ra hệ quả nghiêm trọng chứ không nhỏ nhặt như cha mẹ nghĩ đâu.
Còn nếu xét về góc độ của luật nhân quả thì có thể hiểu theo một cách đơn giản như vầy: Nếu ta gieo một hạt táo thì sẽ có ngày nó phát triển thành một cây táo có nhiều trái táo. Hãy thử nghĩ xem, chỉ có một hạt táo thôi mà theo thời gian nó đã thành cây táo rất nhiều trái. Cây táo đó cho trái ngon hay không phụ thuộc vào giống, đó chính là hạt táo. Hạt giống tốt cho trái tốt, hạt giống xấu ra quả xấu.
Cũng giống như những điều chúng ta đang làm trong thực tế đó thôi. Giáo dục con cũng y vậy, giáo dục đúng đắn từ những điều nhỏ nhất sẽ như gieo một hạt giống tốt vậy đó. Còn không thì ngược lại!
Nên việc đầu tiên, khi con có biểu hiện bất thường thì mình cần xem lại ngay từ đầu, mình đã tạo thói quen gì, tạo ra điều gì để bé không còn hào hứng đi học nữa. Có thể vì bé đã quá đam mê chơi game, chơi game vui và thích hơn đi học nhiều chứ. Bố mẹ đã chưa đủ cương quyết hoặc đưa ra giới hạn cho bé, để bé được thoải mái chơi cho đến khi trở thành một thói quen khó bỏ. Nên bé không còn tha thiết với việc học nữa, sẵn sàng bỏ qua việc học để tập trung vào cái mình đam mê đó là game.
Tâm lý phụ huynh phần lớn luôn nghĩ là thôi kệ, việc nhỏ mà, chơi có chút thôi mà, rồi đến một lúc nào đó, những chút nhỏ nhỏ kết tụ lại cho ta một kết quả như vậy đó!
Giải pháp lúc này là thay đổi cách giáo dục, tuy nhiên lần này sẽ khó hơn gấp mười lần, chúng ta phải uốn nắn lại khi cây đã nên hình. Cũng phải chấp nhận thôi chứ không còn cách nào khác.
Mỗi ngày một ít, đưa ra kỷ luật và uốn theo từng hoàn cảnh, nhưng nhớ phải hết sức kiên nhẫn. Lấp những điều tốt đẹp vào bé, làm mờ đi những thói quen xấu, để từ từ bé quên đi mà thay vào đó là những điều tốt đẹp lấp đầy.
Tôi từng chia sẻ với rất nhiều phụ huynh, dạy một đứa trẻ chưa biết gì tôi chỉ tốn có 50% năng lượng nhưng để dạy một đứa trẻ đã biết và biết sai cách tôi phải mất đến 100% năng lượng mới cải thiện được. Vất vả hơn rất nhiều! Đó là điều ba mẹ phải lưu ý và kiên nhẫn. Do từ đầu mình không có sự kiên quyết. “Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương” các anh chị ạ. Hãy mạnh mẽ, cương quyết với con ngay từ đầu, mặc dù tôi biết điều này không phải dễ. Nhưng nếu yêu thương con hãy “tàn nhẫn” với chúng một chút.
Còn nếu không, cái giá phải trả luôn rất đắt. Thiếu hiểu biết về vấn đề gì thì ta phải chấp nhận trả giá gấp nhiều lần để học lại bài học đó. Vì vậy, cha mẹ phải ý thức rèn luyện bản thân mình mỗi ngày trước khi giáo dục con thật tốt.
Ngoài ra, cha mẹ phải tìm hiểu thêm về giai đoạn nhạy cảm của mỗi đứa trẻ. Ngay cả người lớn chúng ta cũng có những lúc bâng quơ, suy nghĩ mông lung không định vị chính mình, như đang lơ lửng trên tầng mây thì trẻ em cũng vậy. Nếu cha mẹ hiểu được điều đó sẽ dễ đồng cảm và đồng hành cùng con hơn, để con không bị những áp lực nặng nề vì bị ba mẹ phạt hoặc lên án những lúc con như thế!
Hãy yêu thương con bằng sự hiểu biết và kiên quyết, cha mẹ nhé!