N
ếu ghé thăm facebook của tôi - Thy Pham (MC Trúc Thy), chắc hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên vì thấy tôi đi nước ngoài liên tục và check in khắp những địa danh nổi tiếng trên thế giới như: quảng trường Times Square (New York), cầu London Bridge (Luân Đôn - Anh quốc), tháp Eiffel (Paris, Pháp), nhà hát Con Sò (Sydney – Úc), rồi vườn hoa Tulip tại Hà Lan, núi Phú Sỹ tại Nhật Bản, du thuyền Cruise lớn nhất thế giới trên biển Caribe… Tất nhiên, tôi là người ưa khám phá, thích đi du lịch và trải nghiệm. Nhưng điều tôi quan tâm nhất vẫn là giáo dục. Tôi muốn biết nền giáo dục của thế giới đang phát triển như thế nào, những phương pháp giáo dục tiên tiến nào đang được phổ biến và liệu có thể chọn lọc để áp dụng tại Việt Nam; cụ thể là tại trung tâm đào tạo của tôi.
Một lý do khác, tôi muốn dạy cho học trò của mình về những điều thực tế đang diễn ra hơn là những lý thuyết đôi khi đã cũ kỹ và mang nặng tính sách vở.
Thông qua việc dạy về phương pháp giáo dục của các nước, các học viên nhí trong lớp MC của tôi sẽ có khái niệm, sau đó học hỏi theo một cách tự nhiên. Tôi muốn gieo vào tiềm thức của các bé những bài học hay nhất, giá trị nhất được đúc kết từ những đất nước phát triển, được cả thế giới ngưỡng mộ về giáo dục, cho các em có được kiến thức xã hội, phát triển kỹ năng của mình, dần xây dựng một hành trang vững chắc cho tương lai. Anh chị phụ huynh nào có học hoặc biết về NLP (Lập trình ngôn ngữ tư duy) sẽ thẩm thấu hơn phương pháp này.
Nói ngắn gọn, để đào tạo một đứa trẻ thành người, thành tài thì người lớn phải có thật nhiều kiến thức cùng trải nghiệm thực tế. Và vì vậy, để dạy trẻ con đòi hỏi người giáo viên phải thật giỏi, thật giỏi mới đào tạo cho thiếu nhi được. Tuy nhiên không ít người trong chúng ta vẫn nghĩ rằng chỉ cần biết chút kinh nghiệm là có thể dạy được con nít rồi, bởi con nít có biết gì đâu, giáo viên biết cơ bản là có thể giáo dục được rồi.
Đó là quan điểm sai quá sai trong cách chúng ta nghĩ về giáo dục!
Vì vậy chúng ta cũng đừng ngạc nhiên về thực trạng học đường hiện nay của đất nước mình, tất cả là do cách giáo dục mà ra. Và cũng đừng ngạc nhiên về việc bằng cấp của chúng ta không được công nhận trên thế giới. Vì tư duy về giáo dục của chúng ta đi ngược lại với thế giới mà!
Quay trở lại câu chuyện tôi cho các bé học về giáo dục các nước để có khái niệm như bài thuyết trình có nội dung như sau:
“Chào các bạn. Hôm nay mình muốn chia sẻ với các bạn một chủ đề rất đặc biệt, đó là: “Trẻ em Nhật Bản được giáo dục như thế nào?”
Nhật Bản là một trong những nước châu Á được cả thế giới ngưỡng mộ về tinh thần dân tộc. Để có được điều đó thì đất nước được mệnh danh là xứ sở mặt trời mọc đã bắt đầu giáo dục trẻ em từ khi còn rất nhỏ. Từ tấm bé, trẻ em Nhật Bản đã được tập để có bản tính tự lập, biết cười nhiều hơn, biết cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ, đặc biệt, biết tự rèn luyện sức khỏe để khỏe mạnh, kiên cường hơn trong cuộc sống.
Giáo dục Nhật Bản được coi là nền tảng cho sự phát triển toàn diện của con người”.
Sau khi các học viên trong lớp MC nhí đều có thể thuyết trình một cách trôi chảy về bài “Giáo dục Nhật Bản”, tôi bắt đầu trao đổi cùng các bé để tạo sự linh động trong suy nghĩ, tư duy.
Tôi hỏi: Vậy nếu nghe người ta nhắc đến đất nước với cụm từ “xứ sở mặt trời mọc” thì chúng ta biết ngay đó là nước nào?
Các học viên đều giơ tay và trả lời là Nhật Bản.
Sau đó, tôi hỏi tiếp “Nhật Bản thuộc châu nào ta?” và “Có bao nhiêu châu lục trên thế giới?” thì các học trò nhí của tôi đều trả lời một cách tự tin.
Tiếp theo, tôi hỏi: “Vậy Nhật Bản được cả thế giới ngưỡng mộ về điều gì? Trẻ em Nhật Bản được giáo dục như thế nào?” Các học trò tôi đều trả lời rất hào hứng!
Tôi lại hỏi tiếp: “Vậy, chúng ta có nên học theo cách Nhật Bản giáo dục trẻ em không?” “Dạ có!” Cả lớp đồng thanh.
Từ đó trở đi các học trò của tôi ý thức nhiều hơn về những bài học đó, một ví dụ là khi được chú nhạc sĩ Đức Tiến tặng kẹo, các bé ăn xong thì xả rác tùm lum. Lúc đó chú nói: “Học sinh Nhật Bản không bao giờ xả rác như vậy!”. Từ đó về sau, mỗi khi được chú cho kẹo, các bé đã khác hẳn, ăn xong là bỏ giấy gói kẹo vào sọt rác. Nhạc sĩ Đức Tiến nói với tôi: “Công nhận hay thiệt chứ, bây giờ tự biết và ý thức được việc không xả rác bừa bãi rồi!”. Tôi và nhạc sĩ Đức Tiến nói chuyện với nhau rất hợp. Chúng tôi cùng đồng quan điểm: dạy con nít là phải dạy từ những điều nhỏ nhất như vậy thì sau này, đứa trẻ mới “nên người”, đúng với mục đích đầu tiên của giáo dục là: “Phải dạy thành nhân”.
Sau bài về giáo dục Nhật Bản, tôi tiếp tục giáo trình về giáo dục của nước Mỹ dành cho trẻ em như thế nào.
Tôi tập trung vào nội dung: để các học viên tìm hiểu về nước Mỹ cũng như cách giáo dục của nước Mỹ, như: Nước Mỹ hay còn gọi là Hoa Kỳ có 50 tiểu bang, là một siêu cường quốc với rất nhiều chủng tộc.
Sau đó, tôi cho các học trò của mình xem những hình ảnh như: tôi đang xếp hàng tại Mỹ, chuẩn bị bước lên xe buýt dành riêng cho học sinh. Qua đó, tôi giới thiệu về chiếc xe buýt màu vàng cam đặc trưng chở học sinh của nước Mỹ, để nếu đi trên đường thấy xe này thì mọi người đều biết rằng đó là xe đưa đón học sinh nên luôn ưu tiên và nhường đường, đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Về việc học trong lớp, tôi mời những bé được học tại Mỹ về Việt Nam chơi chia sẻ với các bạn việc học như thế nào, học sinh ở Mỹ không phải trả bài mà luôn được hỏi để tư duy trả lời theo cảm nhận, từ đó, giáo viên hiểu được năng lực của từng em và giáo dục những gì cần thiết. Các bạn được vui chơi, giải trí, trải nghiệm bài học từ những trò chơi trong trường... Tóm lại, ở trường, học sinh ở Mỹ không phải ngồi nhiều giữa bốn bức tường trong lớp với những bài học chỉ toàn lý thuyết.
Sau khi tôi chia sẻ những kiến thức ấy, tôi đưa ra một yêu cầu với học trò, là các bạn hãy sắp xếp ý, lên trình bày, có thể thêm vào những gì mình cảm nhận một cách sáng tạo…
Tóm lại, mỗi bài thuyết trình của các bạn đều khác nhau, và tôi cho rằng miễn đủ ý là được.
Câu chuyện “Nếu đi thi thì các bạn học sinh ở Mỹ sẽ không làm được bài thi” cũng xuất phát từ đây.
Mỗi bạn học viên trong lớp đều tuần tự lên thuyết trình. Sau mỗi bài thuyết trình, tôi góp ý cho các bé về cách sắp xếp câu từ cho hợp lý. Qua đó, tôi cũng dành lời khen cho những bài thuyết trình có ý sáng tạo dựa trên yếu tố có sẵn khi các bé cảm nhận những hình ảnh về nước Mỹ. Như bạn Cát Tường thêm vào nội dung: Các bạn học sinh ở Mỹ luôn biết xếp hàng ngay ngắn một cách trật tự chứ không chen lấn, tranh giành nhau… Và nhiều ý hay của các bạn khác cũng nhận được lời khen của tôi.
Đến lượt bé Thủy Diệp với gương mặt thông minh, sáng láng và rất năng động. Nói thật là tôi rất thích bé này bởi sự nhanh nhẹn và nắm bắt bài cực nhanh, luôn tự tin đưa ra những suy nghĩ, quan điểm, chính kiến của mình. Tôi thấy đó là tố chất của những người cá tính và khác biệt, tố chất của những người thành công, những lãnh đạo trong tương lai. Tôi thích những đứa trẻ như thế, dám nói ra suy nghĩ của mình, dám tranh luận về những đề xuất tôi đưa ra, mặc dù những suy nghĩ rất trẻ con nhưng lại thể hiện được rất rõ cá tính.
Bé lên thuyết trình về câu chuyện giáo dục của nước Mỹ. Trong lúc chia sẻ đến đoạn “Học sinh ở Mỹ không phải ngồi một chỗ trong lớp để học lý thuyết mà được đọc sách, vui chơi, trải nghiệm ở ngoài trời nhiều hơn”, bé nhấn mạnh: “Vì vậy, nếu đi thi thì học sinh ở Mỹ sẽ không thể thi được”. Bé thuyết trình với một gương mặt vừa vô tư vừa lém lỉnh. Tôi và mẹ bé cùng cười, cười vì sự vô tư và suy nghĩ trẻ con của bé, nhưng qua đó, chúng ta cũng thấy được một sự khác biệt về giáo dục bắt đầu từ những điều nhỏ nhất.
Sau khi kết thúc buổi học, mẹ bé tâm sự với tôi: “Rõ ràng hình như chúng ta đã gieo vào đầu đứa trẻ khái niệm: dạy cho con trẻ học là để đi thi, học là để vượt qua kỳ thi chứ không phải học là để biết”.
Tôi tiếp lời: Dạ đúng rồi chị. Bởi vậy, khi chúng ta dạy trẻ con một tư duy sai thì chính tư duy đó phá đi tư duy đúng của đứa trẻ. Vì người lớn luôn tiêm vào đầu của trẻ là học để vượt qua kỳ thi nên đối với trẻ, mục tiêu học chính là vậy. Chị thấy không, đó là sự khác biệt quá lớn về mục tiêu giáo dục.
Chúng ta không thể trách đứa trẻ được, vì thực ra, cái cần thay đổi là tư duy nhìn nhận vấn đề của người lớn. Đứa trẻ như một trang giấy trắng, người lớn vẽ cái gì thì nó hiện lên cái đó thôi.
Chúng ta giáo dục chỉ chú trọng việc đi thi cũng như bằng cấp nên hệ quả của nó đã diễn ra rồi đó. Mỗi năm, hàng ngàn sinh viên, cử nhân đại học ra trường, nhưng đâu có nhập được vào thực tế đâu. Nếu cho đi thi thì được đó vì các em sẽ biết cách vượt qua kỳ thi dễ dàng hơn là bắt làm một việc gì đó ngoài thực tế.
Bài học rút ra cho cha mẹ:
Nhiệm vụ của ba mẹ là phải giải thích cho con rõ: con học để có kiến thức vận dụng vào đời sống thực tế, để sau này con biết cách thích nghi, điều chỉnh sao cho hợp lý, tạo nên những giá trị trước tiên cho bản thân mình, sau đó là cho những người xung quanh.
Còn nếu lỡ cha mẹ đã từng giáo dục con mình rằng học là để thi cử đỗ đạt thì bây giờ điều chỉnh lại vẫn còn kịp. Hãy nói với con rằng, khi con được trang bị các kiến thức và kỹ năng thì sau này con làm mọi việc đều dễ dàng hơn. Vì vậy, con học để hiểu biết chứ không phải chỉ để vượt qua những kỳ thi. Bằng cấp cũng chỉ là một miếng giấy chứng nhận trong một thời gian nào đó vượt qua một kỳ sát hạch. Không biết có bao nhiêu ông bố bà mẹ dám nói với con mình như vậy?
Đừng để con mình trở nên vô dụng, chẳng biết làm gì ngoài việc học giỏi và xuất sắc vượt qua các kỳ thi với số điểm cao chót vót.
Bởi có một thực tế, học gì không quan trọng, làm được gì mới là điều đáng nói.
Tôi tin là sẽ có nhiều cha mẹ đồng tình với tôi về quan điểm này!
Bên cạnh đó, cũng sẽ không ít ý kiến phản đối. Nhưng không sao, cái gì cũng cần phải có thời gian.
Tôi vẫn luôn có một niềm tin về sự thay đổi lớn trong suy nghĩ, tư duy từ những ông bố, bà mẹ.