C
ó một chị phụ huynh gọi điện thoại cho tôi, nói chuyện nhỏ nhẹ, dễ thương lắm! Hẹn đưa bé đến gặp cô Thy, rồi nhờ cô huấn luyện giùm bởi vì bé nó nhút nhát lắm…
Sáng thứ Bảy, tôi đến lớp dạy đã thấy chị và bé ngồi chờ sẵn.
Tôi nhìn chị, gương mặt thân thiện, dễ thương giống như giọng nói của chị vậy. Chị được một chị phụ huynh có con theo học tôi giới thiệu.
Vừa gặp tôi, chị chia sẻ: Bé là con trai, năm nay lên 8, và “Bé nó học cũng nhanh lắm nhưng có điều hơi bị nhát cô ơi…”
Tôi hỏi: Bé nhát như thế nào chị?
- Thì bé ngại tiếp xúc, ngại nói chuyện trước đám đông, rụt rè và hơi tự ti nữa.
- Em thấy mặt bé rất sáng, khả ái, thân thiện, mắt nhìn rất lanh. Chị ngồi đây xem nhe, để em nói chuyện với bé xong rồi sẽ trao đổi với chị.
Và tôi bắt đầu đặt câu hỏi để trò chuyện với bé.
- Con tên gì nè?
Bé trả lời hơi nhỏ.
- Con nói lớn cho cô nghe nào!
Bé bắt đầu nói lớn hơn.
- Tốt lắm! Con bao nhiêu tuổi rồi? Con học trường nào? Con thích ăn món gì nè? Trong lớp con chơi với bạn nào và tại sao lại thích chơi với bạn đó?
Bằng cách đặt hàng loạt câu hỏi như vậy, tôi đối thoại với bé.
Trong quá trình trao đổi, tôi vận dụng những kỹ năng của mình nên hai cô cháu nói chuyện rất vui và thoải mái. Nói đến đâu, tôi cũng dành cho bé những thiện cảm, khuyến thích lẫn khen ngợi khi tôi thấy điều đó thật đáng khen.
Sau đó, tôi khích lệ bé tự giới thiệu về mình bằng một bài thuyết trình hẳn hoi. “Con có thể giới thiệu về con cho các bạn ở đây và cho cô biết nào!” Và bé làm rất tốt với sự cổ vũ của cô cùng các bạn.
Mẹ bé ngồi theo dõi toàn bộ diễn biến câu chuyện cũng thấy hơi bất ngờ về con mình.
Tôi muốn phụ huynh ngồi ngay trong lớp để chứng kiến về con của mình, và cũng để kiểm chứng xem con mình có thật sự giống như mình nghĩ không. Qua đó, phụ huynh cũng nhận ra mình có thật sự hiểu tâm lý của một đứa trẻ hay chưa?
Ngay trong buổi đầu tiên, tôi đã chứng minh cho mẹ bé thấy rằng mẹ đã nghĩ sai về khả năng của bé.
Bé rất năng động và thông minh, lại khá tự tin chứ không giống như mẹ nghĩ.
Khi kết thúc buổi học, tôi dành thời gian để trao đổi với mẹ bé.
Tôi nói rằng: Trong mắt chị, đây là một cậu bé nhút nhát, còn trong mắt em, đây là một cậu bé tự tin và thông minh.
Tại sao lại có cái nhìn khác nhau nhiều đến như vậy?
Vì mẹ chỉ có một đứa con, còn tôi đã đào tạo cả trăm học trò. Nên khi tôi nhìn và tiếp xúc với một đứa trẻ, tôi biết khả năng của bé nằm ở đâu, và tôi khai mở chính điểm mạnh nhất của bé để giúp bé phát triển một cách không giới hạn. Còn mẹ thì có lẽ vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên không biết cách giúp con như thế nào.
Sau buổi học đó, còn đọng lại cảm xúc nên tôi viết trên facebook của mình như sau:
Hôm qua, có một phụ huynh đưa một bé trai 8 tuổi đến lớp tôi để nhờ tôi kiểm tra khả năng và tư vấn cho chị định hướng cho con. Chị cứ chia sẻ với tôi rằng: “Bé nhút nhát lắm cô Thy ơi!”
Sau khi tôi trao đổi với phụ huynh xong, tôi cho bé vào lớp học, hướng dẫn bé làm theo yêu cầu để kiểm tra khả năng. Tôi cũng để mẹ bé tham dự trong lớp để chứng kiến cách tôi đào tạo và hướng dẫn cho các học viên nhí.
Chưa cần đến hết buổi học, tôi đã nhận ra khả năng của bé như thế nào và chia sẻ với mẹ bé rằng: “Chị ơi, con chị là một nhân tài và rất xuất sắc. Không cần học hết một khóa, bé sẽ làm được nhiều hơn những gì chị vừa chứng kiến và có thể đứng trước cả ngàn khán giả để thuyết trình một cách tự tin. Chị không nhìn thấy khả năng của bé nên chị chưa biết cách khai mở như thế nào để bé phát huy hết năng lực của mình đó thôi. Trong mắt chị, đây là một cậu bé nhút nhát. Còn trong mắt em, đây là một cậu bé đầy tố chất và bản lĩnh. Đối với những đứa trẻ như vậy, em sẽ huấn luyện chúng để trở thành những người dẫn đầu, thậm chí vươn mình ra thế giới để sánh với bạn bè quốc tế!”
P/S: Có bao nhiêu phụ huynh chưa nhìn thấy được tài năng thực sự của con mình? Xin hãy mang qua đây, cô Thy sẽ nhìn ra ngay kết quả!
Lưu ý: Cũng sẽ có những kết quả gây tổn thương, ngược lại với niềm tự hào của bố mẹ bấy lâu nay, vì họ ngộ nhận rằng con mình rất giỏi bởi những bằng khen được phát kiểu rải khắp cho tất cả các bé khắp mọi miền, và khắp các trường học, từ các chương trình, các cuộc thi trong nước.
Cũng xin giải thích thêm về phần“lưu ý”. Ngay thời điểm đó, tôi cảm thấy vừa thương vừa giận một vài bố mẹ vì quá ham thành tích mà đẩy lên vai con mình một gánh nặng quá lớn. Tôi mong những người người bố, người mẹ đó sẽ đọc được cuốn sách này để nhìn lại mình, vì thật sự rất tội nghiệp cho đứa trẻ.
Tôi sẽ kể câu chuyện đó sau, còn bây giờ thì quay lại câu chuyện bé trai 8 tuổi.
Bài học rút ra cho cha mẹ:
1: Phải khuyến thích con hơn là chê bai con.
2: Không nên nói con nhút nhát trước mặt người khác, nói vậy trẻ sẽ bị tâm lý và càng nhút nhát hơn. Hơn nữa, trẻ nghĩ rằng mẹ đã công nhận mình nhút nhát rồi nên thôi mình cứ vậy đi cho khỏi phức tạp.
3: Phải gợi ý cho con nói những điều mà con hứng thú trước, những cái đơn giản để con dễ trả lời. Rồi dựa vào đó để khen ngợi con, giúp con tự tin hơn. Sau đó, mới bắt đầu đưa ra những câu hỏi cần sự suy nghĩ, từ đó hướng dẫn con để con có thể làm được một cách thuận lợi. Đó là lúc đứa trẻ cảm thấy phấn khích nhất vì đã vượt qua cái khó hơn. Hãy ghi nhận nỗ lực của con, bày tỏ thái độ, cảm xúc và khen ngợi bé như: “Con thông minh quá, khó vậy mà con cũng nghĩ ra!”. Lời khen sẽ khiến trẻ em tự tin hơn!
4: Nếu cha mẹ chưa đủ kinh nghiệm để hiểu về con mình thì có thể đặt nhiều câu hỏi cho con. Nghe con trả lời, dù đúng dù sai hãy đồng tình với con trước để con cảm thấy có “đồng minh”, sau đó phân tích cho con rõ hơn về cái nào đúng nên giữ, cái nào sai nên thay đổi.
Nhờ vậy, cha mẹ sẽ hiểu con nhiều hơn, hiểu những gì con mình đang nghĩ. Nhưng xin nhớ rằng, trước tiên hãy về phe của con, vì tâm lý chung ai cũng thoải mái chia sẻ những gì đang nghĩ cho ai thuộc phe mình, chứ không ai lại chia sẻ với người khác phe cả. Hãy như một người bạn của con để cùng con khôn lớn mỗi ngày.
Vì vậy, với con, bố mẹ hãy như một đứa trẻ để chơi cùng, hiểu cùng và hành động cùng. Từ đó, mới dễ dàng dẫn dắt con vào những giá trị mà cha mẹ mong muốn giáo dục con.