N
hắc lại câu chuyện này, đến giờ tôi vẫn còn cảm xúc. Đó là một buổi học trong lớp MC nhí.
Hôm đó, trước khi đến với bài học trong giáo trình, tôi yêu cầu mỗi bé hãy kể một câu chuyện tự do. Phương pháp này giúp cho các bé biết cách diễn đạt ý mình muốn, chia sẻ những câu chuyện của mình. Qua đó, tôi nắm được khả năng biên tập của từng bé cũng như cách sử dụng ngôn ngữ để hướng dẫn hoặc điều chỉnh. Với nội dung tự do, tôi gợi ý các bé có thể kể bất cứ điều gì mình muốn chia sẻ: chuyện đi học, chuyện đi sinh nhật, chuyện đi chơi…
Và các anh chị phụ huynh có biết không, nhờ vậy mà tôi hiểu được nhiều lắm tâm tư của các bé. Nếu không tiếp cận, chắc tôi sẽ khó nắm bắt được các bé đang nghĩ gì. Không chỉ riêng một bé mà mỗi bé đều có những tâm tư riêng, những tâm tư mà đôi khi bố mẹ không thể hiểu, thậm chí không biết được.
Mặc dù là cô giáo, nhưng khi tiếp xúc với trẻ thơ, tôi học được từ các bé rất nhiều, đặc biệt là sự vui vẻ, vô tư, không tính toán, vụ lợi, thích khám phá mọi điều xung quanh.
Tôi tôn trọng các bé, tôi không nghĩ vì các bé chỉ là trẻ con mà mình có thể lấy quyền người lớn để áp đặt.
Bài chia sẻ được bắt đầu. Mỗi đứa trẻ ở mỗi độ tuổi có những câu chuyện khác nhau, có chuyện vui, có chuyện hài hước, mà hài hước không phải bởi câu chuyện đó hài hước mà là vì cái cách kể ngây ngô dễ thương của bé khiến câu chuyện trở nên sinh động khiến cả lớp cười rần rần.
Trong những bài chia sẻ đó có hai bài làm tôi xúc động. Bạn ấy học lớp 8 rồi, so với các bạn trong lớp thì bạn ấy lớn nhất lớp lúc bấy giờ.
Xin được chia sẻ thêm với các anh chị là lớp học MC không cùng độ tuổi mà có nhiều độ tuổi khác nhau. Có những bé nhỏ tuổi mà xuất sắc hơn các anh chị trong lớp, chuyện đó là bình thường. Độ tuổi không quyết định khả năng của mỗi bé. Còn khả năng của từng bé thì tùy thuộc vào năng khiếu và sự rèn luyện.
Quay trở lại với bạn học lớp 8, bạn nói như sau:
“Mỗi ngày, mẹ hay so sánh mình với những người khác. Mẹ so sánh mình với những người bạn trong lớp, hay một vài bạn là con của những người bạn của mẹ.
Mà cái gì mẹ cũng hay so sánh với người ta, nhất là chuyện học hành.
Mỗi lần như vậy, mình thấy buồn lắm nhưng không dám nói gì cả, chỉ biết im lặng mà nghe thôi. Sao lúc nào mẹ cũng thấy mình thua mọi người? Mình cũng có những cái hay của riêng mình mà, sao mẹ không nhìn thấy những điều đó?
Mình mong mẹ đừng bao giờ so sánh mình với ai hết, nhiều lần như vậy mình thấy tủi thân, tự ti lắm. Mình thương mẹ đã luôn lo lắng cho mình nhưng mình cũng buồn vì lúc nào mẹ cũng so sánh mình với người khác…”
Nói đến đó nước mắt em rưng rưng, tôi cũng ướt mắt… Nhưng tôi không muốn để em phải buồn, phải khóc nên tôi ngăn lại, một phần tôi không muốn ảnh hưởng tâm lý chung của lớp nên tôi phá đi bầu không khí đó bằng một tràng vỗ tay dành cho bài chia sẻ rất hay của em.
Hỡi những ai đang làm cha mẹ, anh chị có bao giờ so sánh con mình với ai không? Ít nhiều gì chắc cũng có đúng không?
Các anh chị có hiểu hết được nỗi lòng những đứa con của mình khi bị so sánh không?
Tôi biết, đôi khi các bậc cha mẹ cố tình so sánh, xem như đó là một cách tạo động lực để các bé cố gắng nhiều hơn, nhưng nếu không đủ tinh tế và khéo léo thì nó sẽ dẫn đến tác dụng ngược.
Như câu chuyện vừa rồi, các anh chị có thấy không? Các anh chị có thấy thương những đứa trẻ khi bị chính những người thân yêu nhất của mình đi so sánh với người khác không?
Tôi có tiếp xúc với mẹ bé, tôi biết chị ấy rất yêu thương con mình.Vì bé không có cha ở bên cạnh, chị ấy muốn dành những gì tốt đẹp nhất để bù đắp cho con. Chị ấy muốn con phải thật giỏi để sau này có một tương lai tươi sáng. Tôi hiểu nỗi lòng nên đồng cảm với chị lắm. Chỉ là do quan tâm chưa đúng cách nên vô tình làm tổn thương con mà thôi.
Nếu muốn giúp đứa trẻ có động lực để làm tốt việc nào đó thì tôi giáo dục học trò của mình theo cách này:
Trước mắt, tôi sẽ ghi nhận những công lao, những cố gắng của bé. Sau đó, tôi sẽ khuyến khích bé làm những gì tôi muốn bé đạt được theo từng giai đoạn.
Chẳng hạn như: Con làm vậy là tốt quá rồi, nhưng nếu con điều chỉnh cái này chút xíu (hoặc con rèn luyện phần này thêm chút xíu nữa) thì con tuyệt vời luôn đó!
Với sự khích lệ như vậy, tôi tin đứa trẻ nào cũng sẽ phấn khởi, cố gắng hơn nữa để được khen, để được ghi nhận. Đó là tâm lý! Biện pháp tâm lý này không những áp dụng với trẻ mà còn có thể áp dụng để động viên, khuyến khích bất kỳ ai.
Bên cạnh đó, tôi muốn nói ra điều này để các anh chị phụ huynh thay đổi về tư duy trong cách nhìn nhận.
Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, cá tính khác nhau, sở trường sở đoản khác nhau.
Mỗi đứa trẻ đều có những mặt mạnh cũng như mặt yếu nên không thể bắt ai giống ai được.
Mình phải tôn trọng điều đó. Có một câu mà tôi rất thích: “Trưởng thành là chấp nhận sự khác biệt của người khác.” Khi mình hiểu và chấp nhận được điều đó mới gọi là trưởng thành.
Chắc các anh chị cũng nghe đến sinh trắc “dấu vân tay’’. Dấu vân tay của mỗi người trên thế giới này đều khác nhau, không ai giống ai cả. Vậy tại sao phải bắt con mình giống người này người kia? Cái cha mẹ cần quan tâm là hãy trang bị cho bé các kỹ năng, vì sống trong một xã hội hiện đại như hiện nay thì phải có kỹ năng, để các bé làm hành trang cho mình trong cuộc đời. Ngoài ra, chúng ta nên tôn trọng những sở thích đam mê của bé nếu bé thật sự yêu thích.
Bài học rút ra cho cha mẹ:
1: Đừng bao giờ so sánh con mình với ai cả.
2: Đừng quá quan trọng thành tích, điểm số mà làm tổn thương con.
3: Hãy quan tâm là con học có vui không? Con học được những gì và hướng dẫn con ứng dụng điều được học vào cuộc sống hằng ngày.
4: Luôn ủng hộ con khi con làm những điều tích cực hoặc một việc tốt. Hãy bày tỏ thái độ cho con biết là cha mẹ rất yêu thương và đồng hành cùng con trong các chặng đường.
5: Và điều cuối cùng nhưng rất quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh cũng như lặp đi lặp lại là hãy luôn ghi nhận những cố gắng của con. Hãy khuyến khích con và trao cho con niềm tin là con sẽ làm được và làm rất tốt.
Hoặc nếu con làm chưa tốt như mình đã tin tưởng thì hãy nói với con rằng: “Ai thành công cũng vài lần thất bại, chuyện đó cũng bình thường thôi con. Bạn của ba mẹ kìa, ngày xưa học cũng vậy mà bây giờ cố gắng thành công vậy đó…” Cố gắng khéo léo để đưa tình huống vào câu chuyện của con làm nó nhẹ nhàng hơn. Đôi khi cũng phải cần đến “những lời nói dối ngọt ngào”.