C
ũng trong buổi học của câu chuyện thứ 3, sau khi học viên của câu chuyện thứ 3 chia sẻ xong thì đến một học viên khác. Bé 8 tuổi, tên N.A.
N.A kể câu chuyện của mình như sau: Hôm bữa, mẹ dắt mình đi chơi với các cô chú là bạn của mẹ.
Các cô chú đó cũng có con độ tuổi như mình. Mình có chơi chung với các bạn, sau đó có một bạn khóc, nhưng lỗi không phải do mình mà mẹ lại bắt mình xin lỗi.
Trong bài chia sẻ của mình, bé N.A có kể cụ thể hơn câu chuyện vui chơi đó, nhưng vì cũng đã lâu rồi nên tôi không nhớ chi tiết. Nhưng có một điều mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ.
Đó là hình ảnh bé vừa kể vừa khóc. Bé khóc và kể lại rằng: “Mình không phải là người có lỗi nhưng sao mẹ lại bắt mình phải xin lỗi?” Bé cảm thấy ấm ức trong lòng. Tôi biết tính bé rất ngoan và hiền lành. Tôi cũng rưng rưng nước mắt, tôi hiểu cảm giác của bé lúc bấy giờ, cảm thấy rất tủi thân vì bị oan ức, vì không ai bảo vệ cho mình, vì không ai giải thích làm chứng cho mình. Mẹ lại cứ khăng khăng cho là mình có lỗi và bắt mình phải xin lỗi.
Dù có thông minh, lanh lợi, hiểu biết như thế nào thì bé vẫn là trẻ con, nên bé chưa hiểu được vì sao mẹ lại bắt mình phải xin lỗi như vậy.
Trong cách bé kể lại câu chuyện, tôi nhìn thấy một sự tủi thân về thân phận gia đình của mình. Tôi hiểu được bé đang nghĩ là vì gia đình bạn đó giàu có hơn, còn gia đình mình thì cũng không phải có điều kiện lắm nên mẹ muốn mình xin lỗi để làm vừa lòng người ta. Mặc dù bé không nói ra, nhưng qua cách thể hiện khiến cho tôi ngầm hiểu là như vậy.
Tôi hiểu được mẹ của bé, cũng như hiểu rằng những người lớn có sự rộng lượng và bao dung nên không giành phần thắng về mình. Tôi rất quý những người mẹ luôn dạy con mình như vậy.
Nhưng nếu về nhà mẹ bé dành chút thời gian để hỏi han và giải thích cho bé có phải sẽ tốt hơn không, để bé không giữ nỗi buồn trong lòng. Trẻ con xem vậy chứ có nhiều tâm tư lắm đó các anh chị, chẳng qua là chưa biết đủ các ngôn từ để lột tả hết ý của mình thôi, chứ đừng nghĩ rằng trẻ con không biết gì. Đôi khi độ nhạy cảm của các bé còn hơn cả người lớn chúng ta nữa đó.
Cũng chính vì câu chuyện đó mà trong bài học thuyết trình về “xin lỗi và cảm ơn”, tôi có viết một đoạn với nội dung sau đây: “Đôi khi xin lỗi không phải vì người ta có lỗi, mà vì người ta biết khiêm tốn, nhường nhịn và cho đi”.
Sẵn tiện, gửi lại bài MC NHÍ - thuộc giáo trình đào tạo lớp MC nhí của Học viện NGÔI NHÀ TUỔI THƠ cho các học viên để các bậc phụ huynh cùng tham khảo nhé. Anh chị cũng có thể sử dụng nội dung này để hướng dẫn, chia sẻ cho các con của mình.
Nội dung bài học lớp MC Nhí - TỰ TIN THUYẾT TRÌNH - LÀM CHỦ ĐÁM ĐÔNG
Bài thuyết trình: XIN LỖI VÀ CẢM ƠN
Quý vị và các bạn thân mến! Nếu ai giúp các bạn một việc gì đó dù là nhỏ nhặt nhất thì việc đầu tiên các bạn có biết nói lời cảm ơn với người ta không? Hay bạn chỉ nhận và xem chuyện đó là lẽ bình thường? Hoặc khi bạn làm một điều gì đó làm ảnh hưởng tới người khác, đơn giản chỉ là một cái va chạm nhẹ như là giẫm lên chân của người khác thì bạn có biết nói lời xin lỗi với người ta không? Hay bạn chỉ biết đứng nhìn rồi lại thôi.
Ở các nước phương Tây, trẻ em từ nhỏ đã được giáo dục những điều này. Trong những mối quan hệ, việc nói lời cảm ơn và xin lỗi là một trong những phương thức giao tiếp được đặt lên hàng đầu… Nên người ta dễ dàng dành cho nhau những lời cảm ơn và xin lỗi. Đây có thể là một phép lịch sự nhưng nó thật sự rất cần thiết để bày tỏ sự biết ơn cũng như sự nhận lỗi.
Nhưng cũng chia sẻ thêm với các bạn, đôi khi sự nhận lỗi không phải bởi vì người ta có lỗi mà là vì người ta biết khiêm tốn, nhường nhịn và cho đi. Vậy thì bắt đầu từ hôm nay, chúng ta sẽ vận dụng vào cách ứng xử mỗi ngày bằng những hành động nhỏ nhất là: “Con cảm ơn mẹ đã nấu món ăn này cho con, con cảm ơn ba đã chỉ con bài tập này, mình cảm ơn bạn đã giúp mình về một chuyện gì đó...”.
Bạn có biết không? Biết ơn và biết cảm ơn những người xung quanh sẽ cho bạn một thói quen tốt. Bạn sẽ được nhiều người yêu thương và giúp đỡ. Mình tin là vậy, bởi vì nói ra những lời “ái ngữ” là những lời nói đẹp bằng cả tấm lòng. Nhưng trước tiên hãy học cách nói “xin lỗi và cảm ơn”. Hãy cùng thực hiện bắt đầu từ hôm nay nhé các bạn.
Cảm ơn các bạn đã lắng nghe.
Bài học rút ra cho cha mẹ:
Hãy quan tâm đến cảm xúc của con, hãy nghe con tâm sự, chia sẻ. Khi bắt một đứa trẻ làm một điều gì, hãy giải thích cho chúng hiểu kèm theo bài học giáo dục con.
Nếu là tôi trong trường hợp đó, về nhà, tôi sẽ giải thích với con mình, lắng nghe bé kể lại câu chuyện, hoặc có thể an ủi bé, rồi từ đó giáo dục cho bé như nội dung trong bài “cảm ơn và xin lỗi” mà tôi gửi phía trên.
Đó là điều mà nhiều người hay khuyên, hãy dành thời gian quan tâm và chơi với con để hiểu về con là vậy đó. Biết rằng trong xã hội với nhịp sống hiện đại ngày nay, ba mẹ còn nhiều điều phải lo lắm.Tôi gặp rất nhiều phụ huynh với những câu chuyện gia đình, thật sự tôi rất đồng cảm với các anh chị bởi đôi khi ta không có đủ thời gian dành cho con cái. Tôi hiểu chứ, nhưng phải cố gắng thôi ba mẹ à. Con cái mình sinh ra, hãy cho bé có những ký ức của tuổi thơ được cha mẹ quan tâm, luôn đi bên cạnh. Đó mới chính là món quà lớn nhất của tuổi thơ.
Cố gắng lên ba mẹ nhé!