Đ
ó là lời của một chị phụ huynh, tôi nghe kể lại từ một chị phụ huynh khác!
Tôi biết câu nói đó thể hiện sự không hài lòng của người mẹ - là phụ huynh của một bé trong lớp tôi. Còn tôi thì vẫn rất hài lòng về cách đào tạo của mình. Vậy đầu đuôi câu chuyện thế nào?
Trong lớp học nhảy múa, thời trang của tôi, phần lớn các bé từ 5, 6 tuổi đến 8, 9 tuổi. Lớp này, học viên sẽ được lần lượt học các kỹ năng về nhảy múa, thời trang tổng hợp.
Có một chị phụ huynh cho con mình tham gia học, lúc bé nhảy bị té theo kiểu vấp té của trẻ con một cách bình thường thôi thì mẹ ở ngoài nhìn vào đã thấy khó chịu.
Mẹ bé ấy mới nói với một chị phụ huynh khác: “Mốt không cho con học ở đây nữa, cô giáo thấy té vậy mà không tới đỡ, để con nhỏ phải tự đứng lên”.
Tôi hiểu sự xót xa của phụ huynh khi nhìn thấy bé bị té như vậy. Nhưng tôi là người đào tạo về giáo dục, tôi muốn để đứa trẻ tự đứng lên. Dĩ nhiên là tôi thấy, tôi biết hết chứ nhưng nếu ba mẹ chưa quen thì có thể cho rằng cách giáo dục của tôi có vẻ hơi “tàn nhẫn” khi tôi dửng dưng để trẻ tự đứng lên.
Các anh chị phụ huynh thân mến, cuộc sống ngoài kia có bao nhiêu khó khăn, những ai đủ trải nghiệm chắc chắn đều thấm thía được những sóng gió ngoài kia. Và những lúc như vậy, chúng ta cần có sự mạnh mẽ, phải biết tự đứng lên chứ có ai đứng lên thay mình không? Chỉ có mình mới giúp được mình, đừng mong chờ ai cả.
Mà trở ngại, thách thức ngoài kia thì không chừa một ai. Cuộc đời của mỗi người bắt buộc phải trải qua những sóng gió ấy cho dù bạn có là ai đi chăng nữa. Bạn có là tổng thống Mỹ thì cũng phải đối diện với những thách thức này.
Vậy tại sao chúng ta không rèn luyện cho những đứa trẻ những kỹ năng sống rất cần thiết cho tương lai của chúng như: kỹ năng tự lập, kỹ năng giải quyết khó khăn, kỹ năng về sự kiên cường và ngay cả kỹ năng chấp nhận thua cuộc?
Các ba mẹ cứ nghĩ rằng bao bọc như vậy mới là yêu thương con sao?
Đó là yêu thương trong sự không hiểu biết, nó sẽ dẫn đến những nguy hại cho con sau này. Chỉ một việc nhỏ như vầy mà không để con tự giải quyết, mạnh mẽ đứng lên; vậy nếu sau này không có cha mẹ bên cạnh, không ai đỡ con dậy thì con sẽ như thế nào? Con sẽ ngồi yên đó chờ cha mẹ đến giúp hay sao?
Nếu cha mẹ chịu bỏ thời gian đọc sách về giáo dục con của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước thuộc top dẫn đầu như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật…, sẽ thấy họ giáo dục con cái khác với chúng ta nhiều lắm. Tuy nhiên, không phải bất cứ cái gì của họ chúng ta cũng học theo, nhưng cái nào hay và phù hợp thì chúng ta nên học.
Tôi sẽ kể cho các anh chị nghe chuyện tôi trải nghiệm về cách giáo dục trẻ em của người Nhật trong thời gian tôi ở Nhật Bản.
Một buổi sáng đi diễu hành của các bé học sinh độ tuổi cỡ lớp chồi, lá như của Việt Nam mình. Các bé xếp thành một hàng ngay ngắn đi diễu hành. Nhìn cái dáng đi lẹt đẹt của các bé dễ thương lắm. Trong quá trình di chuyển, có mấy bé bị vấp té, cô giáo quay qua nhìn bé cười và không nói gì cả, bé tự lọ mọ đứng lên rồi lẹt đẹt chạy theo các bạn, cô giáo không đỡ hay làm gì cả. Tôi thấy hình ảnh đó mà yêu làm sao, yêu những đứa trẻ và yêu cả cách giáo dục của họ. Từ nhỏ, họ đã dạy trẻ con về tính tự lập và tự rèn luyện sức khỏe, vì đối với họ, sức khỏe là điều quan trọng nhất của con người, không có sức khỏe thì không làm được gì cả. Quan điểm giáo dục này phù hợp cho mọi quốc gia chứ không chỉ với Nhật Bản.
Vì vậy, tôi muốn rằng đã mang tiếng là học trò của cô Thy thì phải được trang bị đầy đủ các kỹ năng sống, nhất là về tính tự lập và ý thức rèn luyện giữ gìn sức khỏe.
Tiếc là chị phụ huynh đó không nói gì với tôi mà chỉ nói với một phụ huynh trong lớp.
Mà nếu chị ấy có nói với tôi thì tôi vẫn sẽ giữ nguyên cách giáo dục của mình. Đó là cách giáo dục có lợi cho tương lai của con trẻ. Tôi không muốn chỉ vì để phụ huynh hài lòng (một cách không hợp lý) mà tôi thay đổi cách giáo dục của mình.
Dĩ nhiên, nếu chị ấy hỏi thì tôi sẽ giải thích cho chị hiểu vì sao cần để trẻ con học cách tự đứng dậy khi vấp té.
Bài học rút ra cho cha mẹ:
Ở câu chuyện này, tôi không đưa bài học nào cả. Tôi chỉ đưa ra quan điểm của mình và tôi mong sẽ có nhiều phụ huynh cùng đồng tình với tôi.
Qua trải nghiệm thực tế, tôi đã thấy nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra rồi. Chỉ vì cha mẹ yêu thương con vô điều kiện và không đúng cách mà không ít đứa trẻ khi lớn lên gặp muôn vàn khó khăn trong cuộc sống, mà điều tệ hại nhất là thấy cái gì cũng khó khăn. Đa số những đứa trẻ mãi không trưởng thành ấy có xuất phát điểm giống nhau là nhà có điều kiện, được bố mẹ bao bọc mọi chuyện trên đời. Có đứa đã học đến lớp 2 còn có người đút ăn. Khi lớn lên, các bé đó không làm được việc gì cả, gần như không thể tự mình giải quyết một khó khăn nào dù rất nhỏ và nhìn đâu cũng thấy khó khăn, thử thách; cảm thấy rất hoang mang và sợ hãi trước cuộc sống bên ngoài gia đình.
Các anh chị phụ huynh đã gặp những trường hợp như vậy chưa? Còn tôi thấy rất nhiều và tội lắm.
Đừng yêu thương con mình theo cách này anh chị nhé!