T
rẻ con nước ngoài hầu hết đều biết chăm sóc bản thân ngay từ nhỏ. Đó là cách giáo dục của các nước phương Tây, phần lớn họ không để trẻ em dựa dẫm vào người lớn nhiều.
Tuy nhiên, ở nước ta, phần lớn cha mẹ nghĩ rằng nếu không có cha mẹ bên cạnh, trẻ em sẽ không làm được gì cả. Cha mẹ thường không dám buông tay để cho con học cách tự lập. Cha mẹ không nghĩ được rằng, nếu bớt bao bọc thì con cái sẽ mạnh mẽ, tự tin và chủ động hơn trong cuộc sống.
Hôm ấy, có một chị phụ huynh đưa một bé gái khoảng 9 tuổi vào Ngôi Nhà Tuổi Thơ đăng ký học chương trình “Học tiếng Anh qua kịch và bài hát”.
Chị rất dễ thương và nhiệt tình, nói giọng Bắc. Bé tuy 9 tuổi nhưng vóc dáng hơi lớn con nên nhìn như khoảng 10 tuổi.
Trong lúc đang trao đổi với chị ấy về lịch học và giáo trình học thì bé nói với mẹ là muốn đi vệ sinh. Tôi chỉ bé chỗ đi vệ sinh. Từ chỗ tôi ngồi trao đổi với chị đến nhà vệ sinh chưa tới mười bước chân, vậy mà bé chần chừ như không muốn đi. Khi đến cửa nhà vệ sinh, bé kêu mẹ, chị ấy liền chuẩn bị chạy đến.
Tôi ngăn chị lại: “Để cho bé tự đi đi chị.”
Nhưng chị vẫn bảo là: “Thôi để tôi dắt bé đi.”
Trong quá trình bé học, chị ngồi dưới văn phòng đợi bé, tôi cũng được dịp trò chuyện với chị.
Tôi nhẹ nhàng gợi chuyện: “Chị hãy để cho bé tự lập được không? Bé lớn rồi mà sao chuyện gì chị cũng phải làm hết đó.”
Chị cười rổn rảng: “Quen vậy rồi cô, từ đó giờ làm gì cũng phải có mẹ hết. Chị nó cũng vậy thôi, lấy chồng rồi, mà giờ đón taxi còn phải nhờ mẹ gọi điện thoại giùm nữa.”
Tôi thốt lên trong bụng: “Trời ơi…” Tự nhiên tôi nghĩ về tương lai của những đứa con của chị ấy.
Tôi nói: “Chị đâu thể ở bên cạnh mà lo cho con mình suốt đời. Chị phải buông để con chị tự lo chứ. Sau này, nếu chị không lo thì con chị phải làm sao?”
Chị trả lời: “Thôi kệ đi cô ơi, mình lo cho con được tới lúc nào thì cứ lo tới lúc đó.”
Tôi biết, có nói gì thêm lúc này cũng không thay đổi được gì nên tôi im lặng.
Cách khoảng hai tháng sau, chúng tôi cùng học viên của Ngôi Nhà Tuổi Thơ biểu diễn chương trình Ngày hội gia đình ở Bình Quới. Khi tất cả các bé cùng tụ tập vui chơi tại một điểm sau giờ biểu diễn thì mưa bất ngờ ập đến, các bé đều tranh thủ mang giày để chạy mưa. Riêng một mình bé con chị đứng đó, bối rối không biết làm gì như muốn bật khóc. Chị thấy vậy chạy tới mang giày vào chân cho bé. Trong lúc hơi lộn xộn, tôi nói với chị, giọng có chút bực mình: “Chị để cho bé tự mang được không?’’
Tôi nghĩ rằng đây chỉ là một cơn mưa, nó không là gì cả. Cứ cho là lỡ bé không mang kịp giày thì ướt đồ chút đi, rồi có sao không? Còn hơn là bé đã lớn rồi, 9, 10 tuổi rồi mà chị còn lo cho như một đứa trẻ 2, 3 tuổi. Thật sự nhìn tôi không chịu nổi. Tôi không muốn học trò của mình như vậy!
Và sau bữa đó, chị không cho bé đi học nữa.
Tôi biết chị giận tôi vì tôi ngăn cản chị chăm sóc cho con mình. Đôi khi, tôi không kiềm được lòng cũng tỏ ra khó chịu với cách chăm sóc con nít một cách thái quá như vậy. Nếu tôi không chứng kiến sự việc thì chắc tôi không tin được đâu.
Có lẽ, một phần cũng do hoàn cảnh gia đình. Bé không có tình cảm của cha nên chị muốn bù đắp cho con, mới có những hành động chăm sóc, bảo bọc như vậy.
Nói thật, tôi vừa thương vừa giận!
Bài học rút ra cho tôi và cho cả phụ huynh:
Tôi đã mất đi một học viên của Ngôi Nhà Tuổi Thơ. Vì cách giáo dục của tôi không cùng chí hướng với chị phụ huynh đó. Tôi không buồn vì mất đi một học viên, bởi đó là sự lựa chọn trong cách giáo dục của tôi. Tôi chỉ nghĩ đến đứa bé đó… Sau này lớn lên sẽ sống thế nào?
Tôi cũng suy nghĩ về bản thân mình: Mình có bị cứng nhắc quá không?
Càng suy nghĩ tôi càng nhận ra, dù có làm lại thì chắc tôi vẫn giữ quan điểm và quan điểm đó tôi cũng vẫn giữ cho đến bây giờ. Thực ra, nếu để làm vui lòng phụ huynh thì đối với tôi là quá dễ. Tôi đào tạo về kỹ năng thuyết trình và giao tiếp cho đối tượng doanh nhân mà.
Để làm phụ huynh vui lòng với tôi không khó, nhưng nếu để phụ huynh vui lòng thì tôi phải đào tạo con trẻ như những gì phụ huynh mong muốn. Xét về kinh doanh sẽ là mặt lợi cho tôi. Nhưng nó trái với mục đích nhân văn của giáo dục, tôi biết nó sẽ không tốt cho đứa trẻ trong tương lai sau này.
Nên tôi quyết định vẫn phải đào tạo theo kiến thức chuyên sâu của 20 năm trải nghiệm, nghiên cứu mới có được. Tôi không thể vì lợi nhuận mà làm theo ý kiến của phụ huynh khi tôi biết nó không mang lại giá trị gì cho bé.
Dĩ nhiên, phụ huynh không biết điều đó. Phụ huynh chỉ thấy được giá trị trước mắt nhưng chưa có kinh nghiệm để thấy được giá trị lâu dài, giá trị tầm xa mà cách giáo dục đúng đắn mang lại cho một đứa trẻ trong tương lai.
Và cuối cùng, tôi chọn làm theo trái tim yêu thương chứ không vì mục đích kinh doanh để kiếm lợi nhuận. Nhưng tôi tin, cho đi sẽ còn mãi và những điều tuyệt vời sẽ đến với ai có trái tim yêu thương.