Cao Duy là đại thần nắm quyền lớn trong tay, hiện đang giữ chức Thừa tướng, thống lĩnh toàn bộ văn võ bá quan của Đại Ngụy, và được Hoàng đế Thần Tông rất tin tưởng.
Tất nhiên, phủ đệ của ông ta rất bề thế, tọa lạc trên đường lớn rộng rãi, ở cổng lớn còn dựng một bức trấn phong(*) cao lớn, trên đó có khắc bút tích của Hoàng đế Thần Tông: Trung Can Nghĩa Đảm(**).
(*) Trấn Phong là một kiểu tường chắn đứng tách biệt trong quần thể kiến trúc, được lưu truyền tại các nước Trung Quốc, Việt Nam, có tác dụng tương tự bình phong, chỉ khác chất liệu và vị trí đặt dựng. Trấn phong có thể đặt ở phía ngoài cổng nhà (cửa lớn) hoặc phía trong của cổng.
(**) Trung can nghĩa đảm: Trung thành, chính trực.
Mục Giác đưa thiệp mời cho người hầu của phủ Thừa tướng rồi ngắm bốn chữ đó.
Bức thư pháp này thật sự xấu đến phát sợ.
A Nguyên liếc nhìn vào trong cổng rồi nhanh nhảu nhắc hắn: “Gia, có người đi ra.”
Ngay sau đó, Mục Giác nhìn thấy một chàng trai hơn hai mươi tuổi, dáng người hơi gầy, mặc bộ y phục màu tím, vẻ mặt nghiêm túc đang đi ra.
Người này đi tới cửa, đưa mắt quan sát Mục Giác từ trên xuống dưới một lượt, và nói: “Mời phò mã vào, cha ta đang đợi ngài.”
Y là Cao Tri Nguyên con trai cả của Cao Duy.
Mục Giác đi theo y vào trong phủ, vừa vào đến sân viện đã bắt gặp một vài cô gái xinh đẹp đi ngang qua hành lang bên cạnh liếc nhìn hắn, lại nhanh chóng rời đi trong tiếng cười đùa khúc khích.
Sau khi vào phòng khách, chào hỏi và được mời trà, Mục Giác thoải mái uống một hơi cạn sạch chén trà vì đã khát khô cả cổ.
“Ban ngày hơi nóng, phò mã đi đường cũng đã mệt rồi.”
Cao Duy năm nay ngoài bốn mươi tuổi, có khuôn mặt chữ điền, đôi lông mày rậm và rất ít cười. Ông ta mặc quần áo ở nhà để tiếp khách, song vẫn với phong thái như đang giải quyết việc triều chính.
Cao Duy xuất thân bần hàn. Năm Hoằng Trị thứ hai mươi mươi hai, Hoàng đế lấy tiêu chuẩn hiếu thảo và liêm khiết để lựa chọn hiền tài, nhờ vậy mà Cao Duy được ra làm quan. Trong công việc, ông ta là người đáng tin và lập được nhiều công lao trong sự nghiệp phục vụ đất nước, do vậy ông ta được đề bạt cất nhắc, thẳng tiến trên quan trường.
Vào năm đầu tiên Hoàng đế Thần Tông lên ngôi, cung nữ Thư thị được đế vương sủng ái. Năm sau, Hoàng đế lập Hậu, đồng thời cũng sắc phong cho Thư thị làm Quý Phi, Cao Duy cũng trở thành Thừa tướng.
Ông ta và Thư Quý phi đã hợp tác thâu tóm từ trong triều đến hậu cung để kiểm soát chặt chẽ Hoàng đế Thần Tông.
Mục Giác đã dò hỏi rõ những chuyện đó, lúc này, hắn cười nói: “Vừa rồi ta đến phủ của Đại vương gia, bận đấu vật nên không uống được ngụm trà nào.”
“Đại vương gia là một tay vật rất giỏi. Phò mã chịu khổ rồi phải không?” Cao Duy cầm chén trà lên, hờ hững hỏi.
“Đâu có.” Mục Giác ngả người về phía sau, còn tiện tay vặt quả chuối tiêu một cách rất tự nhiên: “Tóm lại là ta đã đắc tội với Đại vương gia.”
Cao Duy khẽ cười: “Đại vương gia rất nóng tính.”
“Ta cũng rất nóng tính.” Hắn cắn một miếng chuối, rồi nói: “Nếu Đại vương gia nói xấu ta với Cao đại nhân, vẫn mong đại nhân giúp ta mắng lại ngài ấy nhé.”
Cao Duy đặt chén trà xuống: “Quan hệ giữa bản quan và Đại vương gia vẫn chưa thân thiết đến mức để ngài ấy nói xấu phò mã với ta.”
“Những người có chung kẻ thù dễ tìm được chủ đề chung lắm. Cao đại nhân nói có đúng không?” Hắn cười tít mắt.
Cao Duy nhìn Mục Giác, chàng thanh niên rất tuấn tú với đôi mắt trong và sáng ngời, trông không giống như một người cất giấu quá nhiều suy nghĩ.
“Phò mã cứ nói đùa. Mặc dù có chút hiểu lầm giữa Công chúa Minh Nghi và bản quan, nhưng công chúa là quân, bản quan là thần, giữa quân và thần không dám nói đến hai từ kẻ thù. Huống hồ, Công chúa và Đại vương gia là huynh muội, cho nên càng không thể nói họ là kẻ thù của nhau. Vì thế, phò mã và công chúa đương nhiên cũng sẽ không phải là kẻ thù của chúng ta.” Ông ta đáp.
Mục Giác gật đầu: “Vậy thì tốt.”
Đúng là biết lừa lọc ra phết!
Cao Tri Nguyên lấy ra một quyển sách và đặt xuống bàn. Cao Duy nói: “Đây là những dòng chữ viết ngẫu hứng của quan trấn thủ Lộc Kinh, vốn không phải là chuyện gì to tát. Tuy nhiên không biết có phải là người của ti Giám Lễ tình cờ phát hiện có hai câu đáng lẽ ra không nên xuất hiện trong đó hay không. Phò mã và công tử Hoa Lăng nhà quan trấn thủ Lộc Kinh từng cưỡi ngựa bắn cung với nhau, vì thế hôm nay ta cho mời ngài đến đây để hỏi riêng một chút, cũng để hiểu rõ về chuyện này.”
“Hai câu nào? Nghiêm trọng vậy sao.” Mạc Giác chống khuỷu tay lên bàn, trong lòng đã biết là chuyện gì.
Cao Duy mở sách ra, lật đến trang được gấp lại, trong đó có hai câu được đánh dấu là: Ba nét vụn son điểm Phục Hy.
Một tấc Côn Ngô chém thần quỷ.(***)
(***) Dịch nghĩa: Chỉ cần ba nét bút mực đỏ là vẽ nên Phục Hy, chỉ cần vung con dao một thước của Côn Ngô là chém được quỷ thần.
Phục Hy là một trong số các vị thần của Trung Quốc, là một hình tượng lớn và nổi tiếng vì người Trung Quốc cho rằng ông là người đã sáng lập nền văn minh Trung Quốc.
Côn Ngô là tên một nước chư hầu của nhà Hạ - tồn tại trong khoảng thời gian trên 400 năm, tính từ khi được Hạ Vũ phân phong cho đến khi bị vua Thành Thang nhà Thương tiêu diệt. Vào thời Chu Mục Vương, Tây Hồ dâng cho Côn Ngô một con dao sắc chém ngọc như chém bùn.
Mục Giác nhìn kỹ hai câu đó: “Câu thơ này… có vấn đề gì sao?”
“Phạm thượng, viết cả niên hiệu của Hoàng thượng.”