Ba điều quan trọng nhất trong cuộc sống mà không ai dạy bạn là gì?
Nếu bạn chọn ngẫu nhiên vài người trên đường và hỏi họ về ba điều quan trọng nhất trong đời, tất-cả-họ (dựa trên nghiên cứu quốc tế) sẽ cho bạn ba đáp án giống nhau:
Không nhất thiết phải theo trật tự hay cách diễn đạt này, nhưng ba điều quan trọng nhất đối với tất cả chúng ta luôn là:
1. Được người khác yêu thương (“người khác” bao gồm các thành viên gia đình, bạn đời, bạn bè, cộng sự, v.v...).
2. Có đủ tiền để sống một cuộc đời như mong muốn.
3. Được hạnh phúc, hài lòng và mãn nguyện.
Rồi, bây giờ chỉ có một vấn đề duy nhất: Chưa từng có ai dạy chúng ta – trong bất cứ chương trình giáo dục chính thức nào – về cách có được tình yêu, hạnh phúc và tiền bạc!
Không có ai dạy chúng ta một cách bài bản về cách tìm người bạn đời thích hợp, làm sao để được người khác yêu mến, làm thế nào kiếm ra tiền, làm sao để sống một cuộc đời giá trị... Không phải ở trường mẫu giáo, không phải ở trường tiểu học, cũng không phải ở trường cao đẳng hay đại học, mà chúng ta tự thu nhặt ở chỗ này chỗ kia mỗi ngày một ít; chẳng hạn như ta tiếp thu những nhận thức, quan điểm, kiến thức từ cha mẹ, thầy cô và rất nhiều người khác về cách thức đạt được những điều quan trọng nhất trong cuộc đời mình!
Mãi đến khi trưởng thành, khi đã hoàn tất chương trình học chính quy, thì đa số mọi người mới nhận thấy khoảng cách giữa những gì họ được dạy ở trường với những gì họ cần hoặc những điều quan trọng trong đời là khá lớn.
Sau đây là hai ví dụ.
Ví dụ 1:
Tôi là một nhà kinh tế học. Tôi đã dành ba năm để học lấy bằng Cử nhân Kinh tế, và trong ba năm đó không một giáo sư nào dạy tôi về marketing trong bất kỳ môn học nào. Ngoài việc học về các mô hình kinh tế trên lý thuyết, tôi thậm chí chưa từng nghe đến từ “tiền” trong suốt quá trình học (ngành kinh tế học đấy!). Vậy làm thế nào những người đã học hành tử tế rồi mở một doanh nghiệp biết cách kiếm ra tiền?
Ví dụ 2:
Tôi còn là một luật sư. Tôi đã học chương trình cử nhân luật trong bốn năm (trong lúc theo học một khóa cử nhân kinh tế) và không một ai dạy tôi cách phát biểu trước tòa, cách viết đơn đòi bồi thường hay cách thương lượng. Vậy làm thế nào một luật sư đã học qua tất cả các nghiên cứu về lý thuyết luật có thể biết cách xoay xở trong thế giới luật pháp và thương trường đầy cạnh tranh này khi không được trang bị bất kỳ công cụ thực tế nào để làm việc với thân chủ và thẩm phán?
Tôi có thể đưa ra nhiều ví dụ khác nữa, nhưng câu hỏi ở đây là: Người ta nên làm gì? Nghĩa là, người ta nên làm gì khi khám phá ra khoảng trống này và nhận ra cuộc đời họ vẫn còn thiếu điều gì đó – tiền bạc, hạnh phúc, tình yêu, hoặc cả ba – mà không biết làm sao để có được điều đó bởi vì không có ai dạy họ?
Đây là lúc quá trình giáo dục “không chính quy” phát huy tác dụng. Đó có thể là những buổi hội thảo, hội nghị, sách vở, các buổi tư vấn và đào tạo,... do các chuyên gia hoặc các tổ chức tư nhân thực hiện. Bằng cách này, người ta có thể “lấp lỗ hổng” và có được những kiến thức mà họ “không được” tiếp thu từ các ngôi trường chính quy.
Khi làm việc với khách hàng, tôi nhắm đến hai nhu cầu cực kỳ quan trọng:
1. Cải thiện mối quan hệ của bạn với những người khác (thông qua việc học cách nói chuyện trước khán giả, cách thuyết phục và kỹ năng giao tiếp khéo léo với người khác).
2. Tăng thu nhập (bằng cách học kỹ năng mua bán, cách thương lượng và trình bày sao cho thuyết phục trong kinh doanh).
Tôi có vài tin tốt dưới đây:
Thứ nhất, bất kỳ lỗ hổng nào mà bạn có trong đời – dù liên quan đến tình yêu, các mối quan hệ lãng mạn, các mối quan hệ khác, tiền bạc, mua bán, hạnh phúc,... – thì luôn có ai đó ngoài kia biết cách dạy bạn khắc phục. Bạn chỉ cần bước ra và tìm được người thầy đó.
Thứ hai, nếu bản thân bạn cung cấp các dịch vụ hay sản phẩm mang đến giải pháp cho các vấn đề thuộc một trong ba lĩnh vực này – tình yêu, tiền bạc và hạnh phúc – tức là, nếu bạn là một chuyên gia huấn luyện, cố vấn kinh doanh, chuyên gia trị liệu, người tư vấn hôn nhân, người môi giới, chuyên viên tư vấn tiếp thị,... thì bạn nên tự cảm thấy hài lòng.
Tại sao?
Bởi vì bạn đang giải quyết một nhu cầu vô cùng quan trọng mà rất nhiều người cần đến, bạn có nhiều khách hàng tiềm năng, và chừng nào các cơ sở giáo dục chính quy còn bỏ qua những chủ đề này trong chương trình giảng dạy thì chừng đó bạn sẽ luôn có rất nhiều việc để làm.
Hầu hết các bạn thậm chí còn chưa bắt đầu “khai thác” tiềm năng kinh tế, marketing hay kinh doanh trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
Tại sao bạn nên thật sự nhắm đến việc trở thành “Sói già Phố Wall”?
Tháng 1 năm 2014, tôi xem bộ phim bom tấn của Leonardo DiCaprio, Sói già Phố Wall. Đó là câu chuyện có thật (dựa trên một quyển tự truyện) về một anh chàng môi giới cổ phiếu trẻ tuổi nhiều tham vọng ở Phố Wall vào đầu thập niên 1990. Anh ta khát khao thành công và nhanh chóng sáng lập một công ty cũng cực kỳ thành công, với hàng trăm nhân viên chuyên bán cổ phiếu và thu về hàng trăm triệu đô-la. Các cổ phiếu họ bán là “cổ phiếu rác” của các công ty vô giá trị trên thực tế. Họ lừa bịp những kẻ ngây thơ, từ giàu đến nghèo, để chiếm đoạt tiền và thực hiện một loạt hành động phạm tội, vi phạm các điều luật của Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Hoa Kỳ (SEC). Ngoài việc đó là một bộ phim rất xuất sắc, tôi chủ yếu bị thu hút bởi các phương pháp bán hàng và thuyết phục mà Sói già Phố Wall (cái tên mà giới truyền thông Mỹ gán cho anh chàng môi giới đó) sử dụng.
Bây giờ, trước khi bạn nhảy xổ vào công kích tôi, tôi phải nói ngay rằng tôi ghét sự dối trá. Tôi cực kỳ phản đối hành vi vi phạm pháp luật, và tôi không thích cách xử sự đồi bại mà những nhân vật Phố Wall thể hiện trên phim và đôi khi là cả trong thực tế (chẳng hạn dính dáng đến buôn ma túy, các câu lạc bộ múa thoát y và thường xuyên xúc phạm người khác).
Thế nhưng xuyên suốt bộ phim, một ý nghĩ không ngừng xuất hiện trong đầu tôi. Tôi tự nhủ: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một người khác, bất cứ người nào, làm chính xác những gì ‘Sói già’ đã làm, nhưng họ bán một sản phẩm chân chính, hợp pháp và mang đến giá trị cho khách hàng? Đó sẽ là một thành công vang dội!”.
Bởi vì mọi thứ DiCaprio làm trong phim đều vô cùng xuất sắc – các phương thức bán hàng và thuyết phục người khác, cách “kích động” nhân viên và truyền động lực cho họ, và cả cách tuyển dụng rồi dạy người khác bán hàng. Bạn có thể học được rất nhiều điều từ anh ta! Bạn chỉ cần bỏ qua việc “Sói già” bán một sản phẩm tồi tệ không có thật, rồi tưởng tượng anh ta bán một sản phẩm hoàn toàn hợp pháp và có giá trị đối với khách hàng. Khi đó những việc anh ta làm đều tạo nên một hoạt động kinh doanh hết sức thành công và đầy lợi nhuận, một hình mẫu mà người khác có thể noi theo.
Cuối cùng thì ý của tôi là gì?
Đó là bạn có thể học từ mọi người, tất-cả-mọi-người, ngay cả những người mà bạn không có chút cảm tình nào, những người bạn không tin tưởng hay những người có sản phẩm và dịch vụ mà bạn vô cùng chán ghét.
Miễn là việc gì đó hiệu quả, miễn là ai đó nhanh chóng quy tụ được xung quanh mình một lượng “tín đồ” và “người hâm mộ”, miễn là sản phẩm thành công, miễn là nó có thể tạo ra một “cú hích” trong thị trường, thì ta đã có cái có thể học hỏi từ đó. Bạn có thể học từ các thành viên của giới tăng lữ, từ đối thủ của bạn, thậm chí là từ bọn tội phạm!
Bất kể bạn nghĩ gì về người khác, bạn cũng có thể học từ họ. Tất cả những gì bạn cần làm là bỏ qua sản phẩm hay dịch vụ của họ và tập trung vào cách thức mà họ đã sử dụng để thành công đến vậy.
Tôi đã nói gì để khiến hàng trăm người đồng loạt bỏ hội thảo của tôi?
Cách đây vài năm, tôi tổ chức một hội thảo trực tuyến lúc 9 giờ tối. Đây là một hình thức giảng bài trực tuyến miễn phí, trong đó, tôi ngồi ở nhà tôi còn bạn ngồi ở nhà bạn và tôi truyền đạt thông điệp của mình đến bạn. Chúng ta kết nối thông qua chiếc máy vi tính cá nhân, vì thế bạn vừa có thể ngồi thoải mái ở nhà vừa nghe tôi diễn giải về một chủ đề trong lĩnh vực chuyên môn của tôi mà có thể bạn quan tâm.
Buổi tối hôm đó, lịch hội thảo trực tuyến của tôi (dự định bắt đầu lúc 9 giờ tối và kết thúc lúc 10 giờ 30 phút tối) hóa ra lại trùng với lịch phát sóng đồng thời của hai chương trình có tỷ lệ người xem rất cao: trận bán kết bóng đá và tập cuối của một chương trình truyền hình thực tế. Thật ra đây không hẳn là một sự trùng hợp mà đơn giản là sự thiếu sót của tôi, bởi tôi không chú ý đến lịch phát sóng nên mới chọn thời gian thực hiện hội thảo trùng giờ như vậy (nếu không thì có thể tôi cũng chọn xem trận bán kết...).
Tuy nhiên, bất chấp sự cạnh tranh “đáng gờm” như vậy, chúng tôi vẫn “tụ họp” để tham gia buổi hội thảo trực tuyến. Tôi ngồi ở nhà tôi, và hàng trăm người khác ngồi ở nhà họ.
Tôi muốn bắt đầu buổi hội thảo bằng cách truyền động lực cho những người tham gia và khen ngợi họ vì đã dành thời gian ngồi trước máy vi tính và lắng nghe tôi nói. Vì thế, tôi bắt đầu bài giảng như sau:
“Xin chào mọi người. Tôi là Tiến sĩ Yaniv Zaid. Trước hết, tôi muốn gửi lời cảm ơn tất cả các bạn vì đã tham gia hội thảo trực tuyến này. Điều này rất quan trọng và thể hiện nhiều điều về bạn, cũng như cho thấy bạn sẵn lòng đầu tư vào bản thân nhiều như thế nào.
Điều quan trọng là bạn đã chọn lắng nghe tôi thay vì xem trận đấu bán kết đang diễn ra lúc này...”
Phía phải màn hình của tôi là bảng thông tin về hội thảo, nơi tôi có thể xem số lượng người đang tham gia trực tuyến. Ngay khi tôi nói đến “trận đấu bán kết”, số lượng người tham gia ngay lập tức sụt mất 100 người chỉ trong vài giây!
Tôi phải thú nhận là lúc đầu tôi chẳng để ý chuyện gì đang xảy ra và cứ tiếp tục nói:
“... và bạn cũng thích nghe tôi nói hơn là xem tập cuối của... (tên chương trình truyền hình thực tế.)”
Lúc này, một điều đáng kinh ngạc nữa đột ngột xảy ra – thêm 100 người đồng thời rời khỏi hội thảo! Và tôi đã mất 1/3 khán giả chỉ sau một phút phát sóng! Đến lúc này tôi đã nhận ra sai lầm của mình và lập tức thay đổi nội dung bài thuyết trình.
Thật sự chuyện gì đã xảy ra? Sai lầm to lớn của tôi là gì?
Rất đơn giản: Tôi đã nhắc đến các đối thủ của mình, mà trong trường hợp này chính là các chương trình có tỷ lệ người xem cao được hầu hết khán giả xem là lựa chọn thay thế cho hội thảo trực tuyến của tôi.
Tôi đã tạo cho các đối thủ của mình một vũ đài.
Đa số những người nghe tôi nói vào giây phút đó không thật sự lựa chọn cuộc hội thảo của tôi thay vì các chương trình kia một cách có ý thức. Họ chỉ đơn giản là nghe nói về tôi và buổi hội thảo trực tuyến, ghi lại thời gian và không bận tâm kiểm tra lịch phát sóng để xem có những chương trình nào cũng được phát sóng vào khung giờ đó (cũng như tôi đã chẳng buồn kiểm tra lịch phát sóng...).
Nhưng khi tôi nói với khán giả về các đối thủ của mình, tôi thực chất đã tạo ra sự cạnh tranh cho chính mình!
Bài học rút ra sau việc này là gì?
Trong lúc chào hàng hoặc khi truyền đạt một thông điệp cho khách hàng, đừng bao giờ trực tiếp nhắc đến các đối thủ!
Có thể bạn biết và đang nghĩ về các đối thủ của mình, nhưng khách hàng của bạn thì không nên nghĩ về đối thủ cạnh tranh của bạn vào lúc này, và chắc chắn bạn không nên là người thúc đẩy điều đó xảy ra.
Tôi từng nhiều lần nghe các doanh nhân nói chuyện với khách hàng như thế này: “Tôi là A, tôi tốt hơn B và C!”. Rồi sau đó khách hàng sẽ hỏi một cách ngây thơ: “B là ai? C là ai?”.
Ngay cả khi khách hàng có dự định làm ăn với bạn thì bấy giờ họ cũng có thể đổi ý, bởi vì họ sẽ yêu cầu cả B và C báo giá! Bạn cố ngăn khách hàng tiếp cận các đối thủ nhưng thật ra bạn đang giới thiệu các đối thủ của mình cho khách hàng!
Vậy việc nên làm là gì?
Hãy nói về bản thân bạn, đề cao sự tích cực và giá trị mà bạn mang đến, giải thích những lợi thế có liên quan của bạn, và nếu có thể, hãy nói đến thị trường mà bạn đang hoạt động một cách khái quát chứ không đề cập cụ thể về các đối thủ cạnh tranh.
Nếu hồi đó tôi nói “Cảm ơn các bạn vì đã lựa chọn tham gia hội thảo của tôi thay vì xem ti-vi” thì sẽ chẳng có vấn đề gì và mọi người sẽ không rời đi. Bởi vì trong vô thức họ biết là có sự cạnh tranh, biết tôi không phải là người duy nhất trên thế giới mà họ có thể lắng nghe và biết là họ có thể xem chương trình nào đó trên tivi. Nhưng nếu tôi nhắc họ về một mối cạnh tranh cụ thể, tôi sẽ khiến họ xem xét lại hành động của bản thân và tự nghi ngờ quyết định của mình. Sau đó, một số người sẽ rời bỏ tôi.