TỪ TRỢ LÝ TRỞ THÀNH SẾP TỔNG
Nếu bạn sinh ra không phải là “cậu ấm cô chiêu”, mà bắt đầu sự nghiệp từ công việc của một trợ lý, một nhân viên bình thường như tôi thì con đường trở thành sếp tổng của bạn sẽ rất dài. Khi một cô gái như tôi muốn tìm hiểu xem làm thế nào để thực hiện được bước nhảy vọt trong sự nghiệp để từ một nhân viên lên làm sếp, không ít người đã cười: “Tâm Đồng, thời bây giờ đa phần các cô gái chỉ lên làm “sếp bà” (vợ sếp) từ chân trợ lý, đặc biệt là các cô gái xinh đẹp.”
Tôi cũng chỉ biết cười trừ khi nghe người ta nói như vậy.
Với một người phụ nữ, muốn thoải mái tiêu tiền, chỉ có ba cách: một là thừa kế, hai là lấy chồng giàu, ba là tự phấn đấu. Cả ba cách này không phân biệt cao thấp, sang hèn, ưu tú hay kém cỏi, mấu chốt là phải xem bản thân thuộc kiểu nào. Nhiều cô gái xinh đẹp muốn lấy được tấm chồng “cao ráo - giàu có - đẹp trai” khi còn trẻ, nhưng thử hỏi đã được mấy ai thành công.
Năm 2012, tôi cùng mấy cô bạn thân ngồi lên kế hoạch cho tương lai của mỗi người trong ba năm tới, mỗi chúng tôi đều vạch ra cho mình những mục tiêu cụ thể về diện mạo, sự nghiệp, nơi làm việc và tài sản. Một cô bạn xinh đẹp tuyên bố sẽ tìm và cưới một anh chàng giàu có, đẹp trai, lại yêu mình.
Lúc đó, chúng tôi đều tin vào giấc mộng hay có thể gọi là kế hoạch của bạn mình. Với chiều cao 1m68 cùng mái tóc xoăn lọn dài chấm eo, chỉ cần trang điểm nhẹ nhàng đã đủ làm toát lên vẻ đẹp mang phong cách Âu Mỹ, cô ấy có thể dễ dàng cưới được một anh chồng như ý. Khi đó, không một ai trong số chúng tôi nghĩ rằng bạn mình đã đặt mục tiêu quá cao.
Từ đó về sau, chúng tôi chuyên tâm cho sự nghiệp của mình, nâng cao năng lực của bản thân. Còn cô bạn tôi bỏ rất nhiều thời gian để “nâng cấp” vẻ đẹp của mình, sau đó tìm kiếm “mục tiêu” khắp nơi. Tôi ấn tượng nhất là chuyện chín giờ sáng chúng tôi cùng đi thăm hỏi, chăm sóc khách hàng, chỉ có mình cô ấy che ô, chỉ vì sợ bị đen da.
Năm 2015, tôi đã là một nhân vật có tên tuổi trong lĩnh vực tài chính, tóc xoăn lọn dài chấm eo, trang điểm tinh tế. Cô ấy thì trở thành một vận động viên, vận đồ thể thao, lưng đeo ba lô, làn da đen nhẻm. Bạn khó mà hình dung được sự kinh ngạc của tôi khi đó, vì một cô gái đẹp từng sợ bị đen da như vậy, nay lại trở thành một người có dáng vẻ “không còn mấy nữ tính”, ăn nói như đàn ông. Thấy tôi ngạc nhiên, cô nói: “Không thể sống dựa vào bọn đàn ông, quan trọng là mình thấy vui thôi.” Từ trong lời nói và ánh mắt, cô ấy không giấu nổi vẻ ngập ngừng, buộc phải chấp nhận hiện thực.
Tôi cần phải nói rõ một điều, mục tiêu “trở thành sếp tổng” mà tôi nói tới ở đây, không nhất thiết mang ý nghĩa là mỗi người sau khi đọc xong cuốn sách này đều nhắm đến vị trí Tổng giám đốc tại công ty. Mà bạn cần biết cách quản lý, chăm lo cho cuộc sống, sự nghiệp và gia đình của mình tốt hơn nữa, thực hiện được ước muốn của mình tốt hơn nữa.
Tôi mong rằng, cuốn sách này có thể giúp ích một cách thiết thực cho những cô gái có ước mơ, hoài bão, đặc biệt là những người đang lo lắng hoặc còn hoang mang về tương lai. Một phụ nữ có ước mơ, không chỉ là một cô gái, một người vợ, một người mẹ trong cuộc sống đời thường, mà còn phải có một thân phận rất quan trọng (cụ thể là gì, tôi sẽ nhắc đến sau). Chỉ khi bạn không ngừng tiến về phía trước, không ngừng nâng cao giá trị bản thân, mối quan hệ với giới kia của bạn mới phát triển lành mạnh, bản thân bạn cũng có được tự do để làm bà chủ.
Một người phụ nữ thật sự thông minh, sẽ biết khi nào cần dựa vào bản thân và khi nào cần dựa vào đàn ông. Trở thành sếp tổng hay bà chủ, tự bạn hãy đưa ra quyết định. Tôi mong rằng, mỗi người phụ nữ đều có thể tận hưởng cảm giác mãn nguyện và sự tự do.
TIN VÀO CHÍNH MÌNH
Từ trợ lý lên làm sếp tổng, nghe có vẻ xa vời nhưng thực tế rất có tính khả thi. Rất nhiều người không thành công với mục tiêu này, nguyên nhân chính không phải ở năng lực, mà là do họ không dám làm. Không ít người kêu với tôi: “Làm sếp ư? Trời ơi! Tôi mà làm được ư?”
Trong mắt họ, có vẻ như trở thành sếp là một việc vô cùng bất khả thi, cực kỳ khó thực hiện. Để từ một trợ lý lên làm sếp tổng, điều quan trọng là bạn phải có sự tự tin ngay từ khi bắt đầu, bạn phải tin rằng mình khác với số đông, mình có thể làm chủ doanh nghiệp. Nếu bạn không tin mình có thể làm được, tôi có nói thế nào cũng vô ích.
Khi tôi viết những dòng này, trước mắt tôi thoáng hiện ra cảnh tượng của bảy năm về trước. Lúc đó tôi vẫn còn làm trợ lý. Trong một lần cùng sếp đi công tác ở Hàng Châu, tại bữa tiệc chiêu đãi, một vị khách quý nhìn tôi và nói với sếp tôi rằng: “Cô trợ lý này của chị, tương lai chắc chắn sẽ lên làm sếp đấy!”
Nghe được câu nói ấy, tôi không lấy làm lạ, vì ngay từ đầu tôi đã tin là như vậy.
Lợi ích của việc tin vào chính mình
Xử lý công việc theo tiêu chuẩn của sếp tổng
Người có tầm nhìn sẽ nghĩ về tương lai để cân nhắc, xử lý công việc theo tiêu chuẩn cao của một sếp tổng. Chỉ có như vậy, cấp trên hiện tại của bạn mới tin tưởng, trao quyền cho bạn.
Nếu ngay từ đầu bạn đã không tin vào bản thân mình, thì khi làm việc bạn sẽ sợ hãi đủ mọi thứ. Bạn luôn coi mình là một trợ lý nhỏ bé, không có quyền quyết định sách lược, cũng không cần phải gánh vác trách nhiệm quá lớn. Dù chuyện gì xảy ra thì đều có sếp chống đỡ, thì bạn sẽ không thể tiến bộ được, chỉ có thể suốt đời làm trợ lý.
Dần hình thành lợi thế cạnh tranh của riêng bạn
Khi bạn xử lý công việc bằng tư duy và trách nhiệm của sếp tổng, lợi thế cạnh tranh chỉ bạn mới có sẽ dần được hình thành. Lúc này bạn dần “thu phục” được sếp, buộc ông ta bắt đầu quen, coi trọng sự tồn tại và bắt đầu tham khảo ý kiến, áp dụng quyết sách của bạn.
Hãy thử nghĩ xem, khi bạn đã có lợi thế cạnh tranh của riêng mình, còn ai có thể thay thế được bạn nữa? Hay nói cách khác, nếu bạn có thể biến mình trở thành người không thể thay thế hoặc rất khó bị thay thế, thì đó chính là năng lực cạnh tranh chính của bạn!
Cần chuẩn bị những gì để trở thành sếp tổng?
Tìm và phát huy ưu thế của mình
Phạm vi của hai chữ ưu thế rất rộng. Nó có thể là hoàn cảnh xuất thân tốt đẹp, là thực lực kinh tế vượt trội, là mạng lưới quan hệ rộng, là tài ăn nói, là khả năng thể hiện tốt, thậm chí có thể là dáng người xinh đẹp.
Không ai thập toàn thập mỹ, người khôn ngoan nhất, thông minh nhất, thành công nhất, đều là những người biết thể hiện ưu thế của mình. Chúng ta muốn có được thành công, cần phải tìm ra và phát huy tối đa ưu thế của mình.
Để tìm ra được ưu thế của mình, bạn cần tự nhìn nhận bản thân và hỏi ý kiến những người xung quanh xem họ nhìn nhận về bạn như thế nào.
Bạn có tài ăn nói hay còn khả năng nào khác? Bạn cảm thấy thoải mái, vui vẻ, phấn khích nhất khi bạn làm công việc nào? Bạn đã từng phát huy ưu thế nào trong công việc mà bạn đã thành công trước đây?
Không ai hiểu bạn hơn chính bản thân bạn. Phương diện mà bạn thích nhất, hứng thú nhất chính là ưu thế của bạn. Chỉ cần phát huy hết khả năng, chắc chắn bạn sẽ đạt được thành tựu xuất sắc.
Bên cạnh đó, hãy hỏi những người xung quanh như bạn bè, người thân, hàng xóm, đồng nghiệp xem họ cho rằng ưu thế của bạn là gì. Theo họ, khía cạnh nào ở bạn là hay nhất? Đâu là phẩm chất tuyệt vời nhất của bạn? Bạn thích hợp với ngành nghề nào? Nếu họ hợp tác với bạn, bạn thích hợp với chức vụ gì nhất? Những điều này bạn đều có thể thu thập được khi trao đổi với những người gần gũi nhất với mình.
Hãy nhớ rằng, trên đây chỉ là những nhận xét khách quan để qua đó bạn tìm được ưu thế của mình. Không phải tất cả đều đúng, bạn cũng không cần phải áp dụng tất cả. Ý kiến của người khác chỉ nên dùng để tham khảo.
Sau khi tổng hợp lại những nhận định của bản thân và người khác, về cơ bản bạn đã tìm ra ưu thế của mình. Khi đã biết được ưu điểm của mình, tiếp theo cần xem năng lực thực hiện của bạn. Tìm ra được lĩnh vực thích hợp để phát huy ưu thế của bạn, sau đó liên tục thực hành. Chỉ có liên tục thực hành, mới có thể tiến bộ và lột xác, cuối cùng trở thành hình mẫu mà bản thân mong muốn.
Hợp tác với người có ưu thế khác bạn
Rất nhiều người không làm được điều này. Vì trong mắt họ, người khác chẳng có gì đặc biệt. Họ cho rằng chỉ có mình mới là người tài giỏi, hoặc họ chỉ quan tâm đến bản thân mình. Như vậy hoàn toàn không có lợi cho sự thăng tiến.
Trong thời đại này, việc hợp tác với người khác là một đòi hỏi tất yếu. Chỉ có hợp tác với người có ưu thế khác mình, chúng ta mới có thể thu được kết quả tuyệt vời nhất. Việc này đòi hỏi chúng ta phải biết cách tán thưởng.
Bạn biết tán thưởng người khác, thể hiện cái tâm, tầm và nhận thức của mình, bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ của mọi người. Nếu không làm được điều này, bạn khó lòng chạm tay tới thành công.
Bạn nhận ra được ưu thế của mình, hợp tác tốt với người có ưu thế khác mình, bạn sẽ có được sự tán thưởng của cấp trên. Như vậy, con đường trở thành sếp tổng đâu còn xa xôi nữa?
ĐỘNG LỰC ĐỂ TRỞ THÀNH SẾP TỔNG
Hiện nay, có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta rơi vào trạng thái hoang mang, phó mặc cuộc sống. Trong đó, nguyên nhân chính là do chúng ta phải chịu áp lực và cường độ làm việc cao. Chúng ta cần động lực để phát triển bản thân. Nói cách khác, chúng ta cần một thứ có tên là khát vọng.
Nếu một người không có khát vọng, không có ước muốn, thì có khác nào cái xác không hồn. Chính vì có ước mơ của riêng mình, tôi mới có thể đạp lên chông gai, vượt qua mọi trở ngại để tiến nhanh về phía trước trên con đường tiến tới thành công.
Ước mơ đã theo tôi trong suốt thời niên thiếu và khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Tôi xuất thân trong một gia đình quân nhân có bốn người là bố, mẹ, anh trai và tôi. Từ nhỏ tôi đã lớn lên dưới vầng hào quang của anh trai. Gần như tất cả những ai biết tôi đều biết anh tôi, và họ gọi tôi là “em gái của XX” thay cho tên tôi. Bố biết tôi rất nhạy cảm, ông nói: “Tâm Đồng, nếu con muốn người ta công nhận con, con cần tạo ra được giá trị của riêng mình.”
Câu nói của bố đã gieo một hạt giống trong trái tim non nớt của tôi. Tôi muốn mình toả sáng trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, muốn được nhiều người biết đến. Tôi đã không ngừng vươn lên trong học tập, thi đỗ trường tiểu học rồi trung học tốt nhất trong thành phố. Trong các hoạt động đoàn thể, tôi làm bí thư chi đoàn, trở thành nhân vật “có máu mặt” trong trường.
Con đường tôi đi đầy gian khổ. Nhưng không thể so sánh với những gian khổ mà bố phải chịu đựng khi đồng hành cùng tôi.
Bố tôi là trưởng họ nên anh trai tôi là cháu đích tôn. Anh tôi trở thành trung tâm của cả dòng họ. Ánh hào quang của anh sáng chói nhờ thành tích học tập xuất sắc. Sau mỗi kì thi, phóng viên đều đến tận nhà phỏng vấn, chụp bằng khen, huy chương của anh.
Mọi người trong dòng họ nghĩ: Có một cậu con trai như vậy thì không cần quan tâm đến con gái. Dù sao con gái sớm muộn gì cũng đi lấy chồng. Thế nên tôi nghiễm nhiên trở thành đứa trẻ bị quên lãng. Nhưng bố tôi không nghĩ như vậy. Ông nói: “Con trai hay con gái thì đều là con tôi. Chỉ cần con bé muốn, nhất định tôi sẽ giúp nó thực hiện ước mơ.” Về sau bố nói, thật may là tôi không chịu thua kém, học giỏi, nên thi đỗ được trường đại học mà tôi mơ ước. Bố cũng được ấm lòng, được an ủi từ sự cố gắng, nỗ lực của tôi.
Dù bao năm trôi qua, tôi vẫn không thể quên được sự gượng gạo và tổn thương của bố và tôi mỗi dịp Tết đến. Khi người thân và bạn bè đến dự bữa cơm đoàn viên ở nhà bà nội, các chú tôi đều có công việc nhàn hạ, họ có thời gian thảnh thơi chơi mạt chược, chơi bài Tây. Ngược lại, bố tôi quanh năm vật lộn kiếm tiền để lo học phí của anh em tôi và mọi chi tiêu trong nhà.
Các chú không chịu thấu hiểu nỗi lòng của một người cha dành cho cô con gái. Họ tỏ ra coi thường, thiếu lễ độ với bố tôi ở cả lời nói và hành động. Bố xuất thân là một quân nhân nên khó mà chấp nhấp nổi chuyện như vậy. Nhưng bố không thể tỏ thái độ tức giận.
Dịp Tết hằng năm lẽ ra đều là ngày vui vẻ, hạnh phúc. Đặc biệt là trong bữa cơm sum họp gia đình, đó phải là những phút giây hoà thuận, vui vầy. Nhưng trong lòng tôi và bố, những ngày đó luôn là một nỗi buồn. Tôi dặn lòng mình, nhất định mình phải thật cố gắng, nhất định phải trân quý mọi cơ hội mà tôi có được.
Cho đến bây giờ, những thành tựu mà tôi đạt được là niềm tự hào của bố. Tất các ông chú không ai còn xem thường bố tôi như trước. Hơn nữa thỉnh thoảng còn gọi điện thoại đến hỏi thăm bố tôi. Tôi khuyên nhủ bố tôi. Cho dù trước đây có như thế nào, hôm nay họ kính trọng ông, ông nên chấp nhận, vì ông xứng đáng được như vậy.
Những gì tôi trải qua khi còn nhỏ đã tạo nên trong tôi tính cách mạnh mẽ, không chịu thua kém ai. Quá khứ mang đến cho tôi sự khích lệ, thay đổi tư duy, và quan trọng nhất là động lực phấn đấu. Thiết nghĩ, nếu không có sự ủng hộ của bố, rất có thể tôi không tốt nghiệp được đại học, không thể hoàn thiện được rất nhiều kỹ năng để có được sự nghiệp như bây giờ. Chính nhờ sự ủng hộ đó, tôi mới thực hiện được ước muốn của mình.
Sau khi tốt nghiệp, tôi dành nhiều thời gian để đi sâu nghiên cứu cách thể hiện bản thân khi đứng trước đám đông và kỹ năng diễn thuyết. Khi được phóng viên đặt câu hỏi về hình mẫu mà bản thân muốn hướng đến, tôi trả lời rằng tôi muốn trở thành một người phụ nữ có sức ảnh hưởng. Tôi hi vọng câu chuyện về ước mơ của mình sẽ được nhiều người biết đến, được nhiều ông bố biết đến. Tôi muốn giúp được nhiều người hơn, để nhiều phụ nữ có ước mơ hơn.
Ước mơ đã cùng tôi đi qua những năm tháng với bao cảm xúc phức tạp nhất. Đã cùng tôi đi qua thời kỳ lập nghiệp cô đơn, lẻ loi nhất. Con đường lập nghiệp đâu phải luôn thuận buồm xuôi gió, con đường từ một trợ lý trở thành sếp tổng cũng như vậy. Vậy nên, tốt nhất ngay từ khi bắt đầu, chúng ta hãy xây dựng ước mơ cho mình. Nuôi dưỡng để giúp mình có động lực tiếp tục tiến lên phía trước vào lúc đen tối nhất, cô độc nhất, mịt mờ nhất.
Ước mơ là động lực không gì có thể thay thế được. Tôi hi vọng bạn tìm được nó vì con đường tiếp theo mà bạn phải đi qua sẽ rất gian nan. Có thể phải mất thời gian vài năm, thậm chí vài chục năm để hoàn thành. Tôi hi vọng ngay từ đầu bạn đã có sự chuẩn bị sẵn sàng.
RÚT NGẮN THỜI GIAN TỪ TRỢ LÝ LÊN LÀM SẾP TỔNG
Với mỗi người, thời gian thực hiện ước mơ sẽ không giống nhau. Điều này liên quan đến tố chất thiên phú, hoàn cảnh của từng người. Một số người có thể lội ngược dòng để giành lấy thành công mà không cần đến bất cứ khả năng thiên phú, bối cảnh nền tảng và hoàn cảnh ưu việt nào. Tôi có một người bạn xuất thân từ vùng nông thôn. Anh ấy khi còn nhỏ đến cơm còn không được ăn no, cũng không được học đại học. Nhưng hiện tại anh là nhân vật đầu ngành lĩnh vực năng lượng mới trong môi trường cạnh tranh gay gắt ở Thâm Quyến.
Không ít người nói với tôi, hội con nhà giàu và con ông cháu cha có ưu thế hơn hẳn trong cuộc cạnh tranh, bất kể là về tiền của, nền tảng hay thói quen cá nhân. Đối với những người này, thời gian họ cần để đi đến thành công ngắn hơn nhiều.
Sau hơn một năm ra trường, tôi cũng từng có suy nghĩ như vậy. Tôi khi đó, lương thấp, tất bật với công việc, không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi của riêng mình. Mỗi ngày, chưa đến sáu giờ sáng tôi đã thức dậy. Sau đó vừa ăn sáng vừa chen lên xe buýt đến công ty.
Đến công ty, tôi phụ trách việc quét dọn phòng làm việc của sếp tổng. Mở cửa sổ cho phòng thoáng khí, tưới cây, hút bụi thảm trải sàn, sắp xếp phòng họp, chuẩn bị máy chiếu, biên bản cuộc họp, nước và ấm chén pha trà… Khi mọi thứ sẵn sàng, cũng đã sát giờ họp. Trong lúc họp tôi không được lên tiếng, chỉ ngồi lắng nghe, ghi chép tốt biên bản cuộc họp.
Sau khi cuộc họp kết thúc, tôi thu dọn phòng, sửa soạn biên bản, mang biên bản đến cho sếp tổng xét duyệt. Tiếp đó mang biên bản đến để tất cả các lãnh đạo khác xác nhận. Nếu cần liên lạc với lãnh đạo của công ty con ở nước ngoài, tôi dịch tất cả nội dung của cuộc họp sang ngôn ngữ được yêu cầu. Vì sếp tổng là một người vô cùng nghiêm khắc, cẩn thận, khi dịch xong tôi còn trình bày lại một lượt cho chị nghe. Điểm nào chị ấy không hiểu, tôi giải thích từng chút một. Nếu cần sửa đổi hoặc bổ sung, sau khi xử lý xong tôi xác nhận lại với chị. Sau đó tôi mới có thể gửi email về biên bản cuộc họp cho tất cả lãnh đạo của các công ty con ở nước ngoài.
Tôi không có thời gian nghỉ trưa vì bộ phận tiếng Anh của tạp chí mà công ty xuất bản cần tôi hoàn thành tất cả công việc dịch thuật. Tôi phải dịch, kiểm tra trang bìa, nội dung và hình ảnh về các lãnh đạo, sau đó trình lên cho sếp tổng duyệt. Khi chuẩn bị xong nội dung của cuốn tạp chí, tôi còn phải liên hệ với công ty in ấn…
Lúc tôi hoàn thành công việc của một ngày đã là gần mười một giờ đêm. Lúc này, cứ nghĩ đến công việc của ngày hôm sau vẫn lặp đi lặp lại, không hề có chút thay đổi nào, tôi lại thấy chua xót trong lòng.
Tôi còn nhớ rất nhiều đêm, một mình tôi ngồi trên chuyến xe buýt đi khắp Thâm Quyến, về đến khu nhà trọ đã sắp một giờ đêm. Lê tấm thân mệt nhoài bước vào căn phòng trọ, tim tôi nhoi nhói. Một mình đứng trong nhà vệ sinh, mở vòi nước cho nước chảy ào ào, để mình được thoả sức mà khóc.
Tôi không dám gọi điện thoại về cho bố mẹ, không dám để họ biết mình đã sống vất vả như vậy, không có tiền cũng không có cả thời gian. Cho dù bố mẹ gọi điện khi tôi đang khóc, cũng phải lau nước mắt, rồi mới bấm nghe và nói với họ: “Bố ơi, giờ con đang bận, đợi lát nữa con gọi lại cho bố nhé!” Sau đó tôi vội vàng ngắt máy, hít thở đều, điều chỉnh lại tâm trạng. Mười phút sau, tôi tìm một nơi yên tĩnh, gọi điện lại, nói với họ rằng: “Con khoẻ mà, bố mẹ không phải lo…”
Những ngày tháng ấy kéo dài hơn một năm. Đó là quãng thời gian tôi thiếu tiền nhất, cũng là quãng thời gian phải khóc lóc nhiều nhất.
Tôi cũng đã từng nghĩ. Nếu tôi không cần phải lo lắng về bất cứ thứ gì, nếu bố mẹ đã trải thảm, đã dọn sẵn đường đi cho tôi, thì hay biết mấy! Thậm chí đã có lúc, tôi còn hậm hực trong lòng mà trách móc: Tại sao mình không được làm con nhà giàu? Phải lo toan bao nhiêu việc như vậy, thật sự quá mệt mỏi! Một mình đến sống ở Thâm Quyến, tự tìm phòng trọ, tự tìm việc làm, tự đi phỏng vấn, tự bắt xe, ăn một mình, một mình xử lý công việc…. Tôi thấy thật cô đơn, lẻ loi.
Nhưng tôi không thể dừng lại, không thể từ bỏ, vì trong lòng tôi có mơ ước. Giấc mộng làm sếp tổng vẫn luôn đau đáu trong lòng, vậy nên tôi lại nỗ lực tìm kiếm những hướng đi hiệu quả.
Tuy quãng thời gian này rất gian khổ, nhưng tôi cũng đã học được rất nhiều thứ. Tôi biết cách đánh giá và thưởng thức những món đồ xa xỉ, vì khi đó tất cả quà tặng mà sếp tổng mang đi tặng đối tác hoặc khách hàng hầu như đều là hàng hiệu. Trong quá trình đặt mua giúp sếp đồng hồ LV, bộ đồ Chanel… tôi đã tìm hiểu về lịch sử nhãn hiệu, học cách phối hợp những thứ đồ xa xỉ, biết nên tặng quà gì cho người nào.
Tôi học được về cách ứng xử. Mỗi ngày tôi phải tiếp xúc với các kiểu người. Vì là trợ lý, cho nên không thể tuỳ tiện, không thể có hành vi vượt quá giới hạn. Bạn phải lễ độ, đúng mực. Phải giữ mối quan hệ tốt với tất cả các lãnh đạo, không được quá thân thiết, cũng không được hời hợt. Công việc trợ lý rất rườm rà nhưng phải luôn giữ hình tượng và tâm trạng tốt, đây là yêu cầu bắt buộc.
Khả năng dịch Trung - Anh của tôi cũng được nâng cao hơn nhiều. Gần như ngày nào tôi cũng phải làm việc với người mẫu các nước để nói chuyện trao đổi hoặc để biết thông tin gửi bưu kiện.
Tôi cũng có những kinh nghiệm tuyệt vời khác thông qua các công việc như kiểm soát, kết nối các chương trình biểu diễn thời trang ở các hội trường khác nhau, tham gia các buổi tiệc chiêu đãi, các cuộc họp với các lãnh đạo để giới thiệu ưu thế của chúng tôi…
Tất cả những kinh nghiệm này không thể có được khi làm việc ở ngành nghề hay vị trí công việc khác. Cho nên dù có gian khổ, tôi vẫn can đảm kiên trì. Vai trò trợ lý giúp tôi hiểu rõ mạng lưới quan hệ của sếp tổng, và cả phẩm chất mà một sếp tổng nên có. Mở ra con đường làm lãnh đạo cho tôi khi thời cơ thích hợp đến.
Vậy thì, có lối đi tắt nào để từ trợ lý lên làm sếp tổng hay không? Đáp án là, có!
Chọn đúng ngành nghề
Nếu chọn lựa sai ngành nghề, một người không thể tìm thấy niềm vui trong công việc, và cũng không thể học được những kỹ năng cần có. Cho dù có ước mơ trở thành sếp tổng, cũng khó mà thực hiện được.
Để chọn đúng ngành nghề, bạn cần phân tích hai điều kiện lớn và nhỏ. Điều kiện lớn là chọn ngành nghề đang phát triển mạnh mẽ. Nếu chọn một ngành nghề đang suy bại, cho dù có cố gắng cũng rất khó có được tiền đồ lớn. Điều kiện nhỏ là chỉ sở thích cá nhân và chí hướng của bản thân. Một người khó mà có được thành công với ngành nghề mà bản thân họ không cảm thấy hứng thú và không giỏi. Phân tích cặn kẽ điều kiện nhỏ để biết bản thân thích làm gì, muốn có được bước đột phá nào trong tương lai.
Ban đầu, rất có thể chúng ta vẫn chưa có cách nào hiểu rõ được ước mơ của mình. Nhưng việc phân tích hai điều kiện trên sẽ giúp chúng ta tìm được hướng đi, giảm thiểu nhiều việc vô ích. Chúng ta không thể làm những việc viển vông, không thiết thực, mà phải trau dồi kỹ năng liên quan đến công việc. Tần suất đổi việc quá cao vừa bất lợi cho việc nắm vững kỹ năng chính, vừa bất lợi cho việc thăng tiến của bản thân.
Tìm được mạng lưới kết nối và cố vấn của mình
Khi bạn vẫn còn là một trợ lý, trong phạm vi vòng kết nối của bạn không thể chỉ toàn những người cũng làm công việc trợ lý như bạn. Một khi mạng lưới quan hệ không mở rộng theo hướng đi lên, thì những chuyện rối rắm hay những thông tin không chính xác sẽ tìm đến.
Bạn cần tìm được người dẫn đường làm cố vấn cho mình. Người có thể dẫn dắt bạn, nhất định phải là người được bạn nể trọng về các phương diện như kiến thức, kỹ năng chuyên môn, quan hệ xã hội và cách đối nhân xử thế. Đồng thời còn có khả năng chỉ dẫn cho bạn một cách hiệu quả. Có được người cố vấn như vậy rồi, môi trường làm việc của bạn sẽ trở nên tuyệt vời hơn nhiều.
Đương nhiên, bạn không nhất thiết phải nghe theo ý kiến của tất cả mọi người. Nhưng ít nhất thông qua sự tư vấn của họ, bạn có thể biết được hướng đi tiếp theo.
Có một chút khiếu hài hước
Khi giữa bạn và đồng nghiệp xảy ra bất đồng, một chút khiếu hài hước sẽ giúp bạn bớt lúng túng, giúp bầu không khí giao lưu hài hoà hơn. Từ đó, tránh được những chuyện phiền toái không cần thiết, giữ được thể diện cho cả đôi bên.
CẤP TRÊN THÍCH MỘT TRỢ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Khi tôi làm trợ lý tổng giám đốc của Công ty A, tuần đầu tiên khi vừa đặt chân đến công ty, sếp Triệu đã giao cho tôi chuẩn bị biên bản cuộc họp. Sếp yêu cầu tôi hoàn chỉnh biên bản trong vòng một tiếng đồng hồ sau khi cuộc họp kết thúc, sau đó gửi tới người phụ trách của tất cả các bộ phận.
Mỗi lần họp xong, tôi giúp đỡ nhân viên hậu cần thu dọn sạch sẽ phòng họp trước, rồi mới quay về chỗ ngồi của mình. Như vậy đã tốn mất mười phút đồng hồ. Sau đó tôi mở cuốn sổ ghi chép ra, chuẩn bị viết biên bản cuộc họp, nhưng hoàn toàn không biết bắt đầu từ đâu. Lúc này, cuộc họp đã kết thúc được hơn nửa tiếng. Khi tôi có ý tưởng để bắt đầu, chuẩn bị soạn biên bản trên máy tính thì khách hàng đến. Tôi gác lại công việc của mình để đi pha trà và tiếp khách. Kết quả, một tiếng đồng hồ trôi qua, biên bản cuộc họp của tôi vẫn chưa đâu vào đâu.
Không còn cách nào khác, tôi đành tìm Tiểu Trương - người trước đây phụ trách viết biên bản cuộc họp, nói với cô ấy: “Giúp tớ với.” Tiểu Trương hiểu ngay. Mười lăm phút sau, biên bản cuộc họp rõ ràng, mạch lạc, đúng quy chuẩn đã được gửi tới hòm thư điện tử của tôi. Tôi vội vàng thêm dấu má của Tổng giám đốc vào biên bản, rồi nhanh chóng gửi đến hòm thư của sếp Triệu.
Việc phải viết biên bản sau mỗi cuộc họp hàng tuần khiến tôi rất đau đầu, vì thế tôi rất sợ ngày thứ Hai. Sau khoảng ba lần được Tiểu Trương giúp đỡ, sếp Triệu gọi tôi đến, hỏi có phải biên bản cuộc họp là do Tiểu Trương viết hay không. Tôi thừa nhận, đồng thời cũng trình bày với sếp tôi đã bận như thế nào vào thứ Hai.
Sếp Triệu bảo tôi gọi Tiểu Trương đến và giao nhiệm vụ cho cô ấy: “Sau này cô hãy hướng dẫn Rose (tên tiếng Anh của tôi) viết biên bản cuộc họp.” Tôi đứng bên cạnh, thở phào nhẹ nhõm.
Vào giờ ăn trưa, tôi ngồi ăn cùng với sếp Triệu và Tiểu Trương. Tôi hỏi sếp: “Sếp Triệu, em không làm tốt nhiệm vụ ghi biên bản cuộc họp, điều này liệu có ảnh hưởng đến kết quả đánh giá thành tích của em không?”
Sếp Triệu nhìn tôi, lại nhìn Tiểu Trương, sau đó nói: “Tôi tuyển cô vào làm chính là vì tài ăn nói và khả năng sát ngôn quan sắc (đoán ý qua lời nói và sắc mặt) của cô. Cô có thể xử lý tốt những công việc xã giao với đối tác và khách hàng. Đồng thời còn có thể chủ trì hội nghị và cuộc họp thường niên của công ty... Những năng lực này vô cùng tuyệt vời. Nhưng cô cần biết rằng, kỹ năng viết lách là một kỹ năng then chốt. Thành thạo được nó, cô sẽ càng ưu tú hơn. Tôi bảo Tiểu Trương hướng dẫn cô nhiều hơn về kỹ năng này, chính là vì muốn cô có thể nâng cao năng lực của bản thân, làm tốt hơn nữa công việc của một trợ lý.” Nghe xong những lời sếp Triệu nói, tôi vừa cảm thấy biết ơn, vừa nhận ra tầm quan trọng của việc hoàn thiện các kỹ năng chuyên môn.
Ăn trưa xong, quay về phòng làm việc, mở bảng lương của công ty ra. Tôi kinh ngạc khi thấy lương của Tiểu Trương không chỉ cao nhất trong bộ phận của cô, mà còn là người mà các sếp trong công ty không cần phải đánh giá hiệu suất làm việc. Tôi mở tập san của bộ phận thiết kế mà Tiểu Trương đang làm ra xem, kiểm tra các tác phẩm hàng tuần của cô ấy. Mở cả email báo cáo công việc, đọc từng bản báo cáo một. Tôi phát hiện ra Tiểu Trương không chỉ viết lách tốt, những tác phẩm do cô thiết kế cũng rất phù hợp với ý tưởng và kế hoạch phát triển của công ty. Quan trọng hơn, qua việc đọc email báo cáo công việc của cô, tôi nhận ra cô luôn là người báo cáo sớm nhất, chất lượng và hiệu quả công việc luôn cao nhất. Tôi lại mở bảng hoàn tiền khi đi xã giao của công ty ra xem, phát hiện thấy hầu như mỗi lần sếp Triệu phải ra ngoài tiếp khách, trong danh sách nhân viên tham gia mời khách luôn có tên của Tiểu Trương.
Ngoại hình của Tiểu Trương rất bình thường, cô ấy cũng không phải kiểu người nói nhiều, nhưng sếp Triệu rất thích dẫn theo cô ấy tham gia hầu hết mọi bữa tiệc xã giao của công ty. Có thể thấy, trong số tất cả các nhân viên, Tiểu Trương là người mà sếp Triệu thích nhất.
Từ đó về sau, ngày nào tôi cũng dành một ít thời gian để luyện viết. Trong nửa tiếng đầu tiên của ngày làm việc, tôi sẽ ghi ra công việc của ngày hôm đó. Sau đó đọc báo cáo của Tiểu Trương, học tập phong cách viết của cô ấy.
Một tháng sau, không cần cô ấy chỉ dẫn, tôi đã viết được biên bản cuộc họp và được sếp Triệu khen ngợi. Khi đó, trong lòng tôi rất vui sướng, nhưng tôi tự nhủ với bản thân rằng, đây chỉ là bước khởi đầu trên con đường phấn đấu để thăng tiến của tôi.
Sau khi rời khỏi công ty, tôi vẫn giữ liên lạc với sếp Triệu, chúng tôi xem nhau như bạn bè. Tôi rất biết ơn ông đã dẫn dắt tôi trưởng thành. Khi đã trở thành sếp tổng, trong quá trình tuyển dụng nhân viên, tôi cũng coi khả năng viết lách là tiêu chí quan trọng khi xem xét, cân nhắc giữa các ứng viên tiềm năng.
Một người biết viết lách, chắc chắn có thể kiểm soát bản thân, biết giữ điềm tĩnh. Bởi khi trong lòng bất ổn thì không thể viết ra được điều gì. Một người có khả năng viết lách, chắc chắn là người giỏi quan sát và ghi chép. Vì chỉ có quan sát và ghi chép lại, mới có thể giúp bản thân có được tư liệu thực tế để viết. Người biết viết lách cũng có thời gian biểu khoa học. Không như vậy, làm sao có thể có thời gian chuyên tâm viết khi hàng ngày luôn phải giải quyết rất nhiều loại công việc khác nhau?
TRỢ LÝ CÓ CẦN TẠO DỰNG MỐI QUAN HỆ TỐT VỚI TẤT CẢ MỌI NGƯỜI?
Công ty Q là công ty thứ hai trong cuộc đời làm thuê của tôi. Khi công ty phải làm công tác trù bị để lên Sàn Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ, tôi đã chiến thắng những ứng viên khác để được tuyển vào làm việc nhờ trình độ tiếng Anh lưu loát của mình. Công việc chủ yếu của tôi là kết nối đội ngũ vận hành, chuẩn bị tư liệu, dịch tài liệu. Đình Đình làm cùng phòng với tôi, cô ấy là trợ lý Tổng giám đốc đúng chuẩn, phụ trách sắp xếp mọi công việc của sếp tổng.
Trong vòng một tháng làm việc cùng nhau, tôi đã nhận thấy, hầu như tất cả những người đến phòng làm việc của chúng tôi đều chỉ chào hỏi Đình Đình. Họ chẳng buồn bắt chuyện với tôi, ngay cả khi lãnh đạo các chi nhánh đến, cũng chỉ tìm Đình Đình.
Tôi thực sự không thể chấp nhận nổi việc đó, liền tận dụng thời gian nghỉ ngơi hoặc ăn trưa, đi chào hỏi làm quen với nhân viên các bộ phận khác. Vì tôi cảm thấy, chắc do tôi thường ngày ít nói chuyện với mọi người, nên mọi người không thân thiện với tôi.
Tôi làm quen với thư ký phụ trách công ty con của công ty, nói chuyện về thời trang, về phát triển kinh tế với chị ấy... khiến chị ấy cảm thấy rất vui. Tôi chào hỏi người phụ trách mảng công nghệ sinh học của công ty con, khen chị ấy trang điểm đẹp, quản lý tốt bộ phận của mình... khiến chị ấy tươi cười rạng rỡ. Nhưng sắp nửa tháng trôi qua, tình trạng không được mọi người trong công ty chú ý không hề có chút chuyển biến tốt đẹp nào. Lúc đó, tôi vô cùng buồn bã.
Sau ba tháng, Đình Đình nghỉ việc để lấy chồng sinh con. Tôi trở thành người duy nhất tiếp quản vị trí của cô ấy. Ngoài việc kết nối đội ngũ vận hành ra, tôi còn phải phụ trách tất cả mọi việc của một trợ lý Tổng giám đốc. Công ty đã tuyển thêm một thư ký mới tên là Mai giúp tôi làm những việc như pha trà, chuẩn bị tài liệu cuộc họp.
Tôi bắt đầu thường xuyên có mặt trong những cuộc họp cấp cao của công ty. Gặp gỡ và làm việc với những người phụ trách các bộ phận của công ty. Kết nối đội ngũ điều hành sàn chứng khoán cùng bàn bạc nghiệp vụ chi tiết với người phụ trách các bộ phận.
Khi đó, những người phụ trách các bộ phận và thư ký bắt đầu đến chào hỏi tôi, nói chuyện với tôi về thời tiết, sản phẩm dưỡng da, xu hướng thời trang, hoạt động sau khi tan làm... Hơn nữa cứ vào các dịp nghỉ lễ, tôi còn nhận được đủ mọi loại quà tặng.
Tôi đã trở thành nhân vật “vạn người mê” ở công ty!
Tôi lấy làm lạ, thực tế lúc này mối quan hệ của tôi với mọi người không hề có chút khác biệt nào so với trước đây. Chỉ là thay đổi vị trí làm việc, nhưng mọi đãi ngộ mà tôi có được đúng là khác xa một trời một vực so với trước.
Tôi bắt đầu quan sát và nhận ra rằng, thư ký Mai đã trở thành tôi khi tôi mới vào làm tại công ty, người bị mọi người lờ đi. Còn tôi đã trở thành Đình Đình, người được mọi người bắt chuyện. Những người phụ trách các bộ phận phải gửi báo cáo công việc cho tôi, mỗi tuần ít nhất đều đến chào hỏi, chuyện trò với tôi vài ba lần. Thư ký của họ hầu như ngày nào cũng nói chuyện với tôi. Lúc ăn cơm cũng ngồi cùng tôi. Hầu hết những người phụ trách đều tặng quà cho tôi vào mỗi dịp lễ tết.
Việc làm thế nào để tạo được mối quan hệ tốt đẹp với mọi người ở nơi làm việc từng khiến tôi vô cùng bức bách, giờ đây được hoá giải một cách dễ dàng!
Vậy là một trợ lý, bạn có cần chủ động xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với tất cả mọi người ở công ty hay không? Trải nghiệm của chính tôi cho các bạn thấy rằng điều đó là không cần thiết. Khi công việc của bạn quan trọng hơn và những người mà bạn cần kết nối nhiều lên, những người có liên quan với bạn về công việc tự nhiên sẽ chủ động đến tìm bạn để tạo mối quan hệ. Còn khi bạn không tiếp xúc và không phải xử lý những công việc chính, cho dù bạn có cố gắng gây dựng mối quan hệ với mọi người đi nữa, họ cũng không quan tâm.
Ở nơi làm việc, điều quan trọng nhất là kỹ năng chuyên môn của bạn. Chỉ khi bạn đã thành thạo chuyên môn, bạn mới có cơ hội tiếp xúc với những nghiệp vụ chính của công ty. Một khi bạn đã được phụ trách những công việc cốt lõi, việc tạo dựng mối quan hệ sẽ không còn là mối lo của bạn nữa.
TRỢ LÝ KHÔNG NÊN “NHIỀU CHUYỆN” Ở NƠI LÀM VIỆC
Tiểu Lệ đến công ty B ứng tuyển chức vụ trợ lý tổng giám đốc. Vì đây là công ty người mẫu nên ngày nào cô cũng được tiếp xúc với những gì tiên phong trong thế giới thời trang. Khi sếp Lưu - Tổng thư ký, phụ trách hầu hết công việc kết nối các bộ phận của công ty, hỏi cô có yêu cầu gì về lương bổng, Tiểu Lệ sung sướng nói: “Tôi không có yêu cầu gì, chỉ cần cho tôi cơ hội này là được.” Cuối cùng Tiểu Lệ đã thuận lợi vào làm việc tại công ty B với mức lương 2.500 NDT.
Tiền lương thấp đến nỗi tôi cảm thấy cô ấy thật đáng thương, nhưng Tiểu Lệ lại cho rằng có được công việc như vậy là rất đáng quý rồi, thế nên ngày ngày cô ấy đều cần mẫn làm việc.
Là một trợ lý, phần lớn công việc của Tiểu Lệ đều phải phối hợp với sếp Lưu, Tổng giám đốc chỉ ra mặt khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Tiểu Lệ quan sát thấy sếp Lưu rất biết cách đối nhân xử thế. Bất kể là khi mời tiệc chiêu đãi khách hay đàm phán kinh doanh, đều có thể khiến cho đối tác và khách hàng cảm thấy vui lòng. Dù cuối cùng không thể hợp tác, họ cũng luôn miệng cảm ơn anh ta. Năng lực chuyên môn, kỹ năng xã giao cộng thêm vẻ ngoài điển trai của sếp Lưu, khiến Tiểu Lệ càng thêm sùng bái, ngưỡng mộ.
Có lần, công ty tổ chức tiệc sinh nhật cho sếp tổng, khi bữa tiệc kết thúc, đã là hơn một giờ đêm. Sếp tổng nói đã khuya như vậy không nên để Tiểu Lệ về nhà một mình, bảo sếp Lưu tiện đường đưa cô về.
Lên xe sếp Lưu, Tiểu Lệ phát hiện ra trên xe có rất nhiều quà cáp, nào là rượu, thuốc, đồ lưu niệm… Sếp Lưu còn chia sẻ với Tiểu Lệ rất nhiều điều tâm đắc trong công việc của mình. Cô khi đó hoàn toàn chìm đắm trong sự sùng bái đối với anh ta, nên suốt quãng đường về luôn miệng khen ngợi anh ta.
Từ đó, mỗi dịp phải ra ngoài đàm phán với khách hàng, hầu như lần nào sếp Lưu cũng dẫn theo Tiểu Lệ. Một thời gian sau, Tiểu Lệ phát hiện ra sếp Lưu không hề bàn chuyện công việc của công ty khi ngồi ở bàn tiệc, mà hay nói về việc hợp tác chia cổ phần hoặc hoa hồng giữa anh ta với đối tác. Nhưng khi trở về công ty, trong báo cáo công việc, sếp Lưu vẫn ghi là đàm phán công việc kinh doanh của công ty, hơn nữa, anh vẫn viết phiếu đề nghị hoàn tiền cho chi phí tiếp đãi và đi lại. Tiểu Lệ nhớ rõ rằng, mỗi lần ra ngoài xã giao, đều là đối tác hoặc khách hàng thanh toán tiền.
Tiểu Lệ cảm thấy sếp Lưu đang lợi dụng công ty để móc nối mối làm ăn cho mình, kiếm thêm khoản thu nhập ngoài. Sự sùng bái đối với anh ta trong lòng cô dần vơi cạn, thậm chí cuối cùng trở thành xem thường.
Một lần, sau khi kết thúc chương trình biểu diễn thời trang quy mô lớn do công ty tổ chức. Tiểu Lệ ở lại công ty tăng ca để làm bản tổng kết. Trong phòng làm việc lúc đó chỉ còn lại hai người là cô và sếp tổng.
Nhìn thấy Tiểu Lệ chăm chỉ nỗ lực làm việc. Sếp tổng vô cùng hài lòng, liền gọi đồ ăn về, khui một chai rượu vang. Hai người cùng uống rượu, trò chuyện trong phòng làm việc.
Sau khi đã nói về bao chủ đề thú vị, Tiểu Lệ cuối cùng quyết định báo cáo về việc của sếp Lưu với sếp tổng. Cô nói với sếp tổng: “Thưa sếp, sếp có biết sếp Lưu thường lợi dụng công việc để kiếm tiền bỏ túi riêng không ạ? Rất nhiều lần gặp gỡ đối tác hay khách hàng, anh ấy không hề bàn chuyện công việc của công ty, mà lại bàn việc riêng. Nhiều phiếu đề nghị hoàn tiền đều là giả. Anh ấy còn nhận rất nhiều quà của khách hàng…”
Tiểu Lệ vừa nói vừa quan sát sắc mặt của sếp tổng. Không ngờ, sếp tổng không hề nổi cáu, chỉ hỏi cô một vài chi tiết của một số việc, sau đó gọi tài xế đưa cô về nhà.
Ngày hôm sau, Tiểu Lệ đi làm, tưởng rằng sếp tổng sẽ có hành động nào đó đối với hành vi của sếp Lưu, nhưng sếp tổng lại không hề có động tĩnh gì. Ngày thứ ba, cũng không. Ngày thứ tư, vẫn không có động thái gì… Hình như sếp tổng coi như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Điều này khiến Tiểu Lệ cứ đoán già đoán non. Rõ ràng là cô đã làm đúng, sao sếp lại không hề có chút phản ứng gì?
Biến cố thực sự xảy ra sau đó nửa tháng. Lúc đó, công ty mở tiệc chiêu đãi phóng viên, tuyên bố kế hoạch quý sau của công ty, và công bố danh sách người mẫu đã ký hợp đồng. Địa điểm tổ chức tiệc chiêu đãi là nhà hàng của ông chủ Lý – một người bạn rất thân thiết của sếp tổng.
Vì Tiểu Lệ là người phụ trách rất nhiều công việc của buổi tiệc chiêu đãi, nên cô có cơ hội gặp riêng ông chủ Lý. Ông chủ Lý cũng là người rất khéo léo. Ông tặng cho Tiểu Lệ một chiếc túi xách xinh xắn, và nhờ cô dẫn người mẫu tới câu lạc bộ của ông chơi mỗi khi rảnh rỗi.
Cuối tuần, đúng là Tiểu Lệ đã dẫn người mẫu đến câu lạc bộ của ông chủ Lý chơi. Ông sắp xếp riêng nhân viên massage, nhân viên chăm sóc tóc và da mặt cho cô. Cô đã có ngày cuối tuần vô cùng vui vẻ và thư giãn tại câu lạc bộ.
Nhưng thứ Hai đi làm, Tiểu Lệ bị chặn lại ngoài cửa, đồng thời được thông báo cô đã bị công ty sa thải. Lý do là cô đã không tuân thủ quy định của công ty, tự ý dẫn người mẫu đã ký hợp đồng với công ty đi ra mắt khách hàng, đồng thời hưởng lợi ích từ việc đó. Người báo cáo tất cả những việc làm này của cô với sếp tổng, chính là sếp Lưu.
Dưới sự giám sát của sếp Lưu, Tiểu Lệ không thể mở máy tính xoá đi bất cứ thứ gì, không thể động vào bất cứ đồ đạc gì khác của công ty, chỉ được phép mang đồ của mình đi.
Tiểu Lệ im lặng thu dọn đồ đạc của mình. Thầm nghĩ: “Ôi, lại phải đi xin việc rồi.” Trong lòng cô cảm thấy rất buồn bã, nhưng cũng tự an ủi mình rằng không sao hết, đi xin việc cũng đâu phải chuyện gì gì to tát.
Lúc này, sếp Lưu đang đứng bên cạnh bỗng lên tiếng: “Tiểu Lệ, có biết tại sao cô lại bị sa thải đột ngột như vậy không?”
Tiểu Lệ lắc đầu.
“Nghe nói cô đã nói với sếp tổng không ít chuyện liên quan đến tôi hả?”
Tiểu Lệ không trả lời.
“Ôi, cô bé ơi, nơi làm việc nước sâu lắm đấy. Sau này tốt hơn là đừng có nhiều lời!”
Tiểu Lệ không nói gì. Những giọt nước mắt không thể kìm nén cứ thế lăn xuống.
Cô nhanh chóng thu dọn đồ đạc, lủi thủi ra khỏi công ty dưới con mắt nheo nheo cười của sếp Lưu.
Thực chất, sếp tổng từ lâu đã biết những mánh khóe này của sếp Lưu. Nhưng với sếp tổng, chỉ cần sếp Lưu có thể hoàn thành tốt công việc kết nối kinh doanh của công ty với đối tác, tài nguyên khách hàng anh ta có thể tận dụng được thì xem như đó là bản lĩnh của anh ta.
Nhưng lúc đó, tiểu Lệ ngây thơ lại không hiểu được điều này.
Sếp Lưu là người rất tinh tường, mới đầu anh ta lấy làm thích thú trước sự sùng bái của Tiểu Lệ. Nên anh ta thể hiện tài năng, thủ đoạn và mánh khoé của mình trước mặt cô. Nhưng khi nhận ra rằng, Tiểu Lệ đã không còn tôn trọng và sùng bái mình như trước nữa, anh ta bắt đầu để ý đến nhất cử nhất động của cô. Hôm đó, khi Tiểu Lệ và sếp tổng cùng ngồi uống rượu và chuyện trò với nhau trong phòng làm việc, sếp Lưu chưa hề đi khỏi mà đứng ngoài cửa. Hành vi của Tiểu Lệ đều lọt vào tầm mắt của anh ta. Sau đó, Tiểu Lệ tưởng việc mình dẫn người mẫu đi chơi sẽ không bị ai biết. Cuối cùng lại trở thành sơ hở khiến cho cô bị sếp Lưu “đá” ra khỏi công ty.
Trong doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, nhiều khi các ông chủ đã “biết tỏng” việc nhân viên lợi dụng tài nguyên của công ty để mưu lợi cho mình. Nhưng các sếp tự mình có thể cân nhắc lợi, hại. Là một trợ lý, nếu “thưa chuyện” bừa bãi, rất có thể bạn sẽ có kết cục giống như Tiểu Lệ, tự đả thương mình.
Gặp phải tình huống này, người trợ lý cần phải thận trọng hành xử. Nếu là công ty chuyên nghiệp, chắc chắn sẽ có hình thức xử phạt tương ứng. Ngược lại, ông chủ có biết nhưng mặc kệ không đả động đến, bạn là trợ lý thì việc gì phải sốt sắng thay cho họ?
HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA CÔNG VIỆC TRỢ LÝ
Buổi sáng mùa thu ở Thâm Quyến se se lạnh, trong công viên đã lác đác mấy nhóm đôi ba người tập thể dục buổi sáng. Hôm qua tôi vừa đọc xong cuốn Đôi chút ý nghĩa (tạm dịch) do người dẫn chương trình truyền hình Lý Tư Tư viết. Cuốn sách này chủ yếu nói về việc Lý Tư Tư đưa ra lựa chọn như thế nào trước những thời khắc then chốt trong cuộc đời. Lý Tư Tư là con một. Trước khi học cấp Hai, cô được ba mẹ nuông chiều, “mặc áo chỉ việc giơ tay, ăn cơm chỉ việc há miệng”. Vì thế, trước những việc cần chọn lựa, cô chưa bao giờ phải lo lắng.
Tôi đi bộ trong công viên, trong đầu hết lần này đến lần khác điểm lại danh sách bạn bè, đối tác làm ăn, người tôi thích và cả người thích tôi. Sau đó phát hiện ra chúng tôi đều có một điểm chung: Đều là người tay trắng lập nghiệp. Nói cách khác, chúng tôi đều là những người dựa vào chính mình để đưa ra lựa chọn.
Thời điểm gần đến kỳ thi đại học, tôi vô cùng hồi hộp, lo lắng. Nhưng khi đó tôi không có ai để tâm sự, tối tối chỉ nghe giọng hát của Mavis Hee cho dễ ngủ, tỉnh dậy lại tiếp tục gặm sách để ôn thi. Về sau vì tôi thích tiếng Anh, nên tự quyết định thi vào Đại học Ngoại ngữ Tây An. Khi bố mẹ biết chuyện, tôi đã được nhận vào học rồi.
Thời đại học, tôi đi tới thành phố khác để học tập hay đi nước ngoài du lịch, hầu như đều dựa vào số tiền tự kiếm được. Sau khi tốt nghiệp, đứng trước vấn đề ở lại Tây An làm việc hay đến thành phố khác phát triển, tôi cũng không có ai để bàn bạc. Tôi cứ thế rời khỏi Tây An, sau khi đến Thâm Quyến nửa năm, tôi mới nói với bố mẹ.
Công việc đầu tiên, công việc thứ hai, tới công ty Hồng Kông làm việc, khởi nghiệp, ra nước ngoài, tình yêu, phong cách trong tương lai của bản thân… hầu như mỗi một lựa chọn của tôi, đều do tôi tự quyết định.
Khi tôi đọc cuốn sách của Lý Tư Tư, tôi không rõ cảm giác trong lòng tôi là vui hay buồn. Tôi nên vui vì sự tự lập của mình, hay là buồn vì mình không có ai để cầu cứu, bấu víu? Tôi đã suy nghĩ rất lâu về vấn đề này. Tôi cũng nghĩ đến những người cũng lập nghiệp xung quanh mình, tại sao chúng tôi tán thưởng, yêu thích nhau? Có lẽ thứ chúng tôi thích chính là sự tự lập và trung thực, nỗ lực của mỗi người. Sau lưng chúng tôi không có bố mẹ để được dựa dẫm. Chúng tôi cũng không có thứ gì để khoe khoang, nhờ cậy. Thậm chí chúng tôi không có cả gương mặt để làm vốn liếng, đương nhiên cũng không có thủ đoạn hay mánh khoé…
Chúng tôi chỉ có thể cúi đầu xuống, khom người lại, nở nụ cười, dùng kiến thức, kỹ năng chuyên môn để tìm kiếm cơ hội. Không ngừng nâng cao trình độ, gồng mình lên để trụ lại trong thành phố này.
Chúng tôi học cách tự đưa ra những lựa chọn cho bản thân, sau khi lựa chọn mục tiêu sẽ kiên trì theo đuổi đến cùng!
Tôi và những người xung quanh tôi, tất cả đều không oán trách bố mẹ không cho chúng tôi một cuộc sống an nhàn và tài nguyên xã hội hùng hậu. Vào những ngày tháng tăm tối nhất, chới với nhất, nghèo khổ nhất, chúng tôi vẫn biết ơn công lao của bố mẹ. Họ đã làm mọi thứ có thể để cho chúng tôi cuộc sống tốt đẹp nhất.
Trong bốn năm làm trợ lý, tôi đã lập cho mình rất nhiều kế hoạch. Sau khi cân nhắc cái lợi và cái hại, cuối cùng tôi đã lựa chọn con đường lập nghiệp mà tôi đã luôn muốn ngay từ ban đầu.
Đương nhiên, đây chỉ là lựa chọn của cá nhân tôi. Còn đối với những người làm công việc trợ lý này, ngoài lập nghiệp ra, vẫn còn có rất nhiều nghề nghiệp khác có thể lựa chọn.
Làm bà chủ
Xung quanh tôi có rất nhiều cô gái đã lựa chọn con đường này. Họ bắt đầu sống cuộc sống “em chăm lo xinh đẹp như hoa, anh kiếm tiền chăm lo gia đình”.
Đây là kiểu lựa chọn đơn giản nhất, có thể leo thẳng lên đỉnh cao vật chất của cuộc đời, sống cuộc sống không phải vật lộn với vấn đề cơm ăn áo mặc. Nếu bạn không muốn tự phấn đấu, mà có khả năng sống cuộc sống kiểu này, thì bạn có thể thử xem sao. Mỗi người đều có quan điểm, giá trị của riêng mình. Không thể đánh giá lựa chọn là tốt hay xấu, bản thân thấy hài lòng là được.
Làm giám đốc nhân sự
Nhờ vào nội dung công việc thường ngày và sự hiểu biết về công ty, bạn có thể nắm rõ công ty cần nhân tài như thế nào hơn hẳn những người khác. Cho nên, làm công việc liên quan đến nhân sự cũng được xem là một hướng thăng tiến của một trợ lý.
Nếu là trợ lý, bạn cần giỏi kết nối, biết cách làm việc cho những nhân vật cấp cao như Tổng giám đốc, bạn có thể được xuất hiện ở nhiều sự kiện quan trọng. Vậy thì giá trị của bạn sẽ tăng lên gấp bội, việc được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc nhân sự cũng nằm trong tầm tay.
Làm giám đốc bộ phận bán hàng hoặc lập nghiệp
Những người làm trợ lý lựa chọn hướng đi này đều có chung một đặc điểm, đó chính là khả năng tiếp thị rất mạnh mẽ. Kiểu trợ lý này rất có thể sẽ chuyển sang làm việc tại bộ phận bán hàng, trở thành giám đốc bộ phận bán hàng. Hoặc giống như tôi, tự lập nghiệp. Trợ lý có khả năng tiếp thị giỏi thì đi đến đâu cũng được hoan nghênh.
Khi tôi quyết định nghỉ việc tại Công ty Hồng Kông và tự mình lập nghiệp, một vài công ty khác muốn mời tôi về làm việc. Họ đưa ra chế độ đãi ngộ rất tốt với mức lương 500 nghìn NDT/năm, chưa kể hoa hồng và tiền thưởng. Dựa vào năng lực và danh tiếng của tôi khi đó, thu nhập mỗi năm của tôi cũng lên đến con số triệu Nhân dân tệ. Nhưng tôi biết bản thân đã nghe theo sự chỉ huy của người khác đủ lâu rồi, cùng kỹ năng chuyên môn tích luỹ cũng đã được kha khá, tôi muốn bắt đầu làm công việc mà mình yêu thích. Vì thế tôi lựa chọn con đường lập nghiệp không chút đắn đo.
Nhưng nếu bạn không muốn cõng trên lưng quá nhiều áp lực của việc lập nghiệp, không muốn gánh rủi ro quá lớn, đến làm việc ở phòng kinh doanh của một công ty nào đó cũng là một lựa chọn không tồi.
Trở thành cổ đông
Khi làm trợ lý bạn có mối quan hệ rất tốt đẹp với sếp tổng, vậy thì trở thành cổ đông cũng là một lựa chọn lý tưởng.
Những trợ lý thuộc tuýp này rất được sếp tổng yêu thích trong thời gian còn làm việc. Việc trở thành cổ đông của công ty cũng rất thuận lợi. Thông thường, sếp tổng sẽ cho trợ lý một ít cổ phần, trợ lý sẽ mua thêm một lượng tùy theo mong muốn.
Kết hôn, sinh con, sau vài năm lại đi làm thuê hoặc lập nghiệp
Trường hợp này, sự nghiệp của hầu hết các trợ lý bị buộc phải đứt gánh giữa đường. Chỉ cần “lui về” vài năm, khả năng cạnh tranh trong công việc sẽ giảm ở mức báo động. Một số người khôn ngoan hơn, sau khi muốn làm việc trở lại sẽ chọn cách tự mình lập nghiệp.
Chúng ta rất khó bị thuyết phục, mà chỉ muốn đưa ra lựa chọn. Không có lựa chọn sai hay đúng. Là một người trưởng thành, chỉ cần học được cách chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình, cho dù đó là lựa chọn như thế nào, đều sẽ sống cuộc đời không hề nhàm chán.
Nếu bạn giống như tôi, quyết định bắt tay vào lập nghiệp, vậy thì chúng ta hãy cùng hân hoan bước đi con đường trở thành sếp tổng.