BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC QUẢN LÝ
Các bạn đã từng gặp trường hợp khi nói chuyện cùng người khác, một số người thích lặp đi lặp lại một câu hỏi, khiến bạn phải trả lời liên tục hết lần này đến lần khác, đến nỗi bạn không muốn trả lời anh ta nữa?
Có lần, Tổng giám đốc Lý dành cả tiếng đồng hồ để chia sẻ với mọi người về một dự án của ông. Từ nội dung, mục đích, triển vọng dự án, đội ngũ thực hiện đến cách thức tham gia, phân chia nhiệm vụ, xây dựng đội ngũ. Trình bày xong, sếp Lý kêu gọi mọi người cùng hợp tác. Phần lớn mọi người đã hình dung được dự án này nên đồng ý tham gia, riêng cậu N vừa xem điện thoại vừa hỏi sếp Lý: “Dự án này kiếm được tiền chứ?”
Sếp Lý nghiêm túc trả lời: “Đúng vậy.” “Dự án này kiếm tiền như thế nào?”
“Vừa rồi tôi đã chia sẻ chi tiết về việc dự án kiếm tiền như thế nào và kiếm được bao nhiêu tiền.”
“Vì sao dự án này kiếm ra tiền?”
“Khi tôi chia sẻ, cậu có nghe không?”
“Có nghe.”
“Cậu muốn cùng tham gia đúng không?”
“Dự án này kiếm được tiền chứ?”
...
N nhắc lại câu hỏi ban đầu, tôi nhìn rõ vẻ thất vọng trên gương mặt sếp Lý.
Trong cuộc sống chúng ta cũng thường gặp phải những người như thế, nội dung nói chuyện của anh ta trong hai tiếng đồng hồ chỉ xoay quanh một vấn đề, bạn phải trả lời nhiều lần cùng một câu hỏi chẳng hề suy nghĩ.
Tháng Ba, công ty tôi nhận một dự án mới. Một chị tên Q tỏ ra rất hào hứng, chúng tôi hẹn gặp nhau tại công ty lúc ba giờ chiều để thảo luận chi tiết. Hôm đó, tôi phải tiếp rất nhiều đối tác và khách hàng, nhưng vẫn dành riêng khoảng thời gian từ ba giờ đến bốn giờ chiều để gặp chị. Ba giờ mười phút, vẫn chưa thấy bóng dáng chị Q đâu, tôi bèn gọi điện cho chị.
“Tâm Đồng, tôi đang ở trên xe taxi, tắc đường quá!”
Ba giờ năm mươi phút, tôi vẫn không thấy chị đâu. Tôi nhắn tin hỏi, chị ta gửi lại tin nhắn thoại: “Xin lỗi Tâm Đồng, tôi đến muộn!”
Bốn giờ ba mươi phút, khách hàng mới của tôi đã đến, tôi nhắn tin cho chị: “Nếu như chị vẫn chưa tới được, em sẽ tiếp khách khác trước.”
“Tâm Đồng, rất xin lỗi, tôi tới ngay đây.” Chị lại gửi tin nhắn thoại.
Năm giờ ba mươi phút, chị Q cuối cùng cũng tới. Lúc đó, tôi và vị khách còn khoảng mười phút nữa mới kết thúc đàm phán. Chị ngồi xuống bên cạnh, luôn miệng xin lỗi. Đợi tôi tiễn khách xong, bắt đầu trò chuyện, chị nhìn tôi chằm chằm, nói:
“Tâm Đồng, da của cô đẹp quá!”
“Tâm Đồng, áo này cô mua ở đâu vậy?”
“Tâm Đồng, cô làm tóc ở đâu thế?”
“Tâm Đồng…”
Sau tiếng “cảm ơn” mỗi lần trả lời, tôi đều mỉm cười thân thiện. Đến sáu giờ, chúng tôi cùng đi ăn tối.
Trong bữa cơm, cuối cùng chúng tôi cũng bắt đầu bàn về dự án. Thời gian tôi chia sẻ chi tiết về dự án, chị Q nghe điện thoại ba lần.
Nghe xong cuộc điện thoại đầu tiên, chị hỏi tôi: “Dự án này vừa mới bắt đầu phải không?”
Tôi đáp: “Vâng.”
Nghe xong cuộc điện thoại thứ hai, chị hỏi tôi: “Dự án này tháng này bắt đầu phải không?”
Tôi đáp: “Vâng.”
Nghe xong cuộc điện thoại thứ ba, chị hỏi tôi: “Dự án này vừa mới bắt đầu phải không?”
Sau hai tiếng gặp gỡ chị Q, rốt cuộc tôi đã hiểu rõ logic của chị, đó chính là không có logic nào. Chị hoàn toàn không để tâm tới công việc. Cuộc thảo luận của chúng tôi không có hiệu quả, vậy nên tôi quyết định không tiếp chuyện chị nữa.
Tôi tiễn chị Q ra về. Lúc ra cửa, Q lại xin lỗi tôi, nói: “Hôm nay thật ngại quá, Tâm Đồng, hẹn lần sau nhé!”
Tôi đáp: “Vâng, vâng, vâng!”
Sau lần đó, tôi không hẹn gặp chị lần nào nữa.
Theo lời thầy giáo F của tôi, chị Q hoàn toàn không phải là một chiến lược gia giỏi. Thầy nói, một chiến lược gia giỏi phải có khả năng phân tích và tư duy logic, mỗi câu hỏi đưa ra đều cân nhắc kỹ lưỡng. Tức là, trước khi đặt ra câu hỏi, một người cần phải suy luận và phân tích tỉ mỉ.
Chiến lược gia giỏi hiểu ý nghĩa của chiến lược. Trọng tâm của chiến lược là khả năng sắp xếp, tính toán, quy hoạch dự án, đây chính là năng lực quản lý dự án. Đây là kỹ năng mà tôi tiêu tốn 550 nghìn NDT học phí. Hai năm nay, tôi vận dụng nó một cách thành thục, giúp tôi có được lợi nhuận lớn hơn mười lần trước kia. Tôi sẽ chia sẻ miễn phí kỹ năng này với các bạn.
Để bồi dưỡng năng lực quản lý dự án, bước đầu tiên chúng ta phải học được cách coi bất cứ sự việc nào cũng là một dự án. Nhỏ như chuyện yêu đương, lớn như chuyện kinh doanh, đều có thể xem như một dự án. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có khả năng tư duy toàn diện, nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau chứ không chỉ tập trung vào một điểm nào đó.
Chẳng hạn, đối với chuyện yêu đương, bạn phải coi nó là một dự án thì mới có thể loại bỏ được rất nhiều vấn đề khó khăn thường gặp trong tình yêu. Giả sử bạn là một chàng trai, bạn muốn tìm một người bạn gái có thể tiến tới hôn nhân. Trình tự tiến hành của bạn như sau:
Bước thứ nhất, hiểu về chính mình. Bạn phải đánh giá bản thân một cách toàn diện, bao gồm độ tuổi, trình độ, sự nghiệp, tài sản, tình trạng sức khỏe, sở thích cá nhân. Từ đó biết được lợi thế, hạn chế của mình để tìm được người bạn gái phù hợp.
Bước thứ hai, xác định tiêu chí quan trọng nhất cần có ở người bạn gái có thể tiến tới hôn nhân. Ngoại hình? Tài sản? Hoàn cảnh gia đình? Tính cách? Không, trong hôn nhân, còn có những thứ quan trọng hơn những yếu tố này.
Từ yêu rồi tiến tới kết hôn, điều gì là quan trọng nhất? Đó chính là điểm tương đồng giữa hai bên. Giữa hai người cần có chủ đề chung, cô ấy phải bắt kịp tư duy của bạn, bạn phải cảm thấy thú vị khi ở bên nhau. Hai bên phải cùng chung chí hướng. Chẳng hạn như cùng nhau kinh doanh để mua nhà, mua xe, lên kế hoạch kết hôn, sinh con, hiếu thuận với cha mẹ hai bên, cùng nhau giải quyết tốt mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè, họ hàng.
Bước thứ ba, lúc này có lẽ bạn đã hình dung khá rõ về cô gái mình muốn hẹn hò và kết hôn. Bạn giờ chỉ cần đi tìm cô ấy.
Thông qua việc phân tích ở bước thứ hai, bạn đã biết xác suất gặp được cô gái bạn cần tìm ở quán bar là rất thấp. Vấn đề địa điểm đã được giới hạn. Những cô gái như vậy sẽ không thường xuyên về nhà sau mười một giờ đêm. Bạn xác định được thêm phạm vi thời gian. Những cô gái như vậy không phải ngày nào cũng trang điểm đậm, ăn mặc lòe loẹt. Bạn xác định được phong cách ăn mặc, trang điểm. Những cô gái như vậy nhất định sẽ không có kiểu tóc quá nổi bật, cho nên bạn xác định được giới hạn về kiểu tóc...
Bạn thậm chí có thể căn cứ vào sở thích cá nhân. Bạn liệt kê ra sổ tay toàn bộ nhu cầu của bản thân, rồi tổng hợp lại. Bạn muốn cô gái đó đại thể sẽ như thế nào.
Bước thứ tư là bước bạn đã tìm và hẹn hò được với một cô gái như vậy. Do điều bạn quan tâm nhất là sự tương đồng giữa hai bên, bạn sẽ không quá để ý đến những “tật xấu” thường gặp ở cô gái đang yêu. Như thỉnh thoảng nũng nịu, thích mua sắm linh tinh, tranh cãi vô lý... Trong quá trình yêu, bạn sẽ dần dần cảm hóa cô ấy. Khiến cô ấy hình thành thói quen và tính khí tốt. Từ đó mỗi giai đoạn trong tình yêu của bạn đều để lại dư vị ngọt ngào, đáng nhớ.
Thời điểm bước vào hôn nhân, bạn sẽ thông cảm cho công việc của cô ấy. Bạn sẽ hiểu và gánh vác việc nhà cùng cô ấy. Bầu bạn cùng cô ấy trong suốt thời gian mang thai, sinh con, sau khi đứa trẻ ra đời, cũng sẽ cùng cô ấy nuôi dạy, chăm sóc nó.
Bạn thấy đấy, do bạn đã xác định rõ trọng tâm của cuộc hôn nhân, rất nhiều việc trong mắt người khác là chuyện lớn nhưng với bạn chỉ là chuyện cỏn con.
Trước khi chúng ta làm một việc gì đó hãy coi nó là một dự án, bạn sẽ cân nhắc và tránh được các rủi ro.
Giống như việc tìm bạn gái, sau khi đã xác định được hình mẫu cô gái bạn muốn theo đuổi, bạn sẽ không đi khắp nơi tán tỉnh hoặc bị các cô gái khác tán tỉnh. Bất chấp rủi ro bị đối phương “đá” hoặc “đá” đối phương. Bạn sẽ không giống như nhiều người sau khi chia tay chẳng còn ai bên mình, tiền cũng hết, còn lại là vết thương lòng.
Tôi là người tổ chức mời gọi đầu tư, nên sẽ lấy một buổi hội nghị kêu gọi đầu tư làm ví dụ.
Nếu coi hội nghị mời gọi đầu tư là một dự án thì chúng ta sẽ chia dự án này thành ba thời điểm: trước, trong và sau hội nghị. Ở mỗi thời điểm lại lần lượt chia thành ba phần nhỏ. Trước hội nghị có định hướng mục tiêu – lên danh sách khách mời – trù bị hội nghị. Trong hội nghị có trên sân khấu – dưới sân khấu – hoàn thành giao dịch. Sau hội nghị có giữ liên lạc – ký kết hợp đồng – phục vụ khách hàng.
Áp dụng phương pháp quản lý dự án để tiến hành tổ chức hội nghị đầu tư, bạn sẽ không phải căng thẳng, lo sợ không mời được khách đến tham dự trước khi hội nghị diễn ra. Không phải bận rộn đi qua đi lại như con thoi trong hội nghị, trong lòng thì thấp thỏm lo âu như ngồi trên đống lửa. Không cần phải động viên nhân viên làm việc chăm chỉ ngay sau khi hội nghị kết thúc, bởi lẽ họ còn cần liên hệ với khách hàng, thúc giục khách hàng chuyển nốt khoản tiền còn lại.
Coi hội nghị mời gọi đầu tư là dự án bạn sẽ nắm vững được trọng tâm của việc mời gọi đầu tư. Cũng có thể có được thành tích mời gọi đầu tư ở mức cao và chọn được kênh tiếp thị tốt.
Coi hội nghị mời gọi đầu tư là dự án, bạn sẽ thực sự hiểu rõ ý nghĩa của hội nghị, hơn nữa sẽ yêu thích, dễ dàng thông qua giá thành thấp để có được những mức đầu tư cao.
Giá thành thấp, lợi nhuận cao là mục tiêu của việc quản lý dự án. Bất kể là chi phí thời gian, chi phí trả cho nhân viên, chi phí kết nối, hay chi phí hội nghị đều sẽ giảm thấp đáng kể. Bất kể là lợi tức của liên minh kinh doanh đa kênh, lợi tức của cổ đông, hay lợi tức của tập thể xuất sắc, của nhân viên giỏi đều sẽ nâng cao đáng kể. Tất cả những điều này đều là động lực thúc đẩy bạn bồi dưỡng năng lực quản lý dự án.
Vậy trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta làm thế nào để bồi dưỡng được năng lực quản lý dự án?
Câu trả lời đã được nhắc đến ở phần đầu của chương này, đó chính là: Cần có tư duy toàn diện và suy nghĩ logic.
Nắm chắc những điểm này, bạn sẽ không đặt ra những câu hỏi vô giá trị mà người khác không muốn trả lời. Bạn sẽ không lãng phí quá nhiều thời gian vào những chuyện vụn vặt thường ngày, vòng vo mãi mà vẫn không nắm được mấu chốt của vấn đề.
Về cách thức suy nghĩ, tôi khuyến khích các bạn suy nghĩ độc lập với điều kiện tiên quyết là phải có tư duy toàn diện. Những vấn đề đơn giản có thể tìm thấy đáp án trên mạng Internet thì không cần phải mất thời gian đi hỏi người khác. Hãy hình thành thói quen quan tâm đến các sự kiện diễn ra xung quanh mình, cập nhật tin tức hàng ngày. Bây giờ đang là thời đại của truyền thông di động, chỉ cần một chiếc điện thoại di động hay một chiếc máy tính xách tay là bạn có thể giải quyết 80% vấn đề đang vướng mắc, không cần “lao tâm khổ tứ” đi nhờ vả hay làm phiền người khác.
Về việc đặt câu hỏi, tôi đề xướng đưa ra câu hỏi có giá trị sau khi suy nghĩ độc lập. Yêu cầu đơn giản nhất là câu hỏi không được ở dạng lựa chọn một trong hai đáp án, kiểu như đúng hay sai, có hay không. Bạn cần những câu hỏi khiến đối phương phải suy nghĩ, phân tích. Thậm chí khiến đối phương không còn coi thường bạn như lúc chưa hỏi, buộc họ phải đưa ra câu trả lời tương xứng với câu hỏi của bạn.
Bồi dưỡng năng lực quản lý dự án còn cần chúng ta phải có tham vọng và lòng kiên trì đối với việc kiếm tiền.
Có tham vọng kiếm tiền, bạn mới có động lực làm lớn, làm hoàn chỉnh dự án của mình. Có lòng kiên trì kiếm tiền, bạn mới chịu được sự cô đơn lẻ loi, cố gắng theo đuổi mục tiêu tới cùng.
Sau nhiều năm làm công việc mời gọi đầu tư, tôi nhận thấy những người ban đầu một lòng muốn theo nghề, rồi sau đó làm trung gian khắp nơi hòng kiếm lợi cá nhân, cuối cùng họ đều có kết cục “càng lăn lộn càng khốn đốn”, còn khiến những người đã từng tin tưởng đều rời bỏ họ, không còn bất cứ hợp tác nào nữa. Trong khi đó, người thành công nhất lại là người vận hành dự án một cách chắc chắn. Họ nhuần nhuyễn các bước cung cấp dịch vụ, làm truyền thông, xây dựng các kênh hợp tác, không ngừng tạo ra nguồn tiền và lợi nhuận. Bất luận là trong cuộc sống hay trên thương trường, họ đều gặt hái được thành công. Rất nhiều dự án ban đầu mỗi cổ phần chỉ có giá 100-200 nghìn NDT, về sau đã tăng lên đến 1 triệu NDT. Công ty ngày càng có giá trị, còn bản thân người sáng lập cũng trở nên giàu có, tạo dựng được danh tiếng và được xã hội công nhận.
Cuộc đời có ý nghĩa như vậy, bạn hãy hạ quyết tâm, dành thời gian rèn giũa, bồi dưỡng bản thân, coi bản thân là một dự án kinh doanh để đầu tư một cách toàn diện.
NHỮNG KẺ “NÓI KHOÁC NGHIÊM TÚC”
Làm việc trong lĩnh vực đầu tư tài chính, bạn sẽ gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều người, trong đó có rất nhiều kẻ nói khoác. Khi mới bước chân vào lĩnh vực này, tôi cảm thấy không quen với điều đó. Tuy nhiên, khi đã gặp gỡ nhiều người hơn, quen với tính chất công việc thì suy nghĩ của tôi cũng dần thay đổi.
Tôi nhận thấy rằng, những kẻ “nói khoác nghiêm túc” sẽ trở nên tài giỏi hơn những người khác.
Chúng ta cần phân tích hai từ “nghiêm túc”.
Nghiêm túc nghĩa là gì? Nghiêm túc là ý thức coi trọng, là thái độ chuyên tâm với công việc đang thực hiện. Một người khi chuyên tâm làm việc thì chắc chắn sẽ rất nỗ lực, kiên trì thực hiện đến cùng.
Vì vậy, cụm “nói khoác nghiêm túc” bao gồm hai phương diện. Thứ nhất là người đó tiếp tục duy trì sự khoác lác. Thứ hai là anh ta đang thật sự cố gắng để làm được những việc mà mình đã khoác lác với người khác.
Có người chỉ vì mong muốn lôi kéo nguồn lực đầu tư cho doanh nghiệp mới thành lập của mình đã dõng dạc tuyên bố: “Tôi sẽ xây dựng một công ty còn hùng mạnh hơn cả Alibaba, sẽ thiết lập hệ thống thương mại điện tử lớn hơn nhiều lần so với JD.com”. Kết quả là công ty của anh ta chỉ hoạt động được chưa đầy một năm đã bị phá sản. Nguyên nhân thất bại là vì anh ta đã không phân tích, tìm hiểu bối cảnh thời đại đã tạo nên đế chế Alibaba. Cũng không biết rằng một trong những cổ đông lớn của JD.com chính là Tencent.
Trong những nguồn đầu tư không ngừng đổ vào JD.com, có đến 22% đơn đặt hàng của trang bán lẻ này là đến từ Tencent. Cho nên, việc gây dựng một công ty hùng mạnh hơn đế chế Alibaba, hưng vượng hơn JD.com dường như là điều bất khả thi. Trừ khi anh có thể quay ngược thời gian trở về những năm 1999!
Để làm mới lại một thứ mãi mãi không thể trở nên mới mẻ hơn thì chỉ còn cách duy nhất là làm lại từ đầu.
Những lời nói khoác kiểu này, nếu bạn có tình cờ nghe được thì hãy cứ mặc kệ nó. Một người muốn viết Business Plan (Kế hoạch kinh doanh) mà không hề biết gì về bối cảnh thời đại, xu thế phát triển chung của xã hội, nhưng lại cho rằng bắt chước thì có thể làm tốt hơn người khác thì khó mà trở thành người tài giỏi.
Bây giờ, bạn hãy tập trung vào những đặc điểm dưới đây của những kẻ “nói khoác nghiêm túc” để tìm ra những điều mà bản thân có thể học tập.
Mơ lớn và chuyên tâm thực hiện
D là ông chủ của một hệ thống viện dưỡng lão. Từ những ngày đầu khi anh ấy kêu gọi nguồn lực tài chính cho dự án của mình, tôi và L đã quyết định đầu tư vốn. Lý do khiến chúng tôi đưa ra quyết định này gói gọn trong một câu nói của L: “Nhìn thấy sự nghiêm túc và chuyên tâm của D trên sân khấu khi gọi vốn đầu tư, nghe về ước mơ của anh ấy, tôi chỉ có một cảm giác rằng: Chúng ta nhất định phải giúp anh ấy biến ước mơ thành hiện thực!”
Giấc mơ của D chính là khiến cho Trái Đất này không còn người già cô đơn nữa.
Chỉ trong hai năm sau khi vòng gọi vốn đầu tiên kết thúc, công ty của D đã trở nên ngày một lớn mạnh. Dù đi đến bất cứ đâu, anh cũng chỉ quan tâm, trao đổi với mọi người về một chủ đề duy nhất, đó là làm sao để thực hiện thật tốt sự nghiệp “dưỡng lão” mà mình đang theo đuổi.
Hai năm trôi qua, D đã mở thêm trên 30 cơ sở dưỡng lão. Chính phủ cũng tích cực ủng hộ cho dự án của anh ấy.
Chính sự chuyên tâm đã từng bước biến người “nói khoác nghiêm túc” ngày càng trở nên tài giỏi hơn!
Luôn có thể kiếm ra tiền
L là đối tác làm ăn của tôi. Những người không quen biết với L thường sẽ nhận xét về anh ta rằng: “Cậu này chỉ được cái đẹp mã, giỏi nói khoác, chắc chắn chẳng làm được việc gì nên hồn.” Chỉ những người tiếp xúc nhiều, làm việc nhiều với L mới biết rằng anh ấy là một người thật sự có tài. Khi L 26 tuổi, anh đã đứng đầu một đội ngũ hơn 500 người, tất cả đều rất khâm phục, tôn trọng anh.
Một lần L bị đối tác lừa mất số tiền đầu tư lên đến hơn 15 triệu NDT, anh đã một mình chịu trách nhiệm, trả dần khoản nợ đó trong vòng hơn bốn năm. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là anh đã đảm nhiệm cùng lúc sáu phần việc khác nhau để kiếm đủ tiền trả hết nợ.
Năm thứ năm sau khi sự việc xảy ra, anh một lần nữa đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp. Anh kể lại những việc đã xảy đến với mình cho mọi người nghe, ai nấy đều vô cùng khâm phục.
Trước đó, không một ai biết gì về biến cố đó. Trong mắt họ, L lúc nào cũng là một người luôn tích cực, nỗ lực làm việc, không ai nghĩ anh đã từng trải qua nhiều chuyện đắng cay đến thế.
“Phương châm” kết giao bạn bè của L là: Khi kết bạn với tôi, không cần biết trước đó anh có tiền hay không, chỉ cần anh có niềm tin ở tôi, sau này chắc chắn anh sẽ trở thành người có tiền.
Những người “nói khoác nghiêm túc” thường luôn có những câu chuyện, những trải nghiệm rất phi thường. Họ kiếm được rất nhiều tiền.
Nếu nhìn nhận từ góc độ này thì câu nói của Vương Kiện Lâm9: “Hãy đặt ra cho mình một mục tiêu nhỏ, ví dụ như kiếm được 100 triệu NDT”, thường chỉ là lời khuyên dành cho một số ít người. Những người khác lại chỉ coi câu nói này như một trò đùa mà thôi.
9 Tỷ phú người Trung Quốc, chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Vạn Đạt cùng hệ thống rạp chiếu phim AMC rộng nhất thế giới. Ông cũng nắm giữ 20% cổ phần của câu lạc bộ bóng đá Tây Ban Nha Atlético Madrid và là người giàu nhất châu Á cho đến hết năm 2016.
Những người đã từng nhìn thấy rất nhiều tiền, có cho riêng mình những câu chuyện, những trải nghiệm phi thường, sẽ càng dễ dàng thêm lần nữa biến mình trở nên tài giỏi hơn.
Có tố chất lãnh đạo tuyệt vời
Những người “nói khoác nghiêm túc” thường luôn biết tự chủ, có sức hấp dẫn tự nhiên, có khả năng tự đứng dậy sau vấp ngã. Đây đều là những phẩm chất cần có của những nhà lãnh đạo ưu tú.
Anh D mà tôi đã nói đến ở trên, trong hai năm liền, ngày nào cũng đến công ty trước bảy giờ sáng, bận rộn làm việc cho tới tận mười giờ tối mới trở về nhà. Vợ của D là bạn thân của tôi. Cô ấy nói rằng D là một người rất tài giỏi, dù trong công ty xảy ra bất cứ chuyện gì, anh ấy cũng đều bình tĩnh tìm cách giải quyết. D làm việc tới mười bốn tiếng mỗi ngày. Tối nào khi trở về nhà anh cũng chỉ kịp nói với con mình mỗi một câu “Chúc con ngủ ngon!”.
L - đối tác làm ăn của tôi, vào những lúc bận rộn có thể tiếp đãi cùng lúc tới tám nhóm khách hàng. Anh có thể vừa pha trà vừa bàn chuyện công việc. Có lúc mệt tưởng như không thể tiếp tục làm việc nữa thì chỉ cần uống một lon nước tăng lực là lại tràn đầy nhiệt huyết. Trong suốt những năm tháng ấy, anh chưa từng một lần tiếp khách trong tình trạng đỏ mặt vì bia rượu, cũng chưa bao giờ có thái độ thiếu tôn trọng đối với khách hàng. Dù phía khách hàng xảy ra bất cứ vấn đề gì, anh cũng đều nhìn nhận bằng thái độ bao dung và giải quyết một cách nhẹ nhàng, mềm mỏng.
Chính sự chuyên nghiệp khi làm việc đã khiến những người “nói khoác nghiêm túc” ấy ngày càng trở nên xuất chúng hơn trong lĩnh vực của mình.
Khoác lác không có gì là xấu, nó chỉ xấu khi bạn chỉ nói cho sướng miệng chứ hoàn toàn không có bất cứ hành động gì để biến lời nói thành hiện thực.
Các bạn thân mến, sau này khi gặp những người thích khoác lác thì hãy phân biệt thật rõ ràng. Nếu đó thực sự là người “nói khoác nghiêm túc” thì đừng ngại dành cho anh ta những lời cổ vũ, khích lệ. Trên thế giới này, bất cứ một ước mơ nào, dù nhỏ bé tới đâu cũng đều xứng đáng được trân trọng.
Chúc cho tất cả những người “nói khoác nghiêm túc” cuối cùng đều sẽ trở nên ngày càng tài giỏi.
ĐỪNG ĐÁNH MẤT GIÁ TRỊ CỦA BẢN THÂN
Khi chuẩn bị cho một hội nghị kêu gọi đầu tư ở thành phố Thâm Quyến, các nhân viên của tôi phát hiện ra một hộp bánh Macaron mua để phục vụ khách mời đã không cánh mà bay. Cho đến ngày hôm sau khi hội nghị đã kết thúc, vẫn không có người nào chủ động nói cho tôi biết ai đã lấy mất hộp bánh đó.
Nhưng chỉ quan sát một chút, tôi đã biết ngay ai là thủ phạm.
Ngày hôm qua, một người bạn nhắn tin trên Wechat. Anh ta khoe khoản tiền hoa hồng mà mình nhận được. Tôi vừa chúc mừng, vừa nói với anh ta một câu đại ý rằng: “Hãy học cách để kiếm ra những khoản tiền lớn. Tiền hoa hồng chỉ là một khoản rất nhỏ mà thôi.”
Anh ta trả lời: “Đúng vậy!”
Lúc ấy tôi nhân tiện hỏi luôn: “Có phải hôm trước cậu đã lấy hộp bánh Macaron ở hội nghị không?”
Anh ta trả lời: “Đúng thế!”
Tôi không nói thêm câu nào nữa. Tôi tin rằng anh ta hiểu được ý nghĩa của cụm từ “học cách để kiếm ra những khoản tiền lớn” trong câu nói của tôi.
Tôi có một người hàng xóm tên J. Ở quê hay tổ chức các lễ hội, cô ấy thường không bao giờ bỏ lỡ mà luôn tham gia hỗ trợ rất nhiệt tình. Nhưng tôi phát hiện ra một việc. Đó là nhìn thấy bất cứ món đồ gì, cô ấy đều tiện tay mang về. Cho dù đó chỉ là chiếc khăn choàng, vài cành hoa hay chiếc làn đựng rau củ.
Một lần khác, gia đình tôi tổ chức tiệc mừng sinh nhật cho mẹ. Khi bữa tiệc kết thúc, mọi người phát hiện ra chiếc khăn lụa mà bố mua tặng mẹ đã không cánh mà bay. Bố tôi hỏi mọi người xung quanh, có người kể lại rằng nhìn thấy cô J cầm nó. Trước đó mẹ tôi có việc phải đi vào trong nhà nên đã để chiếc khăn lụa ở trên ghế đẩu. Cô J thấy mọi người đều đã đi hết nên tiện tay lấy luôn.
Bố tôi rất tức giận, muốn làm to chuyện, nhưng mẹ tôi bảo ông cứ bình tĩnh. Khi mọi việc xảy ra không có ai làm chứng, không thể đổ tội cho cô J. Một tuần sau đó, cô J lại có hành động tương tự, lần này cô ấy đã lấy của mẹ tôi một thứ khác. Bố tôi không thể chịu được chuyện này thêm nữa nên đã tìm chồng cô ấy để nói chuyện.
Hai người đàn ông xảy ra đánh lộn, cô J ở bên cạnh quạt bếp nhóm lửa. Mẹ tôi chạy đến nơi thì chồng của cô J đã bị bố tôi đánh đến độ chảy máu đầu. Bố tôi vốn là bộ đội, lúc nào cũng chính trực, ngay thẳng nên ông đánh chồng của cô J hơi nặng tay. Mẹ tôi nháy mắt ra hiệu với bố tôi, ý bảo ông hãy bỏ qua chuyện này, rồi nhanh chóng đưa chồng của cô J tới bệnh viện khám.
Khi từ bệnh viện trở về nhà, bố tôi phát hiện đã bị mất chiếc đồng hồ vẫn thường đeo ở bên tay trái. Ông về nhà tìm đi tìm lại. Cuối cùng nhớ ra khi ông xô xát với chồng cô J, cô J ở bên cạnh khuyên can, đã tiện tay “nẫng” luôn cả chiếc đồng hồ của ông. Cả nhà chúng tôi đều dở khóc dở cười trước chuyện này.
Mẹ tôi là một người vô cùng nhẫn nại và bao dung, bà vỗ nhẹ vai bố tôi an ủi: “Không sao, toàn là những món đồ nhỏ. Sau này chúng ta chỉ cần để ý, không để cô ta lấy mất nữa là được. Những người có tính tắt mắt như vậy ắt sẽ bị ông trời trừng phạt. Chúng ta phải cố gắng sống thật tốt, đó mới là điều quan trọng.”
Đồ đạc dù quý giá hay rẻ tiền, nếu không phải là của mình thì tuyệt đối không được “táy máy”. Đây tuy chỉ là một thói quen rất nhỏ trong cuộc sống, nhưng nó lại có ảnh hưởng lớn đến việc những người xung quanh nhìn nhận, đánh giá về bản thân bạn như thế nào.
Cho dù là lần đầu tiên tôi rời khỏi quê nhà, đến một vùng đất mới để học tập, hay sau này một thân một mình ra nước ngoài, bố tôi đều không dặn dò gì nhiều. Ông chỉ nói với tôi một câu: “Là con gái, khi ở bên ngoài cần phải học cách chống lại cám dỗ.”
Chính câu nói này của bố đã có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời tôi.
Bố dạy tôi rằng muốn có được bất cứ điều gì cũng đều phải dựa vào chính năng lực của bản thân mình. Đừng nghĩ đến việc đi đường tắt. Lời dạy này khiến tôi chưa bao giờ mong muốn có được những thứ không phải do mình làm ra. Những món đồ bạn được cho, tặng, biếu có vẻ như là “miễn phí” đấy, nhưng ân tình mà bạn nợ người ta là vô giá.
Sau nhiều năm dài, suy nghĩ này đã khiến tôi dần phát hiện ra khí chất tốt đẹp của bản thân mình. Khí chất đó không những đã giúp tôi gặt hái được những thành quả vượt bậc trong sự nghiệp, mà còn giúp tôi tìm được tình yêu quý giá trong cuộc đời mình.
Khi tôi mới bắt đầu yêu, bạn trai tôi cho rằng tôi giống những cô gái khác. Nghĩa là sau khi cùng nhau ăn tối thì sẽ dắt anh ấy đi dạo một vòng các shop bán đồ hàng hiệu, sau đó nũng nịu đòi anh ấy mua tặng nào túi, nào giày… Thế nhưng, yêu nhau một thời gian dài, anh ấy phát hiện ra rằng tôi chưa từng đòi hỏi gì từ anh ấy. Tôi cũng chưa từng làm những việc như những cô gái khác hay làm. Thậm chí có những lúc, anh ấy chủ động nói muốn tặng tôi một món quà, tôi đều trả lời anh ấy ngay rằng: “Những món đó em có rồi. Nếu em thích thứ gì, em sẽ tự mua.”
Tôi cảm nhận được rằng mình đang dần chiếm được tình cảm của anh ấy. Chính khí chất mà tôi nuôi dưỡng bấy lâu đã khiến anh ấy dần dần vứt bỏ tâm lý e ngại ban đầu, mở rộng cánh cửa trái tim với tôi.
Con gái, đặc biệt là những cô gái sống ở thành phố, ai cũng thích cái đẹp, thích sự hào nhoáng. Ai chẳng chết mê chết mệt những chiếc túi xách, những đôi giày đến từ các thương hiệu thời trang xa xỉ? Vậy nên rất nhiều cô nàng muốn dùng danh nghĩa tình yêu để ép bạn trai đáp ứng tất cả những nhu cầu, sở thích đó của mình. Các cô còn tự hào cho rằng: Người đàn ông tiêu tiền vì mình, họ yêu con người, yêu tính cách của mình.
Hãy thử nghĩ mà xem: Những người đàn ông từng trải, có sự nghiệp, có cuộc sống, ai mà chẳng hiểu rõ tâm lý này của các quý cô?
Nếu nhìn thấy món đồ gì cũng đều muốn có được, cũng tìm mọi cách để đòi người yêu mua nó cho mình, thì bạn sẽ chỉ khiến cho anh ấy nhận ra rằng bạn có tầm hiểu biết rất hạn hẹp, khí chất của bạn không đủ thu hút, năng lực của bạn còn hạn chế. Với một người con gái có quá nhiều khuyết điểm như vậy, liệu người đàn ông có thể toàn tâm toàn ý yêu thương, che chở, dốc hết tiền bạc của anh ấy cho bạn hay không? Chắc chắn là không.
Sau khi hẹn hò được hơn một năm, bạn trai tôi nói rằng điều mà anh ấy yêu nhất ở tôi chính là sự độc lập trong mọi việc. Tôi có rất nhiều món đồ hàng hiệu như túi xách, giày dép, quần áo… nhưng chúng đều là do tôi tự mua. Hơn nữa tôi tuyệt nhiên không hề bị “nghiện” mua đồ hiệu. Tôi chỉ mua một món đồ khi bản thân thực sự thích hoặc nó thực sự cần thiết. Anh ấy nói rằng, tôi biết rất rõ về giá trị của mình, và chính điều đó làm cho anh ấy vô cùng yêu tôi.
Khi biết tôi rất muốn đăng ký học một khoá đào tạo nâng cao, anh ấy đã không ngần ngại nộp cho tôi khoản học phí 100 nghìn NDT. Trong rất nhiều dự án mà hai chúng tôi cùng hợp tác, dù là cổ phiếu hay các giấy tờ có liên quan đến tiền, anh đều để tôi đứng tên. Tiền cũng chuyển vào tài khoản của tôi. Những chuyện lớn trong đời như mua nhà, mua đất, anh ấy cũng rất tích cực chi tiền.
Tôi không hề có ý nói rằng phụ nữ tuyệt đối không nên tiêu tiền của đàn ông. Điều tôi muốn nói đến là, bạn đừng nên bất cứ món tiền nào cũng đều phải nhờ vào sự trợ giúp của người khác, đừng nên lúc nào cũng ham muốn những món lợi nhỏ. Làm như vậy chỉ chứng tỏ bạn keo kiệt, nhỏ mọn và khó mà vươn lên được trong cuộc sống.
Nếu bạn thực sự thích tiền, thực sự thích cảm giác thỏa mãn về vật chất thì hãy nỗ lực từng ngày, những thứ đó dần dần sẽ là của bạn. Quá trình bạn nỗ lực để có được chúng thậm chí sẽ còn khiến bạn vui hơn nhiều so với kết quả đạt được.
Những người phụ nữ lợi dụng danh nghĩa của tình yêu, tình thân để tìm mọi cách moi tiền của đàn ông, khiến đàn ông mua cho mình túi lớn, túi nhỏ, liệu có mấy ai giàu có, sung sướng đến cuối đời?
Hãy rèn luyện để bản thân có được thói quen, hành vi tốt, làm người ngay thẳng, yêu đương nghiêm túc…
Bạn vốn rất ưu tú, đừng đánh mất giá trị của bản thân mình chỉ vì những điều nhỏ nhặt.
TẠI SAO CÀNG THÂN QUEN THÌ CÀNG KHÓ HỢP TÁC
Xã hội đang đề cao sự đổi mới theo những vòng tròn quan hệ khép kín, nhấn mạnh đến tính chất quan trọng của việc xây dựng những mối quan hệ mật thiết giữa con người với con người. Tuy nhiên, dần dần chúng ta nhận ra một sự thật là: Càng thân quen lại càng khó hợp tác.
Khi bạn công bố một dự án mới, những người tiếp cận và tham gia đầu tiên luôn là những người hoàn toàn xa lạ. Những người thân thiết ư, họ hoặc sẽ không tham gia, hoặc tìm cách dội cho bạn “một gáo nước lạnh”.
Chúng ta hãy cùng nhau đi tìm nguyên nhân và phương pháp để giải quyết thấu đáo vấn đề này.
Trước hết, hãy cùng tìm hiểu xem: Vì sao càng những người thân cận thì càng khó hợp tác cùng nhau?
Họ hiểu quá rõ về bạn
Khi bạn nói với những người thân quen về việc bạn sẽ bắt đầu gây dựng sự nghiệp của riêng mình, rất có thể họ sẽ có chút bối rối. Nói như cách của những người này thì: Họ biết rõ thực lực của bạn. Nên nếu bạn định lập nghiệp, họ chắc chắn sẽ không can dự vào.
Chúng ta hãy thử đi sâu phân tích một điểm: Tại sao họ biết rõ về bạn lại dứt khoát không can dự vào việc lập nghiệp của bạn? Nguyên nhân chính là do họ không đủ tin tưởng bạn. Bởi vì họ quá quen thuộc với chính con người bạn, hoàn cảnh gia đình bạn nên họ sẽ nghĩ rằng: Ông của bạn là người như thế này, cha của bạn là người như thế kia, người này trong gia đình bạn là người như thế ấy. Tất cả họ đều chẳng có ai giàu có thành đạt, thì bạn làm sao thành đạt giàu có được đây?
Nếu họ từ chối cùng cộng tác một cách lịch sự thì cũng tốt. Đằng này còn có tình huống tồi tệ hơn nữa xảy ra. Họ không những không khích lệ, động viên bạn, họ còn dội cho bạn những “gáo nước lạnh”. Họ đả kích bạn: Gia đình bạn còn đầy người có học vấn cao hơn hẳn bạn mà đã ai từng lập nghiệp thành công đâu, bạn dựa vào điều gì để tin rằng mình làm được đây? Xung quanh bạn có không ít người vì khởi nghiệp mà nợ ngân hàng khoản lớn khoản bé, giờ nhìn đâu cũng thấy tổn thất. Bạn dựa vào đâu để có thể làm tốt hơn họ? Rất nhiều những suy nghĩ như vậy đã làm nhụt chí những người không đủ mạnh mẽ, khiến họ thất bại ngay từ bước khởi đầu. Tuy nhiên, với những người khao khát khởi nghiệp thì đây vô hình trung lại trở thành động lực giúp họ trở nên càng quyết tâm hơn, nó giống như là: “Anh càng không có lòng tin ở tôi, tôi sẽ càng phải thành công hơn.”
Rủi ro khó lường
Chúng ta biết rằng, dù khởi nghiệp hay đầu tư thì đều tiềm ẩn nhiều rủi ro. Càng là những người thân quen thì lại càng khó cùng bạn tham gia vào “trò chơi khởi nghiệp” theo đúng từng điều khoản “giấy trắng mực đen” rõ ràng. Vì sao ư? Vì là người thân chứ sao!
Chúng ta không thể lường trước được rủi ro trong kinh doanh. Điều này cũng giống như là: Nếu thành công thì chúng ta hưởng mức lợi nhuận như nhau. Nhưng nếu thất bại thì tôi lại phải chịu. Mà như vậy thì thật không hợp lý. Thế nên càng những người thân quen thì càng dứt khoát không lựa chọn hợp tác, phòng tránh rủi ro ngay từ khi nó còn chưa kịp xảy ra.
Đã có rất nhiều việc xảy ra chứng minh rằng: Những người thân thuộc sau khi trở thành đối tác của nhau thì thậm chí đến cả mối quan hệ bạn bè cũng không còn giữ được, được không bù nổi mất.
Không có năng lực
Thẳng thắn mà nói, người thân quen không muốn hợp tác cùng bạn vì họ cho rằng bản thân không có năng lực để hợp tác cùng. “Năng lực” ở đây thể hiện trên hai phương diện. Thứ nhất là tiềm lực tài chính. Thứ hai là khả năng biến mơ ước thành hiện thực. Bản thân họ không có tiền nên không thể tự mình đầu tư. Họ cho rằng mình sẽ không thể vượt lên trên những người khác để trở thành người dẫn đầu, thế nên ngay đến cả ước mơ lớn họ cũng chẳng dám mơ. Họ nói với bạn rằng: Tôi chỉ là một công dân bình thường, không có tham vọng lớn như anh, chi bằng anh hãy tự mình nghĩ cách làm lớn đi!
Đối mặt với tình huống trên, chúng ta nên xử lý như thế nào?
Chúng ta đều biết rằng, mỗi người chỉ có quan hệ quen biết, thân thuộc với một số người nhất định. Vì vậy, càng là những người thân quen, cho dù họ có bắt tay hợp tác với bạn hay không thì bạn cũng không nên đặt họ ở đầu danh sách những người có thể hợp tác lâu dài. Thứ nhất việc hợp tác kinh doanh có thể gây nên những tổn thất lớn trên phương diện tình cảm, thứ hai là mức độ rủi ro quá cao.
Để đối phó với vấn đề không thể hợp tác với người thân quen, bạn cần làm tốt ba việc sau đây:
Kiên định mục tiêu
Chỉ có kiên định với mục tiêu và quyết tâm thực hiện nó cho bằng được, bạn mới có khả năng thành công.
Khi bạn đã đạt được thành công và được mọi người công nhận, bạn sẽ dần dần tự gây dựng được uy tín. Từ đó mới có thể khiến những người xung quanh chủ động muốn được hợp tác cùng bạn trong tương lai. Thay vì chủ động tìm kiếm, kêu gọi sự hợp tác từ họ khi đã biết rằng tỷ lệ thành công chắc chắn sẽ không cao. Tại sao bạn không dùng chính những thành công bước đầu của mình để tạo nên sức hấp dẫn, khiến họ phải tìm đến bạn?
Giữ vững khoảng cách
Tôi đặc biệt thích câu nói: “Quân tử chi giao đạm nhược thủy”, nghĩa là mối quan hệ giữa những người quân tử tuy nhạt nhòa như nước nhưng lâu dài, thân thiết.
Đối với những người hết sức thân thiết với bạn, nếu bạn mang hết những chuyện được mất, tốt xấu, kể cho họ nghe, họ sẽ dần hiểu tường tận về con người của bạn, suy nghĩ của bạn. Đặc biệt là khi đối phương biết rằng bạn đang ở vào “thời kỳ đen tối” trên con đường lập nghiệp, thì chắc chắn là họ sẽ càng không muốn hợp tác với bạn.
Lợi ích là vấn đề rất lý tính. Vì vậy, nếu giữ được khoảng cách ở mức độ phù hợp, cần tiến thì tiến, cần lui thì lui sẽ tạo thuận lợi cho bạn.
Càng là người quen, càng không nên hợp tác
Mỗi một doanh nghiệp hoặc người làm trong lĩnh vực đầu tư đều biết rõ. Vào lúc bắt đầu khởi nghiệp, điều bạn cần nhất chính là năng lượng tích cực, là một nhóm người cùng chung chí hướng để cùng nhau dốc hết sức lực làm việc.
Thế nhưng, những người thân thuộc với bạn, cho dù là anh em họ hàng hay bạn bè, nếu đã bắt tay hợp tác cùng bạn, họ sẽ vẫn giữ thói quen chỉ cho bạn phải làm thế này hay làm thế khác. Nếu mọi việc tiến triển thuận lợi thì tốt. Nhưng làm gì có con thuyền nào dong buồm ra khơi mà không gặp sóng gió? Trên bước đường khởi nghiệp gập ghềnh ấy, chỉ cần gặp phải những cơn sóng nhỏ, họ sẽ tìm đến bạn, nhẹ thì nói bóng nói gió, nặng thì đòi rút vốn. Nếu đã như vậy, chẳng thà ngay từ đầu đừng bắt tay hợp tác với nhau, cứ duy trì mối quan hệ anh chị em hay bạn bè như lúc ban đầu là tốt nhất.
Vậy, vấn đề đặt ra ở đây là, khi bắt tay khởi nghiệp hoặc đầu tư, chúng ta nên hợp tác với những người như thế nào?
Chúng ta đều biết rằng, cần phải cân nhắc kỹ khi xây dựng mối quan hệ nhân sinh.
Thông thường, có thể phân chia mối quan hệ nhân sinh thành ba nhóm:
Nhóm thứ nhất là hạt nhân, chính là những người tài giỏi hơn bạn, những người có thể trở thành lãnh đạo của bạn. Sự tài giỏi mà chúng ta nói đến ở đây không chỉ là năng lực mà còn là tiền bạc hoặc địa vị xã hội. Nếu bắt tay hợp tác với những người này, họ có thể mang lại cho bạn không chỉ có vốn đầu tư, mà còn nguồn vốn xã hội khác.
Nhóm thứ hai là những người có cùng chí hướng với bạn, nghĩa là họ có năng lực, hoài bão, ước mơ giống như bạn. Những người này giống bạn vô cùng. Vì vậy, họ hoàn toàn có động lực để toàn tâm toàn ý cùng bạn gây dựng sự nghiệp.
Nhóm thứ ba là những người thua kém bạn. Những người này lại được phân thành hai kiểu: Kiểu thứ nhất là những người tuy thua kém bạn nhưng họ lại thừa nhận khả năng của bạn, thậm chí tán dương, khen ngợi bạn. Kiểu người này phù hợp làm nhân viên, không thích hợp để trở thành nhà lãnh đạo. Kiểu thứ hai là những người thua kém bạn nhưng lại không nhìn nhận bạn. Những người này cần loại trừ ngay.
Khi bắt tay vào khởi nghiệp hoặc đầu tư, chúng ta nên lựa chọn nhóm người thứ hai để hợp tác. Bạn hãy tạo dựng họ thành một đội ngũ tốt và có thể dùng đội ngũ này để tranh thủ hợp tác với nhóm người thứ nhất. Với nhóm người thứ nhất, thường thì họ chỉ có thể hỗ trợ bạn trên phương diện đầu tư và cố vấn. Họ không thích hợp để tham gia vào đội ngũ vận hành kinh doanh của bạn.
Khi dự án đã trở nên lớn mạnh thì bạn cần có bên mình càng nhiều càng tốt kiểu người thứ nhất của nhóm người thứ ba. Bởi lẽ, làm một ông chủ lớn thì cần phải có thật nhiều nhân viên trong tay, chẳng phải vậy sao?
BỒI DƯỠNG NĂNG LƯỢNG TIẾP THỊ
Do yêu cầu mở rộng kinh doanh, tôi đã có buổi phỏng vấn một cô trợ lý tên N.
Tôi biết đến N khi được một người bạn giới thiệu. Người bạn này nói rằng vô cùng ngưỡng mộ, coi trọng tôi, đặc biệt là trong lĩnh vực mời gọi đầu tư. Nhưng do năng lực tiếp thị của bản thân không đủ mạnh nên đã không có cơ hội cùng hợp tác với tôi. Hết sức tình cờ, chỗ người bạn này có một cô trợ lý hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của tôi. Cô ấy cũng đang cần tìm đúng công việc này, vậy nên đã nhờ tôi sắp xếp chút thời gian để gặp gỡ cô ấy.
Rất nhiều sự việc xảy đến đều nhờ vào một “cơ duyên” nào đó, và sự việc lần này cũng vậy. Ngay từ lúc mới gặp mặt N, hai chúng tôi đã rất hiểu nhau. Tôi chỉ cần nhìn lướt qua cũng đủ thấy được sự cảm phục mà N dành cho mình. Sau vài câu thăm hỏi mang tính xã giao với người bạn kia, tôi bắt đầu nói chuyện kỹ lưỡng hơn với N. Câu đầu tiên N nói với tôi là: “Tâm Đồng, chị tỏa ra năng lượng rất dồi dào, em rất thích.”
Tôi quan sát cách cô ấy tự giới thiệu về mình. Vài phút sau, cô ấy dừng lại một chút và nói: “Lần đầu tiên nhìn thấy ảnh của chị, em đã nghĩ chị là một người phụ nữ mạnh mẽ, thuộc kiểu người khó tiếp xúc. Thế nhưng hôm nay được gặp mặt, em cảm thấy chị tràn đầy năng lượng, tràn đầy hoài bão gây dựng sự nghiệp, nhưng vẫn thật gần gũi.”
N nói tiếp: “Theo em, phụ nữ có năng lực được chia thành hai kiểu. Kiểu thứ nhất là những người có năng lực nhưng khó tiếp cận. Kiểu thứ hai là những người vừa có năng lực, lại vừa dễ tiếp cận. Thật may quá, chị Tâm Đồng là kiểu người thứ hai.”
Tôi mỉm cười, im lặng lắng nghe chia sẻ của N. Tôi cảm thấy rất vui, N cũng là một cô gái vừa có hoài bão, lại vừa yêu thích công việc tiếp thị.
N là người Hồ Nam, trước đây chỉ làm công việc đào tạo. Cô ấy có ngoại hình ưa nhìn, ăn nói khéo léo, ứng xử linh hoạt, chưa từng mất bình tĩnh hay xấu hổ trước mặt người lạ. Đây là những điểm cộng vô cùng quan trọng để theo đuổi công việc tiếp thị. Nhân viên nữ bắt buộc phải có nụ cười tươi tắn, miệng lưỡi ngọt ngào, tâm thái tự tin. Đây cũng là những yêu cầu cơ bản của tôi đối với ứng viên muốn theo đuổi công việc này.
Buổi phỏng vấn diễn ra rất thuận lợi. Tôi vô cùng vui mừng khi nhận thấy rằng ngày càng có nhiều cô gái dấn thân vào lĩnh vực tiếp thị và yêu thích công việc thú vị này.
Tiếp thị là lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng cao, cũng là một lĩnh vực đòi hỏi có sức khỏe và sự chuyên tâm. Nhiều năm qua, tôi theo đuổi công việc chủ trì hội nghị kêu gọi đầu tư. Tôi đã tiếp xúc với đủ loại người. Mỗi một lần tiếp thị đều là một sự kiện cần lên kế hoạch chu đáo. Mục đích của việc tiếp thị là hoàn thành việc mua bán. Một nhân viên tiếp thị nếu không thể hoàn thành việc mua bán thì đồng nghĩa với việc năng lực, trình độ chưa thành thục.
Tháng trước, tôi bất ngờ nhận được tin nhắn trên Wechat từ một cô bạn đã quen biết nhiều năm như sau:
“Tâm Đồng, mình là XX, vì thu nhập từ tiền lương và đãi ngộ quá thấp nên mình muốn thử bán hàng trên mạng. Thế nhưng mình đã đăng bài trên trang cá nhân suốt ba tháng trời mà chẳng có lấy nổi một giao dịch thành công…”
“Tại sao cậu lại muốn bán hàng?”
“Vì mình muốn kiếm thêm chút tiền.”
“Cậu bán mặt hàng gì vậy?”
“Chính là loại mặt nạ dưỡng da mà cả thiên hạ đang bán đấy!”
“Bình thường cậu có thích trang điểm không?”
“Chỗ mình đang sống chỉ là một vùng quê nhỏ, bình thường mọi người không hay trang điểm.”
“Cậu có từng nghĩ rằng, bán hàng trên mạng không phải chỉ đơn giản là liên tục đăng bài quảng cáo sản phẩm lên trang cá nhân không?”
“Mình không biết. Mình chỉ biết rằng những người giới thiệu mình làm việc này cũng đều làm như thế.”
“Những nội dung cậu đăng trên trang cá nhân đều do chính cậu viết ra chứ?”
“Không, là do mình đi copy của người khác.”
“Cậu thích công việc bán hàng chứ?”
“Mình …”
Nói chuyện với người bạn này đến đây, tôi dừng lại và không hỏi thêm gì nữa. Lý do đã vô cùng rõ ràng, một người không yêu thích bán hàng, không hiểu rõ về sản phẩm mình bán thì chắc chắn sẽ không thể làm tốt công việc này.
Năm 2015, khi còn làm công việc mời gọi đầu tư ở Trùng Khánh, tôi xây dựng một kế hoạch khác. Đó là tìm cho mình người hợp tác phù hợp. Có lần, khi đến hội trường tổ chức, tất cả mọi người ở đó đều là những gương mặt lạ lẫm. Tôi lúc đó chỉ đi một mình, đến cả trợ lý cũng không dẫn theo.
Mặc dù có chút thách thức, tôi vẫn chuẩn bị rất chu đáo, sau đó lên sân khấu kêu gọi đầu tư cho dự án của công ty. Tại hội trường hôm đó, tôi đã tìm được cho mình sáu đối tác.
Buổi tối, tôi mời các đối tác đi ăn cơm. Cộng thêm lúc gặp gỡ ở hội trường thì coi như đây chính là lần gặp mặt thứ hai giữa chúng tôi. Mọi người vừa uống rượu, vừa nói chuyện. Sau khi cảm ơn những người đang có mặt, tôi nói: “Thực ra, hôm nay khi ở trên sân khấu, tôi không biết trước kết quả sẽ như thế nào. Tôi thực sự muốn biết lý do vì sao các vị lại lựa chọn hợp tác cùng tôi.”
Tất cả mọi người đều hào hứng chia sẻ với tôi, một chị nói: “Tôi thực sự chưa hiểu hết về những gì cô định làm. Nhưng tôi nhìn vào cách cô chia sẻ, lắng nghe khẩu khí của cô khi thuyết trình là đã có thể đoán được rằng cô rất tâm huyết, và tôi cần phải ủng hộ cô.” Tôi nghe chị nói xong chỉ biết cười to sung sướng.
Một anh khác lại nói: “Tôi nhận thấy kiến thức và công cụ mà cô chia sẻ đặc biệt hữu ích, rất phù hợp thời đại. Tôi cũng cảm thấy cô là một người có năng lực, có chí tiến thủ, nếu được làm bạn với cô, chắc chắn tôi sẽ học hỏi thêm được nhiều điều.”
Một anh ngồi bên cạnh tôi, từ đầu tới cuối không lên tiếng. Anh bắt đầu cầm cốc rượu lên, phát biểu như một lời tổng kết khép lại buổi gặp mặt: “Thật ra đây chính là năng lượng. Tâm Đồng, tuy ở một nơi xa lạ, đối mặt với những người hoàn toàn xa lạ, nhưng cảm giác mà cô mang lại cho mọi người chính là: Cô không hề cảm thấy lạ lẫm. Chính năng lượng “Hôm nay tôi nhất định phải đàm phán thành công” của cô khi đứng trên sân khấu đã khiến tôi vô cùng xúc động. Nó khiến tôi nhớ về những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi. Khi tôi làm công việc phát triển thị trường ở những thành phố hoàn toàn xa lạ nhưng lại không sợ hãi bất kỳ điều gì, cũng giống như cô của ngày hôm nay vậy. Cô nói về Business Plan (Kế hoạch kinh doanh). Đây là lần đầu tiên tôi nghe đến nó. Chẳng mấy ai hiểu cả, thế nhưng chính cách mà cô giải thích, cách cô truyền cảm hứng đến cho mọi người mới là điều khiến tôi ghi nhận.”
Có được năng lượng mạnh mẽ, dù tới bất cứ nơi đâu, bạn cũng đều có thể truyền cảm hứng cho mọi người.
Vậy phải làm thế nào để nâng cao năng lượng tiếp thị, đặc biệt là khả năng đàm phán thành công?
Trước hết, hãy nhiệt tình hơn với cuộc sống. Hãy càng thêm yêu quý cuộc sống của bạn. Tất cả mọi người đều mong muốn hướng đến những gì ấm áp, tốt đẹp nhất, không ai ưa thích sự lạnh nhạt, giá băng. Hãy yêu cuộc sống, duy trì trạng thái sống tích cực. Bạn sẽ phát hiện thấy có rất nhiều người đang muốn ở gần bạn, muốn làm bạn với bạn. Bạn sẽ tạo ra một bầu không khí ấm áp, kiểu không khí này tự khắc sẽ lan truyền tới mọi người.
Thứ hai, hãy yêu công việc tiếp thị, chủ động nâng cao chuyên môn. Bất luận là tiếp thị thứ gì, cho dù là sản phẩm hay dự án, bạn cũng hãy dùng hết khả năng của mình để tìm hiểu thật kỹ về nó. Trong bối cảnh thị trường hiện nay, nếu chỉ làm việc một cách qua loa, hời hợt thì sẽ không thể kiếm ra tiền. Lý do lớn nhất để bạn thuyết phục thị trường và có được những giao dịch thành công chính là bạn có thể thực sự mang lại cho thị trường một cam kết. Và sự hồi đáp mà thị trường mang đến cho bạn chắc chắn sẽ lớn hơn những giá trị có thể cân đo đong đếm được bằng vật chất.
Thứ ba, nếu có thể, hãy học cách bị mặc cả. Một người luôn sợ “ bị mặc cả” sẽ có khoảng cách vô cùng xa so với cao thủ mặc cả. Thử nghĩ xem, nếu ngày nào từ sáng tới tối bạn cũng chỉ nghĩ cách làm thế nào để moi được tiền từ túi kẻ khác mà lại không hề muốn móc tiền ra khỏi hầu bao của mình, thì về lâu dài, liệu còn có mấy người thích “bị bạn mặc cả, bị bạn tiếp thị thành công” nữa?
Cho đến ngày hôm nay, trong số vài chục nghìn “người hâm mộ” của tôi, thì có tới gần một nửa là do bản thân tôi “thu hút” được tại các hội nghị đầu tư. Bởi lẽ, tại những hội nghị mà tôi tới tham dự, tôi thường sẽ là người đầu tiên “cà thẻ” ủng hộ nhà tổ chức.
Việc tiếp thị thành công cũng giống vậy. Khi bạn học được cách “bỏ ra” thì thành quả thu về của bạn sẽ vượt xa ngoài sức tưởng tượng.
Hãy luôn luôn nỗ lực nâng cao năng lượng của bản thân. Chỉ cần học được chiêu thức này, chắc chắn bạn sẽ trở thành một cao thủ tiếp thị!