Hội chứng BOSS
BOSS nghĩa là gì? BOSS chính là nguyên nhân và cũng là kết quả của stress. BOSS = B (Burn = đốt cháy), O (Out = hết sạch), S (Stress = sự căng thẳng), S (Syndrome = hội chứng). Nghĩa đầy đủ của BOSS là Hội chứng Stress làm cạn kiệt Năng lượng. Năm 1981, Veningle và Spradly đã trích dẫn 5 giai đoạn mô tả về BOSS như sau:
1. Giai đoạn tuần trăng mật: Khi mới được nhận vào làm việc, con người thường cảm thấy rất hạnh phúc và hân hoan.
Đây chính là trạng thái tinh thần phấn khởi giống như tuần trăng mật của một đôi vợ chồng son. Họ vẫn chưa đối mặt với thực tại và những thách thức trong công việc. Rồi dần dà, họ nhận thấy có nhiều quy định, thói quen và nhiều kỹ thuật cần phải được làm quen trong tương lai nên họ thấy năng lượng của mình như bị cạn kiệt.
2. Giai đoạn nạp nguyên liệu trước mắt: Do sử dụng quá mức nguồn năng lượng tinh thần, họ mất đi lòng hăng hái, động lực... Họ cảm thấy chán nản, mệt mỏi, ngủ kém, buồn phiền. Họ tìm cách giải tỏa những cảm giác tâm lý này bằng cách ăn nhiều hơn, hút thuốc thường hơn, uống rượu bia, cãi cọ vớ vẩn, trì hoãn công việc, không chú tâm, bất cẩn...
3. Giai đoạn hội chứng kinh niên:
Chu kỳ mệt mỏi và kiệt sức hình thành. Nếu chu kỳ này không được phá vỡ, hệ thống tâm lý và sinh lý bị khủng hoảng là điều chác chán.
4. Giai đoạn khủng hoảng: Nếu những triệu chứng hay dấu hiệu mệt mỏi thể chất không được giải tỏa sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, huyết áp cao, tiêu chảy hoặc các bệnh khác.
5. Giai đoạn "va vào tường": Mọi sức mạnh đều bi mai môt. Công viêc bi bỏ dở. Ở giai đoạn này ai cũng muốn được bình phục, tuy nhiên ít người thành công do họ đã tự cột chặt mình vào khủng hoảng.
Trường hợp của anh Subhash Shetty, nhân viên kế toán ngân hàng là một ví dụ. Thời gian đầu, anh tràn đầy nhiệt huyết trong công việc. Anh là người có cá tính, hướng ngoại, tính khí hơi hấp tấp, nhưng có tài. Anh nhanh chóng được thăng chức trở thành kế toán trưởng. Một thời gian dài, anh từng rơi vào cảm giác hốt hoảng và bác sĩ đã giúp anh chấm dứt tình trạng này. Anh nghĩ mình đã vượt qua được giai đoạn khủng hoảng. Nhưng triệu chứng này tái phát trở lại, cuối cùng anh phải xin nghỉ hưu non vì đã chuyển qua giai đoạn cuối: giai đoạn "va vào tường".
Stress còn là nguyên nhân làm suy giảm hệ thống miễn dịch. Bác sĩ Sheldon Cohen qua quá trình nghiên cứu và khảo sát đối với nhiều người để tìm ra mức độ stress đã kết luận rằng: Phần lớn những ai bị cảm lạnh và hắt hơi đều là những người có tính kỳ vọng cao.
Viện Tim Escort ở thủ đô New Delhi (Ân Độ) cũng đã thử nghiệm với 5.880 công nhân. Kết quả ở mức đáng báo động: 34% công nhân bị huyết áp cao dù trước kia họ đều là những người khỏe mạnh và không hề bị chứng bệnh này, trong đó 71% có nồng độ cholesterol cao trong máu. Nhiều người vô tình kích hoạt chứng trầm cảm bằng một việc làm gây lo lắng nào đó trong tâm trí mình. Hoạt động này có thể gây nguy hiểm vì khiến tâm trí mất dần sự kiểm soát do mối quan tâm chính của con người là hướng tới mối nguy hiểm đang đe dọa họ. Một số người bắt đầu tìm đến ma túy hay hoạt động cờ bạc như là một biện pháp để giải tỏa ức chế. Một số khác thì chìm trong thú đam mê xác thịt cũng bởi lý do tương tự.
Cùng trong hệ tác động này, các nghiên cứu cũng cho thấy trẻ em phát triển nhân cách từ hành vi của cha mẹ. Nếu cha mẹ bảo bọc con cái quá mức, trẻ sẽ trở nên nhút nhát, hay lo âu và sợ hãi. Không chỉ thế, trẻ cũng tập dần thói lệ thuộc và dựa dẫm vào cha mẹ. Còn theo một nghiên cứu của L. Sandler thì những trẻ không được cha mẹ khen ngợi, thường có nguy cơ bị bệnh hen suyễn nhiều hơn.
Nghiên cứu của bác sĩ Hans Selye còn hé lộ những thay đổi về sinh lý học trong các phản ứng tương tác khác. Những thay đổi này có thể bị giảm đi do những kích hoạt tâm lý và sinh lý, như tình trạng nóng, lạnh, hay nhiễm bệnh, chấn thương cũng như tình trạng lo lắng, sợ hãi, chán nản, giận dữ... Hội chứng không đặc thù này được gọi là GAS (General Adaptation Syndrome = Hội chứng Thích nghi Chung).
Ba giai đoạn trong GAS
1. Giai đoạn báo động
Khi cơ thể đột nhiên phải đối mặt với tình huống gây căng thẳng, mà trước đó chưa được thích nghi, thì phản ứng sinh lý của cơ thể chính là tiếng còi báo động cho chúng ta. Nó cảnh báo cho hệ thống đề kháng bằng các biểu hiện theo hai giai đoạn:
- Giai đoạn sốc: Phản ứng đột ngột với stress tương tự như dấu hiệu báo động tình trạng bị thương. Lúc này tim đập nhanh, huyết áp giảm, căng cơ, trong khi nhiệt độ cơ thể vẫn giữ ở mức bình thường.
- Giai đoạn chống lại sốc: Cơ thể huy động mọi năng lượng để chống lại sốc. Hệ thống đề kháng hoạt động; vỏ thượng thận hoạt động mạnh để gia tăng phóng thích hormone corticoid( ), kích cỡ vỏ thượng thận cũng tăng lên.
Bất kỳ tình huống gây stress nào cũng tạo ra hai giai đoạn trên để phản ứng tạm thời. Đó là cách để cơ thể và tâm trí cố thích nghi với áp lực, và đương nhiên là mức độ phản ứng này sẽ tăng lên tương ứng với mức độ áp lực. Nếu sự kích thích quá mức hoặc kéo dài, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chẳng hạn, động vật sẽ chết nếu phản ứng báo động này kéo dài trong nhiều giờ liền hay vài ngày.
2. Giai đoạn thích ứng
Sau giai đoạn báo động, nếu mức độ stress không quá nặng đến mức tử vong, cơ thể sẽ cố gắng thích nghi với stress và sẽ có một số biểu hiện cải thiện về mặt tâm-sinh lý so với giai đoạn báo động. Cảm giác thoải mái xuất hiện và tình trạng sinh lý trở nên tốt hơn so với giai đoạn báo động.
3. Giai đoạn kiệt sức
Trong quá trình thích ứng, năng lượng sinh lý bị cạn kiệt, các cơ quan yếu dần đi. Hans Selye cho rằng: "Mỗi hoạt động sinh học gây hao mòn và phá hủy; nó để lại những 'vết sẹo hóa học' không thể xóa, lâu dần dẫn đến quá trình lão hóa".
Bác sĩ Thomas H. Holmes và Richard H. Rahe, cùng là bác sĩ tâm lý làm việc tại trường Đại học Y Washington cho rằng bất kỳ thay đổi nào cũng gây stress, hai ông đã đưa ra hàng loạt những câu hỏi để trắc nghiệm mức độ stress. Và "Cán cân Điều chỉnh Xã hội" (Social Readjustment Rating Scale) được đúc kết sau khi phỏng vấn 394 cá nhân. Tất cả đều được phát một tờ giấy có ghi những sự kiện trong đời và yêu cầu họ chấm điểm cho mỗi sự kiện. Họ được yêu cầu cho điểm trung bình là 50 đối với sự kiện "Lập gia đình", và trên cơ sở này mà chấm điểm cho các sự kiện khác. Kết quả, với sự kiện "Bị chấn thương hoặc đau bệnh", số điểm trung bình - đồng nghĩa với mức độ ảnh hưởng của sự kiện - là 53; còn khi "Vợ/chồng qua đời", số điểm là 100; những sự kiện ít gây tác động, xáo trộn hơn như "Lễ Giáng sinh" và "Thay đổi thói quen ăn uống", số điểm lần lượt là 13 và 15. Kết quả này cho thấy, số điểm được chấm thay đổi ít hơn hoặc nhiều hơn tùy theo mức độ stress mà sự kiện đó khơi dậy.
Andrew Sims và Phili Snaith trong ngành trị liệu tâm lý cũng đề cập đến sự bất lợi của những người hút thuốc lá trong việc quản lý stress. Cả hai đều cho rằng có sự liên hệ giữa việc hút thuốc và lo âu. Những người hút thuốc thường đốt thuốc vào thời điểm họ bồn chồn hoặc bị stress.
Đa phần chúng ta có một chứng bệnh chung là "tâm bệnh". Theo nghiên cứu của tổ chức Xã hội Trị liệu Tâm lý Ấn Độ (The Indian Psychiatric Society), có tới 50 triệu người Ấn bị tâm bệnh. Khoảng 80/1000 người gặp rắc rối về tâm lý trong khi yếu tố stress lại không được tính đến trong phần trị liệu. Các bác sĩ thường chỉ đưa ra những triệu chứng bệnh và giúp bệnh nhân tạm thời loại bỏ hay làm giảm thiểu những triệu chứng này, trong khi stress vẫn ngang nhiên tồn tại. Do vậy, không sớm thì muộn, bệnh sẽ lại tái phát.
Mỗi ngày có tới hơn 2.500 người chết vì bệnh tim ở Mỹ, chiếm 50% nguyên nhân gây ra tử vong. Mỗi năm Mỹ mất tới 78 tỷ đô-la chi phí để điều trị bệnh tim. Xu hướng này sẽ tăng trong thế kỷ 21. Các bác sĩ và bệnh nhân đều cho rằng đây là bệnh thể lý, nhưng thực chất của vấn đề lại bắt nguồn từ stress. Theo quan điểm về chăm sóc sức khỏe toàn diện, giải tỏa stress là việc làm hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hệ thống y tế hiện nay vẫn chưa quan tâm đến yếu tố stress trong điều trị sức khỏe bệnh nhân. Người bệnh cứ phải đi hết bác sĩ này đến bác sĩ khác; thay đổi từ thuốc này sang thuốc khác mà vẫn không thể chấm dứt những rắc rối của họ. Nếu các bác sĩ nhận ra được vai trò của stress đối với mỗi bệnh nhân và biết cách chỉ dẫn họ vượt qua những lúc căng thẳng, thì gánh nặng trên vai những chuyên gia y khoa sẽ giảm đi rất nhiều. Cuốn sách này sẽ giúp bạn nhận ra yếu tố dẫn đến các bệnh lý và cách giải tỏa nó.