Thường khi khám bệnh, tôi hỏi bệnh nhân của mình xem ai là người có khả năng khiến họ bị stress. Một nữ bệnh nhân chỉ thẳng ngón tay trỏ vào cô con dâu đang ngồi bên cạnh và nói: "Chính nó làm tôi lên tăng-xông thế này đấy bác sĩ ạ". Còn cô con dâu trẻ thì lý luận: "Tại mẹ cứ hay gây rắc rối". Đây chẳng phải là trường hợp ngoại lệ. Khi tôi đào tạo cho các nhà quản lý và các nhà lãnh đạo các công ty đa quốc gia, tôi phát hiện ra các vị này phần lớn đều bị hổng kiến thức lãnh đạo cơ bản nhất. Họ đều cho rằng rắc rối của họ là do không nhận được sự hợp tác từ người khác. Còn các bậc cha mẹ lại cho rằng con cái ở tuổi thành niên là nguyên nhân khiến họ đau đầu, nhưng con cái ở tuổi này thì cho rằng cha mẹ không hiểu chúng và khiến chúng lo âu.
Một khi chúng ta đổ lỗi cho người khác về tình trạng căng thẳng của mình, thì sự tập trung kiểm soát căng thẳng của chúng ta sẽ tự động hướng ra bên ngoài. Nghĩa là khả năng kiểm soát này không còn nằm trong tay ta, mà chúng ta đã đặt bộ điều khiển tâm trạng mình vào tay người khác. Khi ấy sợi dây tinh thần của ta sẽ bị kéo trong bàn tay của họ. Thử hỏi ta có khác gì một con rối và để người khác điều khiển tâm trạng mình? Trong một số trường hợp cụ thể, việc con người hay môi trường sống chịu trách nhiệm cho tình trạng căng thẳng của ta là điều có thật. Nhưng khi ta đổ lỗi cho người khác về chính tình trạng căng thẳng của mình, nghĩa là ta tự đặt mình vào hoàn cảnh vô vọng và chẳng thể làm gì để giảm thiểu căng thẳng cho bản thân.
Con người sẽ không thể bị căng thẳng trừ khi họ có những ý nghĩ về căng thẳng ở mức độ ý thức hay ít nhất ở mức vô thức. Phản ứng của mỗi người là khác nhau trong từng tình huống, nó không phụ thuộc vào tình huống đó ra sao, mà phụ thuộc vào việc họ đã ứng xử như thế nào. Thực hành thư giãn giúp ta kiểm soát được suy nghĩ và cảm xúc của mình tốt hơn.
Tôi rất thích cách giảng giải về tầm quan trọng của suy nghĩ trong vấn đề quản lý căng thẳng của ngôi sao môn cricket, Ian Botham: "Một nửa cuộc chiến chống lại căng thẳng là do bạn nghĩ mình đang bị căng thẳng".
Do những suy nghĩ tiêu cực, lo lắng, trầm cảm, hồi hộp, ghen tị, sợ hãi. chúng ta mới cho rằng mình đang bị căng thẳng.
Ngay cả trong công sở, người được thăng chức và không còn ai để cạnh tranh vẫn có nguy cơ bị căng thẳng khi không quản lý được những đòi hỏi của công việc. Người ta nhận thấy sự thiếu tiện ích còn ít gây căng thẳng hơn là mất đi vị trí xã hội. Sau cuộc suy thoái kinh tế năm 1929, nhiều người ở tầng lớp thượng lưu trong xã hội đã tự tử. Nguyên nhân tự tử không phải do chết đói, mà do suy giảm đột ngột điều kiện sống hiện có của họ. Họ chưa sẵn sàng chấp nhận điều kiện sống mới, nên quyết định kết liễu cuộc đời.
Trong cuốn sách của mình, bác sĩ Peter Tyrer đã đặt ra câu hỏi: "Đối phó với căng thẳng bằng cách nào?" với nội dung kể về một vị khách ngoài hành tinh đến quan sát và nghiên cứu về cuộc sống con người trên Trái đất. Vị khách ấy kết luận: "Con người trên Trái đất toàn là những kẻ thích tự hành hạ mình. Họ tự chuốc khổ vào thân, rồi còn than vãn về cuộc đời của mình". Vì vậy, khi chúng ta không quá chú trọng vào những tình huống xảy ra, chúng ta sẽ không bị căng thẳng.
Con người thường bị stress nhiều nhất khi rơi vào những hoàn cảnh như: người thân qua đời, ly hôn, mất việc, mất tiền bạc, của cải; gặp khó khăn trong mối quan hệ vợ chồng, bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên hoặc khi gặp phải những lời chỉ trích, xuyên tạc v.v. Không phải diễn tiến của những việc này khiến họ căng thẳng, mà chính là nỗi sợ, nguy cơ bị đe dọa, bất an, mặc cảm tội lỗi, hay việc đánh giá quá thấp bản thân... mới khiến họ căng thẳng. Với trường hợp bị căng thẳng do mất đi người thân yêu, không phải họ sợ sự mất mát ấy, mà họ sợ cái chết. Hoặc do quá gắn kết, quyến luyến với một ai đó cũng khiến họ bị stress khi phải chia tay.
Tôi còn nhớ cách phản ứng rất khác nhau của hai anh em ruột sống cạnh nhà tôi đối với cái chết của mẹ. Người em quá đau buồn, nên bị bệnh trầm cảm, còn người anh thì ngược lại. Người anh xem sự ra đi của mẹ như là một sự giải thoát.
Bạn luôn có những lý do bào chữa cho cơn stress của mình. Trong công ty, bạn coi sếp là "thủ phạm" chính đẩy bạn vào stress. Nhưng sự thực chẳng có ông sếp nào khiến bạn stress, mà do bạn thiếu năng lực và không có khả năng đối mặt với những áp lực trong công việc hoặc không hiểu rõ tính cách và đòi hỏi của cấp trên. Trong một công ty kinh doanh nọ, giám đốc điều hành là một người khá độc tài. Ông chẳng chịu nghe ai cả. Ông luôn muốn mọi nhân viên, thuộc cấp phải nghe lời ông. Ông không cho ai can thiệp vào bất cứ quyết định nào do ông đưa ra. Ai cũng chán nản và căng thẳng khi làm việc với vị giám đốc này. Đã có hai người quản lý làm đơn xin nghỉ việc, rồi một nhà quản lý mới đến. Anh hiểu rõ tính cách và sự mong đợi của ông. Thay vì chịu lép vế và tuyệt vọng như những người kia, anh dành thời gian và sức lực thu thập mọi thông tin liên quan đến rắc rối, dù nhỏ trong công ty. Anh không vội đề nghị gì bởi anh biết vị giám đốc này sẽ từ chối, thậm chí còn gây khó khăn cho anh nếu ông ấy bực tức. Thay vì đề xuất thì anh trình bày tất cả những thông tin thu thập được. Những thông tin này giúp vị giám đốc đưa ra quyết định đúng. Ông đỡ tốn công sức rất nhiều nhờ những thông tin kịp thời ấy. Chỉ sau một tháng, ông đã bắt đầu tin tưởng và luôn theo lời khuyên của anh.
Robert Lifton cũng chỉ rõ sự khác biệt trong cảm nhận giữa hai thế hệ đối với bi kịch Hiroshima(1): thế hệ sinh ra và sống trong Thế chiến thứ hai bị khủng hoảng tâm lý nặng, còn thế hệ sinh sau Thế chiến thứ hai thì cho rằng đạn, pháo chuẩn bị cho sự hủy diệt thế giới luôn là một phần trong toàn cảnh cuộc chiến tranh, vì vậy họ thích nghi hơn với cuộc chiến. Quả thực, con người có khả năng thích nghi rất tốt khi họ xem sự việc xảy ra là tất yếu.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn giữ được tâm trạng tốt nếu nghĩ đến các giá trị hòa bình, hạnh phúc và sự thư thái. Suy nghĩ như thế nào, cảm xúc như thế ấy. Con người có thể giơ tay lên hay hạ tay xuống theo ý mình, vậy tại sao lại không điều khiển suy nghĩ theo ý mình? Con người có trách nhiệm đối với chính suy nghĩ của mình. Chúng ta có thể thay đổi suy nghĩ theo hướng mong muốn của bản thân, từ đó có thể tự thay đổi cảm xúc.
Không ít người dành rất nhiều thời gian để lo lắng về những khó khăn, trong khi họ có thể làm một điều gì đó để cải thiện tình hình. Rõ ràng chúng ta chính là chủ nhân của tâm trí mình, thế nhưng với không ít người, tâm trí đang là đối tượng điều khiển họ. Một nghiên cứu của nhà tâm lý học Shlomo Breznitz tại Đại học Hebrew ở Jerusalem cho thấy một điều rất lý thú. Ông đo được nồng độ của hai hormone liên quan đến stress trong máu của những người lính tham gia thí nghiệm. Những người lính này được chia làm ba nhóm và được yêu cầu đi bộ trên một đoạn đường dài 40 km. Nhóm đầu tiên được thông báo rằng họ đã đi một quãng đường ngắn hơn thực tế, nhóm thứ hai được thông báo họ đã đi được quãng đường dài hơn thực tế, còn nhóm thứ ba biết mình đã đi được bao nhiêu cây số dựa vào những cột cây số bên đường. Shlomo Breznitz nhận ra mức độ hormone gây stress trong máu của những người lính này tỷ lệ thuận với số ki-lô-mét mà họ ước đoán rằng mình đã phải đi, chứ không phụ thuộc vào đoạn đường mà họ đã hoàn thành.
Một ví dụ khác: Vào năm 1988, các phương tiện truyền thông dự báo sẽ có bão lốc ở bang Texas. Nhiều người đã hoảng loạn trong mấy ngày liền. Trong khi một số khác lại chuẩn bị đón bão và mở tiệc ăn mừng bão đến!
"Bình an cực kỳ cần thiết để vượt qua khó khăn"
-Đạt Lai Lạt Ma
G. W. Albee đã đúc kết một công thức thú vị với nhiều yếu tố cho ta nhận ra nguy cơ phát bệnh:
Từ công thức này, ta thấy con người có thể phần nào kiểm soát được bệnh tật. Nếu bạn bị mắc bệnh di truyền, thì yếu tố Thể tạng là bất biến, nhưng bạn vẫn có thể giảm thiểu stress. Khi bạn làm tăng yếu tố Năng lực, Kỹ năng đối phó và tìm được Sự hỗ trợ từ người khác, mức độ stress của bạn có thể giảm thiểu.
Một số chuyên gia cho rằng bạn thừa hưởng gien di truyền từ cha mẹ mình, nhưng bạn vẫn có thể thay đổi sự biểu hiện của những gien này bằng cách thay đổi trạng thái tinh thần của bản thân. Liên hệ quan điểm này, bác sĩ Deepak Chopra nhận xét: "Khi bạn tôn trọng mình, người khác sẽ tôn trọng bạn. Nhiều người mong nhận được sự tôn trọng từ người khác hơn là tự tôn trọng mình".
Có nhiều ví dụ điển hình cho điều này:
Ramesh đã trượt kỳ thi tốt nghiệp đại học. Sau khi nhận được kết quả, anh cực kỳ thất vọng về mình đến nỗi có ý nghĩ tự tử. Trong lần thứ hai tham vấn với tôi, cùng với việc kê đơn thuốc, tôi đã giải thích cho anh rằng cách tiếp cận tốt nhất lúc này là chấp nhận thực tế và tập suy nghĩ tích cực: "Giờ tôi đã học được một bài học: Thi trượt là do mình quá chủ quan. Từ giờ, tôi sẽ siêng năng học tập và thi tốt vào năm tới". Bên cạnh đó, anh cũng được khuyên hãy học chăm chỉ từ 8 đến 10 tiếng mỗi ngày để chuẩn bị tốt cho kỳ thi năm sau. Anh đã làm theo những điều đó và quên đi ý nghĩ tự tử.
Còn một trường hợp khác là anh Jayesh. Sau ba năm phấn đấu trong ngành xây dựng, anh nhận ra mình đã lỗ tới 15 triệu rupee(2). Trước kia anh hoạt động trong ngành dệt và đã tạo được cơ nghiệp cho mình từ hai bàn tay trắng. Theo lời khuyên của người bạn thân, anh đã đầu tư toàn bộ vốn liếng vào ngành xây dựng. Anh đến gặp tôi trong tình trạng chán nản vô cùng. Tôi khuyên anh đối mặt với hoàn cảnh ấy với thái độ tích cực và chấp nhận sự may rủi, thua lỗ trong kinh doanh. Nếu anh biết đứng dậy và làm lại, thì anh sẽ lấy lại được số vốn đã mất kia. Tôi cùng anh bàn thảo về những sai lầm anh đã mắc phải để rút ra những bài học về sau. Anh bắt đầu thuyết phục mình: "Đúng là tôi mất sạch vốn liếng, nhưng may mắn tôi còn căn hộ đẹp và một cửa hàng đủ để nuôi sống gia đình".
Bạn thấy đấy, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, con người vẫn cần phải khẳng định rằng: "Tôi là một người bình an... Tôi đang cảm thấy hạnh phúc... Tôi đang thư giãn và thoải mái. Tôi sẽ giữ được tâm trạng của mình". Chỉ bằng phương pháp đơn giản như thế, bạn có thể giữ được bình tĩnh ngay cả trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất.
Những vấn đề xảy đến với bạn không quan trọng, mà cách bạn suy diễn nó thế nào mới đáng quan tâm, bởi chính những cảm nhận của bạn sẽ hình thành nên thái độ sống, niềm tin và tính cách của bạn. Quá khứ hay tương lai không phải là thành tố hình thành nên hành động hiện tại của bạn, mà thực chất chính bạn mới là người tạo ra hiện tại dựa vào những kinh nghiệm quá khứ và những mong đợi, từ đó quyết định cảm xúc và việc làm của bạn vào lúc này.
Một ví dụ lý thú khác là người ta nhận thấy số phụ nữ mang thai có ý định tự tử chỉ chiếm 1/3 so với những người phụ nữ cùng tuổi không mang thai, dù khi mang thai người phụ nữ chịu nhiều stress hơn và tính khí thay đổi thất thường hơn. Bác sĩ Peter Murzuk của Đại học Y Cornell đã có bài báo ngắn trên tạp san chuyên về trị liệu tâm lý ở Mỹ vào năm 1997 cho thấy nhờ lượng serotonin(3) trong máu ở phụ nữ mang thai cao, người mẹ mang thai cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ cho sinh linh bé nhỏ trong bụng mình, nên họ vượt qua được ý muốn tự vẫn.
Thực chất mọi sự đều bắt nguồn từ tâm trí. Chúng ta chính là người điều khiển tâm trí mình, nghĩa là phải có trách nhiệm cho chính trạng thái tâm trí, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Không sớm thì muộn, chúng ta vẫn phải học cách nhận lãnh trách nhiệm này.
Hãy nhớ rằng, nếu không có sự kích thích từ các hoạt động hàng ngày, con người sẽ cảm thấy chán chường và năng lực hoạt động sẽ giảm đi; nhưng khi kích hoạt quá mức cho phép thì sẽ dẫn đến stress, và năng lực hoạt động lại bị bão hòa nhanh. Chúng ta sẽ học cách ứng dụng các bước sáng tạo để thay đổi tình hình này.