Hai người bạn quá cố của tôi - nhà văn tài hoa Tony Burciaga và Bob Beyers, cũng là một cây bút kỳ cựu và từng lãnh đạo Trung tâm thông tấn Standford trong nhiều năm - là những người đầu tiên gợi ý tôi xuất bản bài tiểu luận “Trì hoãn có tổ chức”. Bằng một cách nào đó, Beyers đã thuyết phục được tờ The Chronicle of Higher Education1 đăng bài vào năm 1996. Marc Abraham, con người kiệt xuất đứng sau tờ The Annals of Improbable Research2, đã đăng lại bài luận trên tạp chí này không lâu sau đó. Nhiều năm sau, vào năm 2011, tôi vinh dự nhận được giải Ig Nobel3 cho Văn học cũng do chính Abrahams sáng lập. Deborah Wilkes ở Nhà xuất bản Hackett, người thường xuyên phải chịu đựng tính trì hoãn của tôi, tới nhận giải thưởng giúp tôi ở lễ trao giải của Đại học Harvard vì tôi bận không tới được. Để tham dự một sự kiện có hạng mục “kỳ khôi” như thế đòi hỏi cô ấy phải có sự hóm hỉnh và dũng cảm, mặc dù tôi không nghĩ rằng cô ấy biết điều đó trước khi nhận lời giúp tôi. Từ năm 1996 tới 2011, Erin Perry, một trong số những cháu gái lớn của tôi, đã tìm tòi đủ thứ về thiết kế trang web. Cô bé đã lập một trang cho bài luận này và một số bài khác. Việc này đã tạo ra rất nhiều phản ứng thú vị từ phía độc giả. Một số người bạn khuyên tôi nên tập hợp những tư liệu rồi viết thành một cuốn sách. Tôi không mấy để ý đến những lời đó cho đến khi chính Barney Karpfinger, người đại diện của tôi bây giờ, nói với tôi như vậy sau khi đọc được thông tin về giải Ig Nobel. Tôi xin gửi lòng biết ơn tới những người thân, cũng như tới biên tập viên Margot Herrera cùng những đồng sự của cô ở Nhà xuất bản Workman, những người mà tôi rất hân hạnh được làm việc cùng. Tính trì hoãn của tôi đã gây ra nhiều phiền toái cho gia đình, đặc biệt là cho người vợ thân yêu của tôi, Frenchie - nhưng sau tất cả mọi người vẫn luôn rộng lượng với tôi.
1 Tạm dịch: Tạp trí Tri thức.
2 Tạm dịch: Tạp chí Nghiên cứu Vu vơ.
3 Tạm dịch: Giải Nobel “ngớ ngẩn”.