Tới đây, bạn đã đọc xong chương Một và nếu theo đúng lộ trình, bạn đã nhận ra mặc dù bạn có tính trì hoãn nhưng bạn là người trì hoãn có tổ chức và bạn có thể hoàn thành rất nhiều công việc. Vì vậy, bạn không còn phải tự trách móc bản thân mình nữa. Tuy nhiên, có thể bạn vẫn đang tự hỏi liệu có cách nào làm cho bản thân mình bớt trì hoãn hay không. Trong hai chương tới, tôi sẽ trình bày một số ý tưởng có thể hữu ích cho bạn.
Tôi đã từng nhận được một email thú vị và chứa đầy tâm tư của một độc giả sau khi đọc về trì hoãn có tổ chức. Người phụ nữ này, mà tôi tạm gọi là cô Imelda, là chủ của một công ty may trang phục bằng da cho người lớn và còn đang viết một cuốn tiểu thuyết. Cô ấy viết cho tôi như sau:
Tôi muốn cảm ơn vì bài viết của ông. Tôi và chồng chưa cưới đều là những người có tính trì hoãn. Anh ấy đã gửi cho tôi bài viết của ông và tôi không thể tin được rằng những điều trong bài viết như thể nói về chính tôi vậy.
Tôi đã trải qua cảm giác tội lỗi và dằn vặt biết bao nhiêu lần bởi vì tôi không thể hoàn thành những dự định của mình hay tệ hơn, tôi đã cố tình không thực hiện. Tôi biết là tôi hoàn toàn có đủ khả năng thực hiện và hoàn thành tất cả những dự định của mình, nhưng vì một lý do gì đó, tôi lại cố ý không làm. Tôi nghĩ điều này có liên quan đến nỗi sợ thất bại, bởi tôi biết rằng mình sẽ không bị đánh giá và thất bại chừng nào những dự án của tôi chưa hoàn thành. Suy nghĩ này rõ ràng là kết quả của việc tôi quá khắt khe với bản thân. Là một người cầu toàn, điều khó khăn nhất tôi phải đối điện là vượt qua những yêu cầu chặt chẽ đối với chính bản thân mình.
Tôi còn một bộ tiểu thuyết ba tập đang viết dở, một đống đơn đặt hàng chưa may xong ở công ty, một bản thu âm thử chưa được bắt đầu, một bộ truyện tranh, vài bức tranh và rất nhiều ký họa chưa vẽ xong. Tôi cố làm những việc như rửa cọ vẽ, sắp xếp ổ cứng máy tính để dành chỗ cho các dự án âm nhạc chưa cả được bắt đầu, sắp xếp thứ tự các chương sách và viết thật nhiều thật nhiều phác thảo về các nhân vật và các tình tiết; bởi vì làm tất cả những việc này cho tôi cảm giác như thể tôi sắp thật sự bắt tay vào thực hiện các dự án. Tôi thậm chí còn cố gắng viết thư cho một vài ban nhạc và tuyên bố rằng tôi chuẩn bị cho ra một bản thu thử, coi như là để tự đặt cho mình một mục tiêu cần phải hoàn thành trong một thời hạn cụ thể. Họ trả lời rằng thấy rất thú vị và mong chờ được nghe bản ghi thử, điều đó chỉ làm lớn thêm trong tôi nỗi sợ phải bắt đầu để rồi lại bị từ chối.
Trong thâm tâm, tôi biết rõ mình là một người có tính trì hoãn đến mức mà tôi không dám hứa hẹn bất kỳ dự định nào với người khác vì tôi biết rằng thế nào rồi tôi cũng thất hứa. Việc này làm cho tôi chỉ luẩn quẩn trong sự thất vọng với bản thân vì liên tục không đạt được mục tiêu và loanh quanh với những công việc không mấy quan trọng. Bài viết của ông vô cùng trùng hợp với cuộc sống hiện tại của tôi. Tôi đã vô cùng ngạc nhiên, thậm chí là chết lặng khi biết rằng ai cũng có thể ở vào tình trạng đó. Nó đã làm cho tôi hiểu chính bản thân mình, đem lại cho tôi sự động viên to lớn mà trước nay chưa một ai làm được.
Cảm ơn ông rất nhiều,
Imelda
Cô Imelda là một người trì hoãn thông thái vì cô nhận thức được mình là một người cầu toàn. Nhưng cái nào có trước - tính trì hoãn hay tính cầu toàn? Theo tôi, tính cầu toàn dẫn đến tính trì hoãn. Phải mất một thời gian tôi mới nhìn thấy mối liên hệ giữa hai tính cách này bởi vì tôi không nghĩ mình là người cầu toàn. Rất nhiều người có tính trì hoãn không nhận ra rằng họ là người cầu toàn, đơn giản là bởi vì chúng ta không bao giờ làm được việc gì hoàn hảo hay gần như thế. Chưa có ai dùng từ hoàn hảo để nhận xét về những việc chúng ta đã làm và chính chúng ta cũng chưa bao giờ tự cảm thấy mình làm được việc gì một cách hoàn hảo. Chúng ta cho rằng, một cách sai lầm, là người cầu toàn thì, thường xuyên hay thi thoảng, hay chí ít cũng một lần, làm được cái gì đó hoàn hảo. Nhưng suy nghĩ này đã khiến chúng ta hiểu sai về cách hoạt động của tính cầu toàn.
Tính cầu toàn tôi đang nói đến ở đây là một loại ảo tưởng, chứ không phải là thực tế. Đây là cách nó hoạt động trong trường hợp của tôi. Ai đó muốn tôi làm gì đó - chẳng hạn như nhà xuất bản muốn tôi viết bài phản biện cho bản thảo của một cuốn sách mới nhận được, bao gồm việc cho ý kiến cuốn sách đó có đạt yêu cầu để xuất bản hay không, và nếu đạt thì nội dung có cần sửa đổi gì hay không. Tôi nhận công việc đó, có thể là bởi vì người ta hứa sẽ trả công bằng cách tặng tôi một vài cuốn sách, mà tôi nghĩ rằng nếu mua được thì tôi sẽ đọc.
Ngay lập tức, trong đầu tôi bắt đầu xuất hiện một ảo tưởng. Tôi hình dung ra mình viết một bài phản biện tuyệt vời nhất. Tôi hình dung mình sẽ đọc bản thảo thật kỹ lưỡng và phần đánh giá của tôi sẽ giúp cho tác giả có thể viết lại hay hơn nhiều lần. Tôi hình dung biên tập viên nhận bài viết của tôi và phải thốt lên, “Chà, chưa bao giờ trong đời mình lại đọc được một bài phản biện xuất sắc đến thế”. Tôi hình dung bài phản biện của tôi hoàn toàn chính xác, hoàn toàn công tâm và hữu ích không ngờ đối với cả tác giả lẫn nhà xuất bản.
Chỉ có trời mới biết vì sao tôi hình dung ra cái viễn cảnh đó. Hoặc, may ra thì bác sỹ tâm lý của tôi mới biết. Có thể, khi còn nhỏ tôi không được bố khen ngợi đủ nhiều. Hoặc có thể ông đã khen tôi quá lời trong một lần tôi ăn may rồi làm nên việc gì đó cực kỳ tốt. Có thể cái tính ảo tưởng này là do di truyền. Nhưng thôi, không lan man nữa, những gì tôi đang viết ở đây là một bộ giải pháp thiết thực gồm nhiều bước chứ không phải là một cuốn sách về tâm lý học. (Bước một là đọc chương trước, ”Trì hoãn có tổ chức”. Chúng ta đang ở bước thứ hai. Nếu nghĩ ra thêm bước nào nữa thì tôi sẽ viết tiếp vào những chương sau.) Vậy nên chúng ta khỏi cần quan tâm đến lý do tại sao tôi, hay bạn, lại có cái ảo tưởng kiểu đó. Trọng tâm ở đây là nếu bạn là người trì hoãn, theo kiểu thường gặp nhất, thì có khả năng là mấy thứ giống như trên thường xuất hiện trong đầu bạn.
Như tôi đang nói ở đây, sự cầu toàn không liên quan gì đến ý định làm mọi việc thật hoàn hảo, hay gần như thế. Nó chỉ đến từ sự ảo tưởng về một kết quả mĩ mãn hay ít ra là vô cùng xuất sắc, mỗi khi bạn cần phải làm việc gì đó.
Ảo tưởng về sự hoàn hảo dung dưỡng tính trì hoãn như thế nào? Tôi có thể nói thế này, không dễ để làm việc gì đó một cách hoàn hảo. (Ít ra thì tôi cũng phỏng đoán như thế. Có thể đến một ngày tôi làm được điều gì đó hoàn hảo thì tôi mới biết chắc được.) Và có muốn làm một việc cho hoàn hảo thì cũng phải tiêu tốn thời gian và phải có điều kiện phù hợp. Rõ ràng, để phản biện cuốn sách kia, tôi sẽ cần phải đọc bản thảo thật kỹ. Riêng việc đó cũng phải mất vài giờ. Tôi cần phải kiểm chứng lại nội dung cuốn sách và đọc một số tài liệu tham khảo để đảm bảo những gì tác giả trích dẫn là chính xác và hợp lý. Tôi đã từng đọc vài bài đánh giá sách của một số triết gia mà tôi ngưỡng mộ và rõ ràng là họ làm tất cả các bước như trên. Quả là một quá trình ấn tượng. Tôi sẽ cần phải dành ra kha khá thời gian trong thư viện thì mới hoàn thành xong bài phản biện. Thật ra, trong thời đại này, người ta không cần phải tới thư viện nữa, mà có thể lên mạng tìm bất cứ thứ gì nếu biết cách. Tiếc thay, tôi lại không biết làm thế nào. Tôi chỉ biết có một thứ gọi là JSTOR5 có thể giúp người ta tìm rất nhiều bài báo khoa học. Nếu làm việc ở Đại học Stanford thì bạn có thể sử dụng nó ở thư viện. Nhưng nếu sử dụng được ở nhà thì sẽ hay hơn, vì tôi có thể cần làm việc đến khuya để viết cho xong bài phản biện. Bạn sẽ phải cài một thứ gọi là máy chủ trung gian6 để truy cập vào JSTOR ở nhà. Tôi đã quyết định sẽ tìm cách cài đặt ứng dụng này tại nhà.
5 Journal Storage là một thư viện điện tử được thành lập năm 1995.
6 Trong ngành công nghệ thông tin, người ta sẽ sử dụng thuật ngữ Máy chủ Proxy.
Vài giờ sau, việc cài đặt của tôi kết thúc. Tuy tôi đã gần như hoàn thành nhưng tôi bỏ cuộc giữa chừng. Cứ mỗi lần tôi muốn cài đặt một chương trình gì là thể nào chương trình đó cũng chạy lỗi hoặc màn hình máy tính trở nên trống trơn. Nhưng cứ cho là nếu tôi có cài đặt được và làm cho cái máy chủ trung gian kia hoạt động đi chăng nữa thì tôi cũng chưa hề bắt tay vào việc viết bài phản biện. Tôi đã có thời gian để thực sự đọc qua cuốn sách và phác thảo một số ý tưởng, nhưng tôi lại chẳng làm gì cả. Tôi cảm thấy mình thật là dở tệ, mà đúng là thế thật.
Rồi chuyện gì xảy ra sau đó? Tôi bỏ đi làm việc khác. Dần dần, bản thảo cuốn sách đó gần như biến mất dưới một mớ ghi chép, thư từ, vỏ túi khoai tây chiên, giấy tờ và rất nhiều thứ khác chất đống trên bàn làm việc của tôi. (Bạn có thể đọc chương về phương thức sắp xếp công việc theo chiều ngang để rõ hơn.) Thế rồi, sau khoảng sáu tuần, biên tập viên gửi email cho tôi, hỏi xem khi nào thì cô ấy có thể nhận được bài phản biện. Nếu cô ấy đã giục tôi từ trước thì email này có thể sẽ tới trước thời hạn đôi chút. Nếu không, thì tôi chỉ nhận được email sau khi đã quá thời hạn.
Cuối cùng, tôi phải bắt tay vào làm nhanh nhất có thể. Ảo tưởng của tôi bắt đầu thay đổi. Tôi không còn thấy mình viết một bài phản biện xuất sắc nhất mọi thời đại nữa. Tôi chỉ còn hình dung ra được một người phụ nữ đang làm việc ở chi nhánh New York của Nhà xuất bản Đại học Oxford. Tôi thấy cô đi tay không tới buổi họp của ban biên tập mặc dù đã hứa sẽ trình bài phản biện ở đó. ”Xin thứ lỗi cho tôi” Cô nói với ông sếp. “Tôi đã đặt lầm niềm tin vào gã giảng viên Đại học Standford, nhưng hắn không giữ lời”. “Được thôi” Ông sếp nói, “Cô bị đuổi việc”. “Nhưng tôi còn ba đứa con nhỏ, chồng tôi đang nằm viện mà tôi lại đang trễ hạn đóng tiền mua nhà trả góp,” cô nói.
“Tôi rất tiếc” Ông sếp trả lời. ”Đây là nơi kinh doanh chứ không phải chỗ làm từ thiện.” Tôi hình dung ra mình gặp lại người phụ nữ đó, cô ném cho tôi một cái nhìn khinh miệt và nói, ”Ông đã khiến tôi mất việc.” Và còn tác giả cuốn sách nữa chứ. Nhỡ đâu việc anh ta có được nhận vào biên chế hay không liên quan cả vào việc xuất bản cuốn sách này. Đó có thể là một cuốn sách tuyệt vời, một kiệt tác bị bỏ quên trên bàn của tôi trong khi quyết định bổ nhiệm đang treo lơ lửng trên đầu tác giả. Liệu rằng một ngày nào đó, giới triết học sẽ nhận ra rằng con đường học thuật của con người đó đi vào ngõ cụt chỉ bởi vì chính John Perry này đã bỏ quên bản thảo của anh ta - giống như cái cách mà những biên tập viên của các tạp chí Vật lý học đã lờ đi những bản thảo đầu tiên của Einstein. (Đoán thế thôi chứ tôi cũng không chắc, tôi đã cố tìm đọc thông tin về việc này nhưng không tìm thấy ở đâu cả.)
Nghĩ tới đây, tôi thấy hơi hoảng và bắt đầu bới lại đống giấy tờ, tạp chí và thư từ chưa mở trên bàn làm việc. Khéo tôi đánh mất bản thảo rồi? Tôi có nên nhờ biên tập viên gửi lại một bản khác? Hay tôi sẽ nói dối là tôi cứ tưởng rằng đã gửi bản thảo kèm bài phản biện đi nhưng hóa ra nó lại nằm trong cái cặp mà tôi mới bị giật mất? Tôi tìm thấy nó đây rồi. Tôi mất vài giờ để đọc và viết một bài phản biện vừa đủ hay rồi gửi đi.
Giờ hãy thử nhìn lại những gì đã diễn ra. Đầu tiên, phải nhắc lại là tôi là một người trì hoãn có tổ chức, nên tôi đã dùng việc viết bài phản biện này như một động lực để làm rất nhiều việc khác. Ví dụ, cứ cho là tôi đã cài đặt được cái máy chủ trung gian kia. Một lần nào đó, có đồng nghiệp than thở với tôi “Tôi muốn dùng JSTOR ở nhà nhưng tôi chưa cài đặt được máy chủ trung gian.” Tôi sẽ kêu lên sung sướng, “Vậy hả? Tôi cài được cách đây mấy tuần. Dùng được lắm”. “Làm sao anh có thời gian mà làm việc đó?” Ông ta hỏi với giọng khâm phục. Tôi không nói gì mà chỉ đáp lại với một vẻ mặt tự mãn.
Thêm nữa, tính trì hoãn cho phép tôi tự mình chấp nhận một kết quả dưới-mức-hoàn-hảo cho những công việc không đòi hỏi kết quả hoàn hảo. Về lý thuyết, miễn là thời hạn chưa tới sát lắm thì tôi vẫn có nhiều thời gian để tới thư viện hay tự mình dành ra hẳn một buổi tối ở nhà, đầu tư toàn bộ tâm trí và kiến thức hàn lâm của mình để viết một bài phản biện hoàn hảo cho cuốn sách đó. Nhưng khi thời hạn tới sát, thì chẳng còn thời gian để hoàn thành công việc một cách hoàn hảo. Tôi chỉ còn cách ngồi xuống làm cho xong, tuy kết quả không hoàn hảo lắm nhưng cũng vẫn chấp nhận được. Viễn cảnh hoàn hảo giờ đây đã bị thay thế bằng viễn cảnh thất bại cay đắng đang đến gần. Vì vậy, cuối cùng tôi cũng phải bắt mình làm cho xong việc này.
Rốt cuộc, mọi thứ vẫn đâu vào đấy. Tôi đã hoàn thành bài phản biện, không muộn lắm, biên tập viên không bị mất việc, việc cuốn sách có được xuất bản hay không hay tác giả có được vào biên chế hay không cũng không can hệ gì lắm. Quả thật, bài phản biện của tôi không quá hoàn hảo, nhưng nó đạt yêu cầu một cách hoàn hảo. Như vậy, trì hoãn có tổ chức có vẻ là hữu ích.
Nhưng chúng ta không có cách nào tốt hơn hay sao? Liệu chúng ta có tránh khỏi cảm giác bấn loạn và sự phung phí thời gian do những ảo tưởng về sự hoàn hảo hay không? Mọi việc lẽ ra đã dễ dàng hơn nhiều, cho tôi, cho biên tập viên và cho tác giả, nếu như tôi chịu dành ra bốn hay năm giờ để làm việc này ngay từ khi mới nhận bản thảo hay nếu tôi biết cách chấp nhận một kết quả không hoàn hảo ngay từ đầu. Liệu có cách nào khiến chúng ta có thể làm như thế không?
Ừ thì, tôi nghĩ là có, nhưng nó yêu cầu chúng ta phải đặt đôi chút kỷ luật với bản thân, không cần quá nhiều đâu. Chỉ cần kiểm soát ảo tưởng về sự hoàn hảo theo phương pháp mà tôi gọi là phân lọc công việc (task triage). Phân lọc đơn giản nghĩa là sắp xếp công việc dựa trên mức độ khẩn trương, một khái niệm được ngành y sử dụng phổ biến trong trường hợp phòng cấp cứu bị quá tải khi có chiến tranh hay thảm họa. Người ta cần phải quyết định bệnh nhân nào không thể cứu chữa, bệnh nhân nào còn khả năng sống sót nếu được chữa trị kịp thời và bệnh nhân nào chỉ cần sơ cứu và có thể chữa trị muộn hơn. Kiểu quyết định mà tôi nhắc tới ở trên không hẳn là giống hệt như thế, nhưng tôi thấy cách gọi phân lọc công việc có vẻ hay. Nghe như thể là chúng ta có thể chối bỏ một số công việc bằng cách để mặc cho chúng mất đi, trong khi một số khác vẫn có thể nằm đó mà đợi thêm một thời gian. Nhưng vẫn có một số việc và bạn nên bắt tay vào làm càng sớm càng tốt, cùng với mong muốn một kết quả vừa đủ - hay có thể tốt hơn một chút - nhưng không cần phải hoàn hảo.
Bạn cần tạo một thói quen phân tích thiệt hơn, xem có nhất thiết phải cho ra một kết quả hoàn hảo hay không mỗi khi thực hiện một công việc gì đó. Bạn phải tự hỏi mình: Hoàn thành một công việc một cách hoàn hảo mang lại lợi ích gì? Làm thế có lợi gì hơn việc chỉ làm cho vừa đủ tốt hay thậm chí là đạt mức trung bình? Và bạn có thể đặt thêm một số câu hỏi nữa như là: Khả năng tôi có thể làm việc này tới mức gần như hoàn hảo là bao nhiêu? Và, nếu tôi không làm ra một kết quả hoàn hảo thì tôi và những người khác được gì và mất gì?
Thông thường, câu trả lời sẽ luôn là dù cho kết quả có chưa được hoàn hảo lắm thì cũng không sao, và hơn nữa, tôi cũng chỉ định làm đến thế thôi. Vì thế, tôi sẽ cho phép mình bắt tay vào làm bất chấp kết quả có thể chưa hoàn hảo, hơn là cứ lần lữa đến khi quá thời hạn. Điều này có nghĩa là, tôi có thể bắt đầu làm mọi việc ngay từ ngay hôm nay, (Hay, ít nhất cũng là từ ngày mai).