Cuốn sách này ban đầu có nhan đề khá dài dòng: Nghệ thuật viết quảng cáo - 44 năm miệt mài trong phòng quảng cáo. Một gã copywriter vốn dị ứng với mấy con số như tôi cũng không thể không thừa nhận rằng mình đã hành nghề suốt 44 năm (từ năm 1917 đến 1961). Thật khó tin khi trong khoảng thời gian dài đằng đẵng đó, mối bận tâm duy nhất và lớn nhất của tôi vẫn chỉ là viết lời quảng cáo - với những điều hay, cái dở, và những bản chất muôn thuở của nó.
Kinh nghiệm nghề nghiệp hơn 4 thập kỉ của tôi sẽ được hội tụ và diễn giải chi tiết trong cuốn sách này. Đây sẽ là một kho báu tri thức khổng lồ dành cho các bạn, dù bạn đang phải đối mặt với bất cứ loại hình viết lách nào.
Mục đích của cuốn sách này không chỉ là hướng dẫn viết lời quảng cáo, mà nó sẽ trở thành công cụ không thể thay thế cho các copywriter (hoặc các sinh viên học ngành quảng cáo) đang khao khát trở thành bậc thầy quảng cáo, có thể chinh phục mọi loại hình sản phẩm hoặc dịch vụ trên thị trường.
Vì sao những kinh nghiệm của tôi sẽ cực kỳ hữu ích cho các bạn, hãy lắng nghe chia sẻ của một cây bút cao thủ hơn tôi: Claude C. Hopkins, một trong những copywriter vĩ đại nhất thế giới trong lĩnh vực quảng cáo đại chúng: “Quảng cáo bằng thư từ chưa bao giờ dễ dàng. Nhưng nó là một kỹ năng bạn hoàn toàn có thể học được. Bạn cần phải thực sự giỏi để viết được. Nó buộc bạn phải lưu tâm đến vấn đề chi phí và hiệu quả để thực hiện nó. Viết thư chào hàng là loại hình công việc đầy thử thách, giúp người viết quảng cáo tích lũy được nhiều kinh nghiệm nhất.”
Do đó, nếu bạn đang tìm kiếm một cẩm nang hướng dẫn viết thư quảng cáo theo từng bước thì cuốn sách này không dành cho bạn. Nhưng nếu bạn muốn làm nên những mẩu quảng cáo và thư chào hàng thực sự nổi bật, cuốn sách này chắc chắn rất hữu dụng. Dù gì đi nữa, bạn chính là vị độc giả mà quyển sách này sẽ phục vụ.
Tôi viết cuốn sách này với tâm niệm: “Chúng ta không cần được hướng dẫn suông, mà chúng ta cần một sự dẫn dắt thực sự.” Cuối cùng, tác giả đã cố gắng hết sức để nội dung cuốn sách được thống nhất từ chương đầu tiên cho đến chữ cuối cùng, để không rơi vào tình cảnh oái oăm mà nhà văn Mark Twain từng chia sẻ: “Hồi còn nhỏ, tôi nhớ tất cả mọi chuyện, dù những chuyện đó có xảy ra hay không. Nhưng giờ đây khi tôi đã lớn, tôi chỉ nhớ được những chuyện xảy ra sau cùng.”
VICTOR O. SCHWAB