Đừng bao giờ lo lắng rằng khó khăn sẽ đến với mình, và dù nó có trở thành một thực tế hiển nhiên thì cũng không được phép nản lòng.
Bước làm giàu thứ mười hai
C
hính là khi nghiên cứu về tiến sĩ Alexander Graham Bell và tiến sĩ Elmer R. Gates, mà tôi đưa ra ý kiến rằng bộ não con người vừa là trạm thu, vừa là trạm phát “sóng tư tưởng”.
Cũng tương đồng ở một nét nào đó với nguyên tắc hoạt động của một chiếc máy thu thanh, bộ não của mọi con người đều có khả năng đón nhận những nhịp xung động trong tư tưởng phát ra từ bộ não người khác (những xung động đó là các linh cảm, các ý tưởng đột sáng trong trực giác).
Như tôi đã giải thích ở các chương trước, chính trí tưởng tượng sáng tạo của bạn là “bộ nhận tín hiệu” của não. Nó đón nhận những ý nghĩ nằm sâu trong vô thức của bạn, và trong những hoàn cảnh nhất định, nó có thể nắm bắt ý nghĩ trong bộ não của người khác. Trí tưởng tượng sáng tạo là trạm liên kết giữa ý thức, hay còn gọi là lý trí của bạn, với 4 nguồn khác – là những nguồn tạo ra các tác nhân kích thích tư duy của bạn. Bốn nguồn đó là: 1) ý thức của người khác; 2) vô thức của bạn; 3) vô thức của người khác; 4) Trí tuệ Vô biên.
Khi được kích thích, hay là khi bị thúc đẩy đến một nhịp xung động cao hơn, bộ não con người trở nên cởi mở và dễ đón nhận hơn những ý nghĩ đến từ các nguồn bên ngoài. Quá trình này diễn ra thông qua những cảm xúc tích cực và tiêu cực. Thông qua cảm xúc, nhịp xung động của trí não, tức là khả năng suy nghĩ, sẽ có thể tăng lên.
Bộ não khi đã được kích thích bởi cảm xúc sẽ hoạt động ở một cường độ nhanh, mạnh hơn là khi không có cảm xúc. Kết quả là khả năng suy nghĩ sẽ được tăng lên một mức mà tại đó, trí tưởng tượng sáng tạo trở nên rất dễ đón nhận ý tưởng mới.
Mặt khác, khi não bộ hoạt động với cường độ cao, nó cũng sẽ mang cảm xúc đến cho chính những ý nghĩ của bạn, thứ cảm xúc rất cần thiết để khiến tiềm thức có thể đón nhận các ý nghĩ đó và hành động theo đúng những tư tưởng mà nó nhận được.
Tiềm thức là "trạm phát tín hiệu" của não bộ. Nhờ tiềm thức mà những nhịp xung động trong tư tưởng được truyền đi. Tự kỷ ám thị là phương tiện để thông qua đó bạn đưa “trạm phát sóng” này vào hoạt động. Trí tưởng tượng sáng tạo là "đầu nhận tín hiệu", nơi tập hợp sức mạnh của ý nghĩ, của tư tưởng.
NHỮNG LỰC MẠNH NHẤT ĐỀU VÔ HÌNH
Trong quá khứ, chúng ta đã phụ thuộc quá nhiều vào các giác quan, và đã tự hạn chế kiến thức của mình bằng cách thu gọn trong thế giới vật chất, bao gồm những thứ chúng ta có thể nhìn thấy, chạm vào, cân đong đo đếm được.
Tôi tin rằng chúng ta đang bước vào thời đại rực rỡ nhất trong mọi thời đại, một thời đại mở ra cho nhân loại những hiểu biết về những xung lực vô hình của thế giới quanh chúng ta. Có lẽ rồi chúng ta sẽ biết rằng có một “cái tôi thứ hai” còn mạnh hơn người mà chúng ta nhìn thấy mỗi khi soi gương kia.
Nhiều người không tin là có những thế lực vô hình đó – những sức mạnh mà họ không thể cảm nhận được nhờ các giác quan. Tuy nhiên, phủ nhận những thế lực vô hình hoặc không thể giải thích được là phớt lờ một sự thật rằng tất cả chúng ta hàng ngày đều bị chi phối bởi những thế lực vô hình, không trông thấy được.
Toàn thể nhân loại đều không đủ sức mạnh để đương đầu hay kiểm soát những xung lực vô hình cuộn sâu trong sóng nước đại dương. Chúng ta cũng không phải đã hiểu hết sức mạnh vô hình của trọng trường trái đất, sức mạnh đã giữ cho trái đất nhỏ bé này lơ lửng trong vũ trụ và giữ cho chúng ta không bị văng khỏi trái đất, và chúng ta lại càng không có khả năng điều khiển trọng lực. Chúng ta hoàn toàn khuất phục lực vô hình do sấm sét tạo ra, và chúng ta cũng chẳng thể làm gì trước sức mạnh vô hình của dòng điện. Chúng ta không biết gì về xung lực vô hình (hay là trí tuệ vô hình) ẩn sâu trong lớp đất đá của trái đất – xung lực đã mang lại cho chúng ta từng miếng ăn, từng manh áo, và từng đồng tiền trong túi chúng ta.
Và cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, với tất cả nền giáo dục và văn hóa mà chúng ta đã được hưởng, chúng ta cũng vẫn hiểu biết rất ít, hay là chẳng hiểu gì, về thế lực mạnh nhất trong những thế lực vô hình: ý nghĩ của con người. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã bắt đầu tìm hiểu khá nhiều về hoạt động vô hình của não bộ, và kết quả thu được rất lạc quan. Chúng ta biết rằng bảng điều khiển trung tâm của bộ não là một "tổng đài" có số "thuê bao", tức các sợi liên kết các tế bào thần kinh với nhau, lên tới con số 10 15triệu, tức số 1 và 15 triệu số 0 theo sau.
Tiến sĩ C. Judson Herrick thuộc Đại học Chicago nói:
"Con số này kỳ lạ đến mức những con số của vũ trụ, có thể lên tới hàng trăm triệu năm ánh sáng, cũng không đáng kể nếu đem so sánh với nó... Các nhà khoa học đã xác định có khoảng từ 10 đến 14 tỷ tế bào thần kinh bên trong vỏ não con người và chúng đều được sắp xếp theo những mô hình cố định. Sự sắp xếp đó không hề ngẫu nhiên mà có trật tự”.
Tôi thật khó mà hình dung được rằng một hệ thống máy móc ngầm như thế có thể tồn tại chỉ với mục đích duy nhất là thực hiện các hoạt động sinh lý của cơ thể con người, phục vụ quá trình sinh trưởng và phát triển của thể xác. Liệu có khả năng nào là cũng chính hệ thống đó, một hệ thống cung cấp các phương tiện cho hàng tỷ tế bào não liên lạc với nhau, còn cung cấp cả các phương tiện thông tin liên lạc với những thế lực vô hình?
Sau khi tôi hoàn thành bản thảo cuốn sách này và chuẩn bị đem đi xuất bản , tờ The New York Times đã đăng một bài xã luận cho thấy có ít nhất một trường đại học lớn và một nhà nghiên cứu tài năng trong lĩnh vực tâm linh, đang thực hiện một nghiên cứu bài bản mà từ đó, họ đã rút ra những kết luận có nhiều điểm tương đồng với những gì tôi nói ở đây và trong chương tiếp theo. Bài xã luận đã phân tích một cách ngắn gọn công trình nghiên cứu mà Tiến sĩ J. B. Rhine cùng các cộng sự tại Đại học Duke thực hiện:
THẦN GIAO CÁCH CẢM LÀ GÌ?
Cách đây một tháng, chúng tôi đã trích đăng vài kết quả đáng ghi nhận mà Giáo sư Rhine và cộng sự tại Đại học Duke thu được qua hơn một trăm ngàn cuộc thử nghiệm xác định sự tồn tại của "thần giao cách cảm" (telepathy) và "khả năng thấu thị" (clair- voyance). Các kết quả này đã được tổng kết thành hai bài viết đầu tiên đăng trên “Tạp chí Harper”. Trong bài báo thứ hai, tác giả E. H. Wright đã cố gắng tóm tắt những gì ông ghi nhận được hay những gì có thể suy luận ra một cách hợp lý, về bản chất thực của các phương pháp tri giác "ngoại cảm" này.
Căn cứ vào kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Rhine thì, đối với một số nhà khoa học, dường như sự tồn tại thực tế của thần giao cách cảm và khả năng thấu thị là rất có thể. Những người có khả năng ngoại cảm được đề nghị đọc, càng nhiều càng tốt, tên các lá bài trong một bộ bài tây đặc biệt mà không nhìn hay sử dụng bất cứ một giác quan thông thường nào. Và cuộc thử nghiệm đã phát hiện ra khoảng hai chục người đàn ông và phụ nữ có thể thường xuyên gọi đúng tên rất nhiều lá bài, mà “không có một cơ may nào, cho dù xác suất có là một trên hàng triệu triệu, để họ thành công nhờ may mắn hay ngẫu nhiên".
Nhưng họ đã làm được điều đó như thế nào? Những xung lực này, giả thiết rằng chúng đang tồn tại, dường như không thể cảm nhận được bằng năm giác quan thông thường. Và cũng không có cơ quan nào của cơ thể đóng vai trò đó. Các thí nghiệm dù được thực hiện ở cách xa hàng trăm dặm hay trong cùng một căn phòng đều cho kết quả như nhau. Theo tác giả Wright, kết quả này cũng triệt tiêu các cố gắng giải thích hiện tượng thần giao cách cảm và khả năng thấu thị bằng bất kỳ lý thuyết nào về bức xạ. Tất cả các dạng năng lượng bức xạ được biết trước đây đều suy giảm về cường độ, tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách mà nó đi qua. Thần giao cách cảm và khả năng thấu thị thì không. Nhưng chúng có sự khác nhau do các nguyên nhân thuộc về thể chất, cũng như các loại sức mạnh tinh thần khác của chúng ta vậy. Đối nghịch với những lập luận được thừa nhận rộng rãi, chúng không phát triển khi các nhà ngoại cảm buồn ngủ hay đang ở trạng thái mơ màng mà ngược lại, khi họ ở trạng thái cực kỳ minh mẫn và tỉnh táo. Rhine khám phá ra rằng một lý trí trong trạng thái mơ màng, nửa mê nửa tỉnh, lúc nào cũng hạ thấp điểm thành công của một nhà ngoại cảm, trong khi một ý chí hưng phấn luôn nâng nó lên cao hơn. Người có khả năng ngoại cảm đáng tin cậy nhất cũng không thể đoán đúng được gì trừ phi anh ta nỗ lực cao độ.
Khá tự tin, Wright kết luận rằng thần giao cách cảm và khả năng thấu thị thực ra chỉ là một. Nghĩa là, khả năng "nhìn xuyên" qua một lá bài úp trên bàn cũng giống hệt khả năng "đọc" được ý nghĩ của người khác. Có nhiều cơ sở để tin vào kết luận này. Cho đến nay, người nào được phát hiện có một trong hai khả năng này cũng sẽ có cả khả năng kia. Và nếu một người có cả hai khả năng thì chúng đều mạnh ngang nhau. Vách ngăn, bức tường, khoảng cách đều không có ảnh hưởng đối với các khả năng ngoại cảm này. Wright còn có “linh cảm” rằng các khả năng ngoại cảm khác, những điềm báo mộng, những linh cảm về tai họa sắp xảy đến, hay những chuyện đại loại như thế, cũng là một phần của loại năng lực tinh thần này. Là độc giả, bạn không cần phải chấp nhận những kết luận này trừ khi bạn cảm thấy cần thiết, nhưng phải thừa nhận rằng các chứng cứ do Rhine thu thập được quả là rất ấn tượng.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ KẾT NỐI TRÍ TUÊ TRONG MỘT NHÓM?
Xem xét công bố của Rhine về các điều kiện cần để trí tuệ phản ứng lại trước phương pháp mà ông gọi là "tri giác ngoại cảm", giờ đây tôi thấy cần phải bổ sung thêm vào đó những quan sát và nghiên cứu riêng của mình. Tôi cùng các đồng nghiệp cũng đã khám phá ra những điều kiện lý tưởng cho sự kích thích trí tuệ để hình thành và hoạt động của giác quan thứ sáu theo những cách thức thực tế nhất.
Để bắt đầu, tôi nên giải thích cho các bạn rằng luôn có liên minh khăng khít giữa tôi và hai cộng sự trong nhóm của tôi. Qua thực nghiệm và thực tế, chúng tôi tìm được cách kích thích trí tuệ của mình để hòa trộn trí tuệ của cả ba người thành một, nhằm tìm ra giải pháp tối ưu cho các tình huống muôn màu muôn vẻ do các khách hàng của chúng tôi yêu cầu.
Rất đơn giản. Chúng tôi cùng ngồi vào bàn họp, sau đó nêu rõ bản chất của từng vấn đề chúng tôi đang thụ lý, và tiến hành phân tích mổ xẻ. Mỗi người có thể đóng góp bất cứ ý tưởng gì chợt nảy ra trong đầu mình (bằng cách áp dụng những nguyên tắc dùng để kết nối với những “cố vấn vô hình” sẽ được mô tả trong chương tiếp theo). Cái hay của phương pháp kích thích trí tuệ này là nó đặt từng người trong nhóm chúng tôi vào mối quan hệ với những nguồn kiến thức chưa từng được biết đến và nằm hoàn toàn ngoài kinh nghiệm của cá nhân mỗi người.
Nếu bạn nắm vững nguyên tắc đã được mô tả ở Chương Sức mạnh của Nhóm trí tuệ ưu tú, chắc chắn bạn sẽ nhận ra nguyên tắc hội nghị bàn tròn vừa nói trên đây như một ứng dụng thực tế của Nhóm trí tuệ ưu tú.
Phương pháp kích thích trí tuệ qua việc thảo luận về những chủ đề rõ ràng giữa một nhóm 3 người, chính là những phương thức đơn giản và thực tiễn nhất của nguyên tắc Nhóm trí tuệ ưu tú. Khi bạn đã tiếp cận được sức mạnh của Nhóm trí tuệ ưu tú, bạn sẽ hiểu ra rằng bạn càng tiếp tục làm việc nhiều cùng nhau, mỗi thành viên càng học được cách thấy trước được những ý tưởng của người khác và liên kết ngay lập tức với sự nhiệt tình và khát vọng mãnh liệt của họ. Bạn không thể kiểm soát hoàn toàn quá trình này, nhưng bạn càng áp dụng nó thì hiệu quả thực tế càng cao.
Bằng cách chấp nhận và thực hành theo một kế hoạch tương tự, bạn sẽ sử dụng được công thức làm giàu nổi tiếng của Carnegie đã được miêu tả từ đầu quyển sách. Nếu lần đọc này chẳng mang lại lợi ích gì cho bạn, hãy đánh dấu trang này và đọc lại lần nữa sau khi bạn đọc xong một lượt cuốn sách.