Câu Hỏi 4
Tôi và chồng rất yêu nhau, nhưng cả hai chúng tôi đều bận rộn đến nỗi trong nhiều ngày, thời điểm duy nhất mà chúng tôi nhìn thấy mặt nhau là khi đi vào hoặc đi ra khỏi cửa. Làm thế nào chúng tôi có thể dành nhiều thời gian cho nhau hơn?
Đây là vấn đề quan trọng đối với phần lớn chúng ta, nhưng nó không quan trọng đến mức có thể xuất hiện ở phần đầu của cuốn sách. Tuy nhiên, chúng tôi để nó ở đây vì chúng tôi định sử dụng nó nhằm giải thích cho kỹ thuật gieo hạt: chúng tôi gọi kỹ thuật này là “Bốn Bước Starbucks” và bạn sẽ phải sử dụng chúng với mỗi một câu hỏi trong 100 câu hỏi mà bạn tìm thấy ở cuốn sách này. Giờ chúng ta hãy đi vào bốn bước này ngay lập tức.
Thực ra, câu hỏi về “thời gian” này không phải là dành cho tôi, mà là dành cho bạn của tôi, Viet Duong. Lúc đó, cậu ấy đang cùng vợ, Elisha, dẫn một đoàn DCI 1 đến Việt Nam và sẽ dừng chân ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Khi cậu được hỏi thì bảy người chúng tôi đang ngồi thành một hình bán nguyệt trên sân khấu để tiếp nhận câu hỏi của khán giả.
Viet thậm chí còn không chớp mắt. Cậu giật lấy míc và trả lời ngay. Thật may là người phiên dịch đang ngồi ngay bên cạnh tôi và anh ấy bảo cho tôi biết Viet đang nói gì. Thì tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ khó nhất thế giới. Tôi đã cố học rồi đấy chứ nhưng ngay cả câu “Xin chào” tôi cũng không nói được.
1 Diamond Cutter Institute: Học viện Năng đoạn Kim cương
“Vậy nếu bạn muốn nhiều tiền hơn,” Viet nói với khán giả, người nghiêng về phía trước trông chẳng khác gì người giảng đạo ngày xưa, “thì bạn phải làm gì?”
“Giúp người khác kiếm tiền,” khán giả đáp lại đồng thanh.
“Còn nếu bạn muốn nhiều thời gian hơn,” Viet mỉm cười, “thì bạn phải làm gì?”
Những cái miệng mở ra nhưng nhanh chóng khép lại. Mọi người nhìn nhau để xem có ai có câu trả lời không. Và một thanh niên trẻ dũng cảm đã đưa ra câu trả lời.
“Giúp người khác có nhiều thời gian hơn?” Anh la lên.
Hãy cho đi những gì bạn muốn
“Đúng rồi!” Viet xác nhận với nụ cười tỏa nắng thường trực trên môi. “Tức là bạn sẽ phải cho người khác một phần thời gian của bạn.”
Người phụ nữ đưa ra câu hỏi hơi cau có một chút. Không cần người phiên dịch tôi cũng có thể biết được cô sẽ nói gì: “Nhưng tôi không còn chút thời gian nào để cho đi cả; thế tôi mới phải hỏi anh chứ!”
Viet không nao núng.
“Giống y như trường hợp với tiền thôi, bạn không thấy sao? Chúng ta cho người khác tiền bằng một kỹ thuật phù hợp và việc làm này sẽ gieo các hạt giống để tiền quay trở lại với chúng ta; với số lượng nhiều hơn nhiều. Khi chúng ta không có thời gian - không có đủ thời gian để có thể dành ra một khoảng thời gian chất lượng cho người bạn đời - thì chúng ta phải cho đi thời gian.”
Quý cô Cau có trông vẫn chưa thỏa mãn.
“Nghe này,” Viet nói. “Nếu bạn muốn giải quyết vấn đề của mình theo một cách mới, tức là theo cách của Năng đoạn Kim cương, thì bạn phải nghĩ về việc gieo hạt, dù cho bạn muốn thứ gì trên đời đi nữa. Vậy thì làm thế nào bạn có thể gieo một vài hạt giống cho việc có thêm thời gian? Bạn có thể cho đi một phần thời gian của mình cho ai?”
Quý cô Cau có nhìn lên trần nhà suy nghĩ. Rồi cô cúi xuống nhìn Viet.
“Tôi có thể giúp chị tôi.”
“Chị của bạn? Chị ấy cần giúp gì?”
“Chị ấy có hai đứa con, thế là anh đủ hiểu rồi đấy. Ngoài ra, chị ấy còn phải dọn dẹp và nấu nướng cho gia đình nữa - rồi cả một công việc toàn thời gian - chị ấy lúc nào cũng mệt mỏi. Chẳng bao giờ có đủ thời gian cả.”
“Tuyệt vời!” Viet thốt lên. “Vậy bạn chỉ cần cho chị ấy một chút thời gian! Bạn có thể đề nghị trông con cho chị ấy vào một buổi tối để chị ấy và chồng đi chơi!”
Quý cô Cau có càng cau có hơn. “Tôi đang hỏi anh là làm sao tôi và chồng có thể có nhiều thời gian cho nhau hơn, thế mà anh lại bảo tôi dành chút thời gian ít ỏi của mình để trông con của chị gái ư?”
“Đúng vậy!” Viet mỉm cười. Nhìn hai người như một đôi vậy, người mỉm cười và người cau có. “Chỉ trong vài tiếng thôi mà!”
Lúc này, người phụ nữ bắt đầu lộ vẻ hoang mang. “Cho chị tôi vài giờ thì tôi sẽ có thể có lại vài giờ sao? Nhưng thế để làm gì?
Tại sao tôi không giữ lại vài giờ của mình cho xong?”
“À,” Viet cao giọng. “Giờ tôi hiểu vấn đề của bạn rồi. Nghe này, có một điều bạn phải hiểu về các hạt giống. Bạn cho chị gái một vài tiếng trong khoảng thời gian ít ỏi quý giá của mình và nó sẽ quay trở lại nhiều hơn gấp 10 lần!” Nói đến đây cậu ngừng lại và cũng nhìn lên trần. “Tức là, nếu bạn làm điều đó bằng kỹ thuật…” cậu nói thêm.
“Kỹ thuật?” Quý cô Cau có nói, nhưng giống như nhiều người khác hỏi những câu hỏi khó về các Nguyên tắc Năng đoạn Kim cương, thực ra, cô cũng rất thông minh và thực sự muốn biết. Đây chính là kiểu người thích hợp nhất để học hỏi hệ thống mới này. Họ muốn biết chính xác cách hoạt động của nó trước khi họ bắt tay vào thử. Và khi họ đã thử rồi, họ sẽ trở thành những siêu sao vì họ đã giải quyết được tất cả các câu hỏi của mình.
“Được rồi,” Viet nói và bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc. “Giả sử bạn đang có một hạt dưa hấu, một hạt rất tốt. Nó có thể phát triển thành một quả dưa hấu không?”
“Có chứ,” Quý cô Hứng thú nói, “nếu anh gieo trồng nó.” Viet chỉ vào sàn sân khấu. “Kể cả tôi có gieo trồng ở đây ư?”
“Ồ không,” cô nói. “Ý tôi là anh phải gieo trồng ở đúng nơi - anh phải biết anh đang làm gì. Và nếu anh muốn nó phát triển tốt thì anh sẽ phải biết nhiều thứ khác nữa: với cái loại cây này thì bao nhiêu nước là quá nhiều, bao nhiêu nước là quá ít; ánh sáng mặt trời bao nhiêu; phân bón gì, bao nhiêu.”
Viet gật đầu theo cái kiểu rạng rỡ đặc trưng của cậu. “Đúng vậy. Trong hệ thống Năng đoạn Kim cương, chúng tôi gọi đó là ‘kỹ thuật.’ Nếu bạn biết áp dụng đúng kỹ thuật gieo trồng thì một hạt dưa hấu sẽ tạo nên rất nhiều quả dưa hấu to đẹp. Và nó sẽ phát triển nhanh hơn. Hãy dành một vài giờ để trông con của chị gái bạn bằng kỹ thuật và bạn sẽ lấy lại được nhiều ngày rỗi rãi mà bạn và người bạn đời có thể ở bên nhau.”
Quý cô Cau có bắt đầu dần biến thành Quý cô Phấn khích. Cô lấy ra một cái bút và một tập giấy rồi nhìn Viet một cách kỳ vọng. Tôi bắt đầu cảm thấy vô cùng tự hào về cậu ta. Bất cứ khi nào tôi nhìn các giảng viên DCI thực hiện công việc của mình trên khắp thế giới, tôi đều cảm thấy vậy.
“Được rồi nhìn đây,” cậu nói. ”Kỹ thuật gieo hạt giống nghiệp được gọi là Bốn Bước Starbucks.”
Quý cô Phấn khích trông có vẻ hoang mang.
“Ừ, chúng ta sẽ nói về cái chuyện Starbucks sau,” Viet nói. “Được rồi, bước Starbucks đầu tiên. Chúng tôi gọi nó là Một câu duy nhất. Hãy diễn tả điều bạn muốn bằng một câu duy nhất, thật ngắn gọn.”
“Tôi muốn nhiều thời gian hơn để ở bên người bạn đời của tôi,” cô trả lời.
“Tốt. Giờ bước Starbucks thứ hai. Chúng tôi gọi nó là Kế hoạch. Kế hoạch có hai phần. Đầu tiên bạn phải lên kế hoạch bạn sẽ gieo hạt ở đâu. Khi bạn gieo một hạt giống hoa hoặc một hạt giống cây thì bạn cũng cần chọn đất.
Với một hạt giống nghiệp thì bạn cần những người khác: họ chính là đất để bạn gieo các hạt giống nghiệp của mình. Việc gieo hạt vào chính mình gần như là bất khả thi - bạn cần gieo ở một nơi khác, một người khác. Vì vậy, một phần của bước hai, một phần của kế hoạch, chính là chọn ra người này.
Đó nên là một người muốn chính cái thứ mà bạn muốn.” “Nhưng chúng ta đã làm như thế rồi còn gì,” cô nói chen vào.
“Chúng ta đã chọn chị gái tôi là người cũng khao khát có thêm thời gian.”
“Đúng vậy,” Viet nói. “Và giờ đến bước hai của việc lập kế hoạch, đó là quyết định xem bạn sẽ giúp chị ấy ở đâu.”
“À, tại nhà chị ấy.” cô trả lời. “Tôi không định để những thằng quỷ đó chạy khắp nhà tôi và phá tan nó đâu.”
“Tất nhiên!” Cậu mỉm cười. “Nhưng điều tôi đang nói đến là bạn định ngồi cùng chị ấy ở đâu để nói về toàn bộ ý tưởng giúp chị ấy có thêm thời gian cho chính mình. Đây chính là lúc cần Starbucks đấy!
Hãy gọi cho chị ấy hỏi xem chị ấy có thể đến một quán Starbucks để uống cà phê với bạn trong vài phút không - hãy bảo với chị ấy là bạn cần chị ấy giúp một việc gì đó. Hãy bảo chị ấy mang theo những đứa trẻ.
Quý cô Cau có trông có vẻ bối rối. “Những đứa trẻ đó ư? Cũng được nhưng tôi nghĩ chúng không ngồi nguyên một chỗ lâu được đâu. Lần cuối cùng tôi đưa chúng đến Starbucks với mẹ của chúng để tôi có thể nói chuyện với chị ấy thì chúng đã chạy đi và kéo xuống tất cả các túi cà phê đang được bày bán rồi bắt đầu chất ở giữa sàn.”
“Đúng vậy!” Viet nói, cứ như thế điều đó vốn đã nằm trong kế hoạch rồi. “Vậy bước Starbucks thứ hai đã xong: chúng ta đã lập một kế hoạch, chúng ta đã chọn ra được một người và một nơi để giúp người đó.
Nhân tiện, tôi cũng xin nói luôn. Đây chính là lý do tại sao chúng ta nói ‘đến Starbucks’ chứ không chỉ là ‘đến một quán cà phê.’ Nếu bạn muốn hạt giống của mình phát triển tốt và nhanh thì kế hoạch phải càng cụ thể càng tốt: bạn muốn những giờ bạn dành ra để trông con của chị ấy được biến thành các ngày bạn có thể sử dụng để ở bên người bạn đời, và việc này phải có kết quả trong một hai tháng tới.
Vì vậy đừng chỉ nói rằng, ‘Tôi chọn giúp chị của tôi và một lúc nào đó, tôi sẽ liên lạc với chị ấy để nói về việc này.’ Thay vào đó, tôi muốn bạn nói rằng, ‘Tôi chọn giúp chị của tôi, tôi sẽ gọi cho chị ấy và đưa chị ấy đến Starbucks ở phố 4 vào lúc hai giờ chiều thứ Sáu.”
“Tôi hiểu rồi,” Quý cô Hy vọng nói. Cô đang viết lia lịa, một cảnh vẫn thường xảy ra khi những người thông minh được nghe về Bốn Bước Starbucks. Họ đã nhìn ra được tính hợp lý của toàn bộ cách tiếp cận này: nó giải thích được gần như tất cả mọi thứ trên thế giới ngay lập tức và họ cũng cảm thấy giải pháp cho tất cả các vấn đề của mình nên là một giải pháp đem lại lợi ích cho tất cả mọi người xung quanh. “Bước ba?” Cô hỏi.
Viet nhăn mặt trong một giây rồi hỏi một câu đơn giản, “Bạn nghĩ tiếp theo là gì?”
Cô đã sẵn sàng. “Tôi đưa chị ấy đến Starbucks! Tôi nói chuyện với chị ấy về việc giúp chị ấy trông con! Và tôi thực sự giúp chị ấy trông con!”
“Đúng rồi!” Viet thốt lên. “Ý tôi là, bạn có thể gieo một vài hạt giống chỉ bằng việc lên kế hoạch giúp ai đó, nhưng chúng sẽ không được mạnh lắm. Bạn phải thực sự tiến hành kế hoạch của mình thì mới thu được kết quả bạn mong muốn. Toàn bộ bước Starbucks thứ ba chỉ đơn giản có vậy thôi. Hãy gọi cho chị ấy, gặp mặt và nói chuyện về việc bạn có thể giúp chị ấy có thêm thời gian cho bản thân như thế nào, rồi sau đó thực sự giúp chị ấy có được khoảng thời gian đó.
Về bước cuối cùng, bước Starbucks thứ tư, tôi nghĩ là…” Viet liếc nhìn tôi qua sân khấu một cách tinh nghịch. “Tôi nghĩ Geshe Michael có thể giúp chúng ta ở bước này!” Khán giả vỗ tay hoan hô nhiệt liệt và rồi họ im lặng nhìn tôi. Míc được chuyển xuống qua từng ghế.
“Vâng, bước Starbucks thứ tư,” tôi bắt đầu, “Nó rất dễ, đó là Thiền Cà phê!”
Tôi nhìn khán giả khi người phiên dịch truyền tải nốt nội dung phần cuối. Việt Nam đã trải qua rất nhiều thay đổi nhưng mọi người vẫn khá sắc bén trong những việc có liên quan đến Phật giáo. Họ chưa bao giờ nghe về Thiền Cà phê và nó cũng chẳng có vẻ gì là sẽ giúp họ có thêm thời gian ở bên người bạn đời của mình. Rất nhiều ánh nhìn hoài nghi.
“Được rồi,” tôi ngồi vào ghế của mình. “Sau đây là cách người thầy Tây Tạng của tôi dạy tôi về Thiền Cà phê.
Ông là một lạt-ma siêu phàm, một trong những lạt-ma vĩ đại cuối cùng mà đã hoàn thành tất cả các bài tập ở vùng Tây Tạng cổ. Vào thời người thầy của tôi thì Tây Tạng hoàn toàn bị cách biệt với thế giới bên ngoài. Đừng nói là nhìn thấy ô-tô mà ngay cả đi xe đạp thì ông cũng chưa đi bao giờ. Tu viện của ông cách thị trấn gần nhất hơn 1,6 cây số và nếu có ai cần thứ gì đó thì họ sẽ phải dành ra một phần lớn thời gian của ngày để đi bộ đến đó và đi bộ về.
Sau đó, ông phải chạy trốn khỏi quê hương của mình và sống nhiều năm trong một trại tị nạn ở Ấn Độ. Cuối cùng, ông đến Mỹ. Khi đến đây, ông dành nhiều năm để dạy cho những người tìm đến ông xin được giúp đỡ. Tất cả ông đều làm miễn phí. Nhưng ông cũng biết cách thư giãn và đây là một kỹ năng quan trọng mà tất cả chúng ta cần học.
Rồi vị lạt-ma của tôi cũng khám phá ra ti-vi. Và ông khám phá ra bóng chày. Vì một lý do nào đó, ông trở nên yêu thích đội New York Mets mặc dù trong nhiều năm, đây là một trong những đội có thành tích tồi tệ nhất lịch sử bóng chày.” Tôi không định kể điều này cho các khán giả ở Việt Nam đâu nhưng chính nhờ vị lạt-ma của tôi đã liên tục niệm chú mà cú đánh thấp của Darryl Strawberry đã được kéo lên cao vượt qua hàng rào và ghi điểm trong trận đấu thứ năm thuộc giải vô địch năm 1986 với đối thử là Astros.
“Khi tôi về nhà, đầy mệt mỏi sau 12 tiếng làm việc trong văn phòng ở New York, hai tiếng ngồi trên tàu điện ngầm và xe buýt để về tu viện, tôi nghe thấy tiếng ông ở trên tầng. Ông đang xem một trận đấu.
Giờ tôi không thích ti-vi hay bóng chày nhưng chắc nhiều bạn ở đây biết rằng khi mình đi làm về,mệt mỏi thì thật thoải mái nếu được ngồi trước ti-vi và chẳng nghĩ gì cả, đúng không?”
Nhiều người gật đầu và mỉm cười - Việt Nam đúng là một đất nước tràn đầy những nụ cười.
“Thế rồi tôi lê bước qua cửa trước, quăng áo khoác và cặp xuống. Tôi có thể nghe thấy tiếng ông ở trên phòng, ông đang rất thích thú với trận đấu. Và tôi tự nhủ, giá mà mình có thể lên trên đó và xem với ông được nhỉ. Vì các bạn biết đấy, những nhà sư trẻ như chúng tôi thì không được xem ti-vi.
Nhưng tôi có một mẹo, tuy cũ rích nhưng có thể dùng để vào phòng ông. Người Tây Tạng rất thích trà bơ. Họ uống rất nhiều - đôi khi đến 15, 20 tách một ngày. Thế nên việc một đệ tử pha một tách trà rồi mang lên phòng cho vị lạt-ma của mình thì lúc nào cũng hợp tình hợp lẽ.
Vì vậy, tôi đã rót nước, đun sôi, lấy một viên trà đen Trung Quốc, cho vào tách, rồi thêm muối, kem, bơ, và sữa. Múc lên rồi thả xuống khoảng 50 lần để hòa tan trà và bơ - hoặc đơn giản là thả hết vào một bình ép trà kiểu Tây Tạng cổ và ép đi ép lại - rồi đổ ra tách. Chạy lên phòng và gõ cửa. Tôi đã có thể nghe thấy giọng nói êm dịu của Tim McCarver, phát thanh viên yêu thích của tôi ở đội Mets.
Khi nghe thấy tiếng gõ cửa, lạt-ma la lên, “Sho!” Nghe như kiểu “Lê cái mông vào đây!”
Tôi bước vào và - theo nghi thức truyền thống - quỳ xuống rồi đặt tách trà bơ xuống chiếc bàn nhỏ phía trước chiếc ghế tựa của ông. Tôi liếc nhìn lên để bảo đảm là ông thật sự đang tập trung vào trận đấu, và ông đang tập trung thật trong khi tay phải thì liên tục lần tràng hạt giống như một chiếc máy giặt đang quay với tốc độ tối đa. Tôi cúi người xuống thấp, nhẹ nhàng di chuyển đến mặt bên của chiếc ghế rồi lùi lại một chút và ngồi trên sàn ở chỗ ông không thể thấy tôi. Có những lúc lạt-ma không chú ý đến tôi trong nửa giờ hoặc hơn - hay ít nhất thì cũng có vẻ như ông không chú ý đến tôi.
Nhưng tối nay, lạt-ma nói ngay lập tức, bằng chất giọng trầm thấp, cộc cằn của ông, “Hôm nay con đã thiền chưa?”
“Dạ, chưa, thưa lạt-ma. Thầy biết đấy, sáng nay con phải dậy từ 5 rưỡi, tắm qua một cái rồi chạy xuống phố để bắt xe buýt - từ sáng đến giờ con chẳng được nghỉ chút nào và con cũng vừa mới về đến nhà thôi.”
“Con phải thiền,” ông gằn giọng nhưng vẫn không rời mắt khỏi trận đấu bóng chày.
“Bây giờ ấy ạ?” Tôi than. “Bây giờ.”
Tôi đứng lên, đang định đi xuống dưới tầng, vào căn phòng nhỏ bé của mình, thì ông nắm lấy tay tôi và kéo về phía chiếc ghế sô-pha bằng vàng của ông. “Ở đó,” ông lại gằn giọng, đẩy tôi qua để tôi không chắn tầm nhìn của ông. “Ngồi ở đó.”
Giờ thì có một điều bạn phải biết về chiếc ghế sô-pha của lạt- ma. Một nhà tài trợ giàu có đã tặng nó cho ông. Nó được làm thủ công và cần khoảng một năm để hoàn thành. Cả tay và chân ghế đều được làm bằng gỗ sồi đen bóng, còn nệm thì thuộc loại đắt tiền, trông giống như lụa, màu vàng sáng, có các sợi vàng được đan vào bên trong.
Chiếc sô-pha đã ở đó, ở một bên phòng của ông trong nhiều năm rồi, và chưa ai từng ngồi lên nó, kể cả lạt-ma. Trừ một lần Đạt-lai Lạt-ma đến thăm ngôi đền của chúng tôi trong vài giờ và ngài đã ngồi lên nó.
Thỉnh thoảng một vị lat-ma sẽ bảo bạn làm một điều gì đó sai trái, chỉ để xem xem liệu bạn có ngu ngốc đến mức thực sự làm điều đó không. Và nếu bạn thực sự làm điều đó thì họ sẽ la mắng bạn, hoặc - tại tu viện, khi đó là việc lớn - họ sẽ dành cho bạn Hình phạt Tràng hạt.
Bạn nghĩ tràng hạt chỉ dùng để cầu nguyện thôi sao? Thế thì hãy dành thời gian đi xung quanh tu viện của chúng tôi và lắng nghe câu “Thương cho roi cho vọt” phiên bản Tây Tạng. Bạn sẽ nghe thấy tiếng vun vút của một chuỗi tràng hạt đang được quay mạnh hết sức bình sinh, rồi sau đó, một nhà sư trẻ sẽ chạy ra khỏi cửa, vừa đi vừa xoa đầu một cách buồn bã.
Ý tưởng ở đây là thầy của bạn sẽ dùng tràng hạt quất vào đầu bạn một vài lần nếu như bạn hư. Việc làm này sẽ để lại một hàng những vết thâm đỏ, hình tròn nhỏ, ngang trán và tất cả những người bạn sẽ chế giễu bạn trong vài giờ - “Ha ha ha! Nhìn xem ai bị Hình phạt Tràng hạt này!”
Tôi lấy tay che đầu, giả vờ mình chỉ đang gãi hay làm gì đó thôi. “Không sao đâu thưa lạt-ma, con có thể thiền ở tầng dưới, trong phòng con cũng được mà.”
“Ngồi lên ghế đi,” ông lại gằn giọng. Giờ thì tôi chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc ngồi lên ghế; nếu một lạt-ma phải bảo ba lần thì kiểu gì bạn cũng sẽ bị phạt.
Tôi ngồi lên ghế đợi trong khi lạt-ma tập trung vào một hiệp đấu đặc biệt quan trọng của trận bóng chày. Đột nhiên, “Nằm xuống ghế đi!”
Mọi chuyện đang trở nên ngày càng nghiêm trọng. Ở châu Á có một vấn đề liên quan đến bàn chân. Tại nhiều nước châu Á, bạn không được phép để bàn chân chỉ vào bất kỳ thứ gì: Tôi vẫn nhớ hồi tôi ở Băng Cốc thăm Chùa Ngọc Phật thì ở đâu tôi cũng thấy những tấm biển đề chữ “Cấm để bàn chân chỉ vào đức Phật!” Nằm xuống ghế có nghĩa là tôi phải để bàn chân chỉ vào một đồ vật nào đó của lạt-ma, và đây chính là một cách tuyệt vời nữa để phải chịu Hình phạt Tràng hạt.
“Dạ, thưa lạt-ma, giờ con có thể ngồi đúng theo tư thế hoa sen mà, con vẫn ngồi như thế.”
“Nằm xuống!” Tôi nằm xuống.
Lạt-ma rung chuông, và một đệ tử khác, một nhà sư Tây Tạng trẻ tuổi, chạy lên cầu thang.
“Pha cho Mike một tách cà phê,” lạt-ma gằn giọng. Cốc cà phê có ngay lập tức.
“Uống cà phê đi.”
Tay tôi run lên. Tôi đang phải cố uống cà phê trong khi nằm và tôi biết rằng nếu tôi để rớt một giọt ra chiếc sô-pha bằng vàng này thì tôi chắc chắn sẽ phải nhận một hình phạt còn tồi tệ hơn là tràng hạt.
“Giờ thiền đi.”
Tôi bắt đầu ngồi dậy nhưng lạt-ma lắc đầu, mắt vẫn dán vào ti-vi. “Nằm xuống. Thiền nằm.”
Tôi chưa bao giờ nghe đến một việc như vậy - các lạt-ma luôn yêu cầu là chúng tôi phải ngồi để thiền và giữ lưng thật thẳng.
“Thiền về cái gì ạ?” Tôi hỏi, lại nằm xuống. Tôi để tay xuống dưới đầu và nhìn lên trần. Chà, tôi có thể làm quen với việc này đấy. Thật sự thoải mái và an bình.
“Starbucks,” lạt-ma gằn giọng, “Hãy nghĩ về Starbucks. Hôm nay con đã đưa ai đến Starbucks?”
Tôi hiểu ý của ông - tôi đã đưa ai ra ngoài để uống một tách cà phê hay một tách trà (hay tốt hơn, tất nhiên rồi, một cốc sinh tố hoa quả)? Hôm hay tôi đã lắng nghe vấn đề của ai? Tôi đã cố gắng giúp ai?
Mấu chốt là, chỉ bằng việc thực hiện ba bước Starbucks đầu tiên thôi là bạn đã tạo ra được nhiều hạt giống nghiệp rồi. Khi bạn quyết định bạn muốn gì trong cuộc đời mình là bạn đã gieo một vài hạt giống. Khi bạn lên kế hoạch giúp ai đó thì bạn gieo thêm nhiều hạt giống nữa. Và khi bạn thật sự giúp họ thì bạn lại góp thêm nhiều hạt giống lên trên những hạt giống kia. Nhưng bước quan trọng nhất chính là bước cuối cùng này, Thiền Cà phê.
Buổi tối, ngồi tựa lưng vào đầu giường và nghĩ về tất cả những việc bạn đã làm ngày hôm nay để giúp mọi người chính là cách gieo hạt có tác động mạnh mẽ nhất. Nếu bạn muốn biết bí quyết xây dựng nên một doanh nghiệp trị giá hàng triệu đô-la của tôi thì đó chính là Thiền Cà phê - chỉ vậy thôi. Nghe có vẻ quá dễ dàng nhỉ? Chúng ta lúc nào cũng nghĩ rằng để đạt được những mục tiêu lớn hơn trong cuộc đời thì mình cần phải trả giá nhiều hơn, nhưng có lẽ sự thật lại hoàn toàn ngược lại.
Có thể những hạt giống nghiệp mạnh mẽ nhất lại chính là những hạt giống mà chúng ta gieo chỉ bằng cách thư giãn và cảm thấy thỏa mãn về những điều tốt đẹp nho nhỏ mà chúng ta làm cho người khác. Nó không liên quan gì đến sự kiêu hãnh về bản thân, mà chỉ là tận hưởng bất cứ việc gì mình có thể làm mà thôi.
Chúng ta, không có ai là hoàn toàn tốt, nhưng cũng không có ai là hoàn toàn xấu. Buổi tối, khi chúng ta đi ngủ, chúng ta có một lựa chọn, hoặc là nghĩ về những vấn đề trong cuộc đời mình hoặc là nghĩ về những điểm tươi sáng. Khi chúng ta mệt mỏi, chúng ta có xu hướng phóng đại vấn đề của chúng ta. Cái từ thiền, bản thân nó có nghĩa là chúng ta dẫn dắt dòng chảy suy nghĩ bình thường của chúng ta - trong trường hợp này là suy nghĩ lo lắng về các vấn đề của mình khi chìm vào giấc ngủ - cũng như dịch chuyển tâm trí sang những ý nghĩ tốt đẹp: Ngày hôm nay tôi đã cố gắng giúp ai? Đây chính là mục tiêu của thiền: kiểm soát hướng đi của dòng chảy tâm trí.
Vì vậy, hãy về nhà và nấu bữa tối. Rửa bát và xem ti-vi một lúc nếu bạn thực sự phải xem - hoặc gửi thư điện tử hay vào Facebook một chút. Sau đó, hãy đi tắm rồi thay quần áo ngủ.
Ngồi lên giường hoặc nửa nằm nửa ngồi, tựa lên gối, tay chống cằm, và nhìn lên trần nhà. Khuôn mặt mơ màng như kiểu hồi cấp 3 khi bạn nghĩ về người bạn trai hay bạn gái của mình và băn khoăn không biết buổi hẹn sắp tới sẽ như thế nào.
Nghe thì có vẻ kỳ lạ nhưng cái kiểu “mơ giữa ban ngày” này khá gần với trạng thái thiền thực sự. Đừng nghĩ là bạn phải khoanh chân giống như một cái bánh quy xoắn thì mới đạt đến trạng thái đi sâu vào bên trong tâm trí đó.
Giờ thì bạn cứ thế mà thực hiện Thiền Cà phê thôi: bước cuối cùng trong Bốn Bước Starbucks, kỹ thuật gieo trồng hạt giống tinh thần đích thực. Hãy gieo hạt giống của bạn bằng bốn bước này, và những điều bạn muốn xảy ra trong cuộc đời bạn sẽ đến với bạn, nhanh và mạnh. Hãy ghi nhớ chúng trong suốt phần còn lại của cuốn sách này, và trong suốt phần còn lại của cuộc đời bạn:
Bốn Bước Starbucks
1. Hãy diễn tả điều bạn muốn trong cuộc đời mình bằng một câu duy nhất, thật ngắn gọn.
2. Lên kế hoạch bạn sẽ giúp ai đạt được cùng thứ đó, và bạn sẽ đưa họ đến quán Starbucks nào để nói chuyện về nó.
3. Thực sự làm gì đó để giúp họ.
4. Thực hiện Thiền Cà phê : khi bạn đi ngủ, hãy nghĩ về những điều tốt đẹp bạn đang thực hiện để giúp họ.