Câu Hỏi 5
Tôi không gặp bất cứ vấn đề gì trong việc tìm ra những người đàn ông muốn hẹn hò với tôi, nhưng họ không bao giờ muốn đi bước tiếp theo, tức là phát triển thành một mối quan hệ lâu dài. Tôi cần gieo hạt giống gì để có thể nhìn thấy một sự gắn bó nào đó?
Có vẻ như có nhiều lời khuyên của tôi được đưa ra khi chúng tôi di chuyển xuyên qua đám đông sau một buổi diễn thuyết… lần này nó diễn ra ở Paris, khi tôi đang rời khỏi một bữa ăn tối với một nhóm các doanh nhân đến từ nhiều nơi - Hồng Công, Trung Đông, và Đức.
Cathy bước về phía tôi bằng những bước đi dài, đầy chủ đích, những bước đi của một người đang thực hiện một sứ mệnh nào đó. Tôi vẫn nhớ cô từng xuất hiện trong một buổi diễn thuyết ở Mỹ một năm trước đây, và tôi băn khoăn không biết cô đã gặp chuyện gì đến mức phải đi nửa vòng Trái Đất để đến gặp tôi. Cô đã từng hoàn toàn cô đơn trong một khoảng thời gian và rất muốn tìm một người bạn trai, người bạn trai nào cũng được. Tôi hướng dẫn cô thực hiện bài nhà dưỡng lão của Ann và tôi biết cô sẽ thử. Cô là một người khá quyết tâm.
“Thưa Geshe La, vâng… thưa ông, cái bài đó thực sự có tác dụng! Nhưng nó có tác dụng quá tốt! Tôi không chỉ có một chàng trai, mà là rất nhiều chàng trai! Có những chàng trai dễ thương và” (cô đỏ mặt) “cả những chàng trai nóng bỏng nữa!”
Tôi hơi ngạc nhiên về lời phàn nàn này. Tôi nhướn mày. “Vậy thì tôi không hiểu, Cathy. Vấn đề ở đây là gì?”
“Rất nhiều chàng trai,” cô than thở, “nhưng chẳng ai trong số họ sẵn sàng gắn bó cả. Ý tôi là, chúng tôi hẹn hò vài lần, rồi khi tôi bắt đầu nói về bất cứ điều gì có tính lâu dài thì họ trở nên căng thẳng và bắt đầu lảng tránh. Tôi cần gieo loại hạt giống nào để một trong số họ hứng thú với một điều gì đó lâu dài hơn?”
Như mọi khi, chúng ta cần suy nghĩ xem bản chất của những điều bạn muốn là gì. Chúng ta cần suy nghĩ về khái niệm gắn bó. Bản chất của gắn bó là gì? Chúng ta hãy hỏi Maitreya.
Tất cả chúng ta đều biết rằng, đức Phật sống ở Ấn Độ từ cách đây rồi lâu - chính xác là khoảng 2.500 năm trước - nhưng điều mà nhiều người không biết, đó là đức Phật đó chỉ là một trong rất nhiều đức Phật mà đang trên đường đến với thế giới này. Những người Tây Tạng nói rằng đức Phật tiếp theo sẽ xuất hiện ở đây là người có tên là Maitreya và ông đã gửi một vài thông điệp đi trước mình, dưới dạng những bức điêu khắc mà một hiền nhân đã phát hiện ra cách đây hơn 16 thế kỷ.
Một trong những lời dạy của ông là một đoạn miêu tả thứ mà những người Tây Tạng gọi là hlaksam namdak. Nó có nghĩa là chịu trách nhiệm hoàn toàn về mọi việc. Nó có nghĩa là chịu trách nhiệm, trong mọi tình huống mà chúng ta rơi vào, trong suốt cả ngày, về việc nhìn thấy những người xung quanh chúng ta đạt được thứ họ muốn và không gặp phải những thứ họ không muốn. Nó có nghĩa là chịu trách nhiệm về những người khác ngay cả khi chúng ta biết rằng không ai sẽ giúp đỡ chúng ta.
“Nghe này, Cathy,” tôi giải thích, khi chúng tôi đi dạo ngang qua một vài căn nhà của mục sư, cổ kính và đẹp đẽ, nằm dọc bên bờ sông, với những ánh đèn dầu lập lòe trong bóng tối. “Bạn phải đạt được trạng thái tư duy này - bạn phải đạt được trạng thái sẵn sàng chịu trách nhiệm cá nhân về những thứ mà người khác cần. Kiểu như ‘Tôi sẽ là người biến nó thành hiện thực,’ nhưng áp dụng cho những người xung quanh bạn. Việc làm này sẽ gieo hạt giống nghiệp giúp bạn gặp được một chàng trai trẻ sẵn sàng gắn bó lâu dài.”
Cũng tốt nếu lúc này bạn đang nghĩ rằng mình sẽ chăm lo cho người khác nhưng chúng ta sẽ cần một vài sự giúp đỡ ở đây. Trước tiên, việc đạt được trạng thái gắn bó lâu dài này không hề dễ dàng. Tất cả chúng ta đều biết rằng giúp đỡ người khác là một nghĩa cử cao đẹp nhưng - như nhiều người đã chỉ ra cho tôi rất nhiều lần - phần lớn chúng ta đều đang phải làm việc vất vả mà cũng chỉ đủ đáp ứng phần nào các nhu cầu cá nhân của mình: thanh toán các hóa đơn, giữ cho nhà cửa sạch sẽ, giặt quần áo trước khi đi làm.
Mặc dù có thể đúng là tôi sẽ không có được sự gắn bó từ phía chàng trai cho đến khi tôi chịu trách nhiệm về những thứ mà những người xung quanh tôi cần, nhưng tôi không hiểu làm sao điều đó có thể xảy ra khi mà chỉ riêng việc chăm lo cho những gì cá nhân tôi cần đã khiến tôi quá tải rồi.
Câu trả lời cho câu hỏi này thực sự rất đáng kinh ngạc. Có một nơi mà việc chăm lo cho những nhu cầu của cá nhân cũng tương ứng với việc chăm lo cho những nhu cầu của người khác. Có một nơi mà hai việc này trở thành một.
Hãy suy nghĩ về nó. Cuộc trao đổi về cái bút mà chúng ta từng thực hiện sẽ thay đổi cách nghĩ của chúng ta về tất cả mọi thứ.
Nếu tôi muốn nhìn thấy một cái bút trong thế giới của tôi (chứ không phải một món đồ chơi) thì tôi cần cung cấp bút cho những người khác trước. Nếu tôi muốn mình có người bầu bạn thì tôi phải cung cấp sự bầu bạn cho người khác trước.
Cathy và tôi dừng lại tại một chỗ rất đẹp phía tả ngạn nhìn ra sông Seine và thấy những người đang đi dạo dọc bờ bên kia, phía dưới gần mặt nước.
“Giả sử rằng,” tôi giải thích, “tôi muốn có một chiếc bánh donut, loại phủ lá phong mà tôi rất thích. Có vẻ như tôi sẽ có được chiếc bánh donut đó bằng cách đi đến tiệm bánh donut và trả tiền; có vẻ như chiếc bánh donut đó được làm bằng bột mì, sữa, và đường, ở phía sau của cửa tiệm. Nhưng hiện tại, chúng ta biết rằng không cái nào trong số những cái trên là nguyên nhân thực sự tạo ra chiếc bánh donut đó. Bạn có thể có tiền và bạn có thể đi đến tiệm bánh donut nhưng họ có thể hết bánh donut. Mặt khác, một người bạn có thể cho bạn một chiếc bánh donut và bạn không hề mất đồng nào.
Nguyên nhân thực sự tạo ra chiếc bánh donut đó, cũng giống như trường hợp cái bút, là trong quá khứ, tôi đã cung cấp cho một người nào đó một thứ tương tự như một chiếc bánh donut. Nói cách khác, nếu tôi muốn ăn một chiếc bánh donut thì tôi cần phải giúp người khác được ăn một chiếc bánh donut trước. Tức là, tôi phải khiến cho một chiếc bánh donut trôi qua miệng của người khác trước khi tôi có thể nhìn thấy một chiếc bánh donut trôi qua miệng mình. Nếu tôi không làm cho một chiếc bánh donut trôi qua miệng của bạn thì tôi cũng sẽ không có chiếc bánh donut nào trôi qua miệng của tôi.
Tất cả chúng ta đều quen với việc coi miệng ‘tôi’ và miệng ‘bạn’ là khác nhau, vì khi bạn đưa một chiếc bánh donut vào trong miệng mình thì không có nghĩa là tôi có một chiếc bánh donut ở trong miệng tôi. Nhưng giờ chúng ta đã hiểu cái gì thật sự xảy ra: đưa một chiếc bánh donut vào miệng người này chính là cách đưa một chiếc bánh donut vào miệng người khác. Về hình thức, miệng của bạn khác miệng của tôi; về chức năng, chúng không có gì khác nhau cả. Vì vậy, việc phân biệt giữa miệng bạn và miệng tôi chẳng còn chút ý nghĩa nào hết. Miệng bạn là miệng tôi, vì miệng tôi sẽ không thể có một chiếc bánh donut nếu miệng bạn không có.
Miệng bạn là miệng tôi
Điều này có nghĩa là việc gieo các hạt giống nghiệp cần thiết để có được sự gắn bó của một chàng trai sẽ dễ hơn rất nhiều nếu bạn biết chuyện gì đang xảy ra. Hạt giống nghiệp giúp bạn có được sự gắn bó của người bạn đời chính là vào bất kỳ lúc nào, trong suốt cả ngày, bạn cũng hãy luôn chịu trách nhiệm cá nhân cho những người xung quanh bạn. Nếu có người đang vội và cần đỗ xe ở chỗ đó, bạn hãy bảo đảm rằng người đó được như thế. Nếu có người trong bàn không có được những quả ô-liu mà họ muốn có trên chiếc pizza của mình, bạn hãy là người đứng lên và đi lấy. Nếu có một cái hộp rơi ra khỏi một chiếc xe tải trên đường cao tốc, bạn hãy là người lấy điện thoại ra và gọi cho cảnh sát để báo cho họ về một chướng ngại vật ở trên đường.
Bạn cần chịu trách nhiệm về những người khác nếu bạn muốn chàng trai của mình thể hiện sự gắn bó. Và giờ thì việc chịu trách nhiệm trở nên vô cùng dễ dàng vì bạn đã biết câu chuyện về những hạt giống nghiệp: bạn biết rằng chăm lo cho người khác chính là chăm lo cho bản thân mình. Bạn không thể chăm lo cho bản thân mà không chăm lo cho người khác, và bạn không thể chăm lo cho người khác mà không chăm lo cho bản thân.
Bởi vì bạn là người khác.”
Cathy đăm chiêu trong một lúc lâu để tiêu hóa tất cả những điều này. Tôi biết sẽ mất một thời gian, nên tôi giữ im lặng (với tôi thì đôi khi việc này là một thử thách). Rồi tôi thấy nó hiện lên trong mắt cô ấy và tôi biết cô ấy đã hiểu. Tôi biết cô ấy đã sẵn sàng để hỏi câu hỏi quan trọng nhất: tôi có thể nó đang tới.
“Vâng, thưa Geshe La, tôi đã hiểu rồi… nhưng… về mặt thực hành thì chính xác, ông đang khuyên tôi làm gì?”
Được rồi, chúng ta hãy đi vào mặt thực hành. Bạn sẽ không làm được bất kỳ việc gì nếu chúng ta không cụ thể hóa nó. Trong một hoặc hai tuần, hãy chịu trách nhiệm về hạnh phúc của tất cả những người ăn cùng bạn. Hãy đảm bảo rằng mọi người có được chính xác thứ họ muốn, và nếu một người không hài lòng với một thứ gì đó ở trên bàn thì hãy đảm bảo rằng nó được sửa lại theo ý người đó. Hãy cứ chịu trách nhiệm về tất cả mọi người và quen với ý tưởng rằng bạn thực sự cũng đang chịu trách nhiệm về chính bản thân mình. Hãy biến những hoạt động ở bữa ăn tối này thành một thói quen… và rồi chờ xem, vì anh ấy sẽ gắn bó với bạn đấy.
Vâng, Cathy hiện đang có một trong những mối quan hệ đẹp đẽ nhất tôi từng thấy. Tính đến nay thì đã được vài năm rồi nhưng chàng trai vẫn đang thể hiện tình yêu với cô một cách thầm lặng và vững vàng, hàng ngày vẫn dành cho cô những hành động yêu thương nho nhỏ và quan tâm đến nhu cầu cũng như ước muốn của cô. Cô vẫn tiếp tục gieo cùng những hạt giống đó, thế nên chàng trai vẫn tiếp tục gắn bó sâu sắc với cô.
CÂU HỎI 6
Bạn gái của tôi luôn nhận thư điện tử từ những anh người yêu cũ. Thậm chí có vẻ như cô ấy còn thân mật hơi quá với một vài người trong số đó. Tôi phải có nghiệp gì để cô ấy thể hiện nhiều tình yêu với tôi hơn?
Vào một buổi tối, một chàng trai tên Carl đã đột nhiên hỏi tôi câu hỏi này. Tôi đã biết cậu ấy được một vài năm. Lúc đó, chúng tôi đang ngồi trước lò sưởi trong tòa nhà của một bộ môn tại trường đại học của chúng tôi, nằm ở một góc yên tĩnh phía Đông Nam Arizona. Tôi vừa ngạc nhiên vừa buồn vì (đây thường là trường hợp xảy ra) tôi nghĩ mối quan hệ của cậu ấy với Joanna diễn ra khá tốt đẹp.
“Ừm,” tôi mở lời, “tôi có thể hiểu tại sao bạn lại cảm thấy như vậy. Ý tôi là, nghiệp chung thủy có lẽ là một trong những nghiệp cơ bản nhất của bất kỳ mối quan hệ nào - bạn không cần bất kỳ lời khuyên nào khác về mối quan hệ của bạn nếu ngay từ đầu đã không tồn tại bất kỳ mối quan hệ đích thực nào: tức là nếu không có sự gắn kết riêng tư giữa hai bạn.”
Cậu gật đầu như thể đã biết trước rồi; bạn có thể thấy đây cũng chính là điều cậu ấy đang nghĩ.
“Được rồi,” tôi gật đầu đáp lại, “Người Tây Tạng có một phương pháp cực kỳ đơn giản và hiệu quả để đảm bảo rằng người yêu của bạn chung thủy. Bản thân bạn sẽ phải cực kỳ chung thủy dù cho hiện tại, người yêu của bạn có đang làm điều gì đi nữa.
Những hành động của họ hiện nay được tạo ra bởi những hạt giống nghiệp tiêu cực mà chính bản thân bạn đã gieo tại một thời điểm nào đó trong quá khứ. Để loại bỏ những hạt giống đó, bản thân bạn phải duy trì một mức độ chính trực cao - một mức độ chính trực mang tính đơn phương và rất có ý thức.”
Carl trông có vẻ hơi hoang mang. “Ông nói ‘đơn phương’ là có ý gì?”
“Đúng vậy. Đây chính là một điều rất thú vị của hệ thống Năng đoạn Kim cương. Nếu chúng ta không hài lòng với việc người yêu của mình nhận thư điện tử từ người yêu cũ thì bình thường, chúng ta sẽ nghĩ là mình cần nói chuyện với người yêu, cần tìm hiểu xem chuyện đó nghiêm trọng đến mức nào rồi, cần cho người đó biết chúng ta lo lắng về chuyện đó đến mức nào.”
Carl gật đầu. “Đúng thế. Thực ra tối nay tôi định hỏi Joanna về chuyện đó đây.”
Tôi giơ bàn tay mình lên. “Hãy tạm hoãn lại. Cả tôi và bạn đều biết rằng nếu nói chuyện với cô ấy thì có thể có tác dụng mà cũng có thể không. Tôi muốn bạn hãy bắt đầu hoài nghi là những việc làm này có thể có tác dụng mà cũng có thể không. Vì nếu chúng có thể có tác dụng mà cũng có thể không thì thực tế là chúng không có tác dụng. Đừng có tiếp tục đâm đầu vào ngõ cụt nữa. Hãy tìm ra một cách mà lúc nào cũng có tác dụng.
Hãy tìm ra một cách mà lúc nào cũng có tác dụng
Nghe này, điều tuyệt vời là bạn không cần nói gì với người yêu hết, vì việc đó không phải lúc nào cũng giải quyết được vấn đề. Đừng thương lượng nữa, cũng đừng nói chuyện luẩn quẩn đến tận tối khuya nữa. Việc đó chả sửa chữa được hạt giống nghiệp đâu.
Chúng ta cần phải làm gì đó mà thực sự sửa chữa được hạt giống nghiệp, và bạn không cần người yêu của mình làm điều đó - vì hạt giống ở bên trong bạn và bạn chính là người đặt nó ở đó.
Chúng ta cần biến việc nhắn tin hay gửi thư điện tử đáng ngờ này thành một hạt giống chung thủy hoàn hảo, và chúng ta cần phát triển hạt giống đó ở bên trong chúng ta, chứ không phải bên trong họ. Điều đó sẽ sửa chữa được những việc Joanna đang làm mà không hề động chạm gì đến cô ấy. Hợp lý không?” Cậu ấy gật đầu; bạn có thể thấy cậu ấy đang dùng đầu để ghi chép.
“Vậy đây chính là điều mà người Tây Tạng bảo chúng ta phải làm. Trong suốt cả ngày, từ ngày này qua ngày khác, dù bạn đi đâu, dù bạn ở với ai, hãy ghi nhớ một điều này thôi.
Đừng bao giờ nói, làm, hay thậm chí là nghĩ một điều gì đó về người khác mà bạn sẽ không nói, làm, hay nghĩ đến nếu Joanna đang ngồi ngay bên cạnh bạn, nhìn bạn và lắng nghe bạn - lắng nghe cả những ý nghĩ sâu thẳm nhất bên trong bạn.
Nếu ở công ty, một người phụ nữ đi về phía bạn, hay tại cửa hàng thực phẩm, một người phụ nữ đi ngang qua bạn, và họ nhìn bạn theo một cách nào đó, thì bạn chỉ cần đừng đáp lại cái nhìn đó một chút nào: bạn chung thủy một cách hoàn hảo, chẳng khác gì Joanna đang ở ngay bên cạnh bạn, quan sát đôi mắt bạn một cách khắt khe.”
Carl gật đầu, nhưng chậm - và tôi có thể thấy vấn đề đang xuất hiện trong tâm trí cậu. Cậu ấy đang nghĩ rằng mình sẽ phải hướng đến một trạng thái trói buộc nào đó về mặt tinh thần trong phần còn lại của cuộc đời.
“Không phải thế đâu,” tôi trấn an cậu. “Nếu bạn thực sự đạt được trạng thái chung thủy đó thì bạn sẽ thấy cực kỳ hạnh phúc và sảng khoái, chứ không hề cảm thấy bị gánh nặng, kiểm soát, hay ràng buộc đâu.
Những người phụ nữ xung quanh bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc vì họ biết ở trong phòng có một người đàn ông tôn trọng họ và đối xử đúng mực với họ. Những người đàn ông trong cuộc đời bạn sẽ trở nên hoàn toàn thoải mái và tin tưởng bạn, vì tận sâu bên trong họ biết bạn trân trọng mối quan hệ của họ đến nhường nào.
Và tất nhiên, tất cả những điều này cũng áp dụng được trong trường hợp người phụ nữ nữa. Bạn hãy xây dựng cả một cộng đồng tin tưởng lẫn nhau, và gieo những hạt giống sâu sắc. Bạn sẽ không thực sự chú ý thấy đâu nhưng Joanna sẽ đột nhiên thay đổi - và cô ấy sẽ chỉ muốn nghe tin về bạn mà thôi.”
Carl đã thực sự gieo những hạt giống này, và - đúng như bạn kỳ vọng - họ quay trở lại theo một cách khá bất thường. Joanna mất hứng thú với thư điện tử và tin nhắn. Cô đổi sang Faebook và đăng những tấm hình cũng như những mẩu tin cho bạn của cô xem một cách công khai. Carl không chỉ tự mình xem được mà còn có thể tham gia vào, vài lần một ngày. Cậu trở thành một thành phần trong các tin nhắn của cô, thay vì chỉ là một khán giả lúc nào cũng lo sợ.
CÂU HỎI 7
Người yêu của tôi muốn kết hôn, nhưng tôi không chắc liệu mình có muốn đi đến một sự gắn bó cả đời như thế không. Chúng tôi nên làm gì đây?
Vào một buổi tối, tôi đã nhận được câu hỏi này từ một người bạn cũ tên là Herb, khi chúng tôi đang đứng cạnh nhau trên một con đường bụi bặm ở miền quê vùng Arizona, bên ngoài một dãy nhà kiểu nông thôn xây trong một trang trại. Đây là nơi mà cậu ấy và người yêu của mình, Irene, chuẩn bị thực hiện một khóa tu ngắn ngày.
Tôi thực sự thích cả hai người họ và tôi thực sự thích nhìn thấy họ ở bên nhau mãi mãi. Nhưng tôi có một nguyên tắc cá nhân là không quyết định thay cho mọi người. Tôi thích cho họ một vài ý tưởng hay ho để họ suy ngẫm, rồi sau đó để họ tự áp dụng những ý tưởng đó theo cách của mình. Tôi để họ tự gieo những hạt giống của mình và tôi biết họ sẽ có một kết thúc có hậu - một kết thúc mà tôi có thể vui vẻ ngắm nhìn.
“Nghe này, Herb,” tôi bắt đầu nói. “Trong cuộc đời mình, chúng ta không có nhiều cơ hội để ra một quyết định như thế này đâu - một quyết định về việc liệu chúng ta có thực sự muốn dành phần còn lại của cuộc đời ở bên một người khác mà chúng ta thực sự quan tâm hay không. Ai cũng biết, ai cũng cảm nhận được rằng đến một lúc nào chúng ta sẽ phải nhảy. Nếu không nhảy thì sẽ hối hận cả đời. Và nếu bạn cứ để Irene chờ đợi quá lâu còn bản thân cứ khổ sở về việc có nên nhảy hay không thì việc đó có thể sẽ hủy hoại mãi mãi mối liên hệ diệu kỳ giữa hai bạn.
Mặt khác, chúng ta cũng không muốn quyết định về một sự gắn bó như thế mà không suy nghĩ thật cẩn trọng và thấu đáo; sẽ là một nghiệp vô cùng xấu nếu đã chính thức gắn bó lâu dài nhưng sau đó lại phá vỡ sự gắn bó này. Rất có thể việc làm đó sẽ khiến chúng ta suốt cả đời không bao giờ tìm thấy một người nào khác chịu gắn bó đích thực với chúng ta nữa.”
Herb là một chàng trai biết suy nghĩ, và tôi có thể thấy cậu ấy đã hiểu. Cậu gật đầu và yên lặng một lúc, nhìn xa xăm về phía chân trời, về phía màn đêm sâu thẳm của vùng hoang mạc. Rồi cậu đồng ý, “Đúng vậy. Ông đã tóm gọn được toàn bộ vấn đề. Vậy từ đây thì tôi nên làm gì?”
Những nhà sư Phật giáo rất thích các lời nguyện - họ giữ rất nhiều lời nguyện và họ nghiên cứu cẩn thận lời nguyện bao gồm những điều gì trước khi thọ giới. Sau đó, họ tập luyện làm sao để giữ đúng những lời nguyện này trong suốt phần còn lại của cuộc đời. Bản thân tôi gắn liền với ít nhất cũng phải 518 giới: 22 giới cơ bản khi tôi mới vào tu viện; 253 giới nữa khi tôi trở thành nhà sư; 120 giới khác liên quan đến việc quan tâm đến mọi người và 123 giới nữa đòi hỏi cần có sự cho phép đặc biệt của các lạt-ma.
Tôi nhớ rằng điều đầu tiên mà lạt-ma của tôi dạy cho tôi về việc giữ gìn giới luật là một lời thề được giữ đúng là một hạt giống nghiệp rất, rất mạnh. Vào lúc đó, chúng tôi đang nói chuyện về việc liệu tôi có muốn lập nguyện không ăn thịt hay không. Lần đầu tiên tôi đến thăm một tu viện, tôi đã có một giấc mơ rất kỳ lạ vào một buổi tối. Tôi đang ở vùng nông thôn, trong một trang trại, và có một con bò sắp bị giết và làm thịt.
Cổ con bò bị trói chặt bằng dây thừng và một đầu của dây thừng được buộc vào một cái cọc gỗ dày chôn sâu xuống đất. Vẫn chưa có ai cầm dao đến cắt cổ con bò nhưng bằng một cách nào đó, con bò biết chuyện gì sắp sửa xảy ra. Con bò la hét, la hét rất dữ dội, và tiếng hét là tiếng hét của một con người, chứ không phải là tiếng hét của một con bò. Ngay cả trong giấc mơ thì nó cũng thật ghê rợn, và tóc tôi dựng đứng hết cả lên ở sau gáy.
Tôi giật mình tỉnh giấc, ở đó, trong bóng tối của tu viện, xung quanh là những nhà sư đang ngủ rải rác trên sàn. Tôi không bao giờ quên giấc mơ đó, và cứ mỗi lần tôi ăn một miếng thịt, tôi lại tự hỏi liệu tôi vẫn sẽ ăn được nó nếu tôi phải tự tay giết con vật ngay trước khi ăn không. Thế là tôi quyết định dừng ăn thịt.
Lạt-ma của tôi bảo tôi rằng nếu tôi định làm như thế, tôi nên cân nhắc đến việc lập nguyện sẽ không ăn thịt. Ông nói rằng hạt giống nghiệp sẽ mạnh hơn nhiều so với khi chỉ quyết định là không ăn thịt. Nhân tiện, tôi cũng xin nói luôn rằng, hạt giống mà nguyện này gieo xuống chính là hạt giống nhìn thấy cuộc sống của bạn được bảo vệ và lành mạnh - và trong suốt 30 năm kể từ khi tôi thề không ăn thịt, gần như lúc nào tôi cũng được tận hưởng một sức khỏe tuyệt vời.
Sức mạnh thể chất không nằm trong chất đạm, cũng như cái bút không nằm trong cái bút. Chính chúng ta là người đặt sức mạnh vào trong chất đạm, bằng cách bảo vệ tất cả sự sống xung quanh chúng ta. Không phải ngẫu nhiên mà trong thịt lại có quá nhiều mỡ máu, và không phải ngẫu nhiên mà mỡ máu lại khiến rất nhiều người tử vong.
Vậy nếu bạn và người yêu thật sự có ý định ở bên nhau, thì việc giữ một lời thề chính thức chắc chắn sẽ khiến mối quan hệ trở nên mạnh mẽ và hạnh phúc hơn nhiều trong những năm sắp tới.
Những vị lạt-ma nói rằng trước khi chúng ta thề bất cứ điều gì tương tự như thế này - đặc biệt là một lời thề quan trọng như lời thề kết hôn - thì trước tiên, chúng ta phải biết chính xác chúng ta đang thề cái gì. Vậy nên, để quyết định có nói ra lời thề kết hôn hay không thì điều đầu tiên là hãy cùng với người yêu quyết định xem lời thề này chứa đựng những gì. Có thật sự là “cho đến khi cái chết chia lìa đôi ta” không? Hai bạn có thực sự định ở bên nhau cả “khi khỏe mạnh cũng như khi ốm đau” không? Đây là một lời thề tuyệt đối hay có những ngoại lệ được cho phép? Vô số cuộc hôn nhân đã thất bại vì hai bên có những ý kiến khác nhau về việc lúc đầu họ đã thề cái gì. Sẽ rất hữu ích nếu viết ra một danh sách những điều mà cả hai bạn cùng nhất trí trước khi thề.
Nguyện được coi là một nghệ thuật ở Tây Tạng. Nó bắt đầu bằng việc hiểu lời thề một cách chi tiết, nhưng sau đó chúng ta cần rất nhiều sự giúp đỡ và hỗ trợ để giữ đúng. Các nhà sư Tây Tạng lập nguyện nhiều nhất với vị lạt-ma gần gũi với họ nhất trong cuộc đời. Vị lạt-ma này biết rõ quá khứ của họ, biết rõ điểm mạnh và điểm yếu của họ, cam kết luôn ở bên cạnh họ và dẫn dắt họ đi qua những khó khăn thường ngày, đặc biệt là những khó khăn có liên quan đến việc giữ đúng lời thề.
Theo truyền thống, nếu bạn thề với một người mà bạn vốn đã có một mối quan hệ gần gũi thì bạn sẽ giữ lời thề cẩn thận hơn, đơn giản là bởi chúng ta sẽ cảm thấy rất xấu hổ nếu để người kia phát hiện ra mình đã phá vỡ lời thề - và bởi nếu làm thế, họ sẽ rất đau khổ và thất vọng. Vì vậy, thay vì tìm ngẫu nhiên trong danh bạ điện thoại một vị cha xứ, mục sư, hay một người tương tự nào khác có khả năng chứng giám lời thề, bạn hãy tìm một người mà bạn có thể tạo nên một mối quan hệ lâu dài hơn với người đó - một người mà bạn có thể tìm đến nhờ giúp đỡ khi bạn gặp phải các thử thách; một người mà luôn xuất hiện đầu tiên ngay khi bạn cần. Hãy kiên nhẫn - hãy kiểm tra người này thật kỹ càng, cả về mặt đạo đức lẫn mặt trí tuệ.
Nếu hai người có chung những người bạn hoặc những người họ hàng cùng tôn trọng lời thề thì việc giữ lời thề cũng sẽ dễ dàng hơn. Với các nhà sư Phật giáo thì điều này được coi là rất quan trọng; trong hơn 2.000 năm, chúng tôi đã được khuyến khích sống cùng những người bạn, những người chia sẻ cùng các giá trị với chúng tôi, và chúng tôi bắt buộc phải gặp gỡ họ hai lần một tháng để cùng nhau thảo luận riêng về bất kỳ vấn đề nào mà chúng tôi đang gặp phải có liên quan đến việc giữ lời thề.
Tất cả những việc này đều đã bắt đầu diễn ra từ rất lâu trước khi phát minh ra lịch hay đồng hồ - vì thế nếu bạn đi ra ngoài vào buổi tối và thấy trăng tròn hoặc trăng đen thì bạn biết rằng tối nay bạn sẽ phải tham gia một cuộc thảo luận về lời thề. Nếu bạn đang định kết hôn, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người bạn tôn trọng sự gắn bó này - những người bạn mà bạn có thể nói chuyện bất cứ khi nào gặp khó khăn.
Nhưng theo tôi nghĩ, thứ mà sẽ giúp bạn nhiều nhất trong việc ra quyết định là thứ mà người Tây Tạng gọi là penyun sampa.
“Nghe này, Herb,” tôi nói tiếp. “Trước khi bạn quyết định gắn bó lâu dài với Irene, tôi muốn bạn nhìn vào trong trái tim mình và tự hỏi bản thân tại sao bạn lại thề những lời thề đó, bạn kỳ vọng chúng đem lại điều gì cho hai bạn và cho những người khác.
Có thể bạn sẽ muốn thực hiện điều mà chúng tôi thực hiện ở tu viện đấy. Trước khi chúng ta lập những lời nguyện của một nhà sư đích thực thì các lạt-ma bảo chúng tôi lập những giới luật ban đầu.
Herb có một kiểu bóp mặt rất đặc trưng mỗi khi cậu có một câu hỏi thực sự nghiêm túc về một vấn đề gì đó. Thế là cậu bóp mặt và hỏi tôi, “Giới luật ban đầu là gì?”
“Được rồi, khi chúng tôi mới vào tu viện, những nhà sư lớn tuổi hơn cho chúng tôi hai tháng để thử một giới cơ bản nhằm xem chúng có thích hợp không. Một khi chúng tôi cảm thấy thoải mái với chúng rồi thì sau đó chúng tôi được phép giữ toàn bộ các giới luật. Trong suốt giai đoạn chờ đợi, chúng tôi được khuyến khích hàng ngày ngồi một mình trong yên lặng và lập ra trong tâm trí danh sách các lý do tại sao chúng tôi muốn thề những lời thề đó: chúng tôi lập ra danh sách tất cả những điều tốt đẹp mà chúng tôi kỳ vọng sẽ xảy đến với mình nếu chúng tôi thề tất cả các lời thề.
Nghe này, Herb,” tôi thừa nhận. “Vị lạt-ma của tôi không chắc liệu một người phương Tây sống trong thế giới hiện đại sẽ thực hiện hàng trăm lời thề của người xưa tốt đến đâu, và thực tế là ông đã bắt tôi giữ những giới luật ban đầu suốt 8 năm trời, sau đó mới đồng ý để tôi trở thành một nhà sư đích thực.
Vì vậy, bạn cứ thong thả, hãy ngồi xuống, và lập một danh sách những điều bạn nghĩ, hôn nhân sẽ đem đến cho cả hai bạn, cho cuộc đời bạn và cho những người xung quanh bạn. Hãy đợi cho đến khi bạn biết mình đã sẵn sàng để giữ, và giữ đúng, bất kỳ lời thề nào mà bạn quyết định thề.”
Herb đăm chiêu và gật đầu theo kiểu đang ngẫm nghĩ đặc trưng của cậu, và ngước lên xem còn gì nữa không.
“Và đừng quên,” tôi nói thêm (đây mới là câu chốt). “Mọi điều chúng ta nói ở đây đều chỉ là những lời khuyên tốt thôi; nhưng bạn còn phải chăm nom cả những hạt giống nữa. Đó mới là thứ trọng yếu - nó luôn luôn là thứ quan trọng nhất trong tất cả mọi thứ.
Nếu nghĩ kỹ, bạn sẽ thấy rằng câu hỏi không phải là liệu hai bạn có nên kết hôn hay không. Câu hỏi lớn là làm thế nào để gieo những hạt giống giúp đưa ra quyết định đúng.
Điều bạn muốn là một quyết định, một quyết định đúng đắn, sẽ xuất hiện thật dễ dàng và rõ ràng bên trong bạn. Giờ chúng ta đã biết đủ để hiểu được rằng nghiệp của việc có thể đưa ra một quyết định đúng, sáng suốt và nhanh chóng là nhìn ra xung quanh chúng ta và tìm những người bạn, những người thân trong gia đình, cũng như những đồng nghiệp mà bản thân họ đang phải đối mặt với một quyết định khó khăn.
Hãy tạo cơ hội cho họ ngồi với bạn, cho họ một khoảng thời gian chất lượng để nói về những lựa chọn quan trọng mà họ đang phải đối mặt. Nếu bạn gieo những hạt giống này thì quyết định của bạn sẽ trở nên rõ ràng mà không cần làm bất cứ việc gì khác.
Không còn sợ hãi, khổ sở, lo lắng, băn khoăn giữa việc có nên hỏi cưới Irene hay không nữa,” tôi hứa. “Chỉ cần gieo các hạt giống thôi, rồi ngồi xuống và thư giãn. Quyết định đúng đắn sẽ trở nên rõ ràng, giống như một cái cây nảy ra từ một hạt giống bên dưới mặt đất, mà bạn không hề phải lo lắng về nó chút nào.”
Vâng, Herb và Irene đã quyết định kết hôn. Tôi không nói việc này xảy ra vào ngày hôm sau, hay thậm chí là tháng sau, bởi vì cần thời gian để hạt giống nảy mầm, kể cả bạn có gieo tốt thế nào đi nữa. Nhưng tôi biết đó sẽ là một kết thúc có hậu, vì để đi đến đó, họ đã làm đúng tất cả mọi việc. Bất kỳ khi nào tôi thấy họ ở bên nhau, tôi đều cảm thấy thật hạnh phúc vì tôi biết rằng mình đã có thể giúp đỡ - và vì biết rằng cả hai bọn họ đều hiểu tại sao mọi chuyện lại tốt đẹp. Tôi thích nhìn thấy những chiếc nhẫn trên ngón tay của họ lắm!
CÂU HỎI 8
Bất cứ khi nào chúng tôi đi xuống phố, chồng tôi cũng nhìn chằm chằm vào tất cả những cô gái xinh đẹp đi ngang qua, và điều này khiến tôi rất bực bội. Tôi cần gieo hạt giống gì để anh ấy chỉ nhìn ngắm một mình tôi thôi?
Tôi nhận được câu hỏi này trong một hội thảo của Học viện Năng đoạn Kim cương được tổ chức tại Trịnh Châu, một thành phố nằm giữa lòng Trung Quốc. Đó là một chuyến đi thú vị vì toàn bộ chương trình được tổ chức ngay cạnh chùa Thiếu Lâm, cái nôi của võ thuật Trung Hoa. Ngay khi bình minh vừa ló dạng, bạn sẽ nghe thấy tiếng hô vang của 20.000 nam nữ thanh niên đang thực hiện các động tác võ thuật của mình. Tôi không thích bị đánh thức nhưng tôi thực sự coi trọng nhiệt huyết mà họ thể hiện ra.
Quay lại chủ đề chính, người đưa ra câu hỏi trên có tên là Aiping, cái tên có nghĩa là “Tình yêu.” Chồng cô, Huanzhi, là một doanh nhân thành đạt. Lúc này, anh đang tranh thủ giờ nghỉ giải lao để đi khắp phòng trò chuyện với mọi người và trao đổi danh thiếp. Thật may là người phiên dịch của tôi rất giỏi và ngoại hình hệt như người Trung Quốc. Aiping vốn đã sở hữu những bản năng rất tốt đối với trí tuệ của Năng đoạn Kim cương, một tác phẩm kinh điển của Trung Quốc được rất nhiều người yêu thích.
“Việc này cần hai loại hạt giống nghiệp khác nhau,” tôi bắt đầu nói. “Một là hạt giống đẹp trong mắt chính bản thân mình, và hai là hạt giống đẹp trong mắt Huanzhi.” Aiping mỉm cười và ghi chép rất nhanh, những con chữ tượng hình bay ra từ những ngón tay của cô.
“Bởi vì bạn biết rồi đấy, mỗi người có một quan điểm khác nhau. Bạn có thể nói rằng bạn chỉ muốn đẹp thôi, nhưng không có thứ như vậy đâu. Bài hát mà tôi yêu thích nhất là một bài hát của Neil Young…” Đến đây người phiên dịch tạm dừng một lúc và cố gắng miêu tả ca sĩ nhạc rock này. Tôi đợi cho đến khi cô ấy xong rồi mới tiếp tục.
“Vâng, bạn biết đấy, một trong những người bạn thân nhất của tôi từng gọi ông ấy là ‘gã thái giám thích la hét’…” Người phiên dịch lại tạm dừng. “Tôi coi bài hát đó là một bản anh hùng ca còn anh ấy chỉ coi là một đống tạp nham. Và bạn biết đấy, hai chúng tôi đều đúng: con chó bảo cái thanh màu đen đó là đồ chơi cũng đúng mà con người bảo đó là cái bút cũng đúng. Bản thân nó thì chẳng là cái gì trong hai cái đó cả - nó chẳng là cái gì cả.”
Tôi kiểm tra xem liệu Aiping có theo kịp tôi hay không; cô gật đầu dứt khoát. Cô hoàn toàn theo kịp tôi.
“Và bạn cũng thế đấy, Aiping. Chúng ta muốn gieo một hạt giống mà để bạn thấy bản thân mình đẹp và một hạt giống để Huanzhi cũng thấy bạn đẹp. Nếu không có hai người các bạn thì không còn cái đẹp nào nữa hết - mà lại chỉ là một dạng trống không nữa mà thôi.”
Tôi nghe người phiên dịch nói từ trống không - người Trung Quốc có một từ thật hoàn hảo để miêu tả khái niệm màn hình trắng xóa này - và mỉm cười.
“Có nghĩa là, nếu suy nghĩ kỹ thì bạn sẽ thấy rằng bất cứ thứ gì hay bất cứ ai đẹp đều chỉ là đẹp trong mắt người nhìn. Xung quanh chúng ta có đầy bằng chứng cho điều này: có những cô siêu mẫu có nốt ruối to tướng ở trên má, hay có những chiếc xe mà hình dạng chẳng khác gì cái hộp bánh mỳ, nhưng vẫn khiến công chúng phát điên. Nhân tiện, tôi cũng nói luôn là nếu anh ấy thấy bạn đẹp thì tức là bạn thực sự đẹp - bởi vì dù làm thế nào đi nữa thì bạn cũng chẳng bao giờ tốt hơn hay tệ hơn hình ảnh mà cả hai bạn đang nhìn thấy đâu.”
“Vậy hạt giống để nhìn thấy vẻ đẹp là g?” Aiping hỏi.
Vẻ đẹp đến từ việc không tức giận
Tôi gật đầu. “Bạn chỉ cần tránh tức giận trong những tình huống mà bạn rất dễ tức giận là được. Ví dụ như khi sếp của bạn đi vào phòng và bắt đầu mắng nhiếc bạn vì một thứ không phải lỗi của bạn: Bạn bị biến thành ‘nhân viên ngu ngốc nhất mà tôi từng có’ vì một điều mà người khác làm, và ông ta ngu ngốc đến mức sẽ không cho bạn cơ hội nào để bạn thanh minh.”
Ai nhìn lên và tôi thấy cô đã hiểu. “Vâng, tôi cũng thường xuyên nghe thấy người ta nói vậy: tức giận có một sức mạnh rất đặc biệt trong việc phá hủy những hạt giống nghiệp tốt. Những văn bản cổ xưa cũng đã nêu ra rằng, chỉ cần phẫn nộ trong một vài phút thôi là đủ để thiêu rụi hàng ngàn hạt giống tốt rồi.”
“Đúng thế đấy. Tức giận có một tác động rất đặc biệt đối với các hạt giống mà giúp chúng ta thấy bản thân mình đẹp: khi bạn chất chứa một nỗi tức giận với ai đó - cảm thấy cay đắng, oán hận - thì qua vài tuần, bạn sẽ thấy mặt mình bắt đầu đầy nếp nhăn và tóc chuyển sang màu bạc.
Những nếp nhăn và những sợi tóc bạc đều đến từ phía chúng ta, cũng như cái bút vậy. Và quá trình này hoàn toàn có thể đảo ngược. Nếu chúng ta có thể học cách không tức giận trong những tình huống mà gần như có thể khiến bất kỳ ai cũng có thể tức giận thì dần dần vẻ đẹp sẽ trở lại trên khuôn mặt và hình thức của chúng ta. Khi đó, Huanzhi sẽ không còn nhìn ngắm những cô gái khác khi xuống phố nữa.”
Nghe thì có vẻ dễ nhưng cả bạn và tôi đều biết rằng không dễ chút nào. Trong những tình huống cực kỳ căng thẳng thì gần như không thể nào không tức giận được. Chúng ta sẽ cần đến một vài sự giúp đỡ nghiêm túc.
Bản thân các hạt giống sẽ cung cấp sự giúp đỡ này. Một khi bạn am hiểu các hạt giống - một khi bạn am hiểu nguồn gốc thực sự của sự vật, sự việc - thì bạn sẽ gần như không thể tức giận với người khác được. Tôi gọi nó là “Hội chứng nước trên sàn phòng tắm.”
Hãy tưởng tượng vào mùa đông, sàn nhà bạn rất lạnh, và bạn chỉ có một đôi tất len dày còn tốt để đi lại trong nhà; tức là đôi tất mà không bị thủng. Bạn bò ra khỏi giường trong tình trạng vẫn còn ngái ngủ. Nửa tỉnh nửa mê, bạn bước vào phòng tắm để đánh răng. Bạn đứng trước gương, và đột nhiên bạn thấy chân mình bị ngập trong nước lạnh. Có người đã đi tắm nhưng không kéo kín rèm che chỗ tắm nên nước tràn hết ra sàn. Đây đã là lần thứ 10 trong tháng này rồi.
Bạn nghe thấy tiếng gia đình mình đang ăn sáng ở dưới tầng. Mọi người đang ngồi quanh bàn bếp và bạn đi xuống để tìm kiếm chút công lý. Chồng bạn và các con bạn đang ăn món ngũ cốc một cách ngon lành thì tất cả dừng hết cả lại khi họ nhìn thấy nét mặt bạn.
“Nào, ai đã làm?” “Làm gì cơ, em yêu?”
“Không kéo rèm chỗ tắm và để nước tràn hết ra sàn.” Bạn giơ đôi tất cuối cùng còn tốt của mình ra trước mặt mọi người; thậm chí còn để chúng nhỏ chút nước vào món ngũ cốc.
Chồng bạn nhìn thẳng vào mắt bạn. “Không phải anh đâu, em yêu. Sáng nay anh vẫn chưa tắm.”
Con trai bạn ngẩng mặt lên một cách ngây thơ và chẳng cần cu cậu mở miệng, bạn cũng biết rằng con trai mình vô tội. “Không phải con đâu, mẹ.”
Tất cả ánh mắt đều đổ dồn vào cô con gái, người mà từ nãy đến giờ chỉ nhìn chằm chằm xuống sàn - rõ là có vấn đề. “Mẹ… sáng nay có người đã dậy từ sớm và đi tắm. Đó không phải là… mẹ sao ạ?”
Ai đã để nước tràn ra sàn?
Và bạn nhớ ra - bạn quên hôm nay là thứ Bảy nên bạn đã dậy sớm để đi làm, bạn đã đi tắm, quên kéo rèm, để nước tràn hết ra sàn, rồi bạn nhận ra hôm nay là cuối tuần nên lại quay lại giường ngủ tiếp.
Bạn nhìn cả ba người một cách bối rối rồi rút về phòng mình.
Trường hợp với người sếp đang mắng nhiếc bạn cũng vậy. Không phải là ông ấy quyết định bắt đầu mắng nhiếc bạn, cũng không phải là nếu bạn tức giận với ông ấy thì ông ấy sẽ quyết định ngừng mắng nhiếc bạn hay sẽ còn mắng nhiếc bạn nhiều hơn. Ông ấy đến từ bạn, cũng giống như cái bút đến từ bạn vậy. Sáng sớm hôm nay, bạn đã làm tràn nước, và bây giờ bạn đang giẫm lên nó.
Một khi bạn thật sự hiểu được cơ chế này, 100% bạn sẽ không thể tức giận với sếp của mình. Bạn sẽ không bao giờ vào nhà tắm và mắng nhiếc mình trước gương (theo cái cách mà có thể bạn sẽ sử dụng để mắng nhiếc con gái mình nếu chẳng may con bé chính là người có lỗi) vì nó chẳng có tác dụng gì cả. Bạn biết bạn chính là người khiến nước tràn ra sàn. Bạn sẽ chỉ đơn giản là bình thản tự nhủ rằng mình sẽ không tái phạm nữa, và bạn phơi đôi tất của mình lên. Hết chuyện.
Trong trường hợp với sếp của mình, bạn nhìn ông ta hét toáng lên một lúc rồi bạn quyết định rằng sau này mình sẽ thật cẩn thận để không tức giận với những chuyện nhỏ nhặt hàng ngày (với những đứa con của bạn chẳng hạn). Chính những việc đó đã gieo những hạt giống cho ông ta. Nếu bạn làm vậy thì đến tuần sau, bạn sẽ không còn nghe thấy tiếng mắng nhiếc của sếp nữa; chẳng khác gì đóng vòi hoa sen và nhìn thấy giọt nước cuối cùng rỉ ra từ nó.
Những hạt giống mới này sẽ thay đổi hình thức của bạn. Một lần nữa, xin hãy hiểu rằng không phải là hình thức của bạn “thật sự” như thế nào đó và nếu bạn vui thì hình thức của bạn sẽ đẹp hơn. Những hạt giống muốn bạn trông như thế nào thì bạn sẽ trông đúng y như thế, và không thể khác. Bạn hãy sẵn sàng để đón nhận người đẹp trong gương và người đẹp mà chồng của bạn nhìn thấy.
Nhân tiện, quay trở lại chủ đề mà chúng ta nói tới khi mới bắt đầu trả lời câu hỏi này. Không khó để nhận ra rằng nếu bạn hành xử một cách đẹp đẽ khi đối mặt với các thách thức hàng ngày thì bạn sẽ gieo một hạt giống giúp bạn thấy bản thân mình đẹp. Nhưng hạt giống này cũng quyết định bạn sẽ thấy chồng bạn đang thấy bạn như thế nào - anh ấy đang thấy bạn đẹp đấy. Không phải là bạn đang gieo một hạt giống vào tâm trí của anh ấy đâu vì mỗi người chúng ta chỉ có tự gieo hạt giống của chính mình.Chính nhờ hạt giống này, bạn có thể nhìn thấy được vẻ đẹp của chính mình cũng như vẻ đẹp đó dưới ánh nhìn của anh ấy. Và bạn cũng vậy đấy!