Những ngôn ngữ Tầm phào, Ngớ ngẩn, Thể hiện và Lươn lẹo làm hỏng bài viết của bạn như thế nào.
NGÔN NGỮ: CẦU NỐI TRONG KINH DOANH
C
on người chúng ta sống trong ngôn ngữ giống như cá heo sống trong nước. Ngôn ngữ là một phần trong trải nghiệm của loài người căn bản tới nỗi ta không để ý đến nó. Nhưng nó lại có tác động sâu sắc tới từng khía cạnh đời sống. Chúng ta kết nối với mọi người, thiết lập các mối quan hệ, chia sẻ cảm xúc, truyền đạt ý tưởng, đề xuất giải pháp, tạo cảm hứng, hướng dẫn, trách mắng, biểu dương, tán tỉnh, sùng bái: tất cả đều nhờ đến và thông qua ngôn ngữ. Ngôn ngữ đơn giản hóa hầu hết những hoạt động căn bản của loài người. Trong công việc, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ để hoàn thành những hoạt động này sẽ đóng góp vào thành công hoặc thất bại của chúng ta. Từ ngữ là hiện thân của ý tưởng và cảm xúc. Câu văn mang lại hình hài cho tư duy và biến chúng thành hiện thực. Và ngôn ngữ viết thường là phương tiện chúng ta sử dụng để truyền đạt những thông điệp quan trọng nhất. Tất nhiên chúng ta đều biết rằng những phương tiện giao tiếp không thông qua ngôn ngữ cũng rất quan trọng. Cái lườm giận dữ của người yêu, nụ cười tươi rói trên khuôn mặt đứa con, một khách hàng ngồi trầm ngâm sau bàn, tay khoanh chặt: Ta chẳng cần đến câu chữ thì mới hiểu được những thông điệp đó. Nhưng với những thông điệp phức tạp hơn thì câu chữ là thứ vô cùng quan trọng. Và trong thế giới kinh doanh hiện đại thì văn viết lại là thứ thiết yếu nhất.
Nhưng không may lại có vấn đề. Người ta thường gặp khó khăn viết những bức thư rõ ràng và súc tích. Vì thế mà người ta thường mất đi chất riêng, bỏ đi tính xác thực của chính mình để rồi tạo ra một bài viết mà cuối cùng lại phản bội họ và người đọc. Họ ghét phải viết và kết quả thường phản ánh lại sự thật đó.
Vì sao điều đó lại xảy ra? Câu trả lời phổ biến đó là hệ thống giáo dục của chúng ta không làm tròn nhiệm vụ chuẩn bị cho lớp thanh niên bước vào thế giới việc làm. Thất bại đó được cho là gồm việc hướng dẫn chưa đầy đủ hoặc chưa phù hợp về kỹ năng viết. Những người ở tất cả các quốc gia nói tiếng Anh trên thế giới đã chân thành giãi bày với tôi rằng hệ thống giáo dục ở quốc gia họ đã sụp đổ và thực sự cần phải được cải cách, bởi “chẳng ai còn biết cách viết nữa.” Đó là một câu trả lời dễ dàng, nhưng tôi không nghĩ đó hoàn toàn là sự thật. Từ kinh nghiệm của tôi, các giáo viên thuộc mọi cấp độ của hệ thống giáo dục, từ những trường mẫu giáo cho tới các khóa học thuộc chương trình sau đại học, đều có chung ý niệm rằng học sinh cần phải học cách thể hiện chính mình một cách rõ ràng và súc tích. Họ yêu cầu việc viết lách từ phía học viên nhiều hơn bao giờ hết trong vòng khoảng 50 năm qua. Tư duy phản biện là nhân tố cốt lõi trong mọi môn học mà tôi được biết, bao gồm các lĩnh vực mà trước kia không đòi hỏi viết lách nhiều lắm, như kỹ thuật và toán học. Nói chung, học sinh bây giờ được thực hành viết và nhận phản hồi từ giáo viên về bài viết của mình nhiều hơn thời cha ông chúng rất nhiều.
Ngay cả trong những môi trường giáo dục tốt nhất thì loại bài viết mà chúng ta vẫn làm trong lúc học thì cũng chẳng giống chút gì so với loại văn bản mà chúng ta cần dùng khi bước vào thế giới việc làm. Sự bất tương đồng đó chính là cốt lõi của vấn đề. Nếu giáo viên tiếng Anh giao bài tập viết một bài luận dài 2 trang về một câu truyện ngắn hoặc một bài thơ, chúng ta không học được cách phân tích mục đích viết trong quá trình làm bài tập. Chúng ta không học được cách điều chỉnh bài viết để đáp ứng từng loại độc giả khác nhau. Và chúng ta không có được khả năng viết một cách trôi chảy với giọng văn chuyên nghiệp mà vẫn còn đặc trưng của bản thân. Bài tập đó về bản chất là nông cạn và bài viết của chúng ta cũng vậy.
Khi thực sự bắt đầu làm việc, chúng ta có rất ít hoặc không có chút kinh nghiệm nào về việc viết lách cho phù hợp với công việc. Thay vào đó, ta có xu hướng sao chép cái mà người khác đã viết - mà thường có nghĩa là sao chép những ví dụ dở tệ. Ta sử dụng giọng văn mà chắc hẳn là có vẻ thông minh và chuyên nghiệp nhưng thật ra là thiếu tự nhiên và ngượng nghịu. Nói ngắn gọn là ta truyền đạt bằng những thứ ngôn ngữ không hiệu quả.
Tôi đã cộng tác với hàng nghìn doanh nhân trên khắp thế giới và giúp họ diễn giải những thông điệp quan trọng liên quan tới doanh nghiệp, sản phẩm, giải pháp, cải cách và mục tiêu trong tương lai của họ. Phải thừa nhận rằng đôi lúc tôi cảm thấy bực mình vì sự bất lực rõ ràng của những người có học trong việc truyền tải ý tưởng sao cho rõ ràng. Nhưng mặt khác, tôi cũng cảm thấy vui mừng và tôn trọng khi thấy những người vốn gặp khó khăn khi thể hiện bản thân học tập những kỹ thuật cơ bản, tập luyện và phát triển khả năng viết tốt mà họ chưa từng mơ tới. Những kinh nghiệm đó cho thấy viết tốt là một kỹ năng có thể đạt được nhờ học hỏi. Chỉ với một vài nguyên tắc cơ bản và được thực hành một cách khéo léo thì có thể giúp các doanh nhân và chuyên gia kỹ thuật giao tiếp một cách thành công hơn. Những nguyên tắc này khi được nâng cao lên mức độ nhận thức như một phản xạ sẽ giúp người viết làm việc tốt hơn.
NGÔN NGỮ CỦA THÀNH CÔNG
Tôi đã bàn khá nhiều về tựa đề cuốn sách này, Ngôn ngữ của thành công, nhưng lại chưa hề định nghĩa về nó. Vậy ngôn ngữ của thành công là gì? Nói một cách đơn giản, đó là thứ ngôn ngữ hiệu quả. Từ “thành công” ở đây nói về việc một thông điệp cụ thể có đạt được mục đích đặt ra ban đầu hay không. Nói cách khác, ngôn ngữ của thành công chỉ thành công khi nó truyền tải thông tin một cách rõ ràng và nhanh chóng để người khác có thể sử dụng thông tin đó cho công việc của họ. Hoặc khi nó diễn tả ý kiến của chúng ta một cách hợp lý và chí tình, để người khác coi trọng ý kiến của ta. Nó thành công là bởi nó là thứ ngôn ngữ vượt qua được tất cả những thứ cường điệu từ quảng cáo và marketing để có thể đưa ra một thông điệp đầy tính thuyết phục, cho phép khách hàng nhận ra rằng giải pháp mà ta đưa ra đáp ứng nhu cầu của họ, có thể giải quyết vấn đề, củng cố tổ chức của họ và tạo ra giá trị cao hơn trong quá trình đó. Ngôn ngữ của thành công là loại văn bản giúp ta kiếm sống. Đó là thứ văn bản thể hiện quan điểm và tạo được sự khác biệt.
Tuy vậy, ngôn ngữ của thành công cũng là công cụ giúp bạn thể hiện bản thân, để người khác thấy được giá trị thực của bạn. Thành công ở đây muốn nói tới sự trưởng thành, sự phát triển về nghề nghiệp và sức ảnh hưởng của bạn. Nếu bạn học được cách viết một cách rõ ràng và súc tích, đồng nghiệp cũng như khách hàng sẽ nhìn nhận bạn như một chuyên gia tài năng. Một văn bản tệ hại thể hiện lối tư duy cẩu thả. Còn văn bản chỉn chu cho thấy lối tư duy mạch lạc. Nếu bạn có thể viết tốt về một chủ đề cụ thể nào đó, mọi người sẽ mặc định rằng bạn hiểu rõ về chủ đề đó. Họ sẽ coi bạn là người đáng tin cậy với chủ đề đó. Khi viết một cách rõ ràng, bạn sẽ được đánh giá là người có uy tín. Những người khác sẽ dễ dàng tin tưởng bạn hơn.
Trong ngôn ngữ của thành công tồn tại một chiều không gian thứ ba. Có một thực tế đó là chúng ta có xu hướng cho rằng văn phong sẽ thể hiện tính cách hoặc ý định thực sự của người viết. Nếu ai đó viết theo lối thiếu tự nhiên, khoa trương, ta sẽ nghi ngờ rằng đây là người tự ti và không tin tưởng ta sẽ coi trọng thông tin của anh ta. Còn nếu ai đó liên tục sử dụng ngôn ngữ hoa mỹ hoặc dông dài, không chịu đi thẳng vào vấn đề, khi đó, có thể ta sẽ nghĩ rằng họ đang lừa đảo mình. Ví dụ, thiệt hại thực sự mà hai bức e-mail thảm họa do hai vị CEO kia viết không phải là làm sai lệch nhiệm vụ mà nhân viên phải làm hoặc cách thức các cán bộ quản lý cần thiết lập các ưu tiên của mình. Theo tôi thì thiệt hại thực sự đó là bạn không thể đọc những e-mail đó mà không chỉ trích tính cách của những người viết ra chúng. Như vậy thật không công bằng. Có thể những người đó vừa phải trải qua những ngày tồi tệ và gặp phải những lần trầm cảm mà thỉnh thoảng chúng ta vẫn trải qua. Có lẽ, họ đã không may ghi lại những trầm cảm đó và e-mail cho nhân viên của mình. Nhưng cho dù có công bằng hay không thì chúng ta vẫn có xu hướng đánh giá người khác theo cách họ viết. Ta làm việc đó một cách vô thức, nhưng rõ ràng là có.
Khi sử dụng ngôn ngữ của thành công, bạn nên có giọng văn riêng của mình. Văn bản bạn viết nên có nét đặc trưng. Tuy vậy, chúng ta lại thường sa đà vào việc sử dụng giọng văn giả tạo nghe không giống mình chút nào. Ta bắt chước những ngôn ngữ được dùng quanh mình. Trên thực tế, những ngôn ngữ đó tràn lan tới nỗi một nhân viên trẻ mới chân ướt chân ráo vào công sở có khi sẽ kết luận rằng chúng là ngôn ngữ “chính xác” được dùng trong kinh doanh. Một nhân viên dày dạn kinh nghiệm có khi cũng không còn thấy lối viết kỳ lạ đó kỳ lạ nữa. Giống như tiếng ù ù khó chịu phát ra từ điều hòa nhiệt độ, tiếng đập liên hồi trong ống nước, tiếng rít mỗi khi ta nhấn phanh, sau một thời gian thì những tiếng cọt kẹt, loảng xoảng, sột soạt mà những ngôn ngữ đó phát ra sẽ dần mờ vào nền. Tuy vậy, chúng vẫn tạo sự căng thẳng. Chúng vẫn gây ra những trở ngại trong giao tiếp hiệu quả. Chúng vẫn không hiệu quả. Và việc ta tìm cách loại bỏ chúng là vô cùng chính đáng.
4 LOẠI NGÔN NGỮ KHÔNG HIỆU QUẢ
Hãy luôn cảnh giác, bạn sẽ nhận thấy 4 loại ngôn ngữ không hiệu quả dưới đây vẫn xuất hiện một cách thường xuyên. Tôi gọi chúng là ngôn ngữ Tầm phào, Ngớ ngẩn, Thể hiện và Lươn lẹo. Chúng là thứ ngôn ngữ của thất bại, chứ không phải thành công. Đó là những ngôn ngữ mà bạn không hề muốn sử dụng. Nhưng không may là chúng ta bị chìm nghỉm trong chúng và nếu bạn không chịu suy nghĩ mà bắt chước theo những gì xem trong thư mục “Thư đến” của mình thì bạn sẽ bị sa vào chúng lúc nào không hay.
Tầm phào
Tầm phào là ngôn ngữ của những lời tuyên bố phóng đại, những nhận định mơ hồ và những lời quảng cáo cường điệu. Chúng ta thấy loại ngôn ngữ này trong các tài liệu marketing, website của các tập đoàn, trong các bản đề xuất hoặc thư chào hàng. Nhưng thứ ngôn ngữ này quỷ quyệt đến nỗi lén lút lẻn vào trong văn phong thường ngày của chúng ta.
Tôi đang làm việc với một khách hàng mới, do vậy, một trong những việc đầu tiên tôi làm để chuẩn bị cho buổi gặp đầu tiên là ghé thăm trang web của họ. Đây không phải là trải nghiệm vui vẻ. Trang web được thiết kế tốt, đồ họa đẹp và dễ dàng điều hướng. Vậy thì vấn đề là gì? Từ ngữ. Tất cả những thứ viết về các dịch vụ đều chứa những lời khuôn sáo và tẻ ngắt như là “tiên phong”, “hiện đại bậc nhất”, “đổi mới”, hay thậm chí cả cái từ bốc phét cũ rích là “hợp lực”. Khiếp! Các thông điệp của khách hàng thì mơ hồ và chẳng có chút thuyết phục nào.
Đặc tính của ngôn ngữ Tầm phào
1. Dùng các từ ngữ khuôn sáo.
2. Tuyên bố phóng đại.
3. Không có hoặc có cực ít bằng chứng.
Hầu hết các chuyên gia trong ngành bán hàng và marketing đều muốn viết một cách rõ ràng, súc tích và thuyết phục. Thật không may, dù ý định là thế nhưng họ lại thường tạo ra những bài viết lộn xộn, dông dài và không có tính thuyết phục. Tuy nhiên, học hỏi chưa bao giờ là muộn và phần thưởng tiềm tàng là vô cùng lớn. Nghiên cứu chỉ ra rằng nếu e-mail bạn gửi cho khách hàng được viết rõ ràng, súc tích và thuyết phục thì bạn có thể rút ngắn chu kỳ bán hàng xuống hơn 1/3. Ngay cả khi công việc của bạn không liên quan trực tiếp tới việc bán hàng nhưng nếu tránh sử dụng kiểu ngôn ngữ tầm phào, bạn có thể tạo ấn tượng tốt, được mọi người tôn trọng hơn và có thể tăng sức ảnh hưởng của bạn trong tổ chức.
Dưới đây là một ví dụ khác, một bức e-mail được gửi tới khách hàng tiềm năng mà trong đó sử dụng ngôn ngữ mơ hồ và những lời tuyên bố phóng đại nhưng thực ra lại chẳng nói lên được điều gì:
Chủ đề: Câu hỏi về sản phẩm
Kính gửi ông Brown,
Cảm ơn ông đã gửi câu hỏi về sản phẩm của chúng tôi. Wilcox DataFlex Inc. là công ty duy nhất đạt tiêu chuẩn phân phối các sản phẩm chất lượng thế giới. Chúng tôi cung cấp những sản phẩm tốt nhất thị trường với dịch vụ lấy khách hàng làm trọng tâm nhằm đưa ra những giải pháp liên tục. Cam kết của chúng tôi là trở thành đối tác của khách hàng để tạo ra các ứng dụng sáng tạo nhưng thân thiện người dùng.
Rất hy vọng được bàn thảo với ông về các ứng dụng của chúng tôi. Xin cho tôi biết thời gian nào là phù hợp với ông.
Trân trọng,
Stacie
Bạn thấy ấn tượng chứ? Thật ra là không. Trên thực tế, đoạn văn này rất có thể sẽ khiến cho tiện ích B.S Detector1 của khách hàng kêu lên như cái chuông báo cháy.
1 B.S Detector là tiện ích dùng để phát hiện và cảnh báo tin tức giả mạo.
Thế vì sao đoạn văn này lại không hiệu quả? Cái gì đã khiến cho ngôn ngữ trong đoạn văn nghe yếu ớt và giả tạo? Vấn đề chính là từ những lời tuyên bố đao to búa lớn nhưng lại không có lấy một mẩu bằng chứng. Sản phẩm chất lượng thế giới? Ai nói như vậy? Sản phẩm tốt nhất thị trường? Theo tiêu chuẩn nào? Liên tục? Nó có nghĩa là gì vậy?
Để tránh sử dụng ngôn ngữ tầm phào, ta cần bằng chứng cho các thông tin của mình. Giả sử e-mail đó được viết như sau:
Chủ đề: Câu hỏi về hệ thống đo ảnh điện DataFlex
Kính gửi ông Brown,
Cảm ơn ông đã gửi câu hỏi về sản phẩm của chúng tôi. Trong bảng câu hỏi trên trang web của công ty, ông đã viết mình quan tâm tới hệ thống đo ảnh điện.
Ngoài những tính năng thông thường về sản phẩm, còn có hai đặc điểm nổi trội quan trọng tạo sự khác biệt, đưa sản phẩm của chúng tôi trở thành lựa chọn đúng đắn cho nhiều ngân hàng trên thế giới và có thể điều này khiến ông quan tâm:
Đầu tiên, Wilcox DataFlex đã lắp đặt thành công các hệ thống đo ảnh điện cho hơn 500 tổ chức tài chính ở Bắc Mỹ, nhiều hơn bất kỳ công ty nào trong cùng ngành nghề.
Thứ hai, chúng tôi mang tới công nghệ mới nhất như scan kỹ thuật số. Ngoài ra, hệ thống còn được bảo hành một năm mà không phải chịu điều kiện ràng buộc gì và phòng dịch vụ luôn mở cửa 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần.
Do đó, khi lựa chọn sản phẩm của chúng tôi, ông sẽ có ba lợi thế: Thứ nhất, các hoạt động của công ty ông sẽ hoàn toàn tuân thủ mọi quy định của bang và liên bang. Thứ hai, ông sẽ cắt giảm được hơn 70% lượng giấy hàng ngày phải sử dụng trong công việc. Và thứ ba, tổng chi phí hoạt động của công ty sẽ giảm xuống do chi phí lưu trữ thông tin được giảm bớt. Trung bình trong vòng 3 năm qua, các khách hàng của chúng tôi đã tiết kiệm được hơn 275.000 đô la mỗi năm.
Chúng ta có thể nhận định xem liệu DataFlex có thể mang lại cho ông những lợi thế đó không trong 10 phút. Tất cả những gì chúng ta cần đó là tìm hiểu 3 câu hỏi đơn giản trong lúc trò chuyện. Ông có rảnh vào trước buổi trưa thứ Hai tuần tới để trao đổi ngắn qua điện thoại không? Và ông có cần tôi gửi bản demo chạy trên nền web của hệ thống để ông xem trực tiếp không? Vui lòng cho tôi biết liệu lịch thứ Hai tuần tới có phù hợp với ông không.
Trân trọng,
Stacie Alexander
Phiên bản thứ hai của bức thư hiệu quả hơn nhiều, đúng không? Nếu bạn nhận được bức thư này thì bạn sẽ thấy ấn tượng hơn phải không? Bí quyết nằm ở thông tin chứa trong đó. Nếu bạn có thể đưa ra những tuyên bố to tát, thì cứ việc đưa. Nhưng hãy nhớ đưa ra bằng chứng. Đừng để chúng trôi lềnh bềnh trên trang giấy như mấy cái túi chứa khí nóng khổng lồ.
Dưới đây là một số ví dụ về những từ Tầm phào điển hình. Bạn thử xem có từ nào quen không?
- Sản phẩm tốt nhất thị trường.
- Hiệu quả cao
- Hấp dẫn
- Cam kết chất lượng tuyệt hảo
- Đẳng cấp thế giới
- Hợp lực
- Tiên phong
- Thân thiện với người dùng
- Hiện đại bậc nhất
- Được tích hợp
- Tập trung vào chất lượng
- Đối tác
- Chất lượng có một không hai
- Liên tục
- Đổi mới
- Mạnh mẽ
Tại sao mọi người lại viết bằng ngôn ngữ Tầm phào? Không có thời gian, chắc thế. Thật khó để có thể tìm ra những bằng chứng xác đáng để bổ trợ cho những tuyên bố mà ta tin là đã quá rõ ràng. Do đó, ta rất dễ có xu hướng mặc kệ nó và đưa ra những tuyên bố với giả định rằng người đọc sẽ đồng tình. Đừng làm vậy. Không hiệu quả đâu.
Một lý do khác cho việc mọi người viết bằng ngôn ngữ Tầm phào đó là bởi họ thấy có quá nhiều ví dụ về thứ ngôn ngữ đó xung quanh mình. Đó là ngôn ngữ trong các quảng cáo trên đài phát thanh, trên TV, trên tờ rơi marketing. Chúng ta bị thứ ngôn ngữ đó oanh tạc mỗi ngày, thế nên chẳng có gì lạ khi ta bắt chước nó.
Chính cái thực tế là ta bị thứ ngôn ngữ đó oanh tạc lại khiến cho nó đặc biệt nguy hiểm hơn. Nếu bạn viết bằng ngôn ngữ Tầm phào, người đọc có thể sẽ hoài nghi về những gì ta đang nói. Nếu bạn làm như thể mình là tên cò mồi thì người đọc có thể sẽ giả định bạn chính là cò mồi. Sao tôi lại phải đi tin vào bạn khi cái gì cũng “đẳng cấp thế giới”, “tiên phong”, “liên tục”, “mạnh mẽ”, “chất lượng có một không hai”…?
Ngớ ngẩn
Ngớ ngẩn là thứ ngôn ngứ đầy quan liêu. Nó phức tạp, khoa trương, dài dòng một cách không cần thiết. Những chuyên gia về ngôn ngữ Ngớ ngẩn thường viết những câu dài dòng, sử dụng những từ đao to búa lớn, bao gồm cả những thuật ngữ kỹ thuật không được định nghĩa và thường sử dụng câu ở thể bị động. Do vậy, đọc kiểu văn này như thể phải lội qua một cái đầm lầy mà bùn đất níu từng bước chân.
George Orwell đã tấn công vào kiểu văn này trong bài luận nổi tiếng “Chính trị và tiếng Anh.” Ông lập luận rằng ngôn ngữ chính trị “được tạo ra để khiến những dối trá có vẻ đáng tin, giết chết các chuẩn mực và tạo ra vẻ chắc chắn cho những lời sáo rỗng.” Những nội dung mà Orwell thảo luận chủ yếu là về chính trị chứ không phải cách viết văn cho rõ ràng, nhưng những quan điểm của ông vẫn luôn đúng ngay cả khi chúng ta không bàn luận về chính sách ngoại giao. Theo quan sát của ông, hầu hết các bài diễn văn và bài viết trong giới chính trị gia đều là “bảo vệ cho những thứ không thể bảo vệ được,” thế nên đòi hỏi phải sử dụng lối nói quanh co, nói giảm nói tránh và sự mơ hồ. “Những làng mạc không có khả năng phòng thủ bị không kích, người dân bị đẩy ra vùng ngoại ô, gia súc bị chết vì súng máy, những căn nhà lá bốc cháy do bị đạn hỏa tiễn bắn vào: đó được gọi là thiết lập hòa bình,” Orwell đã viết như vậy và chúng ta phải cau mày khi thấy mọi chuyện vẫn không có nhiều thay đổi.
Đặc tính của kiểu ngôn ngữ Ngớ ngẩn
1. Câu chữ phức tạp thay vì câu chữ đơn giản.
2. Dùng các cấu trúc câu dài và phức tạp.
3. Lạm dụng việc sử dụng câu ở thể bị động.
Tuy nhiên, không phải chỉ có mỗi các chính trị gia mới tung hỏa mù như vậy. Bất kể người nào khi phải đưa ra một thông điệp khó nói nào đó thì đều có khả năng sa vào kiểu ngôn ngữ Ngớ ngẩn này. Ví dụ, hãy tưởng tượng những con người tài giỏi ghép các đoạn “hướng dẫn an toàn bay” mà tất cả chúng ta đều phải nghe khi máy bay đang nặng nề lăn bánh theo đường băng để chuẩn bị cất cánh. Đoạn hướng dẫn đó là ví dụ điển hình về ngôn ngữ Ngớ ngẩn. Bằng việc sử dụng ngôn ngữ kỳ quặc và những cách diễn tả trừu tượng lạ lùng, tiếp viên hàng không cung cấp cho chúng ta thông tin với mục đích đảm bảo an toàn mà không bắt ta phải tìm hiểu cặn kẽ thực tế phía sau những câu chữ đó. Hãy đối mặt với sự thật: Chúng ta cột chặt vào một ống kim loại mỏng manh mà sẽ sớm lao vun vút vào bầu khí quyển phía trên cao, nơi có nhiệt độ thấp và oxy thì khan hiếm đến mức chỉ một lỗ thủng nhỏ trên bề mặt ống kim loại đó thôi cũng đủ khiến tất cả chúng ta chết ngay tức khắc. Nếu có chuyện xảy ra ở độ cao thấp hơn thì chúng ta vẫn sẽ đối mặt với viễn cảnh đâm sầm vào mặt đất với tốc độ đạn bắn. Và nếu ta xoay xở mà tránh được cú đâm vào mặt đất với tốc độ gãy cổ đó (“gãy cổ” nghĩa đen ấy, những lời sáo mòn được sử dụng thật đúng chỗ!), ta vẫn sẽ đối mặt với viễn cảnh bị rơi xuống một vùng nước lớn, nhất là trên những chuyến bay vượt biển. Nhưng đừng sợ: “Trong trường hợp hạ cánh trên mặt nước, lớp đệm của ghế sẽ có thể được dùng như một thiết bị nổi.” Cái gì cơ?! Hạ cánh trên mặt nước? Thiết bị nổi?
Kiểu ngôn ngữ này đã lén lút lẻn vào trong những khía cạnh khác trong những bản hướng dẫn của họ. Họ không bảo chúng ta tắt các thiết bị điện tử đi. Không, họ yêu cầu ta “cho các thiết bị vào trạng thái tắt.” Và họ không bảo ta hãy thoát ra từ cửa trước. Không, chúng ta sẽ “rời khỏi máy bay” từ cửa “khoang trước”.
Nói chung, ta sẽ dễ dàng bắt gặp ngôn ngữ Ngớ ngẩn trong các văn viết hơn là văn nói. Phòng Nhân sự sẽ rất dễ sử dụng ngôn ngữ Ngớ ngẩn để thông báo về những thay đổi trong các quỹ phúc lợi chăm sóc sức khỏe. Nhóm kỹ sư thì sử dụng ngôn ngữ Ngớ ngẩn để cập nhật về tình hình dự án. Cán bộ quản lý cấp cao lại nghĩ rằng giải thích những mục tiêu trong năm mới bằng ngôn ngữ Ngớ ngẩn sẽ khiến nó trở nên ấn tượng hơn. Họ nói về việc “đạt được sự thu hút” trong thị trường, về việc “tăng băng thông” (mà có nghĩa là “độ phổ biến” chứ không liên quan gì tới lưu lượng mạng), về “đòn bẩy” các cơ hội, nguồn tài nguyên, ý tưởng cùng một loạt các thứ khác nữa và về việc “mở rộng độ đại chúng”. Tất cả những người này đều cho rằng mình đang giao tiếp theo cách thức vô cùng hiệu quả. Nhưng họ đã sai. Lần nào cũng sai. Thay vì thế, những gì họ đang viết nghe rất vớ vẩn và như thể đang cố bảo vệ thứ không thể bảo vệ được.
Dưới đây là ví dụ xuất sắc về một ý tưởng đơn giản nhưng được viết ra bằng ngôn ngữ Ngớ ngẩn:
Cấp bậc vấn đề của dự án cùng sự hạn chế thời gian chuẩn bị có nghĩa các lựa chọn cần được đưa ra để bảo đảm tính thành công của các quy trình phân tích tối quan trọng. Vậy nên, việc tận dụng những tương đồng có vấn đề và thúc đẩy các mối quan hệ nhằm chia sẻ tài nguyên và giải pháp là cần thiết để kiếm soát chi phí, quỹ dành cho nhân viên và đảm bảo kết quả tối đa từ những giải pháp hiệu quả.
Cá là khi bạn nhìn thấy từ “cấp bậc”, bạn đã biết là mình gặp rắc rối rồi. Phải không? Và khi nhìn thấy từ “vậy nên” bạn có thể sẽ muốn bật cười. Vậy nên…? Vậy nên cái gì?
Bài viết này rất khó hiểu bởi các câu quá dài, kết cấu kém và người viết thì dùng những từ đao to búa lớn. Câu đầu tiên dài hơn 30 từ. Để tham khảo, từ 15 đến 171 từ là độ dài trung bình phù hợp với một câu dành cho những người có học thức - kiểu người hay đọc Nhật báo Phố Wall, tạp chí The New Yorker, e-mail của bạn cũng như những văn bản khác. Do đó, câu đầu tiên đã dài gấp đôi bình thường. Và phòng trường hợp ta nghĩ rằng tác giả của kiệt tác này không thể viết được câu nào khác tương tự, thì anh ấy hoặc cô ấy đã mang tới cho chúng ta câu thứ hai, dài 32 từ.
1 Con số 15 đến 17 từ cho một câu mà tác giả đề cập tới là số từ dành cho văn bản viết bằng tiếng Anh.
Được rồi, nếu bạn phải dịch đoạn văn này từ Ngớ ngẩn sang ngôn ngữ thành công thì nó sẽ thế nào? Có ai đoán được không?
Phải thừa nhận là tôi cũng không chắc lắm, nhưng tôi nghĩ tác giả đang cố gắng nói thế này:
Chúng ta đang gặp một số vấn đề lớn và không có nhiều thời gian chuẩn bị. Việc đưa ra quyết định đúng đắn ngay từ ban đầu là vô cùng quan trọng. Tôi đề xuất chúng ta tìm kiếm các vấn đề tương tự và tìm các quy trình ảnh hưởng tới nhiều bộ phận của công ty. Nhờ đó mà những giải pháp chúng ta tạo nên mới có thể tác động mạnh nhất và ta có thể giữ chân nhân viên cũng như kiểm soát được các chi phí.
Phải nói lại lần nữa là tôi chỉ đoán thế thôi. Nhưng ngay cả nếu tôi đoán sai thì chí ít phiên bản sửa đổi này cũng dễ hiểu hơn.
Dưới đây là một ví dụ nữa về ngôn ngữ Ngớ ngẩn:
Nova là công ty dẫn đầu ngành trong các chương trình kinh doanh chiến lược liên quan tới mối quan hệ giữa các nhu cầu của khách hàng và các triết lý kinh doanh của chúng tôi về Quản lý Chất lượng Tổng thể. Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp chương trình kinh doanh đáp ứng được hai tiêu chí cụ thể sau.
A. Đáp ứng các nhu cầu của khách hàng bằng việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ khách hàng vô cùng linh hoạt với chất lượng cao nhất, giảm chi phí vận hành và tăng lợi nhuận.
B. Tạo lợi nhuận tài chính cho Nova để đảm bảo khả năng Nova trở thành đối tác kinh doanh dài hạn.
Đoạn văn này không quá tệ. Nó chỉ hơi cứng nhắc và khoa trương. Và nó hoàn toàn không phù hợp với đối tượng người đọc, bởi đoạn trích này nằm trong một bản đề xuất, một văn bản dành cho khách hàng, chứ không phải nhân viên công ty. Chắc bạn cũng nhận ra văn bản này có nghĩa là trong lĩnh vực quản lý chất lượng, chúng ta muốn một chương trình bao gồm 2 điều. Đó là mục tiêu của chúng ta. Rõ ràng là chúng ta chưa đến mức đó. Chúng ta chưa thực sự sở hữu một chương trình Quản lý Chất lượng, nhưng mà này, một công ty thì cũng có phải có ước mơ chứ, đúng không nào? Chúng ta thậm chí còn có cả các tiêu chí chỉ dẫn cho việc lựa chọn một chương trình giúp ta đạt được mục tiêu của mình. Đầu tiên, chúng ta muốn làm khách hàng vui bằng cách cung cấp cho họ dịch vụ tốt đồng thời lại cắt giảm chi phí và tăng lợi nhuận cho ta. (Khoan… Đó có phải điều ta thực sự muốn nói với khách hàng không?) Thứ hai, chúng ta quan tâm tới chương trình quản lý chất lượng cho phép kiếm được thật nhiều tiền để đảm bảo ta tồn tại được một thời gian dài. Nói cách khác, khi biến thứ ngôn ngữ này thành những cách nói thông dụng hàng ngày, thì ta đang nói với khách hàng rằng thật ra ta đang làm lợi cho bản thân.
Nhưng đó là một trong những lý do để sử dụng ngôn ngữ Ngớ ngẩn. Đó là cách nói cái gì đó thật mơ hồ mà (ta hy vọng rằng) người đọc sẽ không nhận ra ta vừa nói gì. Dù là đang bảo vệ cho thứ không thể bảo vệ được hay chỉ là đang che giấu việc không có một chương trình kiểm soát chất lượng cơ bản nào thì ta vẫn đang dùng thứ ngôn ngữ khoa trương, những câu văn phức tạp và những từ đao to búa lớn giống như cách các ảo thuật gia sử dụng thuật đánh lạc hướng.
Thể hiện
Thể hiện là kiểu ngôn ngữ quá kỹ thuật hoặc quá mơ hồ đối với người đọc. Người ta sử dụng kiểu ngôn ngữ Thể hiện khi họ không dành thời giờ để nghĩ về người đọc. Họ không dừng lại mà cân nhắc xem liệu người nhận được văn bản đó có chung học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật, hay thậm chí là có cùng vốn từ vựng với người viết hay không. Những người viết lười nhác là những người lúc nào cũng sử dụng ngôn ngữ Thể hiện và không bận tâm tới người đọc. Thay vào đó, họ viết cho đối tượng độc giả duy nhất đối quan trọng với mình: bản thân họ. Họ sử dụng một loạt các biệt ngữ, từ viết tắt và những tham chiếu khó hiểu mà chỉ những người có kiến thức giống họ về chủ đề đó thì mới hiểu nổi. Và khác với ngôn ngữ Ngớ ngẩn, ngôn ngữ Thể hiện lại không chỉ có ở văn viết. Bạn cũng có thể thấy ngôn ngữ này trong hội thoại và thuyết trình.
Đặc tính của ngôn ngữ Thể hiện
1. Không quan tâm tới nhu cầu của người đọc.
2. Sử dụng quá nhiều biệt ngữ và từ viết tắt.
3. Tập trung vào chi tiết kỹ thuật thay vì vào chức năng hay kết quả.
Chúng ta bắt gặp ngôn ngữ Thể hiện ở khắp nơi. Gần đây, bà mẹ 85 tuổi của tôi muốn mua một chiếc TV mới. Bà không chắc mình nên chọn cái nào, nên tôi và vợ đề nghị đi cùng. Chúng tôi vẫn thường mua sắm tại Costco bởi giá ở đây rẻ hơn mà nhân viên vẫn được đối xử tử tế. Vấn đề là khi chúng tôi xem các tấm thiếp nhỏ in thông tin mô tả về các dòng TV khác nhau thì chúng tôi chẳng hiểu nó đang nói cái gì.
Ừm. Chúng tôi quyết định rằng lần này mình cần một nhân viên bán hàng. Thế là chúng tôi chậm rãi đi ngang qua bãi đỗ xe để đến một trong những cửa hàng điện tử có tên Big Box. Chúng tôi nghĩ mình vẫn có thể có giá tốt mà lại còn được nghe những lời khuyên bổ ích.
Sau khi chúng tôi đứng nhìn chằm chằm một lúc vào bức tường treo TV, nhân viên bán hàng tiến tới. “Mọi người cần gì ạ?” anh ta hỏi.
“Mẹ tôi muốn mua một cái TV mới,” tôi đáp. Mẹ tôi trang trọng gật đầu.
“Vậy ư? Thế anh muốn loại plasma hay LCD?” “Cái gì cơ?”
“Plasma hay LCD?”
Tôi nhìn mẹ. Mẹ nhìn tôi. Hai chúng tôi nhìn sang vợ tôi. Cô ấy cũng nhún vai.
“Tôi không biết nữa. Cái nào thì tốt hơn?”
“Còn tùy. Ông muốn tìm loại phân giải cao hay chỉ cần HD thôi? DLP hay ETV? Ông muốn màn hình 6:9 hay 4:3?”
Anh ta đứng đó nghiêng đầu, giậm giậm chân sốt ruột.
Mẹ tôi quan sát anh ta với vẻ mặt sửng sốt. Rồi bà quay sang tôi và nói với giọng tổn thương, có vẻ như trách móc, “Con không hề nói với mẹ là người ta sẽ hỏi mình. Mẹ không biết là sẽ bị hỏi.”
Chúng tôi lại thử sang một cửa hàng khác và nói như Yogi Berra1 thì lại là cảm giác déjà vu2. Chúng tôi đứng trên mảnh đất của ngôn ngữ Thể hiện và chẳng hiểu gì cả. Cuối cùng, chúng tôi đánh liều mua một chiếc với hình ảnh đẹp và có in tên thương hiệu nổi tiếng ở phía trước. Cửa hàng đó nói với chúng tôi là có thể đổi lại nếu nó không hoạt động.
1 Cầu thủ kiêm người quản lý, huấn luyện viên bóng chày huyền thoại của Mỹ.
2 Hiện tượng mà một người cảm thấy mình đã từng trải qua chuyện tương tự.
Tin tốt lành là mẹ tôi rất thích chiếc TV đó, nên tất cả đều tốt đẹp. Nhưng đó chỉ là ăn may thôi, bởi chúng tôi chẳng thể tìm ra một nhân viên bán hàng nào có thể nói bằng thứ tiếng Anh đơn giản về những lựa chọn mà các dòng máy đó mang lại và vì sao chúng tôi nên quan tâm.
Chí ít thì trong những tình huống nói chuyện trực tiếp như thế, chúng ta còn có thể hỏi và yêu cầu làm rõ. Chúng ta sẽ không thu được nhiều kết quả lắm từ câu trả lời nhưng chuyện đó cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, khi nhận e-mail từ một trong những nhân viên bán hàng như thế, chúng ta còn chẳng thể yêu cầu họ trả lời. Ta sẽ bị mắc kẹt.
Thế sao mọi người lại sử dụng ngôn ngữ Thể hiện? Khi giao tiếp với đồng nghiệp thì các biệt ngữ, từ viết tắt và các loại thành tố khác của ngôn ngữ Thể hiện thường sẽ hữu ích. Phần lớn các đồng nghiệp đều sẽ hiểu những thuật ngữ giống như ta, do vậy nói chuyện hoặc viết bằng ngôn ngữ đó sẽ hiệu quả. Các luật sư nói ngôn ngữ chuyên ngành luật với các luật sư khác, các bác sĩ và y tá nói ngôn ngữ y khoa với nhau, v.v… Ngoài tính hiệu quả khi có thể nói tắt thì nó còn tạo cảm giác đoàn kết trong một nhóm và thậm chí là cảm giác trên phân một chút so với những người ngoài cuộc. Chúng ta đều thuộc vào một nhóm nhất định nào đó, bởi chúng ta hiểu những thuật ngữ của nhóm đó. Ta là người trong cuộc.
Được rồi, tốt thôi. Hãy cứ sử dụng biệt ngữ với nhau đi. Nhưng đừng quên là sẽ có vấn đề phát sinh khi bạn sử dụng ngôn ngữ đó với chúng tôi. Bạn nhớ chúng tôi - các khách hàng chứ? Những người trả lương cho bạn?
Nếu công việc bạn đang làm có sử dụng những thuật ngữ, từ viết tắt và các kiểu ngôn ngữ Thể hiện khác, hãy thử quan sát chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn về nhà sau một ngày vất vả. Giả sử bạn là một chuyên gia công nghệ thông tin và bạn mất nguyên một ngày vật vã tạo cổng truy nhập dữ liệu về khách hàng của đối tác từ một ứng dụng phần mềm, một cơ sở dữ liệu được lắp đặt trên máy chủ đặt tại văn phòng của cô ấy và đưa vào một ứng dụng phần mềm khác, lần này là cơ sở dữ liệu nằm đâu đó trên web và có sẵn ở dạng dịch vụ trả phí. Và trong quá trình thực hiện, bạn phải bảo toàn được một số thông tin và lệnh khởi động được nhúng vào. Đây không phải công việc nhàn hạ nhất thế giới, nhưng cũng không phải công việc nặng nhọc nhất, bởi đây là thứ bạn làm. Khi bạn bước vào nhà, bạn đời của bạn rạng rỡ cười hỏi, “Chào anh yêu. Hôm nay anh làm việc thế nào?” Và ngay tại thời điểm đó, tim bạn có thể chùng xuống, bởi việc dịch những việc bạn làm sang ngôn ngữ thông dụng, dễ hiểu hàng ngày để người bạn đời sáng dạ nhưng không có kiến thức kỹ thuật của bạn hiểu được là vô cùng khó khăn. Bạn chỉ muốn uống một cốc bia. Thế là bạn mỉm cười và nói, “À, không có gì đâu.”
Để có thể ngừng sử dụng ngôn ngữ Thể hiện và chuyển sang dùng ngôn ngữ của thành công, chúng ta cần tăng tính linh hoạt để có thể viết ở cấp độ phù hợp với đối tượng độc giả. Chúng ta không thể vứt ra trên mặt giấy mấy từ Thể hiện cũ rích rồi trông chờ người đọc sẽ làm việc đó cho ta. Họ không phải làm thế. Có khi họ không có khả năng. Họ không thể ngay lập tức có được những kiến thức chuyên sâu, đầy ngụ ý giúp ngôn ngữ Thể hiện trở nên dễ hiểu đối với những người đã thực sự hiểu nó. Để có thể đạt được cấp độ trôi chảy đó thì phải mất hàng tuần, có thể là hàng tháng, thậm chí hàng năm trải nghiệm nó. Hãy nhớ lại lần cuối cùng bạn bắt đầu đi làm một công việc hoàn toàn mới, hay thậm chí là một công việc tương tự ở một công ty mới. Có bao nhiêu buổi họp mà bạn chỉ ngồi yên, không hiểu các đồng nghiệp mới đang nói cái gì? Bạn phải mất bao lâu thì mới đạt được trình độ không cần người khác giải nghĩa các từ viết tắt nữa?
Nếu bạn chuẩn bị phải viết e-mail cho một khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng, bạn có thể sẽ nhận ra rằng việc sử dụng các thuật ngữ riêng hay từ viết tắt là không hiệu quả. Nếu là viết cho đồng nghiệp đọc thì có thể bạn sẽ bớt lo lắng về việc này. Tuy nhiên, nếu người đồng nghiệp đó lại làm việc ở bộ phận khác thì có thể cô ấy cũng sẽ không quen với phiên bản ngôn ngữ Thể hiện của bạn so với người ngoài là mấy. Bạn có nghĩ rằng anh chàng Dave phòng Kế toán có thể hiểu nổi bức thư của Warren phòng IT không?
Chủ đề: Vé P3 dành cho FIMS
Dave này,
Đây là các vé P3 được ưu đãi dành cho FIMS. Anh sẽ thấy là có một số vé được ưu đãi và những vé khác thì không nhưng vẫn cần chú ý bởi chúng được đánh giá là quan trọng hơn những vé p3 đang xếp ở cấu trúc hàng đợi khác. Chú ý là BIM còn có một câu hỏi đó là liệu mã 3274609 có cần phải nâng cao không. Tôi mong sẽ được giải đáp vấn đề trong tuần này.
Warren
Không. Chắc là không.
Để tránh sử dụng ngôn ngữ Thể hiện ở những chỗ mà người khác không hiểu, bạn có thể tưởng tượng thế giới công việc của mình giống như một chuỗi những vòng tròn đồng tâm như trong hình 2.1. Bạn đứng ở trung tâm, là chuyên gia trong lĩnh vực công việc của bạn và của ngôn ngữ chuyên ngành đi kèm với nó. Trong vòng tròn nhỏ đó, còn có một vài bậc thầy khác, nhưng không nhiều. Ở vòng tròn ngay bên ngoài là những người nhận diện được một số thuật ngữ phổ biến hơn - một số thuật ngữ quan trọng về công nghệ, tên sản phẩm và các lựa chọn, các quy trình cốt lõi bạn thực hiện, đại loại như thế. Tuy nhiên, họ không có hiểu biết chuyên sâu. Tiến ra phía vòng ngoài tiếp theo là những người có tầm hiểu biết cơ bản. Họ không nhận diện được những từ viết tắt hay biệt ngữ sử dụng nội bộ, mặc dù họ có biết một số thuật ngữ và khái niệm cơ bản của ngành. Và ở vòng ngoài tiếp theo là rất nhiều người - những người bình thường, thông minh, được giáo dục tốt nhưng chẳng qua là không hiểu gì về lĩnh vực của bạn. Bạn là kế toán còn họ là kỹ sư dân dụng. Bạn là dược sĩ còn họ là đại diện bất động sản. Gì cũng được. Chúng ta phải đơn giản hóa mọi vấn đề xuống kiểu ngôn ngữ chân phương dành cho những con người đó.
Hình 2.1 Đối tượng độc giả và mức độ quen thuộc của họ đối với ngôn ngữ chuyên ngành của bạn
Hãy quên đi trong chốc lát tấm bản đồ công việc này giống tới rùng mình với những hình dung của Dante về Hỏa ngục. Nếu có thời giờ, tôi sẽ nói về chuyện này sau. Giờ chúng ta hãy chỉ tập trung vào hai vấn đề chính. Đầu tiên, có rất, rất ít người đứng được cùng với bạn ở vòng tròn trong cùng. Và thứ hai, chúng ta hầu như luôn đánh giá quá cao khả năng thấu hiểu của người khác. Cách tốt nhất để quẳng ngôn ngữ Thể hiện đi và bắt đầu sử dụng ngôn ngữ của thành công đó là liên tục phải đơn giản hóa. Hãy nhớ: Nếu thông điệp của bạn quá đơn giản và rõ ràng, thì cũng chẳng có gì nguy hại, nhưng nếu nó quá phức tạp và khó hiểu, bạn có nguy cơ đánh mất người đọc. Bạn có thể khiến họ xa lánh mình. Và đó mới là cực kỳ nguy hại.
Lươn lẹo
Lươn lẹo là ngôn ngữ èo uột và thậm chí có phần lén lút. Nó tránh phải đề cập thẳng thắn tới bất kể thứ gì. Thay vào đó, bất kỳ một sự xác nhận nào cũng đều đáng chết. Các từ và cụm từ được liên tục sử dụng để tạo thành hàng rào bao lấy ngữ nghĩa mà nó chứa đựng.
Dưới đây là một ví dụ, trong đó, những từ và cụm từ Lươn lẹo được bôi đậm:
Kính gửi Tiến sĩ Isawaki,
Chúng tôi muốn được gửi lời cảm ơn ông vì cho phép chúng tôi gửi bản đề xuất. Chúng tôi xem đây là dự án thực sự quan trọng, và tin tưởng rằng có thể tạo thêm giá trị cho nó. Trước tiên, khi hợp tác với một tổ chức nghiên cứu nơi đã tiến hành hơn 500 dự án toàn cầu và sở hữu cơ sở dữ liệu khổng lồ của hơn 700 trường đại học và lĩnh vực tư nhân sẽ có thể tạo thêm giá trị to lớn cho dự án này.
Ông có thể chắc chắn rằng chúng tôi sẽ cử đội ngũ quản lý giỏi nhất cho dự án này. Chúng tôi cảm thấy vô cùng tự tin bởi với kinh nghiệm chuyên môn của mình, các kết quả từ nghiên cứu Giai đoạn 1 và cơ sở dữ liệu của các nhóm nghiên cứu thì dự án này có khả năng sẽ đạt được theo đúng các mốc thời gian đặt ra.
Nói chung, chúng tôi tin tưởng rằng sẽ đề xuất được cho ông một giải pháp hiệu quả, dựa trên những thông tin chúng tôi có tại thời điểm này. Chúng tôi mong rằng trong tương lai có thể khám phá thêm các chi tiết khác của dự án ở cấp độ sâu hơn, nhưng hiện tại, chúng tôi hy vọng rằng đề xuất ban đầu này sẽ mang đến khả năng xem xét cho chúng tôi được nhận hợp đồng.
Trân trọng,
Cynthia Osgood
Tội nghiệp Cynthia. Cô ấy có lẽ tin rằng mình đã viết một bức thư đầy thuyết phục cho Tiến sĩ Isawaki. Nhưng trái lại, cô ấy lại viết ra một bức thư có vẻ nịnh bợ và yếu ớt.
Cũng giống những ngôn ngữ khác mà chúng ta vừa thảo luận, ngôn ngữ Lươn lẹo là sự kết hợp nhất định của các lựa chọn từ vựng và cấu trúc câu. Cụ thể, nó liên quan tới việc sử dụng:
• Từ ngữ Lươn lẹo
• Thể bị động
• Thể giả định
Từ ngữ Lươn lẹo: Có một số “từ Lươn lẹo” cụ thể có khả năng thay đổi ngữ nghĩa của điều bạn định nói sang một điều hoàn toàn ngược lại. Các từ và cụm từ Lươn lẹo bao gồm “có khi”, “có khả năng”, “có thể”, “hầu như”, “lên tới”, “bằng với”, “giúp”, “muốn”, “tin tưởng”, “rất có thể” và vô số các từ đánh giá tương tự khác.
Một số từ Lươn lẹo là những từ đánh giá. Chúng mang lại cho ta sự bảo vệ, nói như ở Washington thì là “khả năng phủ nhận hợp lý.” Việc gì đó “có thể sẽ” xảy ra. Kết quả “có khả năng” cho thấy. Trong kinh doanh, việc sử dụng những thuật ngữ như vậy là bình thường, bởi bạn không muốn cam kết một điều mà bạn không thể đảm bảo. (Hoặc luật sư không muốn bạn đưa ra cam kết mà sẽ tạo khả năng gây tranh chấp sau này.) “Phân tích của chúng tôi chỉ ra rằng năng suất của cơ sở Sheridan có thể tăng thêm 10% nếu chúng ta sử dụng cách thức sắp xếp thứ tự mới trong nhà kho.” Được rồi, chúng ta thành thật tin tưởng rằng năng suất sẽ tăng và các con số gợi ý là khoảng 10%, nhưng hãy đối mặt với sự thật - nhà kho có thể bị lốc xoáy vào tuần tới vậy thì năng suất sẽ ra sao? Cẩn trọng trong lời nói là hợp lý. Chúng ta không muốn người khác hiểu nhầm.
Đặc tính của ngôn ngữ Lươn lẹo
1. Khoa trương mọi tuyên bố.
2. Tập trung vào “có khả năng” thay vì “sẽ”và “có thể”.
3. Trốn tránh trách nhiệm.
Đôi lúc, người ta sử dụng các từ đánh giá với mục đích là cố tình tạo ra ấn tượng giả. Vài năm trước, một trong những đối thủ trong cuộc chiến dữ dội giữa các doanh nghiệp phần mềm đã tuyên bố đạt “100% khách hàng thỏa mãn” trên dòng tít khổng lồ trong quảng cáo của công ty đó. Chỉ tới khi bạn dò dẫm xem được dòng chữ in nhỏ xíu ở góc dưới cùng của trang thì mới phát hiện ra những đặc tính kỹ thuật của sản phẩm đã khiến cho cái thống kê kia trở nên vô nghĩa.
Một vấn đề khác nảy sinh khi chúng ta bắt đầu sử dụng các từ Lươn lẹo một cách liên tục, ngay cả khi không cần thiết phải hạn chế hay làm giảm nhẹ những tuyên bố mà ta vừa đưa ra. Nếu kiểu ngôn ngữ đó trở thành thói quen thì ta đã tạo cho người khác ấn tượng rằng mình là kẻ lén lút. Đó không phải động thái khôn ngoan. Nói cách khác, khi dùng ngôn ngữ Lươn lẹo, “chúng ta có khả năng tạo ra một ấn tượng rằng mình rất có thể trở thành kẻ lén lút. Đó có khi không phải là một động thái khôn ngoan.”
Thể bị động: Hẳn là bạn đã nhìn thấy cụm từ “thể bị động” (passive voice) khi sử dụng chức năng kiểm tra chính tả và ngữ pháp của Microsoft Word. Sinh vật nhỏ bé với nhiệm vụ biên tập của Word sẽ vẽ một đường kẻ nguệch ngoạc dưới động từ của bạn, và khi bạn nhấn chuột phải vào cái dòng chữ xúc phạm đó, bạn sẽ nhận được lời nhắn thế này: “Thể bị động (cân nhắc điều chỉnh lại)”. Được thôi. Nhưng thế nghĩa là gì? Ta thay đổi bằng cách nào? Và tại sao thể bị động lại không tốt?
Tôi sẽ trả lời câu hỏi cuối trước tiên: Xét về mặt ngữ pháp, nó chẳng có gì không sai cả. Trong tiếng Anh, việc tạo câu ở thể này là hoàn toàn hợp lý. Nhưng nó sẽ có xu hướng khó giải mã hơn và đôi lúc lại không rõ ràng lắm. Kết quả là nếu có quá nhiều cấu trúc bị động, bài viết của bạn sẽ khó đọc hơn.
Để trả lời câu hỏi nó có nghĩa là gì: “Thể” đơn
giản là thuật ngữ trong ngữ pháp, mô tả mối quan hệ giữa chủ ngữ với động từ của câu. Trong tiếng Anh, chúng ta có 3 cách khác nhau để cấu thành câu dựa trên thể: thể chủ động, thể bị động và mệnh lệnh thức. Trong câu ở thể chủ động, chủ ngữ thực hiện hành động được mô tả bởi động từ. Ví dụ:
Chúng tôi đã trình bày bản thiết kế đã chỉnh sửa cho nhóm đánh giá kiến trúc của khách hàng vào thứ Ba.
Chúng tôi là chủ ngữ của câu. Và Chúng tôi đã làm cái gì? Rõ ràng Chúng tôi đã trình bày. Nhưng nếu ta muốn đổi câu đó sang thể bị động thì sao? Trong câu ở thể bị động, chủ ngữ về mặt ngữ pháp không thực hiện cái gì cả. Thay vào đó, nó nhận hành động đó. Nếu đảo câu mẫu phía trên thành thể bị động, ta sẽ viết thế này:
Bản thiết kế đã chỉnh sửa được trình bày cho nhóm đánh giá kiến trúc của khách hàng vào thứ Ba.
Bản thiết kế giờ trở thành chủ ngữ của câu và bản thiết kế đó không thực hiện hành động nào. Có thứ gì đó xảy ra với nó - nó được trình bày. Nó có nghĩa gần như y hệt với câu chủ động. Nét khác biệt đó là cái được nhấn mạnh. Trong câu đầu tiên, sự tập trung hướng tới sự kiện - việc chúng tôi trình bày bản thiết kế. Ở phiên bản thứ hai, chúng ta nhấn mạnh vào cái mà chúng ta trình bày: Bản thiết kế, chứ không phải ngân sách, được trình bày. Tuy nhiên, cần chú ý rằng khi đó, chúng ta không còn rõ ai đã thực hiện việc trình bày. Thể bị động đôi khi làm chúng ta lẫn lộn về người thực hiện hành động - tôi cho rằng đây là đặc tính rất hoàn hảo cho những người muốn trốn tránh trách nhiệm.
Chúng ta sử dụng mệnh lệnh thức khi yêu cầu người khác hoặc đưa ra chỉ dẫn. Trong câu mệnh lệnh thức, chủ ngữ về mặt ngữ pháp đã bị lược bỏ nhưng vẫn được hiểu ngầm - chính bạn là người sẽ thực hiện hành động nêu ra trong câu. Dưới đây là ví dụ về câu mệnh lệnh:
Hãy trình bày bản thiết kế đã chỉnh sửa của chúng ta cho nhóm đánh giá kiến trúc của khách hàng vào thứ Ba.
Ở đây, một người quản lý nào đó đang ra lệnh cho chúng ta. Nó có ý nghĩa khác hẳn so với hai phiên bản câu đầu tiên, bởi việc trình bày hoàn toàn chưa diễn ra. Đó là lý do mà người khác bảo ta thực hiện.
Đến giờ thì vẫn chưa có vấn đề gì. Vậy việc sử dụng câu bị động thì có làm sao? Vì sao việc đó lại quan trọng? Có hai lý do.
Thứ nhất, thể bị động đảo ngược cấu trúc bình thường của câu - cấu trúc mà ta tạo ra một cách tự phát đến khoảng 90% và là cấu trúc mà ta được nghe và đọc thường xuyên nhất. Việc không quen thuộc đó khiến cho nó khó giải mã hơn đôi chút.
Thứ hai, như tôi đã đề cập trước đó, nếu bạn không thể xác định ai đã thực hiện hành động, thì câu bị động có thể sẽ là mơ hồ, khó hiểu và thậm chí còn gây nhầm lẫn. Dưới đây là một ví dụ khác có xu hướng sử dụng ngôn ngữ Lươn lẹo:
Kế hoạch mua sắm của chúng tôi tạo cơ hội cho Bệnh viện Sierra Valley tạo ra hơn 5.000.000 đô la từ tiền tiết kiệm, phí chuyển giao tài nguyên, tiền thu được do giảm chi phí dự toán và các dịch vụ/tài nguyên bổ trợ có thể tiếp cận được để giảm chi phí chuỗi cung nhưng vẫn nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng chăm sóc bệnh nhân được Sierra Valley cung cấp.
Tiếp cận được bởi ai? Nhà cung cấp làm việc đó thay mặt bệnh viện Sierra Valley à? Hay nhân viên bệnh viện phải tự mình làm việc đó? Hay câu này thực chất muốn nói rằng việc tiếp cận các công cụ giảm chi phí khác nhau đó chỉ mang tính giả định? Rằng chúng có thể được tiếp cận dưới một số điều kiện nhất định? Ừm…
Trước đó, chúng ta đã xem những ví dụ kinh khủng thuộc ngôn ngữ Ngớ ngẩn, nhưng một phần của sự khó hiểu của nó xuất phát từ việc dùng thể bị động sai cách:
…các lựa chọn cần được đưa ra để đảm bảo tính thành công của các quy trình phân tích tối quan trọng.
Được rồi, các lựa chọn cần được đưa ra. Nhưng bởi ai? Tư vấn viên? Hay khách hàng?
Vì sao câu bị động lại không hiệu quả
Nó đảo ngược mối quan hệ thường có giữa chủ ngữ và động từ.
Nó làm giảm khả năng lĩnh hội.
Đôi lúc nó tạo sự mơ hồ về chủ thể của hành động.
Thể giả định: Nhân tố thứ ba trong ngôn ngữ Lươn lẹo đó là việc lạm dụng thể giả định. Lại thêm biệt ngữ về ngữ pháp! Nhưng cái này thì khá dễ hiểu. Khi chúng ta nói về cái gì đó là thật, chúng ta sử dụng câu ở thức chỉ định.
Với tư cách là kế toán viên của ông, tôi thành thật khuyên ông nên tăng số tiền giữ lại hàng quý để phòng trường hợp xảy ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng tiền mặt khi đến kỳ thanh toán thuế.
Nếu ai đó không phải kế toán của ta mà đưa ra lời khuyên này thì cô ấy có thể (nếu cô ấy giỏi ngữ pháp) dùng câu đó trong thể giả định:
Nếu tôi là kế toán viên của ông, tôi sẽ thành thật khuyên ông nên tăng số tiền giữ lại hàng quý để phòng trường hợp xảy ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng tiền mặt khi đến kỳ thanh toán thuế.
Bạn có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt, tôi dám chắc, nhưng tôi đã đánh dấu những động từ lạ mà khiến câu trở thành thể giả định.
Chúng ta sử dụng thể giả định để nói thứ gì đó mang tính hư cấu và giả thiết. Vấn đề - nhân tố Lươn lẹo - phát sinh khi ta sử dụng nó để nói về thứ gì đó mà không nên mang tính giả định. Nếu sử dụng thể giả định để truyền đạt về thứ gì đó đáng lẽ nên là một ý kiến hay một thông tin thực tế, ta sẽ tạo sự nhầm lẫn.
Một trong những ví dụ xấu xí nhất, điển hình nhất về việc sử dụng ngôn ngữ Lươn lẹo là khi một nhân vật của công chúng phải xin lỗi về những hành vi không hay của mình. Tổng thống Nixon đã thể hiện trình độ lão làng về ngôn ngữ Lươn lẹo khi nhục nhã từ chức Tổng thống. Khi rời văn phòng, ông nói rằng, “Tôi hối tiếc sâu sắc về bất kỳ thương tổn nào có thể đã xảy ra trong suốt quá trình dẫn tới quyết định này. Tôi chỉ có thể nói rằng nếu một số quyết định của tôi có là sai lầm và một số đúng là sai lầm, thì chúng được đưa ra tại thời điểm mà tôi tin rằng có lợi cho quốc gia.”
Trước hết, cần lưu ý rằng ngay cả khi đang bị tống cổ khỏi Nhà Trắng, ông ấy vẫn không công nhận bất kể việc gì mình làm hoặc ủy quyền người khác làm đã gây thiệt hại. “Tôi hối tiếc sâu sắc về bất kỳ thương tổn nào có thể đã xảy ra…” Nghe thì giống một lời xin lỗi nhưng thực tế lại không phải vậy. Vế sau của lời nhận xét, mà ông ấy thừa nhận rằng một số “quyết định là sai lầm,” lại giống như một dạng của khí cười khi ông ấy nói rằng toàn bộ các quyết định của mình được đưa ra “tại thời điểm mà tôi tin rằng có lợi cho quốc gia.”
Đúng là Tricky Dick1! Nhưng chúng ta cũng sẽ thấy những siêu phẩm ngôn ngữ Lươn lẹo của những người hàng ngày ta cùng làm việc. Hãy đọc những câu dưới đây và tự hỏi: Mình có tin những người này không?
1 Tricky Dick là biệt hiệu mà đối thủ của Nixon là Helen Gahagan Douglas đặt cho trong quá trình cả hai tranh ghế nghị sĩ ở California năm 1950. “Dick” là tên thân mật của “Richard”. “Tricky” có nghĩa là mưu mô, thủ đoạn.
Thể giả định
1. Viết ở thể giả định khiến cho mọi tuyên bố đều mang tính giả thiết.
2. Sử dụng từ giả định giống như việc dùng ma tuý đá - nó sẽ nhanh chóng gây nghiện.
Bằng việc áp dụng chiến dịch quảng cáo trên đài phát thanh mà chúng tôi đề xuất, ông có thể sẽ thấy doanh thu và thị phần tăng lên tới hơn 30%.
(Ồ, ông có thể sẽ… Nhưng mà nó chỉ xảy ra một lần. Đó là lý do chúng tôi nói từ “lên tới.” Đó là thứ tốt nhất mà bất kỳ ai từng đạt được và đó có thể là lỗi tính toán sai.)
Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn ông vì đã cho phép chúng tôi gửi bản đề xuất mà chúng tôi tin rằng có thể mang tới rất nhiều giá trị gia tăng.
(Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn ông, nhưng chúng tôi đã phải làm việc thâu đêm để hoàn thành việc này, thế nên chúng tôi chẳng cảm thấy biết ơn gì lắm. Và để nói về cái mà ông tin tưởng, thì tất cả những gì tôi có thể nói đó là tôi vẫn tin là có Ông già Noel và tôi chưa hề nhận được chú ngựa con tôi yêu cầu, nên là…)
Bộ khởi động kỹ thuật số của chúng tôi đóng vai trò như bộ khởi động tương tự truyền thống nhưng gần như không có vấn đề.
(Cũng hơi giống. Tương đồng ở một số điểm. Mà thật ra là chúng khác nhau hoàn toàn, nhưng đại loại là có cùng chức năng. Và với việc gần như không có vấn đề1, chẳng phải là “thực tế ảo2” thì không phải thực tế sao? Suýt đúng. Vậy tôi nên chuẩn bị tinh thần đón nhận những vấn đề gì khi chúng gần như không có vấn đề?)
1 Virtually trouble free.
2 Virtual reality.
Ngay cả khi không có những đoạn châm biếm trong ngoặc đơn của tôi thì bạn cũng có thể thấy rằng việc lạm dụng ngôn ngữ Lươn lẹo trong những câu văn trên đã làm giảm độ đáng tin của chúng.
Vì sao ngôn ngữ Lươn lẹo không hiệu quả? Cái gì khiến cách viết này có vẻ yếu đuối và giả tạo? Vấn đề phát sinh từ việc đưa ra những tuyên bố to tát nhưng lại không có chút bằng chứng nào cả. Sản phẩm chất lượng thế giới? Ai nói như vậy? Sản phẩm tốt nhất thị trường? Theo tiêu chuẩn nào? Liên tục? Nó có nghĩa là gì vậy? Hãy tự hỏi những câu hỏi tương tự khi viết và bạn sẽ nhanh chóng nhận ra nó có phải ngôn ngữ Lươn lẹo hay không.
Quay trở lại với e-mail gửi cho Tiến sĩ Isawaki mà chúng ta sử dụng để bắt đầu bàn luận về ngôn ngữ Lươn lẹo, bạn có thể thấy rất nhiều câu được dùng ở thể giả định hoặc ở thể bị động:
Chúng tôi muốn được gửi lời cảm ơn ông…
…có khả năng sẽ đạt được…
…chúng tôi tin tưởng rằng…
Buồn thay, đây lại là ví dụ về việc người viết sử dụng các từ Lươn lẹo ngay cả khi việc đó là không cần thiết. Có thể đó chỉ là thói quen mà Cynthia không nhận ra. Hoặc có thể cô ấy không nhận thấy là bài viết của mình nghe yếu đuối và không hiệu quả thế nào khi sử dụng chúng. Nếu viết lại e-mail của Cynthia và xóa hết những từ Lươn lẹo không cần thiết thì bức thư sẽ mang tính thuyết phục và dễ đọc hơn rất nhiều:
Kính gửi Tiến sĩ Isawaki,
Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin về những yêu cầu cụ thể. Đây là một dự án quan trọng và chúng tôi rất hào hứng tham gia đấu thầu bởi chúng tôi tự tin rằng mình có thể tạo thêm giá trị cho nó. Vì chúng tôi là tổ chức nghiên cứu duy nhất từng tiến hành hơn 500 nghiên cứu toàn cầu và có thể tiếp cận cơ sở dữ liệu khổng lồ của hơn 700 trường đại học và các nhà nghiên cứu thuộc tổ chức cá nhân. Sự kết hợp giữa kinh nghiệm và các nguồn tài nguyên này sẽ tiết kiệm được thời gian cùng tiền bạc.
Chúng tôi cũng tự tin là có thể đáp ứng được các mốc thời gian nghiêm ngặt mà dự án này đặt ra. Đầu tiên, như ông có thể thấy trong mục Nhân sự ở bản đề xuất, chúng tôi dự kiến cho những nhà quản lý dự án nhiều kinh nghiệm nhất tham gia. Như vậy, chúng tôi sẽ sử dụng được những chuyên môn đã đúc kết được, nhờ đó rút ngắn một lượng lớn thời gian đào tạo nhân sự. Thứ hai, chúng tôi sẽ kết hợp các kết quả nghiên cứu thu được từ Giai đoạn 1 với cơ sở dữ liệu do các nhóm nghiên cứu của chúng tôi thu thập để từ đó có thể nhanh chóng triển khai dự án.
Tóm lại, chúng tôi vừa trình bày một giải pháp hiệu quả đối với nhu cầu cho dự án nghiên cứu toàn cầu trong thời gian ngắn của ông. Ngay sau khi nhận được ủy quyền của ông, chúng tôi sẽ sắp xếp một buổi họp với ông và các cộng sự của ông để bàn sâu hơn về dự án này. Chúng tôi rất mong được hợp tác cùng ông.
Trân trọng,
Cynthia Osgood.
PHẢI CHĂNG VIẾT VĂN MẠCH LẠC LẠI TRỞ THÀNH NGHỆ THUẬT THẤT TRUYỀN?
Sao mọi người lại viết tệ thế? Ngạc nhiên hơn nữa là vì sao có những người có vẻ không gặp khó khăn khi giao tiếp thì lại phải rất vất vả khi truyền đạt lúc viết?
Khả năng viết mạch lạc vẫn luôn luôn là thứ hàng hóa khan hiếm. Tác giả William Strunk đã viết “cuốn sách nhỏ” có tên The Elements of Style (Những thành tố của phong cách) vào năm 1918 bởi ông quá thất vọng vì khả năng viết kém cỏi của những sinh viên học tại trường Cornell. Rồi sinh viên của ông, E. B. White1, 40 năm sau đã cập nhật nó bởi cũng quá thất vọng với cách viết thiếu mạch lạc vào thời đó. Giờ chúng ta đang sống trong thế kỷ XXI, tình hình này vẫn không mấy thay đổi. Rất nhiều khuyến nghị được Strunk và White đưa ra vẫn còn nguyên giá trị. Nhưng liệu có phải khả năng viết của một người bình thường không hề được cải thiện sau 90 năm hay không? Chẳng phải đến giờ chúng ta cũng nên học được gì đó rồi sao?
1 E. B. White (1899-1985): nhà văn người Mỹ, nổi tiếng với những bài viết trên tạp chí The New Yorker và tiểu thuyết thiếu nhi, điển hình là cuốn Charlotte's Web (Mạng nhện của Charlotte).
Câu trả lời hóa ra không hề đơn giản. Viết tốt là một kỹ năng phức tạp. Trên thực tế, người ta dễ có khả năng nói tốt hơn là viết tốt. Điều đó đúng ngay cả trong thế kỷ XXI cũng như trong thế kỷ XX và nó luôn luôn là như thế. Khả năng viết tốt đòi hỏi nhiều hơn công sức và nhận thức trong cách ngôn ngữ vận hành.
Một trong những khái niệm cốt lõi của ngôn ngữ học đó là ý tưởng về việc não bộ chúng ta được cấu tạo để tạo ra ngôn ngữ dạng nói và giải mã nó khi chúng ta nghe. Chúng ta định nghĩa một ngôn ngữ “chết” là ngôn ngữ không còn người bản địa nào nói nữa - đó là những người sinh ra và lớn lên rồi học ngôn ngữ đó một cách tự phát từ môi trường xung quanh. Ngay cả vật mẫu chữ viết của ngôn ngữ đó vẫn còn và đóng vai trò quan trọng trong nền văn hóa thì nó vẫn được coi là đã chết nếu không còn ai nói.
Viết và đọc là dạng thứ cấp hoặc một nhánh của việc tạo ra ngôn ngữ và chúng được học sau khi ta thành thạo ngôn ngữ nói. Điều này giải thích vì sao trẻ con khi học đọc thường phải đọc to những từ đó lên và nghe chúng để tìm ra chúng có nghĩa là gì.
Những lời chia sẻ
Khả năng viết tốt đòi hỏi nhiều hơn công sức và nhận thức trong cách ngôn ngữ vận hành nhiều hơn so với kỹ năng nói tốt.
Với vị thế cao hơn của ngôn ngữ nói so với ngôn ngữ viết thì không có gì ngạc nhiên khi người ta có thể nói thành công nhưng lại gặp khó khăn khi viết. Não bộ của chúng ta đơn giản là đã ít nhiều được cài đặt để tạo ra ngôn ngữ nói một cách tự phát. Viết lại là vấn đề khác. Viết đòi hỏi phải học một cách có chủ ý và quá trình đó bao gồm một loạt các quy tắc liên quan tới việc đánh vần, ngữ pháp, thậm chí là cả chọn từ theo chuẩn - những tiêu chuẩn chúng ta không áp vào ngôn ngữ nói. Chúng ta chấp nhận việc người ở Boston phát âm một số từ khác với người ở Dallas, nhưng ta không thể cho phép họ viết những từ đó khác nhau. Vì sao? Bởi chúng ta cần có một cấp độ chuẩn hóa và kiểm soát cao hơn ở ngôn ngữ viết tiếng Anh để nó có thể vận hành trên khắp các miền địa lý, văn hóa, dân tộc và chủng tộc.
Để so sánh, hãy thử nghĩ sẽ thế nào khi các nhà phân tích làm việc tại CIA hoặc FBI nhìn vào khối lượng khổng lồ các dữ liệu. Mục tiêu ban đầu của họ là xác định các mẫu hình có ý nghĩa trong dữ liệu. Càng xem nhiều dữ liệu thì họ càng khó rút ra ý nghĩa. Ta cũng làm tương tự như vậy khi nhìn vào một văn bản viết. Bằng cách thống nhất chính tả, những quy tắc ngữ pháp cơ bản,… chúng ta giảm thiểu số lượng các biến thể trong dữ liệu và do đó đơn giản hóa quy trình nhận diện mẫu hình. Tiếng Anh viết thực chất là một phần phụ của ngôn ngữ Anh, là phiên bản giản thể, được quy chuẩn hóa và đồng nhất hóa mà trong đó ta có thể nhận ra những mẫu cơ bản và từ đó có thể nhanh chóng rút ra ý nghĩa. Nó vẫn là một phương tiện giá trị và phức tạp phi thường dùng để truyền đạt ý tưởng, ý kiến và cảm xúc, nhưng nó không được đa dạng như tiếng Anh nói.
Nguồn gốc của những vấn đề khi viết xuất phát từ việc chúng ta không thành thạo những quy tắc về việc đơn giản hóa và tiêu chuẩn hóa hệ thống ngôn ngữ viết. Nếu bạn muốn viết sao cho hiệu quả và mạch lạc, hãy học cách sử dụng tiếng Anh viết một cách chính xác. Hãy sử dụng các công cụ kiểm tra chính tả và ngữ pháp. Sử dụng những câu ngắn gọn hơn. Dùng đúng từ theo đúng cách. Tóm lại, hãy viết một cách rõ ràng và súc tích. Đó là chủ đề chúng ta sẽ thảo luận trong chương tiếp theo.
Một số quy tắc và hướng dẫn chúng ta đề cập trong chương tới sẽ khơi lại những ký ức về các bài học ngữ pháp thời phổ thông. Một số khác sẽ là những mẹo giúp bài viết của bạn có vẻ chuyên nghiệp hơn, mặc dù chẳng có quy tắc ngữ pháp cụ thể nào phía sau cả.
Mục tiêu của tôi là tập trung sự chú ý của các bạn vào những thứ có hiệu quả, chứ không phải cung cấp hướng dẫn về ngữ pháp hay cách sử dụng tiếng Anh. Việc đó sẽ không giúp ích gì nhiều. Nó có thể khiến bạn bị quá tải rồi sập nguồn luôn. Từ kinh nghiệm nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện môn golf của tôi, tôi hiểu nếu các bạn phải nghe quá nhiều lời khuyên, kỹ thuật hay các quy tắc và nghĩ về tất cả những thứ đó cùng lúc thì bạn còn không đánh trúng được quả bóng. Chúng ta không muốn điều đó xảy ra cho bạn khi viết.
Quay lại với câu hỏi mở đầu cho mục này: Phải chăng viết văn mạch lạc lại trở thành nghệ thuật thất truyền? Không, tôi không cho là vậy. Những kỹ năng giúp ngôn ngữ viết có hiệu quả 50 hay 100 năm trước thì vẫn thế cho tới ngày nay. Và bạn có thể phát triển những kỹ năng đó để có thể viết những bức e-mail, thư tay hay các văn bản khác một cách mạch lạc, súc tích và hiệu quả. Bạn có thể thành thạo ngôn ngữ của thành công.