Mỗi tặng vật mang đến một niềm vui
Như cảm xúc hiền hòa còn trong ta mãi mãi
Và bình yên cũng sẽ còn gửi lại
Những khuê phòng dệt giấc mộng dịu êm
Để hạnh phúc, tình yêu thành vĩnh cửu…
- John Keats
Tôi dậy từ rất sớm, không ăn sáng và đi thẳng ra biển, với quyết tâm tìm hiểu điều bí ẩn đã đeo đẳng tôi từ ngày đầu đặt chân đến vùng biển Miramar xinh đẹp này. Giờ thì tôi đã thấy nó, một cái an-ten parabol nhô lên giống như một cây nấm khổng lồ nhìn từ mũi đất. Tôi quyết định đi đến chỗ cây an-ten parabol ấy để tìm hiểu xem nó làm nhiệm vụ gì ở đó.
Tôi đã hỏi nhiều người dân quanh vùng về cây an-ten này và câu trả lời mà tôi nhận được luôn là ánh nhìn lạ lẫm và cái nhún vai không biết. Sự thờ ơ này của họ khiến tôi rất đỗi ngạc nhiên. Tôi tự hỏi tại sao cái an-ten cao sừng sững kia – một cột mốc nổi bật suốt dọc chiều dài bờ biển – lại không gây được sự tò mò của người dân địa phương.
Tôi đi ngang qua cảng, bước dọc theo con đường đất tiếp giáp với một con đường lát đá. Leo qua thêm một thành lan can nữa, tôi bước lên một con dốc nhỏ và đập vào mắt tôi là dòng chữ in đỏ chói trên một tấm biển:
CẢNH BÁO
Nơi lắp đặt ra-đa của không quân Hoa Kỳ
Không được phép đi vào khu vực này nếu không có sự cho phép của chỉ huy phòng lắp đặt.
Khu 21, An ninh nội bộ 1950.
Bất kể lúc nào và bất cứ ai đang ở trong khu lắp đặt này đều phải chịu sự kiểm soát của đơn vị giám sát.
Tôi tiếp tục leo lên ngọn đồi cho đến khi gặp phải một hàng rào dây thép gai phía trên bao lấy khu lắp đặt, ngăn chặn mọi sự xâm nhập từ đất liền cũng như từ đường biển. Phía bên kia hàng rào, tôi trông thấy một cái đĩa rất lớn, hai cái an-ten nhỏ, cùng nhiều tòa nhà thấp. Bất thình lình, cánh cửa của một trong những tòa nhà ấy từ từ mở ra, một phụ nữ với thân hình khá vạm vỡ trong đồng phục kaki bước về phía tôi.
– Tôi giúp được gì cho ông không? – Cô hỏi vọng qua từ bên kia hàng rào.
– Không, tôi chỉ xem thôi. – Tôi mỉm cười với người phụ nữ chưa từng quen biết. Cô cũng mỉm cười chào tôi rồi quay lưng bước vào nhà.
– Nhưng cô ơi, có thể cho tôi biết nơi này là đâu không? – Tôi gọi với theo người phụ nữ khi cô chuẩn bị bước đi.
– Đây là đài ra- đa. Từ đây, chúng tôi có thể quan sát những tên lửa được phóng từ bệ phóng không quân Vandenberg.
– Bệ phóng không quân Vandenberg ư? Nó nằm ở cách đây những bốn trăm kilômét! – Tôi tròn mắt hỏi.
– Đúng vậy. – Người phụ nữ vui vẻ cho tôi biết.
– Những tên lửa rơi xuống ở đâu? – Tôi tiếp tục hỏi.
– Ngoài khơi Thái Bình Dương, gần một đảo san hô. Và bây giờ tôi rất tiếc phải thông báo với ông rằng ông đang đi trên tài sản của lực lượng không quân. – Người phụ nữ nói với một thái độ nửa đùa nửa nghiêm túc.
Tôi muốn hỏi thêm vài câu nữa, nhưng thái độ của cô như ngầm thông báo rằng cuộc trò chuyện giữa chúng tôi đã đến lúc chấm dứt.
– Tôi thành thật xin lỗi, tôi không cố ý. – Tôi mỉm cười một cách ngượng ngùng chào người phụ nữ và quay người bước đi.
Khi tiếp tục chuyến dạo chơi của mình, bất chợt tôi trông thấy hai tay lướt sóng đang cách mình khoảng năm mươi mét về bên phải, đang đi men theo bờ gần khu lắp đặt. Trong bộ quần áo ướt sũng, họ nặng nhọc bước về phía mũi đất, kéo theo những tấm ván trượt phía sau và biến mất trên triền dốc. Tôi bước theo dấu chân của họ, cuối cùng dừng lại trên đỉnh dốc một lúc và đảo mắt nhìn khắp vùng biển đầy những đá bên dưới. Tôi lặng người ngắm vẻ đẹp của một bãi biển lung linh hiện ra dưới chân dốc. Có thể nói, đây là bãi biển đẹp nhất ở Miramar, cũng như đẹp nhất trong tất cả những nơi mà tôi có dịp đặt chân đến.
Khi đến đó, tôi nhận ra mình đang ở một vùng đất hoàn toàn tách biệt với những vùng đất khác. Có lẽ đây là vùng đất chưa bị con người khai phá và người ta đã tìm thấy nó khi đang nỗ lực tìm kiếm một thứ gì khác. Về hướng Bắc, một mỏm đất gồ ghề nhô ra biển. Ở hướng Nam, những con sư tử biển đang phơi mình trên những tảng đá bị nung nóng dưới ánh mặt trời gay gắt. Phía sau tôi là một vách đá dựng đứng bị mài mòn vì những con sóng biển. Và ngoài khơi xa, những tay lướt ván đang nhẹ nhàng lướt trên những đợt sóng nhấp nhô.
Tôi nằm dài trên cát, hai tay đan võng dưới đầu ngước nhìn bầu trời xanh thẳm. Nhưng những gì tôi trông thấy được lại là các cột an-ten của ra-đa đang rủ bóng xuống cát trong ánh nắng chói chang. Từ phía dưới, tôi có thể nhìn thấy toàn bộ giá đỡ giúp nó đứng vững trên mũi đất và một cái đĩa hình lòng chảo rộng thênh đang chĩa thẳng lên trời.
Nếu là một họa sĩ vẽ phong cảnh, tôi sẽ tạo nên bức tranh tuyệt đẹp nhìn từ góc độ này. Tôi sẽ vẽ những con sóng lớn, những tay lướt sóng cừ khôi, những chú sư tử biển trên đá, và tất nhiên là cả chiếc an-ten cao vút trên bờ dốc kia. Tôi sẽ vẽ bức tranh này chân thật như những gì mình trông thấy và chiếc an-ten kia sẽ trở thành điểm nhấn trong bức tranh phong cảnh về vùng đất bị cô lập này.
Bất chợt một sự giận dữ trào dâng trong tôi khi nhớ về ngôi nhà có bóng cây che trên con đường quê đầy gió của mình ngày xưa. Hôm đó tôi đang ngồi bên cạnh cái máy đánh chữ, bâng quơ nhìn rừng sồi non bên ngoài ô cửa sổ. Bất chợt từ đâu đó xuất hiện một tốp những người thợ điện kéo vào nhà tôi trên một chiếc xe tải. Không một lời giải thích nào, họ khoan ngay một lỗ trước mép sân nhà tôi. Tôi hỏi người đốc công tại sao họ lại làm như vậy. Lúc này ông mới quay lại giải thích rằng ông sắp đặt một cái cọc đỡ những sợi dây cáp căng ngang qua.
– Ông không thể làm vậy. – Tôi nói với vẻ giận dữ. – Tôi không muốn nhìn thấy bất cứ một cái cọc xấu xí nào trước nhà tôi cả. Ông hiểu không?
Người quản đốc xua tay và nở một nụ cười đầy hàm ý:
– Lúc đầu người nào cũng nói vậy, nhưng rồi sau một thời gian, họ thậm chí còn không nhận thấy sự tồn tại của nó nữa ấy chứ.
Bấy giờ và mãi mãi về sau tôi cũng không thể quên được những lời đó.
Tôi lại nghĩ đến những người chỉ huy lực lượng Không quân khi tiến hành xây đài ra-đa trên mũi đất này. Có lẽ họ đã thật sự hiểu được ý nghĩa của câu nói đó. Khi tiến hành xây dựng những cột an-ten này, có thể họ cũng gặp phải sự chống đối dữ dội của những người dân trong vùng vì nó làm ảnh hưởng đến mỹ quan bờ biển. Dù vậy, họ hiểu rằng đến một lúc nào đó, những kiến trúc này sẽ trở thành một phần của cảnh quan nơi đây, thuộc về nơi đây và như đã ở đó từ thuở khai sơn lập địa.
Tôi hiểu tâm trạng trên của nhiều người vì tôi đã trải qua nó nhiều lần. Cách đây vài tháng, trên xa lộ Coast bỗng xuất hiện một biển báo thô kệch, xấu xí. Tôi đã nhiều lần viết thư phản đối lên chính quyền địa phương nhưng rốt cuộc cũng chẳng giải quyết được gì. Thậm chí tôi còn thấy khó chịu đến mức nhiều đêm muốn đến đó và âm thầm hạ nó xuống. Tôi cho rằng mọi hành động của mình lúc đó, dù hợp pháp hay không cũng thể hiện một sự công bằng. Thế nhưng, đúng như lời người quản đốc, nhiều tuần trôi qua, cái biển báo kia đã trở nên ít khó chịu hơn với tôi. Mỗi ngày tôi đều lái xe vượt qua tấm biển đó, và đến một hôm, khi đã đi được một đoạn đường khá xa, tôi nhận ra mình thậm chí không còn thấy nó ở đó nữa.
Và bây giờ, khi tôi ngồi trên bãi biển dưới cái bóng của chiếc an-ten, tôi tự hỏi về những gì mình đã trải qua. Tôi tin rằng mỗi người đều có một quyền hạn nhất định trong việc bảo vệ sự nguyên sơ của trái đất trước sự can thiệp thô bạo của chính con người chúng ta. Quả thật, mỗi lần nhượng bộ trước sự xấu xí cùng những sai lầm xung quanh, tôi đều có cảm giác như tôi vừa từ bỏ một phần quyền lực của mình từ lúc sinh ra, cũng như đã từ bỏ một phần tinh túy trong con người mình.
Tôi không phản đối quá trình can thiệp của con người vào tự nhiên. Tôi hiểu vai trò của sản xuất trong việc tạo ra hàng loạt của cải để giúp cuộc sống trở nên tiện nghi và thoải mái hơn. Tôi cũng luôn tôn trọng công việc của những nhà nghiên cứu cũng như của những kỹ sư. Với tư cách là một nhà báo, tôi từng theo dõi quá trình xây dựng những chiếc cầu, đập nước và đường cao tốc của họ. Tôi đã cảm nhận được sức nóng khủng khiếp mà những công nhân lò luyện kim phải chịu đựng; và tôi cũng đã viết về những siêu máy tính mà tôi dự đoán nó sẽ làm thay đổi cuộc sống của con người trong tương lai gần.
Nhưng tôi lại cho rằng, hầu như chúng ta chưa dự đoán hết tác động của việc đặt những sản phẩm kỹ thuật ở vị trí ưu tiên hơn so với vẻ đẹp nguyên sơ của một vùng đất. Dường như thờ ơ trước sự xấu xí đã trở thành căn bệnh chung của xã hội. Chúng ta không biết rằng, một khi chung sống với nó, chúng ta đã tự làm tổn thương bản thân và từng bước đánh mất chính mình. Có thể nói, chúng ta đã rất may mắn khi được Thượng đế ưu ái trao tặng khu vườn địa đàng này, vùng đất của những điều kỳ thú. Thế nhưng, một cách vô thức, chúng ta đang để nó vuột khỏi tầm tay mình.
Tôi tin khao khát hướng tới cái đẹp là đạo lý quan trọng nhất của con người chúng ta. Cái đẹp không hàm chứa sự bạo lực. Cũng như vậy, nó là liều thuốc hóa giải tất cả những phẫn nộ bị dồn nén trong cuộc sống. Chúng ta chỉ có thể lựa chọn – hoặc cái đẹp, hoặc sự bạo lực. Nếu chọn bạo lực, chúng ta đang tiến dần đến cái chết và sự tự hủy diệt bản thân. Ngược lai, nếu chọn cái đẹp, chúng ta sẽ tạo nên sự yên bình cho cuộc sống để được nhìn thấy nụ cười xinh xắn của trẻ thơ cũng như có được giấc ngủ tràn ngập những giấc mơ ngọt ngào.
Mặt trời chiếu thẳng đứng trên đài ra-đa, phản chiếu ánh kim loại xuống những tảng đá ven đó. Tôi có thể cảm nhận được sức nóng khủng khiếp mà nó lan tỏa trên mặt và tay. Tôi đưa tay kéo chiếc mũ xuống thấp một chút để không bị nó làm cho chói mắt. Khi thực hiện động tác đó, tôi phát hiện xung quanh mình đầy rẫy những vỏ bia. Tôi đếm được hơn ba mươi lon, nằm rải rác khắp nơi, một vài cái nằm trơ trên bãi cát, còn đa số bị vùi lưng chừng xuống cát. Đây là lần đầu tiên tôi thấy vỏ lon bia bị vứt trên một bờ biển hoang sơ và xinh đẹp nhiều đến vậy.
Cách đây khá lâu, tôi có dịp tham gia leo núi cùng một người bạn. Chúng tôi leo trên con đường Grinnell trong công viên quốc gia Glacier. Phong cảnh xung quanh rất đẹp, bên dưới trải dài mặt hồ xanh nhàn nhạt; phía trên là vách đá, vườn hoa, đập nước Continental. Nửa đường đi lên, bạn tôi nhìn thấy một vật gì đó màu trắng nhét trong một khe đá. Anh lấy nó ra bằng một que nhỏ và nhét vào cái túi bên trong chiếc ba lô đang đeo trên vai.
– Cái gì vậy? – Tôi tò mò hỏi.
– Một miếng giẻ rách của một kẻ đáng khinh! – Anh đáp với vẻ mặt bực bội.
Tôi có thể hiểu được cảm giác của bạn tôi lúc đó, vì bây giờ tôi cũng đang cảm thấy như vậy. Quả thật, tôi cảm thấy tức giận trước ý thức kém cỏi của những kẻ đã gây ra cảnh tượng không đẹp này. Tôi tự hỏi tại sao họ lại có thể vô cảm đến như vậy? Tại sao họ lại mang những lon bia đến bãi biển xinh đẹp này và vứt bừa bãi ở đó, trong khi họ có thể dễ dàng ngồi trên một bệ đá trong thành phố để uống và có người dọn dẹp? Có lẽ họ đã bị vẻ đẹp của vùng biển này chinh phục. Thế nhưng khi đến đây, họ lại không có ý thức bảo vệ nó.
Khi bữa tiệc kết thúc, như những đứa trẻ tinh nghịch, lười biếng, họ vô tư xả rác! Có thể họ cho rằng việc hành xử khác đi sẽ trở thành mối ràng buộc thiêng liêng với đất, với biển, với tự nhiên – điều mà họ chẳng hề mong muốn. Thế nhưng, khi đối xử với biển như vậy, vô tình họ cũng đã thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với chính bản thân mình. Không những vậy, những cái lon rỗng ngổn ngang dưới chân tôi còn là phát ngôn cho tính cách và thái độ sống của những người đã đem nó đến đây.
Tôi biết một người đàn ông thường hay giễu cợt sở thích đi dạo biển vào lúc mặt trời lặn để ngắm hoàng hôn của vợ mình. “Phụ nữ thích hoàng hôn nhỉ” – anh vẫn thường trêu vợ mình như thế. Tôi biết anh ấy muốn thể hiện cho vợ thấy mình là người có suy nghĩ thực tế, không thuộc tuýp người mơ mộng, lãng mạn như cô ấy. Thật ra, mong muốn này của anh cũng chẳng có gì sai trái. Tuy vậy, nó khiến tôi nghĩ rằng anh đang cố tạo ra một vỏ bọc an toàn giữa anh và những gì anh cảm nhận được. Anh không dám thừa nhận cảm giác của bản thân cũng như dành những khoảnh khắc hiếm hoi trong cuộc sống để sống thật với con người mình.
Tôi có thể cảm nhận được sự khác nhau giữa những người cho rằng mình vô cảm với cảnh hoàng hôn và những ai đi đến bờ biển xinh đẹp này và vứt đầy những lon bia lên đó. Một điều dễ thấy là cả hai đều bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp của thiên nhiên nhưng đều không dám thừa nhận cảm giác của mình vì sợ phá hỏng hình tượng mạnh mẽ đã cố công tạo dựng. Trong suy nghĩ của họ, người có phong cách và cá tính mạnh mẽ sẽ được mọi người xung quanh nể phục.
Tôi cho rằng sở dĩ nhiều người trong chúng ta trở nên hung hãn, cuồng nộ chỉ vì họ không có cơ hội để chiêm ngưỡng và tìm hiểu vẻ đẹp của thiên nhiên. Chính sự thiếu vắng này đã để lại những thương tổn về mặt tinh thần và tình cảm của họ, khiến họ trở thành những con người như vậy.
Suy nghĩ này gợi tôi nhớ đến những kỷ niệm êm đẹp thời thơ ấu khi được sống cùng ông bà ở vùng biển Manhattan - nơi có những vườn hoa thược dược, những cây dâu tằm, và bãi biển xanh ngắt. Khi về sống với bố mẹ bên bờ phía Tây của New York, tôi thấy nhớ Manhattan da diết. Ước muốn thoát khỏi nhịp sống ồn ào cùng những con đường cứng nhắc của thành phố hiện đại này đã chiếm lấy suy nghĩ của tôi và trở thành nguyên nhân chính dẫn đến sự rạn nứt tình cảm giữa tôi và bố mẹ. Sau những lần thuyết phục không đạt kết quả, cuối cùng tôi chuyển về sống với ông bà còn bố mẹ vẫn ở lại trong căn hộ chung cư ở New York – một sự sắp xếp hợp lý cho cả đôi bên.
Nghề của bố tôi là vẽ thiết kế cho những cửa hàng bách hóa, các công ty quảng cáo, và tạp chí. Ông chọn ở lại thành phố vì muốn gần gũi với các khách hàng của mình. Những khi rỗi rãi, ông lại tìm về chính mình bằng những nét cọ trên khung tranh. Ông vẽ những cây bu-lô trắng và những bờ đá của vùng biển Maine. Ông vẽ một người đàn bà da đỏ đeo một cái túi địu con, cả hai quấn trong một cái khăn choàng màu đỏ. Ông vẽ những bến cảng, một vài chiếc thuyền có cánh buồm tam giác băng ngang biển Ả-rập. Ông vẽ về cả những nơi ông chưa một lần đặt chân đến.
Dù tất cả những bức tranh của bố tôi đã tan thành tro trong một trận cháy nhà cách đây nhiều năm, tuy vậy chúng vẫn hằn sâu trong ký ức của tôi một cách sống động. Và hơn bao giờ hết, lúc này tôi hiểu rằng chúng đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của bố tôi. Và nếu được gặp bố lúc này, tôi sẽ hỏi ông câu hỏi đã ám ảnh tôi suốt nhiều năm về con người ông. Tôi sẽ hỏi: “Tại sao trong những bức tranh của bố không hề có sự hiện diện của những tòa cao ốc, những con đường lát đá thẳng tắp và sạch sẽ của thành phố nhộn nhịp đó? Phải chăng trái tim bố không thuộc về nơi bố sinh sống?”.
Tôi chờ để nghe câu trả lời, nhưng đáp lại tôi chỉ là tiếng vọng của biển cả bao la.
Tôi nhìn về phía đài ra-đa trong màn sương mù dày đặc bao phủ. Đến khi sương tan, cái an-ten bỗng dưng biến mất. Cái đĩa lớn, ngửa mặt lên trời, đã quay quanh trục của nó và hiện đang ở vị trí nghiêng so với mặt biển. Tôi nghĩ nó đã đổi vị trí để có thể theo dõi những tên lửa vừa được phóng lên.
Không hiểu sao tự dưng lòng tôi trào dâng một cảm giác buồn bã đến lạ. Tôi muốn tìm một ai đó để nói chuyện nhưng xung quanh chẳng có gì ngoài những cơn sóng đua nhau đánh vào vách đá. Trong nỗi thất vọng khôn cùng, tôi đành tưởng tượng ra cuộc trò chuyện với người bảo vệ tại đài ra-đa.
– Vì sao cô lại chọn làm ở đây mà không phải ở một nơi nào khác?
– Tôi thích công việc theo dõi những tên lửa, đó là lý do tôi có mặt ở đây.
– Nhưng tại sao?
– Để bảo vệ chúng ta và chống lại kẻ thù. Đó là công việc mà chúng tôi phải làm.
– Nhưng kẻ thù của cô không phải kẻ thù của tôi. Kẻ thù của tôi là những ai muốn bảo vệ tôi bằng cách phá hủy những thứ tôi thích.
– Nếu ông không bảo vệ những gì thuộc về ông, một ngày nào đó nó sẽ bị cướp bởi những người mạnh hơn ông.
– Không, cô không hiểu tôi rồi. Ý tôi muốn nói là chúng ta không thể kết thúc sự thù địch của con người bằng việc đặt một cái ăng-ten lên một mũi đất xinh đẹp như thế này. Chúng ta không thể tạo ra một thế giới hòa bình bằng việc chế tạo những tên lửa xuyên đại dương. Cách duy nhất có thể làm cho thế giới hòa bình là hãy gieo cái đẹp đến khắp mọi nơi – cái đẹp của nghệ thuật, của tự nhiên – để mọi người cùng yêu thích và chiêm ngưỡng. Mỗi lần xóa đi một phần cái đẹp của thế giới, chẳng hạn như việc lắp đặt cái ăng-ten thô kệch này ở đây, đồng nghĩa với việc chúng ta đang thu nhỏ chính mình.
Tôi muốn thét lên cho người phụ nữ đó hiểu rằng, những việc cô đang làm thực sự chỉ góp phần giết chết cái đẹp, và bạo lực, tên lửa chính là khởi nguồn của các cuộc chiến tranh. Tuy vậy tôi đã không làm được điều này. Cổ họng tôi ứ nghẹn lại, và trước mặt tôi cũng chẳng có người nào.